Triết học nhân học

Câu hỏi 96. Quyền ông chủ thuộc về con người trong tình trạng vô tội

 

CÂU HỎI 96

QUYỀN ÔNG CHỦ THUỘC VỀ CON NGƯỜI 

TRONG TÌNH TRẠNG VÔ TỘI

 

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. Quyển I, Tập 5: "Thiên Chúa và thứ tự sáng tạo" (Từ câu hỏi 84 đến câu hỏi 119). Lm. Jos. Trần Ngọc Châu dịch, Lm. Lud. Nguyễn Văn Hạnh hiệu đính. | Xem bản dịch tiếng Anh


 

 

Mục này có bốn điểm :

1. Con người trong tình trạng vô tội là ông chủ trên các thủ vật không ?

2. Ông là ông chủ trên tất cả các thụ tạo không ?

3. Trong tình trạng vô tội tất cả mọi người bằng nhau không? 4. Trong tình trạng ấy con người đầu tiên là ông chủ tất cả mọi người không ?

 

Tiết 1

TRONG TÌNH TRẠNG VÔ TỘI,

ADONG CÓ QUYỀN ÔNG CHỦ TRÊN CÁC THỦ VẬT KHÔNG ?

 

VẤN NẠN : Xem ra trong tình trạng vô tội ông Adong không có quyền ông chủ trên các thủ vật.

1. Thánh Augustinô nói : “Các thú vật được đem tới ông Adong nhờ sự hướng dẫn của các thiên thần để lãnh nhận các tên của minh do Adong đặt cho" (De genesi ad Litt. 9,14). Mà các thiên thần không can thiệp như vậy, nếu chính Adong làm chủ các thú vật. Vậy trong tình trạng vô tội người ta không có quyền ông chủ trên thú vật.

2. Không thích hợp là những vật thù nghịch nhau lại thuộc về quyền một ông chủ duy nhất. Mà nhiều thú vật thù nghịch nhau như con cừu với con chó sói. Vậy mọi thú vật không thuộc về quyền ông chủ của một người.

3. Thánh Giêrônimô nói : “Thiên Chúa ban cho người ta quyền ông chủ trên thú vật, mặc dầu trước khi phạm tội người ta không cần đến chúng; vì Thiên Chúa thấy trước các thú vật sẽ trở nên hữu ích cho người ta sau khi phạm tội" (St Bède, Hexaem. 1 super Gen. 1). Vậy ít ra trước khi phạm tội người ta không thích hợp với quyền ông chủ của mình trên các thú vật.

4. Điều riêng của ông chủ là ra lệnh. Mà mệnh lệnh không được ban cho cách đúng đắn trừ phi đối với hữu thể có lý tính. Vậy người ta không có quyền ông chủ trên các thủ vật không có lý tính.

TRÁI LẠI : Có lời ghi chép : “Hãy để họ làm chủ cá biển, chim trời, muôn thú vật trên đất và mọi côn trùng sống động trên địa cầu" (St 1,26).

TRẢ LỜI : Như đã trình bày ở trước, người ta vì bất phục tùng Thiên Chúa, bị phạt bằng sự bất phục tùng của các thụ tạo vốn tùng phục mình” (Q.95, a.1). Vậy trong tình trạng vô tội, trước khi người ta không vâng lời Thiên Chúa, trong các vật một cách tự nhiên phục tùng người ta không vật nào mà không phục tùng họ. Tất cả các thú vật đều phục tùng con người. Điều này được minh chứng theo ba thể cách. Thứ nhất, bởi trật tự được thiên nhiên tuân theo. Vì trong sự sinh sản chúng ta trông thấy một trật tự nào đó trong sự phát xuất của vật hoàn hảo bởi vật bất-hoàn hảo; cũng vậy có trật tự trong sự dùng các vật thiên nhiên. Vì vật bất-hoàn-hảo phục vụ cho vật hoàn hảo : cây cỏ sử dụng đất bùn cho sự dinh dưỡng; thú vật sử dụng cây cỏ, người ta sử dụng cây cỏ và thú vật. Chính bởi tuân giữ trật tự của thiên nhiên mà người ta làm chủ các thú vật. Do đó Triết gia nói sự săn các dã thú là chính đáng và tự nhiên; vì như thế người ta thi hành quyền lợi tự nhiên (Polit. 1,3). Thứnhì, điều này được minh chứng bởi sự quan phòng của Thiên Chúa luôn luôn thống trị các vật hạ tầng bởi các vật thượng tầng. Vậy, bởi vì người ta đã được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa, ở trên các thú vật và thống trị chúng cách chính đáng. Thứ ba, điều này được minh chứng bởi đặc tính của người ta và của các thú vật. Vì chúng ta trông thấy trong thú vật một sự thông phần vào sự cẩn thận do sự phán đoán tự nhiên đối với một ít hành động đặc thù; còn người ta chiếm hữu một sự cẩn thận phổ quát đối với mọi vấn đề thực tiễn. Mà bất cứ cái gì hiện hữu bởi thông phần, thì lệ thuộc vào vật hiện hữu bởi yêu tính và cách phổ quát. Do đó, chúng ta trông thấy rõ ràng việc các thú vật tùng phục người ta là việc tự nhiên. 

GIẢI ĐÁP :

1. Năng lực thượng tầng có thể làm nhiều điều hơn nguyên nhân hạ tầng có thể làm cho những vật ở dưới quyền của mình. Mà thiên thần một cách tự nhiên cao cấp hơn người ta. Vậy một số việc liên hệ với các thú vật có thể được các thiên thần thi hành mà các việc này người ta không thi hành được: thí dụ việc tập trung nhanh chóng tất cả các thú vật.

2. Theo ý kiến, một số người, các con thú vật ngày nay dữ tợn hơn và giết hại các vật khác, có thể trong tình trạng ấy, chúng đã thuần hậu không những đối với người ta, mà còn đối với các thú vật khác. Nhưng điều này hoàn toàn không hợp lý. Vì bản tính các thú vật không thay đổi bởi tội lỗi của người ta, dường như các thú vật ngày nay sống bằng thịt của các vật khác, lúc bấy giờ đã có thể sống bằng trải cây rau cỏ. Sách chú giải về Khởi nguyên của thánh Bède nói cây cỏ không phải được ban cho làm đồ ăn cho mọi thú vật, nhưng cho một số mà thôi (Glossa ord. super Gen. 1,30). Như vậy đã có tính không tương dung giữa thú vật với nhau. Tuy nhiên không phải vì đó mà chúng khôi phục quyền của người; như ngày nay chúng cũng không thoát khỏi quyền làm chủ của Thiên Chúa mà sự quan phòng đã sắp đặt tất cả điều này. Người ta có thể là kẻ thi hành sự quan phòng này, như thấy ở nơi gia súc, vì người ta dùng gà vịt để nuôi các chim ưng đã thuần hóa.

3. Trong tình trạng vô tội người ta không cần đến thú vật vì nhu cầu cho thân thể mình: cũng không cần để làm quần áo, vì họ trần truồng và không hổ thẹn, bởi không có những sự xúc động mất trật tự của vật dục; cũng không cần để làm lương thực, vì họ ăn trái cây của vườn địa đàng; cũng không cần để chở đem họ đi đâu, vì thân thể họ đủ mạnh mẽ cho mục đích này. Nhưng người ta cần đến các thú vật để có sự hiểu biết thực nghiệm về các bản tính của chúng. Điều này được biểu thị bởi sự kiện Thiên Chúa khiến các thú vật đến gặp con người đầu tiên để ông đặt tên cho chúng và các tên này biểu lộ bản tính riêng của mỗi con thú vật.

4. Mọi con thú vật nhờ sự phán đoán tự nhiên thông phần sự cẩn thận và trí năng; điều này được sáng tỏ bởi sự kiện các chim hạc đi theo con hạc cầm đầu, và các con ong vâng lời con ong chúa. Cũng vậy, mọi con thú vật tự mình vâng lời người ta, như trong tình trạng hiện tại gia súc tùng phục chúng ta.

 

Tiết 2

NGƯỜI TA ĐÃ CÓ QUYỀN ÔNG CHỦ 

TRÊN TẤT CẢ CÁC THỤ TẠO KHÁC KHÔNG ?

 

VẤN NẠN : Xem ra trong tình trạng vô tội người ta không có quyền ông chủ trên tất cả các thụ tạo khác.

1. Thiên thần một cách tự nhiên có năng lực lớn hơn người ta. Mà theo lời thánh Augustinô nói : “Chất thể hữu hình đã có thể không vâng lời ngay các thánh thiên thần". Vậy nó càng có thể không vâng lời người ta trong tình trạng vô tội.

2. Chỉ các năng lực này của linh hồn hiện hữu trong thực vật là năng lực dinh dưỡng, năng lực tăng trưởng và năng lực sinh sản. Mà các năng lực này một cách tự nhiên không vâng lời trí năng. Như chúng ta có thể trông thấy trong trường hợp bất cứ người nào. Vậy, bởi vì chính do trí năng mà người ta có khả năng được quyền ông chủ, xem ra trong tình trạng vô tội người ta không có quyền ông chủ trên thực vật.

3. Bất cứ ai làm chủ một vật nào, có thể thay đổi nó. Mà người ta không có thể thay đổi được đường đi của các thiên thể điều này, theo lời nói của Denys, chỉ thuộc về Thiên Chúa mà thôi (Epist. 7,2). Vậy người ta không thống trị các thiên thể.

TRÁI LẠI : Có lời ghi chép : “Để họ làm chủ... mọi thụ tạo” (St 1,26).

TRẢ LỜI : Người ta theo ý nghĩa nào đó, chứa đựng mọi vật, và do đó như họ làm chủ tất cả những gì ở trong chính mình, họ cũng làm chủ mọi vật khác như vậy. Mà chúng ta có thể xem xét bốn vật trong người ta : trí năng làm cho họ tương tự với các thiên thần; các năng lực cảm giác làm cho họ tương tự với cây cồi; và thân thể mà ở đó họ tương tự với các vật vô sinh. Mà ở trong người ta trí năng có địa vị ông chủ, chứ không có địa vị kẻ ở dưới quyền. Vậy người ta trong tình trạng vô tội, không có quyền ông chủ trên các thiên thần. Vậy khi chúng ta đọc tất cả các thụ tạo, chúng ta phải hiểu biết các thụ tạo đã không được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa. Linh hồn chỉ có quyền ông chủ bằng cách ra lệnh trên các năng lực cảm giác, như nộ dục và tham dục vì chúng nó vâng lời tri năng trong một chừng mực nào. Vậy trong tình trạng vô tội người ta đã có quyền ông chủ trên các thú vật bằng cách ra lệnh cho chúng. Đối với các năng lực tự nhiên và chính vật thể, người ta vẫn làm chủ không phải bằng cách ra lệnh cho chúng, nhưng bằng cách dùng chúng. Như vậy trong tình trạng vô tội quyền ông chủ của người ta đối với cây cối và các vật vô sinh, không phải cốt tại ra lệnh hoặc thay đổi chúng, nhưng tại việc dùng chúng mà không có ngăn trở.

Sự giải đáp các vấn nạn xuất hiện rõ rằng do các điều vừa trình bày.

 

Tiết 3

TRONG TÌNH TRẠNG VÔ TỘI

NGƯỜI TA BẰNG NHAU KHÔNG ?

 

VẤN NẠN : Có thể nói trong tình trạng vô tội mọi người bằng nhau.

1. Thánh Grêgôriô nói : “Ở đâu không có tội, thì ở đó có sự bằng nhau" (Moral. 21,15). Mà trong tình trạng vô tội, không có tội. Vậy mọi người bằng nhau.

2. Sự tương tự và sự bằng nhau là nền tảng cho tình yêu hỗ tương, theo lời sách Huấn ca : “Mọi thú vật yêu thú vật tương tự với mình, cũng vậy người ta yêu người thân cận nhất với mình” (Hc 13,19). Mà trong tình trạng ấy, ở giữa người ta có tình yêu dồi dào, là giây hòa bình. Vậy mọi người đều bằng nhau trong tình trạng vô tội.

3. Khi nguyên nhân chấm dứt, hiệu quả cũng chấm dứt. Mà nguyên nhân của sự không bằng nhau ngày nay ở giữa người ta phát xuất về phía Thiên Chúa bởi sự kiện Ngài thưởng một số người này và phạt một số người khác; và về phần bản tính bởi sự kiện một số người do khuyết điểm của bản tính, sinh ra yếu đuối hoặc không hoàn toàn, và những người khác sinh ra mạnh mẽ và hoàn hảo: mà điều này không xảy ra trong tình trạng đầu tiên.

TRÁI LẠI : Có lời ghi chép : “Cái gì hiện hữu bởi Thiên Chúa, được sắp đặt tốt đẹp" (Rm 13,4). Mà trật tự một cách chủ yếu cốt tại sự không bằng nhau, vì thánh Augustinô nói : “Trật tự sắp đặt các vật bằng nhau và không bằng nhau vào chỗ riêng của chúng" (De Civit. Dei. 19,13). Vậy trong tình trạng đầu tiên phải riêng biệt nhất và có trật tự nhất, thì có sự không bằng nhau.

TRẢ LỜI : Chúng ta tất nhiên phải thừa nhận trong tình trạng đầu tiên có sự không bằng nhau nào đó, ít nhất đối với tính, bởi vì sự sinh sản lệ thuộc vào tạp-đa-tính của tính; và cũng đối với tuổi tác, vì một số người được sinh ra bởi những kẻ khác; và những kẻ giao hợp không phải là những người son sẻ.

Lại nữa, đối với linh hồn, có sự không bằng nhau về sự công chính và sự hiểu biết. Vì người ta làm việc, không phải bởi tất-yếu-tính, nhưng bởi tự do ý chí riêng của mình, mà do đó người ta dấn thân mình hơn kém vào hành động, sự ước muốn và sự hiểu biết. Và sự thực là một số người tiến triển trong sự công chính và sự hiểu biết hơn những người khác.

Về thân thể cũng xuất hiện tình trạng không bằng nhau. Vì thân thể không hoàn toàn điều khỏi các định luật của thiên nhiên, như việc lãnh nhận ít nhiều sự tiện lợi và sự giúp đỡ từ các nguyên nhân ngoại giới; vì cũng lệ thuộc vào thức ăn để sống.

Vậy chúng ta có thể nói tùy theo khí hậu hoặc sự chuyển động của các vì sao, một số người sinh ra mạnh mẽ trong thân thể hơn những người khác, và cũng to lớn hơn, đẹp đẽ hơn và được sắp đặt tốt hơn về mọi mặt. Tuy nhiên, trong những người bị vượt trổi như vậy, vẫn không tỳ vết nào, không tình trạng không hoàn thành nào, trong linh hỗn cũng như trong thân thể.

GIẢI ĐÁP :

1. Qua những lời nói đó, thánh Grêgôriô có ý trục xuất sự không bằng nhau hiện hữu giữa nhân đức và tật xấu mà kết quả là một số người phải ở dưới quyền kẻ khác do hình phạt.

2. Sự bằng nhau là nguyên nhân của sự bằng nhau trong tình yêu hỗ tương. Tuy nhiên giữa những kẻ không bằng nhau có thể có tình yêu to lớn hơn giữa những người bằng nhau, mặc dầu không có sự đáp lại bằng nhau; vì người cha một cách tự nhiên yêu mến đứa con mình hơn người anh yêu mến người em, mặc dầu người con không yêu mến người cha nhiều bằng nó được chà của nó yêu mến.

3. Nguyên nhân của sự không bằng nhau có thể ở phía Thiên Chúa; nhất định không phải bởi Thiên Chúa thưởng những kẻ này và phạt những người khác, nhưng bởi Ngài nâng cao một số người lên trên kẻ khác, ngõ hầu sự tốt đẹp của trật tự sáng chói hơn giữa loài người. Sự không bằng nhau có thể xuất hiện phía thiên nhiên, như đã trình bày ở trước, mà không có khuyết điểm nào trong thiên nhiên.

 

Tiết 4

PHẢI CHĂNG TRONG TÌNH TRẠNG VÔ TỘI 

NGƯỜI CAI TRỊ NGƯỜI ?

 

VẤN NẠN : Xem ra trong tình trạng vô tội người không chế phục người.

1. Thánh Augustinô nói ; “Thiên Chúa muốn người ta được ban phú cho trí năng và được tạo thành theo hình ảnh của Ngài, chỉ cai trị các thụ tạo vô-lý-tính; không cai trị người, chỉ cai trị thúvật" (De Civit. Dei. 19,15).

2. Sự vật nào đến trong thế gian với tính cách là hình phạt bởi tội, đã không hiện hữu trong tình trạng vô tội. Mà người ta đã trở nên tùng phục người ta do hình phạt; vì sau khi phạm tội Thiên Chúa đã phán bảo đàn bà: “Ngươi phải tòng quyền chồng và chẳng sẽ làm chủ ngươi” (St 3,16). Vậy trong tình trạng vô tội, người không bị bắt phục tùng người.

3. Việc bị bắt tùng phục đối lập với sự tự do. Mà sự tự do là một trong những sự tốt chủ yếu, và đã không được thiếu trong tình trạng vô tội, vì ở đó không thiếu cái gì mà thiện chi ước muốn, như thánh Augustinô nói (De Civit. Dei. 14,10). Vậy người không cai trị người trong tình trạng vô tội.

TRÁI LẠI : “Thân phận của người trong tình trạng vô tội không được nâng lên cao hơn thân phận các thiên thần. Mà trong các thiên thần, một số thiên thần cai trị các vị khác, và một phẩm thiên thần được gọi quản thần. Vậy điều này không trái nghịch với phẩm giá của tình trạng vô tội là việc người cai trị người.

TRẢ LỜI : Quyền ông chủ có hai ý nghĩa. Thứ nhất, nó đối lập với thân phận của kẻ nô lệ. Thứnhì, quyền ông chủ theo một thể cách tổng quát, có liên hệ với bất cứ người ở dưới quyền nào; và theo ý nghĩa này, ngay người có chức vụ thống trị và điều khiển các người tự do, được gọi là ông chủ. Trong tình trạng vô tội, người có thể làm chủ người không phải theo ý nghĩa thứ nhất, nhưng theo ý nghĩa thứ hai. Sự phân biệt này có nền tảng trên lý do này là người nô lệ phân biệt với người tự do ở điểm người tự do có sự sắp đặt về chính mình, như đã được xác nhận ở Siêu hình học(Aristote, Metaph. 9,10), còn nô lệ bị sắp đặt cho kẻ khác. Vậy một người nào cai trị người khác làm nô lệ, khi cai trị người này vì ích lợi riêng của mình, tức là của người cai trị. Và bởi vì sự tốt riêng của mỗi người thì đáng được ước muốn cho chính mình; và do đó thực là một việc đau khổ là người nào phải nhường lại cho kẻ khác cái điều phải là cái riêng của mình; vậy sự làm chủ như thế một cách tất yếu bao hàm một sự đau khổ giáng xuống cho kẻ bị cai trị. Vậy trong tình trạng vô tội quyền ông chủ như thế đã không còn hiện hữu giữa người với người.

Còn người ta làm ông chủ của kẻ ở dưới quyền tự do, là hướng dẫn người này đến sự lợi ích của nó hoặc đến ích lợi chung. Quyền ông chủ như thể có thể đã hiện hữu giữa người với người trong tình trạng vô tội, vì hai lý do. Thứ nhất, bởi vì người ta một cách tự nhiên là hữu thể xã hội, và trong tình trạng vô tội có thể họ sống đời sống xã hội và sự sống xã hội không thể hiện hữu giữa một số người mà không có sự cai trị của một người để trông nom giữ gìn lợi ích chung; vì nhiều người, với tính cách là nhiều người, tìm kiếm nhiều điều, còn một người chú ý đến một điều mà thôi. Do đó, Triết gia nói trong sách về chính trị, bất cứ khi nào có nhiều cái được sắp đặt về một cái, thì luôn luôn được gặp thấy một cái cầm đầu hướng dẫn chúng (Polit, 1,2). Thứ nhì, nếu người này vượt hơn người khác, theo lời ghi chép : “Mỗi người tùy theo ơn mình đã lãnh nhận mà cấp cho kẻ khác cũng một ơn ấy” (1Pr 4,10). Vậy thánh Augustinô nói : "Các người công chính ra lệnh không phải vì tham vọng cai trị, nhưng để phục vụ chỉ giáo; trật tự thiên nhiên đòi phải có điều này; và Thiên Chúa đã tạo thành người ta như vậy" (De Civit Dei. 19,14).

Do đó xuất hiện rõ ràng các lời giải đáp cho các vấn nạn dựa trên quyền ông chủ theo thể cách thứ nhất.

 


 CÂU HỎI 97
CÂU HỎI 95

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt