THẾ NÀO LÀ THA HÓA TRONG XÃ HỘI TƯ BẢN CHỦ NGHĨA
PAUL D'AMATO
Theo nghĩa thông thường, thuật ngữ “tha hóa” dùng để chỉ xúc cảm về sự phân ly, về tình trạng đơn độc một mình và tách rời với người khác. Đối với Marx, tha hóa không phải là một xúc cảm hay một điều kiện tinh thần, mà là một điều kiện kinh tế-xã hội của xã hội có giai cấp, cụ thể là xã hội tư bản chủ nghĩa.
Trong ngôn ngữ của Marx, khái niệm “tha hóa” dùng để chỉ sự tách rời của lực lượng đông đảo những người làm công ăn lương với các sản phẩm lao động của họ. Marx diễn đạt ý niệm này lần đầu tiên, phần nào có tính cách thi ca, trong Các bản thảo năm 1844: “vật phẩm do lao động sản xuất ra, tức sản phẩm của lao động, đối lập với lao động như một thực thể xa lạ, như một lực lượng không phụ thuộc vào người sản xuất.”
Hầu hết chúng ta không sở hữu các công cụ và máy móc để sản xuất và các sản phẩm do chúng ta tạo ra, chúng thuộc về nhà tư bản đã thuê chúng ta. Nhưng bất cứ thứ gì mà chúng ta làm ra tại lúc nào đó đều đến từ lao động của con người. Điều mỉa mai là dù có quay mặt về hướng nào thì chúng ta đều đối mặt với tác phẩm của bàn tay và khối óc của chúng ta, thế nhưng các sản phẩm này lại xuất hiện trước ta như là cái gì đó ở bên ngoài chúng ta và nằm ngoài sự kiểm soát của chúng ta.
Công việc và các sản phẩm của công việc ngự trị chúng ta, chứ không phải ngược lại. Thay vì là một nơi để thực hiện tiềm năng của chúng ta, nơi làm việc chỉ là một nơi chúng ta buộc phải đến để kiếm tiền mua những gì chúng ta cần.
Marx viết: “Cho nên chỉ có ở ngoài lao động, công nhân mới cảm thấy mình là chính mình, còn trong quá trình lao động thì cảm thấy mình bị tách khỏi bản thân mình. Anh ta cảm thấy như ở-trong-nhà-của-chính-mình khi anh ta không làm việc, còn khi anh ta làm việc thì anh ta thấy không còn ở-trong-nhà-của-chính-mình nữa. Do đó, lao động của anh ta không phải là tự nguyện mà là bắt buộc; đó là lao động cưỡng bức.
“Đó không phải là sự thoả mãn nhu cầu lao động, mà chỉ là một phương tiệnđể thoả mãn những nhu cầu khác, chứ không phải nhu cầu lao động. Tính bị tha hoá của lao động biểu hiện rõ rệt ở chỗ là một khi không còn sự cưỡng bức lao động về thể xác hoặc về mặt khác thì người ta trốn tránh lao động như trốn tránh bệnh dịch hạch vậy”
Trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, hàng hóa được sản xuất cho thị trường để kiếm lợi nhuận. Điều quan trọng đối với người lao động, đó là người lao động nhận được lượng tiền tương xứng với lao động của mình. Theo nghĩa này, cái được sản xuất ra là cái phi vật chất.
Nó cũng hoàn toàn phi vật chất đối với các nhà tư bản chủ nghĩa. Trong chừng mực bất cứ cái gì mà họ tạo ra đều có thể tìm được một thị trường và bán kiếm lời, họ chẳng hề bận tâm xem họ đang bán các viên đá hình thú cưng (pet rocks) hay nước đóng chai. Trong quá trình này, các nhà tư bản xem những người công nhân chỉ là một thành phần cấu thành của sản xuất, một thứ hàng hóa (lao động) được vắt càng nhiều càng tốt.
Hơn nữa, vì mục đích của sản xuất là lợi nhuận chứ không phải là nhu cầu của con người, nên các sản phẩm của lao động quá khứ, như máy móc và tư liệu, do các nhà tư bản kiểm soát, hoàn toàn chi phối lao động sống. Những người công nhân, hiểu theo nghĩa đen, là những người nô lệ vào máy móc và quá trình sản xuất. Quá trình này kiểm soát họ, chứ không phải ngược lại.
Có lẽ một trong những hình thức làm giảm phẩm giá nhất của sự tha hóa là phương cách trong đó mọi thứ có thể trở thành hàng hóa được mua và bán, kể cả tình dục. Có một phương diện khác của tha hóa mà Marx gọi là “tính chất bái vật giáo của hàng hóa”. Điều ông muốn nói qua cụm từ lạ lẫm này là phương cách trong đó quan hệ xã hội giữa con người, trong nền sản xuất thị trường tư bản chủ nghĩa, mang lấy “hình thái kỳ ảo của mối quan hệ giữa các vật”
Bản tính vô chính phủ, thiếu kế hoạch của nền sản xuất cho thị trường muốn nói rằng những người tham gia vào nền sản xuất ấy không đủ sức thực thi bất cứ sự kiểm soát nào đối với nó. Kết quả là các hiện tượng như bước nhảy vọt của nền kinh tế tại khởi điểm và chao đảo đi vào suy thoái là những sự biến diễn ra độc lập với những người tham gia. Marx viết: “Đối với những người này, hoạt động xã hội của chính họ mang lấy hình thái hoạt động của các vật, sự hoạt động này chi phối những người sản xuất chứ không phải bị họ chi phối.”
Đối với người lao động, cách duy nhất để khắc phục tình trạngtha hóalà cùng chung tay xóa bỏ sự tách rời giữa họ với nền sở hữu và kiểm soát các tư liệu sản xuất và sử dụng quyền kiểm soát ấy để xóa bỏ thị trường và thay thế thị trường bằng việc hoạch định nhu cầu của con người một cách có ý thức.
CÙ NGỌC PHƯƠNG dịch
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
https://tiasang.gitlab.io/post/2020/07/21/istvan-meszaros-and-marxs-theory-of-alienation__tha-hoa/