Logic học | Tư duy phản biện

Vấn đề và tương lai của logic học

 

VẤN ĐỀ VÀ TƯƠNG LAI CỦA LÔGIC HỌC

 

JU SHIER [1]

 


Viện Thông tin Khoa học xã hội. Những vấn đề mũi nhọn trong nghiên cứu triết học đương đại. Nguyễn Như Diệm dịch. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2008.


 

I. Lôgic học là gì

Dựa vào phương pháp của Socrates về giải thích ý nghĩa của từ và làm rõ các khái niệm, chúng ta cần trả lời các vấn đề đại loại như “lôgic là gì” bằng định nghĩa biểu đạt các điều kiện cần và đủ. Chúng tôi sẽ chỉ ra, với các thành viên của khái niệm lôgic học, không tồn tại một đặc tính chung làm cho định nghĩa trên trở thành có thể; trái lại, giữa chúng chỉ có các tính tương tự trùng lặp và đan xen nhau một phần. Nói giản đơn, khái niệm lôgic học giống như một gia đình.

Theo Heinrich Scholz[2], lôgic học là một từ đa nghĩa và có thể biểu hiện thành nhiều loại hình khác nhau. Ông phân biệt 6 loại hình lôgic: Loại thứ nhất là lôgic cổ điển bắt nguồn từ lôgic hình thức của Aristotle. Loại thứ hai là lôgic hình thức mở rộng, nó được hình thành bằng cách đưa các nguyên tắc phương pháp luận, ngữ nghĩa học và nhận thức luận vào hệ thống lôgic hình thức của Aristotle. Loại thứ ba là lôgic phi hình thức mà Scholz nói. Ở đây, trên thực tế lôgic học được giới định như một lý luận công cụ cho việc đạt được tri thức khoa học theo ý nghĩa rộng nhất. Đại diện chủ yếu của nó là John Stuart Mill. Loại thứ tư có thể gọi là lôgic quy nạp xác suất, hiện nay nó bao gồm các lý luận chín muồi như suy lý thống kê và lôgic quyết sách và đang phát triển theo phương hướng phi cổ điển. Loại thứ năm có thể gọi là lôgic tư biện, đại biểu của nó là Hegel và Kant. Đối với Hegel, lôgic là khoa học về ý niệm tự nó và vì nó [3], trong khi đối với Kant, lôgic chủ yếu bao gồm các quy tắc của nhận thức và lý tính. Loại thứ sáu là lôgích hiện đại bắt nguồn từ lôgic hình thức của Gottlob Frege và Bernard Russell, gồm lôgic toán cổ điển và sự mở rộng của nó và các hệ thống lôgic phi cổ điển. Cuối cùng, quan điểm về sự tồn tại của nhiều loại hình lôgic cũng được các nhà sử học lôgic hiện nay ủng hộ [4].

Bây giờ xin khái quát nội dung chủ yếu của các loại hình lôgic học khác nhau như sau: các lý luận về khái niệm, phán đoán và suy lý; một số nguyên tắc phương pháp luận và ngữ nghĩa học; một số lý luận nhận thức luận và bản thể luận; các lý luận về phương pháp quy nạp và xác suất quy nạp; và lôgic cổ điển và phi cổ điển hiện đại. Bây giờ giả định rằng giữa các loại hình lôgic khác nhau này có các đặc trưng chung, và lấy đó làm điều kiện cần và đủ để đưa ra một định nghĩa về lôgic học; vậy các loại hình lôgic khác nhau lấy các nội dung nói trên làm đặc trưng sẽ phải thoả mãn định nghĩa. Do tính chung chung của định nghĩa, bất cứ lý luận nào thoả mãn được định nghĩa giả định nói trên đều phải thuộc về lôgic học, và ngược lại cũng vậy. Tuy nhiên, xuất phát từ định nghĩa giả định, chúng ta có thể rút ra tính không thích hợp của chính nó. Trong thực tế, lôgic biện chứng của Hegel và lôgic tiên nghiệm của Kant phải thoả mãn được một định nghĩa như vậy. Nhưng theo thói quen, chúng được coi vừa thuộc về lôgic học vừa thuộc về triết học. Vì vậy định nghĩa giả định quá rộng hay quá ôm đồm. Quan trọng hơn là, theo phân tích của Wittgenstein [5] về khái niệm toán học, không có lý do để cự tuyệt khả năng xuất hiện các loại hình lôgic mới vượt ra ngoài định nghĩa. Vì vậy định nghĩa giả định quá hẹp. Do đó, không thể đưa ra một định nghĩa bản chất chủ nghĩa cho lôgic học trên cơ sở các loại hình lôgic nói trên. Nhưng những loại hình lôgic này không hoàn toàn khác nhau. Chúng có những sự giống nhau nào đó. Chẳng hạn dường như chúng đều liên quan đến các quy tắc và công thức. Nhưng các trò chơi thậm chí các nghi thức tôn giáo đều có những thuộc tính như vậy. Do vậy lôgic học là một khái niệm giống như một gia đình.

Hai định nghĩa về lôgic học phổ biến nhất hiện nay là không xác đáng ngay cả trong phạm vi tương đối hẹp.

Định nghĩa 1: Lôgic học là một lý luận luận chứng (hữu hiệu).

Nói chặt chẽ ra, tuy loại hình lôgic thứ nhất và thứ sáu bao gồm một lý luận về luận chứng hữu hiệu, nhưng chúng đều không thoả mãn định nghĩa 1. Bởi vì, trong loại hình thứ nhất có lý luận về khái niệm và phán đoán và trong loại hình thứ sáu có lý luận về ngôn ngữ hình thức, bản thân chúng không phải là lý luận về luận chứng, dù rằng chúng là không thể thiếu đối với việc trình bày tính chất và nguyên lý của luận chứng. Cho nên định nghĩa 1 là quá hẹp cho việc trình bày các loại hình lôgic đang tồn tại. Hoặc giả chúng ta có thể thêm vào định nghĩa 1 một số thứ mà đối với lý luận luận chứng là không thể thiếu để sửa đổi và cứu vãn nó. Nhưng xác định phạm vi “không thể thiếu” như thế nào? Hoặc giả có thể dựa vào trực quan để xác định một số yếu tố không thể thiếu nào đó. Nhưng do không có một tiêu chí rõ ràng, không thể tiến hành lựa chọn giữa các trực giác xung đột nhau. Do vậy, làm thế nào để xác định phạm vi của “không thể thiếu” vẫn là một vấn đề. Dù vậy, định nghĩa 1 đã nêu ra những đặc trưng điển hình của các loại hình lôgích chủ lưu trong lịch sử.

Định nghĩa 2. Lôgic học là khoa học về các hình thức và quy luật của tư duy.

Một nhược điểm rõ rệt của định nghĩa này là nó quá rộng nên không phân biệt rạch ròi được lôgic học với tâm lý học, đặc biệt là tâm lý học nhận thức cao cấp. Đồng thời, trong loại hình lôgic thứ ba và thứ sáu, ngoài hệ các thống lôgic miêu tả các đặc trưng hình thức của thái độ mệnh đề, còn các hệ thống lôgic có bối cảnh trực quan bản thể luận như lôgic thời và lôgic lượng tử, cùng lý luận suy lý thống kê dựa trên cách giải thích của chủ nghĩa khách quan xác suất, chúng đều bàn về thuộc tính của khách thể, dù sao cũng không thể thoả mãn định nghĩa 2. Như vậy, định nghĩa 2 quá hẹp, nhiều lắm cũng chỉ miêu tả những đặc điểm của một loại lôgic nào đó.

Dựa vào tính tương tự giả định của lôgic học, chúng ta có thể rút ra kết luận sau: Do không thể đưa ra một định nghĩa tương ứng và tương xứng cho lôgic học trên cơ sở các loại hình lôgic đã có, nên từ “lôgic học” chỉ và chỉ chỉ những loại hình lôgic này. Định nghĩa lôgic học thường lưu hành chỉ nêu ra những đặc trưng điển hình của một loại hình lôgic nào đó hoặc miêu tả quan điểm mà một số học giả nào đó thừa nhận. Do vậy, các loại hình lôgic đã có, thậm chí các loại hình lôgic chủ lưu đều không thể dựa vào định nghĩa hoặc các đặc điểm riêng của chúng để phủ nhận tính hợp pháp của các loại hình lôgic khác. Có nghĩa là luôn có khả năng xuất hiện các loại hình lôgic mới mà không thể quy về các loại hình lôgic đã biết. Các loại hình lôgic mới được tính tương tự gia đình đưa vào sẽ làm tăng số thành viên của gia đình lôgic học và làm thay đổi nội hàm của từ “lôgic học”. Một khái niệm có thể định nghĩa bằng chủ nghĩa bản chất hay phương thức phân tích thì ngoại diên của nó có thể mở ngỏ nhưng nội hàm của nó thì cố định, không thay đổi. Do vậy loại khái niệm này chỉ có tương lai bình thường.

II. Bước ngoặt nhận thức trong lôgic học

Trong điều kiện nội hàm và ngoại diên của lôgic học có tính mở ngỏ, chúng ta có thể xác định bước ngoặt trong lôgic học: Giả định có một loại hình lôgic hoặc là mới, hoặc là đã biết. Nếu nó thay thế một loại hình lôgic khác để trở thành trung tâm chủ yếu của sự chú ý, thì sự kiện lịch sử này được gọi là một bước ngoặt trong lôgic học.

Loại hình lôgic chủ lưu thứ nhất trong lịch sử lôgic học là lôgic của Aristotle. Kant [6] cho rằng những vấn đề chủ yếu của lôgic học đã được Aristotle nghiên cứu hết, do đó lôgic học chẳng cần thay đổi, cũng chẳng cần phát hiện mới [7]. Nhưng không đầy 100 năm sau, Frege đã tạo ra một bước ngoặt trong lôgic học. Frege cho rằng, miêu tả rõ nét phương thức biểu đạt và suy lý của toán học và đặt cơ sở cho toán học là mục tiêu phát triển cơ bản của lôgic học. Là kết quả của việc theo đuổi mục tiêu nói trên, một loạt hệ thống lôgic và các siêu lý luận của chúng mang nhãn hiệu “lôgic toán học” đã được đưa ra. Đầu thế kỷ trước, nó thay thế lôgic Aristotle để trở thành chủ lưu của nghiên cứu lôgic học. Đây là bước ngoặt trọng đại thứ nhất của lôgic học trong lịch sử, tức là bước ngoặt toán học trong lôgic học. Nhưng toán học chỉ là một bộ phận của tri thức nhân loại, phương thức biểu đạt của toán học chỉ là một trong nhiều phương thức biểu đạt của loài người. Như lôgic phi cổ điển ngày nay đã cho thấy, việc biểu đạt và suy lý về tri thức trong các lĩnh vực khác bằng cách áp dụng lôgic cổ điển thường là không xác đáng. Do vậy chính lôgic học đòi hỏi nó tiếp tục tìm kiếm phương hướng phát triển mới. Điều khiến người ta ngạc nhiên là, ngay từ đầu, mầm mống của phương hướng mới này đã ẩn chứa trong tác phẩm của các đại biểu của lôgic cổ điển.

Trước hết, Boole [8] cho rằng, theo ý nghĩa căn bản của nó, từ “lôgic học” chỉ khoa học về các quy luật của tư duy, và các quy luật hình thức của tư duy là tương đồng với đại số học. Do vậy, đối với Boole, lôgic học nghiên cứu cách thức dùng ngôn ngữ ký hiệu của toán học để miêu tả quy luật của tư duy. Thứ hai, khi chủ nghĩa phản tâm lý của Frege và chủ nghĩa nguyên tử lôgic của Russell làm cho lôgic tách khỏi tâm lý học, chuyển sang lần lượt kết hợp với siêu hình học và toán học, David Hilbert [9] đã đề ra trong nghiên cứu về cơ sở của toán học ý tưởng ban đầu về lý luận gia công ký hiệu của tư duy. Điều đó tạo cho chủ nghĩa hình thức một phương hướng phát triển hoàn toàn khác: nghiên cứu lôgic tư duy. Thứ ba, lý luận cơ của Turing cho thấy, một hệ thống ký hiệu có thể thao tác một cách cơ giới có thể hoàn thành các hành vi trí năng, từ đó khiến người ta có lý do cho rằng tinh thần là một cỗ máy xử lý thông tin nào đó có khả năng xử lý ký hiệu. Cuối cùng, Jerry Fodor [10] kết hợp cơ của Turing với một mô hình suy lý, đề ra ẩn dụ xử lý ký hiệu hình thức để giải thích hành vi nhận thức của loài người. Từ đó lôgic học bắt đầu xúc tiến sự ra đời và phát triển của khoa học nhận thức.

Trong thời đại thông tin, các phương hướng lý luận nói trên lại được tiếp thêm sức sống mới. Thời kỳ giữa và sau thế kỷ XX, khoa học máy tính bước vào giai đoạn xử lý tri thức và mô phỏng trí năng. Xây dựng các hệ thống lôgic miêu tả quá trình nhận thức (cao cấp), biểu đạt và xử lý tri thức và thiết kế các loại hình phần mềm mới đã trở thành phương hướng chủ lưu của nghiên cứu lôgic học. Mặt khác, sự phát triển của lôgic toán học, đặc biệt là lý thuyết cơ của Turing, đã gợi mở cho con người lý giải quá trình xử lý thông tin của loài người bằng ẩn dụ máy tính. Tất cả những điều này cuối cùng đã làm cho người ta có thể dùng kỹ thuật thực nghiệm tâm lý học để nghiên cứu các hình thức và quy luật của tư duy (các quá trình nhận thức cao cấp).

Tương ứng với 2 mặt trên, nghiên cứu kết cấu lôgic của quá trình nhận thức cao cấp được tiến hành theo 2 phương hướng chủ yếu: 1) Lôgic nhận thức: nó chỉ việc cấu tạo hệ thống lôgic trên cơ sở phân tích các khái niệm nhận thức luận và lý giải trực quan về quá trình nhận thức. Thí dụ, lôgic xét lại niềm tin [11], lôgic phi đơn điệu [12] và lôgic động thái [13]... Cơ sở trực quan của nó bắt nguồn từ tư duy nội quan và tư duy triết học về quá trình nhận thức. 2) Lôgic tâm lý: nó chủ yếu chỉ hệ thống lôgic được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu tâm lý học về tư duy cao cấp của loài người. Hiện tại chủ yếu nó liên quan đến 2 lĩnh vực: suy lý [14], và quyết sách [15]. Chúng ta gọi chung 2 loại lôgic này là lôgic nhận thức. Mục tiêu nghiên cứu của nó là cung cấp phương pháp và mô hình cho việc thu lượm, biểu đạt, suy lý, mở rộng và xét lại tri thức. So với lôgic cổ điển, thứ lôgic dựa trên nhận thức này có các đặc điểm phương pháp luận sau:

1) Nó cố vứt bỏ giả định về kẻ biết hết lôgic ở mọi cấp độ nghiên cứu lôgic học, coi tính không hoàn thiện của tri thức về thế giới là đặc trưng quan trọng của tri thức, tập trung nghiên cứu tính bất định và phương thức biến đổi của tri thức.

2) Nó không những không tin chủ nghĩa phản tâm lý của Frege, mà tiếp tục tiến lên từ lập trường của Boole, Turing và Hilbert, liên minh với các nhà tâm lý học nhận thức, nghiên cứu hình thức và quy luật tư duy của loài người trên cơ sở thực nghiệm. Điểm cuối cùng của các nhà tâm lý học là điểm xuất phát của các nhà lôgic học chúng ta.

3) Nó tuyệt nhiên không cho rằng hệ thống tiên đề hình thức đương nhiên là công cụ thích hợp để miêu tả quá trình nhận thức. Trái lại, nó dốc toàn lực tìm hiểu vấn đề: phải chăng bước ngoặt nhận thức trong lôgic học cuối cùng sẽ dẫn tới các loại hình lôgic mới như là bước ngoặt trong toán học vậy.

Các nhà lôgic học chủ đạo hiện nay trên quốc tế và các cộng sự của họ đang vận dụng một cách có ý thức các kết quả nghiên cứu của triết học, tâm lý học nhận thức và các bộ môn liên quan về tính chất của tri thức loài người để xây dựng nên các hệ thống lôgic mới. Những thành quả đã đạt được và những vấn đề chưa giải quyết trong phương hướng nói trên đang là điểm nóng mà các nhà lôgic học quan tâm. Đứng trước xu thế phát triển mạnh mẽ này, giới lôgic học thế giới đang từng bước điều chỉnh trọng tâm nghiên cứu và phương hướng phát triển của mình. Chẳng hạn, năm 2005, tạp chí Studia Logica đã sửa đổi phương châm biên tập của nó và chỉ ra rằng, trong mấy thập kỷ qua, một bức tranh lôgic mới đã xuất hiện, trong đó các quy luật lôgic được coi là một trình độ cao của việc miêu tả các chủ thể nhận thức lý tưởng. Do vậy, trong tương lai, các bài viết của nó sẽ không chỉ bao gồm lôgic thuần tuý, mà còn bao gồm việc ứng dụng phương pháp hình thức vào triết học và khoa học nhận thức. Tất cả những điều này cho thấy lôgic học đang trải qua một cuộc biến đổi quan trọng nữa kể từ ngày nó ra đời đến nay: từ lôgic học lấy nghiên cứu cơ sở toán học làm bối cảnh bắt nguồn từ Frege chuyển sang lôgic học xây dựng các mô hình có tính quy phạm hay tính mô tả cho quá trình nhận thức. Đây là bước ngoặt nhận thức trong lôgic học [16].

III. Lôgic và luận chứng xuyên văn minh

Từ khi lôgic học ra đời, là một bộ phận hợp thành quan trọng của nền văn minh loài người, nó không chỉ là công cụ nghiên cứu của toán học và khoa học kinh nghiệm, mà còn là phương tiện giao tiếp của loài người. Dưới đây, chúng ta sẽ tìm hiểu diễn biến của nền văn minh và tương lai của lôgic. Theo nghĩa rộng, văn minh loài người là mọi thứ mà loài người sáng tạo ra, gồm sản phẩm vật chất và sản phẩm tinh thần. Cái sau chủ yếu bao gồm: ngôn ngữ, giá trị (gồm niềm tin duy lý), quy tắc, thể chế, khoa học, nghệ thuật và phương thức tư duy (gồm suy lý). Tương tự, có thể định nghĩa một nền văn minh cụ thể nào đó là mọi thứ mà loài người sáng tạo ra ở một khu vực nhất định. Theo Huntington [17], sau quá trình phân hoá và dung hợp, thế giới ngày nay chủ yếu do văn minh phương Tây, văn minh Trung Hoa, văn minh Ấn Độ, văn minh Nhật Bản, văn minh Hồi giáo, văn minh Đông Chính giáo, văn minh Mỹ Latin và văn minh châu Phi hợp thành. Cuối cùng, bên trong một nền văn minh nào đó, các sản phẩm vật chất và tinh thần khác nhau hoặc có những dị biệt rõ rệt do các nhóm người khác nhau sáng tạo ra lại cấu thành các nền văn hoá khác nhau.

Trong phạm vi chủ đề của bài này, vấn đề của chúng ta là: phải chăng có các lôgic khác nhau trong các nền văn minh khác nhau. Các tác phẩm thời kỳ sau của Wittgenstein [18] cho thấy, có thể có những trò chơi ngôn ngữ hay hình thức sống không tương dung với chúng ta, quy tắc lôgic và trình tự suy lý mà chúng sử dụng có sự khu biệt về thực chất với những gì mà chúng ta chấp nhận [19]. Kết luận này hàm chứa khả năng giải quyết tích cực các vấn đề nói trên. Thứ hai, nghiên cứu của các nhà nhân học [20] về tập quán tư duy của các cư dân vùng xa xôi hẻo lánh vạch ra: quy luật lôgic mà chúng ta tiếp nhận chỉ có quyền uy cục bộ chứ không phổ biến. Cư dân một số vùng xa xôi hẻo lánh có lôgic khác với chúng ta. Thứ ba, nghiên cứu về lôgic học Trung Quốc (cổ đại) đưa tới kết luận sau: so với truyền thống phương Tây, lôgic trong bối cảnh văn minh Trung Hoa, thí dụ lôgic Mặc gia, có các mục tiêu, cách phân tích loại hình suy lý chủ đạo và các thành phần khác [21]. Hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên khi người ta phát hiện ra rằng lôgic Phật giáo bắt nguồn từ văn minh Ấn Độ và lôgic lệ thuộc vào văn minh phương Tây có sự khác nhau về thực chất [22]. Và Heidegger [23] khẳng định, lôgic theo truyền thống Aristotle “chỉ là một sự thể hiện bản chất của tư duy, sự thể hiện này dựa trên một thứ kinh nghiệm tồn tại đạt được từ trong tư tưởng Hy Lạp”. Còn học giả Trung Quốc Zhang Dongsun [24] thậm chí chỉ ra rằng, lôgic học của Aristotle được đề ra dựa trên cấu tạo của hệ thống ngôn ngữ phương Tây,... lôgic xuất hiện là do sự bức bách của nhu cầu văn hoá. Do vậy lôgic phụ thuộc vào văn hoá. Cuối cùng, có lẽ thứ lôgic phụ thuộc vào các nền văn minh khác nhau có ít nhiều tương đồng về hình thức với quy tắc trò chơi, nhưng theo quan điểm mà đông đảo giới học thuật tán đồng [25] thì văn minh có tính chỉnh thể. Do vậy, nếu không đề cập đến cái chỉnh thể này thì bất kỳ đơn vị cấu thành nào của chúng đều không thể được hiểu đầy đủ. Rõ ràng, trong các nền văn minh khác nhau, các quy tắc này có tính chất và chức năng không hoàn toàn giống nhau. Căn cứ vào những điều đã nói trên thì các nền văn minh khác nhau có thể có lôgic khác nhau.

Vấn đề tiếp theo là những lôgic phụ thuộc vào các nền văn minh khác nhau này có tính hợp lý không? Trước khi trả lời câu hỏi, chúng ta cần xác định cách giải quyết vấn đề. Bài này sẽ sử dụng phương pháp nghiên cứu cổ điển do Aristotle, Archimedes, Bacon, Descartes, Frege và Russell đã sáng lập, nó do các khâu dưới đây hợp thành: phân tích khái niệm, thu thập thực tế, xây dựng giả thiết, suy lý lôgic...; và khái niệm tương ứng về tính duy lý. Do vậy, trên thực tế chúng ta đứng trên cơ sở văn minh phương Tây để bình phán các nền văn minh và các yếu tố của nó. Dưới đây chúng tôi sẽ dùng phương pháp này để chứng minh nguyên tắc bình đẳng giữa các nền văn minh: văn minh phương Tây và lôgic phụ thuộc vào nó, cũng giống như các nền văn minh khác và lôgic tương ứng của chúng, không có tính duy lý tuyệt đối, siêu việt.

Để cho tiện, chúng tôi gọi nền văn minh mà các phương pháp và quan niệm nói trên phụ thuộc là “văn minh gốc”. Trong hệ thống phương pháp luận mà văn minh gốc giả định chỉ tồn tại 2 loại phương pháp luận chứng: luận chứng quy nạp và luận chứng diễn dịch. Nhưng trong điều kiện lý tưởng, kết luận của luận chứng quy nạp chỉ đoán định mức độ có thể là thật của một mệnh đề nào đó, chứ không thể xác định mệnh đề này là thật hay giả [26]. Nhưng cái chúng ta cần là kết luận minh xác. Do vậy, phương pháp duy nhất còn lại có thể dùng là luận chứng diễn dịch. Luận chứng diễn dịch có 2 tình huống: (1) Luận chứng chỉ xuất phát từ tiên đề, (2) Luận chứng xuất phát từ tiên đề và tiền đề phụ thêm. Kết luận có được trong tình huống (1) là các mệnh đề hữu hiệu về lôgic, trong đó gồm cả phép lặp thừa. Do trong bất kỳ tình huống nào các mệnh đề đó đều là thật, nên chúng không có nội dung. Nhưng mệnh đề “một nền văn minh nào đó và lôgic của nó là hợp lý tính/không hợp lý tính” là có nội dung. Do đó nó không thể là kết luận của tình huống (1). Mặt khác, nếu trong tình huống (2) mệnh đề trên có thể được chứng minh thì kết quả chứng minh không thể nào được chấp nhận trừ phi những tiền đề thêm vào này là chân thực hoặc hợp lý. Điều này đòi hỏi chúng ta áp dụng phương pháp nào đó để chứng minh những tiền đề thêm vào này. Từ đó dẫn tới một sự thụt lùi vô hạn khi chứng minh các tiền đề thêm vào. Do sự thảo luận trên đây không quy định bất kỳ đặc tính nào của nền văn minh được đề cập nên có thể rút ra kết luận chung rằng chúng ta không cách nào chứng minh được tính hợp lý hay tính không hợp lý của bất kỳ nền văn minh nào (kể cả nền văn minh gốc) và lôgic của nó.

Có thể các nhà lôgic học trong nền văn minh gốc thích áp dụng một phương pháp trực tiếp hơn để giải quyết vấn đề tính hợp lý của lôgic thuộc các nền văn minh khác. Trình tự thao tác tiêu chuẩn như sau: trước hết biểu đạt lôgic của các nền văn minh khác đã được phát hiện bằng ngôn ngữ lôgic của nền văn minh gốc; nếu có thể dùng các công cụ lôgic của nền văn minh gốc để chứng minh các quy tắc này là phù hợp thì lôgic này thoả mãn điều kiện cần thiết của tính hợp lý; nếu có thể chứng minh chúng không phù hợp thì nó thoả mãn điều kiện đầy đủ của tính không hợp lý. Nhưng khi các quy tắc lôgic của các nền văn minh khác dùng lôgic của nền văn minh gốc để biểu đạt và xử lý thì như vậy có nghĩa là chúng được giải thích hoặc quy về các quy tắc lôgic của nền văn minh gốc. Do đó, cân nhắc tới điều là, ở đây chỉ đề cập tới quan niệm tính hợp lý của nền văn minh gốc, nhiều nhất chúng ta chỉ chứng minh bản dịch loại quy tắc trước là hợp lý hoặc không hợp lý trong nền văn minh gốc; còn vấn đề tính hợp lý của bản thân loại quy tắc mà chúng ta quan tâm đó trong nền văn minh gốc hoặc trong nền văn minh mà nó tồn tại thì vẫn vượt ra ngoài trình tự tiêu chuẩn và vẫn chưa được giải quyết.

Tóm tắt những điều trình bày trên đây, chúng ta có kết luận sau: phương pháp nghiên cứu cổ điển phương Tây không thể chứng minh tính hợp lý của bất kỳ nền văn minh nào (kể cả lôgic của nó), cũng như tính không hợp lý của nó. Do vậy, về mặt tính hợp lý, không có nền văn minh nào (kể cả lôgic của nó) là vượt trên tất cả, và chúng không thể bị cự tuyệt hay tiếp nhận một cách giản đơn. Đây là cái gọi là nguyên tắc bình đẳng giữa các nền văn minh.

Bây giờ, trên cơ sở của kết luận nói trên, chúng ta sẽ bàn về tương lai của lôgic học. Trong thực tế, sự lựa chọn phương hướng nghiên cứu khoa học của từng nhà lôgic học về đại thể do sở thích của cá nhân người đó quyết định. Nhưng phương hướng phát triển của cả bộ môn lôgic học thì nhiều hay ít đều bị chế ước bởi nhu cầu của xã hội loài người. Hiện nay, dân tộc Trung Hoa mà mấy nghìn năm nay chỉ dựa vào các nguồn lực và thị trường trong nước cũng có thể duy trì sự sinh tồn của mình đang đối mặt với một vấn đề chưa từng có là: nếu không mở rộng giao lưu với bên ngoài, sẽ không thể tiếp tục phát triển. Mặt khác, theo lý luận của Huntington [27], lần đầu tiên chính trị toàn cầu đã trở thành đa cực và đa văn minh. Do vậy con đường duy nhất để dân tộc Trung Hoa giải quyết vấn đề trên là thiết lập mối liên hệ với nhiều nền văn minh. Khi mà nhìn từ giác độ đánh giá tính hợp lý, sản phẩm tinh thần của các nền văn minh là bình đẳng, thì chỉ có thể thông qua phương thức đối thoại và luận chứng bình đẳng để tiến hành giao lưu. Nhưng tất cả những điều này chỉ có thể thực hiện được nếu hiểu biết phương thức suy lý và luận chứng của đối phương. Cuối cùng, như mọi người đều biết, lôgic cổ đại Trung Quốc [28], lôgic Phật giáo Ấn Độ [29] và lôgic Hy Lạp [30] đã thảo luận về phương pháp suy lý và luận chứng bằng những phương thức khác nhau. Nhưng nhìn từ giác độ ngữ dụng, suy lý là sự thuyết lý vô chủ thể hay đơn chủ thể, còn luận chứng là sự thuyết lý 2 chủ thể hoặc nhiều chủ thể [31]. Do vậy, xét từ giác độ khắc hoạ đặc trưng điển hình, lôgic là lý luận về nguyên tắc thuyết lý. Nhưng nếu chỉ dùng nguyên tắc của một nền văn minh nào đó để tiến hành luận chứng xuyên văn minh thì lối ra duy nhất là: để cho thành viên của một nền văn minh tiếp nhận phương thức luận chứng của một nền văn minh khác, thông qua sự hội tụ của hai nền văn minh ít nhất là ở tầng diện luận chứng để thực hiện “giao lưu”. Rõ ràng đó là giao lưu giả. Do vậy, một vấn đề quan trọng là: liệu có thể tồn tại một thứ quy tắc luận chứng xuyên văn minh hay một thứ lôgic biện luận xuyên văn minh đích thực hay không; nếu câu trả lời là khẳng định thì chúng là gì? Đây là vấn đề nghiên cứu mà lôgic học sẽ phải đối mặt trong tương lai.

 



[1] Ju Shier (Cúc Thực Nhi), Giáo sư, Viện Nghiên cứu Lôgic và Nhận thức, Đại học Trung Sơn và Trung tâm Nghiên cứu Nhận thức và Ngôn ngữ, Đại học Triết Giang, Trung Quốc.

[2] Heinrich Scholz, Lịch sử lôgic giản minh, Nxb Thương mại, 1977, tr. 6-25.

[3] Xem Hegel, Lôgic học, Nxb Nhân dân, 2002, tr. VII, tr. 51.

[4] Xem J. A. Mortimer, Logic in Great Books of the Western World, Encyclopaedia Britannica, Inc., 1990, pp. 798-810.

[5] Xem Wittgenstein, Philosophical Investigations, Blackwell Publishers, Third Edition, 2001.

[6] Xem I. Kant, Logic, Indiapolis, Ind.: Bobbs Merrill, 1974.

[7] Xem Haack, Deviant Logic, Fuzzy Logic, The University of Chicago Press, 1996, pp. 26-27.

[8] Xem George Boole, The Laws of Thought, London: McMillan, 1854, pp. 1-24.

[9] Xem D. Hilbert, "The Foundation of Mathematics", In J. van Heijenoort (ed.), From Frege to Godel. Cambridge, MA: Harvard University Press, 1967.

[10] Xem J. A. Fodor, The Language of Thought, Cambridge: Harvard University Press, 1975.

[11] Xem C. E. Alchourron, P. Gardenfors and D. Makinon, "On the Logic of Theory Change: Partial Meet Contraction and Revision Functions", Journal of Symbolic Logic, vol. 50, 1985, pp. 510-530.

[12] Xem R. Reiter, "A Logic for Default Reasoning", in Artificial Intelligence, vol. 13, nos. 1-2, 1980, pp. 81-132.

[13] J. van Benthem, Exploring Logical Dynamics, Stanford: CSLI Publications, 1996.

[14] Xem M. D. S. Braine & D. F. O & Brien, "A Theory of If: A Lexical Entry, Reasoning Program, and Pragmatic Principles", Psychological Review, 98. Xem P. N. Johnson-Laird, Mental Models, Cambridge, MA: Harvard University Press, 1983.

[15] Xem D. Kahneman & A. Tversky, "Prospect Theory". Econonetrica, vol. 47, no. 2, 1979.

[16] Xem Ju Shier, “Hướng tới tuyến đầu, dũng cảm khám phá”, Báo cáo tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm xây dựng cơ sở nghiên cứu trọng điểm về khoa học xã hội và nhân văn của Bộ Giáo dục, Bắc Kinh, tháng 5 năm 2001.

[17] Xem Huntington, Sự đụng độ giữa các nền văn minh và việc tái lập trật tự thế giới, Nxb Xinhua, 2005, tr. 29-31.

[18] Xem Wittgenstein, Philosophical Investications, Blackwell Publishers, Third Edition, 2001.

[19] Xem Baghramian, Relativism, Routledge, 2004, pp. 100-101.

[20] Xem Evans-Pritchchard, Witchcrraft, Oracles, and Magic among the Azande, Oxford: Clarendon Press, 1937/1976, pp. 3-4.

[21] Xem Cui Qingtian, So sánh lôgic Mặc gia và lôgic Aristote, Nxb Nhân dân, 2004, tr. 160-166.

[22] Xem Stcherbatsky, Lôgic Phật giáo, Nxb Thương mại, 1997, tr. 365-368.

[23] Xem J. A. Mortimer, Logic in Great Books of the Western World.

[24] Zhang Dongsun, “Tư tưởng và văn hoá”, Lý tính và lương tri – Văn tuyển Zhang Dongsun, Nxb Viễn Đông Thượng Hải, 1995, tr. 387. Zhang Dongsun, “Các lôgic và văn hoá khác nhau, kiêm bàn về lý học Trung Quốc”, Lý tính và lương tri – Văn tuyển Zhang Dongsun, tr. 360.

[25] Xem Huntington, Sự đụng độ giữa các nền văn minh và việc tái lập trật tự thế giới, tr. 26.

[26] Xem Ju Shier, Nghiên cứu xác suất quy nạp phi Baska, Nxb Nhân dân Triết Giang, 1993.

[27] Xem Huntington, Sự đụng độ giữa các nền văn minh và việc tái lập trật tự thế giới, tr. 4-5.

[28] Xem Lin Mingjun, Ceng Xiangyun, Những tìm tòi mới về lôgic học, Nxb Đại học Trung Sơn, 2000.

[29] Xem Stcherbatsky, Lôgic Phật giáo, tr. 1-2.

[30] Xem Aristotle, Bàn về công cụ, Nxb Đại học Nhân dân Trung Quốc, 2003.

[31] Xem Benthem, "A Mini-guide to Logic in Action", Philosophical Researches (supplement), 2003, pp. 21-30.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt