BERTRAND RUSSELL BÀN VỀ TƯ DUY PHÊ PHÁN
WILLIAM HARE ĐINH HỒNG PHÚC dịch
Lý tưởng về tư duy phê phán là một lý tưởng trung tâm trong triết học Russell, cho dù điều này vẫn còn chưa được thừa nhận rộng rãi. Tên tuổi của Russell ít khi xuất hiện trong khối văn liệu đồ sộ về tư duy phê phán, là tư duy nảy sinh trong triết học giáo dục hơn hai mươi năm qua. Ít nhà bình luận để ý đến tầm quan trọng của công trình của Russell đối với lý thuyết về giáo dục, một lý thuyết bao gồm thành tố phê phán. Chomsky, chẳng hạn, nhắc chúng ta nhớ quan niệm nhân văn của Russell về giáo dục, xem người học là một cá nhân độc lập mà sự phát triển của anh ta đang bị lối học nhồi sọ đe dọa. Woodhouse, trong khi cũng viện đến khái niệm tăng trưởng, chỉ ra mối băn khoăn của Russell về việc bảo vệ sự tự do của trẻ em để thực hành phán đoán cá nhân về các vấn đề trí tuệ và đạo đức. Stander bàn về yêu sách của Russell rằng việc giáo dục trong nhà trường thường hay quá cổ vũ cái tâm tính bầy đàn, với sự cuồng tín và độc đoán của nó, không phát triển được cái mà Russell gọi là một “thói quen phê phán của đầu óc”.[1] Mối đe dọa của lối học nhồi sọ, tầm quan trọng của phán đoán cá nhân, và sự chiếu ưu thế của các ý kiến cuồng tín, tất cả đều nhấn mạnh nhu cầu cần có điều mà ngày nay gọi là tư duy phê phán; và công trình của Russell là đáng giá cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu xem loại tư duy này đòi hỏi những gì và tại sao nó lại quan trọng trong giáo dục. Nhưng để thiết lập ý nghĩa của quan niệm của Russell về tư duy phê phán thì ta cần phải có nhiều điều hơn để bàn. Quan niệm này đã đi trước nhiều phát hiện [insights] trong các cuộc tranh luận đương đại và tránh nhiều cạm bẫy mà các tác gia gần đây nhận ra. Một số nhân tố có lẽ đã che giấu sự đánh giá ngay tức khắc về đóng góp của Russell. Các giải thích của ông về tư duy phê phán rải rác trong nhiều bài viết, chưa được hệ thống hóa thành một công trình hoàn chỉnh;[2] và Russell cũng không có ý sử dụng thuật ngữ ngày nay đang thịnh hành là “tư duy phê phán”. Cách nói này chỉ bắt đầu trở thành thời thượng trong những năm 1940 và 1950, và các nhà triết học thời kỳ đầu một cách thỏa mái hơn về tư duy phản tư, tư duy thẳng thắn, tư duy rõ ràng hay tư duy khoa học, thường nói về tư duy phổ biến [simpliciter]. Người ta cũng đã phác họa những nét phân biệt hữu ích giữa các loại tư duy này, nhưng thường bị tách ra khỏi bối cảnh, không kể đến những khác nhau về mặt thuật ngữ, là vấn đề mấu chốt này có liên quan đến những gì mà bây giờ được gọi là tư duy phê phán. Russell dùng rất nhiều thuật ngữ khác nhau, bao gồm, một cách ngẫu nhiên, các quy chiếu đến một thói quen phê phán của đầu óc, thái độ phê phán, phán đoán có phê phán, tinh thần phê phán có thể giải quyết [solvent criticism], soi xét có phê phán, khảo sát có phê phán, tiếp nhận có phê phán nhưng không giáo điều. Với Russell, ý niệm về tư duy phê phán nằm sâu trong cấu trúc khung của triết học, khoa học, lý tính, tự do và giáo dục, và các quan điểm của ông cứ ló dạng mỗi khi ông bàn đến các chủ đề này hay khác. [3] Quan niệm của Russell về tư duy phê phán bao hàm sự quy chiếu đến hàng loạt các kỹ năng, các tâm thếb và các thái độ, những cái này cùng nói lên đặc trưng của một phẩm chất vừa có khía cạnh trí tuệ vừa có khía cạnh đạo đức, và dùng để đề phòng sự nảy sinh hàng loạt cái xấu [vices], gồm thuyết giáo điều và thành kiến. Vì tin tưởng mục đích cốt lõi của giáo dục là trang bị cho người học khả năng xây dựng “một phán đoán hợp lý về các vấn đề có tính tranh cãi buộc họ phải có hành động”, Russell vẫn khẳng định rằng ngoài việc “tìm đến những nguồn cung tri thức khách quan”, giáo dục cần đề xuất “việc đào tạo các thói quen suy xét của tư tưởng”. [4] Ngoài việc tìm đến các tri thức như thế, người học cần phát triển những kỹ năng nhất định, nếu tri thức có được không tạo nên những cá nhân vốn tiếp nhận một cách thụ động sự thông thái và tín điều của các ông thầy đang thống trị trong xã hội của họ. Đôi khi, Russell chỉ sử dụng khái niệm “trí tuệ”, bằng cách đối chiếu với mỗi riêng thông tin, để chỉ toàn bộ tập hợp các năng lực phê phán sẳn có trong đầu. Những kỹ năng phê phán như thế, có cơ sở ở tri thức, gồm: (i) năng lực hình thành ý kiến riêng,[5] năng lực này bao hàm, ví dụ, có khả năng nhận biết những gì có thể gây lầm lạc, có khả năng nghe hùng biện mà không bị lôi cuốn, và trở nên lão luyện trong việc đặt và xác định [vấn đề], nếu có bất cứ lý do gì để nghĩ rằng niềm tin của mình là đúng; (ii) năng lực tìm một giải pháp không thiên vị,[6] năng lực này bao hàm việc học nhận biết và kiểm soát các định kiến của mình, đi đến xem xét niềm tin của riêng mình một cách độc lập giống như những gì mà mình xét thấy ở các niềm tin của những người khác, đánh giá các vấn đề theo giá trị của chúng, cố gắng nắm vững các dữ kiện liên quan, và sức mạnh của các luận chứng có trọng lượng; (iii) năng lực nhận ra và tra vấn các giả định,[7] năng lực này bao gồm sự học không phải để cả tin, việc áp dụng cái mà Russell gọi là hoài nghi có tính xây dựng để kiểm tra những niềm tin không được khảo chứng, và việc chống lại khái niệm mà một uy quyền nào đó, một đại triết gia chẳng hạn, đã tóm thâu hết mọi chân lý. Russell nhắc chúng ta nhớ rằng “các xác tín không bị chất vấn nhất của chúng ta có thể bị sai lầm như xác tín của những kẻ chống Galileo.”[8] Tóm lại, nghiên cứu của ông về các kỹ năng phê phán đề cập đến nhiều vấn đề, được trình bày một cách hệ thống và chi tiết trong các cuộc tranh luận gần đây hơn.[9] Nhiều kiến giải trong nghiên cứu của Russell có vẻ quen thuộc như những gì mà văn liệu tư duy phê phán gần đây cho biết. Trước hết, ngôn ngữ của Russell, đặc biệt là sự nhấn mạnh của ông về phán đoán, hàm ý điều rằng các kỹ năng phê phán không thể bị quy về chỉ một công thức để được áp dụng theo thói thường. Phán đoán phê phán nghĩa là phán đoán phải cân nhắc chứng cứ và các luận chứng, chân lý gần đúng phải được đánh giá, thành thử ra kỹ năng đòi hỏi sự khôn ngoan. Thứ hai, tư duy phê phán cần phải có sự phê phán [being critical] về những nỗ lực phê phán của bản thân. Chẳng hạn, Russell nhận xét rằng những sự bác bỏ hiếm khi đến hồi kết; chúng thường là một khúc dạo đầu cho các lập luận tinh vi hơn nữa.[10] Trong khi đi trước sự phản đối gần đây rằng các văn bản tư duy phê phán đã hạn chế sự phê phán vào các chủ đề “được chứng minh”, ông cũng lưu ý hình phạt đang chờ những ai cứ lan man trong các diện trường phê phán trái với truyền thống. [11] Với Russell, tư duy phê phán phải bao gồm sự suy tư có tính phê phán về những gì được coi là tư duy phê phán. Thứ ba, tư duy phê phán về cơ bản không phải là một công việc phủ định, mà sự nhấn mạnh của Russell về hoài nghi có tính xây dựng, và sự cảnh báo của ông chống lại các thực hành dẫn trẻ em đến phê phán mang tính hủy diệt là bằng chứng.[12] Russell vẫn cho rằng loại phê phán được nhắm đến không phải là thứ phê phán tìm cách bác bỏ, mà là thứ phê phán xét tri thức bề ngoài theo giá trị của nó, trong khi vẫn giữ tất cả những gì đã được sàng lọc qua sự soi xét phê phán. Như trong nhiều cuộc bình luận gần đây, các tác phẩm của Russell đầy rẫy sự nhấn mạnh đến các lý do và chứng cứ tăng cường, hay phá vỡ, một niềm tin cá biệt. Sự soi xét có phê phán về những điều này là cần thiết để quyết định độ tin cậy mà chúng ta sẽ đặt vào các niềm tin của mình. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải giảng dạy kỹ năng tổ chức chứng cứ nếu một thói quen phê phán của đầu óc buộc phải được khuyến khích, và gợi ý rằng một trong những khía cạnh quan trọng nhất của giáo dục, nhưng lại bị coi thường, là học cách làm thế nào đạt được những kết luận đúng đắn trên các dữ kiện không đầy đủ.[13] Tuy nhiên, khi nhấn mạnh đến các lý do, Russell không đi đến giả định là có một năng lực không thể sai lầm của lý tính. Lý tính hoàn toàn, ông nhận xét, là một lý tưởng không thể nào đạt tới; lý tính là một vấn đề về trình độ.[14] Chẳng những trong lý tính không có một niềm tin thiếu phê phán, mà thậm chí ông còn sẵn sàng nói, đôi chút bông lơn, rằng triết học là một nỗ lực khéo léo một cách đặc sắc để suy nghĩ một cách ngụy tạo! Chỉ có sở hữu các kỹ năng phê phán là không đủ để khiến ai đó thành một người tư duy phê phán. Russell kêu gọi hãy chú ý tới các khuynh hướng khác nhau, tức là các kỹ năng liên quan được tập luyện một cách thực sự. Điển hình là ông dùng khái niệm thói quen (đôi khi là khái niệm thực hành) để hàm ý chuyển các kỹ năng thành hành vi thực tế. Russell mô tả giáo dục như là sự hình thành, thông qua việc dạy, của một số thói quen nào đó của trí óc [và một quan điểm nào đó về đời sống và thế giới].[15] Ông đề cập đến, đặc biệt là: (i) thói quen điều tra không thiên vị,[16] thói quen này là cần thiết nếu các ý kiến phiến diện không được thừa nhận giá trị bề ngoài của nó, và nếu mọi người đều phải đi đến những kết luận không một mình phụ thuộc vào thời gian và không gian của sự giáo dục của họ; (ii) thói quen cân nhắc chứng cứ,[17] đi đôi với sự thực hành không có sự tán thành hoàn toàn với các mệnh đề không có lý do nào để tin là đúng; (iii) thói quen cố gắng xem xét sự vật một cách đúng đắn,[18] thói quen này trái với sự thực hành chỉ đơn thuần tập hợp bất cứ những gì củng cố cho thành kiến hiện tồn; và (iv) thói quen sống từ trung tâm bản ngã của mình [living from one’s own centre],[19] mà Russell mô tả là một dạng tự định hướng, một sự độc lập nào đó trong ý chí. Những thói quen ấy, dĩ nhiên, phải được luyện tập một cách có hiểu biết. Thực vậy, đó là phần lớn của vấn đề mà tư duy phê phán phải giải quyết, Russell công nhận rõ ràng rằng một ai đó sẽ trở thành nạn nhân của thói quen nếu các niềm tin quen thuộc của thời đại mình là một ngục tù của thành kiến. Vậy mới cần đến một thói quen phê phán của đầu óc. Vì chúng không đơn giản là các phản ứng tự động mà người nào đó từng được luyện tập thường xuyên, các thói quen trí não như thế trên thực tế phản ánh một sự sẵn lòng, mà Russell gọi một cách đặc trưng là sự sẵn sàng của bản thân, hành động và phản ứng của con người ta theo những cách khác nhau. Các ví dụ của ông gồm: (i) sự sẵn sàng thừa nhận chứng cứ mới chống lại các niềm tin trước đó,[20] sự sẵn sàng này bao hàm một sự chấp nhận trong tinh thần cởi mở (tránh tính cả tin) những gì mà một sự khảo chứng có phê phán đã cho thấy; (ii) sự sẵn sàng loại bỏ các giả thuyết được chứng minh không đầy đủ,[21] mà bài test là liệu có hay không có ai đó thực sự được trang bị để từ bỏ các niềm tin dường như trước đó rất hứa hẹn; và (iii) sự sẵn sàng tự thích ứng với các sự kiện trong thế giới,[22] mà Russell phân biệt với việc chỉ đơn thuần đi theo với bất cứ những gì ngẫu nhiên chiếm ưu thế, mà có thể là có hại. Sẵn sàng hành động, hay phản ứng, theo những cách này, hàm ý cả một nhận thức rằng các thói quen đang nói đến là thích đáng lẫn một sự cam kết theo nguyên tắc với bài tập của chúng. Chúng có chung phẩm chất mà Russell gọi là tính chân thực, phẩm chất này bao gộp ước muốn khám phá, và cố gắng có lý lẽ trong các vấn đề về niềm tin.[23] Trong quan niệm của Russell, ngoài các kỹ năng và các khuynh hướng được phác họa trên, một tập hợp các thái độ làm đặc trưng cho quan điểm về một con người phê phán. Qua thái độ phê phán, Russell muốn nói một tâm trạng có vai trò quan trọng đối với một lập trường nào đó về tri thức và ý kiến, tâm trạng ấy bao hàm: (i) sự hiện thực hóa của tính có thể sai lầm của con người, một cảm giác về sự không chắc chắn về nhiều điều thường được xem là không thể nghi ngờ được, trong khi mang theo cùng với nó là tính khiêm nhường;[24] (ii) một quan điểm cởi mở về các niềm tin của chúng ta, một “sự sẵn sàng hướng nội” để cân nhắc đến mặt kia [của vấn đề], ở đó mọi câu hỏi được xem là có tính chất mở và thừa nhận rằng những gì là tri thức thì nhất định cần phải cớ sự điều chỉnh;[25] (iii) không chấp nhận suy nghĩ rằng các ham muốn và mong ước của riêng ta lại là một chìa khóa để thấu hiểu thế giới, trong khi thừa nhận rằng những gì chúng ta muốn không hề liên quan gì đến những gì đang tồn tại;[26] (iv) sự thăm dò,[27] không rơi vào một thứ thuyết hoài nghi biếng nhác (hay hoài nghi giáo điều), mà giữ các niềm tin của mình với độ xác tín được đảm bảo bằng chứng cứ. Russell bảo vệ quan một quan điểm trung dung giữa thuyết hoài nghi hoàn toàn và thuyết giáo điều hoàn toàn, trong đó người ta vừa ham muốn hiểu biết vừa hết sức thận trọng trong khi tin rằng mình đang hiểu biết. Vì thế khái niệm “tiếp nhận có phê phán nhưng không giáo điều” của ông bác bỏ một cách chắc chắn (cái yêu cầu mà Russell gọi là một thói xấu của trí tuệ) [28] và đảm bảo rằng tinh thần cởi mở không trở thành sự đần độn. Russell mô tả sự tiếp nhận có phê phán nhưng không giáo điều như là thái độ chân thực của khoa học, và thường nói về cách nhìn khoa học, tinh thần khoa học, khí chất khoa học, một thói quen khoa học của trí óc, v.v.., nhưng ông không tin rằng tư duy phê phán được biểu hiện duy nhất, hay bất biến, trong khoa học. Rõ ràng là Russell đang giả định một lý tưởng nào đó mà khoa học chỉ có thể mong mỏi nhưng, theo quan điểm của ông, lý tưởng mà khoa học lấy làm tiêu biểu ở tầm mức hơn so với triết học, ít nhất là triết học như đã được thực hành vào đầu thế kỷ XX. Russell dùng một số cách nói khác để nắm bắt cái lý tưởng của tư duy phê phán: tinh thần triết học và thói quen triết lý của trí óc, cách nhìn tự do (hay thậm chí tôn chỉ tự do), và khí chất lý tính. Tất cả các ý niệm này quyện chặt vào nhau. Chẳng hạn, ông lưu ý rằng cách nhìn của khoa học là bản sao trong trí óc của cách nhìn của tự do trong lĩnh vực thực tiễn. Với Russell, cách nhìn phê phán phản ánh một viễn tượng tri thức luận lẫn đạo đức học, viễn tượng này nhấn mạnh: (i) làm sao giữ được các niềm tin mà không giáo điều, (ii) nghi ngờ mọi niềm tin, (iii) tin rằng tri thức là khó [đạt] nhưng không phải là không thể, (iv) tự do ý kiến, (v) trung thực, và (vi) khoan hòa. Nghiên cứu của Russell về tư duy phê phán bản thân nó là một nghiên cứu có tính phê phán. Nó không được trình bày ngây ngô bằng các nghi ngờ hậu hiện đại về các khái niệm [triết học] Khai minh, [những nghi ngờ] mà Russell ắt sẽ coi là giáo điều. Về các kỹ năng lẫn các khuynh hướng, chẳng hạn, Russell không nhấn mạnh tính không thiên vị, nhưng ông ý thức sâu sắc, và nhấn mạnh, đến các vấn đề sẵn sàng làm thất bại sự hiện thực hóa lý tưởng này. Không ai có thể nhìn thế giới mà hoàn toàn không thiên vị, Russell chú thích, nhưng một sự liên tục tiến gần là có thể được. Ông nói về việc kiểm soát các định kiến của chúng ta, nhưng đồng thời ông nhanh chóng thấy rằng “định kiến của mỗi người có thể quá ư là sâu để nhận biết”[29] Ông thừa nhận là ngay cả các bài báo khoa học (viết về những tác động của rượu, chẳng hạn) nhìn chung sẽ bộc lộ định kiến của người viết. Ông lưu ý rằng [người ta] rất dễ bị thành kiến đầu độc và ông nói phải đấu tranh chống lại thành kiến. Russell công nhận rằng nghiên cứu của ông về thái độ phê phán có thể sẽ chẳng có gì hơn ngoài một chân lý cũ rích, nhưng việc giữ thái độ ấy trong đầu, và trung thành với nó, đặc biệt là đối với các định kiến của chúng ta, là không mấy dễ dàng. Vì với sự xác tín của ông về khả năng đạt được tri thức, và không như nhiều nhà hoài nghi đương đại, Russell bảo vệ lý tưởng tính không thiên vị và đưa ra lời khuyên thực tế đối với bất cứ ai đang nắm bắt cái lý tưởng khó nắm bắt này một cách nghiêm túc. Chúng ta có thể cố nghe ngóng mọi khía cạnh và thảo luận các quan điểm của chúng ta với những người có các định kiến khác, một khi ta chắc chắc cho việc đối mặt với các địch thủ thực thụ; chúng ta có thể động não cật lực hơn nữa bằng cách cố gắng đánh giá các bức tranh thế giới thay thế nhau được trình bày trong triết học, nhân loại học và sử học; chúng ta có thể học cách nhận biết các định kiến của chính mình, chẳng hạn bằng cách lưu ý khi các ý kiến ngược lại có thể khiến ta giận dữ. Và v.v.. Russell coi việc hình thành những ý kiến riêng là rất quan trọng, và điều này có thể làm bộc lộ ra [cho ta thấy có] một sự tin cậy không có cơ sở vào năng lực của một cá nhân để tránh phụ thuộc vào kiến thức chuyên môn, một vấn đề mà các cuộc tranh luận về sự tín nhiệm vào kiến thức gần đây đã nêu bật lên. Điều quan tâm của Russell là “với các phương pháp hiện đại trong giáo dục và trong tuyên truyền, toàn bộ dân chúng có thể bị nhồi sọ bằng một thứ triết học không có cơ sở hợp lý nào để cho là đúng.” [30] Vì thế mới có sự nhấn mạnh của ông về tư duy riêng. Nhưng không phải là ông không thấy được giá trị của kiến thức chuyên môn. Ông vẫn cho rằng ý kiến của nhà chuyên môn khi được nhất trí thì những người không chuyên môn phải chấp nhận như là có lẽ có lý hơn ý kiến đối nghịch. Một trong những nguyên lý nổi tiếng của ông là “khi các nhà chuyên môn tán thành, ý kiến đối lập không thể được coi là chắc chắn.” Nó không thể được coi như chắc chắn, nhưng nó có thể chứng minh là đúng vì các nhà chuyên môn, không kể đến sự tán thành của họ, cũng có thể bị sai lầm. Vì thế, chúng ta phải luôn cảnh giác phê phán và cách nhìn cởi mở của chúng ta. Russell nhận xét rằng một nhà kinh tế học phải hình thành một phán đoán độc lập về các vấn đề tiền tệ, nhưng một người tầm thường lại thấy tốt hơn là theo lời của người có thẩm quyền [chuyên môn]. Tuy nhiên, vẫn còn có đất dụng võ cho phán đoán phê phán riêng của mỗi người, thậm chí đối với cả những phát biểu của nhà chuyên môn, hay được coi là chuyên môn. Học cách không để bị hùng biện gạt gẫm là bộ phận của việc học cách công nhận những ai nói với thẩm quyền chuyên môn thực sự. Russell cũng tin rằng những người không chuyên môn có thể học cách phân biệt nhà chuyên môn thực thụ với những kẻ xướng ngôn kiêu ngạo và những gã bịp bợm bất lương, và trong trường hợp có sự nghi ngờ thì một người phê phán có thể và nên treo lửng phán đoán. Đôi khi các nghiên cứu có uy tín về tư duy phê phán bị phản đối rằng chúng ít đề cập hoặc không hề đề cập đến các cảm giác và các kỹ năng liên quan nằm ngoài tầm việc mở rộng đầu óc để bao gồm việc mở cõi lòng mình ra với thế giới và với những người khác. Tôi cho rằng sự phê phán có mùi vị nữ quyền này không áp dụng cho Russell; thực vậy, ông đã đi trước chính sự phê phán này về tư duy phê phán: “Các trường học … sẽ sản sinh ra những học sinh mà trí óc chúng bị đóng kín chống lại lý trí, và tâm hồn chúng từng được dạy phải bịt tai với tình cảm nhân đạo.”[31] Ở chỗ khác, khi nói về một sự giáo dục nhằm mục đích phá vỡ thuyết giáo điều, Russell nói thẳng: “Những vì được cần không phải chỉ đơn thuần là trí tuệ. Rộng mở sự cảm thông ít ra cũng không kém phần quan trọng.” [32] Vả lại, không thù địch cũng không gây hấn, mà đôi khi những điều này bị gắn vào tư duy phê phán, và được cho là gây ra định kiến giới, Russell khuyên: “khi học tập một nhà triết học, thái độ đúng đắn không phải là tôn sùng hay ngưỡng mộ, là trước hết là một thứ cảm tình về mặt giả thuyết…”[33] Ở đây Russell đã đi trước cái gọi là “trò chơi lòng tin” (trái ngược với “trò chơi hoài nghi”), ở đó người chơi cố gắng khám phá, như Russell diễn tả, những gì mình cảm thấy phải tin vào những tư tưởng đang nói đến trước khi có ai đó cố gắng lật đổ chúng. Hơn nữa, Russell có thể không bị phản đối, cũng không bị dựng lên chống lại các nghiên cứu gần đây về tư duy phê phán, rằng hệ chuẩn khích lệ người ta cắt đứt liên hệ với tiếng nói của riêng bản thân, [bằng cách] tách rời và thể hiện tiếng nói ấy trong cuộc tìm kiếm Chân lý và Chắc chắn nhưng bị lạc lối. Bản thân Russell cũng chỉ trích cái khuynh hướng dùng từ “chân lý” với chữ “C” viết hoa theo nghĩa rộng của từ. Con người bạc đãi lẫn nhau vì họ tin là họ nắm được “Chân lý”[34] Dù Russell có nghĩ rằng có một nguy hiểm trong niềm tin nồng nhiệt (nhìn chung ông cho rằng sự nồng niệt của một niềm tin là tỷ lệ nghịch với chứng cứ ủng hộ nó!), ông không chủ trương một thái độ tách rời hoàn toàn vì ông tin rằng sự tách rời sẽ dẫn đến sự không hành động.[35] Loại tách rời mà ông thích dùng là tách ra khỏi các xúc cảm ấy (thù hận, đố kị, giận dữ, v.v..), những xúc cảm làm cản trở tính trung thực của trí tuệ và ngăn cản sự xuất hiện của tình cảm thân ái.[36] Một người không có tình cảm nào, ông nói, thì không làm được và cũng chẳng thành tựu được điều gì. Vả lại ở đây, Russell đã đoán trước sự chống đối gần đây rằng tư duy phê phán có thể khiến mọi người trở thành các khán giả hơn là những người tham gia. Nhà triết học không đơn thuần là một khán giả hoài nghi về các hoạt động của con người.[37] Theo Russell, chúng ta cần học cách sống không có sự chắc chắn, và sống mà không bị đờ người ra vì do dự. Ông ủng hộ cách sống xuất phát từ trung tâm bản ngã của mình, nhưng cảnh báo chúng ta phải chống lại sự chắc chắn chủ quan. Nhiều người đã đi đến chiến tranh với nhau vì chắc chắn rằng họ ắt sẽ sống sót, Russell nhận xét, nhưng cái chết lại không quan tâm đến sự chắc chắn của họ. Cuối cùng, cũng đáng để lưu ý rằng Russell tránh “quan điểm sai lầm của nhà triết học” về việc khuyếch đại vai trò của triết học và logic trong sự phát triển của tư duy phê phán cho đến việc xao nhãng tri thức bộ môn. Chắc hẳn là Russell nghĩ rằng triết học phải đóng góp nhiều, đặc biệt là vào việc học hỏi giá trị của phán đoán bị treo lửng – có lẽ vì triết học là luôn đầy rẫy sự tranh cãi và sự không chắc chắn. Hơn nữa, Russell không hề coi rẻ logic phi hình thức [informal logic] như một số nhà phê phán gần đây; tư duy mạch lạc rõ ràng đóng một phần quyết định.[38] Russell nghĩ rằng sẽ là hữu ích khi nghiên cứu các ngụy luận phi hình thức, và có những tên gọi hay cho những ngụy luận ấy, chẳng hạn như ngụy luận “những con heo-có thể-bay.”[39] Khi lấy từ vật lý học một ví dụ cho ngụy luận này, Russell có vẻ tán thành với những ai cho rằng các nguyên tắc lập luận như vậy là chủ thể-trung tính và có thể khái quát được. Tuy nhiên, khi nói tới vấn đề này, điều quan trọng phải nhớ là Russell không đánh đồng tư duy phê phán với sự tinh thông logic học. Logic học và toán học là bảng chữ cái của quyển sách về tự nhiên, chứ không phải là bản thân cuốn sách. Russell cũng nói rõ ở nhiều chỗ rằng biết, chẳng hạn như, nguyên lý rằng niềm tin ắt phải tương xứng với chứng cứ là một chuyện, nhưng biết cái gì là chứng cứ thực sự thì lại là chuyện hoàn toàn khác. Russell, như chúng ta thấy, nhấn mạnh sự thâm nhập vào các nguồn không thiên vị của tri thức; nếu không có sự thâm nhập ấy, các năng lực phê phán của chúng ta không thể thực hiện. Do đó, ông không phải bị kết án vì một cái nhìn giản đơn hóa về tính khái quát hóa của tư duy phê phán. [40]
Đinh Hồng Phúc dịch
Dịch từ nguồn: http://www.bu.edu/wcp/Papers/Educ/EducHare.htm
[1] Noam Chomsky, “Hướng tới một quan niệm nhân văn về giáo dục”, trong Walter Feinberg và Henry Rosemont, Jr. (eds.), Công trình, Kỹ thuật học và Giáo dục. Urbana: Đại học tổng hợp Illinois Press, 1975: 204-20; Howard Woodhouse, “Khái niệm tăng trưởng trong tư tưởng giáo dục của của Russell”, Journal of Education Thouht 17, 1, 1983: 12-22; Philip Stander, “Bertrand Russell bàn về mục đích của giáo dục”, Educational Forum 38, 4, 1974: 445-56. [2] Các bài viết liên quan gồm: “Vị trí của khoa học trong một nền giáo dục tự do” (1913), “Tư tưởng tự do và sự tuyên truyền [của giới] quan phương” (1912), “Giá trị của tư tưởng tự do” (1944), “Giáo dục đối với nền dân chủ” (1939), “Các chức năng của người dạy” (1940), “Làm thế nào để trở thành một triết gia” (1942), “Triết học cho mọi người” (1946), và “Tự do và nhà triết học” (1951). Các sách liên quan gồm: Các vấn đề triết học (1912), Các nguyên lý tái thiết xã hội (1916), Bàn về giáo dục (1926), Các bài viết hoài nghi luận (1928), Giáo dục và trật tự xã hội (1932), Các bài viết không phổ biến (1950), và Tại sao tôi không là một Ki tô hữu (1957). [3] Russell lưu ý rằng triết học chỉ là một nỗ lực trả lời câu hỏi tối hậu một cách có phê phán. Xem Russell, Các vấn đề triết học London: Oxford University Press, 1973: 1. Và ông nhận xét rằng sự tiếp thu phê phán không giáo điều là thái độ chân thực của khoa học.Xem “Tư tưởng tự do và sự truyên truyền [của giới] quan phương” trong Các bài viết hoài nghi luận London: Unwin, 1985: 117. b Chúng tôi tạm dịch từ chữ “disposition” trong tiếng Anh. Từ điển Wikpedia định nghĩa : “ Trong Triết học, Sinh lý học và Tâm lý học, một khuynh hướng là một thói quen, một sự chuẩn bị, một trạng thái sẵn sàng, hay một xu hướng hành động theo phương cách đặc biệt” [4] Russell, “Jon Stuart Mill”, trong Hồi ức các chân dung London: Allen và Unwin, 1956: 131. [5] Russell, "Education for democracy", Addresses and Proceedings of the National Education Association 77, July 2-6, 1939: 530. See also "Philosophy for laymen", in Unpopular Essays London: George Allen and Unwin, 1950: 47. [6] Russell, "A plea for clear thinking", in Portraits From Memory op. cit.: 174. See also "Free thought and official propaganda", in Sceptical Essays op. cit.: 116. [7] Russell, Philosophy New York: W. W. Norton, 1927: 299. See also Principles of Social Reconstruction London: Unwin, 1971: 108. [8] Russell, "Triết học", trong John G. Slater (ed.), Bertrand Russell Tuyển tập Vol. 11, London: Routledge, 1997: 223. (Các bài viết chưa hoàn chỉnh, có lẽ được viết vào năm 1945. Emphasis in original.) [9] Chẳng hạn, xem Robert H. Ennis, "Bản phân loại các thiên hướng và các năng lực tư duy phê phán”, trong Joan Boykoff Baron và Robert J. Sternberg (eds.), Giảng dạy các kỹ năng tư duys: lý thuyết và thực tiễn New York: W. H. Freeman, 1987: 9-26. [10] Russell, History of Western Philosophy London: George Allen and Unwin, 1961: 69. Another clear example is Russell's remark that "the liberal philosopher will wish all beliefs to be open to discussion, including the belief that all beliefs should be open to discussion." See "Freedom and the philosopher", in Collected Papers Vol. 11, op. cit.: 418-21. [11] Russell, "Freedom and the colleges", in Why I Am Not A Christian New York: Simon and Schuster, 1965: 181. [12] Russell, Principles of Social Reconstruction London: Unwin, 1971: 107-8. [13] Russell, Education and the Social Order London: Unwin, 1977:141. [14] Russell, "Can men be rational?", in Sceptical Essays op. cit.: 41. [15] Russell, "The place of science in a liberal education", in Mysticism and Logic Harmondsworth: Penguin, 1953: 41. I shall take up the idea of "a certain outlook" subsequently. [16] Russell, "The functions of a teacher", in Unpopular Essays op. cit.: 151. [17] Russell, "Free thought and official propaganda", in Sceptical Essays op. cit.: 126. [18] Russell, "Human character and social institutions", in Richard A. Rempel et al. (eds.), The Collected Papers of Bertrand Russell Vol. 14, London: Routledge, 1995: 419-25. [19] Russell, "Human character and social institutions", ibid.: 421. [20] Russell, "Freedom versus authority in education", in Sceptical Essays op. cit.: 149. [21] Russell, "Free thought and official propaganda", in Sceptical Essays op. cit.: 116 [22] Russell, "Hopes: realized and disappointed", in Portraits From Memory op. cit.: 47. [23] Russell, "The value of free thought", in Understanding History New York: Philosophical Library, 1957: 73. [24] Russell, "A philosophy for our time", in Portraits From Memory op. cit.: 167. For the comment on humility, see Russell, Our Knowledge of the External World New York: Mentor, 1960: 186. Russell also notes the theory-laden character of observation. See his comment in Philosophy op. cit.: 170. [25] Russell, On Education London: Unwin, 1960: 43, 134. And Russell, "Free thought and official propaganda", in Sceptical Essays op. cit.: 116. [26] Russell, "The place of science in a liberal education", in Mysticism and Logic op. cit.: 46. And "What I believe", in Why I Am Not A Christian op. cit.: 54. [27] Russell, "Free thought and official propaganda", in Sceptical Essays op. cit.: 116. [28] Russell, "Philosophy for laymen", in Unpopular Essays op. cit.: 42. [29] Russell, "My own philosophy", in Collected Papers Vol. 11, op. cit.: 69. [30] Russell, "Philosophy", in Collected Papers Vol. 11, op. cit.: 233. (An incomplete paper circa 1945, perhaps building on the similarly titled paper cited in fn. 8 above.) [31] Russell, "The duty of a philosopher in this age", in Collected Papers Vol. 11, op. cit.: 462. [32] Russell, "The spirit of inquiry', in Collected Papers Vol. 11, op. cit.: 435. (Previously unpublished answers to a questionnaire, written in 1953.) [33] Russell, History of Western Philosophy op. cit.: 58. This point is acknowledged by Blythe McVicker Clinchy, "On critical thinking and connected knowing", in Kerry S. Walters (ed.), Re-Thinking Reason New York: SUNY, 1994: 33-42. [34] Russell, Philosophy op. cit.: 254. And "Philosophy in the twentieth century', in Sceptical Essays op. cit.: 49. [35] Russell, "The spirit of inquiry", in Collected Papers Vol. 11, op. cit: 433. [36] Russell, "Rewards of philosophy", in Collected Papers Vol.11, op. cit.: 276. [37] Russell, "Le philosophe en temps de crise", in Collected Papers Vol. 11, op. cit.: 415. [38] Russell, "A plea for clear thinking", in Portraits From Memory op. cit.: 175. [39] Russell, review of Rupert Crawshay-Williams, The Comforts of Unreason, in Collected Papers Vol. 11, op. cit.: 323-7. [40] See my "Content and criticism: the aims of schooling", Journal of Philosophy of Education 29, 1, 1995: 47-60 |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC