Logic học | Tư duy phản biện

Đặc điểm chung của quá trình nhận thức

 

ĐẶC ĐIỀM CHUNG CỦA QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC

 

Đ. P. GORKI

 


Đ. P. Gorki. Lôgíc học. Chương 1: "Đối tượng và ý nghĩa của lôgic học". Hà Sĩ Hồ dịch. Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1974.


 

Nhận thức là quá trình con người phản ánh thế giới vật chất. Trong hoạt động thực tiễn sản xuất, con người tác động đến thế giới bên ngoài, nhận thức các mặt khác nhau của nó. Việc phản ánh các sự vật và hiện tượng, các thuộc tính và các mối liên hệ của chúng diễn ra dưới dạng những cảm giác, tri giác, biểu tượng, khái niệm, phán đoán, v.v...

Quá trình nhận thức được bắt đầu từ những cảm giác. Các sự vật và hiện tượng của hiện thực xung quanh trong khi tác động đến các giác quan của chúng ta đã gây ra những cảm giác khác nhau (những cảm giác nhìn, nghe, sờ mó v.v...). Cảm giác là sự phản ánh các thuộc tính riêng lẻ của các sự vật và hiện tượng của thế giới vật chất (màu sắc, âm thanh, mùi vị v.v...) đang tác động trực tiếp đến các giác quan của chúng ta.

Trong tri giác có phản ánh các sự vật và hiện tượng cùng toàn bộ các thuộc tính của chúng trong lúc chúng tác động đến các giác quan chúng ta. Chẳng hạn, trong khi xem một bông hoa nhỏ, chúng ta không những chỉ tìm hiểu những thuộc tính riêng biệt của nó (màu sắc, mùi thơm v.v...) mà còn tri giác nó như là một sự vật nhất định khác với môi trường xung quanh nó.

Khi chúng ta nhớ lại những sự vật và hiện tượng nào đó, trong trí nhớ của chúng ta sẽ xuất hiện những hình ảnh của các sự vật đã tri giác trước đây. Những hình ảnh này được gọi là những biểu tượng.

Những cảm giác, tri giác, biểu tượng tạo thành giai đoạn nhận thức cảm tính. Trong giai đoạn nhận thức này, chúng ta phản ánh các sự vật qua những thuộc tính được tri giác một cách cảm tính của chúng. Những thuộc tính này có thể là những thuộc tính chung, cá biệt, bản chất và không bản chất, tất yếu và ngẫu nhiên. Ở giai đoạn nhận thức hiện thực bằng cảm tính, chúng ta không thể tách những thuộc tính chung của các sự vật ra khỏi các thuộc tính riêng, những thuộc tính bản chất khỏi các thuộc tính không bản chất, những thuộc tính tất yếu khỏi những thuộc tính ngẫu nhiên. Vì vậy, ở giai đoạn nhận thức cảm tính này chúng ta không thể khám phá ra những mối liên hệ có tính chất qui luật, tất yếu giữa các sự vật và hiện tượng.

Trong quá trình nhận thức chúng ta chuyển từ những hình thức phản ánh hiện thực một cách trực tiếp và thông qua các hình ảnh sang sự phản ánh hiện thực bằng tư duy. Tư duy là quá trình phản ánh hiện thực một cách gián tiếp và khái quát. Sự phản ánh thế giới xung quanh bằng tư duy là giai đoạn nhận thức lý tính. Đặc điểm của giai đoạn nhận thức này là sự hình thành các khái niệm và các phán đoán về các sự vật và hiện tượng của thế giới bên ngoài, là sự vận dụng các suy luận trong quá trình nhận thức.

Khi hình thành các khái niệm về các sự vật và hiện tượng của hiện thực, chúng ta phản ảnh những đặc điểm chung và bản chất của chúng, những mối liên hệ có tính chất qui luật, tất yếu giữa chúng. Điều đó tạo khả năng nhận thức hiện thực xung quanh một cách sâu sắc hơn.

Nhờ các khái niệm, chúng ta nhận thức được, chẳng hạn, những sự vật và hiện tượng mà trước đây chúng ta chưa tri giác. Chẳng hạn, chỉ có một số ít người được tận mắt nhìn thấy hiện tượng động đất, nhưng nhiều người đã có khái niệm về hiện tượng hiện thực này. Hơn nữa, chưa có người nào nhìn thấy các nguyên tử chứ không nói gì đến các hạt tạo thành các nguyên tử — các êlectrôn, prôtôn, nơtrôn v.v... nhưng chúng ta vẫn có khái niệm về chúng.

Trong quá trình tư duy, chúng ta thường nhận thức cả những mối liên hệ có tính chất qui luật chung giữa các sự vật và hiện tượng. Điều này tạo khả năng khám phá ra những qui luật của thế giới xung quanh, cũng như lĩnh hội được những qui luật do khoa học đã tìm ra.

Chẳng hạn, mỗi khi quan sát hiện tượng dãn nở của một mẫu kim loại nào đó khi nó bị nung nóng, chúng ta phát biểu một luận điểm chung có tính chất định luật: Tất cả các kim loại khi bị nung nóng đều dãn nở Những kết quả của việc nhận thức các mối liên hệ lẫn nhau của thế giới xung quanh ta, thể hiện dưới hình thức phán đoán, phán đoán này được thể hiện trong một câu ngữ pháp.

Trong quá trình tư duy chúng ta có khả năng hiểu được những cái mà ta không thể quan sát trực tiếp được. Chẳng hạn, chúng ta thường dựa vào một số sự kiện này phán đoán về những sự kiện khác, từ một tri thức đáng tin cậy này chúng ta rút ra một tri thức đảng tin cậy khác.

Chẳng hạn, về mùa đông, nhiệt kế ngoài đường phố chỉ +4°, ta quả quyết rằng sân trượt băng đóng cửa mà không cần phải đến tận nơi để xem xét trực tiếp. Trong trường hợp này một tri thức chân thực này là cơ sở để suy ra một tri thức chân thực khác về các sự vật và hiện tượng của hiện thực.

Quá trình suy ra tri thức mới từ một loạt luận điểm đã biết từ trước gọi là suy luận.

Tất cả những điều này chứng tỏ rằng, trong quá trình tư duy chúng ta không những chỉ sử dụng các khái niệm mà còn sử dụng cả các phán đoán cũng như các suy luận nữa.

Mục đích nhận thức của chúng ta là thu được những hiểu biết chân thực về thế giới xung quanh. Một tư tưởng nào đó là chân thực, nếu nó phản ánh hiện thực xung quanh ta một cách đúng đắn chứ không phản ảnh một cách xuyên tạc hiện thực. Một tư tưởng là giả dối nếu nó xuyên tạc, bóp méo hiện thực. Muốn biết một tư tưởng nào đó là chân thực hay giả dối ta phải kiểm tra nó trong thực tiễn.

Nếu những tư tưởng nào đó là chân thực, là sự phản ánh hiện thực một cách đúng đắn thì chúng có thể dùng làm kim chỉ nam cho hành động và hoạt động của chúng ta dựa trên những tư tưởng đó sẽ dẫn tới mục đích đã đề ra. Nếu những tư tưởng này hay khác (chẳng hạn như những thuyết, những định luật v.v...) không phải là chân thực mà là giả dối thì chúng không thể là kim chỉ nam cho hành động, không dẫn chúng ta tới mục đích đã đề ra.

Chẳng hạn, những lý luận của giai cấp tư sản về sự phát triển xã hội, chứng minh tinh chất bất biển và vĩnh cửu của chủ nghĩa tư bản là những lý luận giả dối. Chúng đã bị thực tiễn của bản thân cuộc sống xã hội, những sự kiện thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước Nga và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên xô, những sự kiện hình thành các nước trong phe xã hội chủ nghĩa và sự phát triển của các nước đó theo con đường xã hội chủ nghĩa, những sự kiện hình thành phe xã hội chủ nghĩa thống nhất và hùng mạnh, sự phát triển và khơi sâu thêm những mâu thuẫn trong phe tư bản chủ nghĩa v.v... bác bỏ.

Tư duy liên hệ mật thiết với ngôn ngữ và diễn ra dưới hình thức khái niệm, phán đoán, suy luận. Nhờ có các hình thức tư duy này con người ta nhận thức được hiện thực xung quanh.

Người ta sẽ không thể nhận thức được hiện thực xung quanh nếu không trao đổi tư tưởng với nhau thông qua ngôn ngữ. Vì thế, ngôn ngữ trong khi là phương tiện giao tiếp giữa người và người đồng thời còn là phương tiện nhận thức thế giới xung quanh.

Trong cuộc sống và công tác học tập của mình, chúng ta tiếp thu được một khối lượng tri thức rất lớn do loài người xây dựng nên, chúng ta sử dụng kinh nghiệm của những người xung quanh. Tất cả những tri thức này ta tiếp thu được thông qua báo chí, thông qua sự giao tiếp bằng ngôn ngữ với những người xung quanh.

Cả những tư tưởng của chúng ta cũng được hình thành trên cơ sở ngôn ngữ. Nếu một tư tưởng nào đó về các sự vật được tri giác một cách cảm tính, trực tiếp có thể tồn tại trên cơ sở những biểu tượng tương ứng về các sự vật này thì những tư tưởng về những thuộc tính và những quan hệ của các sự vật không tri giác một cách cảm tính được bao giờ cũng tồn tại trên các từ tương ứng. Chẳng hạn, những ý nghĩ về vận tốc, hàm số, về số « 210 020 » v.v... chỉ tồn tại trên cơ sở những thuật ngữ nhất định.

Nhờ có ngôn ngữ không những ta hình thành được các tư tưởng, tiếp thu được những tri thức mới và lĩnh hội được những tư tưởng của người khác mà còn diễn đạt cả những tư tưởng riêng của mình.

Tính chính xác, tính rõ ràng của tư tưởng, sự thông hiểu thấu đáo tư tưởng của người khác phụ thuộc vào cách biểu đạt nó bằng các phương tiện ngôn ngữ. Chúng ta xây dựng lời nói càng đúng đắn chừng nào thì tư tưởng của chúng ta, lôgic của những suy luận của chúng ta càng rõ ràng và dễ tiếp thu đối với người đang nghe chúng ta nói, đối với bản thân chúng ta nữa.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt