Triết học xã hội

Do Thái - Đi đâu và làm gì?

Đối thoại “trực tuyến” với triết gia Hannah Arendt (bài 3)

DO THÁI – ‘ĐI ĐÂU? LÀM GÌ?’

 

BÙI VĂN NAM SƠN

 

Bài 3: Bùi Văn Nam Sơn tiếp tục câu chuyện về thân phận người Do Thái, ở góc độ tiếp cận tới “chủ nghĩa lập quốc Do Thái” và Hannah Arendt đã thẳng thắn nói về lý do bà có những hình dung khác về việc lập quốc Do Thái.

“Để cứu quê hương Do Thái” (To Save the Jewish Homeland) – Hannah Arendt

Thế thì phải hành động chứ, thưa Bà? Như là hệ quả từ sự thất bại theo phê phán của Bà. Hình như Bà quyết định dấn thân, tham gia vào Tổ chức Thế giới của chủ nghĩa lập quốc Do Thái (World Zionist Organization) năm 1933?

 H.A: Nhưng không nên hiểu đó là hành động chính trị dưới chiêu bài “chủ nghĩa lập quốc Do Thái”! Tôi không tán thành nhiều điểm.

Bà viết nhiều bài trong tạp chí Der Aufbau (Xây Dựng) suốt từ 1941 đến 1945. Bà đề nghị những gì?

 H.A: Đó là tạp chí của người Do Thái lưu vong. Tôi nêu hai yêu cầu, khác với chủ trương của các nhà phục quốc: một, phải xây dựng quân đội kháng chiến riêng của người Do Thái để tham gia vào cuộc chiến đấu sinh tử chống lại Hitler. Tại sao? Chẳng lẽ ta cứ bó tay làm những nạn nhân vô tội? Nếu thế,thì thật khủng khiếp! Sẽ bị tiêu diệt hết, bị loại bỏ ra khỏi lịch sử như thân phận của mọi kẻ bị truy đuổi!

Còn yêu cầu thứ hai?

 H.A: Phải có hình dung khác về việc lập quốc! Một nhà nước, nếu thành lập ở Palestina, phải là một liên bang, trong đó người Do Thái và người Palestine sống chung bình đẳng. Ít ra từ 1942, đề nghị này trái với chủ trương chính thức của Jewish Agency. Họ chỉ muốn dành cho người Á rập quyền hạn của nhóm thiểu số trong nhà nước tương lai thôi. Còn ở châu Âu, tôi mong ước có một “quốc gia Do Thái” sống chung trong một “hệ thống liên bang mới của châu Âu”. Dù không có lãnh thổ riêng, “quốc gia” ấy vẫn có thể tham gia vào Nghị Viện Âu châu theo mô hình các quốc gia trong Cộng Đồng Chung (Commenwealth) theo kiểu Anh.

Mộng ước không thành, và Bà tiếp tục lên tiếng…

 H.A: Trong các cuộc thảo luận với giới trẻ Do Thái, tôi phản đối chủ nghĩa lập quốc Do Thái ở ba điểm then chốt: – mơ mộng hão huyền muốn tìm “đồng minh” trong các thế lực chống Do Thái; – ảo tưởng rằng chủ nghĩa bài Do Thái là cái gì tự nhiên, không thể tránh được; và thứ ba, quan trọng hơn, – tiếp thu thứ ý hệ sặc mùi “Đức” về “Đất và Máu”, thế thì khác gì chủ nghĩa phát xít? Tôi nói thẳng điều ấy trong “Để cứu quê hương Do Thái” (To Save the Jewish Homeland) tháng 5.1948. Thứ ý hệ ấy rõ ràng là chủ nghĩa sô-vanh vị chủng! Một lý thuyết bạn-thù, địch-ta như thế chẳng khác gì với các lý thuyết vị chủng khác cả! Chỉ có điều, bi thảm thay, chủng tộc Do Thái ưu tú, theo cách hiểu ấy, nào có chinh phục được ai đâu mà sẽ bị đối phương bức tử.

Nhưng Bà kết thân với Kurt Blumenfeld, chủ tịch tổ chức lập quốc Do Thái tại Đức?

 H.A: Tôi từng xem ông ấy là bậc thầy, trong vấn đề Do Thái và chính trị. Nhưng đến 1945 thì hết. Trong bài báo “Nhìn lại thuyết lập quốc Do Thái” (Zionism Reconsidered, 1945), tôi không chỉ công kích chính sách phân biệt đối xử với người Á rập, mà còn cho thấy chủ nghĩa lập quốc Do Thái là sự lai căng giữa chủ nghĩa xã hội kiểu Đông Âu và chủ nghĩa dân tộc Tây Âu. Lập được quốc gia ở Palestine, các nhà có tư tưởng xã hội đã thỏa mãn, họ quên khuấy người dân Á rập, thậm chí không hề nghĩ tới cà sự hiện hữu của họ. Họ trở nên phi chính trị và mở đường cho những người theo chủ nghĩa dân tộc lên ngôi.

Kurt Blumenfeld trách tôi – nhất là sau khi đọc quyển sách về Eichmann của tôi mà ta sẽ bàn – là bàng quan, lạnh lùng, không biết gì về “công việc” của chủ nghĩa lập quốc và ôm lòng phẫn kháng (ressentiment) quá mạnh. Tôi chẳng thấy mình dính líu gì với các lời chê trách ấy cả!

Hình như Karl Jaspers cũng có viết thư cho Bà về vấn đề này?

 H.A: Thầy Jaspers viết thư cho tôi năm 1947, nhưng ở tầm suy tư triết học. Thầy e rằng sau khi lập quốc ở Palestine, người Do Thái có nguy cơ “đánh mất linh hồn”! Vì sao? Vì họ sẽ mất cảm thức rằng mình là “dân tộc được Chúa chọn”, và đánh đồng mình với mọi quốc gia thông thường khác. Đừng quên, vợ của Jaspers có gốc Do Thái và hai ông bà suýt là nạn nhân của Hitler nếu Heidelberg không may mắn được đồng minh giải phóng ngay giờ chót. Thầy rất yêu người Do Thái. Thầy ao ước một trật tự thế giới sống an hòa “dưới bóng mát của cái siêu việt”. Còn tôi, không có tín tâm, không biết số phận người Do Thái sẽ đi về đâu! Tôi đã trả lời Thầy như thế và nói thêm: nhiều người Do Thái, cũng như tôi, không tha thiết với đạo Do Thái, nhưng vẫn là người Do Thái! Nếu quả điều ấy sẽ dẫn đến sự suy tàn của dân tộc Do Thái, chúng ta nào có thể làm gì!

Bà tân tiến và tỉnh táo quá!

Nguồn: http://tiepthithegioi.vn

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt