Triết học xã hội

Chế độ dân chủ đại nghị

NHẬP MÔN TRIẾT HỌC CHÍNH TRỊ - MỤC LỤC

 

CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ ĐẠI NGHỊ

 

JONATHAN WOLFF

(Giáo sư, Đại học University College London)

BÙI XUÂN LINH dịch

 


Jonathan Wolff.  An Introduction to Political Philosophy. Oxford Oxfordshire: Oxford University Press. 2015. | Bản dịch tiếng Việt do dịch giả Bùi Xuân Linh gửi cho triethoc.edu.vn


 

 

Việc tham gia phải nhiều như mức độ cải thiện chung của cộng đồng cho phép; và cuối cùng không có gì đáng mong muốn hơn là việc kết nạp tất cả mọi người vào phần quyền lực chủ quyền của nhà nước. Nhưng vì tất cả đều không thể, trong một cộng đồng vượt quá một thị trấn nhỏ, đích thân tham gia vào bất kỳ, ngoại trừ một số phần rất nhỏ của công việc công cộng, nên hình mẫu lý tưởng của một chính phủ hoàn hảo phải là đại diện.

John Stuart Mill, “Nghĩ về Chính thể đại nghị”, trong H. B. Acton, biên tập., Chủ nghĩa Vị lợi ([1861], London: Dent, 1972), 217-18

 

 

Bất cứ hệ thống chính quyền nào – kể cả dân chủ tham gia hay dân chủ thảo luận triệt để nhất – cũng cần những nhà cai trị để thực thi chính sách. Việc thực hiện các quyết định của nhân dân không thể được làm bởi toàn thể nhân dân. Một câu hỏi nữa là các nhà cai trị này nên được trao quyền hạn gì.

Một giả thiết được đặt ra là các nhà cai trị nên được trao rất ít quyền lực, và dân chúng nên được dành cho càng nhiều càng tốt. Trong hệ thống của Plato, ở đầu kia của thái cực, dân chúng không có vai trò gì cả và những nhà cai trị – những người bảo vệ – có toàn quyền. Rousseau quyết định vấn đề theo cách thứ ba: dân chúng làm ra luật, và các nhà cai trị thực hiện chúng. Nhưng một mô hình khác, quen thuộc hơn, cũng có sẵn. Người dân bầu ra những người đại diện, sau đó những người này làm ra luật và áp dụng chúng vào thực tế. Đây là ý tưởng về nền dân chủ đại nghị, được Mill bảo vệ.

Đối với Mill, dân chủ đại nghị là phương tiện duy nhất để chế độ dân chủ có thể tồn tại trong thế giới hiện đại. Để hiểu tại sao Mill lại nói điều này, trước tiên, chúng ta nên hỏi xem ông ta coi chức năng chính xác của các chính phủ là gì. Mục đích của các chính phủ là gì? Đối với Mill, chúng có hai mặt: để “cải thiện” công dân, và quản lý các công việc công cộng của họ. Các chính phủ phải được đánh giá dựa trên tác động của họ đối với các cá nhân, liệu họ có cải thiện người dân về mặt đạo đức và trí tuệ, cũng như năng lực của họ trong việc giải quyết các vấn đề mà công chúng quan tâm. Về khía cạnh sau này, Mill nhận ra rằng có nhiều ngành của chính phủ – luật học, luật dân sự và hình sự, chính sách tài chính và thương mại – mỗi ngành đều có những tiêu chuẩn thành công và thất bại riêng. Mặc dù đối với Mill, tiêu chuẩn cuối cùng cho mỗi người trong số họ đều giống nhau – nó thúc đẩy hạnh phúc chung tốt như thế nào – cho đến nay, khẳng định thêm này không cần thiết đối với lập luận chính.

Không có gì ngạc nhiên khi được bảo rằng các chính phủ được yêu cầu phải quản lý các vấn đề của xã hội một cách hiệu quả. Nhưng quan niệm của Mill về chức năng thích hợp khác của các chính phủ gây tranh cãi nhiều hơn. Các chính phủ có bất kỳ nghĩa vụ, hoặc thậm chí bất kỳ quyền hạn nào, trong việc quan tâm đến hạnh phúc tinh thần của công dân của họ không? Một chủ đề chính của chủ nghĩa tự do hiện đại là phúc lợi tinh thần của công dân không phải là việc của chính phủ. Và thật kỳ lạ khi thấy Mill – một trong những người sáng lập ra lý thuyết tự do hiện đại – lại đưa ra tuyên bố của mình. Nhưng bây giờ chúng ta sẽ để điều này sang một bên, vì chúng ta sẽ trở lại sâu hơn ở Chương 4.

Mill cho rằng có thể dễ dàng chỉ ra những lợi điểm của hệ thống của mình so với cái mà ông gọi là chế độ chuyên chế hay chế độ quân chủ tuyệt đối tốt đẹp, vốn cũng sẽ bao gồm cả quyền giám hộ của Plato. Ông công nhận, chức năng quản lý của chính phủ có thể được thực hiện bởi một kẻ chuyên quyền, mặc dù, theo ông, kém hơn so với một chế độ dân chủ. Nhưng lập luận chính của ông chống lại chế độ chuyên chế là kiểu người nó có thể tạo ra.

Luận điểm của Mill là chế độ chuyên chế dẫn đến thói thụ động và chây lười, vì nó tạo nên những người không cần phải tìm hiểu hoặc tự học hỏi trong công việc của nhà nước. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân các cá nhân, mà còn là sự thịnh vượng của quốc gia. “Hãy để một người không có gì để làm cho đất nước của mình và anh ta sẽ không quan tâm đến nó” (Chính thể đại nghị, 204). Hoặc, nếu các đối tượng tự tìm hiểu và học hỏi, và tích cực quan tâm đến các công việc của nhà nước, thì họ sẽ không bằng lòng với sự phục tùng của mình trong thời gian dài.

Nếu cần thêm bằng chứng về những lợi thế của dân chủ, Mill yêu cầu chúng ta:

Đối chiếu các quốc gia tự do trên thế giới, trong khi tự do của họ vẫn tồn tại, với các đối tượng đương thời của chế độ chuyên chế quân chủ hoặc quả đầu: các thành phố Hy Lạp với các lãnh thổ Ba Tư; các xứ cộng hòa Ý và các thị trấn tự do của Flanders và Đức, với các chế độ quân chủ phong kiến của châu Âu; Thụy Sĩ, Hoà Lan và Anh, với Áo và Pháp trước cách mạng. Sự thịnh vượng vượt trội của họ đã quá rõ ràng tới mức chưa hề bị chối cãi: trong khi sự ưu việt của họ về chính quyền và các mối quan hệ xã hội tốt được chứng minh bằng sự thịnh vượng, và bên cạnh đó được thể hiện trong từng trang lịch sử. (Chính thể đại nghị, 210).

Giả định chủ yếu của Mill là con người chỉ phát triển rực rỡ trong những điều kiện độc lập. Họ cần phải tự bảo vệ và tự phụ thuộc vào bản thân nếu họ muốn tránh bị áp bức và làm cho cuộc sống của họ đáng giá. Do đó Mill cảm thấy tin tưởng rằng mọi công dân phải đóng vai trò của mình trong việc thực hiện chủ quyền.

Nhưng việc thực thi chủ quyền phải đi đến đâu? Không phải là chế độ dân chủ trực tiếp, Mill lập luận. Nếu bị thúc đẩy, ông có thể thừa nhận rằng dân chủ trực tiếp sẽ là cách tốt nhất để cải thiện công dân, cả về mặt đạo đức lẫn trí tuệ, nhưng xét về hiệu quả của nó với tư cách là một hình thức chính phủ thì đó là một tai họa. Có một lập luận là các xã hội hiện đại đơn giản là quá rộng lớn để có thể làm cho chế độ dân chủ trực tiếp khả thi. Nhưng, quan trọng hơn, trong những lời không xa Plato là mấy, ông biện luận rằng mọi chuyện sẽ sai lầm một cách tệ hại nếu chúng ta để cho dân chúng sử dụng ảnh hưởng to lớn của họ đối với những nhà cai trị chuyên môn được bổ nhiệm.

Tốt nhất thì đó là sự thiếu kinh nghiệm khi ngồi phán xét về kinh nghiệm, sự ngu dốt về kiến thức: sự ngu dốt không bao giờ nghi ngờ sự tồn tại của những gì nó không biết, cũng bất cẩn và khinh khỉnh, coi khinh, nếu không muốn nói là bực bội, mọi kỳ vọng có một sự đánh giá tốt hơn đáng để tham dự hơn là của riêng nó. (Chính thể đại nghị, 232)

Tuy nhiên, những người chỉ trích nền dân chủ đại nghị biện luận rằng đó không phải là một động thái đáng hoan nghênh từ nền dân chủ trực tiếp theo hướng chủ nghĩa hiện thực như một động thái không lành mạnh khỏi nền dân chủ hoàn toàn. Đây rõ ràng là quan điểm của Rousseau (hãy nhớ bình luận của ông về việc “người Anh” đang nhầm lẫn về tự do của họ). Nền dân chủ đại nghị có hơn gì một trò giả dối, đằng sau đó là chế độ độc tài được bầu lên? Nếu vậy, nó khó có thể được đề xuất như một hệ thống quyền lực bình đẳng, hoặc như một hệ thống bao hàm và mở rộng sự phát triển đạo đức và trí tuệ của công dân.

Mill chấp nhận rằng nền dân chủ đại nghị có thể không đạt được các mục đích của nó. Nhưng ông tha thiết đề nghị một hệ thống sẽ hoạt động tốt hơn. Đặc biệt, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục ý thức công dân cho người dân. Phương tiện quan trọng nhất để làm điều này là tham gia vào hoạt động công cộng. Tất nhiên, mặc dù điều này không có nghĩa là tất cả mọi người đều phải tham gia vào chính phủ quốc gia, nhưng vẫn có những khả năng khác. Vì vậy, chẳng hạn, Mill nhấn mạnh tầm quan trọng của chức vụ bồi thẩm và sự tham gia vào chính quyền địa phương, vì điều này đòi hỏi người dân phải có một loạt các kỹ năng mà những người “không làm được gì trong đời ngoài nghề cạo giấy hoặc bán hàng qua quầy” (Chính thể đại nghị, 217).

Tuy nhiên, Mill xác định một số mối đe dọa đối với nền dân chủ. Một là khả năng hệ thống sẽ khuyến khích những người không xứng đáng hoặc không phù hợp ra ứng cử. Mill đồng ý với Plato rằng những người được trang bị tốt nhất để cai trị chúng ta là những người ít muốn nhất. Hoặc, nói ngược lại, những phẩm chất có nhiều khả năng dẫn đến thành công trong chính trị – xu nịnh, hai mang, thao túng – là những phẩm chất mà chúng ta ít muốn có ở những người cai trị mình.

Ở bên dưới, nền dân chủ đại nghị phải đối mặt với vấn đề mà chúng ta đã thấy với sự giám hộ của Plato: làm thế nào để bảo vệ bản thân khỏi những nhà lãnh đạo xấu xa có thể cố gắng chiếm lấy quyền lực. Vấn đề này đã được xem xét chi tiết trong Các Bài báo theo chủ nghĩa Liên bang (The Federalist Papers), được viết bởi James Madison, Alexander Hamilton (1757-1804) và John Jay (1745-1829), và được xuất bản dưới bút danh “Publius” trong một loạt mười tháng vào các năm 1787 và 1788 trên một số tờ báo của Thành phố New York. Các bài báo được viết với mục đích thuyết phục cử tri bang New York phê chuẩn bản Hiến pháp mới của Hoa Kỳ. Những người theo chủ nghĩa Liên bang ủng hộ cái mà họ gọi là "nước cộng hòa', theo nghĩa rộng rãi là cái mà chúng ta đang gọi là một nền dân chủ đại nghị. Mặt khác, một số người chống chủ nghĩa Liên bang lại ủng hộ các phong cách dân chủ có sự tham gia và đưa ra cho những người Liên bang vấn đề chỉ ra cách làm thế nào bảo vệ nền dân chủ đại nghị không rơi vào chế độ chuyên chế được bầu cử. Đề xuất chính của những người theo chủ nghĩa Liên bang về tình trạng này là tiếp thu ý tưởng về “sự phân quyền”, được tìm thấy trong John Locke và Charles-Louis de Secondat, Nam tước de Montesquieu (1689–1755), người đã đề nghị rằng các ngành lập pháp, và tư pháp của chính phủ nên được đặt vào những bàn tay độc lập. Trên lý thuyết điều này có nghĩa là những hoạt động của mỗi ngành trong chính phủ sẽ bị hai ngành kia kiểm soát, và điều này sẽ bảo vệ dân chúng chống lại sự tham những của các nhà cai trị họ.

Mill chấp nhận rằng quyền lực nên được phân tán khắp các cơ quan của nhà nước, để tạo ra một hệ thống “kiểm tra và cân bằng”, khiến cho những kẻ quá tham vọng ít có cơ hội khai thác quyền lực của họ. Nhưng ông cũng gợi ý những biện pháp khác để ngăn chặn việc lạm dụng tiến trình dân chủ. Thứ nhất, ông đề nghị nên có một giới hạn về số tiền mà mọi người được phép chi cho chiến dịch tranh cử của họ. Làm sao chúng ta có thể tin tưởng bất cứ ai sẵn sàng trả một số tiền lớn để được đắc cử? Chắc chắn họ sẽ tìm cách có được tiền lãi từ khoản đầu tư của mình. Thứ hai, Mill lập luận, hơi ngạc nhiên, rằng các thành viên của chính phủ không nên được trả lương. Vì nếu không, một con dấu trong căn phòng “sẽ trở thành đối tượng thèm muốn của những kẻ phiêu lưu thuộc tầng lớp thấp” (Chính thể đại nghị, 311). Những người không có các phương tiện độc lập, nhưng rõ ràng là phù hợp và có khả năng, có thể được hỗ trợ bởi các khoản đóng góp tư nhân từ các cử tri của họ.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đối với Chính thể đại nghị là cách hành động có thể có của cử tri. Đối với Mill, điều quan trọng là cử tri phải bỏ phiếu phù hợp với ý tưởng của họ về lợi ích chung; nghĩa là, họ nên bỏ phiếu cho bất kỳ ứng viên nào mà họ cảm thấy có nhiều khả năng nhất để cải thiện công dân và quản lý hiệu quả các công việc của đất nước vì lợi ích của tất cả mọi người. Ở đây ông dùng phép so sánh với nhiệm vụ của bồi thẩm đoàn:

Lá phiếu [của công dân] không phải là thứ mà anh ta có quyền lựa chọn; nó không liên quan gì đến mong muốn cá nhân của anh ta hơn là phán quyết của một viên bồi thẩm. Nó hoàn toàn là một vấn đề của nhiệm vụ; anh ta buộc phải biểu quyết theo ý kiến tốt nhất và phù hợp với lương tâm nhất của mình vì lợi ích công cộng. (Chính thể đại nghị, 299)

Ở đây chúng ta nhìn thấy tầm quan trọng của nhiệm vụ bồi thẩm đoàn thực sự như một hình thức tham gia. Nó giáo dục cử tri bằng cách cung cấp cho họ một sự đào tạo tập trung và chắt lọc cao về dân chủ.

Sự lo ngại của Mill là một cử tri có thể đưa ra một 'lá phiếu kém giá trị và có hại ... xuất phát từ lợi ích cá nhân của cử tri, hoặc quyền lợi giai cấp, hoặc cảm nghĩ bần tiện nào đó trong tâm trí của chính anh ta' (Chính thể đại nghị, 302). Hoặc cũng có thể do cử tri quá thiếu hiểu biết, không nhận thức đúng về ích lợi công cộng.

Một biện pháp khắc phục mà Mill nhận thấy cho vấn đề đầu tiên trong số này là bỏ phiếu công khai, thay vì bỏ phiếu kín. Vì mọi người có nhiệm vụ bỏ phiếu cho lợi ích công cộng, nên việc họ phải chịu trách nhiệm về lá phiếu của mình là điều hợp lý. Vì vậy, nó phải là một vấn đề của hồ sơ công khai. Việc công chúng không tán đồng sẽ là một lực lượng ngăn mọi người thực hiện lá phiếu của họ vì những lý do tư lợi. Nguy hiểm trong việc này, Mill nhận ra, là sự ép buộc. Các cuộc bỏ phiếu kín được đưa ra bởi vì những cá nhân quyền lực ở địa phương sẽ thúc ép những người khác, đặc biệt là nhân viên của họ – bỏ phiếu theo một cách cụ thể, với nguy cơ mất việc hoặc các ưu đãi khác, vì không thực hiện chỉ thị. Một cuộc bỏ phiếu kín làm cho mối đe dọa này trở nên vô hiệu: không ai có thể biết ai đã bỏ phiếu cho ứng cử viên nào. Mill, có lẽ ngây thơ, tin rằng việc này ít nguy hiểm hơn khả năng bỏ phiếu “căn cứ” hoặc tư lợi, vốn sẽ làm sai lệch cuộc thăm dò. Quan điểm của Mill rất đáng đặt câu hỏi.

Một biện pháp khác của Mill – để ngăn chặn những tác động xuyên tạc của lợi ích giai cấp và cá nhân – cũng sẽ, ông hy vọng, có tác dụng vô hiệu hóa ảnh hưởng của sự ngu dốt và thiếu hiểu biết. Ông lập luận rằng một số người nhất định nên bị truất quyền bầu cử, ít nhất là tạm thời. Điều này bao gồm những người không biết “đọc, viết và tôi sẽ thêm, thực hiện các phép toán phổ biến của số học”. Và ông tiếp tục:

Theo tôi, yêu cầu của các nguyên tắc đầu tiên là việc nhận cứu trợ của giáo xứ là một điều kiện dứt khoát khiến bị truất quyền bầu cử. Một người không thể lo liệu được cho bản thân bằng sức lao động của chính mình thì không thể đòi có đặc quyền tự giúp mình bằng tiền của người khác. Bằng cách trở nên phụ thuộc vào các thành viên còn lại của cộng đồng để kiếm sống trong thực tế, anh ta từ bỏ yêu sách của mình về quyền bình đẳng với họ ở các khía cạnh khác. (Chính thể đại nghị, 282).

Ngày nay, dĩ nhiên, sẽ có vẻ đáng hổ thẹn nếu như những người nhận phúc lợi không được bỏ phiếu, mặc dù đối với Mill đây là “nguyên tắc đầu tiên”. Đề xuất tiếp theo của Mill để tránh sự thống trị lá phiếu bởi những người không đủ tiêu chuẩn là mặc dù tất cả mọi người đáp ứng các điều kiện của ông đều có quyền có một tiếng nói, “rằng mọi người phải có tiếng nói bình đẳng, là một đề xuất hoàn toàn khác” (Chính thể đại nghị, 283). Mill lập luận rằng những người có trình độ đặc biệt tốt để thực hiện phán đoán của họ nên được có nhiều hơn một tiếng nói. Ông cảm thấy rằng những người đặc biệt thông minh hoặc được giáo dục tốt nên được ưu tiên bằng hai phiếu bầu trở lên (ông không đưa ra chi tiết cuối cùng).

Mối quan tâm cấp bách nhất của Mill là những người nghèo thất học – tức khối đa số – sẽ mắc phải sai lầm khủng khiếp do sự thiếu hiểu biết và lợi ích giai cấp kết hợp với nhau. Họ sẽ bầu ra một chính phủ cố gắng cải thiện vị thế của người lao động bằng cách tăng thuế đối với người giàu, bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước khỏi sự cạnh tranh, giảm thiểu tình trạng không chắc chắn về việc làm, và các biện pháp dân túy khác. Mill phản đối rằng những chính sách như vậy sẽ khiến tất cả mọi người – bao gồm cả người lao động – trở nên tồi tệ hơn trong dài hạn do nới lỏng hoạt động kinh tế và công nghiệp, đồng thời không khuyến khích tiết kiệm và đầu tư. Mill cho rằng người lao động có thể đang nhầm lẫn về việc lợi ích của họ nằm ở đâu, và tuy nhiên, vì chiếm đa số, sau đó sẽ khiến đất nước lâm vào thảm họa.

Chúng ta sẽ trở lại vấn đề phân chia tài sản công bằng trong Chương 5. Các chi tiết của việc này không thực sự quan trọng đối với lập luận hiện tại. Vấn đề đơn giản là Mill muốn đảm bảo rằng nền dân chủ đại nghị có các biện pháp bảo vệ để ngăn chặn nó bị sai khiến bởi sự ngu dốt và lợi ích giai cấp. Do đó, chúng ta có thể thấy cách tiếp cận chính của Mill đối với chế độ dân chủ là bảo vệ nó trên cơ sở của các công cụ và xác định các bước cần thực hiện nếu có nguy cơ dẫn đến hậu quả không mong muốn.

Liệu việc bỏ phiếu đa số và tước quyền bầu cử một phần có đạt được mục tiêu mà Mill mong muốn? Có lẽ, nhưng có điều gì đó căng thẳng trong suy nghĩ của ông ở đây. Để bảo vệ ngành công nghiệp, chúng ta có thể thiên vị lá phiếu ủng hộ người giàu hoặc (Mill nghĩ vậy) người có học. Ông thích lựa chọn thứ hai hơn, vì điều quan trọng là những người chỉ có một phiếu bầu phải có thể chấp nhận lý do ủng hộ những người khác có nhiều hơn một phiếu bầu. Mỗi người trong số những người thất học sẽ chấp nhận rằng người được giáo dục “hiểu chủ đề hơn chính mình, rằng ý kiến của người khác phải được coi trọng hơn là ý của chính mình với những mong đợi của mình, và với tất cả những thứ mà trong tất cả các lĩnh vực khác của cuộc sống, mà mình đã quen với việc đồng ý.” (Chính thể đại nghị, 284). Nhưng hãy đối chiếu lập luận này với một lập luận khác:

Tôi có thể nhận xét rằng nếu cử tri đồng ý với sự đánh giá này về những khả năng của mình, và thực sự mong muốn được một người mà họ tin tưởng lựa chọn cho mình, thì không cần bất kỳ điều khoản hiến pháp nào cho mục đích này; anh ta chỉ phải hỏi riêng người thân tín của mình rằng tốt hơn là mình nên bỏ phiếu cho ứng cử viên nào. (Chính thể đại nghị, 294)

Nhận xét này, được đưa ra chỉ mười trang sau nhận xét đầu tiên, xảy ra trong bối cảnh thảo luận về một đề nghị rằng chúng ta nên có hai giai đoạn bầu cử. Chúng ta bỏ phiếu cho một nhóm đại cử tri, những người sau đó sẽ bầu các thành viên của nghị viện. Mill có rất ít thời gian cho gợi ý này. Ông cho rằng cách biện minh duy nhất cho điều đó là có lẽ chúng ta nên để lại những quyết định quan trọng như bầu những người cai trị của chúng ta cho những người mà chúng ta công nhận là khôn ngoan. Câu trả lời của Mill là, nếu chúng ta nghĩ những người như vậy là khôn ngoan, chúng ta chỉ cần hỏi họ cách bỏ phiếu và làm theo hướng dẫn của họ. Chính xác là những người chỉ trích Mill đã đưa ra câu trả lời tương tự đối với đề xuất của ông về việc bỏ phiếu đa số. Nếu người vô học tôn trọng người có học, thì chúng ta không cần dành thêm phiếu cho những người sau, vì người vô học có thể chỉ cần tìm hiểu ý kiến của họ. Nhưng nếu người vô học không tôn trọng những ý kiến đó, thì họ sẽ không chấp nhận biểu quyết theo đa số. Biểu quyết theo đa số là không cần thiết hoặc không hợp lý.

Bảo vệ thiểu số

Mặc dù trường hợp vừa được thảo luận là một trong những trường hợp mà Mill tuyên bố, đa số ngu dốt sẽ tự làm hại bản thân bằng cách theo đuổi những gì họ coi là lợi ích giai cấp của họ một cách sai lầm, loại hoặc ví dụ này có lẽ đưa ra vấn đề chính khiến Mill bị bối rối về chế độ dân chủ: vị trí của thiểu số bị thất bại trong cuộc bầu cử. Mill, như chúng ta đã thấy, đặc biệt quan tâm đến việc ngăn chặn “sự độc tài của đa số”. Tất nhiên, hầu hết chúng ta đều có thể chấp nhận thỉnh thoảng bị thua thiệt. Nhưng đôi khi đa số cố thủ sẽ thắng phiếu bầu lần này sang lần khác, khiến nhóm thiểu số vĩnh viễn bị đánh bại và phớt lờ. Vì vậy, trong Chính thể đại nghị, Mill rất nỗ lực để bảo đảm quyền đại diện của thiểu số trong nghị viện. Ông tuyên bố chấp thuận một hệ thống đại diện tỷ lệ rất phức tạp và tinh vi, bao gồm cả khả năng chuyển phiếu bầu của bạn cho một ứng cử viên ở khu vực bầu cử khác, nếu ứng cử viên được bạn ủng hộ thất bại. Bằng cách đó, hoặc tương tự, chúng ta phải bảo đảm sự đại diện của nhiều nhóm thiểu số trong nghị viện.

Tuy nhiên, đại diện là một chuyện, còn bảo vệ là một chuyện khác. Một nhóm thiểu số được đại diện vẫn còn có thể bị thua phiếu trong nghị viện. Sự áp bức trên cơ sở giai cấp, chủng tộc, tôn giáo, hoặc các yếu tố khác vẫn có thể xảy ra dưới hệ thống đa số thống trị, ngay cả khi thiểu số được đại diện.

Có lẽ, cách tốt nhất để ngăn chặn sự áp bức trong một hệ thống bầu cử là trao cho những người được khai sáng nhiều về mặt đạo đức rất nhiều phiếu bầu. Nhưng điều này lại đưa chúng ta đến gần Plato.

Trên thực tế, giải pháp của Mill – như chúng ta sẽ thấy trong Chương 4 – là hạn chế phạm vi hoạt động hợp pháp của chính phủ. Một số việc không phải là việc của chính phủ hay của đa số. Chính phủ không thể can thiệp một cách hợp pháp vào các lĩnh vực cụ thể của đời sống người dân và mọi người đều có các quyền và tự do mà chính phủ không thể can thiệp.

Tuy nhiên, để đưa ra đánh giá cuối cùng về mô hình dân chủ của Mill, chúng ta có thể thấy rằng nó chứa đựng một hình thức căng thẳng tương tự đã gây ra cho Rousseau. Vấn đề với quan điểm của Rousseau là nền dân chủ chỉ có thể được dựa vào để đưa ra các quyết định phù hợp với ý chí phổ quát nếu nó hạn chế nghiêm trọng quyền tự do của công dân. Nói cách khác, nếu dân chủ được biện minh về mặt phương tiện, nó không thể đạt được hai đức tính tự do và bình đẳng mà nó khao khát. Đối với Mill, đó không phải là tự do bị hy sinh, mà là sự bình đẳng. Một số công dân sẽ bị loại khỏi quyền bầu cử vì lý do giáo dục hoặc kinh tế, trong khi những người khác được ban cho nhiều hơn một phiếu bầu. Hệ thống của Mill nghiêng về phía Plato nhiều hơn so với những gì ông sẵn sàng thừa nhận. Có lẽ Mill nên có niềm tin hơn vào khả năng và đức hạnh của những người nghèo thất học. Hoặc có lẽ bất kỳ hệ thống dân chủ nào cũng nhất định cần phải thỏa hiệp.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt