Nhập môn triết học

Con người triết học

 

CON NGƯỜI TRIẾT-HỌC

 

NGUYỄN VĂN TRUNG

 


Nguyễn Văn Trung. Triết học tổng quát. Chương VIII: Con người triết học. 1957, tr. 117-124


 

Ở chương trên, ta đã xác định vị-trí của triết học bằng  cách so sánh với khoa học. Bây giờ phải xem trong triết học có những vấn đề gì, nói cách khác, nghiên cứu nội dung của triết học. Đi sâu vào từng khía cạnh của nội dung triết học là công việc ta sẽ làm ở những trang sau trong tập hai. Ở đây chúng ta sẽ chỉ phác họa những nét chính để xác-định một lập trường triết học trước khi đi sâu vào vấn đề.

Những phân tách về con người ý hướng đã chứng-minh một cách xác đáng: có con người triết-học trong mỗi người chúng ta. Sống tức là tiếp nhân xử thế, không thể tránh được. Tất nhiên cũng không thể tránh không có một lối nhìn, một thái độ trong việc tiếp nhân xử thế. Đó là thân phận làm người của ta. Nhà triết học mà ta thường mỉm cười hay kính trọng khi nói đến, cũng chẳng làm gì khác hơn là đi tìm cho mình một lối nhìn, một lập trường trước cuộc đời. Từ xưa đến nay, tư tưởng nhân loại vẫn xoay quanh mấy câu hỏi. Ta ở đâu ra đời, ở đời làm gì và đi đâu. Tóm tắt: Đời có ý nghĩa gì không. Tư tưởng triết học Âu châu cho đến thời kỳ cận đại đặc biệt coi vấn đề nền tảng đó như một tri thức : tìm để hiểu biết, sang thời kỳ hiện đại đặc biệt thì rất giống tư tưởng Á-Đông : Không phải chỉ tìm hiểu, nhưng còn để thực hành. Tư tưởng do đó mặc tính chất nhân bản : tìm cách giải phóng con người.

Vậy tất cả cố gắng của triết học từ xưa đến nay là tìm hiểu ý nghĩa người đời và đời người. Mỗi người đề nghị một lối nhìn, một thái độ nhưng ai cũng nhằm giải quyết vấn đề ý nghĩa sau cùng người đời và đời người. Đó là điểm chung của mọi nhà triết học. Người ở đời, nghĩa là có mặt đấy bằng chính thân xác của mình, chiếm một vị trí trong trần thế; trong không gian và thời gian. Con người nhập thể: Có một hồn xác, và nhập thế: thiết yếu ở đời và với người khác. Vậy hồn xác, vật chất, vũ trụ, không thời gian có ý nghĩa gì. Đời người nhằm mục đích gì. Để thành người, nhân vị hóa. Nhưng người không thể nhân vị hóa nếu không có ý thức và tự do. Sau cùng ý nghĩa đời người là do chính ta tự tạo ra và chịu trách nhiệm hay do một đấng siêu việt ở ngoài và ở trên ta. Vậy thế nào là ý thức, tự do, thượng đế.  

Muốn có một lập trường trước những vấn đề ấy, con người hỏi một phương tiện thiết yếu là tri-thức. Có biết mới xác định đã đủ được. Hơn nữa, phải biết đúng, nếu ý nghĩa sau cùng của người là sự thiện, cái hướng dẫn hành động và đáng cho ta tuân theo thực hiện, thời sự thiện đó cũng phải là sự chân. Do đó, có vấn đề giá trị khả năng tri thức của ta, vấn đề chân lý. Ta có thể biết được đến đâu, biết đúng được không, ta có thể nắm được chân lý đời người không.  

Đó là những đề tài thường xuyên của triết học.

Khảo sát triết học, ta thấy có nhiều hệ thống khác nhau, đối lập nhau, gây nên một cảm tưởng thất vọng. Chân lý chắc không có và triết học vô ích, vì không bao giờ các triết gia đồng ý nhau. Trái lại, trong lãnh vực khoa học, ai ai cũng có thể chứng nghiệm, đi đến chỗ đồng ý, khuất phục trước tính cách hiển nhiên của sự việc. Nhận xét đó làm cho ta phải đi tìm hiểu tính chất đặc biệt của triết học.

Nếu triết học là một cố gắng tìm hiểu ý nghĩa người đời và đời người, thì cố gắng đó không bao giờ ngừng. Bao giờ còn có người, còn có cố gắng, triết học. Triết học không bao giờ hết vì không bao giờ ta khám phá được chân lý toàn diện.

Chân lý cuộc đời là một thực tại sống, xuất hiện dưới muôn vàn hình thức và bản tính của chân lý là luôn luôn thoát khỏi mọi tham vọng chiếm đoạt của ta. Cuộc đời mỗi người không phải là một ý niệm, một thực tại khách quan ở ngoài mình, nhưng ở trong ta và là ta. Cho nên không bao giờ ta ý thức được giây phút hiện tại đời ta. Khi ta ý thức về đời ta, bao giờ cũng chỉ là ý thức về giây phút đời sống đã qua hay chưa tới. Ta chỉ định nghĩa cuộc đời ta bằng dĩ vãng hay tương lai. Đó là đặc điểm thân phận con người. “Người là vật có thể tìm hỏi về đời mình, nhưng khi đi tìm hỏi, người chỉ còn một cách trả lời là núp ẩn hay yên lặng. Cuộc đời trốn chạy trước tư tưởng về cuộc đời (il y a une fuite de l'existence devant la pensée de l'existence) Jean Wahl. Traité de métaphysique trang 556.

Cũng trong viễn tượng ấy, Karl Jaspers nói : sự tìm hiểu cuộc đời đưa đến thất bại.

Có một chân lý sâu sa trong lối nhìn đó. Ta không thể định nghĩa được con người, cuộc đời và những vấn đề thuộc về đời sống như tự do, tình yêu, vì đó là những thực tại sống không thể chịu tư tưởng khách-thể-hóa hoàn toàn mà không mất bản tính. Cho nên ta chỉ có thể mô tả những cái xuất hiện hay xác định những điều kiện hữu thể của chúng thôi.

Ngay cả những thực tại khách quan, tư tưởng cũng không lánh hội được hoàn toàn. Những phân tách của hiện-tượng-luận đã chứng minh sự thiếu sót đó. Bao giờ ta cũng tiếp nhận một khách thể bằng chiều, khía cạnh (profils abschattungen). Vậy thực tại trong ta, ngoài ta đều phong phú vô tận, luôn luôn vượt quá mọi cố gắng chiếm đoạt của tư tưởng.

Nhưng con người lại không thoát khỏi tư tưởng. Tư tưởng là một nỗ lực hệ-thống-hóa đời sống để hiểu đời sống. Tư tưởng là trung gian (médiation) thiết yếu, nói theo danh từ của Hegel, của cuộc đời ý thức. Nhưng hoàn cảnh nghịch lý của con người là vừa phải trung gian, dùng tư tưởng, vừa phải vượt tư tưởng, vì tri-thức vừa làm cho ta gắn sự thực, vừa làm ta xa sự thực.

Trong viễn tượng đó, tất cả các hệ thống triết học đều là những nỗ lực tiến tới sự thực để diễn tả Nó, nhưng bản tính những nỗ lực đó là không bao giờ hoàn toàn. Vậy ta có thể thiết lập điều kiện xác định hết mọi hệ thống triết học: Đó là thần cởi mở. Mỗi hệ thống có giá trị biểu lộ một phần sự thực. Nên một hệ thống, nếu không muốn bị luật tiến hóa đào thải phải luôn luôn cởi mở. Cởi mở để tiếp nhận khả năng mới làm giàu, phong phú hơn. Hệ thống cởi mở dẫn đến chỗ không đòi là hệ thống hóa đời sống trong một hệ thống rộng lớn và hoàn toàn hơn.

Việc đi tìm chân lý điều hòa với đời sống là một vận chuyển biện chứng linh động tiệm tiến. Cho nên không có mâu thuẫn giữa hệ thống và đời sống. Nhưng là một tranh đấu anh em để tiến tới lĩnh hội chân lý đầy đủ hơn.

Định nghĩa nỗ lực tư tưởng triết học là một vận chuyển biện chứng, tức là công nhận không bao giờ nắm được thực tại hoàn toàn. Biện chứng là con đường, không phải chính thực tại, biện chứng là vận chuyển nghĩa là không bao giờ ngừng lại: luôn luôn tiến lên cái chưa có bằng cách phủ nhận cái đang có. Tư tưởng biện chứng, chính vì sự thực không thể biểu diễn đầy đủ bằng ý-niệm, và tư-tưởng phải đi từ hệ thống này sang hệ thống kia, đối chiếu nhau nhằm tiến lên một hệ thống rộng lớn hơn. Cho nên mỗi triết học rút cục cũng chỉ là một lời nhìn về thực tại và tư-tưởng triết học như một cố gắng tìm lại thiên đàng đã mất (paradis perdu) mà không bao giờ thấy được.

Một quan điểm như thế không phải bi quan, nhưng thiết thực và khiêm tốn. Chúng tôi thiết tưởng có một chân lý tuyệt đối, nhưng đời sống trần gian không bao giờ đạt tới hoàn toàn được. Triết học kinh viện phân biệt hai phạm vi đó rất rõ rệt: phạm vi tự tại (prius quod se) và phạm vi đời sống (prius quod nos). Chân lý tuyệt đối ở phạm vi tự tại, nhưng không phải tuyệt đối cho chúng ta. Ở phạm vi đời sống, chân lý là đường, đạo. Đạo vừa là cái lý phải theo, vừa là đường đưa đến. Nếu chân lý tuyệt đối đã tìm thấy, nghĩa là không còn vấn đề, thắc mắc, khó khăn, đời hết ý nghĩa, cũng như nếu con người đã toàn thiện, không còn đời sống luân lý. Nhận con người không toàn thiện là nhận tính biện chứng (phép biện chứng) người là hòa tan luôn luôn không trọn vẹn đời sống trong một viễn tượng biện chứng động (dynamique), con người không hoàn toàn và ý nghĩa đời này là hướng về sự hoàn toàn, (toàn thiện). Khi con người đạt tới toàn thiện, cuộc đời không còn cố gắng, ý nghĩa. Chân lý đó cũng không cho mọi hoạt động con người. Nếu ta biết hết, không còn tiến bộ, lịch sử văn minh. Nếu ai cũng hoàn toàn, tự nhiên đã là thánh, không còn đụng chạm, có dịp để thực hiện đạo đức, luân lý. Cho nên ý nghĩa cuộc đời là đi tìm còn lý mãi mãi cũng như luôn luôn cố gắng tiến tới toàn thiện.

Quan niệm chân lý, cởi mở đưa đến kết luận sau đây: việc có nhiều hệ thống triết học, luân lý, tôn giáo khác nhau, không phải là một điều xấu, nhưng là điều kiện thiết yếu của tiến bộ. Kết luận đó xác định một thái độ: lòng khoan dung (tolérance). Khoan dung không phải là làm ngơ trước cái xấu, không hoàn toàn, chưa thể sửa đổi được như việc người ta chia rẽ nhau về vấn đề chân lý, nhưng là công nhận một thực tại nó phải thế như một điều kiện hợp lý của tiến-bộ.

Lòng khoan dung căn cứ vào quyết đoán: Chúng ta không nắm được chân lý tuyệt đối, vì chân lý ở trên chúng ta, chân lý là nhãn giới cuộc đời vươn tới thôi. Vì thế phải để cho mọi người, tự do tìm chân lý và tất nhiên cùng một chân lý tuyệt đối, nhưng sẽ có nhiều lối nhìn khác nhau. Chúng ta đã thấy ở trên, chân lý triết học khác chân lý khoa học vì chân lý triết học ở trong con người, là trung tâm ý nghĩa (foyer de significations). Đàng khác sự ứng thụ nhận một chân lý khách quan làm chân lý của mình lại thuộc vào khả năng lãnh hội, điều kiện sinh hoạt xã hội, giáo dục của mỗi người. Hơn nữa, giữa người với người, không có tương giao hoàn toàn (réciprocité complète des consciences). Tôi muốn diễn tả một chân lý triết học hay tôn giáo cho người khác thông cảm và chấp nhận như tôi đã chấp nhận. Tôi dùng ngôn ngữ là dấu hiệu và tư tưởng là ý nghĩa dấu hiệu. Ở đây, ta lại gặp một mâu thuẫn nữa: Không có tư tưởng, nếu không có ngôn ngữ là cách biểu lộ, nhưng ngôn ngữ không bao giờ phản ánh hoàn toàn nội dung tư tưởng. Đó là nguồn gốc hiểu nhầm, bất đồng ý kiến, nói một đàng hiểu một nẻo, vì người khác chỉ thông cảm với tôi qua các phương tiện thiếu sót là lời nói. Vậy chỉ khi nào có tương giao hoàn toàn, chân lý phổ biến, khách quan mới được hết mọi người công nhận và lúc đó ta sẽ chỉ có một hệ thống triết học, như một khoa học. Nhưng lịch sử cho ta thấy luôn luôn có nhiều hệ thống khác nhau, nghĩa là không bao giờ có thông cảm hoàn toàn.

Do đó, ta không thể dạy người khác một chân lý triết học: trong nghĩa triết học không phải chỉ là một tri thức, nhưng là đời sống, lập trường, vì chân lý triết học không có tính cách hiển nhiên, tất yếu như chân lý khoa học bó buộc mọi người phải công nhận (trọng lực, luật cơ dãn của kim khí v.v...). Ta chỉ có thể đề nghị để thông cảm.

Như thế, mọi hình thức độc tài đều sai nhầm. Độc tài, tự phụ mình có chân lý, tức là phủ nhận quyền tự do đi tìm chân lý của người khác mình cho là sai nhầm. Đã độc tài, tất nhiên sẽ đi đến chỗ ép uổng người khác nhận chân lý của mình. Nhưng đã rõ chân lý triết học, tôn giáo không có tính cách ép uổng. Bị ép uổng, chân lý không còn là một giải phóng (veritas liberavit nos) nhưng là một trói buộc, đè nén.

Tinh thần cởi mở cũng đòi hỏi khiêm tốn, sẵn lòng, đối thoại. Khiêm tốn không cho hệ thống của mình là hoàn toàn phải; khiêm tốn đặt mình vào lập trường người khác, để trước hết tìm hiểu tại sao họ muốn nói, không phải chỉ cảm mình muốn nói họ người ta. Muốn thế, cũng cần phải có sẵn thiện cảm, vui để với kẻ khác. Đối thoại là đối chiếu, trao đổi nhờ gặp gỡ, tiếp xúc, trong tinh thần trọng mình, trọng người, trong ý chí muốn đạt tới chân lý thôi.

Vì thế, chúng ta có thể chấp thuận bất cứ một hệ thống triết học nào, nhưng với điều kiện căn bản là có tinh thần cởi mở. Vì nếu chúng ta tin chân lý là một, chúng ta sẽ có thể cùng hướng về một mối, miễn là phải trung thành với tiếng gọi của chân lý. Khép kín, tự mãn, tự đắc là tự tiêu diệt bằng cách tiêu diệt chân lý là đường, đời sống.

Thánh Augustin nói một câu rất đẹp: "Verum facere se ipsum," làm cho chính mình trở nên chân lý. Nghĩa là chân lý không thuộc phạm vi tự hữu (l’avoir); tôi có chân lý như có cái nhà, đồng hồ, như đồ cổ để ở bảo tàng viện cho người ta chiêm ngưỡng. Phải tranh đấu, khổ sở mới chinh phục được chân lý, cũng như phải vật vã và đổ mồ hôi mới có cơm ăn áo mặc. Làm cho mình trở nên chân lý tức là cố gắng trung thành, thực hiện ngay sự công chính được yêu đương trong mọi tương quan giữa ta với người. Một chân lý hoàn toàn trừu tượng, không liên lạc gì với đời sống không phải là chân lý cho chúng ta, và vì thế vô ích.

Cho nên nếu đời ta có một ý nghĩa và đáng sống, ý nghĩa đó phải tìm ngay từ đời sống bằng cách sống ý nghĩa đó trong tinh thần cởi mở, trung thành và khiêm tốn.

Và nếu triết học là một cố gắng đi tìm ý nghĩa đời sống, cố gắng đó không bao giờ đạt tới ý nghĩa hoàn toàn giải quyết được mọi vấn đề đời sống nhưng là tìm ra những vấn đề mới. Như thế, triết học không còn là giải quyết nhưng là đặt thêm vấn đề mãi mãi...

 

Đó là vẻ cao cả và cũng là nhược điểm cơ bản của triết học.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt