Logic học | Tư duy phản biện

Đại cương về Luận lý học

 

ĐẠI-CƯƠNG VỀ LUẬN-LÝ-HỌC

 


Trần Văn Hiến Minh và Trần Đức Huynh. Luận lý học. Đệ nhất A, B, C, D. Tủ sách Ra Khơi, Sài Gòn, 1965, tr. 9-15.


 

Định-nghĩa Luận-lý-học

o Vài dòng sử

o Định-nghĩa

Phân loại Luận-lý-học 

o Luận lý hình thức

o Luận-lý nội-dung (Triết-lý khoa học)

 

Luận-lý-học không phải là sự bày đặt của con người, nó khởi nguồn ngay từ những nhu yếu sâu-xa của tinh thần con người là tri và hành ; tri để hành, hành để tri cho rõ hơn. Nó đáp lại ba nhu cầu :

Nhận thức đề tìm chân lý.

Hoạt động đẻ tìm sức mạnh và thành công.

Sống đề tìm cách liên kết tri với hành.

Nhưng muốn tri cho đúng, muốn hành cho có kết-quả, ta phải tuân giữ một số qui luật, thi hành một số điều kiện, áp dụng một số phương pháp. Đây là phần tích-cực của Luận-lý-học.

Luận-lý còn phát sinh từ nỗi lo âu, từ sai lầm hay thất-bại. Muốn tránh sai lầm, muốn tránh thất bại ta cố nhận thức chu đáo hơn, cố đề phòng hơn trong hành động. Đây là khía cạnh tiêu-cực của Luận-lý-học.

I.- ĐỊNH-NGHĨA LUẬN LÝ HỌC

A. VÀI DÒNG SỬ

Rất khó đưa ra một câu định-nghĩa dứt khhát về Luận-lý-học. Vì Luận-lý-học đã thay đổi về nội-dung tùy theo thời-gian.

Aristote coi nó là môn học khảo về những điều kiện lý tưởng của chân lý, đề chứng minh và kim chứng.

Aristote (384 - 322 Trước TL) được coi như người đầu tiên sáng lập ra môn Luận-lý học. Thời trung-cổ, Triết- học kinh viện tiếp tay khai thác học thuyết Aristote, khai thác triệt để phần Luận-lý hình thức.

Từ thế kỷ 17, nổi lên một phong trào phản lại Luận-lý học quá hình thức của Aristote. Đứng đầu phong-trào này là Descartes và Bacon, nhưng mỗi ông lại trẽ ra một hướng khác. Descartes muốn thay thế phương-pháp trình bày của tam-đoạn-luận bằng một phương pháp sưu tầm và khám phá chân-lý dựa trên diễn dịch toán học. Bacon thì tuy cũng đồng ý ở chỗ coi tam-đoạn-luận quá cằn cỗi và hình-thức nhưng lại muốn thay thế nó bằng quy nạp pháp. Ông khởi thảo ra môn Luận-lý khoa học (Logique des sciences) mà ngày nay chương trình Triết ở ban Trung học khai triển rộng ra.

Tới thế kỷ 19 phát minh thêm nhiều quan niệm về Luận-lý-học. Phong trào duy nghiệm của A. Comte định tiêu diệt Luận-lý-học, không gọi nó là khoa học nữa. Họ chỉ coi các môn thực nghiệm là khoa-học, và chối tính-cách khoa-học đối với các khoa quy phạm như Luận-lý-học, Đạo-đức-học, và Thẩm-mỹ-học. Một số triết-gia khác có khuynh hướng duy-nghiệm như Stuart Mill lại giản lược Luận-lý-học vào Phương pháp học. Trong khi Brentano (Đức) và Goblot (Pháp) lại cho Luận-lý-học chỉ là một chương của Tâm-lý học và nhóm xã-hội Durkheim coi Luận-lý-học là một chương của Xã-hội-học. Luận-lý hình thức lại được một nhóm Triết-gia và Bác-học cho tái sinh với tên mới : Toán Luận-lý (Logistique).

Trước những quan-niệm khác nhau về Luận-lý-học như trên, ta phải kết luận như thế nào ? Nội dung Luận-lý-học ghi trong chương trình Trung-học thiên hẳn sang Luận lý học Descartes và Bacon, không đề cập đến Luận-lý-học hình thức của Aristote và thời trung-cổ. Vì thế, ta cần đưa ra một câu định nghĩa tổng quát về Luận-lý-học, rồi sẽ nói vài dòng về luận lý hình thức và sẽ nhấn mạnh vào Luận-lý nội dung mà ngày nay có một tên mới: Luận lý về khoa-học hoặc Triết-lý khoa-học (Philosophie des sciences). 

B- ĐỊNH-NGHĨA LUẬN-LÝ-HỌC

Danh-từ Luận-lý-học dịch danh-từ Pháp-văn Logique. Logique có thể hiểu 2 nghĩa: tĩnh từ và danh từ.

Theo tĩnh-từ, thì luận-lý là hợp-lý, mạch-lạc. Khi ta nói: bài của anh A luận-lý khá là ta có ý bảo bài của anh A lý-luận hợp lý. 

Theo danh-từ, thì luận-lý là tiếng nói, thảo luận. Cho nên theo nguyên ngữ thì Luận lý học là khoa học bàn về cách lập luận có mạch-lạc và hợp-lý nghĩa là là theo đúng những đòi hỏi của lý-trínhư thứ tự, rõ, phương-pháp.

Theo nghĩa tổng-quát, thì Luận-lý-học là khoa học khảo về các quy-luật của chân lý.[1]

Hay nói rõ hơn, Luận-lý-học là khoa học khảo về các tác động của lý-tri tìm chân-lý, và ẩn-định xem tác động nào có giá-trị, tác động nào không có giá-trị. Trong câu định nghĩa này, ta nên lưu ý tới hai điểm :

a) Các tác-động của lý-trí tức là tư-tưởng, phán-đoán, suy-luận.

b) Mấy tiếng “ấn-định xem tác động nào có giá-trị" có ý-chỉ Luận-lý-học là môn học qui-phạm, khác với Tâm-lý-học là môn học thực-nghiệm. Tâm-lý-học là khoa học thực nghiệm, vì chỉ cắt nghĩa và diễn tả những sự kiện của đời sống tâm-linh ; ví dụ khi muốn vật nọ vật kia, thì tinh thần hành động thế nào. Trái lại luận-lý-học là khoa-học quy-phạm, nhà luận-lý cũng khảo về các tác động của tinh thần, nhưng theo một cách-thức khác. Luận-lý- gia phân-tích một tư tưởng để đánh giá-trị nó bằng cách so-sánh nó với một chân-lý, vì thế họ quan tâm đến các lý lẽ của một phán đoán, một nhận xét. Tâm-lý thì không trực-tiếp lưu ý đến sự đúng hay sai của một phán đoán. Họ không cần tìm hiểu xem phán đoán ấy đúng hay sai mà chỉ lưu ý xem người nọ người kia trong hoàn cảnh nào đấy lại đưa ra phán đoán ấy. Ví-dụ, ông A vừa đưa ra một ý-kiến : nhà Luận-lý-học thích phê bình xem ý kiến đúng hay sai. Nhà tâm-lý-học muốn tìm xem trong khi đưa ra ý kiến ấy, ông A là người nóng tính hay gan lì, độc đoán hay dễ dãi, ông bị ám ảnh hay bị ảnh hưởng gì của những người chung quanh ông. Nghĩa là nhà tâm-lý ít chú ý đến ý kiến của ông A đúng hay sai mà thích lưu ý xem những hoàn cảnh nào và khuynh-hướng nào đã đưa ông tới chỗ nêu ra ý kiến ấy.

II. PHÂN LOẠI LUẬN LÝ HỌC

A.- LUẬN LÝ HÌNH THỨC.

Luận-lý hình thức là môn học về những quy luật hình thức của chân-lý, những quy luật mà lý trí phải theo đ tự hòa-hợp với chính mình.

Ở trên ta đã định-nghĩa Luận lý học một cách tổng-quát là môn học về các quy-luật của chân-lý. Nhưng các quy luật của chân-lý có 2 thứ : quy-luật hình-thức và quy luật nội-dung. Muốn thấy rõ sự phân-biệt trên, chúng ta thử theo dõi hai lý-luận sau :

1.- Một số kim loại ở thể lỏng. Vậy thủy-ngân là một kim loại. Cho nên thủy-ngân ở thể lỏng.

2.– Tất cả các kim loại đều ở thể đặc. Vậy thủy ngân là một kim-loại. Cho nên thủy ngân là kim loại ở thể đặc.

Cả hai lý-luận trên đều sai, nhưng mỗi thứ sai một cách khác nhau. Trong lý-luận thứ nhất, mỗi một mệnh-đề xét riêng thì đúng, nhưng xét chung cả lý-luận thì lại sai. Về ví-dụ thứ nhất, vì có nhiều vật khác chứ không phải chỉ có kim-loại ở thể lỏng cho nên tuy rằng thủy-ngân ở thể lỏng, nhưng ta không thể quyết như thế chỉ vì nó là kim loại. Vì thế người ta bảo lý-luận thứ nhất sai về hình thức. Lý-luận thứ hai, thì rất đúng về hình thức, nghĩa là ta thấy kết-luận hòa hợp với tiền đề, nhưng lại sai về nội dung. Đại tiền đề: Tất cả các kim loại đều ở thể đặc đã sai ngay từ nội dung, cho nên đưa đến câu kết-luận cũng sai nốt. Trong trường hợp này, ta thấy nếu xét về hình-thức, thì lý-luận này đúng, nhưng lại sai về nội dung.

Vì thế, như trên đã nói, có 2 thứ quy-luật của chân-lý; quy luật hình thức và quy-luật nội-dung. Quy-luật hình thức thì liên quan chặt chẽ với quy-luật căn bản về mạch lạc hợp lý, nghĩa là sự hòa hợp giữa tư tưởng với chính lý trí là tác giả của tư tưởng. Trở lại ví-dụ thứ nhất, ta bảo nó sai về hình thức, vì câu kết luận đã đi quá phạm vi, và quả quyết nhiều hơn tiền đề tuy nó quyết thủy ngân là một kim loại, nhưng ta không thấy có sự ràng buộc cần-thiết giữa th lỏng với bản chất kim-loại của nó. Đàng khác, nói tới một tư-tưởng đúng, không những ta đòi nó phải đúng về hình thức mà còn phải đúng về nội-dung nữa. Đúng về nội dung nghĩa là không những tư tưởng ấy phải hòa hợp với những đòi hỏi của lý trí (hình thức) mà còn phải hòa hợp với sự vật bên ngoài nữa. 

B.– TRIẾT-LÝ KHOA-HỌC (Luận-lý nội-dung).

Chân lý đòi hai điều kiện : điều kiện thứ nhất là tư tưởng phải tự hòa hợp với mình tức hòa hợp với lý-trí tác giả của tư tưởng, (điều kiện chủ quan). Điều kiện thứ hai là tư tưởng phải hòa hợp với thực tại, với đối tượng nhận thức, (điều kiện khách quan). Khảo sát các đối-tượng trên đây là mục-tiêu của Luận-lý-học nội dung hay Triết-lý khoa-học (philosophie des sciences). Luận-lý-học ghi trong chương trình Trung học phải hiểu theo nghĩa này.

Vậy Triết-lý khoa học là gì ? Triết-lý là tìm hiểu về bản-chất và giá trị của vật[2]Triết-lý khoa học là xác-định xem nhận thức là gì làm thế nào có nhận thức, và giá trị của nhận thức ra sao ?

Triết-lý khoa-học chia ra hai phần :

Phương-pháp-luận (Méthodologie)

Khoa-học-luận (Epistémologie).

I.- Phương-pháp luận.

a) Phương pháp luận là phần của luận lý học khảo xét một cách hậu nghiệm về các phương-pháp nói chung và từng phương-pháp khoa học nói riêng.

Ta cần lưu ý đến 2 điểm trong câu định nghĩa trên.

Khảo xét một cách hậu-nghiệm. Luận-lý-học không tạo ra phương pháp như văn-phòng kỹ thuật đặt ra phương pháp sản-xuất trước để thợ-thuyền cứ thế mà làm. Ở đây, Luận-lý-học chỉ quan sát cách thức làm việc của các nhà bác-học, rồi xác-định các phương-pháp đa số các bác-học, thường áp dụng khi nghiên-cứu khoa học.

Phương-pháp : theo nguyên ngữ thì phương-pháp dịch danh từ Méthode của Pháp-văn (Hy-lạp : odos : con đường) chỉ con đường đưa đến một mục-tiêu rõ rệt. Theo nghĩa trừu tượng, phương-pháp là tính cách của hành vi làm theo một kế hoạch được suy-nghĩ và ấn định trước. Theo nghĩa cụ thể, như khi ta nói phương-pháp dạy Anh-ngữ, phương pháp đánh máy chữ.., là một hệ thống những cách thức thâu-thập vào trong một cuốn sách nhỏ, để giúp ta tiết kiệm thời giờ mà vẫn đi tới một kết quả mong muốn.

b) Phương-pháp và khoa học. Xét về phương-diện nguồn gốc, thì khoa học có trước phương-pháp. Đúng thế mãi tới thời cận kim người ta mới lưu ý tới phương-pháp toán-học, mặc dầu toán-học đã có từ thời thượng-cổ. Còn đối với khoa học thực nghiệm, thì phải chờ đến thế-kỷ 17, Bacon mới khởi thảo ra phương-pháp thực-nghiệm rồi Newton và Galillée tiếp tay và tới thế kỷ 19, với Claude Bernard, phương-pháp thực nghiệm mới chính thức thành hình.

Phương-pháp được thi-hành trước khi ghi thành sách. – Các nhà bác-học không cần biết phương-pháp nhưng lại sống gián tiếp theo phương-pháp, rồi về sau người khác nhận xét và ghi nhận ra phương pháp. Ví-dụ, Claude Bernard khám-phá được nhiều phát minh về sinh-lý trước khi phân tích về phương-pháp thực-nghiệm.

2.- Khoa-học-luận 

Khoa-học-luận là phần thứ hai của Triết- lý khoa-học, Khoa-học-luận dịch danh-từ Pháp-văn Epistémologie, do Hy-ngữ épistémè : Khoa-học, logos : thảo luận. Lalande định-nghĩa khoa học-luận là : « Khảo-luận về nguyên-lý, giả-thuyết và kết quả của các loại khoa học để xác định rõ nguồn gốc luận-lý, giá-trị và phạm-vi khách quan của khoa-học »[3].

Một số vấn-đề được khoa-học-luận đề-cập tới như sau : về toán học: những cuộc tranh luận giữa nhóm chủ công-lý và nhóm chủ trực giác, nền tảng toán học ; về khoa-học thực nghiệm; thuyết tất định và ngẫu nhiên, định luật thống kê, nền tảng quy nạp-pháp và nói chung về khoa học, thì có vấn đề giá-trị khoa học.

 

 

1.- ĐỀ LUẬN.

1. So-sảnh Luận-lý-học và Đạo-đức-học (Tú tài V.N. Ban A, B, 1960) 

2. Luận-lý-học là gì? Anh nghĩ thế nào về tương quan của nó với khoa-học ? (Nancy, 1913).

3. Luận lý học và Tâm-lý-học khác nhau thế nào ?

 

II.- CÂU HỎI GIÁO-KHOA.

1. Luận lý học là gì?

2. Luận lý học hình thức là gì ?

3. Triết lý khoa học là gì? Nó gồm mấy phần?

4. Luận lý và khoa học khác nhau thế nào ?

5. Có thể chối tính-cách quy-phạm của Luận lý học không ?

 



[1] La Logique est l'étude des normes de la vérité (Cuvillier). La Logique science des normes de la pensée vraie (G. Pascal).

[2] La Philosophie consiste à s'interroger sur la nature et la valeur des choses (Foulquié).

[3] Epistemologie: l'étude critique des princiques, des hypothèses et des resultats des diverses sciences, destinée à détermier leur origine logique, leur valeur, leur portée objective. (Lalande).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt