Triết học nhân học

Claude Lévi-Strauss và lý thuyết nhân loại học của ông

 

Vài nét về Claude Lévi-Strauss và lý thuyết nhân loại học của ông

ĐINH HỒNG PHÚC

 

Claude Lévi-Strauss là nhà nhân loại học xã hội người Pháp, một lý thuyết gia hàng đầu của thuyết cấu trúc, vốn là thuyết được áp dụng vào việc phân tích các hệ thống văn hóa (như: các hệ thống quan hệ họ hàng và các hệ thống huyền thoại) dựa vào các quan hệ cấu trúc giữa các yếu tố của chúng. Thuyết cấu trúc không chỉ ảnh hưởng đến khoa học xã hội thế kỷ 20 mà còn đến các lĩnh vực khác: nghiên cứu triết học, tôn giáo so sánh, văn chương, điện ảnh.

Nhà triết học, nhân loại học Claude Lévi-Strauss (1908-2009)

Sau khi học triết học và luật học tại Universités de Paris [Viện Đại học Paris] (1927-1932), Lévi-Strauss đi dạy học ở một trường trung học ở Pháp, rồi sau đó được bổ nhiệm làm giáo sư xã hội học Viện Đại học São Paulo, Brazil (1934–37), và trên cương vị này, ông chuyên nghiên cứu về các các cộng đồng dân tộc bản địa ở Brazil. Từ năm 1941 đến 1945, ông là giáo sư thỉnh giảng tại trường New School for Social Reseach ở Thành phố New York, và ở đây ông quan tâm sâu sắc đến các công trình ngôn ngữ học của Roman Jakobson. Từ năm 1950 đến 1974, ông là giám đốc trường École Pratique des Hautes Études [Trường Cao đẳng Nghiên cứu Thực hành] thuộc Viện đại học Paris, và năm 1959, ông được bổ nhiệm chức giáo sư nhân loại học xã hội trường Collège de France (một cơ sở đào tạo cấp cao danh giá nhất nước Pháp). Năm 1973, ông được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp. Claude Lévi-Strauss từ trần vào ngày 30 tháng 10 năm 2009, hưởng thọ 101 tuổi.

Các công trình nghiên cứu của ông thật phong phú và đồ sộ đến mức sẽ là một thử thách cực kỳ khó khăn cho bất cứ ai có tham vọng muốn tổng hợp toàn bộ sự nghiệp của ông, trong đó ta có thể kể đến một số công trình quan trọng nhất của ông: Les Structures élémentaires de la parenté [Cấu trúc sơ đẳng của quan hệ họ hàng, 1949], Race et Histoire [Chủng tộc và lịch sử, 1952],Tristes tropiques [Nhiệt đới buồn, 1955], Anthropologie structurale [Nhân loại học cấu trúc, 1958], Le Totémisme aujourd’hui [Tôtem giáo ngày nay, 1962], La pensée sauvage [Tư duy hoang dã, 1962]. Mythologies [Huyền thoại học, gồm 4 quyển: Le cru et le cuit / Cái sống và cái chín (1964), Du miel aus cendres / Từ mật đến tro (1967), L’Origine des manières de table / Nguồn gốc của phép tắc ăn uống (1968) và L’Home nu / Con người trần truồng (1971)], Anthropologie structurale deux / Nhân loại học cấu trúc, quyển II (1973), v.v..

Thuyết cấu trúc của Lévi-Strauss là một nỗ lực rút gọn một lượng khổng lồ các thông tin về các hệ thống văn hóa vào các quan hệ hình thức giữa các yếu tố của chúng. Ông xem các nền văn hóa như là các hệ thống giao tiếp và tiến hành xây dựng các mô hình dựa trên ngôn ngữ học cấu trúc, lý thuyết thông tin để giải thích chúng.

Vào những năm 1940, Lévi-Strauss đề xuất ý kiến rằng lĩnh vực nghiên cứu riêng của các nhà nhân loại học không phải ở việc tìm hiểu xem các cộng đồng dân tộc đã đưa thế giới của họ vào các phạm trù ra sao, mà ở việc xét xem những khuôn mẫu nền tảng của tư duy nhân loại tạo ra những phạm trù về thế giới như thế nào. Theo đuổi công việc tìm kiếm này, ông dành cả quãng đời còn lại để tiến hành các nghiên cứu xuyên-văn hóa về quan hệ họ hàng, các huyền thoại, và tôn giáo trong một nỗ lực hiểu cho được cái cấu trúc nền tảng của nhận thức của con người.

Lý thuyết của Lévi-Strauss về văn hóa dựa vào tâm lý học, nhưng khác với Sigmund Freud, ông không tin rằng cái cấu trúc tâm lý học là cái quy định văn hóa. Thay vào đó, Lévi-Strauss tin rằng những quá trình lôgic làm cơ sở cho việc cấu trúc toàn bộ tư duy con người vận hành trong những ngữ cảnh văn hóa khác nhau. Kết quả là, các hiện tượng văn hóa không mang tính đồng nhất, mà chúng chỉ là những sản phẩm của một khuôn mẫu tư duy phổ quát làm cơ sở. Nhân loại học của ông là một cố gắng tìm cách vạch ra cái khuôn mẫu này.

Thuyết cấu trúc của ông chịu ảnh hưởng sâu sắc của thế hệ các nhà bác học tiền bối người Pháp là Émile Durkheim và Marcel Mauss. Nhan đề của công trình chủ yếu đầu tiên của ông, Các cấu trúc sơ đẳng của quan hệ họ hàng (1949), mang âm hưởng của nhan đề một công trình vĩ đại của Durkheim về tôn giáo, Các hình thức sơ đẳng của đời sống tôn giáo (1912). Cái gọi là Trường phái Prague (Prague School) trong ngôn ngữ học cấu trúc, được tổ chức vào năm 1926, cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành lý thuyết của ông. Nhóm các nhà bác học này, do nhà ngôn ngữ học Roman Jakobson (1896-1982) và Nikolai Troubetzkoy (1890-1938) sáng lập, nhấn mạnh phương diện đồng đại (mô tả) chứ không phải phương diện lịch đại (lịch sử) của nghiên cứu ngôn ngữ và cổ xúy cho lý thuyết rằng nghĩa của ngôn ngữ được xây dựng trên những sự đối lập giữa các âm, hay các âm vị. Các hội viên của Trường phái Prague đã định nghĩa và xác định tính chất cho việc nghiên cứu âm vị học về các ngôn ngữ. Việc làm này đã mang lại cho Lévi-Strauss khái niệm “các đối lập nhị phân”, vốn là khái niệm nền tảng trong quá trình ông xây dựng thuyết cấu trúc của mình.

Có lẽ cách đơn giản nhất để giải thích cơ sở lý luận của thuyết cấu trúc là đối sánh nó với ngôn ngữ học. Tất cả các ngôn ngữ đều được kết hợp từ các nhóm âm tố có tính chất võ đoán gọi là các âm vị. Bản thân các âm vị là không có nghĩa. Chỉ khi nào được kết hợp thành những đơn vị lớn hơn (các hình vị, các từ, các ngữ, v.v..) theo những mô hình nhất định (các quy tắc về cú pháp và ngữ pháp) thì các âm vị mới tạo thành những đơn vị có nghĩa (lời nói). Vì phần đông những người nói ở một ngôn ngữ không thể nối khớp các quy tắc làm cơ sở cho việc cấu trúc nên cách sử dụng các âm vị của họ và việc tạo ra một sự giao tiếp có nghĩa, thế nhưng tất cả họ đều có thể sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp với nhau một cách có hiệu quả. Vì thế, ở cấp độ tiềm thức, ta phải “biết” các quy tắc cấu trúc nên việc sử dụng ngôn ngữ của ta. Công việc của một nhà ngôn ngữ học là phải vượt khỏi sự sử dụng bề ngoài của ngôn ngữ và phát hiện ra các nguyên tắc vô thức này. Theo cùng cách như vậy, Lévi-Strauss cố gắng thiết kế một kỹ thuật nghiên cứu các nguyên tắc vô thức cấu trúc nên văn hóa của con người.

Với Lévi-Strauss, văn hóa, cũng như ngôn ngữ, về cơ bản là một tập hợp các biểu trưng có tính chất võ đoán. Ông không quan tâm đến nghĩa riêng biệt của các biểu trưng đến mức giống như nhà ngôn ngữ học quan tâm đến những âm vị của một ngôn ngữ. Đúng hơn, ông chú ý đến việc tạo khuôn mẫu cho các yếu tố, tức phương cách mà các yếu tố văn hóa quan hệ với nhau để tạo thành hệ thống tổng thể.

Một thức nhận then chốt của Trường phái Prague đó là các từ được xây dựng trên các đối lập (các đối lập nhị phân) giữa các âm vị chứ không phải đơn thuần là giữa các nhóm âm. Theo mô hình ngôn ngữ học này, Lévi-Strauss đề xuất ý kiến là khuôn mẫu nền tảng của tư duy nhân loại cũng sử dụng các đối lập nhị phân như đen-trắng, đêm-ngày, nóng-lạnh, v.v.. Thức nhận này rất trùng hợp với đề nghị của Durkheim và Hert rằng những sự phân biệt như thiêng-phàm, phải-trái đều là những bộ phận nền tảng của ý thức tập thể.

Công trình chính yếu đầu tiên của Lévi-Strauss là Các cấu trúc sơ đẳng của quan hệ họ hàng (1949). Ông dùng khái niệm cấu trúc nhị phân của tư duy con người để phân tích mối quan hệ họ hàng trong khi sử dụng công trình của Marcel Mauss. Trong Essai sur le don. Forme et raison de l’échange dans les sociétés archaïques [Bàn về quà tặng. Hình thức và lý do của sự trao đổi trong các xã hội nguyên thủy, 1925], Mauss cố chứng minh rằng hiện tượng trao đổi trong các xã hội nguyên thủy không phải do những động cơ kinh tế thúc đẩy mà do các quy tắc trao đổi lẫn nhau, mà sự liên kết xã hội lại phụ thuộc vào quy tắc này, thúc đẩy. Trong Các cấu trúc sơ đẳng của quan hệ họ hàng, Lévi-Strauss lấy quan niệm của Marcel Mauss về quan hệ có qua có lại và áp dụng nó vào vấn đề hôn nhân trong các xã hội nguyên thủy khi cho rằng phụ nữ là một hàng hóa có thể được mang đi trao đổi. Lévi-Strauss thừa nhận rằng một trong những phân biệt đầu tiên và quan trọng nhất của một ai đó là sự phân biệt giữa cái tôi và người khác. Sự phân biệt nhị phân “có tính chất tự nhiên” này dẫn đến sự hình thành việc cấm kị loạn luân, bắt buộc việc chọn vợ chọn chồng phải là người ngoài gia đình. Theo cách này, sự phân biệt nhị phân giữa họ hàng và không họ hàng được giải quyết bằng sự trao đổi những người phụ nữ lẫn nhau và sự hình thành mạng lưới họ hàng trong các xã hội nguyên thủy.

Mối quan tâm của Lévi-Strauss đến huyền thoại ở chỗ ông tin rằng việc nghiên cứu các huyền thoại của các cộng đồng dân tộc nguyên thủy sẽ cho phép ông khảo sát được cái khuôn mẫu ý thức phổ quát của tư duy nhân loại trong hình thức chưa bị vấy bẩn của nó. Trong quan niệm của ông, huyền thoại của các cộng đồng dân tộc nguyên thủy gần với các nguyên tắc phổ quát này hơn là với niềm tin của người phương Tây, bởi lẽ sự đào tạo mà ta tiếp nhận trong xã hội Tây phương sẽ chôn vùi cái cấu trúc lôgíc mà ông tìm kiếm dưới các lớp “giao thoa văn hóa” do môi trường xã hội Tây phương tạo ra.

Trong công trình nghiên cứu về các truyện huyền thoại, truyện kể dân gian và tôn giáo, Huyền thoại học, Lévi-Strauss mở rộng quan niệm rằng nhận thức của con người được cấu trúc thành các đối lập nhị phân. Ông cho rằng đặc trưng cơ bản của tư duy con người là mong muốn tìm ra một trung điểm giữa các đối lập ấy. Trong quan niệm của Lévi-Strauss, các yếu tố của truyện huyền thoại, giống như các âm vị của ngôn ngữ, chỉ có nghĩa khi chúng được sắp đặt theo các quan hệ cấu trúc nhất định. Kết quả là, nhà cấu trúc luận khảo sát các quy tắc quy định mối quan hệ giữa các yếu tố của truyện huyền thoại, bằng cách cố gắng phân giải truyện thành những yếu tố cấu thành và vạch ra cái nghĩa vô thức được tìm thấy trong các quan hệ nhị phân giữa chúng. Cái lõi cấu trúc ẩn giấu này sẽ vén mở những yếu tố chính yếu của tư duy nhân loại.

Để ghi nhớ những gì ông đã đóng góp cho văn hóa nhân loại, nhất là cho sự thông hiểu lẫn nhau giữa các vũ trụ văn hóa, chúng tôi sẽ lần lượt phiên dịch để giới thiệu rộng rãi cho bạn đọc yêu quý của trang web Doxa[1] trong vài tuần tới hai bài viết mẫu mực của ông: một là bài “Phân tích cấu trúc trong ngôn ngữ học và trong nhân loại học”, một trong những bài viết kinh điển đầu tiên của Lévi-Strauss, công bố lần đầu vào năm 1945, trong đó ông dựa vào quan niệm của Mauss về quan hệ có qua có lại để phác thảo lý thuyết của mình về quan hệ dòng họ; hai là bài “Bốn huyền thoại của người Winnebago – một phác thảo cấu trúc” (1960), trong đó ông phác họa những phương diện cơ bản của phương pháp phân tích huyền thoại của ông bằng cách so sánh bốn câu chuyện huyền thoại của người Mỹ bản địa do Paul Radin sưu tập.

 

Nguồn: tổng lược từ các tài liệu nước ngoài

[1] Tiền thân của trang http://triehoc.edu.vn

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt