Logic học | Tư duy phản biện

Khái niệm về hình thức lôgic và định nghĩa khoa học lôgic

 

KHÁI NIỆM VỀ HÌNH THỨC LÔGIC

VÀ ĐỊNH NGHĨA KHOA HỌC LÔGIC

 

Đ. P. GORKI

 


Đ. P. Gorki. Lôgíc học. Chương 1: "Đối tượng và ý nghĩa của lôgic học". Hà Sĩ Hồ dịch. Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1974.


 

Có thể nghiên cứu tư tưởng của con người đang hướng vào việc đạt tới chân lý theo các khía cạnh khác nhau: chẳng hạn, có thể nghiên cứu về mặt chúng ta nhận thức đối tượng của mình đầy đủ đến mức nào, nội dung căn bản của đối tượng nghiên cứu được phản ánh vào tư tưởng chúng ta đầy đủ đến mức nào. Lôgic học nghiên cứu tư tưởng của con người thể hiện dưới dạng những khái niệm, những phán đoán và suy luận về khía cạnh khác — tức là nghiên cứu theo quan điểm cấu trúc tư tưởng của chúng ta, nghiên cứu hình thức lôgic của nó.

Bây giờ chúng ta hãy làm sáng tỏ thể nào là hình thức lôgic của tư tưởng qua thí dụ phân tích các phán đoán và suy luận.

Hình thức lôgic của tư tưởng không phải cái gì khác hơn là cấu tạo của tư tưởng. Chúng ta hãy xét cấu tạo của tư tưởng qua thi dụ về các phán đoán sau đây. 

« Tất cả các nhà tư bản đều là những kẻ bóc lột » (1) 

« Tất cả các tam giác đều là các hình hình học » (2) 

« Tất cả các loại nấm đều là thực vật » (3)

Khi so sánh những phán đoán có nội dung khác nhau này chúng ta thấy có một cái gì chung trong cấu tạo của chúng. Trong mỗi phán đoán đều có chủ ngữ lôgic, chỉ rõ đối tượng của tư tưởng. Trong phán đoán (1) chủ ngữ lôgic là khái niệm « các nhà tư bản »), trong phán đoán (2) là khái niệm « các tam giác », trong phán đoán (3) là khái niệm « các loại nấm ». Ngoài ra, trong mỗi phán đoán đều có vị ngữ (vị ngữ lôgic) phản ánh dấu hiệu được khẳng định đối với đối tượng của tư tưởng trong phán đoán.

Trong phán đoán (1) vị ngữ lôgic là khái niệm: "những kẻ bóc lột", trong phán đoán (2) là khái niệm “các hình hình học", trong phán đoán (3) là khái niệm "thực vật".

Mối liên hệ giữa đối tượng của tư tưởng và thuộc tính được phản ánh trong vị ngữ của phán đoán được thể hiện qua từ "là". Tất cả những điều đó chứng tỏ rằng, ba phán đoán nói trên mặc dù có nội dung cụ thể khác nhau nhưng đều có một cấu tạo giống nhau, có một hình thức lôgic thống nhất. Có thể diễn tả cấu tạo giống nhau này của chúng như sau : « Tất cả S là P ».

Như vậy, khi phân tích một loạt phán đoán có nội dung cụ thể khác nhau chúng ta thấy rằng, các bộ phận của chúng là những khái niệm liên hệ với nhau bằng một cách giống nhau.

Chúng ta hãy xét những suy luận sau đây, trong đó từ hai phán đoán xuất phát chúng ta suy ra một phán đoán mới:

1.

 

 

Tất cả các hành tinh đều có dạng hình cầu.

Sao Thổ là một hành tinh. 

Do đó, sao Thổ có dạng hình cầu.

 

 

2.

 

 

Tất cả các công dân Liên xô đều có quyền được học tập. 

Những người này là công dân Liên xô. 

Do đó, những người này có quyền được học tập.

 

Hai suy luận này mặc dù có nội dung cụ thể khác nhau nhưng đều có cái gì chung trong cấu tạo của chúng:

1) Cả hai suy luận đều gồm ba phán đoán, trong đó hai phán đoán đầu là những phán đoán xuất phát, còn phán đoán thứ ba được tạo thành từ những khái niệm trong các phán đoán xuất phát.

2) Trong các phán đoán của mỗi suy luận đều có một khái niệm chung, khái niệm này không có trong phản đoán kết luận (trong suy luận thứ nhất khái niệm chung đỏ là khái niệm “hành tinh", trong phán đoán thứ hai -- đó là khái niệm "công dân Liên Xô").

Điểm chung này trong cấu tạo của những suy luận có nội dung cụ thể khác nhau tạo thành hình thức lôgic của chúng.

Như vậy, hình thức lôgic của một tư tưởng cụ thể nào đó là cấu tạo của nó, khi cấu tạo này là phương thức liên hệ giữa các thành phần của tư tưởng (tức là hình thức liên hệ giữa các khái niệm trong các phán đoán, hình thức liên hệ giữa các phán đoán với nhau trong một tư tưởng phức tạp hơn như trong một suy luận chẳng hạn).

Hình thức lôgic là sự phản ánh trong óc con người những mối quan hệ nhất định giữa các sự vật của thế giới vật chất. Mặc dù cùng một tư tưởng trong những ngôn ngữ khác nhau thường được diễn đạt bằng các phương tiện ngữ pháp khác nhau, nhưng hình thức lôgic của tư tưởng này bao giờ cũng giống nhau: nó không phụ thuộc vào các phương tiện ngôn ngữ dùng đề diễn đạt nó.

Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu xem có thể diễn đạt những qui luật của lôgic học như thế nào và ở đây hình thức lôgic giữ vai trò gì.

Các qui luật của lôgic học không phải áp dụng cho một tư tưởng cụ thể nào đó mà là áp dụng cho tập hợp các tư tưởng cụ thể có cùng một hình thức lôgic. Chẳng hạn qui tắc lôgic sau đây là đúng đối với tất cả các phán đoán cụ thể có hình thức « Một số S là P », nếu phán đoán có hình thức « Một số S là P » là chân thực thì phán đoán có hình thức « Một số P là S» cũng là một phán đoán chân thực. Điều này có nghĩa là trong mọi phán đoán chân thực có hình thức « Một số S là P », có thể đổi chỗ P và S và ta lại được một phán đoán chân thực mới. Cũng bằng cách đó, chẳng hạn, từ phản đoán « Một số nhà thơ là nhà viết kịch » có thể thu được một phản đoán chân thực mới «Một số nhà viết kịch là nhà thơ ».

Như vậy, chúng ta thấy rằng, những tư tưởng của chúng ta tồn tại hoặc là dưới dạng những khái niệm, hoặc là dưới dạng những phán đoán, những suy luận và có những cấu trúc nhất định (hình thức lôgic). Sau khi đã nêu lên hình thức lôgic của các phán đoán, các suy luận, chúng ta có thể phát biểu những qui luật, những qui tắc của lôgic học áp dụng cho một tập hợp các tư tưởng có hình thức lôgic giống nhau. Việc tuân theo những qui luật, những qui tắc của lôgic học là điều kiện cần (nhưng chưa đủ) để đạt tới chân lý trong quá trình rút ra tri thức suy diễn. Việc vi phạm những qui luật, qui tắc này thường dẫn tới kết luận sai lầm.

Bây giờ ta có thể định nghĩa khoa học lôgic.

Lôgic học là một khoa học nghiên cứu những tư tưởng của con người về mặt hình thức lôgic của chúng và xây dựng những qui luật, qui tắc mà việc tuân theo những qui luật, qui tắc ấy là điều kiện cần để đạt tới chân lý trong quá trình rút ra tri thức suy diễn.

Định nghĩa này chỉ bao quát được phạm vi chủ yếu các vấn đề do lôgic học nghiên cứu. Ngoài việc nghiên cứu những qui luật buộc chúng ta phải tuân theo trong quá trình rút ra tri thức suy diễn, lôgic học còn nghiên cứu những qui tắc phân loại các sự vật, các phương thức định nghĩa các khái niệm v.v...

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt