Triết học xã hội

Nhập môn triết học chính trị - Lời mở đầu

NHẬP MÔN TRIẾT HỌC CHÍNH TRỊ - MỤC LỤC

 

LỜI MỞ ĐẦU

 

JONATHAN WOLFF

(Giáo sư, Đại học University College London)

BÙI XUÂN LINH dịch

 


Jonathan Wolff.  An Introduction to Political Philosophy. Oxford Oxfordshire: Oxford University Press. 2015. | Bản dịch tiếng Việt do dịch giả Bùi Xuân Linh gửi cho triethoc.edu.vn


 

Chúng ta không nói rằng một người không tỏ ra chú ý đến chính trị là một người bận tâm đến việc riêng của mình; chúng ta nói rằng anh ta không có việc gì ở đây cả.

                    Điếu văn của Pericles, trong Thucydides, Cuộc Chiến tranh Peloponnesia (1431 TCN), London: Penguin, 1973), 147

 

Người ta từng nói chỉ có hai câu hỏi trong triết lý chính trị: “Ai được gì?”, và “Nói ai?” Không hoàn toàn đúng, nhưng đủ gần với một khởi điểm có ích.  Câu hỏi đầu tiên là về việc phân phối của cải vật chất, cùng các quyền và các tự do. Người ta nên sở hữu của cải trên cơ sở nào? Họ nên hưởng các quyền và tự do nào? Câu hỏi thứ hai liên quan đến việc phân phối một thứ lợi ích khác: quyền lực chính trị. Locke định nghĩa quyền lực chính trị như là “Quyền Làm luật với Án Tử hình, và do đó với tất cả những hình phạt nhẹ hơn” (John Locke, Chuyên luận Thứ hai về Chính quyền Dân sự, nxb Peter Laslett ([1689], bản dành cho sinh viên, Carnbridge: Cambridge University Press, 1988, đoạn 3, 268). Lời này có lẽ đi xa hơn những gì chúng ta cần, nhưng chúng ta có thể thấy được ý nghĩa thiết yếu của nó. Quyền lực chính trị bao gồm quyền chỉ huy những ngươi khác, và bắt họ phải chịu trừng phạt nếu họ không tuân lời. Ai nên nắm giữ quyền này?

Ngay lúc chúng ta suy nghĩ về những câu hỏi này, nhiều điều khó xử xuất hiện. Liệu có lý do nào chính đáng cho việc tại sao một người nên có nhiều tài sản hơn một người khác? Liệu có giới hạn nào được biện minh đối với tự do của tôi? Mối quan hệ giữa quyền lực chính trị và thành công kinh tế nên như thế nào? Tại một số quốc gia ít người đạt được quyền lực chính trị trừ khi họ đã giàu có rồi. Trong những quốc gia khác, những người đạt được quyền lực chính trị chẳng mấy chốc thấy mình giàu có. Nhưng có chút nào liên quan giữa việc sở hữu tài sản và có được quyền lực chính trị?

Quyền lực chính trị tự nó cũng gây bối rối. Một số người với quyền lực chính trị hợp pháp đối với tôi có quyền buộc tôi làm nhiều điều khác nhau. Nhưng làm thế nào một người khác có thể biện minh cho lời tuyên bố rằng anh ta có những quyền như thế đối với tôi? Có vẻ hơi quá đáng khi người khác bảo tôi phải làm gì, và còn tệ hơn nữa khi họ nghĩ họ cho mình có quyền trừng phạt tôi nếu tôi không tuân lời. Thế nhưng, dĩ nhiên, có một mặt khác của việc này. Có lẽ tôi cũng nên xem xét việc những người khác có thể cư xử như thế nào – họ có thể làm cho cuộc sống của tôi khó chịu như thế nào – nếu họ không bị kềm chế bởi luật pháp và mối đe dọa bị trừng phạt. Suy cho cùng, có lẽ có điều gì đó cần được nói, liên quan đến sự hiện hữu của quyền lực chính trị. Dường như chúng ta có thể đồng cảm với lời biện hộ của kẻ chủ trương vô chính phủ về quyền tự trị của cá nhân và những đòi hỏi của nhà độc tài đối với quyền lực của nhà nước.

Vậy thì một nhiệm vụ đối với nhà triết học chính trị là xác định thế thăng bằng đúng đắn giữa sự tự trị và quyền lực, hay, nói cách khác, xác định đúng đắn qui mô và sự phân phối quyền lực chính trị. Ví dụ này cũng minh họa cho đặc tính của triết lý chính trị. Triết lý chính trị là một môn mang tính qui phạm, có nghĩa là nó cố gắng thiết lập những qui chuẩn (những qui luật hay tiêu chuẩn lý tưởng). Chúng ta có thể đối chiếu tính qui phạm với tính mô tả. Các nghiên cứu mô tả cố gắng tìm ra các sự vật như thế nào. Nghiên cứu qui phạm nỗ lực khám phá ra việc các sự vật nên như thế nào: điều gì là đúng, công bằng, hay đúng đắn về mặt đạo đức. Chính trị có thể được nghiên cứu từ cả hai quan điểm mô tả và qui phạm.

Một cách đặc trưng, các nghiên cứu chính trị mang tính mô tả được thực hiện bởi nhà khoa học chính trị, nhà xã hội học, hay sử gia. Do đó, chẳng hạn, một số nhà khoa học chính trị đặt ra những câu hỏi về việc phân phối tài sản thật sự trong một xã hội cụ thể. Ai ở Hoa Kỳ nắm giữ của cải? Ai ở Liên minh Châu Âu nắm giữ quyền lực? Nhà triết học chính trị, giống như tất cả chúng ta, có lý do vững chắc để quan tâm đến những câu trả lời cho những câu hỏi này, nhưng mối quan tâm chủ yếu của ông hoặc bà ta nằm ở chỗ khác: những qui luật hay nguyên lý nào sẽ chi phối việc chúng ta sống cùng nhau như thế nào, bao gồm việc phân phối của cải, quyền lực, các quyền, và tự do. Nhà triết học chính trị sẽ hỏi, không phải, “Của cải được phân phối như thế nào?”, mà là “Một sự phân phối của cải đúng đắn và công bằng sẽ là gì?” Không phải “Những quyền và tự do dân chúng được hưởng là gì?”, mà là “Những quyền và tự do dân chúng nên được hưởng là gì?” Những tiêu chuẩn lý tưởng, hay những qui phạm, nào nên chi phối việc phân phối tài sản trong xã hội?

Mặc dù vậy, việc phân chia gữa nghiên cứu qui phạm và mô tả không hoàn toàn rõ ràng như có thể vậy. Chúng ta hãy xem lại câu hỏi, “Ai nắm giữ tài sản?” Tại sao chúng ta quan tâm đến câu hỏi mang tính mô tả này? Chúng ta quan tâm chủ yếu là vì sự phân phối tài sản có liên quan đến những câu hỏi qui phạm về sự công bằng. (Hãy so sánh câu hỏi “Ai nắm giữ sợi dây? – những sự bất bình đẳng trong việc sở hữu sợi dây hiếm khi mang tầm quan tâm chính trị.)

Ngoài ra, những câu hỏi về tư cách đạo đức của con người dường như đứng giạng chân giữa sự phân chia mô tả/qui phạm. Ví dụ, một nhà xã hội học tìm cách giải thích tại sao con người thường tuân theo pháp luật, có khả năng vào một lúc nào đó sẽ viện dẫn đến thực tế là nhiều người tin rằng họ phải tuân theo. Tương tự, những câu hỏi thực sự về tư cách đạo đức của con người cũng liên quan đến các vấn đề qui phạm. Chẳng hạn, không có ích gì khi đưa ra một lý thuyết về xã hội công bằng mà không có một số kiến thức về tư cách và động cơ của con người. Chẳng hạn một số lý thuyết về công bằng có thể tạo ra những giả định không thực tế về khả năng (hoặc sự thiếu khả năng) của con người đối với chủ nghĩa vị tha. Tóm lại, việc nghiên cứu các sự vật như thế nào giúp chúng ta giải thích các sự vật có thể như thế nào, và việc nghiên cứu chúng có thể là như thế nào là không thể thiếu đối với việc đánh giá chúng phải như thế nào.

Nhưng làm thế nào chúng ta có thể trả lời cho câu hỏi các sự vật phải như thế nào? Đại khái, chúng ta biết cách trả lời các câu hỏi mang tính mô tả thuần túy: chúng ta đi và xem xét. Điều này không có nghĩa là khoa học chính trị hay lịch sử là thứ dễ dàng, vì mọi công việc tinh tế và tỉ mỉ thường được bao gồm trong đấy. Nhưng về nguyên tắc chúng ta nghĩ mình biết nên làm việc ấy như thế nào, thậm chí nếu thường khi chúng ta không thể tìm thấy thông tin cần thiết. Nhưng chúng ta có thể làm gì để tìm ra việc các sự vật phải là như thế nào? Chúng ta phải nhìn vào đâu?

Thực tế khó chịu là không có câu trả lời dễ dàng. Nhưng, mặc dù vậy, rất nhiều triết gia đã cố giải quyết các vấn đề chính trị qui phạm này, và họ đã không thiếu thứ để nói. Chúng ta sẽ xem xét một số trong những đóng góp quan trọng nhất qua cuốn sách này, và sẽ thấy rằng, nói chung, các triết gia lý luận về chính trị cũng giống như cách họ làm về những vấn đề triết học khác. Họ rút ra những nét đặc biệt, xem xét liệu các nhận định có tự mâu thuẫn nhau không, hoặc liệu hai hay nhiều nhận định nhất quán một cách logic. Họ cố cho thấy những luận điểm đáng ngạc nhiên có thể được suy ra từ những luận điểm rõ ràng hơn. Tóm lại, họ trình bày các lập luận.

Và các triết gia tranh luận về chính trị vì lý do chính đáng. Trong triết lý chính trị, không giống như nhiều lĩnh vực khác của triết học, không có chỗ để lẩn tránh. Trong triết học, thuyết bất khả tri[1] (“Người Anh dịch chữ dốt nát của họ sang tiếng Hy Lạp và gọi nó là thuyết bất khả tri”, Engels nói) thường là một quan điểm khả kính.

Có lẽ tôi không thể tìm ra một quan điểm thỏa đáng cho câu hỏi liệu chúng ta có ý chí tự do hay không, do đó tôi không tuyên bố quan điểm gì. Nhưng trong triết học chính trị bất khả tri là tự chuốc lấy thất bại. Nó có thể không phải là vấn đề quan trọng nếu như một xã hội không có chính sách chính thức đối với lời giải cho vấn đề ý chí tự do, nhưng trong mọi xã hội đều có ai đó (hoặc không có ai) nắm giữ quyền lực chính trị, và tài sản được phân phối theo cách này hay các khác. Dĩ nhiên, bất cứ ảnh hưởng nào của một cá nhân lên những quyết định của xã hội có khả năng chỉ là nhỏ nhặt. Nhưng một cách tiềm tàng tất cả chúng ta đều có tiếng nói nào đó, nếu không phải qua việc bỏ phiếu thì trình bày quan điểm của mình qua việc thảo luận và bàn cãi, dù là trên sân khấu chính trị hay bởi những phương tiện “ngầm.” Những người không thích tham gia sẽ thấy những quyết định chính trị được tạo ra cho họ, dù họ có thích hay không. Trên thực tế, không nói hoặc không làm gì tức là tán thành tình trạng hiện tại, dù có ghê tởm đến đâu.

Trong quá trình của cuốn sách này, chúng tôi nêu ra và thảo luận về những câu hỏi chính của triết học chính trị, xem xét một số các câu trả lời có sức thuyết phục nhất, từ những người Hy Lạp cổ đại cho đến ngày nay. Mỗi chương đảm nhận một câu hỏi hay cuộc tranh luận riêng biệt. Khởi điểm tự nhiên là quyền lực chính trị, quyền chỉ huy. Tại sao một số người nên có quyền thông qua những luật lệ điều chỉnh hành vi của những người khác? Vâng, giả sử không ai có một quyền như vậy. Cuộc sống sẽ như thế nào? Đây là câu hỏi được theo đuổi trong chương đầu tiên; điều gì sẽ xảy ra trong một “trạng thái tự nhiên” không có chính quyền? Có phải cuộc sống sẽ không thể chịu đựng được? Hay nên có sự cải thiện đối với tình trạng hiện tại?

Giả sử chúng ta đi đến chỗ chấp nhận rằng cuộc sống dưới sự cai trị của chính quyền hay hơn là cuộc sống trong trạng thái tự nhiên. Có phải từ đấy suy ra rằng chúng ta có bổn phận tinh thần phải làm theo lệnh của nhà nước? Hay có cách nào khác biện minh cho nhà nước? Đây là vấn đề về bổn phận chính trị, mà chúng ta sẽ thảo luận trong Chương 2.

Nếu chúng ta có một nhà nước, nó nên được tổ chức như thế nào? Có nên là một nhà nước dân chủ? Thậm chí nó có nghĩa gì khi nói rằng nhà nước theo chế độ dân chủ? Có lý do căn bản nào để thích nền cai trị bởi nhân dân hơn là bởi một chuyên gia, có lẽ là một nhà độc tài nhân từ? Đây là những câu hỏi được theo đuổi trong Chương 3. 

Nhà nước nên có bao nhiêu quyền lực? Hoặc, nhìn từ phía bên kia, người công dân nên được hưởng bao nhiêu tự do? Chương 4 xem xét lý thuyết cho rằng, để tránh “sự chuyên chế của đa số”, chúng ta nên được dành cho quyền tự do hành động tùy theo ý thích, miễn là chúng ta không làm hại những người khác.

Nếu các công dân có tự do, liệu điều này có bao gồm quyền tự do kiếm được và định đoạt tài sản theo bất cứ cách nào mà họ thấy phù hợp? Hoặc là có những hạn chế chính đáng đối với hoạt động kinh tế nhân danh tự do hay công lý? Đây là chủ đề của Chương 5: sự công bằng trong việc phân phối.

Năm chương chính của tập sách này đưa chúng ta qua những chủ đề được quan tâm lâu dài: trạng thái tự nhiên, nhà nước, dân chủ, tự do, và quyền tư hữu. Chương cuối cùng lướt qua một số vấn đề được chú ý nhiều hơn trong các thập kỷ gần đây, như vấn đề về giới tính, chủng tộc, cảnh tàn tật, khuynh hướng tình dục, di cư, công lý toàn cầu, và công lý cho các thế hệ tương lai. Đến thời điểm này, với nhận thức sâu sắc hơn hai nghìn rưỡi năm, chúng ta có thể có câu trả lời nào đó cho một câu hỏi được nêu ra, nhưng chưa được trả lời thỏa mãn, trong Lời Mở Đầu này – chúng ta làm triết học chính trị như thế nào? Về đề tài này, cũng như về tất cả các đề tài được thảo luận ở đây, mục đích của tôi không phải là áp đặt ý kiến lên các bạn; thay vào đấy tôi muốn giới thiệu một số tài liệu sẽ giúp các bạn hình thành quan điểm riêng của mình. Dĩ nhiên, có khả năng đọc cuốn sách này và khi kết thúc vẫn không chắc chắn như trước. Nhưng chúng ta không nên đánh giá thấp những tiến bộ đạt được khi tiến từ sự thiếu hiểu biết mù mờ sang niềm vui thích được soi sáng.

 

 


[1] Thuyết bất khả tri (agnosticism): Học thuyết cho rằng sự chắc chắn về những nguyên lý đầu tiên hoặc chân lý tuyệt đối là không thể đạt được và rằng chỉ những hiện tượng tri giác mới là đối tượng của tri thức chính xác.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt