Logic học | Tư duy phản biện

Hai phong cách tư duy: Miếng bọt biển và Đãi cát tìm vàng

HAI PHONG CÁCH TƯ DUY:

MIẾNG BỌT BIỂN VÀ ĐÃI CÁT TÌM VÀNG

M. Neil Browne & Stuart M. Keeley

 

Tư duy phản biện liên quan đến những điều sau: (1) Ý thức về một tập hợp các câu hỏi phản biện có liên quan; (2) Khả năng hỏi và trả lời những câu hỏi phản biện vào thời điểm thích hợp; và (3) Mong muốn sử dụng các câu hỏi phản biện một cách chủ động.

Các câu hỏi luôn yêu cầu người được hỏi phải có hành động phản hồi. Bằng những câu hỏi của mình, chúng ta mong muốn nói với người được hỏi rằng: tôi đang rất tò mò, tôi mong muốn được biết nhiều hơn nữa; hãy giúp tôi. Yêu cầu này thể hiện sự tôn trọng đối với người được hỏi. Những câu hỏi hiện diện nhằm mục đích thông báo và cung cấp định hướng cho tất cả những ai nghe thấy chúng. Ở khía cạnh này, tư duy phản biện khởi đầu với mong muốn cải thiện suy nghĩ của chúng ta. Mục đích việc đặt câu hỏi là giúp bạn đạt được một sự hiểu biết sâu sắc hơn hoặc một sự đánh giá đúng đắn về những gì đang được nói đến.

Các câu hỏi phản biện sẽ được chia sẻ với bạn theo cách thức mỗi lần một câu hỏi. Chúng được sắp xếp như một tập hợp và sẽ giúp ích cho bạn mỗi khi bạn cần lựa chọn đưa ra phản ứng với những gì nghe được hay đọc được. Các câu hỏi này cũng hữu ích trong việc giúp bạn nâng cao khả năng viết và nói, vì chúng sẽ hỗ trợ bạn trong các trường hợp:

  1. Phản ứng một cách có phản biện trước một bài luận, hay một dẫn chứng được đưa ra trong một cuốn sách giáo khoa, một tạp chí định kỳ hay trên một trang web;
  2. Đánh giá chất lượng của một bài giảng hoặc một bài diễn văn;
  3. Đưa ra một luận cứ;
  4. Viết một bài luận dựa trên một bản báo cáo; hoặc
  5. Tham gia một lớp học.

Với tư cách là một công dân và là một người tiêu dùng, bạn sẽ thấy tư duy phản biện đặc biệt hữu ích trong việc định hình hành vi bỏ phiếu và các quyết định mua sắm của mình, đồng thời giúp bạn nâng cao sự tự tin của bản thân bằng cách làm tăng cảm giác độc lập về mặt trí tuệ.

 

Có một phương thức tư duy có đặc điểm tương tự như cách mà miếng bọt biển phản ứng với nước bằng sự hấp thu. Phương thức phổ biến này có một số lợi thế rất rõ ràng:

Đầu tiên, bạn càng hấp thu được nhiều thông tin về thế giới thì bạn càng có nhiều khả năng hiểu được cấu trúc phức tạp của nó. Những tri thức bạn đã tiếp thu sẽ giúp bạn xây dựng nền tảng cho những tư duy phức tạp hơn sau này.

Ưu điểm thứ hai của phương thức tư duy miếng bọt biển nằm ở chỗ nó là một phương thức khá bị động. Thay vì đòi hỏi nhiều nỗ lực tinh thần vất vả, phương thức này có xu hướng thực hiện dễ dàng và nhanh chóng hơn các phương thức chủ động khác, đặc biệt là khi các chất liệu tư duy đã được trình bày sẵn một cách rõ ràng và đầy thú vị. Nỗ lực tinh thần chủ yếu của phương thức này là đòi hỏi sức mạnh của sự tập trung và trí nhớ.

Mặc dù việc hấp thu thông tin giúp ta tạo nên một khởi đầu hiệu quả hướng đến mục tiêu trở thành một cá nhân có tư duy sâu sắc và thận trọng, nhưng phương thức tư duy miếng bọt biển vẫn có nhược điểm lớn: nó không cung cấp cho ta phương pháp hữu hiệu để lựa chọn trong các thông tin và ý kiến thì cái nào là đáng tin cậy và cái nào thì nên loại bỏ. Nếu người đọc luôn dựa vào phương thức tư duy miếng bọt biển thì cuối cùng sẽ rơi vào tình trạng tin tưởng bất cứ thứ gì mình đã đọc. Việc trở thành con rối về mặt tinh thần của một ai đó luôn là một hình ảnh khủng khiếp đối với bất kì cá nhân hay cộng đồng nào. Các quyết định lúc này được hình thành do một sự kết hợp mang tính ngẫu nhiên hơn là do một phán đoán được cân nhắc thận trọng.

Chúng tôi nghĩ rằng, tốt hơn hết là bạn nên tự chọn lựa cho mình những điều bạn sẽ hấp thu hoặc loại bỏ. Để có thể đưa ra sự chọn lựa đó, bạn phải đọc với một thái độ đặc biệt­ – thái độ nghi vấn, tra hỏi. Một thái độ tư duy như vậy đòi hỏi sự tham gia hoạt động tích cực của chính bạn. Người viết đang cố gắng nói chuyện với bạn, và bạn cũng nên cố gắng nói chuyện với anh ấy, ngay cả khi anh ấy không hiện diện.

Chúng tôi gọi phương thức tương tác này là phong cách tư duy “đãi cát tìm vàng”. Quá trình đãi cát tìm vàng cung cấp mô hình cho người đọc và người nghe tích cực trong quá trình họ nỗ lực xác định giá trị của các thông tin mà mình đọc hay nghe được. Đây là một nhiệm vụ đầy thách thức, đôi khi cũng khá tẻ nhạt, nhưng phần thưởng đổi lại là rất đáng giá. Để có thể tìm được vàng trong cát sỏi từ một cuộc hội thoại, yêu cầu đặt ra là bạn phải thường xuyên đặt câu hỏi và suy ngẫm, cân nhắc về những câu trả lời.

Phương thức miếng bọt biển nhấn mạnh việc thu nhận tri thức; phương thức đãi cát tìm vàng nhấn mạnh sự tương tác chủ động với tri thức trong quá trình học hỏi. Như vậy, hai phương thức này bổ sung lẫn nhau. Để đãi cát tìm được vàng tri thức, hiển nhiên trong dụng cụ đãi cát của bạn phải có thứ gì đó để có thể đánh giá. Hơn nữa, để đánh giá một luận điểm, chúng ta cần phải sở hữu kiến thức và ý kiến đáng tin cậy.

Chúng ta hãy cùng xem xét chi tiết hơn cách mà hai phương thức này dẫn đến những hành vi khác nhau. Người sử dụng phương thức miếng bọt biển sẽ làm gì khi đọc tài liệu? Anh ta sẽ đọc thật kỹ câu chữ, cố gắng nhớ được càng nhiều thông tin càng tốt. Anh ta có thể gạch dưới hoặc làm nổi bật các câu hay từ ngữ then chốt, ghi chép tóm tắt các điểm và chủ đề chính, kiểm tra thật kỹ các gạch dưới hoặc ghi chú để đảm bảo mình không bỏ sót nội dung quan trọng nào. Nhiệm vụ được người sử dụng phương thức này đặt lên hàng đầu là tìm hiểu những gì mà tác giả diễn đạt. Anh ta ghi nhớ các lập luận, nhưng không đánh giá chúng.

Còn người đọc lựa chọn phương thức đãi cát tìm vàng sẽ làm gì? Tương tự như người dùng phương thức miếng bọt biển, anh ta tiếp cận những gì mình đọc với hy vọng được tiếp thu tri thức mới. Nhưng chỉ có duy nhất một điểm tương đồng như vậy. Phương thức đãi cát tìm vàng yêu cầu người đọc phải tự hỏi chính mình một số câu hỏi được thiết kế nhằm mục đích phát hiện ra các quyết định hoặc niềm tin tốt nhất.

Bảng 1.1:  Các mục cần kiểm tra nhẩm: Tôi có đang đãi cát tìm vàng không?

  • Tôi có hỏi “Tại sao” khi người ta muốn tôi tin tưởng một điều gì đó không?
  • Tôi có ghi chú khi tôi nghĩ về vấn đề tiềm năng liên quan đến những gì đã được nói không?
  • Tôi có đánh giá những gì đã được nói không?
  • Tôi có hình thành được kết luận riêng của mình về chủ đề không?

Người đọc sử dụng phương thức đãi cát tìm vàng thường xuyên đặt câu hỏi về lý do vì sao tác giả đưa ra nhiều khẳng định khác nhau. Anh ta sẽ viết ra các lưu ý trong các lề sách để chỉ ra các vấn đề cùng với lập luận hoặc suy đoán của mình. Anh ta liên tục tương tác với tài liệu. Mục đích của anh ta là đánh giá tài liệu một cách có phản biện và hình thành các kết luận cá nhân dựa trên các đánh giá.

 

Việc hình thành bộ luật kiểm soát súng phù hợp là một vấn đề cấp thiết kéo dài nhiều năm trong xã hội Mỹ. Hãy xem xét một luận điểm về vấn đề này. Hãy cố gắng quyết định xem luận điểm được đưa ra có thuyết phục không:

Các lập luận đưa ra về việc cấm sử dụng súng hầu hết đều hoang đường, và thứ chúng ta cần không phải là nhiều luật hơn nữa, mà là thực thi pháp luật nhiều hơn. Một trong những lập luận hoang đường đó là hầu hết tội phạm giết người đều là những công dân bình thường và tuân thủ pháp luật, nhưng lại có thể giết chết thân nhân hoặc người quen biết của mình trong một khoảnh khắc giận dữ chỉ vì một khẩu súng có sẵn. Trong thực tế, mọi nghiên cứu về tội phạm giết người đều chỉ ra rằng đại đa số những kẻ giết người đều là tội phạm với lịch sử bạo lực xuyên suốt cuộc đời. Tội phạm giết người điển hình có tiền sử phạm tội ít nhất sáu năm, với bốn vụ bắt giữ trọng tội.

Một chuyện hoang đường khác là lập luận cho rằng chủ sở hữu súng là những người lỗ mãng, ngu ngốc, thích bạo lực vô nghĩa. Tuy nhiên, các nghiên cứu lại cho thấy rằng, trung bình các chủ sở hữu súng được giáo giục tốt hơn và có nghề nghiệp uy tín hơn những người không sở hữu súng. Để cân nhắc về phán đoán này, có thể xem xét ví dụ sau đây về những người luôn mang theo súng trong mọi tình huống: Eleanor Roosevelt, Joan Rivers, Donald Trump, và David Rockefeller.

Một chuyện hoang đường tiếp theo nữa đó là khẳng định rằng mang theo súng không hữu ích cho việc tự vệ. Thực tế là ngược lại! Mọi nghiên cứu đều chỉ ra rằng, súng ngắn được sử dụng thường xuyên trong việc đẩy lùi tội phạm hơn là dùng để gây án. Mặc dù súng ngắn được sử dụng trong khoảng 581.000 trường hợp phạm tội hằng năm, nhưng chúng đồng thời cũng được sử dụng trong khoảng 645.000 trường hợp đẩy lùi tội phạm.

Ngay cả khi luật sử dụng súng có khả năng làm giảm số lượng tội phạm liên quan đến súng thì bộ luật hiện tại cũng đã đủ đáp ứng nếu như chúng được tăng cường thực thi. Liệu có gì tốt khi đưa ra một bộ luật mới mạnh mẽ hơn nhưng các tòa án lại cho thấy rằng họ sẽ không thúc đẩy việc thực thi bộ luật đó?

Nếu bạn áp dụng phương thức tư duy miếng bọt biển cho đoạn văn trên, bạn sẽ phải cố gắng ghi nhớ các lập luận về lý do chúng ta không nên đưa ra thêm các luật kiểm soát súng. Nếu như thế, bạn sẽ hấp thu thêm được một số tri thức. Tuy nhiên, bạn được thuyết phục ra sao với các lập luận trên? Bạn không thể đánh giá chúng cho đến khi bạn áp dụng phương thức tư duy đãi cát tìm vàng cho đoạn văn này. Tức là, bạn chỉ có thể đánh giá được khi bạn biết đặt ra những câu hỏi đúng.

Bằng cách đặt câu hỏi đúng, bạn có thể phát hiện ra một số điểm yếu trong lập luận của người nói. Ví dụ, bạn có thể cân nhắc đến tất cả những điều sau:

1. Tác giả có ý gì khi dùng cụm từ “đại đa số” và “những kẻ giết người điển hình”? Như vậy có nghĩa là thiểu số vẫn là một số lượng tương đối những kẻ giết người sẵn sàng giết thân nhân của mình trong lúc giận dữ phải không?

2. Cụm từ “Chủ sở hữu súng” nghĩa là gì? Họ có phải là những người mua một loại súng nào đó mà những người ủng hộ luật kiểm soát súng đang cố gắng cấm cản?

3. Các nghiên cứu được trích dẫn có đầy đủ và thỏa đáng không? Các mẫu nghiên cứu có đủ lớn, đủ tính ngẫu nhiên và đa dạng không?

4. Tác giả có cố tình gian dối số liệu thống kê bằng cách dùng những con số lớn để gây gấn tượng với chúng ta hơn là dùng những số liệu chính xác không, điển hình như con số 581.000 và 645.000? Những con số này dựa vào đâu mà có? Chúng ta có thể tin tưởng chúng không?

5. Những lợi ích nào của việc kiểm soát súng đã không được đề cập ở đây? Liệu có những nghiên cứu quan trọng khác không đồng tình với quan điểm của tác giả nhưng đã bị bỏ qua không?

6. Liệu có hợp thức không khi giả định rằng bởi vì một số người nổi tiếng sở hữu súng, nên việc sở hữu súng là việc đáng làm không? Những người nổi tiếng này có chuyên môn hay hiểu biết đặc biệt gì về những ưu điểm và khuyết điểm của quyền sở hữu súng không?

7. Có bao nhiêu người bị giết mỗi năm do những khẩu súng ngắn không có sẵn?

8. Tại sao người viết bài này không giải thích làm cách nào có thể tăng cường thực thi luật sử dụng súng hiện hành để chứng minh cho sự nhạy cảm của người viết đối với những nguy cơ mà đôi khi những khẩu súng gây nên?

Đặc điểm quan trọng nhất của phương thức tư duy đãi cát tìm vàng là sự tham gia tương tác – một cuộc đối thoại giữa người viết và người đọc, người nói và người nghe.

Rõ ràng là, phương thức miếng bọt biển phù hợp ở một số thời điểm nhất định. Hầu hết các bạn thường xuyên sử dụng phương thức này và đạt được thành công ở một số cấp độ nhất định. Nhưng bạn hầu như không có thói quen sử dụng phương thức đãi cát tìm vàng, một phần đơn giản vì bạn chưa được đào tạo và thực hành phù hợp.

 

VŨ HOÀNG PHƯƠNG LAN dịch

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Lê Công Thành - 15:13 05/10/2018
Cái tư duy này khó nuốt thiệt. Em cần đọc nhiều lần mới ngấm được.
Hải Phạm - 09:05 01/07/2019
Nghiệm thấy đây là hai lối tư duy cốt lõi của tư duy. Con người khi tư duy một vấn đề thì việc lựa chọn cách tư duy theo cách nào sẽ phụ thuộc vào đối tượng, vấn đề mà con người đang thảo luận. Trong trường hợp là một đối tượng mới, vấn đề mới với bản thân người tham gia thì khi đó nên sử dụng cách tư duy "bọt biển" để có thể hiểu biết về đối tượng chừng mực nào đó. Khi đã có khái niệm về đối tượng sẽ giúp ta nhận diện đối tượng, phân biệt cho được đó là "vàng nổi" hay "vàng chìm".
Bằng cách đó sẽ giúp ta tìm đúng mỏ vàng, và cũng giúp cho độ nhạy của dụng cụ đãi vàng được hoàn chỉnh hơn.
đen học triết - 22:53 15/01/2022
Ở thời đại thông tin ăn liền như bây giờ, mọi thông tin người ta chỉ đọc một lần, thậm chí là chỉ lướt qua để hiểu ý chính thì có thể họ còn lười tư duy chứ đừng nói đến loại tư duy kiểu bọt biển hay đãi vàng. Cũng rất mệt mỏi nếu cố gắng mổ xẻ mọi thông tin mình tiếp xúc nên kiểu miếng bọt biển phù hợp với việc học tập kiến thức mới, còn đãi cát tìm vàng thì nên ở một cấp độ cao hơn là nghiên cứu, ứng dụng và sáng tạo.
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt