Logic học | Tư duy phản biện

Tư duy phản biện: Làm cách nào để giúp học sinh của bạn học giỏi hơn?

 

Tư duy phản biện: Làm cách nào

để giúp học sinh của bạn học giỏi hơn?

 

BRADLEY BUSCH

 

Bạn có muốn lớp học của bạn tận dụng tối đa những cơ hội học tập? Không chỉ cố gắng tập trung vào bài vở mà còn chú ý đến cách thức tiếp cận.

 

Khuyến khích học sinh xây dựng ý thức, sự thông hiểu và kiểm soát được các quá trình tư duy (hay còn gọi là siêu nhận thức [metacognition][1]) của mình đã được Dự án Toolkit thuộc Quỹ cấp vốn Giáo dục (Education Endowment Foundation - EEF)  xác định là một trong những cách cải thiện hoạt động học tập có hiệu quả nhất. Nó cũng được cho là góp phần nâng cao hiệu quả học tập các môn như toán, khoa học và tiếng Anh.

Tất cả những việc này là giúp học sinh tư duy có phê phán về việc học tập của chính mình. Như EEF giải thích, người học có thể được cung cấp “các chiến lược cụ thể để đặt mục tiêu, theo dõi và đánh giá quá trình học tập của mình… ý đồ [của nó] thường là cung cấp cho học sinh một danh mục các chiến lược lựa chọn trong các hoạt động học tập của mình”.

Để giúp học sinh bắt đầu tư duy theo cách thức này, giáo viên cần chia quá trình thành 3 giai đoạn: trước lúc làm bài (lên kế hoạch hiệu quả), trong lúc làm bài (tự theo dõi tiến trình) và sau khi làm bài (đánh giá và suy xét).

Xác lập mục tiêu

Giúp học sinh hiểu được tầm quan trọng của việc chuẩn bị và cách thức tiếp cận hiệu quả để đề ra mục tiêu. Để xác định tốt mục tiêu, bạn cần kết hợp mục tiêu ngắn hạn với mục tiêu dài hạn, tập trung vào việc phải triển các kỹ năng (đừng quan tâm đến kết quả mong muốn) và cân nhắc đến những trở ngại tiềm tàng. Nếu học sinh biết những thử thách có thể đến với mình là gì, họ có thể có sự chuẩn bị để vượt qua những trở ngại đó.

Khuyến khích tinh thần ý thức về bản thân

Thật khó để điều khiển cảm xúc và suy nghĩ của mình nếu chúng ta không nhận thức về những gì chúng ta nghĩ và cảm nhận. Ý thức về bản thân không phải lúc nào cũng dễ dàng đối với các học sinh tuổi hoa niên vốn có não trạng luôn thay đổi trong thời kỳ này.

Tuy vậy, các công trình nghiên cứu cho thấy ý thức về bản thân có thể được phát triển bằng cách khuyến khích học sinh viết nhật ký. Các bằng chứng cũng gợi ý rằng viết nhận ký có thể cải thiện sức khỏe thể chất và sự lành mạnh tinh thần. Viết nhật ký cũng giúp học sinh nhìn ra những xu hướng và mô hình của cảm xúc từ đó dễ dàng hơn trong việc quản lý cảm xúc và lựa chọn những quá trình tư duy hiệu quả trước khi chúng cảm thấy căng thẳng với những nhiệm vụ khó khăn hơn.

Thúc đẩy việc tự mình đặt câu hỏi

Nếu một nhiệm vụ có thể được chia làm 3 giai đoạn: trước, trong và sau khi thực hiện thì việc này có thể giúp học sinh cải thiện siêu-nhận thức của mình bằng cách khiến cho các em tự mình đặt ra những câu hỏi tốt ở từng giai đoạn.

Trước khi bắt đầu làm bài (nhiệm vụ),  học sinh có thể hỏi những câu như: “Bài này có giống với những bài lần trước mình đã từng làm hay không?”, và “Mình nên làm việc gì trước? Trong lúc làm bài, những câu hỏi như “Mình đang đi đúng đường?” và “Mình có thể nhờ ai trợ giúp?” sẽ đảm bảo học sinh theo dõi được tiến trình của mình và có những sự điều chỉnh phù hợp. Cuối cùng, sau khi làm xong bài, học sinh có thể suy ngẫm và học từ những kinh nghiệm của mình bằng cách hỏi “Việc gì đã làm tốt?”, “Việc gì mình cần phải cải thiện”, và “Lần tới mình sẽ làm khác đi ở chỗ nào?”.

Lập mô hình các quá trình tư duy của bạn

Được tiếp xúc với nhiều quá trình tư duy khác nhau, học sinh sẽ có cơ hội biết đến nhiều chiến lược tư duy tiềm tàng hơn. Cố xác lập mô hình hay diễn đạt cho hết những suy nghĩ của bạn khi xem xét các câu hỏi ở bài thi trước đây chẳng hạn.

Bằng chứng gợi ý rằng chiến lược này hiện chưa được tận dụng, đồng thời cho thấy “trong 170 tiếng đồng hồ quan sát, chỉ có một trường hợp giáo viên được ghi nhận là đã lập mô hình cho tư duy của mình về những gì đã đọc hoặc viết mà không có kế hoạch trước”. Lập mô hình tư duy là một cách tiếp cận hiệu quả bởi vì nó tránh được bất cứ sự hàm hồ nào và cho phép học sinh tiếp cận với kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm của bạn.

 

Bradley Busch là một nhà tâm lý học chính quy, giám đốc tại InnerDrive và là tác giả của cuốn sách Release your Inner Drivie”. Theo dõi @Inner_Drive trên Twitter.

 

LỤC PHẠM QUỲNH NHI dịch

 


Nguồn: https://www.theguardian.com/teacher-network/2017/jul/21/critical-thinking-ideas-help-students-learn-better


[1] Tức là biết về cái biết của mình, tư duy về tư duy của mình – Ng.d.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Nguyễn văn giáp - 22:12 12/09/2018
Bài viết tuy ngắn nhưng mình cảm thấy nó là giải pháp đúng. Vì mỗi người không ai có cùng cách hiểu giống nhau, nên việc có nhiều phương pháp và tư duy mới sẽ phù hợp với từng người.
NGUYỄN TƯỜNG ANH - 22:21 17/09/2019
bài viết cụ thể và ý nghĩa .
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt