Triết học xã hội

Xã hội có phải là thực tại không

 

 

XÃ HỘI CÓ PHẢI LÀ THỰC TẠI KHÔNG ?

 

LÊ THÀNH TRỊ

 


Lê Thành Trị. Đường vào triết học. Phần 3: "Các vấn đề triết học". Tủ sách Triết học, 1971, tr. 206-222.


 

Người sống trong xã hội. Chúng ta đã bàn về người. Bây giờ chúng ta đề cập đến xã hội. Danh từ xã hội nói đây hiệu theo nghĩa thông thường, vì chúng tôi không có ý dừng lại ở những phân biệt giữa các hình thức dị biệt của nội dung quan niệm do danh từ gợi ra, theo nghĩa rộng hẹp thế nào...

Xã hội hiểu theo nghĩa thông thường chỉ những gì? Trước hết người ta có thể nghĩ đến tất cả những gì một tập thể sống thực qua các vấn đề thực hành như chính trị, kinh tế, hành chánh, quân sự... Chẳng hạn, người ta nên theo dân chủ hay độc tài, điều đó tùy thuộc vào nhiều điều kiện văn hóa của người cai trị cũng như của giai cấp bị trị, nói hẹp lại tùy mục tiêu đeo đuổi. Chẳng hạn, nên để cho tư nhân xử dụng phương tiện sản xuất hay dành cho Nhà nước độc quyền làm chủ những phương tiện ấy, đằng nào hơn. Tất cả những vấn đề ấy và những vấn đề tương tự thuộc thẩm quyền nhà chính trị hoặc nhà kinh tế chuyên nghiệp, nói một cách tổng quát, đó là việc của nhà thực hành, không phải của nhà triết học. Triết học đứng ngoài vòng.

Tuy nhiên, vấn đề không phải chỉ có thế, và vấn đề không giản dị như cảm tưởng ban đầu. Vì rằng người ta có thể đứng ở quan điểm mục đích để phê phán nội dung quan niệm và cơ cấu kinh tế. Cũng như trong nhiều lãnh vực khác, triết học có rất ít tiếng nói đối với những vấn đề cụ thể, hữu hiệu, thực hành. Chẳng hạn có nên tư hữu hóa một cơ xưởng của nhà Nước hay không, có nên dành nhiều hay quyền hành cho vị nguyên thủ quốc gia không, có nên tập trung hay phân tán quyền bính quốc gia hay không... những điều ấy tuy ở quan điểm nhận định thực hành của từng hoàn cảnh, và do đó, thuộc thẩm quyền những người hành động chuyên môn vấn đề (ad hoc).

Nhưng hoàn cảnh không đủ để biện hộ cho sự lựa chọn hay quyết định một chính thểphải theo, một đạo luật phải ban hành, một định chế phải thực hiện trong xã hội. Nói khác đi, biết hoàn cảnh mà thôi không đủ.

Bởi vì bất cứ một hoạt động nào của người đều mang theo một ý nghĩa, một giá trị, là kết quả của một đánh giá. Đánh giá là gì, nếu không phải là, trên bình diện thực hành, cho rằng hoạt động hay định chế hợp với mục đích, với cứu cánh ? Hiện tượng luận cho biết rằng ý nghĩa một việc làm của một cá nhân vốn chứa đầy viễn ảnh, phương chi việc làm liên hệ đến nhiều người hoặc là việc làm của nhiều người. Phân tách ý hướng đã điều khiển thái độ hay quyết định có tính cách tập thể không phải là việc dễ, và ngoài triết học ra không được một khoa học nào đảm nhận như là đối tượng riêng biệt của mình. Có người vội nói vấn đề cứu cánh của những việc xã hội không phải là của triết lý, mà là vấn đề sức mạnh của Nhà nước. Nhà nước mạnh thì mọi sự sẽ có trật tự, sẽ ổn định,... Nhưng nhà triết học có thể hỏi lại : Tại sao sức mạnh của Nhà nước là cứu cánh, và sức mạnh Nhà nước để làm gì? Trật tự, hạnh phúc? Nhà nước muốn đem lại cho nhân dân, là cái gì?

Đến đây ta thấy những người chủ trương Nhà nước phải mạnh, không còn đối diện với những phương diện cụ thể thực hành của chính trị, kinh tế, hành chánh v.v. mà thiết yếu thấy mình đứng trước những vấn đề thuộc thử hạng luân lý, giá trị... những vấn đề triết học vậy. Thực trạng là như vậy. Những nhà xã hội học chuyên môn, tất cả đều phải tìm đến triết lý và nhà triết lý, thì mới biện minh cho quan điểm xã hội của mình được. Những quan điểm nào thuộc về cứu cánh hay liên hệ đến cứu cánh đều thuộc về triết học. Tuy nhiên vấn đề cứu cánh hay vấn đề phục dịch xã hội, tuy là quan trọng, sống còn của nhân loại, nhưng không phải là vấn đề đầu tiên được triết gia đặt ra, và theo nghĩa đó không phải là vấn đề quan trọng nhất, it ra trên bình diện nhận thức luận. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề phục dịch xã hội trong bài nói về Vai trò Triết gia trong xã ội. Giờ đây, chúng tôi muốn đề cập đến vấn đề Thực tại xã hội, theo nhiều triết gia, là vấn đề căn bản và tiên quyết của Triết lý xã hội. Vấn đề được phát biểu như sau:

Trong xã hội cái gì là hiện hữu, cái gì là thực tại và thực đến mức độ nào ? Sự giải quyết vấn đề này liên hệ đến phẩm giá và tự do của con người. Nói kiều khác vấn đề Tự do và hạnh phúc của người là hệ luận của ý niệm về xã hội có phải là thực tại hay không. Độc giả lại thấy rằng tại sao, sau khi bàn về người, chúng tôi đã bắt buộc đề cập đến vấn đề hữu thể luận trước khi nói đến xã hội.

Mỗi người chúng ta, ai cũng thấy mình đứng trước một Quyền lực trong xã hội. Chúng ta có thể yêu hay ghét Quyền lực ấy, nhưng không một ai có thể hoàn toàn tiêu hủy Quyền lực ấy, hoặc tự lừa dối mình rằng Quyền lực ấy chỉ là bóng ma hữu danh vô thực, một con cọp giấy. Sống trong xã hội, ta không thể muốn làm gì thì làm. Một ví dụ rất nhỏ. Gần đây, một bác thợ may nào đó đã nghĩ đến một kiểu áo tắm cho phụ nữ rất thần tình vừa đủ che chỗ cần thiết còn thì đề lộ hai nhũ hoa một cách khêu gợi. Lập tức, kiểu áo ấy gây ra một phản ứng mãnh liệt, và nhiều người phụ nữ, can đảm đến mấy, cũng bị dư luận làm cho phải từ bỏ một cách hối tiếc. Nói rộng ra cá nhân nào không muốn uốn mình theo phong tục hay tập quán trong xã hội, thì tất nhiên bị xã hội kết án là điên gàn, là tội lỗi, nếu không bị tù đày thì cũng sẽ được gửi đến trại cải huấn hay nhà thương điên, hoặc một trung tâm giáo dục thích ứng nào đó.

Đấy, ta thấy Uy quyền xã hội là như vậy. Nhiều khi xã hội đối với tôi có hiệu lực như một nhà giam, một ngục thất khổng lồ nhưng rất nghiêm khắc chặt chẽ. Xã hội đè nặng lên tư tưởng cá nhân của riêng tôi, đè nặng lên tâm tình tha thiết nhất của thằng tôi, xác định đến cao độ tất cả cuộc sống tinh thần tôi. Không kể những tập tục gò bó nhiều ít có tính cách đạo đức, luân lý, ngay cả hình thức ngôn ngữ cũng vậy. Từ ngữ pháp, văn phạm, đến cách phát âm hay những kiểu xưng hô, lời ăn tiếng nói, nhất nhất đều phải rập theo mệnh lệnh vô hình của xã hội. Ngôn ngữ lệ thuộc vào xã hội, là sản phẩm của xã hội. Nhờ ngôn ngữ làm trung gian, tôi mới thấm nhuần được truyền thống, tôi mới có phương tiện và kiếm được phương tiện sinh nhai và cải thiện cuộc sống. Tất cả những gì tôi thâu nhận được làm kiến thức, làm chất sinh dưỡng, đều do xã hội, do kinh nghiệm của xã hội chồng chất và di truyền từ đời nầy qua đời kia. Cái gì tôi có, cái làm nên tôi, cái Tôi là do xã hội mà có.

Những nhận định trên đây không làm cho ta bỡ ngỡ khi thấy các nhà tư tưởng hoặc các triết gia xem xã hội như một quyền lực có thực. Xã hội xuất hiện như một hiện hữu như các hiện hữu khác trong vũ trụ, có lẽ còn thực và rõ hơn nữa là khác.

Đến đây nảy ra nhiều khó khăn. Thực vậy, chung quanh ta ta chỉ thấy một đông đảo cá nhân, ta sống trong đông đảo ấy. Ta đi tìm nhân loại tính để rồi chỉ thấy toàn là cá nhân, nhân loại tính chỉ còn là một bản chất được quan niệm như một cái gì làm cho người thành người. Mà không riêng gì nhân loại. Các đoàn thể, tập thể nhỏ hơn cũng vậy. Gia đình chẳng hạn là gì nếu không phải là do những cá nhân gọi là cha, mẹ, ông, bà, con cái cùng chung sống dưới một mái nhà làm nên ? Dân tộc Việt Nam là gì nếu không là gồm những người mệnh danh là Việt-Nam. Thành ra cải gọi là xã hội tính chúng ta không gặp một chỗ nào dưới bầu trời này cả, không một nơi nào chỉ cho ta vị trí của nhân loại tính.

Quan điểm ấy được nhiều triết gia đồng ý và gọi là thuyết cá nhân. Thuyết này đã đưa đến kết luận xã hội chỉ là một giả tạo thuần túy. Trong thực tại chỉ có những cá nhân. Cái gọi chung là xã hội chỉ là một danh từ. Mỗi lần nói đến nhà nước thực ra không phải là nhà nước xét theo là một hiện hữu, vì làm gì có nhà nước, làm gì có một thực tại nhà nước, mà chỉ có công dân, hay đúng hơn chỉ có mỗi người trong ta đè nặng lên ta, có uy quyền đối với ta. Cá nhân này tác động đến cá nhân kia thế thôi. Bổn phận đối với nhà nước chính là bổn phận đối với một vị nguyên thủ quốc gia nào đó, đối với mỗi công chức các cấp :

Những người chủ trương như vậy đã giải thích áp lực xã hội như thế nào? Như đã nói, mỗi cá nhân cảm thấy đè nặng lên vai một áp lực xã hội và áp lực ấy không thể nói là của ông A hay ông B; một áp lực vô danh. Chủ nghĩa cá nhân giải thích thế này: trong xã hội cá nhân có ảnh hưởng lẫn nhau, ông A ảnh hưởng đến ông B, ông B ảnh hưởng đến ông C, ông A và ông Clại ảnh hưởng lẫn nhau. Ảnh hưởng ấy bắt nguồn từ cá nhân này đến cả nhân kia và có thể ngược lại. Chẳng khác gì như phân tử, điện tử vốn là những vật cá biệt, hoàn toàn cá biệt trong một nguyên tử, nhưng vẫn xô đẩy hay lôi kéo lẫn nhau. Sự hấp dẫn ấy có tính cách cơ giới, sinh vật hay tâm lý, điều ấy ở đây không quan trọng. Điều quan trọng là chỉ có thực tại cá nhân, thực tại trong xã hội là những cá nhân và toàn thể mà ta gọi là xã hội là do cá nhân làm nên. Nói khác đi chỉ có thực tại cả thể chứ không làm gì có thực tại toàn thể.

Ngày nay người ta quen gọi chủ nghĩa cá nhân để đối lập với chủ nghĩa duy danh xã hội vốn là một danh từ không cơ thực chất trong thực tại. Nhưng lời giải thích của chủ nghĩa cá nhân có thỏa mãn đầy đủ chúng ta không ? Chúng tôi nghĩ rằng giải đáp của chủ nghĩa ấy gặp nhiều khó khăn chưa vượt được. Sự tương tác tương liên giữa cá nhân được trường phái này quan niệm là có thực, nhưng điều đó, khác với ý kiến của trường phái ấy không có nghĩa rằng xã hội chỉ do cá nhân làm nên và chỉ lệ thuộc vào cá nhân. Xã hội trái lại là một cái gì hơn tổng số cá nhân. Cũng như một nguyên tử vốn là một thực thể hơn tổng số những thành phần điện tử làm nên.

Xã hội cũng vậy. Về điểm này cơ cấu luận có thể giúp ta hiểu rõ ý nghĩa cáả nhân trong xã hội. Thuyết cá nhân nói rằng những mối giây tương quan, gọi là tương quan xã hội, có tính cách phi thực. Nhưng tại sao những tương quan ấy lại được quan niệm là phi thực ? Lý do độc nhất được đem ra là, như ta đã biết, những cái gì có thực trong vũ trụ đều là những cá biệt. Cá biệt là cái có thực và cái hiện hữu là cái cả biệt. Không cá biệt tức là không hiện hữu nghĩa là không có vậy. Mà mọi tương quan vì không cá biệt cho nên là phi thực.

Như thế là xã hội không còn có quyền hành gì đối với cá nhân. Vì xã hội là phi thực. Thuyết cá nhân là một cực đoan về luân lý và xã hội. Đại diện cho thuyết nầy có Max Stirner, tác giả cuốn « Der Einzige und Sein Eigetum » (Cá nhân và Tư hữu) trong đó ông phủ nhận mọi bổn phận của cá nhân. Giải thích Stirner, L. Vialle viết « L'individualisme s'exprimé dans le livre de Stirner (L'unique et sa propriété), avec une intransigeance qui, cette fois, semble parfaite; c'est la révolte contre toute valeur objective, le rappel forcené d'un individu à lui-même qu'il est le centre du monde, le createur du divin, et de tous ses succédanés, (L.Vialle, Le désir du néant, 678-676).

Thuyết cá nhân thường được hiểu về ba phương diện : hữu thể luận, luân lý và chính trị (cá nhân là nền tảng mọi giá trị), và xã hội học (chỉ có cá nhân là giải thích độc nhất của sự kiện xã hội ). Về phương diện luân lý xã hội, thuyết cá nhân không chấp nhận được, vì trái ngược với quan niệm chúng ta về giá trị đạo đức luân lý. Những nguy hại của thuyết này có thể tóm tắt trong nhận định sau đây của Lacombe : «L'individualisme semble détruire l'individualité. Brisant les traditions matérielles aussi bien que morales ou intellectuelles, détachant l'individu, par la mobilité de la vie économique, de son entourage terrestre et, par l'anarchie intellectuelle, de son atmosp- here spirituelle. il l'appauvrit à l'extrême (..): ainsi, chez cet être social qu'est l'animal hu. main, le champ est laissé libre aux passions grégaires, qui rassemblent les individus en masses tyranniques, classes, partis. nations, détruisant liberté et personnalité. (R. E. La- combe, Déclin de l'individualisme, 20).».

Trong khi đó nhiều triết gia khác chủ trương xã hội là một cái gì có thực, nhưng trên phương diện hữu thể luận lại chia làm hai nhóm. Cũng như thuyết cá nhân, nhóm thứ nhất nói rằng chỉ bản thể là có thực. Tuy nhiên bản thể không phải ở trong cá nhân mà là ở ngay trong xã hội. Đích xác hơn, chỉ có một bản thể toàn bộ, đầy đủ, đó là xã hội. Cá nhân cábiệt chỉ là những thành phần của Danh thể toàn bộ ấy. Danh thể ấy chính là Bản thể đầy đủ, bất phân, nghĩa là nơi cá nhân không có bản thể. Những người chủ trương như vậy lấy lý chứng trong hình ảnh của các bộ phận thân thể : tay, chân không phải là một sự vật độc lập và đầy đủ trong thân thể. Cũng vậy, cá nhân không phải là một bản thể kiện toàn, đầy đủ theo nghĩa nào cả, cá nhân chỉ có thể hiểu được trong toàn thể là xã hội.

Nhóm thứ hai nói được là con đẻ của nhóm trên đây, và thuyết của họ là một hệ luận của thuyết thứ nhất. Chủ trương rằng cái có thực, cái hiện hữu, chỉ là Tương quan và Liên hệ. Như đã nói trong một trang trước đây, tương quan là cái tạo ra người, là bản chất và danh thể của người. Người chỉ có thể hiểu được qua và bằng những tương quan ấy. Người được định nghĩa là một bỏ tương quan. Vì rằng Xã hội được xem như là một toàn thể có thực, một Thực tại toàn thể mà cá nhân chỉ do những liên hệ tạo ra cho nên cá nhân chỉ là thứ yếu, phụ thuộc, một cái gì không thực bằng xã hội. Hegel đã nói “Cái thực là cái Toàn thể », và theo ông « Chân lý », « Thực tại», «Danh thể», «Tự tại» là những từ ngữ chỉ cùng một ý nghĩa, là những danh tự đồng nghĩa. Một khi Xã hội chuyển mình theo các định luật biện chứng (bởi vì Biện chứng là Hoạt động của các lực lượng đối diện), thì cá nhân tất nhiên phải cùng chung một số phận, không thể nào thoát được. Noi khác đi và theo cùng một ý nghĩa, cá nhân là một lúc biện chứng của Xã hội, không hơn không kém.

Cũng như thuyết cá nhân, hai quan điểm trên đây chẳng những thiếu nền tảng vững chắc trong lý thuyết mà còn đưa đến những hệ luận không thể nào chấp nhận được. Trước hết trái với ý thức của mọi người ý kiến cho rằng cá nhân không phải là một bản thể tự lập và độc lập. Quan niệm này đã đưa một số quốc gia đến chủ nghĩa Tập thể Xã hội, chủ nghĩa Độc tài, trong đó cá nhân chỉ là phương tiện và Xã hội mới là Cứu cánh. Người ta đã nhiều lần lớn tiếng cải chính điều đó, nhưng thực trạng là hậu quả luận lý và do sức mạnh của sự việc, của quan niệm trên đây.

Con người trong xã hội độc tài [...] sẽ ra như thế nào, đã được phần nào mô tả trong cuốn «Một Nghìn Chín TrămTám MươiTư» của Orwell hoặc trong cuốn «Giờ Thứ Hai Mươi Lăm» của Georghin hay gần đây trong cuốn «Bác-Sĩ Zivago». Người ta đọc trong cuốn tiểu thuyết của Orwell câu của vai chính cuốn chuyện hỏi viên đao phủ khi hắn sắp bị hành quyết rằng : Nhà độc tài đại đồng chí của chúng ta có hiện hữu không ?» Thấy viên đao phủ không hiểu ý nghĩa câu hỏi, nạn nhân liền nói rằng: Vâng, tôi hỏi ông nhà độc tài có hiện hữu như tôi đây không ?» Nghĩa là trong chế độ tập thể xã hội người ta phải nói với nhau rằng anh không có, tôi không có, không một ai có cả, không một ai hiện hữu cả. Cá nhân tuyệt nhiên không có ít ra không hoàn toàn có. Luôn luôn và nơi nào cũng vậy cá nhân chỉ là dụng cụ làm phương tiện cho toàn thể lạnh lùng khai thác. Khi E. Durkheim nói rằng qui luật đầu tiên và quan trọng nhất là nhìn sự kiện xã hội như là những sự vật (Règles de la méth. sociol, 20), thì Merleau Ponty đã phê bình rằng: «Người ta thấy cần phải nói rằng Durkheim đã nhiệt liệt kêu gọi chú ý đến việc nghiên cứu xã hội, nhưng khi ông cho xã hội như là một sự vật thì ông đã làm cho xã hội trong thực tể mất hết giá trị» (on est tenté de dire que, s'il (Durkheim) a énergiquement apelé l'attention sur l'étude du social, il l'a peut-être dépouillè de ce qui en fait le plus grand intérêt en conseillant de le traiter «come une chose» (M. Merleau-P., Sens et non-sens, 177.). Quan niệm của Durkheim dường như đã đạt tới tuyệt mức trong chủ nghĩa xã hội Sô-viết. Và Maurice Merleau-Ponty đã không ngần ngại đồng nhất chủ nghĩa xã hội ấy với những gì là dị đoan tàn bạo nhất về lý thuyết cũng như thực hành.

[...]

Nhân loại đang đối diện với một tình trạng tương phản triết học như vậy. Một bên là chủ nghĩa cá nhân. Một bên là chủ nghĩa xã hội. Bên nào cũng có những lý thuyết gia biện hộ. Chúng ta nghĩ thế nào ? Cái gì có thực, cái gì là thực tại ? người hay Xã hội ? Bên nào là cứu cánh và bên nào là phương tiện ? Toàn thể hay Cả nhân? Bên nào sẽ phải hy sinh cho bền nào ? Trong cụ thể, hàng triệu người đã và đang đau khổ hoặc chết chóc. Một thảm cảnh không để lọt qua mắt một ai. Sự kiện ấy phải chăng là hợp lý vì hữu ích cho Xã hội, hay là ta phải nói rằng Xã hội đối với ta không có quyền hành gì hết, rằng thuế má, quân dịch, luật giao thông, v.v. là hoàn toàn phi lý, rằng chúng ta không có bổn phận nào hết đối với Tổ quốc, với Nhà Nước?

Tất cả các thuyết kể ra trên đây đều đã tỏ ra cực đoan không thể chấp nhận được. Đề có một lập trường đứng đắn, hợp lý và nhân đạo, chúng ta phải trở về với kinh nghiệm đầu tiên của con người. Người thường dân, trước khi nói triết lý, đã thấy rõ cả nhân có những đặc quyền cố hữu. Nhưng cá nhân đồng thời cũng có những bổn phận đối với xã hội, dầu ta quan niệm cá nhân là giả tưởng hay một lúc của Xã hội đều không quan trọng ở đây. Nhưng liệu ta có thể giải thích và biện chính cho lập trường của ta không ?

Thực ra quan điểm của ta không phải là cái gì hoàn toàn mới lạ. Đã có sự giải thích và biện minh trong lịch sử triết học và xã hội học. Từ Aristote đến nay, đã có sự cố gắng tìm một giải thích căn bản cho vấn đề. Các nhà tư tưởng đã dựa trên những Danh thể thực hữu, thực hữu hiểu theo nghĩa đày đủ của từ ngữ. Danh thể ấy đã được quan niệm như là những thực tại đầu tiên. Họ cũng đã dựa vào phạm trù Tương quan. Tương quan không phải là sự vật hay danh thể, nhưng tương quan là một cái gì không kém có thực. Tương quan gắn liền với danh thể và liên kết các danh thể với nhau. Khẳng định như vậy rồi, ta thấy nảy ra hai điều. Trước hết, Thực tại trọn vẹn riêng biệt trong Xã hội là những con người cá nhân.

Thứ hai, Xã hội là một cái gì hơn tổng số cá nhân, nghĩa là ngoài cá nhân ra còn có những mối liên hệ giữa người và người, mối dây liên hệ ấy không phải hoàn toàn thuộc ý muốn cá nhân hay do cá nhân tạo ra, mà đã xuất hiện vì công ích công thiện. Ta thấy một cái gì bao trùm và siêu lên trên cá nhân.

Đến đây cần nhấn mạnh đến một điểm thứ hai. Các tương quan liên kết chúng ta trong xã hội không phải là những sợi dây vẫn vờ trong không khi, có tính cách tưởng tượng. Trái lại những tương quan ấy bắt rễ từ một cái gì trong cá nhân [1]. Cái gì đó chính là cộng đồng tính nội tại gắn liền với danh thể của mọi người. Cộng đồng tính ấy vốn linh động và đạo đức nghĩa là luôn luôn hướng về tha nhân. Nhờ cộng đồng tính ấy mới có công ích và tư ích, nói kiểu khác công ích và công thiện tuy vượt cả nhân và tổng số cá nhân nhưng thiết yếu bắt nguồn từ cộng đồng tính có trong mỗi cá nhân. Nếu được phép công thức hóa tương quan giữa cá nhân và xã hội, đúng hơn giữa toàn thể cá nhân và xã hội thì ta có thể viết như sau:

Xã-Hội bằng tổng số cá nhân cộng với công ích. Như vậy thì tư ích cũng là công ích và ngược lại, cũng theo nghĩa đó thì bổn phận và quyền lợi của cá nhân trong xã hội chỉ là một. Người ta đòi quyền lợi dĩ nhiên là cho mình nhưng cho mình để phụng sự công ích. Cũng vậy người ta đòi công ích vì công ích phụng sự cho tư ích. Nói công ích là nói đến công bằng xã hội. Người ta không được phép hạnh phúc và tự do khi kẻ khác bị thiệt thòi hoặc mất tự do vì hạnh phúc và tự do của mình. Tại sao ? Vì trong trường hợp ấy cả nhân mình là một nguyên cớ cho sự mất quân bình nghĩa là mình chưa đạt tới trình độ hữu ích cho kẻ khác, do đó tư ích mà mình tưởng là hợp lý thực ra là một cái gì làm phương hại đến bản thân cần phải có của mình, nói vắn lại khi tư ích có hại cho công bằng xã hội tức là ngược với cộng đồng tính của bản tính nhân loại.

Những nhận định này mong sẽ san hủy được cả hai về của sự đối nghịch triết lý trên đây. Con người cá nhân và chỉ có nó là mục tiêu cuối cùng của mọi dịch vụ xã hội, mọi chính trị. Mục tiêu ấy có đạt được thì thực tại xã hội và những mục tiêu xã hội mới được thừa nhận. Những mục tiêu ấy bắt nguồn từ con người cá nhân và đặt nền tảng trên cá nhân. Những bổn phận của chúng ta đối với xã hội chẳng những là thiết yếu mà còn cao quí. Bổn phận ấy có một mãnh lực luân lý chống lại mọi dự tính quá khích của cá nhân. Xã hội không phải là giả tưởng vậy, nhưng xã hội là khuôn khổ, là môi trường và là dụng cụ kiện toàn định mệnh của những con người cá nhân. Để gợi một ý niệm cho tương quan giữa cá nhân và xã hội ta lấy hình ảnh một buổi hòa nhạc. Mỗi nhạc sĩ liên hệ với nhau và với toàn thể. Tất cả đều nhắm một mục đích chung tạo ra một cuộc hòa tấu như ý muốn của mỗi nhạc sĩ. Như vậy thanh danh của toàn thể, sự kiện toàn của hòa tấu, tuy là mục tiêu chung nhưng đều do sự hiện diện và thiện chí của cá nhân nhạc sĩ. Một khi đã dấn thân vào xã hội hòa tấu ấy cá nhân nhạc sĩ không thể và không muốn chơi theo ý riêng mình. Có những luật lệ khách quan do sự xử dụng nhạc khí và do những qui ước phức tạp khác đã đặt ra. Cá nhân chỉ có thể chứng minh được giá trị của mình nếu biết, cùng các nhạc sĩ khác, thực hiện được một buổi hòa tấu lý tưởng.



[1] Xem Cộng đồng siêu vượt trong Méditations Cartésiennes của Husserl.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt