Triết học nhân học

Câu hỏi 98. Sự bảo tồn loại

 

CÂU HỎI 98

SỰ BẢO TỒN LOẠI

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. Quyển I, Tập 5: "Thiên Chúa và thứ tự sáng tạo" (Từ câu hỏi 84 đến câu hỏi 119). Lm. Jos. Trần Ngọc Châu dịch, Lm. Lud. Nguyễn Văn Hạnh hiệu đính. | Xem bản dịch tiếng Anh


 

 

Chúng ta nghiên cứu về sự bảo tồn loại; Trước hết, về sự sinh sản; sau đó, về tình trạng của con cháu (Q.99). Mục thứ nhất có hai điểm :

1. Trong tình trạng vô tội có sự sinh sản ?

2. Sự sinh sản được thực hiện bởi sự giao hợp ?

 

Tiết 1

TRONG TÌNH TRẠNG VÔ TỘI SỰ SINH SẢN ĐÃ HIỆN HỮU ?

 

VẤN NẠN : Xem ra đã không có sự sinh sản trong tình trạng vô tội.

1. Đã xác định trong Vật lý học : “Sự tiêu diệt trái ngược với sự sinh sản” (Aristote., Phys. 5,5). Mà các đối-lập-hữu có quan hệ đến cũng một chủ thể. Mà không có sự tiêu diệt trong tình trạng vô tội. Vậy cũng không có sự sinh sản.

2. Đối tượng của sự sinh sản là sự bảo tồn trong loại của cái gì có thể bị tiêu diệt trong cá thể. Vậy không có sự sinh sản trong những cá thể tồn tại luôn mãi, Mà trong tình trạng vô tội, người ta sống luôn mãi. Vậy trong tình trạng vô tội không có sự sinh sản.

3. Bởi sự sinh sản người ta gia tăng. Mà gia tăng các ông chủ đòi phải chia tài sản để tránh sự lộn xộn trong quyền ông chủ. Vậy bởi vì người làm chủ các thú vật, tất nhiên phải phân chia các quyền lợi khi loài người gia tăng nhờ sinh sản. Điều này trái với luật tự nhiên theo lời nói của thánh Isidore, vì theo luật tự nhiên mọi vật phải để làm của chung (Etymol. 5,4). Vậy không có sự sinh sản trong tình trạng vô tội.

TRÁI LẠI : Có lời ghi chép : “Các ngươi hãy gia tăng sinh sản đầy mặt đất” (St 1,28). Mà sự gia tăng này không xảy ra trừ phi sự sinh sản, bởi vì số nguồn gốc loài người chỉ là hai. Vậy có sự sinh sản trong tình trạng vô tội.

TRẢ LỜI : Trong tình trạng vô tội đã có thể có sự sinh sản con cháu để làm gia tăng loài người. Nếu cách khác, tội của người ta rất cần thiết, vì sự chúc phúc lớn lao thể ấy là kết quả của nó. Vậy chúng ta phải xét người ta theo bản tính, được thiết lập ở giữa các thụ tạo tiêu diệt và bất-khả-diệt, bởi linh hồn cách tự nhiên bất-khả-diệt, đang khi thân thể cách tự nhiên có thể tiêu diệt. Chúng ta cũng phải xét mục đích của bản tính xem ra dị biệt đối với vật có thể tiêu diệt và vật bất-khả-diệt. Vì mục đích trực tiếp của bản tính thì bất biến và vĩnh cửu, đang khi cái gì chỉ hiện hữu cho một thời gian mà thôi, thì không phải là mục đích chủ yếu của bản tính, nhưng phụ thuộc một vật nào khác; nếu cách khác, khi nó thôi hiện hữu, mục đích của bản tính trở nên trống không.

Vậy ở nơi các vật có thể tiêu diệt không cái gì trường tồn vĩnh cửu ngoài loại, do đó mà mục đích chủ yếu của bản tính là sự tốt của loại: nên để bảo tồn loại thì sự sinh sản được sắp đặt. Đàng khác các bản thể bất-khả-diệt vẫn tồn tại không những trong loại, mà còn trong cá thể; và do đó các cá thể được bao gồm trong mục đích chủ yếu của bản tính.

Như thế, loài người về phía thân thể có thể tiêu diệt, việc sinh sản thích hợp với họ. Còn về phía linh hồn bất-khả-diệt có điều thích hợp với mình là số nhiều cá thể làm mục đích chủ yếu của bản tính hoặc của Tác giả của bản tính, vì duy Ngài là Đấng sáng tạo linh hồn. Do đó nhằm gia tăng loài người. Thiên Chúa đã thiết lập sự sinh sản ngay trong tình trạng vô tội.

GIẢI ĐÁP :

1. Trong tình trạng vô tội, thân thể người ta tại sự có thể tiêu diệt, nhưng được bảo tồn khỏi tiêu diệt nhờ linh hồn. Vậy bởi vì sự sinh sản thuộc về các vật có thể tiêu diệt, thì người ta hẳn không bị tước đoạt công việc này.

2. Dầu sự sinh sản trong tình trạng vô tội có thể không cần thiết cho việc bảo tồn loại, nhưng được đòi hỏi cho việc gia tăng cá thể.

3. Trong hiện trạng của chúng ta, sự phân chia tài sản là việc cần thiết, do phức-số-tính của các ông chủ, vì tình trạng của cải chung là nguồn gốc cãi cọ xung đột, theo lời nói của Triết gia (Polit. 2.2). Còn trong tình trạng vô tội các ý chí của người ta được sắp đặt rất tốt lành đến nỗi không có sự nguy hiểm xung đột cãi cọ và người ta làm chủ và sử dụng của cải chung cùng với nhau tùy nhu cầu của mỗi người như ngày nay giữa những người tốt lành.

 

Tiết 2

TRONG TÌNH TRẠNG VÔ TỘI

ĐÃ CÓ SỰ SINH SẢN BỞI GIAO HỢP KHÔNG ?

 

VẤN NẠN : Xem ra sự sinh sản bởi giao hợp đã không hiện hữu trong tình trạng vô tội.

1. Thánh Damascenô nói : “Con người đầu tiên trong vườn địa đàng tương tự với thiên thần” (De Fide Orth. 2,11). Mà trong tình trạng tương lai sống lại, khi người ta sẽ tương tự với các thiên thần, họ sẽ không cưới vợ lấy chồng, như đã có lời ghi chép (Mt 22.30). Vậy trong vườn địa đàng đã không có sự sinh sản bởi giao hợp.

2. Hai ông bà đầu tiên đã được sáng tạo vào lúc tuổi đã phát triển đầy đủ. Vậy nếu sự sinh sản bằng sự giao hợp đã hiện hữu trước khi phạm tội, họ đã giao hợp ngay ở trong vườn địa đàng; và trường hợp đã không xảy ra theo lời Kinh thánh (St 4,1).

3. Trong sự giao hợp hơn bất cứ lúc nào khác, người ta trở nên tương tự với thú vật, vì sự khoái lạc mãnh liệt được thưởng thức trong đó. Do đó, đáng khen ngợi sự chế dục mà người ta kiêng cử các sự khoái lạc như thế. Mà người ta bị so sánh với thú vật vì tội, theo lời thánh vịnh : “Người ta khi sống vẻ vang, nếu không khôn ngoan, tương tự với thú vật là những vật diệt vong” (Tv 48,21). Vậy trước khi phạm tội, ông Adong và bà Evà không giao hợp.

4. Trong tình trạng vô tội không có sự tiêu hư. Mà sự đồng trinh trọn vẹn bị tiêu hư bởi sự giao hợp. Vậy điều này không xảy ra trong tình trạng vô tội.

TRÁI LẠI : Thiên Chúa đã tạo thành người nam và người nữ trước khi phạm tội (St 1,27 và 2,22). Mà không cái gì vô hiệu trong các công trình của Thiên Chúa. Vậy cho dầu người ta không phạm tội, vẫn có sự giao hợp mà sự phân biệt tính được sắp đặt. Hơn nữa chúng ta được biết người nữ được tạo thành để giúp đỡ người đàn ông (St 2,18.20). Nhưng người đàn bà không được làm cho thích hợp để giúp người đàn ông ngoài việc sinh sản, vì một người đàn ông khác hẳn có thể đem lại sự giúp đỡ có hiệu quả hơn nhiều trong bất cứ công việc nào khác. Vậy có thể đã có sự sinh sản như thế trong tình trạng vô tội.

TRẢ LỜI : Một số tiến sĩ đầu tiên nghiên cứu bản tính vật dục đối với sự sinh sản trong hiện trạng của chúng ta, kết luận trong tình trạng vô tội sự sinh sản đã không thực hiện một thể cách (St. Damascène, De Fide Orth. 2,30). Như vậy, thánh Grêgôriô de Nysse nói trong vườn địa đàng loài người đã gia tăng bởi phương pháp, như các thiên thần gia tăng không nhờ sự giao hợp, nhưng bởi hành động của năng lực Thiên Chúa (De Hom. Opif. 17). Ông nói thêm Thiên Chúa đã tạo thành người nam và người nữ trước khi phạm tội, bởi vì Ngài biết trước thể cách sinh sản sẽ xuất hiện sau khi phạm tội mà Ngài đã thấy trước. Nhưng điều này phi lý. Vì cái gì tự nhiên đối với người ta không thu được cũng không bị mất bởi tội. Mà rõ ràng sự sinh sản bởi giao hợp là tự nhiên đối với người ta do đời sống thú tính mà họ đã chiếm hữu trước khi phạm tội, như đã giải thích ở trước (Q.97, a.3), như tự nhiên đối với các thú vật hoàn hảo khác. Điều này được chứng tỏ bởi các cơ quan hữu hình tạo nên cho công việc này. Vậy chúng ta không được cho phép các cơ quan này không có ứng dụng của chúng, như các cơ quan khác, trước khi phạm tội.

Như vậy đối với sự sinh sản bằng giao hợp, theo hiện trạng của đời sống. Có hai điều phải xét. Điều thứ nhất phát xuất bởi bản tính, là sự phối hợp người nam và người nữ, vì trong mọi hành động của sự sinh sản cỗ nguyên lý chủ động và nguyên lý thụ động. Vậy, ở bất cứ ở đâu có sự phân biệt về tính, nguyên lý chủ động là đàn ông và nguyên lý thụ động là đàn bà: nên trật tự bản tính để đạt mục đích sinh sản, đòi phải có sự hợp tác của đàn ông và đàn bà. Điều thứ nhì phải được xét là một tình trạng xấu xa của vật dục thái quá mà tình trạng này đã không hiện hữu trong tinh trạng vô tội, khi mà các năng lực hạ tầng hoàn toàn tùng phục tri năng. Do đó, thánh Augustinô nói : “Chúng ta không nên tưởng nghĩ không thể có con cháu mà không do vật dục. Các cơ quan ấy cũng như mọi chi thể và cơ quan khác đều được ý chí tác dụng như nhau, mà không có sự kích thích mãnh liệt hay phóng đãng, nhưng có sự yên tĩnh trong tâm hồn và thân thể” (De Civit Dei. 14.26).

GIẢI ĐÁP :

1. Ở vườn địa đàng người ta có thể tương tự với thiên thần trong thiêng-liêng-tính của linh hồn của mình, nhưng có sự sống thủ tính trong thân thể của mình. Sau khi sống lại sẽ tương tự với thiên thần và thiêng-liêng hóa trong linh hồn và thân thể. Vậy không có sự so sánh.

2. Như thánh Augustinô nói : “Hai nguyên tổ loài người không giao hợp với nhau trong vườn địa đàng, vì tội lỗi mà họ bị trục xuất khỏi vườn địa đàng, không bao lâu sau khi bà Evà được tạo thành: hoặc bởi lý do họ chờ đợi lệnh đặc biệt về thời gian sinh sản mà họ đã lãnh nhận lệnh tổng quát” (De genesi ad Litt. 9,4). 

3. Thú vật không có trí năng. Nên người ta tương tự với thủ vật bởi vì họ không thể tiết chế vật dục lúc giao hợp trong tình trạng vô tội, không cái gì như thế có thể xảy ra mà không bị ức chế bởi trí năng; không phải bởi vì sự khoái lạc giác quan ít hơn, mà trải lại sự khoái lạc giác quan to lớn hơn theo tỷ lệ thuận với sự trong sạch lớn hơn của bản tính và cảm-giác-tính lớn hơn của thân thể; nhưng bởi vì sức mạnh của ham muốn không thể dốc tất cả cách vô độ vào sự khoái lạc. Như thế do sự ức chế của tri năng mà vai trò của trí năng ở đây không phải giảm bớt sự khoái lạc xác thịt, nhưng là ngăn cản sức mạch của ham muốn dính bám vào đó thái quá. Với từ ngữ thái quá tôi có ý nói đi qua bên kia sự hạn chế của trí năng như người có điều độ không thưởng thức sự khoái lạc trong đồ ăn uống ít hơn người tham ăn, nhưng ham muốn của người đó kéo dài ít hơn trong các sự khoái lạc như thế. Đây điều thánh Augustinô có ý nói qua các lời đã được dẫn chứng, là trí năng không trục xuất cường độ của sự khoái lạc khối tình trạng vô tội, nhưng trục xuất sự hăng hái nhục dục và bồn chồn của linh hồn. Vậy sự tiết dục trong tình trạng vô tội, không đáng khen ngợi, còn nó rất đáng khen ngợi hiện trạng của chúng ta, không phải bởi vì nó làm mất sự sinh sản nhiều, nhưng bởi vì nó trục xuất các sự ước muốn vô độ. Trong tình trạng ấy sự sinh sản nhiều được thể hiện mà không có nhục dục.

4. Như thánh Augustinô nói : “Trong tình trạng ấy, sự giao hợp xuất hiện mà không tổn hại đến sự đồng trinh trọn vẹn nào cả. Vì tinh trùng có thể đi vào mà không làm hư hại cơ quan sinh dục của người nữ, như hiện giờ có sự kinh nguyệt trong người nữ đồng trinh không làm hư hỏng trạng thái nguyên vẹn của trinh nữ. Và khi sinh con, người nữ, không phải bởi sự rên rỉ đau đớn, nhưng bởi kỳ mãn nguyệt khai hoa thúc đẩy nở rộng dạ con, cũng vậy, khi thụ thai có sự phối hợp của hai tính không phải bởi sự ước muốn nhục dục, nhưng bởi hành động đắn đo suy nghĩ.

 


CÂU HỎI 99
CÂU HỎI 97

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt