Triết học xã hội

Thực chất của vấn đế triết học và chuỗi vấn đề trong nghiên cứu triết học ngày nay

 

THỰC CHẤT CỦA VẤN ĐỀ TRIẾT HỌC VÀ CHUỖI VẤN ĐỀ 

TRONG NGHIÊN CỨU TRIẾT HỌC HIỆN NAY

 

OU YANG KANG (ÂU DƯƠNG KHANG) 

(Giáo sư, Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung, Vũ Hán, Trung Quốc)

Nguyễn Như Diệm dịch

 

I. Đặt vấn đề: Chiều cạnh vấn đề của việc truy vấn tính hợp pháp của triết học

Triết học là một bộ môn khoa học lấy vấn đề làm tiêu điểm và lấy việc tìm hiểu vấn đề để thúc đẩy. Đặt ra "vấn đề trong nghiên cứu triết học hiện nay" là lấy việc thừa nhận triết học hiện nay có vấn đề chung làm tiền đề và hy vọng phát hiện mối liên hệ và sự khu biệt giữa vấn đề triết học hiện nay và vấn đề triết học trước kia, làm rõ tiêu điểm có tính thời đại của các tìm tòi triết học, vạch ra phương hướng phát triển cơ bản của triết học. Việc truy vấn tính vấn đề này bao hàm một sự cầu viện tính hợp pháp và truy vấn tính tiền đề đối với nghiên cứu triết học, đòi hỏi suy nghĩ về quan niệm triết học của chúng ta, nâng cao sự tự giác có tính chủ thể của nghiên cứu triết học.

Vấn đề triết học là gì? Về điều này, có thể có nhiều hướng suy nghĩ tìm tòi khác nhau: vấn đề có tính chất và đặc điểm triết học; vấn đề nhà triết học nghiên cứu; vấn đề được nghiên cứu bằng phương thức triết học... Và dù trả lời bằng phương thức nào đều khó tránh khỏi một chu kỳ giải thích học rõ rệt, đều không thể tách rời việc xác định “triết học là gì". Thí dụ trong lịch sử triết học phương Tây luôn có một cách nhìn, cho rằng triết học không có định luận, tức là không có một định nghĩa triết học duy nhất được mọi người công nhận. Vậy phải chăng còn có vấn đề triết học mà mọi người công nhận? Nhìn từ quan điểm của nhà triết học, một mặt vấn đề mà các nhà triết học thảo luận không nhất thiết đều là vấn đề triết học, họ cũng có thể thảo luận nhiều vấn đề phi triết học, mặt khác người không phải nhà triết học cũng có thể thảo luận vấn đề triết học, thậm chí thảo luận bằng phương thức phi triết học. Như vậy có thể giản đơn lấy nhà triết học để xác định vấn đề triết học được không? Thế là có người nêu, bản chất của triết học là một thứ “giống như gia đình” vậy.Vậy cái thứ "giống như gia đình” đó của triết học lấy gì làm dây nối hay cơ sở? Chúng tôi cho rằng vẫn là quan hệ tương ứng, sự quy định lẫn nhau và sự tương tác đối thoại giữa nhà triết học, vấn đề triết học và phương thức nghiên cứu triết học. Quan hệ giữa các yếu tố như nhà triết học, phương thức nghiên cứu triết học và vấn đề triết học là quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, những vấn đề được nhà triết học thảo luận bằng phương thức triết học hay được nâng lên tầng diện triết học để thảo luận mới có thể gọi là những vấn đề triết học.

Việc truy vấn tính hợp pháp của triết học từ chiều cạnh vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nghiên cứu triết học, nó đánh dấu sự tự giác cao độ của nghiên cứu triết học, giúp ích cho việc tăng cường ý thức về vấn đề và định hướng vấn đề trong nghiên cứu triết học, có ý nghĩa vô cùng tích cực đối với việc nắm tốt hơn giá trị đương đại của các vấn đề triết học trong lịch sử và đặc trưng bản chất của các vấn đề triết học mang tính thời đại.

II. Thực chất của vấn đề triết học và đặc điểm của phương thức tư duy triết học

Triết học ra đời từ sự theo đuổi cuối cùng của loài người, tập trung thể hiện nguyện vọng của loài người muốn vượt lên trên thế giới hiện thực hữu hạn để đi vào thế giới vô hạn. Nhưng từng cá nhân cụ thể và hữu hạn của mỗi thời đại gần như là không thể vượt lên trên thế giới hữu hạn trong đời sống thực tế, bởi vì sự sống tự nhiên hay năng lực lý tính của con người là vô cùng hữu hạn. Thế là người ta cố gắng theo đuổi và vượt lên về mặt tư tưởng. Đây là tính vượt lên của tư duy triết học. Sự vượt lên của triết học có thể được chia thành sự tự vượt lên của cá thể và sự vượt lên người khác. Sự tự vượt lên của cá thể có nghĩa là sự đổi mới phương hướng nghiên cứu học thuật hay sự điều chỉnh có tính cách mạng quan điểm học thuật, từ đó xuất hiện trước giới học thuật bằng diện mạo mới và phương thức mới. Sự vượt lên người khác thì đời hỏi phải khai thác những chủ đề triết học mới của thời đại, phương pháp nghiên cứu triết học phải có tính sáng tạo... Mục tiêu mà triết học của mỗi cá nhân và triết học của mỗi thời đại có thể đạt tới đều là hữu hạn, cụ thể, nhưng sự theo đuổi và vượt lên của con người đối với giới hạn lại là vô hạn, phổ biến. Tính cuối cùng và tính vượt lên là đặc tính căn bản nhất của tư duy triết học, thể hiện mối quan tâm cuối cùng và theo đuổi cuối cùng của con người.

Quan tâm đến sự tồn tại của thế giới và ý nghĩa của nó bằng phương thức có tính cuối cùng và có tính vượt lên, thì sự tồn tại của thế giới và ý nghĩa của nó tất nhiên sẽ chuyển hoá thành vấn đề triết học bằng một phương thức có tính cuối cùng, đây chính là vấn đề về sự tồn tại cuối cùng, giá trị cuối cùng và sự giải thích cuối cùng mà chúng ta thường nói. Bản năng duy lý của con người là theo đuổi tri thức, nhưng có ảnh hưởng sâu sắc hơn và có vai trò hướng dẫn cụ thể hơn đối với thực tiễn của loài người lại là theo đuổi cái thiện và cái mỹ, do vậy giá trị và ý nghĩa của thế giới tất nhiên là cái người ta quan tâm nhất. Hoàn toàn không phải chỉ có triết học mới quan tâm đến vấn đề giá trị và ý nghĩa, nhưng sự quan tâm của triết học tới giá trị và ý nghĩa có phần khác với các phương thức khác, nó triển khai ở tầng diện cao nhất, cuối cùng và căn bản nhất, luôn đụng chạm đến một số vấn đề có tính cuối cùng, do vậy vấn đề triết học luôn tương quan bên trong với các vấn đề tồn tại cuối cùng, giá trị cuối cùng và sự giải thích cuối cùng. Con người sống trong thế giới hữu hạn, nhưng lại có xung động mãnh liệt vượt lên trên thế giới hữu hạn. Trong đời sống thường nhật, con người vừa cần theo đuổi cái chân, vừa cần theo đuổi cái thiện và cái mỹ, triết học giúp người ta theo đuổi cái chí chân, chí thiện và chí mỹ.

Do triết học luôn quan tâm đến các vấn đề có tính cuối cùng của thế giới bằng phương thức có tính cuối cùng, nên nó cần được triển khai bằng một phương thức trừu tượng hoá và phổ biến hoá cao độ. Nhưng sự tìm tòi có tính trừu tượng và phổ biến này của triết học lại được triển khai trong những điều kiện lịch sử cụ thể, thông qua cá nhân nhà triết học cụ thể, luôn gắn liền với một thời đại lịch sử cụ thể và sự cảm thụ của cá thể cụ thể. Do đó nó khó tránh khỏi phải chịu sự chế ước của thời đại lịch sử và cá thể, và tất nhiên nó có tính thời đại, tính lịch sử, tính cụ thể rất mạnh. Như vậy vấn đề triết học của mỗi thời đại lại tất nhiên có đặc điểm thời đại, dân tộc và cá thể. Chính là theo ý nghĩa đó mà chúng ta có thể đề xuất và tìm hiểu về một vấn đề có ý nghĩa thời đại - “vấn đề của nghiên cứu triết học hiện nay".

III. Chuỗi vấn đề trong nghiên cứu triết học hiện nay

Nhân tính là xuất phát điểm và cơ sở để nhà triết học suy nghĩ về vấn đề triết học, là hạt nhân cơ bản của vấn đề triết học, cũng là trục tâm của chuỗi vấn đề triết học. Nghiên cứu triết học được triển khai một cách có tính tương tác trong sự khai thác sâu nhân tính và sự tìm tòi và sáng tạo giá trị và ý nghĩa của thế giới. Nội dung và tính chất của thế giới sinh sống của nhà triết học quyết định phạm vi và độ sâu vấn đề triết học mà họ suy nghĩ, tính phong phú của tư tưởng của họ là tương ứng với tính phong phú của đời sống của họ và tính phong phú của thế giới bên ngoài, cũng gắn liền với tính phong phú của sự giao tiếp của họ.Đây chính là nguyên nhân sâu xa khiến cho triết học phương Tây hiện đại, đặc biệt là một số triết học chủ lưu, đặc biệt quan tâm tới vấn đề giao tiếp, tới việc đi vào thế giới đời sống.Từ đây có thể xem xét chuỗi vấn đề và mạng vấn đề trong nghiên cứu triết học hiện nay.

1. Xung đột bên trong và tương tác giữa lý tính và phi lý tính trong kết cấu tâm lý sâu xa của con người là hạt nhân của chuỗi vấn đề triết học. Kết cấu tâm lý bên trong của con người là vô cùng phức tạp, nhưng về đại thể chúng ta có thể chia chúng thành 2 mặt lớn là lý tính và phi lý tính hay lý tính và tín ngưỡng. Hai mặt này vừa phụ thuộc nhau, vừa luôn xung đột bên trong, cấu thành thứ sâu xa nhất trong kết cấu nhân tính. Trong lịch trình phát triển văn minh, con người không ngừng tăng cường mặt lý tính của mình, nhưng lại không ngừng chịu sự khích lệ hay can thiệp của phi lý tính. Sự phân hoá giữa lý tính và phi lý tính đã tạo ra 2 truyền thống triết học cơ bản lớn là truyền thống triết học Cổ Hy Lạp và truyền thống Hebrew. Trong lịch sử phát triển triết học hơn 2000 năm sau đó, chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa phi duy lý thay nhau lên xuống, lúc thăng lúc trầm. Trong thực tế, chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa phi duy lý là sự truy vấn đến cùng cơ sở tâm lý sâu xa bên trong của con người, mong muốn phát hiện ra những nhân tố cốt lõi cơ bản nhất và có sức mạnh quyết định trong kết cấu tâm lý nhằm vạch ra một cách sâu sắc tiêu điểm tranh luận và điểm gốc xung đột bên trong tâm hồn con người, và đứng chân trên đó để giải thích nhân tính và quan hệ giữa con người và thế giới. Chính vì quan hệ giữa lý tính và phi lý tính có địa vị đặc thù như vậy nên tranh luận xung quanh chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa phi duy lý đã biểu hiện nổi bật ở tầng diện triết học. Cách hiểu và quan tâm khác nhau đối với lý tính và phi lý tính đã sản sinh ra các trường phái khác nhau của chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa phi duy lý.

2. Sự phân hoá, xung đột và tương tác toàn diện giữa văn hoá khoa học kỹ thuật và văn hoá nhân văn trong đời sống xã hội. Về bản chất, sự xung đột và tương tác này là sự ngoại hoá và biểu hiện của lý tính và phi lý tính trong các lĩnh vực tri thức và trên các tầng diện sản xuất và đời sống xã hội; là sự mở rộng mâu thuẫn và xung đột tâm lý của con người trong các lĩnh vực tri thức và đời sống xã hội. Những phát hiện, phát minh và ứng dụng rộng rãi khoa học và công nghệ từ thời cận đại trở đi, một mặt, đã làm tăng mạnh mẽ năng lực nhận thức và thực tiễn của con người, phát triển tính chủ thể của con người, tạo ra nguồn của cải vật chất và tinh thần to lớn; mặt khác cũng làm gay gắt thêm sự phân hoá và đối lập trong quan hệ giữa con người và tự nhiên, cá nhân và xã hội, thế giới đời sống và thế giới tâm linh của con người[1], tạo ra trong xã hội hiện thực sự phân hoá và đối lập giữa văn hoá nhân văn và văn hoá khoa học kỹ thuật, và tương ứng, về mặt tinh thần, gây ra sự phân hoá và đối lập giữa tinh thần nhân văn và tinh thần khoa học, diễn biến thành các loại “bệnh hiện đại" trong xã hội loài người hiện nay. Tính nghiêm trọng của vấn đề về mặt này hiện nay là ở chỗ, một mặt, lực lượng khoa học và công nghệ cao mới đang mở rộng và tăng cường nhanh chóng theo cấp số nhân, nếu thiếu sự quan tâm nhân văn và sự hướng dẫn giá trị cần thiết thì khó điều chỉnh và khống chế hữu hiệu phương hướng tác động và con đường phát triển của nó, tính nguy hiểm của sự lạm dụng và tha hoá của nó sẽ tăng lên cực độ; mặt khác, thiếu nội dung của tinh thần khoa học và sự trụ đỡ của kỹ thuật công trình hiện đại, tinh thần nhân văn đương đại cũng khó đáp ứng nhu cầu của con người về tinh thần nhân văn mới trong môi trường công tác và đời sống khoa học công nghệ cao, khó phát huy hữu hiệu vai trò của mình. Do vậy, làm thế nào xúc tiến trên một tầm cao mới sự tương tác và liên thông lành mạnh giữa khoa học công nghệ cao mới và nhân văn đương đại, xúc tiến sự liên thông và cùng xây dựng văn hoá khoa học công nghệ và văn hoá nhân văn đang trở thành vấn đề quan trọng mà người làm công tác triết học không thể bỏ qua.

3. Sự phân hoá và đối lập giữa thế giới đời sống và thế giới thần thánh. Trạng thái tâm lý bên trong của con người vừa cần biểu hiện ra và phát huy vai trò một cách rộng rãi, phổ biến nhất ở mọi chốn mọi nơi trong đời sống thường nhật, vừa cần được tinh luyện và nâng cấp trong lý tưởng, linh tính, thần thánh thậm chí tín ngưỡng tôn giáo của con người. Thế giới đời sống là cơ sở của thế giới thần thánh, còn thế giới thần thánh thì hướng dẫn phương hướng cho thế giới đời sống, hai thứ đan xen và tương tác lẫn nhau. Nhìn về tổng thể, Trung Quốc là một nước có truyền thống tôn giáo tương đối yếu, việc nâng cấp thế giới tâm linh của con người chủ yếu biểu hiện thông qua việc theo đuổi các lý tưởng đạo đức tốt đẹp, cái thần thánh, cao thượng... Từ thời cận đại trở đi, các loại tôn giáo du nhập vào Trung Quốc cũng chỉ có thể tồn tại và phát huy vai trò khi hoà nhập vào đời sống thế tục của người Trung Quốc bằng phương thức của mình. Trong những năm tháng chiến tranh cách mạng và chiến tranh chống Nhật ở thế kỷ XX, các lý tưng, giá trị truyền thống bị tấn công, chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa lý tưởng cách mạng dần trở thành mặt chủ đạo trong đời sống xã hội. Từ cải cách, mở cửa trở đi, đời sống xã hội lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm, thị trường trở thành con đường giao lưu chủ yếu giữa con người, thế giới đời sống trở nên phong phú và cụ thể hơn,nhưng nguyên tắc lợi ích chủ đạo trở nên tương đối giản đơn và rõ nét, còn tình hình của thế giới tinh thần thì trở nên đặc biệt phức tạp và đa dạng: quan niệm giá trị phương Tây, lý tưởng giá trị truyền thống, mục tiêu lý tưởng cách mạng, tình cảm đạo đức tư tưởng, các loại lý tưởng tôn giáo đều phát huy tác dụng, định hướng giá trị chủ đạo của xã hội trở nên yếu đuối và mơ hồ, vai trò của lý tưởng, của cái thần thánh và cao thượng càng trở nên nhạt màu. Ở mức độ rất lớn, điều này cũng làm cho thế giới đời sống mất đi sự hướng dẫn của tinh thần và sự chỉ đạo của lý tưởng. Một khi xa rời lý tưởng, cái cao cả và thần thánh, thế giới đời sống của con người sẽ mất đi phương hướng và ý nghĩa của mình, giá trị và ý nghĩa của thế giới cũng bị che khuất. Ngay cả một dân tộc và quốc gia không có tín ngưỡng tôn giáo mạnh mẽ như Trung Quốc cũng cần một số niềm tin lý tưởng, tình cảm đạo đức, nhân cách thần thánh, trạng thái cao cả tựa như là tôn giáo. Nhưng nếu xa rời thế giới đời sống thì niềm tin lý tưởng lại chẳng làm nên trò trống gì. Làm thế nào duy trì sức căng giữa tính thế tục của thế giới đời sống và tính thần thánh của thế giới tinh thần rõ ràng là vùng vấn đề quan trọng của nghiên cứu triết học hiện nay.

4. Xung đột và chế ước lẫn nhau giữa bản sắc dân tộc và hệ thống toàn cầu. Bất cứ cá thể nào xưa nay đều tất yếu ở trong một hệ thống văn hoá dân tộc nhất định. Tương tự, bản sắc văn hoá dân tộc trao cho con người cá thể một đặc tính văn hoá nào đó, và cũng làm cho cá thể tìm thấy thuộc tính văn hoá. Đồng thời, mọi quốc gia dân tộc đều tất yếu áp dụng một hệ tư tưởng và chế độ chính trị nào đó. Do vậy, tính đồng nhất chính trị cũng cung cấp cho con người cá thể sự bảo đảm chính trị. Thế giới đương đại đang ở trong tiến trình phát triển mạnh mẽ của toàn cầu hoá và nhất thể hoá kinh tế. Toàn cầu hoá tập trung các dân tộc vốn sống trong các khu vực cụ thể của thế giới vào một không gian khu vực có tính toàn cầu nhỏ hẹp và khiến chúng gặp nhau trong một tiến trình thời gian tăng tốc. Khác biệt giữa các nền văn hoá dân tộc trở nên ngày càng rõ rệt và nổi bật, còn mâu thuẫn giữa chúng thì trở nên ngày càng gay gắt. Về mặt tích cực, toàn cầu hoá xúc tiến sự truyền bá có tính toàn cầu của văn hoá dân tộc, khiến cho một bộ phận văn hoá dân tộc có được phẩm cách thế giới, đồng thời cũng tạo ra một phong trào có tính toàn cầu về học tập văn hoá. Các quốc gia và dân tộc tương đối tự giác và thông minh đều học tập và tham khảo văn hoá ưu tú của các quốc gia và dân tộc khác và nỗ lực di thực chúng vào quốc gia và dân tộc mình. Về mặt tiêu cực, do về cơ bản toàn cầu hoá là do các nước phát triển phương Tây tiến hành, và tiến hành theo các quy tắc do họ đề ra, nên trong thực tế, bằng một thứ phương thức Tây hoá, nó buộc các dân tộc vứt bỏ một cách tự giác hay không tự giác tính dị biệt,đi tới tính đồng nhất. Đối với các dân tộc, đây lại là một thách thức có tính căn bản hơn. Thách thức này không chỉ đụng chạm đến trạng thái bên ngoài của văn hoá dân tộc, mà đặc biệt còn đụng chạm tới hạt nhân tinh thần bên trong của các dân tộc, buộc cá thể và dân tộc phải đưa ra sự lựa chọn vô cùng khó khăn, thậm chí đau khổ. Làm thế nào đối xử đúng đắn với toàn cầu hoá và bản sắc dân tộc là vấn đề chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong nhóm vấn đề triết học đương đại.

5. Sự đối lập và tương tác giữa tự do cá tính và các quy định pháp luật. Giải phóng cá tính và sự phát triển tự do toàn diện của con người vừa là mục tiêu cao nhất của sự sinh tồn phát triển của cá nhân, vừa là điều kiện tất yếu của tiến bộ xã hội và tự do, giải phóng của loài người. Lịch trình phát triển của con người, về mặt định hướng giá trị hợp lý của nó, phải là lịch trình người ta di tới tự do, giải phóng và phát triển toàn diện hơn.Nhưng quá trình toàn cầu hoá đồng thời lại là một quá trình thiết chế hoá, quy phạm hoá cao độ, các quy chế pháp luật của xã hội ngày càng chặt chẽ đã tạo thành sự chế ước lớn mạnh đối với tự do cá tính. Giddens cho rằng "chúng ta cần lý giải tính hiện đại từ tầng diện thiết chế"[2]. Tính hiện đại là một sự liên kết, khái quát và nâng cấp có tính thiết chế đối với những yếu tố và đặc tính có lợi cho tiến bộ của văn minh loài người trong tiến trình hiện đại hoá. Tính hiện đại xuyên suốt các mặt tương quan của đời sống loài người, được biểu hiện và thực hiện thông qua phương thức sản xuất và sinh hoạt thường ngày, thông qua các thiết chế xã hội và quan niệm tư tưởng, hình thành nên cục diện phức tạp đan xen qua lại với đời sống cá nhân. Quan niệm xã hội hiện đại một mặt chuyển hoá thành ý thức công chúng và ý thức cộng đồng thông qua sự tự đồng nhất của con người, mặt khác được biểu hiện và thực hiện một cách hệ thống hoá và thiết chế hoá thông qua các thiết chế xã hội hiện đại. Điều đó sẽ xác lập nên một cơ chế mới giữa hiện đại hoá và tự đồng nhất, "cơ chế mới này một mặt do các thiết chế hiện đại xây dựng nên, đồng thời cũng xây dựng nên chính các thiết chế hiện đại”[3]. Thiết chế xã hội hiện đại bao gồm các hệ thống tổ chức sản xuất lớn lấy hiệu suất làm mục tiêu và lấy cạnh tranh làm biện pháp, các mô hình đời sống lấy tính công cộng, tính xã hội và trình độ cao làm đặc trưng, các thể chế chính trị xã hội lấy chế độ phân cấp và dân chủ hoá làm nguyên tắc chủ yếu, các hệ thống pháp chế lấy khế ước hoá và pháp chế hoá làm nội dung chủ yếu. Nguyên tắc cao nhất xuyên suốt trong hệ thống này là tính hợp lý, nguyên tắc hợp lý này lại được biểu hiện và thực hiện cụ thể trong các lĩnh vực thông qua tính khoa học của nhận thức, tính công bằng của đánh giá, tính quy phạm của hành vi, tính trình tự của quyết sách. Tự do cá tính của con người được xây dựng và thực hiện trong hệ thống xã hội chặt chẽ này. Phát huy cá tính và kiện toàn thiết chế đều là yêu cầu của thời đại. Làm thế nào duy trì sức căng thích đáng giữa hai mặt để chúng đều có thể phát triển hài hoà? Xã hội trông đợi giới triết học trả lời và hướng dẫn.

Qua những điều trình bày trên đây có thể thấy, cơ sở căn bản nhất của chuỗi vấn đề triết học là nhân tính, không gian rộng rãi nhất của nó là xã hội loài người, thậm chí cả thế giới. Các vấn đề triết học mà ngày nay chúng ta đối mặt là một mạng, trong đó nhỏ nhất và vi mô nhất là tâm lý cá tính,nó ở vào trung tâm của mạng vấn đề, là trục tâm của toàn bộ các vấn đề triết học; mạng vấn đề vô cùng rộng, không có biên giới rõ ràng, nhưng ít nhất đụng chạm đến toàn bộ thế giới bên ngoài bao gồm tự nhiên, con người và xã hội, bao gồm toàn bộ các vấn đề triết học mà ngày nay chúng ta nói. Trước đây con người cá thể chỉ có thể trực tiếp liên hệ với gia đình, thôn làng, chủng tộc, bộ tộc cho đến dân tộc, ngày nay thông qua các loại trung gian chúng ta trực tiếp có quan hệ với toàn nhân loại. Tâm hồn và cá tính của cá nhân đều chịu ảnh hưởng và tác động sâu sắc của toàn cầu hoá. Giữa vấn đề cá tính nhỏ nhất, vi mô nhất, sâu sắc nhất và vấn đề toàn cầu rộng nhất, phổ biến nhất, vĩ mô nhất còn có vô số vấn đề ở các cấp độ khác nhau, với các loại hình khác nhau. Hiện nay gần như tất cả các vấn đề trong nghiên cứu triết học về đại thể đều có thể căn cứ vào những tiêu chuẩn và những mối liên hệ nhất định để đưa vào mạng vấn đề với mấy mặt và mấy cấp nói trên. Theo khoa học hệ thống hiện đại, mạng vấn đề này vô cùng phức tạp,việc giải đáp bất cứ vấn đề nào trong đó đều liên quan bên trong với nhiều vấn đề khác; mạng vấn đề này cũng cực kỳ rủi ro, bất cứ mắt khâu nào trong hệ thống mạng đều có thể tan rã, phát sinh đột biến và tai biến do các nhân tố ngẫu nhiên và tuỳ tiện; mạng vấn đề này cũng vô cùng mong manh, sự hư hỏng bất kỳ khâu nối nào trên mạng đều có thể dẫn đến sự tan rã của toàn mạng, sự sụp đổ của chỉnh thể. Người ta không tránh khỏi phải sống trong cái mạng vấn đề phức tạp đầy rủi ro này, bất kỳ sự xao động nào của mạng đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu tâm lý bên trong của chúng ta, đến kết cấu xã hội, vận mệnh dân tộc và quốc gia, đến sự tự đồng nhất và định vị của cá thể. Vấn đề phức tạp đòi hỏi tầm nhìn, hướng suy nghĩ và phương pháp phức tạp[4]. Tính phức tạp của mạng vấn đề triết học hiện nay đòi hỏi các nhà triết học phải có năng lực tư duy phức tạp, đồi hỏi tư duy và phương pháp nghiên cứu triết học đáp lại được sự thách thức của tính phức tạp. Trong quá trình tự giác đi tới tính phức tạp, nghiên cứu triết học hiện nay cần có bước phát triển có tính cách mạng và một sự vượt lên có tính đột phá.

IV. Cơ chế hình thành vấn đề triết học và tâm thái nhà triết học

Vấn đề triết học đích thực được hình thành và nâng cấp trong đối thoại. Đối thoại là cơ chế hìnhthành vấn đề triết học. Giá trị lớn nhất của triết học là giúp người ta tiến hành đối thoại. Đối thoại triết học là toàn diện, bao gồm đối thoại với lịch sử và đối thoại với thời đại, đối thoại với lý luận và đối thoại với thực tiễn, đối thoại với người khác và đối thoại với chính mình... Đối thoại triết học là đa cấp độ: trực tiếp thì là đối thoại của cá thể nhà nghiên cứu với các truyền thống triết học, các trường phái triết học khác trong hoạt động nghiên cứu học thuật của mình; cấp trung bình là đối thoại giữa các nhà triết học thuộc các truyền thống triết học và trường phái triết học khác nhau; cấp cao hơn là đối thoại giữa các chi nhánh triết học và trường phái triết học khác nhau để đạt tới sự hiểu biết và nắm bắt chỉnh thể về một trào lưu và trường phái triết học nào đớ; cấp cao nhất là đối thoại giữa các quan niệm triết học, lý tưởng triết học và phương pháp triết học. Sự khác biệt giữa các trường phái triết học khác nhau về căn bản là sự bất đồng và khác biệt giữa các quan niệm, lý tưởng và phương pháp triết học khác nhau. Do vậy một đối thoại triết học thực sự có giá trị và có ý nghĩa cần tiến hành ở tầng diện và tầm cao của quan niệm triết học,lý tưởng triết học và phương pháp triết học. Đây là then chốt của việc triển khai sự đối thoại này bằng phương thức triết học đích thực,cũng là chỗ khó của nó. Nhìn từ giác độ nghiên cứu học thuật,ở đây đặc biệt cần sự đối thoại xuyên bộ môn, bởi chúng ta đều đi vào lâu đài nghiên cứu học thuật với kết cấu tri thức vô cùng phiến diện, mà nghiên cứu triết học đích thực lại cần tri thức quảng bác, tầm nhìn rộng rãi và tư duy sâu sắc, bởi vậy chỉ có không ngừng vượt qua sự giới hạn tri thức và tư tưởng của bản thân, chúng ta mới có thể vượt qua lịch sử và người khác.

Mục dích cuối cùng của tìm tòi chuỗi vấn đề triết học vẫn là hy vọng giúp chúng ta phát hiện, đặt ra và nghiên cứu tốt hơn các vấn đề triết học. Vấn đề triết học đã được đặt ra và triển khai theo ý nghĩa của tính cuối cùng và tính vượt lên thì không thể bỏ qua tính phổ biến và tính căn bản của nó; vấn đề triết học đã biểu đạt sự tương tác tích cực giữa thế giới tâm hồn bên trong của con người và thế giới bên ngoài thì không thể bỏ qua tính thể nghiệm và tính thời đại của nó; hạt nhân của vấn đề triết học đã là theo đuổi giá trị và ý nghĩa, nhưng tính đa nguyên của giá trị và ý nghĩa và tính đa dạng của việc đánh giá tất nhiên làm cho vấn đề triết học có tính đa dạng đặc thù.Những đặc trưng trên đây của vấn đề triết học một mặt đời hỏi nhà triết học tìm tòi biên giới của sự sáng tạo tri thức, tư duy và ý nghĩa của loài người bằng thái độ tích cực hơn nhằm tìm kiếm sự đột phá và vượt lên lớn hơn trong điều kiện mới, mặt khác đời hỏi nhà triết học đối xử với thế giới, người khác và chính mình bằng thái độ khiêm nhường hơn, bảo đảm sự định vị hợp lý đối với giá trị và ý nghĩa việc làm của mình. Chính vì vấn đề triết học nẩy sinh từ sự tương tác giữa tâm linh nội tại của con người và thế giới bên ngoài nên trong thực tế, trình độ tư tưởng và trạng thái tinh thần của nhà triết học quyết định bề rộng,chiều cao và độ sâu sự phát hiện và lý giải thế giới của họ. Theo ý nghĩa này, không ngừng suy nghĩ và vượt qua giới hạn tự tưởng của mình, không ngừng rèn luyện và nâng cao trạng thái nhân cách của mình là con đường tất yếu để nhà triết học nghiên cứu và phát triển các nghiên cứu triết học một cách thực sự có hiệu quả.

 


Viện Khoa học Xã hội - Viện Thông tin Khoa học Xã hội. Những vấn đề mũi nhọn trong nghiên cứu triết học đương đại. Nguyễn Như Diệm dịch. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2008, tr. 159-178.



[1] Xem Snow, Hai thứ văn hoá, Nxb Sanlian, 1994.

[2] Antony Giddens, Tính hiện đại và tự đồng nhất,Nxb Sanlian, 1998, tr. 1.

[3] Sđd, tr. 2.

[4] Xem Ou Yang Kang, "Tính phức tạp và đổi mới khoa học xã hội nhân văn", Nghiên cứu triết học, 2003, S. 7.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt