Nhận thức luận | Khoa học luận

Tri thức tuyệt đối (III)

 

TRI THỨC TUYỆT ĐỐI

1

2

3

 

[III. Tinh thần-được-thấu-hiểu-bằng Khái-niệm

quay trở lại với tính hiện hữu trực tiếp:][1]

 

 

GEORG WILHELM FRIEDRICH HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel, “Tri thức tuyệt đối” trong Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã có sự đồng ý của dịch giả.


 

 

§ 805

 

Vậy, trong Tri thức [tuyệt đối], Tinh thần đã kết thúc tiến trình hiện thân bằng những hình thái (das Gestalten) của nó, trong chừng mực việc hiện thân bằng hình thái bị gắn liền với sự phân biệt chưa được vượt qua của ý thức[2]. [Bây giờ], Tinh thần đã sở đắc được môi trường (Element) thuần túy cho sự hiện hữu của nó: đó là KHÁI NIỆM. Nội dung – tương ứng với sự tự do của sự tồn tại của nó – là cái Tự ngã tự xuất nhượng chính mình; nói cách khác, nội dung ấy là sự thống nhất trực tiếp của Tri thức về chính mình (sich selbst Wissen). Tiến trình thuần túy của việc xuất nhượng này xét về nội dung – tạo nên sự tất yếu của bản thân nội dung. Nội dung, trong tính đa tạp của nó, với tư cách là nội dung nhất định, là ở trong mối quan hệ chứ không phải “tự-mình”; và sự không ngừng nghỉ của nó là ở chỗ tự vượt bỏ chính mình [một cách biện chứng], hay nói cách khác, là tính phủ định. | Vì thế, sự tất yếu hay sự dị biệt cũng như sự tồn tại tự do của nó đều là Tự ngã; và trong hình thức này của Tự ngã – trong đó sự hiện hữu là tư tưởng một cách trực tiếp –, nội dung chính là Khái niệm. Vậy, khi Tinh thần đạt tới được Khái niệm, nó khai triển (entfaltet) sự hiện hữu và sự vận động ở trong bầu thiên khí (Äther) này của sự sống của nó và là KHOA HỌC. Trong Khoa học [lô-gíc] này, những yếu tố của tiến trình vận động của Tinh thần không còn thể hiện như là những hình thái nhất định của ý thức nữa, mà – do sự phân biệt vốn bao hàm trong ý thức đã quay trở lại vào trong Tự ngã – là những Khái niệm nhất định (bestimmte Begriffe), và như là tiến trình vận động có tính hữu cơ tự-đặt nền móng trong chính mình [tự-lý giải và tự-kiến tạo] (die organische in sich selbst gegründete Bewegung) của những Khái niệm ấy[3]. Nếu trong “HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN”, mỗi yếu tố đều là sự phân biệt giữa [một bên là] Cái biết [Tri thức] và [bên kia là] Chân lý, và là tiến trình trong đó sự phân biệt này được [từng bước] thủ tiêu và vượt bỏ, thì KHOA HỌC [TRI THỨC TUYỆT ĐỐI] không [còn] chứa đựng sự phân biệt và sự vượt bỏ đối với sự phân biệt này nữa. | Trái lại, đúng hơn, bởi mỗi yếu tố đều mang hình thức của Khái niệm, nên yếu tố ấy hợp nhất hình thức khách quan của Chân lý với hình thức của cái Tự ngã đang nhận biết (das wissende Selbst) trong một thể thống nhất trực tiếp. Mỗi yếu tố [riêng lẻ] không [còn] xuất hiện như tiến trình chạy tới chạy lui từ ý thức hay từ tư duy biểu tượng vào trong Tự-ý thức và ngược lại, mà là: hình thái thuần túy – đã được giải phóng khỏi điều kiện tồn tại như là hiện tượng trong ý thức [đơn thuần] –, tức Khái niệm thuần túy – cùng với sự vận động tiến lên của nó – chỉ còn duy nhất phụ thuộc vào tính quy định (Bestimmheit) thuần túy của nó mà thôi. Mỗi hình thái của [loại] Tinh thần xuất hiện ra như hiện tượng nói chung (erscheinender Geist überhaupt) tương ứng với từng yếu tố trừu tượng của Khoa học. Nếu [loại] Tinh thần đang hiện hữu [Tinh thần xuất hiện ra trong “Hiện Tượng học”] không phong phú hơn Khoa học, thì về nội dung cũng không nghèo nàn hơn. Việc nhận thức (erkennen) những Khái niệm thuần túy của Khoa học trong hình thức của những hình thái của ý thức tạo nên phương diện thực tại (Realität) của chúng, theo đó, bản chất của chúng, tức Khái niệm, – được thiết định [hay xuất hiện ra] nơi hình thức ấy trong sự trung giới đơn giản của Khái niệm như là Tư duy – tháo rời những yếu tố của sự trung giới này và thể hiện ra dựa theo sự đối lập nội tại [của chúng][4].

§ 806

Khoa học chứa đựng trong bản thân nó sự tất yếu phải tự xuất nhượng ra khỏi hình thức của Khái niệm thuần túy và chứa đựng bước chuyển (Übergang) của Khái niệm vào trong ý thức. Bởi lẽ Tinh thần tự biết chính mình – chính vì nó nắm bắt Khái niệm của nó – nên là sự ngang bằng trực tiếp với chính mình; và sự ngang bằng này – trong sự phân biệt mà nó bao hàm – [đồng thời] là sự xác tín về cái trực tiếp, hay, chính là ý thức cảm tính; tức cái khởi điểm mà từ đó ta đã xuất phát [xem lại: Chương I]. | Chính tiến trình “buông thả chính mình” (Entlassen seiner) ra khỏi hình thức [đồng nhất] của Tự ngã của mình là sự tự do tối cao và là sự vững chắc hay an toàn (Sicherheit) của Tri thức của mình về chính mình[5].

§ 807

Thế nhưng, sự xuất nhượng (Entäußerung) này vẫn còn chưa hoàn chỉnh (unvollkommen). | Sự xuất nhượng này diễn tả mối quan hệ của sự xác tín về chính mình với đối tượng, song đối tượng ấy – do chỗ phải tồn tại ở trong mối quan hệ – đã chưa đạt được sự tự do hoàn toàn của mình. Cái biết không chỉ nhận biết (kennt) chính mình mà còn nhận biết cả cái phủ định của mình, hay, biết ranh giới (Grenze) của mình. Nhận biết ranh giới của mình có nghĩa là biết tự-hy sinh [như thế nào]. Sự hy sinh này là sự xuất nhượng, trong đó Tinh thần diễn tả tiến trình trở thành Tinh thần của mình trong hình thức của sự cố tự do, ngẫu nhiên, tức lãnh hội bằng cách trực quan cái Tự ngã thuần túy của mình ở bên ngoài mình như là thời gian và, cũng thế, trực quan sự tồn tại (Sein) của mình như là không gian. [Xem: Hegel: “Bách khoa toàn thư các khoa học triết học”: § 244; và “Triết học tự nhiên”, Lời nói đầu. N.D]. Sự trở thành (Werden) sau cùng này của Tinh thần – tức trở thành giới TỰ NHIÊN (NATUR) – là tiến trình “trở thành” trực tiếp, sống động của nó. | Giới Tự nhiên – tức Tinh thần đã xuất nhượng (der entäußerte Geist) – trong sự hiện hữu (Dasein) của nó, không gì khác hơn là sự xuất nhượng vĩnh cửu này đối với sự tự tồn độc lập của Tự nhiên và là sự vận động khôi phục (herstellt) Chủ thể[6].

§ 808

Nhưng, phương diện khác của sự “trở thành” của Tinh thần – tức [phương diện] LỊCH SỬ, lại là tiến trình trở thành tự trung giới bằng cái biết (das wissende sich vermittelnde Werden)[7]; đây là Tinh thần đã xuất nhượng vào trong thời gian (der an die Zeit entäußerte Geist). | Nhưng, sự xuất nhượng này cũng là sự xuất nhượng của chính sự xuất nhượng; cái phủ định là cái phủ định của chính cái phủ định[8]. Phương cách “trở thành” này trình bày một sự vận động trì trọng (träge) [chậm chạp và nặng nhọc] và một sự tiếp diễn của “những hình thái Tinh thần” (Geistern); một phòng trưng bày những bức tranh mà mỗi bức tranh trong chúng đều được thấm đượm toàn bộ sự phong phú của Tinh thần, và sở dĩ vận động trì trọng là bởi Tự ngã còn phải thâm nhập và tiêu hóa hết toàn bộ sự phong phú này của Bản thể nó. Bởi lẽ sự hoàn tất của Tinh thần là ở chỗ Tinh thần có cái biết hoàn toàn về Bản thể của mình, về “mình là gì”, nên cái biết này có nghĩa là sự “đi vào trong chính mình” (Insichgehen) [tập trung chính mình vào chính mình], một trạng thái trong đó Tinh thần rời bỏ sự hiện hữu [bên ngoài] (Dasein) của nó và chuyển trao (übergibt) hình thái của mình sang sự HỒI TƯỞNG [hay “NỘI TÂM HÓA”] (ERINERUNG). Trong việc “đi vào trong chính mình” này, Tinh thần bị chìm đắm trong đêm tối của Tự-ý thức của nó, nhưng sự hiện hữu bên ngoài đã tiêu biến của nó vẫn được bảo lưu ở trong đêm tối ấy, và sự hiện hữu đã được vượt bỏ này (dies aufgehobene Dasein) – trạng thái đã đi trước nhưng được tái sinh từ trong lòng của cái biết – là sự hiện hữu mới mẻ, là một thế giới mới, một hình thái hiện thân mới của Tinh thần[9](1311). Trong tình trạng mới mẻ này, và ngay trong lòng tính trực tiếp của mình, Tinh thần lại phải bắt đầu trở lại ngay từ đầu một cách tươi mới, hồn nhiên như trước đây, rồi lại trưởng thành lên từ hình thái ấy như thể (als ob) đối với nó, tất cả những gì trước đây đều mất sạch cả và như thể nó không học được gì từ kinh nghiệm của những [hình thái] Tinh thần (Geister) trước đó cả. Thế nhưng, sự HỒI-TƯỞNG (DIE ER-INNERUNG) [Ở đây, Hegel lại “chơi chữ”: Er-innerung vừa có nghĩa là sự “hồi tưởng”, vừa có nghĩa là “nội tâm hóa”, “nội tại hóa” (das Innerlichwerden)] đã bảo lưu kinh nghiệm ấy và là cái Bên trong; trong thực tế, là hình thức [đã được nâng lên] cao hơn của Bản thể. Như thế, Tinh thần có vẻ như xuất phát đơn độc từ chính mình và lại bắt đầu từ đầu sự đào luyện của mình, song đồng thời là bắt đầu từ một cấp độ cao hơn. Vương quốc của những [hình thái] Tinh thần  (Geisterreich) – đã tự đào luyện bằng cách ấy ở trong [hình thái] hiện hữu [nhất định] – hình thành nên một chuỗi tiếp diễn trong thời gian, trong đó mỗi “Tinh thần” thế chỗ cho cái khác, và mỗi cái đều tiếp thu vương quốc của thế giới [Tinh thần] từ kẻ đi trước. Mục tiêu của sự tiếp diễn này là sự khai mở (Offenbarung) cái bề sâu (die Tiefe), và bề sâu này là KHÁI NIỆM TUYỆT ĐỐI (DER ABSOLUTE BEGRIFF). | Do đó, sự khai mở này có nghĩa là sự vượt bỏ (Aufheben) “bề sâu” của Khái niệm, hay [nói khác đi, vượt lên khỏi bề sâu để] chính là “bề rộng” (Ausdehnung) của nó [sự hiện thân trong không gian], là tính phủ định đối với cái Tôi “đi vào trong chính mình” này, [tức] tính phủ định vốn là sự xuất nhượng của nó, hay Bản thể của nó; – và sự khai mở này là sự hiện thân trong thời gian của nó, trong đó sự xuất nhượng này tự xuất nhượng chính mình, và, như thế, hiện hữu đồng thời trong “bề rộng quảng tính” [của không gian] lẫn trong “bề sâu” của nó, [tức] trong Tự ngã[10]. Mục tiêu – là Tri thức-tuyệt đối hay là Tinh thần nhận biết chính mình như là Tinh thần – tìm thấy con đường đi của mình trong việc hồi tưởng lại “những [hình thái] Tinh thần” (Geister) đúng như chính chúng nơi bản thân chúng và đúng như chúng [đã] hoàn tất việc tổ chức vương quốc [tinh thần] của chúng.

Việc bảo lưu này về chúng, xét về phương diện sự hiện hữu tự do của chúng xuất hiện ra trong hình thức của tính bất tất, là LỊCH SỬ; còn xét từ phương diện của việc tổ chức [để thấu hiểu] bằng Khái niệm về chúng, thì lại là KHOA HỌC về cái biết đang xuất hiện ra (Wissenschaft des erscheinenden Wissens) [“Hiện tượng học Tinh thần”]. | Cả hai phương diện hợp nhất lại, đó là LỊCH SỬ ĐƯỢC THẤU HIỂU BẰNG KHÁI NIỆM (DIE BEGRIFFNE GESCHICHTE) hình thành nên sự HỒI TƯỞNG (ERINNERUNG) và NÚI SỌ (SCHÄDELSTÄTTE: GOLGOTHA) của Tinh Thần-Tuyệt đối; [hình thành nên] Hiện Thực, Chân Lý và Sự Xác Tín cho Ngôi Vị [hay chiếc Ngai vàng] (Thron) của Tinh thần-Tuyệt đối ấy, mà nếu không có Ngôi vị này, Tinh thần-tuyệt đối hẳn sẽ là nỗi cô đơn không có sự sống. | Chỉ:

“từ chiếc cốc của Vương quốc những Tinh thần này

  mới sủi dâng lên cho Ngài tính vô tận của mình”[11].

 


[1] Tiết cuối cùng này (§§805-808) nói về “Tinh thần quay trở lại với tính trực tiếp”, sau khi đã đạt tới Tri thức tuyệt đối, tức sau khi được thấu hiểu bằng Khái niệm. Đây là tiến trình vận động ngược lại với các tiểu đoạn trên. “Khoa học”, một khi đã được thiết lập, tất yếu phải quay trở lại từ Khái niệm đến tính trực tiếp, tức phải xuất hiện ra như là giới Tự nhiên và Lịch sử. Sự xuất nhượng của Tinh thần-đã-được-nhận thức này cũng là sự tự biện minh cho lý do tồn tại của “Hiện tượng học” trong quan hệ với “Tri thức-tuyệt đối”.

[2]  Ý thức (với các hình thái của nó) tất yếu bao hàm sự phân biệt “chưa được vượt qua” giữa ý thức với đối tượng hay với nội dung của nó.

[3] Dẫn nhập vào “Khoa học Lô-gíc” (thuần túy). Nội dung [của Khoa học] là cái Tự ngã đã tự xuất nhượng hay là sự thống nhất trực tiếp của Tri thức về chính mình, do đó cũng mang tính trực tiếp. Chính sự hiện diện (trực tiếp) của Tự ngã ở trong nội dung tạo nên sự tất yếu hay sự vận động của nội dung này. Mỗi một sự dị biệt (mỗi “quy định lô-gíc”) đều là “nhất định”, và sự không ngừng nghỉ của nó là tiến trình vận động của nó để nối kết lại cái Toàn bộ. Còn việc “khai triển sự hiện hữu” là khai triển cái tồn tại nhất định nói trên, tức khai triển sự dị biệt ở trong nội dung, khai triển “những khái niệm nhất định”.

[4] Ta đã biết rằng đặc điểm nổi bật trong Hiện tượng học là sự không ngang bằng giữa Ý thức và Tự-ý thức. Cả hai không ngừng “so sánh” với nhau, lấy nhau làm thước đo. Còn trong “Khoa học lô-gíc”, các yếu tố không còn là các yếu tố của Ý thức nữa, mà là của nội dung hoàn toàn tự giác. Mỗi yếu tố tự xác định mình như là một tính quy định thuần túy, vd: “tồn tại”, “hư vô”, “lượng”, “chất” v.v.. và Khoa học là sự xem xét sự vận động của tính quy định này trong bản thân nó. Nhưng, đồng thời, ở chiều ngược lại, “những tính quy định thuần túy” này cũng thể hiện ra như là các hình thái của ý thức ở trong cái biết hiện tượng học. Những sự phát triển lô-gíc học và những sự phát triển hiện tượng học tương ứng với nhau.

[5] Tri thức (hay cái biết) của Tinh thần về chính mình là “trực quan trực tiếp”, và Tri thức này là sự xác tín về cái trực tiếp mà quyển Hiện tượng học này đã lấy làm điểm xuất phát. (Chương I: Sự xác tín cảm tính). Đây là sự “xuất nhượng đầu tiên” của Tinh thần khi “tách rời” với chính mình, được Hegel gọi là sự “buông thả chính mình” (Entlassen seiner). Nhưng, như sẽ thấy ở tiểu đoạn tiếp theo (§807), sự xuất nhượng đầu tiên này (trong Hiện tượng học, thành các hình thái của Ý thức) vẫn còn chưa “hoàn chỉnh”. Tinh thần không chỉ xuất nhượng để dẫn đến Ý thức về sự tồn tại mà còn xuất nhượng thành giới Tự nhiên và Lịch sử. Khái niệm “buông thả chính mình” (Entlassen seiner) (J.H: “se détacher”; Baillie/Miller: “release of itself”) sẽ được Hegel gọi rõ hơn là “tự thả tự do cho chính mình” (sich selbst frei entlassen) trong “Khoa học Lô-gíc” (GW 12, 253) để chỉ mối quan hệ giữa “Ý niệm” (die Idee) và “Tự nhiên” (và cả mối quan hệ giữa “Lô-gíc học” và hai môn triết học hiện thực (Realphilosophien) là triết học về Tự nhiên và triết học về Tinh thần). Theo đó, nếu hiểu mối quan hệ giữa “Lô-gíc học” và “triết học hiện thực” một cách ngoại tại, tức đưa nội dung bên ngoài vào cho “cái Lô-gíc” để giúp nó đi đến chân lý vì tự nó không tìm được trong chính mình, thì đây là cách nhìn “phản triết học”, bị Hegel bác bỏ. Ngược lại, cũng không thể quan niệm “Ý niệm tuyệt đối” buộc phải tạo ra Tự nhiên, vì “Ý niệm tuyệt đối” là cái “tự do nhất”, không chịu bất kỳ sự cưỡng chế nào. Do đó, Hegel hiểu mối quan hệ này là: “Ý niệm tự thả tự do cho chính mình, an toàn, vững chắc một cách tuyệt đối về chính mình và yên nghỉ trong chính mình” (“die Idee sich selbst frey entläßt, ihrer absolut sicher und in sich ruhend”) (Sđd). Thuật ngữ “tự buông thả” hay “tự thả tự do” (hay quen thuộc hơn: “tự-xuất nhượng”) là một trong những thuật ngữ hệ trọng nhất và cũng là uyên áo nhất trong triết học Hegel.

[6] Giới tự nhiên – tức Tinh thần đã xuất nhượng –, đến lượt mình, lại tự xuất nhượng để khôi phục lại Chủ thể.

[7] “das wissende sich vermittelnde Werden”: J.H: ... “l’histoire est le devenir qui s’actualise dans le savoir, le devenir se médiatisant soi-même”... Miller: “History ist a concious, self-mediating process”. Baillie: “History ist the process of becoming in terms of knowledge, a conscious self-mediating process”.

[8] “aber diese Entäußerung ist ebenso die Entäußerung ihrer selbst; das Negative ist das Negative seiner selbst”: Chúng tôi hiểu hai chữ “ihrer selbst” và “seiner selbst” (“của chính nó”) là “của bản thân sự xuất nhượng”, “của bản thân cái phủ định”, theo nghĩa: Trong khi giới Tự nhiên là không có lịch sử và chỉ thể hiện “sự xuất nhượng vĩnh cửu” của nó trong tiến trình trở thành Tinh thần, thì, ngược lại, lịch sử là sự vận động đích thực khôi phục lại Tinh thần. Tinh thần đã tự đánh mất chính mình trong thời gian, và Lịch sử là vận động qua đó Tinh thần tìm lại chính mình và “khôi phục” lại chính mình (“sự xuất nhượng của bản thân sự xuất nhượng”, “cái phủ định của bản thân cái phủ định” = sự [tái] khẳng định]. (J.H: “... mais cette aliénation est aussi bien l’aliénation d’elle-même; le négatif est le négatif de soi-même”). (Trong chú thích số 57, tr. 311-312, tập 2 của bản dịch tiếng Pháp, J.H dẫn thêm câu của Hegel: “Tinh thần là cái gì tìm thấy chính mình, và do đó, là cái gì đã đánh mất chính mình”, và bình luận: “Nhưng, cũng như Tinh thần là cái Vô tận (l’infini) thì lịch sử cũng là không có kết thúc (sans fin); đó có lẽ ít ra là kết luận của [quyển] Hiện tượng học”).

[9]  “Hiện hữu đã bị thủ tiêu, vượt bỏ” sẽ là một hiện hữu mới mẻ, một thế giới tinh thần mới mẻ, theo nghĩa của chữ “Aufheben” (“vượt bỏ”): “thủ tiêu, bảo lưu và nâng lên”. (Xem lại: Lời dẫn nhập, §§85-86).

[10] “Do đó... Tự ngã” là câu khó. Chúng tôi ghi lại nguyên văn và các cách dịch để bạn đọc tiện tham khảo.

Nguyên văn: “... diese Offenbarung ist hiermit das Aufheben seiner Tiefe oder seine Ausdehnung, die Negativität dieses insichseienden Ich, welche seine Entäußerung sich an ihr selbst entäußert und so in ihrer Ausdehnung ebenso in ihrer Tiefe, dem Selbst ist”.

J.H: “... cette révelation est par conséquent la suppression de la profondeur du concept ou son extension, la négativité de ce Moi concentré en soi-même, négativité qui est son aliénation ou sa substance, - et cette révélation est son incarnation temporelle, le temps au cours duquel cette aliénation s’aliène en elle-même, et donc dans son extension est aussi bien dans sa profondeur, dans le Soi”.

Miller: “... This revelation ist, therefore, the raising-up of its depth, or its extension, the negativity of this withdraw “I”, a negativity which is its externalization or its substance; and this revelation is also the Notion’s Time, in that this externalization is in its own self externalized, and just as it is in its extension, so ist equally in its depth, in the Self”

Baillie: “... This revelation consequently means superseding its “depth”, is its “extension” or spatial embodiment, the negation of this inwardly self-centred (insichseiend) ego, - negativity which is its self-relinquishment, its externalization, or its substance: and this revelation is also its temporal embodiment, in that this externalization in its very nature relinquishes (externalizes) itself, and so exists at once in its spatial “extension” as well as in its “depth” or the self”.

[11] –   Núi Sọ: nơi đức Jêsus bị hành hình đóng đinh câu rút.

– “Aus dem Kelche dieses Geisterreiches schäumt ihm seine Unendlichkeit” Phỏng theo hai câu thơ cuối trong bài “Die Freundschaft” (Tình bạn) của Friedrich Schiller: (Aus dem Kelch des ganzen Seelenreiches; schäumt ihm – die Unendlichkeit” (Xem: Schiller: Tác phẩm (tiếng Đức), Weimar, 1943, tập 1, tr. 111).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt