Triết học nhân học

Câu hỏi 99. Thân phận của con cái về thân thể

 

CÂU HỎI 99

THÂN PHẬN CỦA CON CÁI VỀ THÂN THỂ

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. Quyển I, Tập 5: "Thiên Chúa và thứ tự sáng tạo" (Từ câu hỏi 84 đến câu hỏi 119). Lm. Jos. Trần Ngọc Châu dịch, Lm. Lud. Nguyễn Văn Hạnh hiệu đính. | Xem bản dịch tiếng Anh


 

 

Giờ đây chúng ta nghiên cứu thân phận của con cháu, thứ nhất đối với thân thể; thứ nhì, đối với nhân đức (Q.101); thứ ba, đối với sự hiểu biết (Q.100). Mục thứ nhất có hai điểm :

1. Trong tình trạng vô tội, trẻ con có năng lực đầy đủ về thân thể ngay sau khi sinh không ?

2. Tất cả các trẻ con đều thuộc nam tính không ?

 

Tiết 1

TRONG TÌNH TRẠNG VÔ TỘI,

TRẺ CON CÓ NĂNG LỰC ĐẦY ĐỦ 

VỀ THÂN THỂ NGAY SAU KHI SINH KHÔNG ?

 

VẤN NẠN : Trong tình trạng về tội, các trẻ con có sức hoàn hảo, như sử dụng các chi thể, ngay sau khi sinh.

1. Thánh Augustinô nói : “Sự yếu đuối này trong thân thể thích hợp với sự yếu đuối của trí khôn” (De Pecc. Remiss. et Bapt. Parv: 1,38). Mà trong tình trạng vô tội không có sự yếu đuối trong trí khôn. Vậy cũng không có sự yếu đuối trong thân thể của các trẻ con.

2. Một số thú vật lúc sinh ra đủ sức mạnh sử dụng các chi thể của mình. Mà người ta cao quý hơn thú vật. Vậy càng tự nhiên hơn đối với người ta là sử dụng các chi thể của mình ngay sau khi sinh ra; và như vậy xem ra việc người ta không được sức mạnh này là hình phạt bởi tội.

3. Sự không đủ sức đem lại sự khoái lạc tạo nên sự buồn rầu đau khổ. Mà nếu các trẻ con không đủ sức mạnh sử dụng các chi thể của mình, chúng thường không có thể đem lại cho mình một cái gì khoái lạc, và như vậy chúng buồn rầu; những điều đó không thể xảy ra trước khi phạm tội. Vậy trong tình trạng vô tội, các trẻ con có thể mất đi sự sử dụng các chi thể.

4. Sự yếu đuối của tuổi già xem ra tương xứng với tuổi ấu thời. Mà trong tình trạng vô tội không có sự yếu đuối trong tuổi già. Vậy cũng không có sự yếu đuối trong ấu thời.

TRÁI LẠI : Mọi vật được sinh sản, trước tiên bất-hoàn-hảo. Mà trong tình trạng vô tội, trẻ con có thể đã được sinh ra bởi sự sinh sản. Vậy từ ban đầu chúng bất-hoàn-hảo trong độ lớn của thân thể và năng lực.

TRẢ LỜI : Chỉ nhờ đức tin, chúng ta nắm được các chân lý ở trên bản tính, và điều chúng ta tin, dựa trên thế giá. Vậy khi đưa ra bất cứ một xác định nào, chúng ta phải được hướng dẫn bởi bản tính của các vật, trừ đối với các vật ở trên bản tính và đã được cho chúng ta hiểu biết bởi thế giá của Thiên Chúa. Thì ra điều này rõ ràng tự nhiên và thích hợp với các nguyên lý của bản tính người ta, là con trẻ không có đủ sức mạnh để sử dụng các chi thể của mình ngay sau lúc sinh ra vì theo tỷ lệ với các thú vật, người ta một cách tự nhiên có óc lớn hơn. Do đó, vì sự ẩm ướt đáng kể của óc trẻ con, dĩ nhiên các gân công cụ của sự chuyển động không đủ sức làm công việc chuyển động các chi thể. Đàng khác, không người công giáo nào hồ nghi trẻ con nhờ năng lực Thiên Chúa, có thể sử dụng các chi thể của mình ngay sau lúc sinh ra.

Nhưng theo thế giá Kinh thánh : “Thiên Chúa đã tạo thành người ta vốn bản tính ngay thẳng” (Hc 7,30), sự ngay thẳng này. Theo lời nói của thánh Augustinô, cốt tại sự tùng phục hoàn toàn của thân thể đối với linh hồn (De Civit Dei. 13,13). Vậy, như trong tình trạng đầu tiên dứt khoát không gặp cái gì ở trong chi thể chống lại với ý chí được sắp đặt tốt đẹp, các chi thể cũng không thất bại trong khi thi hành các lệnh của ý chí. Mà ý chí người ta được sắp đặt tốt đẹp khi nó hướng về các hành động thích hợp với người ta trong mọi thời kỳ của đời sống. Do đó, chúng ta phải kết luận các trẻ con không có đủ sức mạnh để sử dụng các chi thể của mình mà thi hành mọi thứ hành động nhưng chỉ để thi hành các hành động thích hợp với tình trạng ấu thời, như bú sữa và các việc tương tự.

GIẢI ĐÁP :

1. Thánh Augustinô đang nói về sự yếu đuối mà chúng ta nhận thấy trong các trẻ con ngay đối với các hành động thích hợp tình trạng ấu thời, như khi ở gần vú và ước ao bú, chúng vẫn có thể khóc la hơn là bú.

2. Sự kiện một số thú vật sử dụng các chi thể của chúng ngày sau lúc sinh ra, không phải do sự cao thượng của chúng, bởi vì các thú vật hoàn hảo hơn không được ban phú cho như vậy, nhưng do sự khô ráo của óc và bởi vì các hành động riêng của các thủ vật ấy bất-hoàn hảo, nên một ít sức mạnh đủ cho chứng.

3. Vấn nạn 3 được sáng tỏ do điều chúng ta vừa trình bày ở trên; chúng ta có thể nói thêm chúng nó không ước ao cái gì ngoài ý chí được sắp đặt tốt đẹp và ngoài điều thích hợp với tình trạng đời sống của chúng.

4. Trong tình trạng vô tội, người ta được sinh ra, chứ không bị tiêu diệt. Vậy trong tình trạng ấy có thể có một số tỳ vết của con trẻ phát xuất bởi sự sinh sản: chứ không có các tỳ vết của tuổi già đưa đến sự tiêu diệt.

 

Tiết 2

TRONG TÌNH TRẠNG ĐẦU TIÊN ĐÀN BÀ ĐƯỢC SINH SẢN KHÔNG ?

 

VẤN NẠN : Xem ra trong tình trạng đầu tiên đàn bà không được sinh sản.

1. Triết gia nói : “Đàn bà là đàn ông hụt” (De Gener. An 2.3), dường như đàn bà là sản phẩm ngoài mục đích của bản tính. Mà trong tình trạng ấy không có cái gì không tự nhiên trong sự sinh sản của loài người. Vậy trong tình trạng đó đàn bà không được sinh sản.

2. Mỗi tác nhân sản xuất cái tương tự với mình, trừ phi bị cản trở bởi năng lực không đủ hoặc bởi sự không thích nghi của chất thể: thí dụ, ít lửa không thể đốt cháy củi nhanh. Mà trong sự sinh sản, chủ năng ở trong người đàn ông. Vậy, trong tình trạng vô tội chủ năng của đàn ông không bị nhược điểm, và chất thể cũng không thích nghi về phía đàn bà, nên xem ra chỉ có con trai được sinh sản.

3. Trong tình trạng vô tội, sự sinh sản được sắp đặt để gia tăng loài người. Mà loài người có thể được gia tăng bằng cách sinh sản bởi người đàn ông và người đàn bà đầu tiên, do điều kiện họ có thể sống luôn mãi. Vậy, trong tình trạng vô tội có thể không cần sinh sản đàn bà.

TRÁI LẠI : Sự tiến hành việc sinh sản phù hợp với thể cách đã được Thiên Chúa thiết lập. Mà Thiên Chúa đã thiết lập nam và nữ trong bản tính loài người, như lời ghi chép (St 1,7 và 2,22) . Vậy trong tình trạng vô tội người nam và người nữ được sinh sản.

TRẢ LỜI :

Không cái gì thuộc về sự hoàn hảo trọn vẹn của loài người thiếu trong tình trạng vô tội. Và như những cấp bậc khác nhau thuộc về sự hoàn hảo của vũ trụ, cũng vậy tạp-đa-tính của tính thuộc về sự hoàn hảo của bản tính người ta. Vậy trong tình trạng vô tội cả hai tính được sinh sản.

GIẢI ĐÁP :

1. Đàn bà được nói là “đàn ông hụt” với tính cách là một sản phẩm bên ngoài mục đích của bản tính được xem xét trong trường hợp cá thể, nhưng không trái ngược với mục đích của bản tính phổ quát như đã giải thích ở trước (Q.92, a 1).

2. Sự sinh ra đàn bà được gây nên hoặc bởi tỳ vết trong chủ năng hoặc bởi sự không thích nghi trong chất thể, như vấn nạn này giả thiết: còn đôi khi thì bởi nguyên nhân tùy thể ngoại khởi. Như vậy, Triết gia nói : “Gió bấc thuận lợi cho việc sinh sản đàn ông, và gió nam thuận lợi cho việc sinh sản đàn bà” (Hist Anin:. 6.19). Đôi khi sự sinh ra đàn bà còn được gây nên bởi ấn tượng trong linh hồn có thể một cách dễ dàng đem lại hiệu quả nào đó trong thân thể. Nhất thiết điều này càng có thể xảy ra trong tình trạng vô tội, khi thân thể hoàn toàn tùng phục linh hồn: do đó bởi ý muốn của người sinh sản mà tính của con cái được khác nhau.

4. Con cái được sinh đẻ sống đời sống thú tính bao gồm cả sự dùng thực phẩm và sự sinh sản. Do đó, thích hợp là mọi người đều sinh sản, chứ không hai ông bà nguyên tổ mà thôi. Xem ra do đó mà người đàn ông và người đàn bà nhiều bằng nhau.

 


CÂU HỎI 100
CÂU HỎI 98

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt