Nhận thức luận | Khoa học luận

Tri thức tuyệt đối (I)

 

TRI THỨC TUYỆT ĐỐI

1

2

3

 

[I. Nội dung đơn giản của Tự-ngã:

Tự-ngã tự chứng tỏ như là Tồn tại khách quan:][1]

 

GEORG WILHELM FRIEDRICH HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel, “Tri thức tuyệt đối” trong Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã có sự đồng ý của dịch giả.


 

 

§ 788

Tinh thần của tôn giáo khải thị đã vẫn chưa vượt qua được [chỗ đứng] ý thức của nó, xét như là ý thức; hay, cũng đồng nghĩa như thế, Tự-ý thức hiện thực của nó không phải là đối tượng của ý thức của nó. | Bản thân Tinh thần nói chung [xét toàn bộ] và những yếu tố tự phân biệt trong đó đều rơi vào trong sự hình dung bằng biểu tượng [hình tượng] (Vorstellen) và mang hình thức của tính đối tượng khách quan. Nội dung của việc hình dung bằng biểu tượng [quả] là Tinh thần-tuyệt đối, và vấn đề duy nhất còn phải làm là vượt bỏ (Aufheben) [cái chỉ là] hình thức đơn thuần này đi; hay, nói đúng hơn, bởi hình thức này thuộc về ý thức xét như là ý thức, nên [ý nghĩa] chân lý đúng thật của hình thức phải đã được chỉ ra trong những hình thái của ý thức này.

Việc vượt qua (Überwindung) đối tượng của ý thức không được phép hiểu như việc làm đơn phương trong đó đối tượng tự cho thấy đang quay trở lại vào trong Tự ngã; trái lại, việc vượt qua này phải được hiểu theo ý nghĩa chính xác hơn: đối tượng, xét như là đối tượng, không chỉ tự thể hiện đối với Tự ngã như là một yếu tố đang tiêu biến đi mà hơn thế, nó là sự xuất nhượng của bản thân Tự-ý thức, thiết định nên vật tính (Dingheit) [tạo nên tính đối tượng] và sự xuất nhượng này không chỉ có ý nghĩa phủ định mà còn có ý nghĩa khẳng định; không chỉ cho-ta hay tự-mình, mà cho bản thân Tự-ý thức. Cái phủ định của đối tượng hay sự tự vượt bỏ của đối tượng có ý nghĩa khẳng định cho Tự-ý thức; nghĩa là, Tự-ý thức biết tính “hư vô” của đối tượng, bởi một mặt, bản thân Tự-ý thức tự xuất nhượng chính mình – vì trong sự xuất nhượng này, Tự-ý thức thiết định chính mình như là đối tượng hay thiết định đối tượng như là chính mình nhờ vào sự thống nhất không thể tách rời của sự tồn tại-cho mình. Mặt khác, cũng còn có một yếu tố khác ở trong tiến trình thiết định này, đó là: Tự-ý thức cũng đồng thời thủ tiêu và thu hồi sự tự-xuất nhượng và tính đối tượng khách quan [do sự tự xuất nhượng tạo ra] này vào lại trong chính mình khiến cho nó là “ở trong nhà với chính mình” (bei sich) trong chính cái tồn tại-khác của mình, xét như cái tồn tại-khác. Đó là sự vận động của ý thức, và trong tiến trình vận động này, ý thức là [tính] toàn thể (Totalität) của những yếu tố của nó.

Cũng thế, ý thức cũng phải hành xử với đối tượng tương ứng với toàn thể những quy định [những phương diện và giai đoạn] của đối tượng và, như thế, đã nắm bắt đối tượng theo quan điểm của từng mỗi quy định ấy. Tính toàn thể này của những quy định của đối tượng biến đối tượng thành bản chất tinh thần (geistiges Wesen) một cách tự-mình; và đối tượng thực sự trở thành bản chất tinh thần cho ý thức, khi ý thức lãnh hội từng sự quy định riêng lẻ [từng phương diện và giai đoạn] của đối tượng như là một quy định của Tự ngã; hay, khi ý thức hành xử bằng mối quan hệ mang tính tinh thần nói trên với tất cả những quy định ấy[2].

§ 789

Vậy [theo đó], đối tượng, một phần, là tồn tại trực tiếp hay là một sự vật nói chung tương ứng với [loại] ý thức trực tiếp [xem: Chương I]; một phần, là một sự “trở thành cái khác” của chính nó, tức, là [khi ở trong] mối quan hệ, hay là tồn tại-cho cái khác và tồn tại-cho mình, tức là “tính quy định”, tương ứng với tri giác [xem: Chương II]; và phần khác nữa, là cái bản chất hay như là cái phổ biến, tương ứng với giác tính [xem: Chương III]. Còn đối tượng, với tư cách là cái toàn bộ (Ganzes), là “suy luận” (der Schluß) [kết quả đã được trung giới], hay nói khác đi, là sự vận động [chuyển hóa] của cái phổ biến thành tính cá biệt thông qua [trung giới] của sự quy định (Bestimmung); đồng thời cũng là sự vận động ngược lại từ tính cá biệt thành cái phổ biến thông qua tính cá biệt đã được thủ tiêu, vượt bỏ (aufgehobene Einzelheit), hay, thông qua sự quy định [nhất định] (Bestimmung)[3].

Như thế, ý thức phải biết đối tượng như là chính mình tương ứng với cả ba sự quy định [ba phương diện] này. Tuy nhiên, cái biết nói ở đây không phải là cái biết theo nghĩa là sự lãnh hội thuần túy bằng Khái niệm (reines Begreifen) về đối tượng; trái lại, ở đây, cái biết này được vạch ra chỉ trong sự trở thành [sự phát triển] của nó, tức được vạch ra trong những yếu tố khác nhau của nó dựa theo phương diện [hay phương cách] tương ứng với ý thức, xét như là ý thức; và, những yếu tố của Khái niệm đích thực, của Tri thức thuần túy [đang còn] mang hình thức là những hình thái (Gestaltungen) của ý thức[4]. Vì lý do đó, đối tượng – khi hiện diện trong ý thức, xét như là ý thức – chưa xuất hiện ra như là “tính bản chất Tinh thần” (geistige Wesenheit) như cách chúng ta [nhà hiện tượng học] vừa phát biểu. | Thái độ hành xử của ý thức đối với đối tượng không phải là thái độ xem xét nó trong tính toàn thể này, xét như tính toàn thể, cũng không phải trong hình thức Khái niệm thuần túy về tính toàn thể ấy; trái lại, phần thì như [một] hình thái của ý thức nói chung, phần thì như một số lượng đơn vị (Anzahl) của nhiều hình thái được bản thân chúng ta [nhà hiện tượng học phân tích và theo dõi tiến trình] tập hợp lại, trong đó, tính toàn thể của những yếu tố của đối tượng và của mối quan hệ của ý thức đối với đối tượng có thể được vạch ra đơn thuần như là được phân giải ra thành những mô-men (Momente) của nó[5].

§ 790

Vậy, để hiểu phương diện [phương pháp] này của việc lãnh hội đối tượng khi việc lãnh hội ấy được mang lại trong hình thái của ý thức, ta chỉ cần ôn lại những hình thái của ý thức đã xuất hiện ra trước đây.

Đối với đối tượng, trong chừng mực nó là trực tiếp, tức là một tồn tại dửng dưng, ta đã thấy Lý tính – trong giai đoạn là Lý tính quan sát [xem §240 và tiếp] – đi tìm và tìm thấy chính mình ở trong cái sự vật dửng dưng này, nghĩa là, ta thấy Lý tính cũng ý thức rằng hoạt động của nó ở đó là một hoạt động ngoại tại, cũng như đã có ý thức về đối tượng chỉ như về một đối tượng trực tiếp. Ta cũng đã thấy đặc tính của Lý tính quan sát thể hiện ở đỉnh cao trong phán đoán vô tận (unendlich): “Tồn tại của cái Tôi là một sự vật” [xem lại: §346]. Hơn thế, cái Tôi còn là một sự vật cảm tính và trực tiếp: [song] khi cái Tôi được gọi là “linh hồn” thì tuy nó cũng được hình dung như sự vật, nhưng lại là một sự vật không nhìn thấy được, không cảm thấy được v.v.., tức là, trong thực tế, không phải là một tồn tại trực tiếp và không phải là một sự vật theo cách hiểu thông thường. Do đó, nếu nắm lấy phán đoán “cái Tôi là một sự vật” nói trên theo nghĩa [đen] trực tiếp của nó, phán đoán ấy là vô-tinh thần hay nói đúng hơn, là bản thân cái “vô-tinh thần” (das Geistlos) [chưa có tính tinh thần]. Thế nhưng, xét theo Khái niệm về nó, phán đoán ấy trong thực tế lại là phán đoán mang tính tinh thần phong phú nhất (geistreichst); và cái [ý nghĩa] bên trong này của nó – chưa có mặt nơi nó – sẽ được thể hiện bởi hai yếu tố khác mà ta sẽ xem xét sau đây[6].

§ 791

 “Sự vật là cái Tôi”. | Trong thực tế, sự vật đã được vượt bỏ (aufgehoben) ở trong phán đoán vô tận này. | Sự vật không là gì cả nơi tự mình nó (an sich); nó chỉ có ý nghĩa trong mối quan hệ, [tức] chỉ thông qua cái Tôi và sự quy chiếu của nó với cái Tôi. Yếu tố này đã tự bộc lộ cho ý thức trong sự Thức nhận thuần túy và sự Khai sáng [xem lại: §538 và tiếp]. Những sự vật chỉ đơn thuần là có ích và chỉ được xem xét theo giác độ tính hữu ích của chúng. [Xem lại: §579 và tiếp]. Tự-ý thức đã được đào luyện, đã trải qua thế giới của Tinh thần tự-tha hóa, thông qua việc tự xuất nhượng chính mình, đã tạo ra sự vật như là chính mình; vì thế, vẫn còn bảo tồn chính mình ở trong sự vật và biết tính không độc lập tự chủ của sự vật; nói cách khác, biết rằng sự vật, về bản chất, chỉ là sự tồn tại-cho cái khác. | Hoặc, để diễn tả hoàn chỉnh mối quan hệ, nghĩa là để diễn tả những gì duy nhất tạo nên bản tính của đối tượng ở đây, sự vật tuy có giá trị đối với Tự-ý thức như một cái tồn tại-cho mình [độc lập]; và Tự-ý thức tuyên bố rằng sự xác tín cảm tính là chân lý tuyệt đối; nhưng, bản thân sự “tồn tại-cho mình” này cũng được xem như là một yếu tố đơn thuần tiêu biến đi và chuyển hóa sang cái đối lập của nó, tức sang sự tồn tại bị phó mặc “cho-cái khác”[7].

 

§ 792

Nhưng, ở giai đoạn này, cái biết về sự vật chưa phải là đã hoàn tất. | Sự vật còn phải được biết như là Tự ngã không chỉ từ giác độ của tính trực tiếp của sự tồn tại và của tính quy định (Bestimmheit) của sự vật, mà còn như là cái Bản chất hay cái Bên trong. Điều này được mang lại ở trong Tự-ý thức luân lý [xem lại: §599 và tiếp][8]. Hình thái kinh nghiệm này biết về cái biết của mình như là tính bản chất tuyệt đối (absolute Wesenheit); nói khác đi, biết rằng Tồn tại hoàn toàn (schlechthin) là ý chí thuần túy hay là cái biết [Tri thức] thuần túy và chỉ duy nhất là ý chí và cái biết này mà thôi. | Bất kỳ cái gì khác đều chỉ có sự tồn tại không-bản chất, nghĩa là, không có cái bản tính tồn tại-tự mình mà chỉ là cái vỏ rỗng của tồn tại mà thôi. Trong chừng mực ý thức luân lý để cho sự hiện hữu [nhất định] (Dasein) thoát ly khỏi Tự ngã, thì, trong cái nhìn [luân lý] của nó về thế giới, nó thu hồi sự hiện hữu ấy trở lại vào trong chính nó. Sau cùng, với tư cách là “lương tâm” [xem lại: §632 và tiếp], nó không còn là sự thay đổi liên tục của việc “đặt vị trí” (stellen) rồi “tráo chỗ” (verstellen) [giả vờ] giữa hiện hữu và Tự ngã: nó biết rằng sự hiện hữu của nó, xét như là sự hiện hữu, là sự xác tín thuần túy về chính mình; còn môi trường (Element) khách quan, trong đó nó đặt mình vào khi hành động cũng không gì khác hơn là cái biết thuần túy của Tự ngã về chính mình[9].

§ 793

Trên đây là những yếu tố kết hợp nên sự hòa giải của Tinh thần với chính ý thức của nó. | Xét một cách độc lập, “cho-mình”, chúng là những yếu tố cá biệt, đơn lập, và chỉ duy có sự thống nhất mang tính tinh thần của chúng mới tạo nên sức mạnh cho sự hòa giải này. Tuy nhiên, yếu tố sau cùng trong các yếu tố này mới tất yếu là bản thân sự thống nhất [nhất thể] này, và, trong thực tế, như đã rõ, nối kết tất cả chúng lại vào trong chính mình [trong sự thống nhất][10]. Tinh thần-xác tín về chính mình ở trong sự hiện hữu [khách quan] của mình có môi trường (Element) của sự hiện hữu không gì khác hơn là cái biết này về chính mình [tức lương tâm]. | Lời tuyên bố rằng những gì nó [Tinh thần] làm là làm đúng theo sự tin chắc của nó về nghĩa vụ; chính ngôn ngữ này của nó khẳng định giá trị hiệu lực (das Gelten) cho hành động của nó.

Hành động là sự phân cắt (das Trennen) đầu tiên và tự-mình đối với tính đơn giản của Khái niệm và [đồng thời cũng] là sự quay trở lại từ sự phân cắt này[11]. Vận động trước chuyển hóa (umschlägt) thành vận động sau, bởi môi trường của sự thừa nhận – với tư cách là cái biết đơn giản về nghĩa vụ – thiết định chính mình đối lập lại với sự phân biệt và sự phân đôi vốn nằm sẵn trong hành động, xét như hành động; và, bằng cách ấy, hình thành nên một hiện thực đanh thép đối đầu với hành động. Thế nhưng, trong việc tha thứ [xem lại: §§669-670], ta đã thấy sự đanh thép này đã tự nhường chỗ và rút lại những yêu sách của mình [tự-xuất nhượng] như thế nào. Như vậy, ở đây, đối với Tự-ý thức, hiện thực, – như là sự hiện hữu trực tiếp –, không có ý nghĩa nào khác hơn là cái biết thuần túy; cũng thế, – với tư cách là sự hiện hữu nhất định, hay với tư cách là mối quan hệ –, cái tự đứng ở thế đối lập này [hiện thực] là một cái biết vừa về cái Tự ngã cá biệt một cách thuần túy này, vừa về cái biết như là cái biết phổ biến. Đồng thời, điều được thiết định nên nơi đây chính là: yếu tố thứ ba – tính phổ biến hay bản chất –, đối với mỗi yếu tố trong cả hai yếu tố đối lập nhau ấy, đều chỉ có ý nghĩa [hay giá trị] như là CÁI BIẾT thôi. | Và sau cùng, chúng đều thủ tiêu và vượt bỏ (aufheben) sự đối lập trống rỗng còn sót lại và đều là CÁI BIẾT VỀ CÁI TÔI = [ĐỒNG NHẤT VỚI] CÁI TÔI: cái Tự ngã cá biệt này là CÁI BIẾT THUẦN TÚY MỘT CÁCH TRỰC TIẾP HAY LÀ CÁI BIẾT PHỔ BIẾN. [Xem lại: cuối §671][12].

§ 794

Qua đó, sự hòa giải này của ý thức với Tự-ý thức cho thấy đã được hình thành theo phương cách có hai mặt [từ hai phương diện]: một mặt trong Tinh thần tôn giáo, mặt khác, trong bản thân ý thức, xét như ý thức. Hai phương cách này phân biệt với nhau ở chỗ: cái trước là sự hòa giải này nhưng trong hình thức của “tồn tại-tự mình” (Ansichsein) [nội dung tuyệt đối]; cái sau là trong hình thức của “tồn tại-cho mình” (Fürsichsein) [Tự-ý thức]. Như ta đã xem xét, thoạt đầu hai mặt này tách rời nhau. | Trong trình tự xuất hiện ra cho ta của những hình thái của ý thức, ý thức một mặt, đã đạt đến những mô-men (Momente) cá biệt của trình tự này[13] và mặt khác, đã đạt đến sự hợp nhất của chúng rất lâu trước khi tôn giáo mang lại cho đối tượng của nó hình thái của Tự-ý thức hiện thực[14]. [Song], sự hợp nhất của hai phương diện này vẫn chưa được chỉ ra [một cách sáng tỏ]; điều này [sự hợp nhất] chính là cái sẽ khép lại chuỗi này của những hình thái của Tinh thần, bởi trong đó, Tinh thần sẽ đạt đến chỗ biết chính mình không đơn thuần như là “tự-mình”, – hay có được nội dung tuyệt đối[15] của mình; cũng không chỉ như là “cho-mình” [một cách khách quan] căn cứ vào hình thức suông, không có nội dung, tức căn cứ vào phương diện của Tự-ý thức[16], mà như là “tự-mình và cho-mình” (an und fürsich) [vừa trong bản chất vừa trong hiện thực].

§ 795

Tuy nhiên, sự hợp nhất này đã diễn ra một cách tự-mình [mặc nhiên], kể cả trong tôn giáo, tức ở trong sự quay trở lại của tư duy-biểu tượng vào trong Tự-ý thức, nhưng lại không đúng theo hình thức đích thực, bởi phương diện tôn giáo là phương diện của cái tự-mình, đứng đối lập lại với tiến trình của Tự-ý thức[17]. Cho nên, sự hợp nhất lại thuộc về phương diện khác này, tức thuộc về phương diện đối lập, phương diện của việc phản tư vào trong chính mình [Tự-ý thức]; do đó, là phương diện chứa đựng cả hai: bản thân mình và cái đối lập của mình; và không chỉ chứa đựng chúng một cách “tự-mình” [mặc nhiên] hay theo kiểu phổ biến, mà là “cho-mình”, tức là theo kiểu đã được phát triển [một cách minh nhiên] và được phân biệt. Nội dung – cũng như phương diện khác của Tinh thần tự giác [Tự-ý thức], trong chừng mực nó là phương diện khác – đã được mang ra ánh sáng và có mặt ở đây trong tính trọn vẹn của chúng: sự hợp nhất vẫn còn thiếu chính là sự thống nhất [nhất thể] đơn giản của Khái niệm[18]. Bản thân Khái niệm này cũng đã hiện diện nơi phương diện của Tự-ý thức, nhưng, như đã từng xuất hiện ra cho ta ở các giai đoạn trước đây, Khái niệm ấy – giống như mọi yếu tố khác –, phải mang hình thức là một hình thái đặc thù của ý thức. Vì vậy, Khái niệm này là bộ phận của hình thái [hiện thân] của Tinh thần xác tín về chính mình, tức [loại] Tinh thần vẫn còn ở yên (stehen bleibt) bên trong Khái niệm [nguyên tắc bản chất] của chính mình và đã được mệnh danh là “tâm hồn đẹp” [xem lại: §§655-658]. Có nghĩa là, “tâm hồn đẹp” là cái biết của Tinh thần về chính mình ở trong sự thống nhất [nhất thể] trong suốt thuần túy của mình: Tự-ý thức – nhận biết cái biết thuần túy này về sự “tồn tại bên trong chính mình thuần túy” (reines Insichsein) [sự “nội tâm hóa”, “sự tập trung vào bên trong chính mình”] như là Tinh thần – thì không phải đơn thuần là trực quan về cái Thần linh mà là sự Tự-trực quan (Selbstanschauung) của bản thân cái Thần linh về chính mình[19]

 [Nhưng], vì lẽ Khái niệm này [của “tâm hồn đẹp”] bám chặt vào tư thế đối lập lại với việc hiện thực hóa Khái niệm ấy [vì e sợ “tâm hồn đẹp” sẽ bị “hiện thực” làm ô nhiễm], nên nó là một hình thái phiến diện, đơn phương và ta đã thấy nó tiêu biến đi như làn khói mỏng [cuối §658], nhưng đồng thời cũng đã thấy nó tự xuất nhượng [tự từ bỏ] chính mình một cách tích cực và tiếp tục tiến lên. Nhờ việc “hiện thực hóa” này, cái Tự-ý thức không-có đối tượng ấy ngưng không còn tự bám chặt vào chính mình nữa; tính quy định (Bestimmheit) của Khái niệm vốn đối lập lại với sự lấp đầy [hiện thực hóa] chính mình cũng tự thủ tiêu đi. | Tự-ý thức của nó đạt tới được hình thức của tính phổ biến; và cái còn lại cho Tự-ý thức chính là Khái niệm đúng thật của nó, là Khái niệm đã đạt được sự hiện thực hóa chính mình, là Khái niệm trong chân lý đúng thật của nó, tức là, Khái niệm trong sự thống nhất của nó với sự xuất nhượng ra bên ngoài của chính mình. | Nó là cái biết về cái biết thuần túy, không theo nghĩa là về cái bản chất trừu tượng như là về nghĩa vụ, mà theo nghĩa của cái bản chất chính là cái biết này, là cái Tự-ý thức thuần túy này: cái Tự-ý thức, do đó, đồng thời là đối tượng đúng thật bởi nó[20] là cái Tự ngã đang hiện hữu-cho mình [xem lại: cuối §671][21].

§ 796

Khái niệm này đã mang lại cho mình sự thực hiện, một phần trong Tinh thần hành động, xác tín về chính mình [tức lương tâm và tâm hồn đẹp], và phần khác, ở trong tôn giáo. | Trong tôn giáo, Khái niệm này đã đạt được nội dung tuyệt đối xét như là nội dung, hay nói cách khác, là nội dung trong hình thức của tư duy-biểu tượng, của cái “tồn tại-khác” cho ý thức. | Còn ngược lại, trong hình thái trước [Tinh thần xác tín về chính mình], hình thức lại chính là bản thân Tự ngã, bởi hình thái này chứa đựng Tinh thần hành động, xác tín về chính mình: chính Tự ngã hiện thực hóa đời sống của Tinh thần-Tuyệt đối. Như ta thấy, hình thái này chính là Khái niệm đơn giản ấy, song, là Khái niệm từ bỏ Bản chất vĩnh cửu của chính mình, hiện hữu một cách khách quan (da ist) [theo một phương cách nhất định], nghĩa là, đang hành động. [Sức mạnh tạo ra] sự phân đôi hay sự xuất hiện ra bên ngoài (Hervortreten) [từ trạng thái “tồn tại ở bên trong” – Insichsein] của nó bắt nguồn từ tính thuần túy của Khái niệm, bởi tính thuần túy này là sự trừu tượng tuyệt đối hay là tính phủ định. Cũng thế, Khái niệm có được môi trường của hiện thực hay của sự tồn tại ở ngay trong bản thân cái biết thuần túy, vì cái biết thuần túy này là tính trực tiếp đơn giản – tức vừa là tồn tại (Sein), hiện hữu (Dasein) và bản chất (Wesen) cùng một lúc: cái trước là tư duy phủ định, cái sau là tư duy khẳng định. Sau cùng, sự hiện hữu này (Dasein) cũng đồng thời chính là cái tồn tại đã phản tư vào trong chính mình phát xuất từ cái biết thuần túy – với tư cách là sự hiện hữu cũng như với tư cách là nghĩa vụ – và đó chính là tình trạng của cái “Ác”. Tiến trình của việc “đi vào trong chính mình” này (dies insich Gehen) tạo nên sự đối lập của Khái niệm; và do đó, làm xuất hiện cái biết thuần túy về cái Bản chất không hành động lẫn không phải hiện thực. Nhưng xuất hiện ở trong sự đối lập này tức là tham gia vào trong sự đối lập; cái biết thuần túy về cái bản chất mặc nhiên (an sich) đã xuất nhượng tính [nhất thể] đơn giản của nó, bởi nó là sự phân đôi hay là tính phủ định vốn là Khái niệm. | Trong chừng mực tiến trình phân đôi này là tiến trình trở thành “cho-mình” (für sich Werden) [“tập trung trong chính mình”: Insichwerden], đó là [nguyên tắc của] “cái Ác”; còn trong chừng mực nó là “tự-mình” [mặc nhiên, thuộc về bản chất], đó là [cái gì] vẫn còn là “Thiện”.

Bây giờ, cái gì thoạt đầu diễn ra một cách “tự-mình” thì cũng đồng thời diễn ra cho ý thức, và cũng có hai mặt nhị bội: vừa cho ý thức, vừa là cái tồn tại-cho mình của nó hay là chính hành động của nó. Như thế, cùng một cái đã được thiết định một cách tự-mình nay tự lặp lại như là cái biết của ý thức về nó và như là hành động có ý thức. Cái này nhượng bỏ cho cái kia tính độc lập của tính quy định khiến mình xuất hiện đối lập lại với cái kia. Sự nhượng bỏ tính độc lập này cũng đồng nhất với sự từ bỏ tính đơn phương, phiến diện của Khái niệm vốn đã tạo nên cái khởi đầu một cách tự-mình, nhưng từ nay, đó là hành vi từ bỏ của chính nó, cũng như Khái niệm bị từ bỏ cũng là Khái niệm của chính nó[22]. Như vậy, cái Tự-mình này của lúc khởi đầu, trong sự thật, như là tính phủ định, cũng là cái tự-mình được trung giới; bây giờ nó tự thiết định [một cách minh nhiên] như là chính nó trong sự thật; và, yếu tố phủ định – như là tính quy định (Bestimmheit) của cái này cho cái kia và trong chính mình – tự thủ tiêu, tự vượt bỏ đi[23]. Một bên trong hai bên của sự đối lập[24] là sự không ngang bằng [không đồng nhất] giữa cái tồn tại “đã đi vào bên trong chính mình” của Khái niệm trong tính cá biệt (in sich in seiner Einzelnheit-Sein) đối lập lại với tính phổ biến; còn bên kia là sự không ngang bằng giữa tính phổ biến trừu tượng của nó [đối lập lại] với cái Tự ngã [cá biệt]. | Cái trước [phải] làm cho sự tồn tại-cho mình của mình chết đi và xuất nhượng (entäußert) chính mình, thú nhận tội lỗi (bekennt sich); còn cái sau từ bỏ sự cứng rắn, khắc nghị của tính phổ biến trừu tượng của mình, qua đó, làm cho cái Tự ngã chết cứng và tính phổ biến ù lì, bất động của mình chết đi, khiến cho nhờ đó, cái trước được bổ sung bởi yếu tố của tính phổ biến – tức là cái Bản chất; còn cái sau được bổ sung bởi tính phổ biến, chính là Tự ngã[25]. Nhờ tiến trình của hành động này mà Tinh thần đã xuất hiện ra trong hình thức của tính phổ biến thuần túy của Tri thức, và Tri thức này là Tự-ý thức như là Tự-ý thức, với tư cách là sự thống nhất [nhất thể] đơn giản của Tri thức. | Chỉ thông qua tiến trình này của hành động, Tinh thần mới tồn tại như là Tinh thần theo kiểu hiện hữu thực sự ở đó[26], tức là, khi nó nâng sự hiện hữu của mình vào trong lãnh vực của Tư tưởng và qua đó, vào trong sự đối lập tuyệt đối và rồi quay trở về từ sự đối lập này, nhưng cũng thông qua và ở trong chính bản thân sự đối lập.

§ 797

Vậy, điều mà ở trong tôn giáo đã là nội dung hay [cũng đồng nghĩa như thế] là hình thức của việc hình dung bằng hình tượng về một “cái khác” [với mình], thì ở đây, cũng điều ấy lại là việc làm/Tun của chính Tự ngã. | Chính Khái niệm là nguyên tắc nối kết, làm cho nội dung [Tinh thần-tuyệt đối] là chính việc làm của Tự ngã[27], bởi vì, như ta thấy, Khái niệm này là tri thức về hành động của Tự ngã bên trong chính mình (in sich), như là tri thức về tất cả những gì có tính bản chất (aller Wesenheit) và về tất cả hiện hữu; là tri thức về Chủ thể này như là về Bản thể, và về Bản thể như là tri thức này về chính hành động của Chủ thể. Những gì chúng ta đã thêm vào ở đây chỉ là: một phần, tập hợp những yếu tố riêng lẻ [bị tách rời] ấy lại; mỗi yếu tố trong chúng – về nguyên tắc – trình bày đời sống của Tinh thần trong tính toàn bộ của nó; và phần khác, là giữ vững Khái niệm đúng trong hình thức của Khái niệm mà nội dung của nó đã bộc lộ trong những yếu tố riêng lẻ nói trên và đã tự thể hiện chính mình trong hình thức là một hình thái của ý thức[28].

 

 

 


[1] Chương cuối cùng (“Tri thức tuyệt đối”/“Das absolute Wissen”) là chương hàm xúc và uyên áo nhất của quyển sách, do đó cũng rất khó đọc. Nội dung của nó rất gần gũi với Lời Tựa (§§1-72), vì Lời Tựa được viết sau khi hoàn tất công trình này và báo hiệu cho sự ra đời của bộ “Khoa học Lô-gíc” (Wissenschaft der Logik) và toàn bộ hệ thống triết học Hegel. Chương này sẽ gồm ba tiết. – Tiết I (§§788-797): Ôn lại một số hình thái cơ bản của ý thức hiện tượng học, Hegel cho thấy Tự-ngã đã tự-xuất nhượng và bị thiết định như là tính khách quan tuân theo mọi tính quy định của tính khách quan này. Nói cách khác, Tự-ngã tự chứng tỏ như là Tồn tại. Tiết II (§§798-804): Khoa học (Tri thức tuyệt đối) được định nghĩa như là sự tự-nhận thức bằng Khái niệm của Tự-ngã: Tự ngã tự suy tưởng về chính mình và phát triển nội dung của mình trong hình thức của Khái niệm. Hegel điểm lại các tiền đề lịch sử và triết học trước nay để dẫn đến “Tri thức tuyệt đối” này (tức lý giải các hệ thống triết học như là tiền đề chuẩn bị cho sự hình thành bản thân triết học tư biện của Hegel). – Tiết III (§§805-808): Từ “Khoa học” đã được định nghĩa như trên, theo đúng phương pháp tuần hoàn của Hegel, ta tất yếu phải trở lại với tiến trình từ điểm xuất phát là sự hiện hữu trực tiếp. “Tinh thần thuần túy” của Khoa học thoạt đầu tự xuất nhượng như là Ý thức, và ta lại tìm thấy Tinh thần ấy ở trong Hiện tượng học, nhưng sự xuất nhượng này còn đi xa hơn: nó dẫn đến giới Tự nhiên và Lịch sử trong đó Tinh thần, dưới những hình thức khác nhau, tự tạo ra những tiền đề cho chính mình. (Tinh thần-được-nhận-thức-bằng-khái-niệm trong sự quay trở lại với tính hiện hữu-trực tiếp).

[2] Tôn giáo đã mang lại nội dung đúng thật (Tinh thần tuyệt đối) trong hình thức của sự hình dung bằng biểu tượng. Vấn đề còn lại là phải vượt qua (überwinden) hình thức này của tính khách quan. Tuy nhiên, hình thức này đã được vượt qua trong kinh nghiệm hiện tượng học. Thật thế, nó không chỉ được vượt qua một cách đơn phương từ phía đối tượng, khi sự thật của đối tượng là Tự ngã, mà bản thân Tự ngã, về phía mình, cũng tự thiết định mình như là đối tượng, nghĩa là, tự-xuất nhượng. Vì lẽ cái tồn tại-cho mình của Tự ngã là không thể phân chia, không thể tách rời, nên sự xuất nhượng này cũng là việc Tự ngã thiết định đối tượng như là chính mình. Như thế, tính khách quan không tiêu biến đi, trái lại, nó được đồng nhất hóa với Tự ngã và Tự ngã tìm thấy chính mình ở trong tính khách quan.

[3] Ôn lại tóm lược phần đầu của quyển Hiện tượng học: A: ý thức (§§90-165). Trong phần này, đối tượng tự cho thấy trước hết như là sự vật trực tiếp (sự xác tín cảm tính), rồi như là mối quan hệ (đối tượng là “cho-mình”, đồng thời là “cho-cái khác”, đây là phép biện chứng của những thuộc tính của sự vật trong tri giác), và, sau cùng, như là cái phổ biến hay cái Bên trong (Lực, quy luật, cái Siêu-cảm tính của giác Tính). Vậy, xét như cái toàn bộ, đối tượng là sự vận động của những sự quy định này. (Hegel gọi là “suy luận”/“Syllogismus”, tức sự chuyển hóa của hai đối cực thông qua hạn từ trung giới như một sự phủ định của phủ định).

[4] “Những mô-men (Momente) của Khái niệm đích thực (eigentlicher Begriff), của Tri thức thuần túy: sự xem xét vận động này của những sự quy định của đối tượng là thuộc về Khoa học Lô-gíc. Còn ở đây, trong Hiện tượng học, ta chỉ có thể xem xét các hình thái của ý thức, hay một số thái độ hành xử của ý thức trong quan hệ với đối tượng. Nhưng, khi “tập hợp” những hình thái hiện tượng học này lại, ta có thể có Ý niệm về “Tri thức tuyệt đối”.

[5] Ở đây, tính toàn thể chỉ có thể đạt được bằng cách xem xét một “số lượng đơn vị” (Anzahl) (xem: chú thích 1227) những hình thái của ý thức hiện tượng học. Phương pháp của Hegel ở đây là lấy lại một số hình thái trước đây của ý thức để cho thấy rằng ý thức tự xuất nhượng và tìm thấy chính mình ở trong từng yếu tố của tính đối tượng khách quan. Đó là: 1. ý thức tự thiết định chính mình như là “sự vật trực tiếp” (trong sự xác tín cảm tính) và biết sự vật này như là Tự ngã; 2. ý thức tự thiết định ở trong sự vật như là mối quan hệ (trong tri giác) và biết mối quan hệ như là Tự ngã; và 3. ý thức tự thiết định như là cái phổ biến hay cái Bên trong (trong giác tính) và biết cái phổ biến, cái Bên trong này như là Tự ngã.

[6] “Phán đoán ấy trong thực tế lại là phán đoán mang tính tinh thần phong phú nhất”: Bước vào hình thái Lý tính quan sát, trong khoa tướng sọ (§323 và tiếp), cái Tôi tự phát hiện mình như là tồn tại, như sự vật cứng nhắc, trì trệ (“hộp sọ”). Điều này vừa có ý nghĩa thô thiển, “vô-tinh thần”, nói lên sự xuất nhượng hoàn toàn của Tinh thần, nhưng, trong thực tế, do tính không thể phân chia của cái tồn tại-cho mình (tức của Tự ngã), nên lại vừa có ý nghĩa “sâu sắc” là sự đồng nhất đầu tiên giữa Tư duy (cái Tôi) và Tồn tại (hộp sọ). J.H xem đây là một cách lý giải độc đáo và biện chứng của Hegel về thuyết duy vật. (Sđd, tr. 296, chú thích 6).

[7] Mối quan hệ (“tồn tại-cho mình”, “tồn tại-cho cái khác”...) trước đây chỉ được “mang lại” (gegeben) cho tri giác, thì bây giờ do chính Tinh thần thiết định nên (gesetzt) trong tiến trình phát triển của mình: khi nhìn mọi sự vật trong tính hữu ích của chúng, Tinh thần nhận ra tính tương quan lẫn tính tương đối của thế giới cảm tính, nhận ra sự chuyển hóa của cái “tồn tại-cho mình” thành cái “tồn tại-cho cái khác”.

[8] Tức trong triết học của Kant. “Vật-tự thân”, tức cái Bên trong hay cái Bản chất, là cái Tự-ngã luân lý. Theo cách lý giải của Hegel về Kant, thì mối quan hệ của cái biết với bản thân tồn tại chính là “ý chí thuần túy” (der reine Wille), nghĩa là ngày càng tiến gần hơn đến “Tri thức tuyệt đối” về Tinh thần.

[9] Trong “lương tâm” (§632 và tiếp), rút cục, đã thực hiện được sự đồng nhất (vốn đã được tìm kiếm từ giai đoạn “giác tính”) giữa cái Bên trong và cái Bên ngoài, giữa Tự ngã khách quan và Tự ngã chủ quan, giữa cái Tự-mình (Bản chất) và hiện tượng.

[10] Ta đã thấy ý thức đã nỗ lực tự đồng nhất chính mình với ba mô-men (Momente) của tính khách quan, nhưng “sức mạnh hòa giải” chỉ có thể là ở trong toàn thể những yếu tố này, đồng thời, cái toàn thể này cũng có mặt trong một hình thái đặc thù sau cùng, đó là hình thái lương tâm (§632 và tiếp).

[11] Tiến trình hành động (của lương tâm) rút cục sẽ nhờ sự hòa giải giữa cái Phổ biến và cái Đặc thù (trong việc “tha thứ cái Ác”) mà đi vào Tri thức (tuyệt đối) như sẽ nói rõ ở các giòng tiếp theo.

[12] Hình thái sau cùng của ý thức (lương tâm) là hình thái mang tính toàn thể, nghĩa là bao hàm trong nó cả ba mô-men (Momente) đặc thù của tính khách quan nói ở trên: – cái biết trực tiếp ở trong hành động cụ thể (của lương tâm); – mối quan hệ trong sự đối lập giữa cái phổ biến (môi trường của sự thừa nhận lẫn nhau) và cái đặc thù (môi trường của hành động cụ thể); và – Bản chất ở trong cái biết về cái Tôi dẫn đến sự đồng nhất cụ thể của cái Tôi = Tôi. Nhưng, như ta đã thấy, tiến trình vận động này dẫn đến tôn giáo. Tôn giáo phản ánh được mặt nội dung của sự hòa giải này, nhưng vẫn còn ở trong hình thức của tư duy bằng hình tượng. Vấn đề còn lại, do đó, là hòa giải tôn giáo với bản thân hành động hiện thực, hòa giải cái Tự-mình (nội dung tuyệt đối) với cái Cho-mình (Tự ý thức) để thành Tri thức tuyệt đối tự-mình và cho-mình (xem: §794).

[13] “derselben”: chúng tôi hiểu là “của trình tự này” (dieser Ordnung) giống cách hiểu của J.H: (“de cet ordre”) và của Baillie (“of that order”), trong khi A.V. Miller lại hiểu là “của những hình thái này” (“of those shapes”). Trên đó một giòng, A. V. Miller cũng nhầm chữ Ordnung/the order thành “the other” (hay lỗi in sai?).

[14] Tức trong lương tâm và sự tha thứ cái Ác (§659 và tiếp).

[15] Tương ứng với sự hòa giải trong lãnh vực tôn giáo.

[16] Tương ứng với hình thức của hành động “thế tục”, chẳng hạn trong sự Khai sáng hay trong Hài kịch cổ đại v.v..

[17] Sự hòa giải này đã hình thành tự-mình trong tôn giáo khi chuyển từ môi trường của biểu tượng sang môi trường của Tự-ý thức: §781 và tiếp.

[18] Phương diện “khác” này là phương diện Tự-ý thức đối lập lại với nội dung tôn giáo. Như đã nói, Tự-ý thức này là thái độ của sự Khai sáng hay của Hài kịch cổ đại, tương ứng với hành động “thế tục”. Điều còn thiếu là sự hợp nhất cả hai yếu tố (nội dung của tôn giáo và Tự-ý thức “thế tục”) mà Hegel gọi là “Khái niệm đơn giản”. Như sẽ thấy, sự thống nhất này (Khái niệm đơn giản) được tìm thấy trong tiến trình vận động của “Tâm hồn đẹp” (§§655-658).

[19] Tức hình thái “tôn giáo”. (Sự thống nhất của “tâm hồn đẹp” là tiền đề cho hình thái tôn giáo).

[20] “nó” (er): J.H: “đối tượng” (l’objet); Baillie, Miller: “Khái niệm” (the notion).

[21] “Tâm hồn đẹp” là Khái niệm, là Tự-ý thức “của bản thân cái Thần linh” về chính mình, nhưng còn đối lập lại với sự hiện thực hóa chính nó trong hành động. Vậy, sự xuất nhượng của tâm hồn đẹp, tức sự chuyển hóa của nó thành hành động cụ thể là sự hiện thực hóa Khái niệm, là “Khái niệm đồng nhất với chính mình ở trong cái tồn tại-khác của mình”. Đó chính là hình thức của Tri thức tuyệt đối mà Tôn giáo chỉ có thể thể hiện như những “sự cố” còn ngoại tại đối với Tự ngã hiện thực. “Tri thức tuyệt đối” phải là sự hòa giải giữa Cái biết và Hành động.

[22] Sự phân đôi – vốn là đặc điểm của Khái niệm thuần túy – thể hiện trong cái Tự-mình (cái Bản chất tuyệt đối) và sau đó, trong ý nghĩa và trong bản thân việc làm hay hành động (Tun) của ý thức. Sự phân đôi đi vào trong cái Tự-mình vì Bản chất thuần túy – trong chừng mực là thuần túy – là sự trừu tượng, và, do đó, là tính phủ định. Sự phân đôi lặp lại trong ý thức ngay trong tiến trình hành động. Trong tiến trình này, Tinh thần phân cắt với chính mình, thành tính phổ biến và tính đặc thù. Nhưng, về mặt tự mình, sự phân đôi cũng là sự thống nhất biện chứng, cũng như trong tiến trình của ý thức, sự thống nhất đã thể hiện như là sự thú nhận tội lỗi và sự tha thứ tội lỗi (xem lại: “Cái Ác và sự tha thứ cái Ác”, §659 và tiếp).

[23] “Cái Tự mình này của lúc khởi đầu, trong sự thật, như là tính phủ định, cũng là cái Tự mình được trung giới; bây giờ nó tự thiết định”...: Trong cái Tự-mình (Bản chất tuyệt đối), sự phân đôi và sự hợp nhất là điều được tiền-giả định (vorausgesetzt). Nhưng, chỉ trong hành động hay việc làm (Tun) của ý thức, chúng mới được thiết định (gesetzt) trong sự thật. (Cũng thế, trong Lô-gíc thuần túy, tồn tại “tiền-giả định” Khái niệm, còn Khái niệm “thiết định” tồn tại).

[24] Bản của NXB Felix Meiner Verlag viết là: “của đối tượng” (des Gegenstandes). Các bản khác (vd của Suhrkamp Verlag) và các bản dịch Anh, Pháp đều viết là: “của sự đối lập” (des Gegensatzes). Có lẽ bản Meiner in nhầm nên chúng tôi dịch theo các bản sau vì xét thấy hợp lý hơn.

[25] Xem lại: “Phán xét về luân lý” (§§664-668) và “Thú tội và hòa giải” (§§669-671). Ở đây, điều được thực hiện một cách có ý thức là sự thống nhất biện chứng giữa Tự-ngã và Bản chất: Bản chất trở thành Tự ngã phổ biến và Tự ngã tự nâng lên đến Bản chất. Bản thể là Chủ thể “cho-mình”. Trong tôn giáo, bước chuyển này cũng đã hình thành, nhưng còn bị phân biệt với hành động (việc làm) của Tự-ý thức.

[26] [Chỉ thông qua tiến trình này của hành động], “Tinh thần mới tồn tại như là Tinh thần theo kiểu hiện hữu thực sự ở đó”... (“der (Geist) so erst Geist ist, daß er da ist”...): xem cuối §798 và § đầu §800.

[27]  Ba mô-men (Momente): nội dung, việc làm (Tun/hay hành động) và Tự ngã có xu hướng không ngừng tự phân biệt với nhau. Nhưng, Khái niệm, theo nghĩa của Hegel, là Chủ thể tập hợp cả ba yếu tố này một cách biện chứng.

[28] Khái niệm này thể hiện ra cho ta [nhà hiện tượng học] như là các hình thái của ý thức và thể hiện đặc biệt nhất ở trong một của các hình thức ấy: hình thái “tâm hồn đẹp”. Nhưng Khái niệm này không thể hiện ra cho chính bản thân nó như là Khái niệm, hay chỉ xuất hiện ra như một hình thái đặc thù của ý thức mà thôi. Trong Tri thức-tuyệt đối, Khái niệm này không còn là một hình thái của ý thức nữa mà là cái toàn bộ với tư cách là KHOA HỌC (WISSENSCHAFT). Hegel sẽ gọi Tri thức tuyệt đối là “hình thái của Tinh thần” hay là “Tri thức [bằng] Khái niệm”. (§798).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt