Logic học | Tư duy phản biện

Luận lý học Phật giáo - Mở đầu (1)

 

LUẬN LÝ HỌC PHẬT GIÁO

(BUDDHIST LOGIC)

Tập 1

Tác giả: F. Th. Stcherbatsky

Dịch giả: Tỳ Khưu Thiện Minh

 

 

§ 1. Luận lý Phật giáo là gì? 

Dưới tiêu đề Luận lý Phật giáo chúng ta hiểu đây là một hệ thống luận lý và nhận thức tạo ra tại Ấn Độ vào thế kỷ thứ VI - VII sau CN. Do hai luồng sáng Khoa học Phật học vĩ đại, đó là Thiền sư Dignāga và Thiền sư Dharmakīrti. Một nền văn chương Phật giáo được biết đến rất sơ sài đã chuẩn bị tạo ra hai luồng sáng này và một nền văn chương luận lý chú giải khổng lồ diễn ra tiếp ngay sau đó, nơi các vương quốc Phật giáo phương Bắc phải được ám chỉ đến cùng một loại văn viết đó. Trước tiên, nền văn chương này bao gồm một học thuyết về dạng Tam đoạn luận (parārtha-anumāna) và cũng chính vì lý do đó chỉ mình loại văn chương này xứng đáng mang tên Luận lý học. Một học thuyết về tính phán đoán (adhyavasāya = niscaya = vikalpa) về nội dung các tên (apoha-vāda) và về hậu kết (svārtha-anumāna) là tại Ấn Độ, cũng giống như ở tại châu Âu, là một hệ quả tự nhiên xuất phát từ học thuyết tam đoạn luận vậy. 

Nhưng luận lý Phật giáo còn ẩn chứa nhiều hơn nữa. Luận lý này còn chứa đựng một học thuyết về thọ tưởng (nhận thức giác quan), hay chính xác hơn, đó là một học thuyết chuyên về phần cảm thọ thuần túy (nirvikalpaka-pratyakṣa) nơi toàn bộ nội dung trí năng của chúng ta, là một học thuyết về thực tại trí năng (prāmāṇya-vāda) về thế giới bên ngoài như chúng ta nhận thức được bằng cảm thọ và hình ảnh (bāhya-artha-anumeyatva-vāda). Những vấn đề này thường được xử lý dưới tiêu đề nhận thức học. Chính vì thế, chúng ta rất có lý khi gọi hệ thống Phật học là một hệ thống nhận thức học luận lý. Hệ thống này bắt đầu với một học thuyết cảm thọ như là một tài liệu rõ ràng nhất đối với sự hiện hữu của thế giới bên ngoài. Sau đó hệ thống này lại tiến tới một học thuyết phối trí(sārūpya) giữa thế giới bên ngoài và sự biểu thị của thế giới đó như trí năng tái cấu trúc được nơi hình ảnh và khái niệm. Tiếp theo sau đó là học thuyết phán đoán, học thuyết qui nạp và một hệ thuyết tam đoạn luận. Cuối cùng là một học thuyết về nghệ thuật hướng dẫn các cuộc tranh luận triết học tại nơi công cộng (vāda-vidhi = codanā-prakaraṇa) được viết thêm vào. Như vậy, hệ thống này bao gồm toàn bộ lãnh vực nhận thức nhân loại, bắt đầu từ những cảm thọ sơ đẳng nhất và kết thúc với một cơ cấu phức tạp của một cuộc tranh luận công khai. 

Chính các Phật tử gọi đây là khoa học của họ, bàn về một học thuyết những nhân duyên (hetu-vidyā) luận lý hay là một học thuyết về nguồn gốc chánh trí năng (pramāṇa-vidyā), hay chỉ đơn giản là một cuộc trạch pháp về chánh trí năng (samyag-jñāna-vyutpādana). Đây chính là một học thuyết bàn về chân đế và vọng pháp (sai lầm) vậy. 

Với ý định bao gồm những nhân tố xúc tiến, thế nên hình như phương pháp này không có liên quan đặc biệt với Phật giáo xét về khía cạnh là một tôn giáo, có nghĩa là một giáo huấn về một chánh đạo dẫn đến giải thoát (cứu rỗi). Học thuyết này tự cho mình là một luận lý tự nhiên và chung về trí năng nhân loại.[1]  Tuy nhiên, hệ thống này cũng tự cho mình là một hệ thống bình phẩm. Những thực thể có hiện hữu không được đảm bảo đủ bằng những qui luật luận lý đều bị khước từ một cách vô tội vạ, và về điểm này luận lý Phật giáo chỉ tỏ ra trung thành với những lý tưởng mà Phật giáo đã khởi sự với những lý tưởng đó mà thôi. Thế rồi, luận lý này chối bỏ Thiên Chúa, chối bỏ linh hồn và chối bỏ luôn cả tính vĩnh cửu. Luận lý này chẳng chấp nhận điều gì ngoài một luồng chảy nhất thời nơi các biến cố phù phiếm chóng qua và một sự an nghỉ vĩnh hằng nơi Niết Bàn. Thực tại theo Phật giáo chỉ mang tính chất động lực, không tĩnh tại, nhưng lại mang tính luận lý, mặt khác những hình ảnh về thực tại, là những hình ảnh về một thực tại ổn định cả về khái niệm lẫn các tên gọi nữa. Mục tiêu tối hậu của luận lý Phật giáo là để giải thích mối tương quan giữa thực tại (Reality) chuyển động và những cấu trúc mang tính chất tĩnh tại của suy tư.[2] Luận lý này đối nghịch lại với luận lý Duy Thực, là luận lý của các trường phái Nyāya, Vaisesika và Mīmāṃsā đối với các trường phái này thực tại mang đặc tính tĩnh tại và tương xứng đối với những khái niệm trí năng của chúng ta. Bằng cách là nhà quán quân nơi toàn bộ các tôn giáo đã được thiết lập tại Ấn Độ các Phật tử nhìn chung được coi như là những người chủ trương hư vô thuyết ngạo mạn, và đến lượt mình, họ coi các đối thủ của mình là những người “ngoại giáo” (bāhya = phyi-rol-pa) và những người “ bên lương” (tīrthika). Hiểu theo nghĩa đó chỉ có học thuyết luận lý do các Phật tử tạo ra mới là luận lý Phật giáo mà thôi.

§ 2. Vị trí luận lý chiếm giữ trong lịch sử Phật giáo. 

Luận lý Phật giáo chiếm giữ một vị trí nhất định trong lịch sử Phật giáo tại Ấn Độ và luận lý này cũng chiếm một vị thế trong lịch sử luận lý và Triết học nói chung. Trong lãnh vực rộng lớn của luận lý học Ấn Độ. Luận lý Phật giáo tạo ra một giai đoạn quá độ lên Phật giáo. Trong khi đó, trong lãnh vực Triết học Phật giáo luận lý tạo ra một khía cạnh đáng chú ý cho giai đoạn thứ ba, tức là thời kỳ kết thúc Phật giáo Ấn Độ (āntya - dharma - cakra-paravartana).

Lịch sử Phật giáo tại Ấn Độ có thể chia thành, và chính các Phật tử đã chia lịch sử đó thành ba giai đoạn khác nhau[3], mà họ gọi là “Tam Chuyển Pháp Luân” (tricakra-ḥkhor-lo-gsum). Trong suốt cả ba giai đoạn đó Phật giáo giữ trung thành với khái niệm trung tâm về một dòng chảy hiện hữu không liên quan đến riêng ai. Nhưng đã hai lần trong lịch sử Phật giáo - ở thế kỷ thứ I và thế kỷ thứ V sau CN. - Việc giải thích nguyên tắc này đã được thay đổi đến tận gốc rễ, chính vì thế, mỗi giai đoạn lại mang một khái niệm trung tâm khác cho chính mình. Nói một cách khái quát, nếu chúng ta cho là, bắt đầu với 500 năm trước CN, thời 1500 Phật giáo hiện hữu thực sự trong quê hương sanh ra tôn giáo đó. Giai đoạn này có thể phân bổ đồng đều thành ba giai đoạn bằng nhau, mỗi giai đoạn kéo dài 500 năm.

Chúng ta hãy nhớ lại ngắn gọn những thành quả của hai tác phẩm trước đó dành trọn cho giai đoạn thứ nhất và giai đoạn thứ hai.[4]  Tác phẩm hiện hành này, vì dành trọn cho giai đoạn thứ ba và cũng là giai đoạn kết thúc, phải được coi như là tác phẩm kế tục hai tác phẩm trên. 



[1] aukika-vidyā, cp. Mādhy, vrtti, p. 58. 14 và tập Nirvāṇa của tôi, p. 140.

[2] Cp. TSP, p. 259.21 – na kvacid arthe paramārthato vivakṣā asti, anvayino’ rthasya abhāvāṭ... (sarveṣu iti pakṣesu samānam dūṣaṇam). 

 

[3] Điểm chính thống ở đây là chính Đức Phật đã thực hiện ba lời tuyên bố khác nhau về học thuyết của Ngài, một dành cho người phàm phu vô học, một lời tuyên bố khác dành cho những người có khả năng trung bình và cuối cùng dành cho những người có tuệ tri xuất chúng. Nhưng rõ ràng đây chỉ là một suy tư xuất hiện sau hành động mà thôi. 

[4] Xin đọc Khái niệm trung tâm của Phật giáo và ý nghĩa từ “Dharma”, Nhà xuất bản London, 1923 (R.A. S.) và Khái niệm Phật giáo về Niết Bàn, Nhà xuất bản Lenigrad, 1927 (Theo khoa học). 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt