CHỐNG ĐUY-RINH - MỤC LỤC
XIII. PHÉP BIỆN CHỨNG. PHỦ ĐỊNH CỦA PHỦ ĐỊNH
FRIEDRICH ENGELS (1820-1895)
C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 20. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2004. | Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn | Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh.
"Bức phác hoạ lịch sử ấy" (nguồn gốc của cái gọi là tích luỹ ban đầu của tư bản ở Anh) "là một cái gì còn tương đối khá nhất trong quyển sách của Mác, và nó sẽ còn khá hơn nữa, nếu ngoài cái nạng khoa học ra, nó cũng không dựa vào cả cái nạng biện chứng nữa. Vì thiếu những lý lẽ tốt hơn và sáng suốt hơn, nên ở đây sự phủ định của phủ định theo lối Hê-ghen đã phải làm nhiệm vụ bà đỡ để đỡ cho tương lai lọt ra khỏi lòng của quá khứ. Việc xoá bỏ chế độ sở hữu cá nhân, thực hiện từ thế kỷ XVI theo lối đã nói trên, là sự phủ định thứ nhất. Tiếp theo đó, sẽ có một phủ định thứ hai, phủ định này có tính chất là phủ định của phủ định, và do đó mà có tính chất là khôi phục "chế độ sở hữu cá nhân" nhưng dưới một hình thức cao hơn, xây dựng trên chế độ công hữu về ruộng đất và công cụ lao động. Nếu cái "chế độ sở hữu cá nhân" kiểu mới ấy cũng được Mác gọi là "chế độ sở hữu xã hội", thì chính đấy là biểu hiện sự thống nhất đến cao độ của Hê-ghen, sự thống nhất mà trong đó mâu thuẫn phải được vượt qua, nghĩa là, nói theo lối chơi chữ của Hê-ghen, cái mâu thuẫn vừa được khắc phục vừa được duy trì... Như vậy, việc tước đoạt những điều kiện vật chất bên ngoài... Cứ dựa vào những điều nhảm nhí của Hê-ghen, - chẳng hạn như phủ định của phủ định, - thì khó mà làm cho một người có đầu óc suy nghĩ tin được rằng việc bỏ chung ruộng đất và tư bản là cần thiết... Tính chất quái dị mơ hồ trong các quan niệm của Mác tuy vậy cũng chẳng làm ngạc nhiên người nào đã biết rằng từ tài liệu khoa học đó, tức là từ phép biện chứng của Hê-ghen thì người ta có thể làm được cái gì, hoặc nói cho đúng hơn, từ đó người ta sẽ thu được những điều vô lý gì. Đối với những ai không biết về những ngón láu lỉnh này thì tôi nói thẳng ra rằng, ở Hê-ghen, sự phủ định thứ nhất là khái niệm về tội tổ tông nói trong giáo lý Cơ Đốc, và sự phủ định thứ hai là một sự thống nhất cao hơn dẫn đến sự chuộc tội. Cố nhiên không thể dựa vào sự loại suy kỳ quặc mượn trong lĩnh vực tôn giáo ấy mà xây dựng ra lô-gích của sự thật được... Ông Mác vẫn bình thản trong cái tư tưởng mơ hồ về chế độ sở hữu vừa có tính chất cá nhân vừa có tính chất xã hội của ông ta, và để mặc cho tín đồ của ông phải tự mình giải quyết lấy cái bí ẩn biện chứng sâu kín". Ông Đuy-rinh nói như vậy đấy. Như vậy là, nếu không viện đến sự phủ định của phủ định của Hê-ghen thì Mác không có cách gì khác để chứng minh tính tất yếu của cách mạng xã hội, của việc thực hiện chế độ công hữu về ruộng đất và về những tư liệu sản xuất do lao động tạo ra; và, vì xây dựng lý luận xã hội chủ nghĩa của mình trên sự loại suy kỳ quặc ấy mượn trong tôn giáo nên Mác đi đến kết luận là trong xã hội tương lai sẽ có một chế độ sở hữu vừa có tính chất cá nhân vừa có tính chất xã hội, coi như sự thống nhất đến cao độ kiểu Hê-ghen của mối mâu thuẫn đã được vượt qua. Ta hãy khoan nói tới sự phủ định của phủ định, và hãy xét cái "chế độ sở hữu vừa có tính chất cá nhân vừa có tính chất xã hội" đã. Ông Đuy-rinh cho đó là "đám mây mù", và đáng chú ý là về điểm này, ông ta nói có lý thật. Nhưng tiếc thay trong cái "đám mây mù" ấy hoàn toàn không phải là Mác mà lại chính là ông Đuy-rinh. Thật vậy, cũng như ở trên kia, nhờ khéo sử dụng cái phương pháp "mê sảng" của Hê-ghen, ông ta đã xác định được một cách dễ dàng những tập còn viết dở của bộ "Tư bản" sẽ nhất định phải chứa đựng những nội dung gì, thì ở đây, chẳng cần vất vả mấy, ông ta cũng có thể sửa lại Mác theo Hê-ghen, bằng cách gán cho Mác sự thống nhất cao độ nào đó của chế độ sở hữu mà Mác không hề nói tới nửa lời. Mác có nói: "Đấy là sự phủ định cái phủ định. Nó khôi phục lại chế độ sở hữu cá nhân nhưng dựa trên những thành tựu của thời đại tư bản chủ nghĩa - trên sự hợp tác của những người lao động tự do và sự sở hữu chung của họ về ruộng đất và về những tư liệu sản xuất do chính lao động làm ra. Dĩ nhiên, việc biến chế độ tư hữu phân tán dựa trên cơ sở lao động của bản thân các cá nhân thành chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa, là một quá trình lâu dài, gian khổ và đau đớn hơn nhiều so với việc biến chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa thực tế đã dựa trên một quá trình sản xuất xã hội, thành chế độ sở hữu xã hội"[1]. Chỉ có thế thôi. Như vậy, tình hình tước đoạt những kẻ tước đoạt được coi là sự khôi phục chế độ sở hữu cá nhân, trên cơ sở sở hữu xã hội về ruộng đất và về những tư liệu sản xuất do chính lao động làm ra. Với bất cứ người nào biết tiếng Đức, điều đó có nghĩa là sở hữu xã hội bao gồm ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác, còn sở hữu cá nhân bao gồm các sản phẩm còn lại, tức là những vật liệu tiêu dùng. Và để cho vấn đề, ngay đối với những trẻ em lên sáu cũng có thể hiểu được, ở trang 56 Mác giả định rằng, "một liên minh những người tự do, lao động bằng những tư liệu sản xuất chung và tiêu phí những sức lao động cá nhân của họ một cách tự giác, coi đó là một sức lao động xã hội duy nhất, tức là một liên minh có tổ chức theo kiểu xã hội chủ nghĩa, và Mác lại nói: "Toàn bộ sản phẩm của liên minh những người tự do là một sản phẩm xã hội. Một phần của sản phẩm ấy lại được dùng làm tư liệu sản xuất. Phần đó vẫn thuộc về xã hội1*. Nhưng phần kia thì do các thành viên trong liên minh tiêu dùng với tư cách là tư liệu sinh hoạt. Vì thế, phần đó phải được phân phối giữa họ với nhau2*"[2]. Đó là điều khá sáng rõ, ngay cả đối với bộ óc bị Hê-ghen hoá của ông Đuy-rinh cũng vậy. Chế độ sở hữu vừa có tính chất cá nhân vừa có tính chất xã hội, - cái điều quái dị mơ hồ đó, cái điều vô lý đó, rút ra từ phép biện chứng của Hê-ghen, cái mớ mù mịt đó, cái điều bí ẩn biện chứng sâu kín mà Mác dành cho tín đồ của mình phải giải quyết lấy đó, - một lần nữa lại là sản phẩm của sự sáng tạo tự do và của sự tưởng tượng của ông Đuy-rinh. Mác, người bị ông Đuy-rinh gán cho là môn đệ của Hê-ghen, có trách nhiệm phải đưa ra một sự thống nhất cao độ thật sự, với tư cách là kết quả của sự phủ định của phủ định, nhưng vì Mác làm việc đó không hợp với ý muốn của ông Đuy-rinh, nên ông Đuy-rinh một lần nữa vì lợi ích của chân lý hoàn toàn, lại phải sử dụng cái thể văn cao siêu và tôn quý, để gán cho Mác những điều hoàn toàn do ông Đuy-rinh bịa đặt ra. Một con người hoàn toàn không có khả năng trích dẫn một cách đúng đắn, dù là dưới dạng ngoại lệ, - lẽ dĩ nhiên, một con người như thế thì rất có thể phẫn nộ một cách đạo đức trước "sự thông thái kiểu người Tàu" của những người khác, những người chưa từng có trường hợp nào là không trích dẫn đúng, nhưng chính do đó mà "họ che giấu một cách vụng về sự hiểu biết thiếu sót của họ về toàn bộ tư tưởng của mỗi tác giả mà họ trích dẫn". Ông Đuy-rinh nói phải lắm. Lối viết lịch sử theo thể văn cao siêu ấy muôn năm! Cho đến đây chúng ta vẫn xuất phát từ giả định cho rằng cái thói cứ khư khư trích dẫn sai của ông Đuy-rinh ít ra cũng là xuất phát từ thiện ý, và sở dĩ như thế hoặc là do hoàn toàn không có khả năng hiểu đúng sự vật, hoặc là do một thói quen vốn có của lối mô tả lịch sử với thể văn cao siêu, một thói quen trích dẫn theo trí nhớ, một thói quen thường được gọi là cẩu thả. Nhưng hình như chúng ta đã đi đến chỗ mà, ở ông Đuy-rinh, lượng cũng đã biến thành chất rồi thì phải. Bởi vì nếu chúng ta nghĩ rằng: một là, đoạn văn của Mác vốn đã rất rõ ràng, hơn nữa lại được bổ sung ngay trong cùng một quyển bằng một đoạn khác mà người ta không thể nào hiểu lầm về ý được; hai là, trong bài phê bình bộ "Tư bản" đã nói đến trên kia và đã đăng trong tập "Ergӓnzungsblӓtter", cũng như trong bài phê bình ở tập "Lịch sử phê phán" in lần thứ nhất, ông Đuy-rinh đều chưa phát hiện ra cái quái vật "chế độ sở hữu vừa có tính chất cá nhân vừa có tính chất xã hội" ấy, mà chỉ thấy nó trong bản in lần thứ hai, nghĩa là sau khi đọc lần thứ ba bộ "Tư bản", sau hết là trong bản in lần thứ hai đó đã được chữa lại theo tinh thần xã hội chủ nghĩa, ông Đuy-rinh cần phải gán cho Mác những điều nhảm nhí nhất về tổ chức tương lai của xã hội, để ngược lại ông ta có thể đưa ra với một giọng càng đắc thắng hơn - và ông ta cũng đã làm như thế thật - cái "công xã kinh tế mà tôi đã phác ra về mặt kinh tế và về mặt pháp lý trong cuốn "Bài giảng" của tôi", - nếu chúng ta nghĩ đến tất cả những điều đó, thì chỉ có thể đi đến một kết luận duy nhất là: hầu như ở đây, ông Đuy-rinh buộc chúng ta phải thừa nhận rằng ông ta cố ý "mở rộng một cách bổ ích" tư tưởng của Mác, - tức là bổ ích cho ông Đuy-rinh. Sự phủ định của phủ định giữ vai trò như thế nào, trong tác phẩm của Mác? Ở trang 791 và các trang sau Mác tập hợp những kết luận của phần nghiên cứu kinh tế và lịch sử về cái gọi là tích luỹ ban đầu của tư bản trong 50 trang trước đó[3]. Trước thời đại tư bản chủ nghĩa, nền sản xuất nhỏ đã tồn tại, ít ra là ở Anh, nền sản xuất này dựa trên chế độ sở hữu tư nhân của người lao động đối với các tư liệu sản xuất của mình. Cái gọi là sự tích luỹ ban đầu của tư bản, ở đây là sự tước đoạt những người sản xuất trực tiếp ấy, nghĩa là sự tiêu diệt chế độ sở hữu tư nhân dựa trên cơ sở lao động của bản thân. Sở dĩ có thể tiêu diệt được là vì nền sản xuất nhỏ nói trên chỉ thích hợp với những khuôn khổ sơ khai và chật hẹp của sản xuất và của xã hội, và tới một trình độ phát triển nào đấy, bản thân nền sản xuất ấy tạo ra những phương tiện vật chất để thủ tiêu nó. Việc thủ tiêu này, việc biến các tư liệu sản xuất có tính chất cá nhân và phân tán thành các tư liệu sản xuất tập trung về mặt xã hội, cấu thành tiền sử của tư bản. Khi người lao động đã biến thành người vô sản và các điều kiện lao động của họ biến thành tư bản, khi phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã xác lập, thì việc xã hội hoá lao động hơn nữa và việc tiếp tục biến ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác thành tư bản, và do đó việc tiếp tục tước đoạt những kẻ sở hữu tư nhân, lại mang một hình thức mới. "Bây giờ kẻ cần phải bị tước đoạt không phải là người lao động kinh doanh độc lập nữa mà là nhà tư bản đang bóc lột một số đông công nhân. Việc tước đoạt này tiến hành do tác động của những quy luật nội tại của bản thân nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, bằng cách tập trung tư bản. Một nhà tư bản đánh quỵ nhiều nhà tư bản. Song song với sự tập trung này, hay với việc số lớn những nhà tư bản bị số nhỏ tước đoạt, thì hình thức hiệp tác của quá trình lao động với quy mô ngày càng lớn, việc áp dụng khoa học vào kỹ thuật một cách tự giác, việc khai thác đất đai một cách tập thể và có kế hoạch, việc biến tư liệu lao động thành những tư liệu lao động chỉ sử dụng được một cách tập thể và việc tiết kiệm các tư liệu sản xuất, bằng cách sử dụng chúng như là những tư liệu sản xuất tập thể của lao động xã hội kết hợp, - tất cả những hiện tượng trên đây đều được phát triển. Con số bọn trùm tư bản cướp đoạt và độc chiếm tất cả những lợi lộc của quá trình biến chuyển này càng ít đi, thì ngày càng tăng thêm tình trạng nghèo khổ, áp bức, nô dịch, sa đoạ, bóc lột, nhưng cũng tăng thêm sự công phẫn của giai cấp công nhân không ngừng lớn lên về số lượng, được huấn luyện, thống nhất lại và được tổ chức nhờ chính ngay cơ cấu của bản thân quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa. Tư bản trở thành xiềng xích của cái phương thức sản xuất đã lớn lên cùng với nó và dưới sự che chở của nó. Việc tập trung các tư liệu sản xuất và xã hội hoá lao động đã đạt tới điểm mà cái vỏ tư bản chủ nghĩa trở thành không thể tương dung được nữa. Cái vỏ này vỡ tung ra. Chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa đã đến giờ cáo chung. Những kẻ đi tước đoạt bị tước đoạt"[4]. Và bây giờ, tôi xin hỏi bạn đọc: đâu là những sự lắt léo cầu kỳ của phép biện chứng và những tư tưởng rối rắm, đâu là những quan niệm rối beng và lệch lạc, do đó rốt cuộc tất cả chỉ là một, đâu là những phép mầu nhiệm biện chứng cho các tín đồ, đâu là cái đồ cũ bí ẩn bỏ đi của phép biện chứng và những sự lắt léo xây dựng theo những quy tắc của học thuyết Lô-gô-xơ của Hê-ghen, mà nếu không có thì theo ý ông Đuy-rinh, Mác không thể nào xây dựng được công trình của mình? Mác chỉ chứng minh về mặt lịch sử và ở đây ông tóm tắt gọn lại: cũng như trước kia nền sản xuất nhỏ, do sự phát triển của bản thân nó, tất nhiên đã đẻ ra những điều kiện để thủ tiêu nó, tức là những điều kiện để tước đoạt những người sở hữu nhỏ, thì ngày nay cũng thế, nền sản xuất tư bản chủ nghĩa tự nó cũng đã đẻ ra những điều kiện vật chất nhất định sẽ làm cho nó phải tiêu vong. Quá trình đó là một quá trình lịch sử, và nếu đồng thời nó cũng là một quá trình biện chứng thì đó không phải là lỗi tại Mác, mặc dầu điều đó có khó chịu mấy đối với ông Đuy-rinh chăng nữa cũng vậy. Chỉ sau khi đã trình bày xong sự chứng minh của mình về mặt kinh tế và về mặt lịch sử, Mác mới nói tiếp: "Phương thức sản xuất và chiếm hữu tư bản chủ nghĩa và do đó chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, là sự phủ định thứ nhất đối với chế độ sở hữu tư nhân cá nhân dựa trên lao động của bản thân. Nền sản xuất tư bản chủ nghĩa lại tự nó gây ra cái phủ định bản thân nó với tính tất yếu của một quá trình tự nhiên. Đó là sự phủ định của phủ định và v.v. (xem đoạn trích dẫn ở trên)87. Như vậy là khi gọi quá trình đó là sự phủ định của phủ định thì Mác không phải là muốn lấy điều đó để chứng minh tính tất yếu lịch sử của nó. Trái lại: chỉ sau khi đã lấy lịch sử để chứng minh rằng, trên thực tế, quá trình đó đã có một phần đã diễn ra rồi, còn một phần nhất định sẽ phải diễn ra nữa, thì Mác mới vạch thêm rằng đấy là một quá trình diễn ra theo một quy luật biện chứng nhất định. Tất cả chỉ có thế thôi. Như vậy là ta lại gặp phải một ngón đánh lộn sòng thuần tuý nữa của ông Đuy-rinh, khi ông ta khẳng định rằng, ở đây sự phủ định cái phủ định phải làm nhiệm vụ bà đỡ để cho tương lai lọt khỏi lòng quá khứ, hoặc khẳng định rằng Mác đòi hỏi người ta phải tin vào sự tất yếu của chế độ sở hữu chung về ruộng đất và tư bản (bản thân việc này cũng là một mâu thuẫn bằng xương bằng thịt của ông Đuy-rinh) trên cơ sở tin vào quy luật phủ định của phủ định. Việc ông Đuy-rinh coi phép biện chứng như là một công cụ chỉ dùng để chứng minh, giống như khi nhận thức một cách nông cạn thì người ta có thể coi lô-gích hình thức hay toán học sơ cấp là một công cụ như thế, - đã chứng tỏ rằng ông Đuy-rinh hoàn toàn không hiểu gì bản chất của phép biện chứng cả. Ngay lô-gích hình thức, trước hết, cũng là một phương pháp để tìm ra những kết quả mới, để tiến từ cái biết đến cái chưa biết; thì phép biện chứng cũng vậy, nhưng với một ý nghĩa còn cao hơn nhiều, vì phép biện chứng phá vỡ cái chân trời nhỏ hẹp của lô-gích hình thức, đồng thời lại chứa đựng mầm mống của một thế giới quan rộng lớn hơn. Trong toán học cũng có một mối quan hệ như vậy. Toán học sơ cấp, tức là toán học về những con số không đổi, tự vận động, ít ra là về toàn bộ, trong những giới hạn của lô-gích hình thức; còn toán học về các số biến, mà phần quan trọng nhất là tính những đại lượng vô cùng bé, thì căn bản chỉ là áp dụng phép biện chứng vào các quan hệ toán học mà thôi. Ở đây, so với những sự áp dụng muôn vẻ của phương pháp ấy vào những lĩnh vực nghiên cứu mới, thì sự chứng minh giản đơn nhất định phải đứng vào hàng thứ yếu. Nhưng hầu hết những chứng minh của toán học cao cấp, bắt đầu từ những chứng minh đầu tiên của tính vi phân, nói một cách chặt chẽ thì đều là sai xét theo quan điểm của toán học sơ cấp. Điều này không thể nào khác thế được nếu muốn dùng lô-gích hình thức để chứng minh những kết quả đạt được trong lĩnh vực biện chứng, như trong trường hợp ở đây chẳng hạn. Muốn chỉ dùng một mình phép biện chứng để chứng minh bất cứ một cái gì, đối với một kẻ siêu hình thô lỗ như ông Đuy-rinh thì thật là uổng công, cũng như Lai-bơ-nít-xơ và các môn đồ của ông đã uổng công khi muốn chứng minh cho những nhà toán học đương thời về các nguyên tắc của phép tính các đại lượng vô cùng bé. Số vi phân đã làm cho những nhà toán học này lên cơn kinh giật cũng như ông Đuy-rinh đã lên cơn kinh giật vì sự phủ định cái phủ định, vả lại, trong sự phủ định cái phủ định này số vi phân cũng có vai trò của nó như chúng ta sẽ thấy. Các ngài đó, nếu lúc bấy giờ mà chưa qua đời, thì kết cục cũng phải cằn nhằn mà nhượng bộ không phải vì người ta đã thuyết phục được họ, mà là vì những kết quả thu được bao giờ cũng đúng. Ông Đuy-rinh hiện nay mới vào khoảng tứ tuần, như chính ông nói, và nếu ông ta sống lâu - chúng ta chúc ông ta được như vậy - thì có thể là ông cũng sẽ gặp cảnh ngộ ấy. Nhưng sự phủ định cái phủ định đáng sợ ấy là cái gì mà lại đầu độc cuộc đời ông Đuy-rinh đến như vậy và ở ông ta, nó lại đóng vai trò một tội ác không thể nào tha thứ được cũng như tội xúc phạm tới Chúa trong đạo Cơ Đốc vậy? - Sự thật, đó chỉ là một biện pháp rất giản đơn, diễn ra khắp mọi nơi mọi lúc, mà trẻ em nào cũng có thể hiểu được, nếu người ta gạt bỏ những cái đồ cũ bí ẩn mà triết học duy tâm cũ thường dùng để che giấu quá trình đó và những kẻ siêu hình ngoan cố vào hạng ông Đuy-rinh vẫn tiếp tục dùng để che giấu quá trình ấy hòng có lợi cho mình. Hãy lấy ví dụ một hạt đại mạch. Có hàng nghìn triệu hạt đại mạch giống nhau được xay ra, nấu chín và đem làm bia, rồi tiêu dùng đi. Nhưng nếu một hạt đại mạch như thế gặp những điều kiện bình thường đối với nó, nếu nó rơi vào một miếng đất thích hợp, thì nhờ ảnh hưởng của sức nóng và độ ẩm, đối với nó sẽ diễn ra một sự biến hoá riêng, nó nẩy mầm: hạt đại mạch biến đi không còn là hạt đại mạch nữa, nó bị phủ định, bị thay thế bởi một cái cây do nó đẻ ra, đấy là sự phủ định hạt đại mạch. Nhưng cuộc sống bình thường của cây này như thế nào? Nó lớn lên, ra hoa, thụ phấn và cuối cùng sinh ra những hạt đại mạch mới, và khi hạt đại mạch chín thì thân cây chết đi, bản thân nó bị phủ định. Kết quả của sự phủ định của phủ định này là chúng ta lại có hạt đại mạch như ban đầu, nhưng không phải chỉ là một hạt mà là nhiều gấp mười, hai mươi, ba mươi lần. Các giống ngũ cốc thay đổi rất chậm, vì vậy hạt đại mạch ngày nay gần y hệt như hạt đại mạch một trăm năm trước đây. Nhưng chúng ta hãy lấy một cây cảnh, chẳng hạn như cây thược dược hay cây lan làm thí dụ; nếu ta áp dụng kỹ thuật của người trồng hoa mà tác động vào hạt giống và vào cây mọc ở hạt giống ra: kết quả của sự phủ định của phủ định này là chúng ta không những được nhiều hạt giống hơn, mà lại còn được một loại hạt giống tốt hơn về chất, hạt giống đó sẽ đưa lại những bông hoa xinh đẹp hơn, và mỗi lần lắp lại quá trình đó, mỗi lần có phủ định mới của phủ định đều nâng cao sự hoàn thiện đó. - Cũng như chúng ta đã thấy ở hạt đại mạch, quá trình này cũng diễn ra ở phần lớn các côn trùng, như loài bướm chẳng hạn. Bằng sự phủ định cái trứng, các côn trùng nở ra khỏi trứng, trải qua các giai đoạn biến hoá cho đến khi dậy thì, giao cấu với nhau và lại bị phủ định, tức là chúng chết sau khi quá trình giao cấu đã hoàn thành và con cái đã đẻ ra nhiều trứng. Quá trình này không phải diễn ra một cách đơn giản như thế ở các cây cối và động vật khác, vì trước khi chết, chúng không phải chỉ có ra hạt, đẻ trứng và đẻ con có một lần mà nhiều lần, nhưng ở đây, điều ấy không quan trọng đối với chúng ta; ở đây chúng ta chỉ muốn chứng minh rằng sự phủ định của phủ định là có thật ở cả trong hai ngành của thế giới hữu cơ. Ngoài ra, toàn bộ khoa địa chất cũng là một chuỗi phủ định bị phủ định, một chuỗi những sự phá huỷ liên tiếp các lớp khoáng chất cũ và hình thành các lớp mới. Trước hết, vỏ của quả đất thời nguyên thuỷ do khối lỏng nguội đi mà thành, rồi vỡ ra từng mảnh vì tác dụng của các đại dương, của khí tượng, vì tác dụng hoá học của không khí, và những mảnh vỡ đó lắng xuống đáy biển đọng lại thành từng lớp. Đáy biển có những bộ phận nổi lên khỏi mặt biển, và do đó một lần nữa có nhiều bộ phận của tầng khoáng chất lắng xuống đầu tiên ấy chịu tác dụng của mưa, của khí hậu bốn mùa thay đổi, của ô-xy và của a-xít các-bô-ních trong không khí; các khối đá nóng chảy từ lòng đất tuôn ra qua các tầng vỉa rồi sau đó nguội đi, cũng chịu những tác động như thế. Như vậy là, trong hàng triệu thế kỷ, nhiều lớp mới không ngừng hình thành, rồi bị phá huỷ một phần lớn, và lại đóng góp vào việc cấu tạo những lớp mới khác. Nhưng kết quả của quá trình đó thì lại rất tích cực: tạo ra được một lớp đất trong đó pha trộn rất nhiều nguyên tố hoá học khác nhau, được đánh tan vụn ra, khiến cho một lớp cây cối rất trù mật và hết sức đa dạng được mọc ra. Trong toán học chúng ta cũng thấy như thế. Hãy lấy một số đại số nào đó, ví dụ a chẳng hạn. Phủ định nó đi, thì ta có -a (âm a). Phủ định cái phủ định này đi bằng cách nhân -a với -a thì ta sẽ có +a2, tức là số dương như trước nhưng ở bậc cao hơn, ở luỹ thừa bậc hai. Tuy ta có thể có được cùng một số a2 ấy bằng cách nhân số a dương với tự nó để cùng đi đến a2 nhưng điều đó ở đây không quan trọng. Bởi vì cái phủ định bị phủ định đã gắn rất chặt trong a2 khiến cho a2, trong mọi trường hợp, đều có hai số căn bậc hai, tức là +a và -a. Và việc không thể gạt bỏ cái phủ định bị phủ định, không thể gạt bỏ số căn âm chứa trong bình phương ấy, đã có được một ý nghĩa rất rõ rệt trong các phương trình bậc hai rồi. - Phủ định cái phủ định còn biểu hiện nổi bật hơn nữa trong toán học giải tích cao cấp, trong những "phép cộng các số nhỏ vô hạn" mà chính ông Đuy-rinh cũng tuyên bố là những phép tính cao nhất của toán học, và thông thường người ta vẫn gọi là tính vi phân và tích phân. Các phép tính ấy làm như thế nào? Ví dụ, trong một bài tính nọ, tôi có hai biến số x và y trong đó, nếu một số biến đổi đi thì số kia không thể không biến đổi theo một tỷ số nhất định cho mỗi trường hợp. Tôi làm cho x và y trở thành những số vi phân, nghĩa là tôi giả định x và y là nhỏ vô hạn đến nỗi so với bất cứ một lượng thực nào, dù nhỏ đến mấy đi nữa, thì x và y cũng vẫn mất biến đi, đến nỗi x và y không còn gì hết, ngoài cái tỷ số của chúng đối với nhau, một tỷ số không có một cơ sở nào có thể gọi là cơ sở vật chất được cả, một tỷ số về số lượng mà không có một số lượng nào cả. Như vậy thì dy/dx’, tỷ số của hai vi phân của x và y, sẽ là = 0/0 , nhưng 0/0 được coi như là biểu thức của y/x . Tiện đây tôi chỉ nói thêm rằng cái tỷ số ấy giữa hai lượng đã biến mất đi, cái lúc xác định được là chúng mất biến đi đó, chính là một mâu thuẫn; nhưng điều đó không làm cho chúng ta lúng túng, cũng như trong gần hai trăm năm nay toán học nói chung đã không hề vì thế mà lúng túng. Như vậy phải chăng không có nghĩa là tôi đã phủ định x và y, nhưng không phải phủ định đến mức là không quan tâm gì đến nó nữa như lối phủ định của phép siêu hình, mà là phủ định theo một lối tương ứng với trường hợp đã định. Như vậy là thay cho x và y, tôi đã có cái phủ định chúng tức dx và dy ở trong các công thức hay các phương trình trước mặt tôi. Lúc đó tôi tiếp tục làm tính với các công thức ấy, tôi coi dx và dy như những số thực tuy phải phục tùng một vài quy luật ngoại lệ, và đến một mức nhất định nào đó, tôi phủ định cái phủ định nghĩa là tôi chuyển công thức vi phân thành tích phân, và thay thế cho dx và dy, tôi lại có được những số thực x và y; nhưng lúc đó, không phải là tôi ở vào chỗ mà tôi đã xuất phát, trái lại, tôi đã giải đáp được bài toán mà hình học và đại số học thông thường có lẽ đã nát óc ra mà cũng không giải quyết nổi. Trong lịch sử, tình trạng cũng chẳng khác gì mấy. Tất cả các dân tộc văn minh đều bắt đầu từ chế độ sở hữu chung về ruộng đất. ở tất cả những dân tộc đã vượt qua một giai đoạn nguyên thuỷ nhất định thì chế độ sở hữu chung ấy, trong quá trình phát triển của nông nghiệp, trở thành một trở ngại cho sản xuất. Chế độ sở hữu chung bị huỷ bỏ, bị phủ định, biến thành chế độ sở hữu tư nhân sau những giai đoạn trung gian hoặc dài hơn hoặc ngắn hơn. Nhưng khi nông nghiệp đã phát triển đến một giai đoạn cao hơn nhờ chính chế độ sở hữu tư nhân về ruộng đất, thì ngược lại chế độ sở hữu tư nhân lại trở thành xiềng xích cho sản xuất, - như trường hợp chế độ chiếm hữu ruộng đất nhỏ cũng như lớn ngày nay. Từ đó tất nhiên nảy ra yêu cầu đòi hỏi ngày nay phải phủ định chế độ sở hữu tư nhân về ruộng đất, lại biến nó thành chế độ sở hữu chung. Nhưng yêu cầu này không có nghĩa là khôi phục lại chế độ sở hữu chung nguyên thuỷ trước kia, mà là lập nên một hình thức cao hơn và phát triển hơn nhiều của hình thức chiếm hữu chung, một hình thức không chỉ trở ngại cho sản xuất mà trái lại, lần đầu tiên giải phóng sản xuất khỏi những xiềng xích trói buộc nó, làm cho sản xuất có thể sử dụng được đầy đủ những phát kiến về hoá học và những sáng chế về cơ học hiện đại. Một thí dụ khác nữa. Triết học cổ đại là một thứ chủ nghĩa duy vật nguyên thuỷ tự phát. Đã là một chủ nghĩa duy vật tự phát như vậy, thì nó không đủ năng lực giải thích rõ quan hệ giữa tư duy và vật chất. Nhưng sự cần thiết phải làm sáng tỏ vấn đề đó đã dẫn đến thuyết chủ trương linh hồn tách rời khỏi thể xác được, rồi đến chỗ quả quyết rằng linh hồn ấy là bất diệt, cuối cùng đến nhất thần giáo. Thế là chủ nghĩa duy vật cũ đã bị chủ nghĩa duy tâm phủ định. Nhưng trong sự phát triển về sau của triết học, lại đến lượt chủ nghĩa duy tâm không đứng vững được và bị chủ nghĩa duy vật hiện đại phủ định. Chủ nghĩa duy vật hiện đại - phủ định cái phủ định - không chỉ là phục hồi lại đơn giản chủ nghĩa duy vật cũ, mà đã đưa thêm vào nền móng vững chắc của chủ nghĩa duy vật cũ tất cả nội dung tư tưởng của hai nghìn năm phát triển của triết học của khoa học tự nhiên, và cả nội dung tư tưởng của chính hai nghìn năm lịch sử đó nữa. Nói chung, đây không còn là một triết học nữa, mà là một thế giới quan, nó không cần phải được chứng thực và biểu hiện thành một khoa học đặc biệt nào đó của các khoa học, mà được chứng thực và biểu hiện trong các khoa học hiện thực. Như vậy là ở đây, triết học đã được "vượt qua", nghĩa là "vừa được khắc phục, vừa được bảo tồn", được khắc phục về hình thức, được bảo tồn về nội dung hiện thực. Như thế là ở chỗ mà ông Đuy-rinh chỉ thấy có "chơi chữ", người ta nhìn kỹ hơn thì thấy một nội dung thực sự. Cuối cùng, ngay đến thuyết bình đẳng của Rút-xô, - mà học thuyết Đuy-rinh chỉ là bản sao lại một cách nhạt nhẽo, nghèo nàn, - cũng không thể nào lập lên được nếu không có sự phủ định cái phủ định theo kiểu Hê-ghen làm bà đỡ, - hơn nữa, đây lại là việc ngoài hai mươi năm trước khi Hê-ghen ra đời[5]. Và học thuyết của Rút-xô tuyệt nhiên chẳng hề lấy làm xấu hổ, mà ngay trong lần trình bày đầu tiên, nó cũng đã nêu ra gần như phô trương cái dấu tích của nguồn gốc biện chứng của nó. Rút-xô nói rằng, con người ta khi còn ở trạng thái tự nhiên và dã man, thì đều là bình đẳng; và vì Rút-xô đã coi ngôn ngữ như là một sự bóp méo trạng thái tự nhiên, nên ông ta hoàn toàn có lý khi đem sự bình đẳng giữa các động vật cùng một giống loài áp dụng cả cho con người - động vật, mới đây đã được Hếch-ken phân loại theo kiểu giả thiết thành những Alali, nghĩa là những con người không có ngôn ngữ[6]. Nhưng những con người - động vật bình đẳng ấy lại hơn các động vật khác ở chỗ là có một đặc tính: khả năng đạt đến hoàn thiện, khả năng phát triển hơn nữa; và đó là nguyên nhân của sự bất bình đẳng. Thế là Rút-xô thấy việc sinh ra sự bất bình đẳng là một bước tiến. Nhưng bước tiến này có tính chất đối kháng, nó đồng thời cũng là một bước lùi. "Những thành quả về sau này" (so với trạng thái nguyên thuỷ) dường như chỉ là bước tiến đến sự hoàn thiện của cá nhân3*; - nhưng kỳ thực là đi đến sự suy tàn của loài3*... Nghề luyện kim và nghề nông là hai nghề mà sự phát minh ra đã gây nên cuộc cách mạng lớn lao đó". (Rừng già biến thành đất trồng trọt, nhưng đồng thời nghèo khổ và nô dịch cũng sinh ra vì chế độ sở hữu). "Đối với nhà thơ thì vàng và bạc, nhưng đối với nhà triết học thì chính sắt và lúa mì đã làm cho con người3* trở thành văn minh và làm cho loài3* người mai một". Mỗi bước tiến mới của văn minh đồng thời cũng là một bước tiến mới của sự bất bình đẳng. Xã hội ra đời cùng với văn minh, tất cả những thể chế do xã hội tạo ra đều biến thành những thể chế đi ngược lại mục đích ban đầu của chúng. "Không thể chối cãi được rằng nhân dân lập ra những người thủ lĩnh là để bảo vệ tự do cho mình chứ không phải là để nô dịch mình, và đó chính là đạo luật cơ bản của mọi pháp quyền nhà nước". Tuy vậy, những người thủ lĩnh ấy tất nhiên lại trở thành những kẻ áp bức nhân dân và tăng cường áp bức đến một mức mà sự bất bình đẳng, đẩy tới chỗ tột cùng của nó, lại biến thành cái đối lập với nó, trở thành nguyên nhân của sự bình đẳng: trước mặt bạo chúa, mọi người đều bình đẳng, nghĩa là đều bình đẳng với con số không. "Đây là đỉnh cuối cùng của bất bình đẳng và là điểm cuối cùng khép kín cái vòng tròn và tiếp cận với điểm mở đầu cái vòng tròn4*: chính ở đây, tất cả các cá nhân đều trở lại bình đẳng với nhau, bởi vì họ đều chẳng là gì hết và vì bầy tôi không có luật lệ nào khác ngoài ý muốn của chủ". Nhưng bạo chúa chỉ có thể làm chúa khi nào hắn còn dùng được bạo lực, vì vậy cho nên "khi nào người ta tống cổ hắn, hắn không có gì để oán thán bạo lực cả... Bạo lực duy trì hắn, bạo lực lại lật đổ hắn, mọi việc đều đi theo con đường tự nhiên đúng đắn". Và như vậy bất bình đẳng lại biến thành bình đẳng, nhưng không phải thành cái bình đẳng cũ, tự phát của con người nguyên thuỷ không có ngôn ngữ, mà là bình đẳng cao hơn so với bình đẳng đã ghi trong công ước xã hội. Kẻ đi áp bức bị áp bức trở lại. Đấy là phủ định của phủ định. Thế là không những ta thấy ở Rút-xô có một lối suy nghĩ hầu như giống hệt lối suy nghĩ của Mác trong bộ "Tư bản", mà ngay về chi tiết, còn có cả một loạt những lối nói biện chứng mà Mác vẫn dùng, như là: các quá trình đối kháng về bản chất của nó, thì chứa đựng một mâu thuẫn trong bản thân nó; sự chuyển hoá một cực thành cái đối lập với nó; sau cùng, hạt nhân của toàn bộ: phủ định cái phủ định. Như vậy là tuy rằng năm 1754, Rút-xô chưa có thể nói được cái "tiếng lóng của Hê-ghen", thì 16 năm trước khi Hê-ghen ra đời, Rút-xô cũng đã bị nhiễm nặng cái bệnh dịch của Hê-ghen, tức phép biện chứng của mâu thuẫn, học thuyết về Lô-gô-xơ, thần học, v.v.. Và khi ông Đuy-rinh vận dụng hai con người long trọng của ông thì ông lại tầm thường hoá thuyết bình đẳng của Rút-xô và ông đã rơi vào một mặt nghiêng và từ đó tuột thẳng vào đôi cánh tay của phủ định cái phủ định một cách không thể nào cưỡng lại được. Cái trạng thái trong đó nảy nở sự bình đẳng giữa hai người, được trình bày như một trạng thái lý tưởng và được gọi là "trạng thái nguyên thuỷ" ở trang 271 quyển "Bài giảng về triết học". Mà theo như ở trang 279 thì trạng thái nguyên thuỷ này tất nhiên bị "chế độ cướp bóc" xoá bỏ, - đó là sự phủ định thứ nhất. Nhưng ngày nay, nhờ có triết học hiện thực, chúng ta đã đi tới chỗ xoá bỏ chế độ cướp bóc và thay nó bằng công xã kinh tế dựa trên sự bình đẳng do ông Đuy-rinh sáng chế ra: đó là phủ định cái phủ định, bình đẳng ở một trình độ cao hơn. Thật là một cảnh tượng thú vị, khiến cho người ta mở rộng được tầm con mắt một cách tốt đẹp: bản thân ông Đuy-rinh, con người cao quý ấy, tự mình lại phạm vào cái tội tày trời là phủ định cái phủ định! Vậy phủ định cái phủ định là gì? Là một quy luật vô cùng phổ biến và chính vì vậy mà có một tầm quan trọng và có tác dụng vô cùng to lớn về sự phát triển của tự nhiên, của lịch sử và của tư duy; một quy luật, như ta đã thấy, biểu hiện trong giới động vật và thực vật, trong địa chất học, toán học, lịch sử, triết học, mà ngay bản thân ông Đuy-rinh, mặc dầu tất cả sự chống đối ngoan cố của ông ta, vẫn buộc phải tuân theo, với cách thức riêng của ông ta, mà không hề hay biết. Lẽ dĩ nhiên là tôi còn chưa nói gì đến cái quá trình phát triển đặc thù mà hạt đại mạch đã trải qua từ lúc nảy mầm cho đến lúc thành cây, kết hạt rồi chết đi khi nói rằng đó là phủ định cái phủ định. Chính tính vi phân cũng là phủ định của phủ định. Nghĩa là nếu chỉ hạn chế ở lời khẳng định phổ biến đó, tôi có thể khẳng định một điều vô nghĩa rằng quá trình sống của cây đại mạch là tính vi phân, hoặc thậm chí là chủ nghĩa xã hội. ấy thế mà đấy lại là cái mà bọn siêu hình luôn luôn đem gán cho phép biện chứng. Khi tôi nói rằng tất cả các quá trình đó đều bị sự phủ định cái phủ định, tức là tôi bao quát tất cả các quá trình đó vào trong một quy luật vận động thống nhất ấy, và chính vì thế mà tôi không chú ý đến những đặc điểm của mỗi quá trình đặc biệt tách riêng ra. Nhưng phép biện chứng chẳng qua chỉ là môn khoa học vè những quy luật phổ biến của sự vận động và sự phát triển của tự nhiên, của xã hội loài người và của tư duy. Song người ta cũng có thể cãi lại chúng ta: cái phủ định được thực hiện ở đây không phải là phủ định thật sự; tôi phủ định hạt đại mạch cả trong trường hợp tôi xay nó ra, tôi phủ định một con sâu bằng cách tôi xéo nát nó; phủ định một số dương a - nếu tôi gạch bỏ nó, v.v.. Hay là tôi phủ định câu: "hoa hồng là hoa hồng" bằng cách nói: "hoa hồng không phải là một hoa hồng"; và kết quả sẽ ra sao khi tôi lại phủ định cái phủ định bằng cách nói: "nhưng hoa hồng dù sao vẫn là hoa hồng"? - Những lời phản đối này, thực tế, là những lý lẽ chủ yếu của bọn siêu hình để chống lại phép biện chứng, và cũng hoàn toàn xứng đáng với tính chất hạn chế của tư duy siêu hình ấy. Phủ định, trong phép biện chứng, không phải chỉ có ý nghĩa giản đơn là nói: không, hoặc giả là tuyên bố rằng một sự vật không tồn tại, hay phá huỷ sự vật ấy theo một cách nào đó. Xpi-nô-da cũng đã từng nói: Omnis determinatio est negatio, mọi sự giới hạn hay quy định cũng đồng thời là một sự phủ định[7]. Tiếp nữa, phương thức phủ định ở đây như thế nào, trước hết là do tính chất chung của quá trình, hai là do tính chất riêng của quá trình quyết định. Không những tôi phải phủ định, mà còn phải xoá bỏ sự phủ định ấy một lần nữa. Cho nên phải thiết lập sự phủ định thứ nhất như thế nào cho sự phủ định thứ hai vẫn sẽ còn hay có thể có được. Nhưng làm thế nào để đạt đến chỗ ấy? Cái đó là tuỳ theo tính chất đặc biệt của mỗi trường hợp riêng rẽ. Nếu tôi nghiền nát một hạt đại mạch, hay xéo chết một con sâu, thì đúng là tôi đã hoàn thành bước thứ nhất, nhưng tôi đã làm cho bước thứ hai không có khả năng thực hiện được. Đối với mỗi loại sự vật cũng như đối với mỗi loại quan niệm, khái niệm, do vậy, đều có phương thức phủ định riêng biệt của nó, đó chính là sự phủ định trong đó có sự phát triển. Trong phép tính những đại lượng vô cùng bé, việc phủ định diễn ra một cách khác với khi thành lập những luỹ thừa dương từ những số căn âm. Phải học tập những điều này, cũng như mọi điều khác. Nếu chỉ biết rằng thân cây đại mạch và phép tính những đại lượng vô cùng bé được bao quát trong khái niệm phủ định cái phủ định, tôi vẫn không thể trồng đại mạch thành công, mà cũng chẳng làm được tính vi phân và tính tích phân, cũng như nếu chỉ biết những quy luật về sự quy định thanh âm bằng kích thước của dây đàn, tôi vẫn không thể chơi đàn vĩ cầm ngay được. - Nhưng nếu phủ định cái phủ định chỉ làm cái trò trẻ con, cứ viết ra số a rồi lại xoá nó đi, hay là lần lượt nói rằng bông hoa hồng nọ là hoa hồng rồi lại nói rằng nó không phải là hoa hồng, thì, ngoài cái ngu xuẩn của một kẻ miệt mài trong những trò chơi tẻ ngắt ấy, hiển nhiên là người ta chẳng rút ra được một cái gì hết. ấy thế mà bọn siêu hình lại muốn làm cho chúng ta tin rằng nếu chúng ta cứ muốn thực hiện sự phủ định cái phủ định thì phải làm như thế mới là đúng. Thế là một lần nữa, chính ông Đuy-rinh lại mê hoặc chúng ta khi ông ta quyết đoán rằng phủ định cái phủ định là một loại suy kỳ quái do Hê-ghen sáng chế ra, lấy trong lĩnh vực tôn giáo và xây dựng trên lịch sử của tội tổ tông và của sự chuộc tội. Từ lâu người ta đã suy nghĩ một cách biện chứng trước khi biết biện chứng là gì, cũng như từ lâu người ta đã nói theo văn xuôi trước khi có danh từ "văn xuôi"[8]. Quy luật phủ định cái phủ định thực hiện một cách không có ý thức trong tự nhiên, trong lịch sử, và cả trong đầu óc ta nữa, trước khi ta nhận thức được nó, - quy luật đó lần đầu tiên đã được Hê-ghen nêu lên một cách nổi bật. Và nếu chính ông Đuy-rinh cũng muốn làm theo quy luật đó một cách lén lút, và nếu chỉ có cái tên gọi là làm ông ta khó chịu, thì ông ta cứ việc tự do đi tìm một cái tên gọi hay hơn. Nhưng nếu ông ta lại muốn gạt bỏ bản thân quy luật đó ra khỏi tư duy, thì trước hết hãy xin ông làm ơn bỏ nó ra khỏi tự nhiên và khỏi lịch sử đi đã, và xin ông hãy sáng chế ra một môn toán học trong đó -a x -a không thành +a2, và trong đó cấm không được vi phân và tích phân gì cả, ai không tuân theo sẽ bị phạt.
[1] Xem C.Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t.23, tr. 1059-1960. Một số khác biệt giữa nguyên văn đoạn trích dẫn trong “Chống Đuy-rinh” và nguyên văn đoạn này trong t.23 cho ta thấy rằng Ăng-ghen trích "Tư bản" tập I xuất bản lần thứ hai bằng tiếng Đức (1872), còn bản dịch ra tiếng Nga của "Tư bản" tập I là theo lần xuất bản thứ tư bằng tiếng Đức (1890), trong đó đoạn trích dẫn có vài chỗ thay đổi. 1* Do Ph. Ăng-ghen nhấn mạnh. 2* Do Ph. Ăng-ghen nhấn mạnh. [2] Xem C.Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t. 23, tr. 123-125. [3] Trong C.Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t.23, chương XXIV t.I bộ "Tư bản" "Cái gọi là tích luỹ ban đầu" - gồm các tr. 364-449 (tương đương với tr. 742-793 trong bản in bằng tiếng Đức năm 1872). Trang 444-445 (tương đương với tr. 791 trong bản in bằng tiếng Đức năm 1872) bắt đầu mục thứ bảy và cuối cùng của chương đó - "Xu hướng lịch sử của tích luỹ tư bản chủ nghĩa". [4] Xem C.Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t.23, tr. 1058-1060. Về sự khác nhau giữa đoạn trích này trong "Chống Đuy-rinh" và đoạn này trong t.23. [5] Đây muốn nói đến tác phẩm của Rút-xô "Bàn về nguồn gốc và những nguyên nhân của tình trạng bất bình đẳng giữa con người" (xem chú thích 25), được viết vào năm 1754. ở dưới nữa, Ăng-ghen trích dẫn phần hai của tác phẩm đó, xuất bản năm 1755, tr. 116, 118, 146, 175, 176 và 176 – 177. [6] E. Haeckel. "Natỹrliche Schửpfungsgeschichte". 4 Aufl., Berlin, 1873, S. 590-591. Trong sự phân loại của Hếch-ken, Alali theo ý nghĩa riêng là giai đoạn trước trực tiếp của người. Alali - đó là "những con người nguyên thuỷ không có ngôn ngữ", nói đúng hơn là những người vượn. Giả thuyết của Hếch-ken và về sự tồn tại những hình thái quá độ giữa những con vượn hình người và những con người hiện nay được xác nhận vào năm 1891 khi nhà nhân chủng học Hà Lan E. Đuy-boa tìm thấy ở quần đảo Gia-va những tàn tích của các hình người cổ đại hoá thạch được gọi là những người vượn. 3* Do Ph. Ăng-ghen nhấn mạnh. 4* Do Ph. Ăng-ghen nhấn mạnh. [7] Trong thư của Xpi-nô-da gửi I-a-rích I-en-lét ngày 2 tháng Sáu 1674 (xem B. Xpi-nô-da, "Thư tín", thư 50) đã gặp thành ngữ "determinatio est negatio", trong thư thành ngữ này có nghĩa là "sự giới hạn là một sự phủ định". Thành ngữ "omnis determinatio est negatio" và sự giải thích nó theo nghĩa "mọi sự quy định là một sự phủ định" người ta bắt gặp trong các tác phẩm của Hê-ghen, do đó nó đã được nhiều người biết (xem "Bách khoa toàn thư các khoa học triết học", ph. I. Đ91, Phụ chú; "Khoa học lô-gích", q. I, ph. I, ch. 2, chú thích cho đoạn nói về chất lượng "Các bài giảng về lịch sử triết học", t.I, q.I, ch. I, đoạn nói về Pác-mê-ni-đơ). [8] ám chỉ một đoạn nổi tiếng trong vở hài kịch của Mô-li-e "Trưởng giả học làm sang", hồi II, màn thứ sáu. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC