BÀN VỀ ĐỊNH NGHĨA
ÉMILE DURKHEIM (1857-1917) ĐINH HỒNG PHÚC dịch
Émile Durkheim. Cours de philosophie fait au Lycée de Sens en 1883-1884, Leçon 44. "De la définition” | Paris. Manuscrit écrit. Bibliothèque de la Sorbonne, Manuscrit 2351. Bản ghi chép của nhà triết học André Lalande.
Định nghĩa là một mệnh đề cố gắng cho ta biết bản tính của sự vật xác định nào đó. Các thuật ngữ của mệnh đề này có thể hoán đổi vị trí cho nhau mà không cần phải thay đổi về lượng hay chất: ngoại diên và nội hàm phải tương đương nhau trong chủ từ và trong thuộc từ: “Con người là động vật hữu nhũ có hai tay = Mọi động vật hữu nhũ có hai tay là con người.” Người ta phân biệt hai loại định nghĩa: định nghĩa sự vật và định nghĩa từ ngữ. Định nghĩa sự vật cho ta biết bản tính của sự vật nào đó; định nghĩa từ ngữ cho ta biết nghĩa của từ mà người ta sử dụng. Theo các nhà logic học phái Port-Royal, tức là những người đã nêu bật chủ đề này lên, hai định nghĩa này khác nhau đến mức chúng tuân theo các định luật riêng của chúng: trong khi định nghĩa từ ngữ thì dửng dưng, võ đoán và ta có thể sử dụng chúng theo cách nào đó để cắt nghĩa một từ ngữ nào mình muốn, định nghĩa sự vật thì cố gắng giải thích sự vật nào đó và không thể nào mang tính võ đoán được. Do đó, định nghĩa thứ nhất là không thể tranh cãi, định nghĩa thứ hai có thể sai lầm và cần được thảo luận. Sự phân biệt này có cơ sở gì không? Xem ra đối với chúng ta không có hai loại định nghĩa: khi ta định nghĩa cái gì đó, cũng như khi ta định nghĩa một từ, thì đó là ta biểu đạt ý niệm của sự vật bằng một thuật ngữ. Ta có thể thừa nhận rằng “Hình học là khoa học về các đại lượng” là một định nghĩa sự vật, rất khác với dạng mà nó sẽ trở thành nếu thay “hình học” bằng một từ nào đó khác được không? Các nhà logic học Port-Royal phân biệt nghĩa thông thường của một từ, và xem xét một định nghĩa sự vật mà ở đó từ được định nghĩa có cái nghĩa thông thường này. Nhưng đây là một sự phân biệt quá mơ hồ. Hơn nữa, họ nói thêm, các định nghĩa từ ngữ có thể được tiến hành như là điểm xuất phát cho phép quy nạp, định nghĩa sự vật không thể làm theo cách này. Nhưng nếu có những định nghĩa được chứng minh và có những định nghĩa khác có thể dùng làm cơ sở, đó chỉ là vì những cái sau thì rõ ràng và những cái trước thì không. Vì thế, chỉ có một loại định nghĩa mà thôi: định nghĩa sự vật. Giờ ta hãy xem xét nhiều cách định nghĩa khác nhau. Một phương cách thường được dùng để định nghĩa sự vật là giải thích cách thức chúng được hình thành. Đấy là định nghĩa thông qua nguồn gốc phát sinh (génération). Ví dụ: “Hình trụ là thể tích chứa hình chữ nhật quay quanh một trong các cạnh của nó.” Cách định nghĩa này là hoàn hảo nhất. Thực vậy, khi biết cách thức sự vật được hình thành, ta hoàn toàn có thể biết được nó và có thể tái tạo nó nếu thích. Nhưng loại định nghĩa này chỉ thích hợp với các sự vật đơn giản đến mức trí óc có thể nắm bắt được chúng hoàn toàn, các sự vật toán học, tức những cái đã được chính trí óc đơn giản hóa, cấu tạo và gán thuộc tính. Về định nghĩa sự vật thông qua nguồn gốc phát sinh, trí óc chỉ quan sát cách làm của nó khi nó cấu tạo nên chúng. Nhưng các sự vật cụ thể không phải do chúng ta tạo ra; do đó, ta khó lòng, thậm chí là không thể, định nghĩa chúng thông qua nguồn gốc phát sinh. Thay vào đó ta phải định nghĩa chúng qua nội hàm, bằng cách liệt kê ra tất cả các đặc điểm của chúng. Nếu tôi muốn định nghĩa con người, tôi sẽ nói rằng đấy là một thực thể, một động vật có xương sống, một động vật hữu nhũ, một động vật có hai tay. Trong số các đặc điểm này có những đặc điểm ít nhiều mang tính phổ biến hơn. Các đặc điểm ít phổ biến hơn lấy các đặc điểm phổ biến nhất làm điều kiện tiên quyết. Cho nên ta không cần phải liệt kê cho hết chúng. Ta chỉ cần chỉ ra đặc điểm ít phổ biến nhất thuộc về cá thể cần định nghĩa là đủ. Rồi sau đó, ngoài đặc điểm này ra, ta phải chỉ ra một đặc điểm khác phân biệt loại sự vật ấy với tất cả các loại sự vật khác. Như vậy, ta sẽ nói con người là động vật hữu nhũ có hai tay. Đây chính là định nghĩa thông qua genus proximum (sự gần gũi về loài) và differentiam specificam (đặc điểm phân biệt về giống). Cuối cùng, ý niệm có thể được xem xét từ điểm nhìn ngoại diên, bằng cách liệt kê tất cả các dạng của chúng. Như thế, để định nghĩa các môn khoa học toán học, ta chỉ việc liệt kê tất cả chúng ra mà thôi. Nhưng đây là cách định nghĩa tồi tệ nhất, vì đến bao giờ ta mới đưa ra được bản liệt kê đầy đủ? Cách định nghĩa rườm rà như thế khiến cho nó khó có được sự rõ ràng. Định nghĩa phải ngắn gọn và rõ ràng. Hai điều kiện này đòi hỏi cần phải có do chính bản tính của định nghĩa, mục đích của định nghĩa là làm cho sự vật trở nên hoàn toàn dễ hiểu đối với trí óc. Quy tắc thứ ba là định nghĩa phải thỏa đáng với đối tượng của nó, nghĩa là bao gồm tất cả những cái được định nghĩa và không có gì khác ngoài cái được định nghĩa.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC