Triết học xã hội

Vấn đề phụ nữ giải phóng với nhân sanh quan

 

VẤN ĐỀ PHỤ NỮ GIẢI PHÓNG VỚI NHÂN SANH QUAN

 

PHAN KHÔI

 


Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 158 (7. 7. 1932); s. 160 (21. 7. 1932) | Phiên bản điện tử: http://lainguyenan.free.fr


 

 

I.

Mấy năm gần đây, giữa xã hội Việt Nam ta đã phát sanh ra vấn đề phụ nữ. Coi trong đám thức giả đã có nhiều người để ý đến vấn đề ấy. Mà nhứt là trong khoảng vài tháng nay ở Nam Kỳ, trên đàn ngôn luận, lại còn thấy tranh biện về sự giải phóng cho phụ nữ một cách rất hăng. Thì trước hết hai ông Trần Thiên Tỵ và Bùi Thế Phúc đã chung nhau xuất bản một cuốn sách kêu là Vấn đề phụ nữ Việt Nam; rồi kế tới bà Phan Văn Gia diễn thuyết tại Hội chợ Phụ nữ cũng bàn về việc giải phóng. Do hai sự phát luận đó mà sanh ra bộn bề sức phản động. Về cuốn sách của hai ông Trần và Bùi thì có cuốn sách của bà Tạ Thu Thâu ra đời, viết bằng tiếng Pháp, nhan đề Critique de la question féminine en pays d'Annam, để phê bình mà phản đối lại; còn về bài diễn văn của bà Phan, thì ở báo Trung lập và báo Sài thành cũng có nhiều bài phản đối, đến nỗi hai bên phải nói qua nói lại với nhau nhiều lần mà cũng vẫn chưa thấy định đoạt hẳn bên nào là phải.

Đại phàm muốn giải quyết một vấn đề gì phải giải quyết đến tận gốc. Bà Nguyễn Thị Chính (tức bà Tạ Thu Thâu) phê bình cuốn sách của hai ông Trần và Bùi, tôi xem ra bà đã hiểu thấu đến chỗ đó mà thôi. Bà nói rằng "hai ông kia viết cuốn sách ấy là đặt mình vào cái địa vị giữ tổ truyền và theo chủ nghĩa quốc gia, mà những cái quan niệm ấy đối với cuộc tấn hóa của lịch sử là tạm thời, và đem so với sự kiến lập bằng kinh tế là mong manh lắm". Như thế tức là bà cho hai ông kia chưa giải quyết tận gốc. Cho được giải quyết tận gốc, bà bày ra cái phương pháp nghiên cứu vấn đề ấy mà nói rằng: "Muốn nghiên cứu vấn đề phụ nữ, phải dẹp sạch hết thảy những cái chủ quan về cá nhân, về quốc gia, về gia đình, về tổ truyền đi và đứng vững trên cái chỗ đất tấn hóa của lịch sử, trong nơi mà nó dung nạp những khách quan và thiệt sự" (Xem Phụ nữ tân văn, số 144, trương 3-4).

Chẳng những cái luận điệu của hai ông Trần và Bùi có thế mà thôi, tôi xem cái ý kiến bà Phan Văn Gia trong bài diễn thuyết nói về phụ nữ giải phóng ở Hội chợ của bà, cũng thấy ra diễn giả đồng mang một cái bịnh như hai ông mà bà Nguyễn-Tạ đã nói đó. Bà Phan Văn Gia cũng chú trọng về quốc gia và về tổ truyền như hai ông kia, thành thử bà phải lúng túng trong vấn đề giải phóng, thành thử dầu chính bà là một phần tử của phụ nữ mà bà cũng không chịu giải phóng hẳn cho mình và cho những kẻ đồng tánh (même sexe) cùng mình.

Những ai đối với vấn đề phụ nữ mà tỏ ý hẹp hòi và ra dáng bảo thủ như vậy, tự họ coi mình là thuộc về phái hòa bình (modéré);* còn những người cấp tấn coi họ lại mục cho là thủ cựu (conservateur). Song tự tôi coi thì chẳng có ai là hòa bình hết, chẳng có ai là thủ cựu hết, thậm chí cũng chẳng có ai là cấp tấn hết, nhưng khác nhau chỉ tại cách giải quyết vấn đề mà thôi. Giải quyết vấn đề bằng một cách phớt trên mặt (superficiel), sẽ thấy sự giải phóng cho phụ nữ là trái với tổ truyền, hại cho quốc gia, nguy hiểm cho xã hội, mà phải cầm chừng lại, thành ra người ấy là người thủ cựu hay hòa bình; nhưng hễ giải quyết tận gốc thì sẽ thấy sự giải phóng cho phụ nữ là đương nhiên, là cần yếu, không có hại và nguy hiểm gì cả, rồi tương phản với hạng người trên, người nầy thành ra người cấp tấn.

Nói một cách khác, tôi nói lần nữa rằng đối với vấn đề phụ nữ, sở dĩ có phân ra hai phái hòa bình (hay thủ cựu) và cấp tấn, là tại cách giải quyết vấn đề ấy khác nhau. Giải quyết tận gốc thì tự nhiên có cái luận điệu của bà Tạ Thu Thâu; còn giải quyết không tận gốc, nghĩa là còn vướng víu với tổ truyền và quốc gia thì tự nhiên có cái luận điệu như bà Phan Văn Gia và hai ông Bùi và Trần đó vậy. Về phần riêng tôi, tôi cũng không quản gì mang lấy cái hiềm nghi là thuộc về phái cấp tấn nên tôi cũng muốn, không giải quyết thì thôi, đã giải quyết thì giải quyết tận gốc. Chỉ duy cách giải quyết tận gốc của tôi có khác hơn bà Tạ Thu Thâu một chút – nói cho đúng ra thì không phải khác hơn mà rộng hơn.

Bà Tạ Thu Thâu bảo rằng muốn nghiên cứu vấn đề phụ nữ phải đứng vững trên cái chỗ đất tấn hóa của lịch sử và trên sự kiến lập xã hội bằng kinh tế. Tôi xin biểu đồng ý cùng bà rồi. Cứ theo sự tấn hoá của lịch sử: loài người do dã man rồi đến bán khai, do bán khai rồi đến văn minh; những dân tộc do bị chinh phục rồi lên đến chinh phục; thì phụ nữ cũng vậy, do bị áp chế rồi lên đến tự chủ, là lẽ đương nhiên. Còn cứ theo sự kiến lập bằng kinh tế: ban đầu do tiểu công trong gia đình, rồi lên đến cái chế độ tư bổn trong công xưởng, rồi lên đến cá nhân độc lập về kinh tế; mà đã nói cá nhân độc lập thì phụ nữ cũng phải độc lập, cho nên phụ nữ cũng phải giải phóng, ấy lại là lẽ đương nhiên nữa. Bởi vậy, theo ý bà Tạ Thu Thâu, lấy sự tấn hóa của lịch sử và sự kiến lập bằng kinh tế làm gốc mà suy luận ra, thì sự giải phóng cho phụ nữ là sự phải có, chẳng nên lấy làm lạ gì mà cũng chẳng sợ có hại gì hay là có nguy hiểm gì vậy.

Hai cái gốc bà Tạ Thu Thâu đã lấy đó, theo ý tôi, tôi còn cho là chưa đủ; tôi phải đứng về phương diện triết học mà thêm vào một cái gốc để nghiên cứu vấn đề phụ nữ nữa, cái gốc ấy tức là nhân sanh quan. Tôi nói rằng: đứng dưới sự tấn hóa của lịch sử với sự kiến lập bằng kinh tế mà nghiên cứu vấn đề phụ nữ, vẫn cho sự giải phóng phụ nữ là phải có rồi; nhưng muốn cho cái lý thuyết ấy càng vững chắc hơn, đứng dưới vấn đề nhân sanh quan của triết học mà nghiên cứu vấn đề phụ nữ, lại càng thấy sự giải phóng là phải có, không có không được.

Đây đã vào chánh diện của cái bài tôi rồi. Tôi cần phải cắt nghĩa hai chữ "giải phóng", cái tánh chất nó thế nào và cái giới hạn nó tới đâu.

Giải phóng nghĩa là cổi thả. Nói cổi thả thì biết rằng trước khi chưa cổi thả có bị trói và nhốt. Nếu không có sự trói và nhốt thì đâu có sự cổi thả, thì đâu có dùng hai chữ giải phóng làm chi?

Đã biết nghĩa chữ giải phóng là gì, đã dùng nó, đã nhìn nhận cho nó là cái danh từ thành lập được, thậm chí đã hô lên rằng giải phóng phụ nữ! phụ nữ giải phóng! mà còn ngần ngừ, còn cự nự, còn bị lúng túng trong vòng quốc gia và tổ truyền, thì trong cái ý kiến của những người ấy, tôi thấy ra có sự mâu thuẫn mà sự mâu thuẫn rất lớn.

Phụ nữ Việt Nam ngày nay tại sao lại yêu cầu giải phóng và tại sao có đôi người đàn ông cũng chủ trương giải phóng cho họ? Ấy là tại phụ nữ Việt Nam từ nay về trước đã bị trói nhốt lâu rồi: trói nhốt bởi lễ giáo, bởi pháp luật, bởi luân lý và phong tục của xã hội Việt Nam. Bằng không có những sự trói nhốt ấy thì chẳng có ai yêu cầu giải phóng; và chữ giải phóng đã dùng trong những bài nói về vấn đề phụ nữ Việt Nam cũng trở nên không có nghĩa lý gì hết.

Trên đây tôi muốn cắt nghĩa về cái tánh chất của sự giải phóng; còn về giới hạn, tôi muốn lấy sự bình đẳng tự do về lý tưởng của loài người làm tiêu chuẩn: theo lý tưởng, loài người được bình đẳng tự do tới đâu thì phụ nữ cũng giải phóng được tới đó, bởi vì phụ nữ thuộc về loài người, huống nữa choán hết già nửa phần trong loài người.

Nói tới đây, đã đả động đến vấn đề nhân sanh quan một cách trực tiếp rồi đó. Phải, tiếp đây tôi nên lấy nhân sanh quan làm gốc mà nghiên cứu vấn đề phụ nữ đi; hay là, nói cho thiệt tình hơn nữa, tôi nên lấy nhân sanh quan làm gốc mà chủ trương sự giải phóng phụ nữ đi.

Nhân sanh quan là gì? Xin độc giả miễn cho tôi khỏi cắt nghĩa ở đây làm thành cái bài dài quá, mà hãy lật Phụ nữ tân văn số 125 ra, đọc lại bài "Triết học và nhân sanh quan" của tôi; vì trong bài ấy tôi đã cắt nghĩa nhân sanh quan rất rõ ràng.

Ở đó tôi có nói rằng: ".... Ai đã có nghĩ đến sự sống của mình là gì thì đều có nhân sanh quan hết, và có thể nói được rằng của mỗi người một khác. Người nầy sống 70 năm, kết cuộc thế nầy, người kia 80 năm, kết cuộc thế kia, tuy còn bởi nhiều sự quan hệ khác nữa, nhưng có một điều không thể bỏ sót mà không kể được là hai người ấy, cái nhân sanh quan của họ khác nhau. Nhân sanh quan của Khổng Tử khác, của Thích Ca khác, của Lão Tử khác, của Mạnh Tử khác, của Đạo Chích khác... mà của những người ấy với của những người tầm thường cũng khác nữa. Lại có thể nói được rằng nhân sanh quan của người Pháp khác, của người Việt Nam khác; người Chàm, người Mọi, nếu họ có nhân sanh quan thì cũng khác nữa... bởi có khác cho nên cái trình độ văn minh cũng nhơn đó mà chia ra cao thấp".

Đã biết cái nhân sanh quan là có quan hệ với cái trình độ nhân cách của cá nhân và với cái trình độ văn hóa của xã hội như thế, thì biết rằng vấn đề phụ nữ, nó cũng quan hệ lắm thay. Muốn nghiên cứu vấn đề ấy, thật có như lời bà Tạ Thu Thâu, phải đứng vững trên chỗ đất tấn hóa của lịch sử cùng trên sự kiến lập bằng kinh tế; song, cho được càng vững hơn nữa, theo ý tôi, phải lấy nhân sanh quan làm thêm một cái gốc.

Có người tưởng rằng lấy nội hai cái gốc như bà Nguyễn-Tạ thì mới thuần dụng khách quan mà nghiên cứu, còn như lấy nhân sanh quan mà nghiên cứu vấn đề phụ nữ thì sợ e thiên về chủ quan chăng. Không có đâu; lấy nhân sanh quan làm gốc thì cũng như lấy hai cái kia làm gốc, chẳng khi nào lại thiên trọng về chủ quan; mà dầu cho có trọng về chủ quan đi nữa, miễn không vượt ra ngoài vòng sự thiệt, thì cũng chẳng có gì là hại cả.

Tôi đã nói nhân sanh quan của người Pháp khác, của người Việt Nam khác. Suy ra thì biết rằng nhân sanh quan của người phương Đông khác, của người phương Tây khác. Tức như về phụ nữ, cái nhân sanh quan về họ của người phương Tây ngày nay đã nhắc lên một bậc cao rồi, không giống với phương Đông chúng ta, mà nhứt là người Việt Nam chúng ta. Hai ông Bùi và Trần cùng bà Phan Văn Gia đều lấy cái nhân sanh quan cũ của phương Đông mà giải quyết vấn đề phụ nữ, thì bảo sao chẳng ngần ngừ trong sự giải phóng được?

Nam là tôn, nữ là ty; đàn bà là vật phụ thuộc của đàn ông; đàn ông là người ở địa vị chinh phục, còn đàn bà là người ở địa vị bị chinh phục: Đó, cái nhân sanh quan về phụ nữ của phương Đông và phương Tây ngày xưa cũng đều thế cả. Tuy vậy, hơn một thế kỷ nay, cuộc phụ nữ vận động (le féminisme) ở các nước phương Tây càng ngày càng thấy thành công, phụ nữ họ càng ngày càng được giải phóng, là vì cái nhân sanh quan cũ kỹ ấy đã đổi khác rồi. Ngày nay họ coi nam nữ là bình đẳng, không còn tôn và ty; đàn bà cũng là người, người thì được tự chủ, không phụ thuộc vào ai hết; cả đàn ông và đàn bà đều tranh nhau ở địa vị chinh phục mà không chịu ở địa vị bị chinh phục. Nghĩa là ngày nay họ coi (quan) sự sống (nhân sanh) của đàn bà cũng ngang bằng sự sống của đàn ông, đều là loài người như nhau thì sự sống phải như nhau, không vịn vào lẽ gì mà chia ra giai cấp được, cho nên họ phải nhận cho sự giải phóng phụ nữ là hiệp lý.

Vậy thì, ở xứ ta ngày nay, ai đã một mực thủ cựu, không chịu nhìn nhận sự giải phóng ấy thì thôi; bằng đã nhìn nhận cho là một vấn đề cần thiết mà phải nghiên cứu, thì trước khi đó, cũng phải đổi khác cái nhân sanh quan cũ của phương Đông đi rồi mới nghiên cứu được. Nếu còn giữ theo nhân sanh quan cũ mà lại đòi nghiên cứu vấn đề phụ nữ, thì rõ là đã làm một việc vô ích, đã làm một việc mâu thuẫn lớn, như muốn cho xe chạy về phương bắc mà lại vặn bánh quay về phương nam!

Tôi lại xin nói rõ ra ở đây cho độc giả biết rằng cái sự tôi chủ trương trong bài nầy là thuộc về lý tưởng. Lý tưởng tức là mẹ của thiệt sự, nhưng chính nó không phải là thiệt sự. Sự giải phóng phụ nữ mà tôi nói đây là lý tưởng, thế thì nó sẽ đẻ ra thiệt sự sau đây năm chục năm hay là một trăm năm, chớ không phải nó thiệt hiện ngay bây giờ đâu. Thế thì chính tôi cũng không phải là cấp tấn, nhưng nếu có bị tình nghi là cấp tấn thì tôi cũng không  từ chối.

Trong bài nầy, tôi đã giải rõ ra sự giải phóng phụ nữ là có quan hệ với nhân sanh quan, cái nầy là gốc của cái kia, cũng như sự tấn hóa của lịch sử và sự kiến lập bằng kinh tế mà trong cuốn sách phê bình của bà Nguyễn Thị Chính đã lấy làm gốc vậy. Ý tôi không có khác gì với bà ấy hết, song tôi chỉ mở rộng thêm cái phạm vi nghiên cứu mà thôi. Một bài sau, tiếp theo đây, tôi sẽ lấy ít nhiều thiệt sự để làm chứng cho cái thuyết của tôi.

 

IIÍt nhiều thiệt sự làm chứng cho cái thuyết đổi nhân sanh quan của tôi

Trong bài đồng một cái đầu đề trên đây ở số 158 ra ngày 7 Juillet vừa rồi, sau khi giải rõ sự quan hệ của nhân sanh quan với vấn đề phụ nữ giải phóng, tôi có nói rằng: "Ở xứ ta ngày nay, ai đã một mực thủ cựu, không chịu nhìn nhận sự giải phóng ấy thì thôi; bằng đã nhìn nhận cho là một vấn đề cần thiết mà phải nghiên cứu, thì trước khi đó cũng phải đổi khác cái nhân sanh quan cũ của phương Đông đi rồi mới nghiên cứu được. Nếu còn giữ theo nhân sanh quan cũ mà lại đòi nghiên cứu vấn đề phụ nữ thi rõ là đã làm một việc vô ích, đã làm một việc mâu thuẫn lớn, như muốn cho xe chạy về phương bắc mà lại vặn bánh quay về phương nam!"

Nơi cuối cùng bài ấy tôi lại hứa rằng: "Tiếp theo đây tôi sẽ lấy ít nhiều thiệt sự làm chứng cho cái thuyết của tôi".

"Cái thuyết của tôi" đó tức là cái thuyết "đổi mới nhân sanh quan đi để nghiên cứu vấn đề giải phóng phụ nữ", hay là "lấy nhân sanh quan làm gốc để giải quyết vấn đề giải phóng phụ nữ", như bài trước đã nói. Còn ít nhiều thiệt sự để làm chứng cho nó, chẳng chi khác hơn là những thiệt sự trên lịch sử của các nước, mà phụ nữ họ xưa kia cũng đồng một tình trạng với phụ nữ nước ta, nhưng họ đã đi trước tức là đã giải phóng trước nước ta. Những thiệt sự ấy hôm nay tôi xin cử ra trong bài nầy.

Theo như học giả đời nay công nhận, cuộc phụ nữ vận động của cả thế giới là khởi đầu từ cuộc vận động của phụ nữ Pháp vào thời kỳ Đại cách mạng, nhằm năm 1789. Mà tìm đến nguyên nhơn thì cuộc phụ nữ vận động nước Pháp cũng như cuộc Đại cách mạng nước Pháp, phải kể một phần lớn nhờ chịu ảnh hưởng của cái học thuyết J.J. Rousseau.

J.J. Rousseau tuy không phải là người có ác cảm với phụ nữ, nhưng thật không phải là người có đồng tình với phụ nữ. Ông ấy vẫn là nhà tự do tư tưởng, song về sự quan hệ giữa nam nữ thì ông cứ noi theo sáo cũ. Coi như khi luận về sự giáo dục cho phụ nữ, ông nói như vầy: "Về sự giáo dục cho đàn bà con gái, ta nên lấy chỗ hiệp với sự yêu cầu của đàn ông con trai là chủ. Nghĩa vụ của người đàn bà ở nơi giúp đỡ đàn ông chúng ta, an ủi đàn ông chúng ta,... làm cho người đàn ông khoan khoái mà bước đi trên con đường của sự sống. Bất kỳ phụ nữ ở thời đợi nào cũng phải lấy điều đó làm nghĩa vụ; và mỗi người đàn bà từ lúc nhỏ phải có chịu cái giáo dục dường ấy". Cứ như mấy lời trên đây thì thấy cái ý kiến của Rousseau về phụ nữ thật chẳng khác nào cái ý kiến của phái thủ cựu đời nay; tuy vậy mà kể cả cái học thuyết của ông thì lại có giúp sức cho cuộc phụ nữ vận động nước Pháp lớn lắm, điều ấy không ai chối được.

Cái tư trào (courant de la pensée) của người Pháp từ hồi Đại cách mạng là quy tụ vào ba điều: chánh nghĩa (Justice), tự do và bình đẳng. Mà ba điều ấy, ai nấy cũng phải nhận cho là gốc ở tư tưởng của J. J. Rousseau mà ra.

Học thuyết của Rousseau là cốt làm sao cho người ta "trở về sự tự nhiên". Ông cho rằng khi con người chịu dựng nên, mọi sự đều là thiện cả, đến khi vào tay người ta uốn nắn rồi thì liền thấy trụy lạc. Bao nhiêu những sự thiên kiến, oai quyền, lề lối cùng hết thảy những sự tổ chức trong xã hội mà ta vì đó chịu khổ, đều là cái làm cho ta xa với sự Tự nhiên. Chúng ta phải bỏ tất cả những cái ấy mà trở về với cái Tự nhiên của mình khi trước. – Đứng vững trên cái lý thuyết đó, nhà đại văn hào nước Pháp bèn lập nên cái triết học của mình và xướng đạo cho đàn hậu tấn.

Sự chủ trương ấy của Rousseau làm cho đó về sau người ta sanh ra lòng chống trả oai quyền, dẹp bỏ lề lối mà khao khát tự do, bình đẳng cùng chánh nghĩa. Có bao nhiêu sự biến động giữa xã hội nước Pháp chịu ảnh hưởng ở đó mà ra: về chánh trị thì gây nên cuộc Đại cách mạng; về văn học thì gây nên chủ nghĩa lãng mạn; lại đồng thời, cái tư trào khao khát tự do ấy cũng lần lần gây nên một cái nguyên nhơn cho cuộc phụ nữ vận động về sau.

Tuy J. J. Rousseau không chủ trương giải phóng một cách trực tiếp cho phụ nữ, nhưng đã chủ trương loài người phải yêu cầu cho được chánh nghĩa, tự do, bình đẳng và trở về sự tự nhiên, và cái tư trào ấy đã thấm tháp trong lòng mọi người, thì cái nhân sanh quan cũng vì đó mà thay đổi đi. Chúng ta có thể nói rằng cái nhân sanh quan của cả dân tộc Pháp trước Rousseau và sau Rousseau không giống nhau: Trước đó ai nấy coi mình sống là sống ở dưới quyền Thần và quý tộc, mà sau đó ai nấy coi mình sống là sống trong chánh nghĩa, tự do và bình đẳng. Phụ nữ cũng coi mình sống như vậy cho nên mới bắt đầu tỉnh thức ra mà có cuộc vận động năm 1789; ấy cũng là sự mà J. J. Rousseau không ngờ.

Năm 1789 tức là năm ở nước Pháp xảy ra cuộc Đại cách mạng, có một đoàn phụ nữ đề nghị ra giữa Quốc dân nghị hội mà yêu cầu cho được nam nữ đồng quyền về chánh trị; đến năm 1790 họ lại vận động việc ấy một lần nữa; nhưng rốt cuộc đều bị thất bại luôn. Thất bại rồi lại vận động, vận động rồi cũng thất bại, cho đến ngày nay mà phụ nữ nước Pháp cũng vẫn chưa được đồng quyền về chánh trị với đàn ông. Tuy vậy, ở nước Pháp tuy thất bại mà cái ảnh hưởng lại tràn sang nước Anh nước Mỹ, làm cho cuộc vận động phụ nữ của hai nước ấy được sớm thành công, rồi lan ra đến nhiều nước khác nữa.

Như vậy là cuộc phụ nữ vận động của cả thế giới, phải kể rằng gây đầu ra từ nước Pháp, và cuộc phụ nữ vận động nước Pháp là chịu ảnh hưởng của học thuyết J. J. Rousseau, và học thuyết của J. J. Rousseau đã làm cho nhân sanh quan thay đổi: ấy là một cái chứng cớ tỏ ra rằng nhân sanh quan có quan hệ với vấn đề phụ nữ giải phóng, muốn giải quyết vấn đề ấy, trước phải đổi mới nhân sanh quan mới được.

Cái chứng cớ đã cử ra trên đây tuy cũng là do theo thiệt sự trên lịch sử, nhưng có hơi thiên về trừu tượng một chút, không bằng những chứng cớ cụ thể rõ ràng chắc chắn hơn. Hạng chứng cớ sau đó, ta nên lấy ở việc dĩ vãng của cuộc vận động phụ nữ bên Tàu và bên Nhựt là thích hiệp hơn hết, vì hai nước ấy với nước ta cùng chung một văn hóa, phụ nữ họ trước kia với phụ nữ ta cũng gần đồng nhau một cách sanh hoạt.

Nói về nước Tàu trước năm giáp ngọ (1894) là năm đánh thua Nhựt Bổn, thì sự sanh hoạt của phụ nữ họ toàn là theo lối cũ. Một điều hại cho phụ nữ hơn hết là cái tục bó chưn. Thứ đến là không có nữ tử phổ thông giáo dục. Bấy giờ, theo luân lý tập quán, người Tàu lấy bốn chữ "vô tài thị đức" làm cái tiêu        chuẩn cho sự sanh hoạt của đàn bà. "Vô tài" mà cho ấy là "đức" đó, thì có cần cho con gái học làm chi; nói là "đức" chớ kỳ thiệt là "ngu" vậy.

Hồi đó có một bọn chí sĩ biết lo việc nước, thấy rõ rằng cái cách xã hội đối đãi với phụ nữ như vậy cũng là một cớ làm cho nước yếu đi; vả lại trong nước Tàu bấy giờ cũng đã chịu ảnh hưởng ít nhiều của các nước Âu châu và Nhựt Bổn nữa, nên mới bắt đầu gây ra cuộc phụ nữ vận động. Sự vận động hồi đó, nghĩa là sau năm giáp ngọ, trước năm mậu tuất, trong khoảng 5 năm, chuyên chủ về hai việc: một là lập hội «Bất triền túc» (không bó chưn); một là lập nữ học đường. Không bó chưn hầu cho phụ nữ được mạnh ra; học hầu cho phụ nữ được khôn lên.

Cái ý nghĩa của sự không bó chưn rất là đơn giản, và hễ thiệt hành thì thấy hiệu quả, không nói làm chi; chỉ có sự học, cái ý nghĩa của nó hơi phiền phức, ta thử xem người Tàu bấy giờ lập nữ học, họ đã hiểu về cái ý nghĩa nào.

Tất nhiên trước hết là họ đả phá cái chủ nghĩa vô tài thị đức. Coi như Lương Khải Siêu, trong bài Biến pháp thông nghị, về khoản Hưng nữ học, có nói rằng :

"Người ta thường nói: "Đàn bà không tài, ấy là đức", đó là nói bậy. Muốn cho đàn bà con gái không biết chữ nào, không đọc được cuốn sách nào, như vậy mà cho là hiền đức, ấy là gây họa cho thiên hạ đó!... Vả đàn bà làm lụy đàn ông về sự nuôi sống, ấy còn là làm lụy về xác thịt. Chớ đến như không học mà ngu, tức nhiên ở trong gia đình không thể nào chịu được, ấy mới là làm lụy cho đàn ông về tinh thần và chí khí nữa, và sự lụy nầy mới thật là lớn. Dầu là tay anh hùng hào kiệt mà bắt ở với đồ đàn bà ngu si ấy trong ít năm, rồi tài khí cũng phải tiêu ma đi mà thôi...".

Xem mấy lời đó thì biết cái ý nghĩa của hai chữ "nữ học" bấy giờ họ hiểu ra thế nào rồi. Cũng như sự chủ trương của J. J. Rousseau trên kia, người Tàu lúc đó giáo dục cho đàn bà là lấy chỗ hiệp với sự yêu cầu của đàn ông làm chủ. Đàn ông muốn cho người đàn bà nào có quan hệ với mình trong gia đình, tức là mẹ và vợ, đều có học thức, hầu cho dễ ở và có ích lợi cho mình, nên mới bày ra giáo dục đàn bà. Như vậy, đàn bà không phải vì chính mình mà học, nhưng là vì đàn ông mà học. Cái ý nghĩa của sự giáo dục đó, có nhà làm sử đã cho rằng ấy là cái ý nghĩa đào tạo cho đàn bà thành ra vợ lành mẹ hiền (lương thê hiền mẫu).

Nơi khác, họ Lương lại nói: "Đàn bà có học thì trên có thể giúp chồng, dưới có thể dạy con, gần có thể sửa trị gia đình, xa có thể làm mạnh nòi giống; hễ đàn bà có giáo dục và ăn ở phải thế rồi thì nhà nào cũng trở nên lương thiện hết..." Mấy lời đó càng thêm rõ rằng sự giáo dục phụ nữ bấy giờ là cốt tạo ra lương thê hiền mẫu, chớ chẳng có gì khác hơn.

Từ "vô tài thị đức" mà lên đến "lương thê hiền mẫu", cũng đã kể là có tấn bộ rồi; và cái nhân sanh quan tuy chưa thay đổi hẳn, chớ cũng đã nhúc nhích muốn thay đổi. Bởi vì ngày trước coi đàn bà như nô lệ, không cho học, không cho có tài, mà nay coi khá lên một chút, muốn cho về sau trở nên vợ lành mẹ hiền, cho nên mới cho học. Tuy vậy, trong óc các người thông thái như ông Lương Khải Siêu lúc đó cũng còn chưa khỏi coi đàn bà là vật phụ thuộc về đàn ông.

Đổi hẳn cái nhân sanh quan ấy là từ năm 1916 (Dân quốc ngũ niên). Đàn bà Tàu ngày nay đối với quốc gia tuy chưa được đồng quyền về chánh trị với đàn ông, chớ đối với xã hội thì mỗi một người đã lấy được cái nhân cách độc lập trong sự sanh hoạt của mình. Sự tấn bộ ấy truy nguyên ra là nhờ cuộc vận động Tân văn hóa trong năm 1916 vậy.

Cuộc vận động ấy cốt là đổi mới cả tư tưởng và sanh hoạt của nam nữ thanh niên, chớ không phải một mình phụ nữ mà thôi. Nhưng kể ra thì phụ nữ chịu ảnh hưởng ở cuộc vận động ấy rất lớn.

Bấy giờ có Tân thanh niên Tạp chí, Trần Độc Tú làm chủ bút, làm cái cơ quan độc nhứt ban đầu cho cuộc vận động đó. Chính tay Trần đã viết nhiều bài rất xác đáng và thống thiết làm cho rúng động và day trở cái khuynh hướng của người ta đi.

Về phụ nữ, Trần Độc Tú chủ trương rằng cũng phải độc lập tự chủ như đàn ông, không phụ thuộc về đàn ông như trước nữa. Bất kỳ những lễ giáo, luân lý, tập quán nào có trở ngại cho sự chủ trương của mình, Trần đều ra tay mà đánh đổ hết, dầu Khổng giáo cũng phải ở vào trong số ấy. Đại để như Trần nói rằng:

"Sự đàn bà vận động cho được tham chánh, cũng là một mối trong sự sanh hoạt của thời đợi văn minh nầy. Nếu đem ghép vào những lời dạy của Khổng giáo: "Lời nói ở trong không được ra khỏi cửa buồng" và "đàn bà con gái không được nói việc ngoài", thì thôi, còn nói gì được nữa?

Đàn bà bên Tây ở góa, hoặc vì tưởng mến tình xưa, hoặc vì ham một mình thanh khiết, chớ chẳng có thủ tiết cho chồng là cái gì. Còn theo lễ giáo Trung Hoa thì có cái nghĩa ở góa để thủ tiết thờ chồng; đem người đàn bà có hai chồng sánh với người đàn ông làm tôi hai chúa, đều cho là thất tiết cả. Bởi đó mà đàn bà phải chịu nhiều nỗi khổ...

Sự nam nữ giao tế giữa xã hội văn minh ngày nay, người ta cho là thường lắm... Thế mà theo đạo Khổng Tử thì "trai gái không được ngồi chung", lại cho đến "chị dâu em chồng không được hỏi nói"... những lễ pháp ấy trái ngược với sự sanh hoạt đời nay lắm, không còn có thể thông hành được...".

Trên đó là lược cử vài điều cho biết cái luận điệu của Tân thanh niên Tạp chí bấy giờ, chớ sự chủ trương của nó còn nhiều lắm, không kể hết làm chi. Một điều đại khái có thể tóm tắt ở đây được, là Trần Độc Tú muốn phá đổ hết cả những lễ giáo cũ của Trung Quốc để nhắc đàn bà lên cho bằng với đàn ông.

Từ đó đến nay đã 16 năm, đàn bà Tàu mỗi ngày một tấn tới, đến nay thì sự sanh hoạt của họ cũng gần giống như đàn bà Âu Mỹ, cái hiện trạng ấy cũng phải kể cho là bởi cái nguyên nhơn đổi mới nhân sanh quan từ năm 1916 mà ra. Cái nhân sanh quan mới nầy kêu bằng "Siêu lương thê hiền mẫu", nghĩa là vượt lên trên "vợ hiền mẹ lành" một bậc nữa.

Nói về Nhựt Bổn thì cái vấn đề nam nữ bình đẳng phát sanh ra chỉ từ trào Minh Trị về sau, chừng hơn 50 năm nay mà chớ. Còn từ đó về trước, phụ nữ Nhựt hoàn toàn là làm vật phụ thuộc về đàn ông. Về cái tình trạng biến cải trong sự sanh hoạt của phụ nữ Nhựt, 50 năm trước thế nào, 50 năm sau thế nào, cũng bởi ở sự đổi nhân sanh quan mà ra cả.

Về việc nầy ở giữa xã hội Nhựt có dấu vết dễ thấy lắm. Vì có hai bộ sách làm biểu hiệu: một bộ kêu là Nữ đại học, làm biểu hiệu cho cái nhân sanh quan của phụ nữ họ 50 năm về trước; một bộ kêu là Cận thế Nữ đại học, làm biểu hiệu cho cái nhân sanh quan 50 năm về sau.

Sách Nữ đại học, không biết tác giả là ai, nhưng là sách lưu hành ở Nhựt Bổn lâu nay và rất có thế lực. Trong đó toàn là theo đạo đức của Trung Quốc, tức là đạo đức của nhà Nho, nên cũng đã đem những luật "tam tùng", "thất xuất" mà liệt vào. Phụ nữ Nhựt Bổn từ xưa bị áp chế và coi như vật phẩm phụ thuộc về đàn ông, ấy là căn cứ ở bộ sách ấy.

Xưa nay nước nào cũng nhơn cuộc biến động về chánh trị mà sanh ra cuộc biến động về phụ nữ. Như nước Pháp, nước Tàu đã vậy mà Nhựt Bổn cũng vậy. Nước Nhựt từ hồi Minh Trị duy tân rồi các quy điều đạo đức của đàn bà phải giữ trong sách Nữ đại học cũng bị lung lay.

Năm Minh Trị thứ tư (1871) bắt đầu lập ra Đông Kinh nữ học hiệu, năm sau lại đặt thêm Nữ tử sư phạm học hiệu, khi ấy việc giáo dục phụ nữ mới thành ra vấn đề. Rồi sách Cận thế nữ đại học cũng theo đó mà xuất hiện, và cái nhân sanh quan về phụ nữ từ đây thay đổi.

Cận thế  Nữ đại học của một người giáo đồ hội Tin Lành, tên Thổ Cư Quang Hoa làm ra, xuất bản năm Minh Trị thứ chín; ta có thể cho là sách phản đối với sách Nữ đại học, và có phản đối vậy mới phải.

Nơi bài tựa, tác giả nói rằng: "Theo lời ông Mill, một vị học giả nước Anh, "Tự do là cái cần yếu cho đời người, không có không được". Vậy mà không cho tự do, lại thêm trói buộc, làm thiệt hại sự tri thức của họ và phá hư những đức tánh tốt của họ nữa. Tôi nhơn đọc sách Nữ đại học, thấy sự dạy dỗ không đúng đắn, lại xem xét phong tục phụ nữ đời nay rồi chẳng xiết nguồi than. Vì cớ ấy nương theo phép giáo dục văn minh phương Tây làm ra sách Cận thế Nữ đại học nầy để cống hiến cho phụ nữ".

Đứng trên cái tôn chỉ mới ấy, tác giả phê bình sách Nữ đại học thẳng tay, gần giống như ở ta đây mới rồi bà Nguyễn Thị Chính phê bình cuốn Vấn đề phụ nữ Việt Nam vậy. Trong Nữ đại học có 20 điều hết thảy, tác giả chỉ phê bình 11 điều mà thôi, còn 9 điều, cho rằng không có giá trị đáng phê bình.

Nữ đại học có một điều chủ trương rằng đàn bà phải phục tùng. Tác giả phản đối riết, nói rằng "phụ nữ của đế quốc Nhựt Bổn thì phải có quyền lợi của nhân dân đế quốc Nhựt Bổn một loạt như đàn ông", như vậy thì đàn bà còn phục tùng ai nữa? Kỳ dư các điều khác đại khái đều phản đối với Nữ đại học mà chủ trương giải phóng phụ nữ cách hoàn toàn.

Đại ý sách Cận thế Nữ đại học rất tôn trọng cái quyền lợi làm người của phụ nữ. "Làm người" thì khác với "làm vật phụ thuộc" hay là "làm nô lệ", − cái nhân sanh quan mới của đàn bà Nhựt là lập nền trên chỗ nầy.

Từ đó về sau, dư luận Nhựt Bổn mới biết chú trọng vấn đề phụ nữ, và những sách xuất bản nói về phụ nữ mà khuynh hướng về cái thuyết đồng quyền cũng mỗi ngày một nhiều thêm. Cho đến năm Minh Trị 31 (1898) ông Phước Trạch Dụ Kiết phát biểu hai bài luận, một là Nữ đại học bình luận, một là Tân nữ đại học, càng chủ trương cái thuyết đồng quyền vững vàng hơn trước, mà rồi cái nhân sanh quan mới được thành lập hẳn và cuộc phụ nữ vận động ở Nhựt Bổn cũng càng phát triển hơn.

Cuộc phụ nữ vận động ở Nhựt Bổn cũng như ở Tàu, còn chưa đến ngày thành thục và đạt đến mục đích, song hiện nay thì cái nhân sanh quan về phụ nữ ở hai nước ấy, theo thiệt sự thì đã được đổi mới rồi. Hễ cái nhân sanh quan đã đổi thì thế nào phụ nữ cũng được giải phóng cách trọn vẹn.

Phải có mấy lời để kết luận cho bài nầy luôn với bài trước, tôi xin dùng mấy lời nầy:

Loài người có hai tánh (sexe) là nam và nữ. Hai tánh vốn đồng nhau, nhưng từ khi đàn ông mạnh lên, ăn hiếp đàn bà, coi đàn bà là vật phụ thuộc, thành ra mới có sự bất bình đẳng. Ngày nay đàn bà tỉnh thức rồi, biết mình bị trói buộc nên mới yêu cầu giải phóng. Vậy thì, đối với sự yêu cầu ấy, nếu ta còn giữ cái quan niệm cũ, còn coi đàn bà là vật phụ thuộc, tức nhiên ta không biểu đồng tình với họ được. Duy có ta bỏ hẳn cái quan niệm cũ ấy, như J. J. Rousseau bảo "trở về với sự tự nhiên", thì tức khắc ta thấy họ cũng cần những điều chánh nghĩa, tự do, bình đẳng như ta, và đối với vấn đề giải phóng, ta chẳng còn ngần ngại gì. Ấy là, vấn đề phụ nữ giải phóng nhờ đổi mới nhân sanh quan mà được giải quyết ; mở lịch sử ra xem, nước nào cũng vậy.


 


* Lưu ý: tuy dùng chữ Việt “hoà bình” nhưng chữ Pháp tác giả ghi kèm trong ngoặc là modéré lại có nghĩa là đúng mức, vừa phải, ôn hoà.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt