Nhập môn triết học

Kiến thức tiền triết lý

 

KIẾN THỨC TIỀN TRIẾT LÝ

 

LÊ THÀNH TRỊ

 


Lê Thành Trị. Đường vào triết học. Phần 1: "Ý nghĩa tổng quát của triết lý". Tủ sách Triết học, 1971, tr. 3-46.


 

Cần phải nhắc lại cho mỗi thế hệ rằng đời người là một cuộc học tập không ngừng. Học ăn, học nói, học gói, học đùm. Bất tri diễn tường. Học để biết, để hành và để làm người, cổ kim vẫn cho là cần và trọng. Nhỏ thì học ở nhà, ở trường, lớn lên thì học ở ngoài xã hội. Học tập gồm quan sát, suy tư và thực hành. Nhưng quan sát trên những sự kiện, nhờ đó nảy ra kinh nghiệm và tiến bộ. Trong kinh nghiệm, tư tưởng lớn lên theo một tiến trình hướng thượng. Tư tưởng triết lý không phải một ngày mà có, nhưng là kết quả của những năm tháng học tập trong kinh nghiệm và của những cố gắng suy tư phi thường. Tìm hiểu thế nào là triết lý do đó không phải là dễ. Công trình nghiên cứu triết học và thấu đạt triết lý đòi nhiều điều kiện chủ và khách quan. Điều kiện chủ quan đặc biệt có tinh thần vô tư thanh lọc như Plotin đã nói, và nhất là lòng hiếu chân yêu quý hiền ngôn và hiền triết, Khách quan thì triết lý cần được tìm thấy trong thực trạng nhân sinh và từ lịch sử triết học. Sống là kinh nghiệm. Một giây phút nào đó, giữa lòng cuộc sống thÚ vật, đói ăn khát uống, mắt người mở ra, tai người vênh lên, và với hai bàn tay, người thấy xuất hiện trong đầu một tia hy vọng : ghi nhận lấy kinh nghiệm. Suy tư trên kinh nghiệm và xử dụng kinh nghiệm thủ đắc. Sau đó là sáng kiến. Sự phản ứng qua lại giữa nội và ngoại giới là nguồn gốc phát sinh ra những công trình kiến tạo. Người bản chất vốn hiếu tri, Aristote đã định nghĩa như vậy. Nhưng người cũng là một sinh vật xã hội, cái gọi là kiến thức là cái đồng quan điểm với kẻ khác. Kinh nghiệm tri thức cũng như tâm tình thiết yếu có tính cách xã hội. Kinh nghiệm càng ngày càng phong phú, kiến thức càng sâu rộng là nhờ sự hiện diện hai nhân tố trong nhận thức : khả năng tri thức và liên chủ tính của khả năng ấy.

Nhu cầu vật chất không phải là tất cả đặc hữu của người. Bên cạnh còn là nhu cầu tri thức : tâm hồn cần được thỏa mãn không kém mà còn quan trọng hơn. Tôn giáo, nghệ thuật và khoa học vì thế đã sớm xuất hiện với người như hình và bóng. Tôn giáo bắt đầu với tâm tình và lễ nghi thực hành đối với thần linh. Nghệ thuật do tưởng tượng không thỏa mãn với thực tại trần truồng gồ ghề, nhạt nhẽo. Khoa học thắc mắc với những hiện tượng trong trời đất. Từ sơ khởi, cơ cấu văn hóa nhân loại đã manh nha trên nền tảng những tình, ý đó của người.

Dĩ nhiên trong nghi lễ tôn giáo, trong phác họa nghệ thuật và trong tìm kiếm khoa học, có thể có những tia sáng triết lý làm nồng cốt hay hướng dẫn. Nhưng tất cả mới là hiện thân văn hóa của tâm trí, người chưa nhất thiết thấy cần phân biệt phạm vi hoạt động của tinh thần. Tư tưởng triết lý chưa thoát khỏi huyền thoại và tín ngưỡng hoặc đang đồng nhất với nghệ thuật. Đó là thời kỳ của Orphée hay Homère, của Veda hay Dịch kinh, của những thần tượng vật tổ.

Quan sát cá nhân biến thành kinh nghiệm xã hội, và kinh nghiệm này dần dà kết tinh ở những sự kiện văn hóa. Nếu bút pháp là người, nếu diện mão là tính nết, thì phương chi, ý nghĩa đối với người là ý nghĩa văn hóa vậy. Kịp đến khi người bắt đầu suy tư về ý nghĩa làm người, thì người đã thấy mình đối diện với những thực tại văn hóa, không biết từ đời nào để lại. Sống chưa phải là triết lý. Tìm hiểu cuộc sống mới bắt đầu triết lý. Điều đó có nghĩa là triết lý đến sau cuộc sống và dựa trên cuộc sống. Sự kiện sống đồng thời là sự kiện xã hội. Triết lý là triết lý với người khác, những người cùng chia sẽ điều kiện sống như mình và với họ, mình trao đổi lý, tình bằng phương tiện ngônngữ đồng nhất. Triết lý mang xã hội tính và ngôn ngữ tính là như vậy.

Điều kiện địa lý ảnh hưởng đến tâm trí. Người rừng núi, trèo non lặn suối để kiếm ăn, đêm ngày vật lộn với ác thú để sống, không dễ gì đồng quan điểm về cuộc sống với những bộ lạc đồng bằng sông nước mênh mông. Dân du mục nhìn sự vật không giống dân nông nghiệp hay ngư nghiệp. Xưa kia sự giao thông còn nhiều hạn chế bởi biển rộng, sông dài núi cao, một tư tưởng không hy vọng vượt biên giới thiên nhiên. Sự trạng ấy khiến xuất hiện nhiều vũ trụ quan khép kín, mang nhiều màu sắc địa phương, chủng tộc. Do đó, người ta có thể nói rằng khuynh hướng triết lý. Hy lạp một phần nảy sinh từ cố gắng khắc phục Địa trung hải bao la. Trong khi đó triết lý Ấn độ bắt nguồn ở những cái nhìn phiếm thần giữa rừng núi Hy mã lạp bốn mùa biến ảo, và triết lý Trung hoa xuất phát từ những công việc trị thủy lấy Hà đồ làm khởi điểm. Người quần đảo Anh quốc thiên về hành động nền triết học nhuốm màu sắc thực nghiệm. Còn triết học Đức mang nặng thần bí, vì là dân tộc thích trầm niệm.

Ngày nay, các khu vực văn hóa không còn tuyệt đối độc đáo đóng kín như Spengler quan niệm, mà đã thành của chung nhân loại và hỗ tương tác động như Toynbee đã hùng hồn chứng minh. Triết lý do đó cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của kỹ thuật thông tin và giao thông. Một vài nhận định trên đây có thể đưa đến kết luận này : Triết lý hiện thân vào địa giới như ánh thái dương xuyên qua các từng lớp không khí địa phương, triết lý không của một ai, không tuyệt đối đồng nhất với một xứ sở nào cả, nhưng tìm hiểu thế nào là triết lý không thể không chú ý đến những đặc tính địa lý, chủng tộc và những giao thoa giữa các khu vực triết lý.

Người ta bắt đầu triết lý trong trường hợp nào, dưới áp lực nào, lúc đang hành lễ tế thần hay trong một cuộc tranh chấp đẫm máu tuyệt vọng giữa người đồng loại ? Triết lý nảy ra trong cuộc hành lạc công cộng hay sau những đêm sầu giá lạnh ? Triết lý xuất hiện trong niềm vui sướng hạnh phúc hay trong nỗi đau khổ lầm than ? Vấn đề nan giải. Lịch sử triết lý có thể giọi lên một vài tia sáng. Nhưng dầu sao ta có thể nói rằng triết lý như bông hoa nở dưới mọi thời tiết, và là tinh hoa của nhân sinh. Bông hoa triết lý bắt nguồn nhựa sống ở lòng đất, lòng người, nảy nở theo nhịp tri giác cảm xúc. Phân tách cơ cấu triết lý, sẽ thấy đó là thành quả toàn thể kinh nghiệm cuộc sống. Tuy nhiên để phần nào hé mở bản chất triết lý, người ta có thể bắt đầu đơn kê và so sánh các loại kiến thức, hoặc đi từ kiến thức tiến-triết-lý đến kiến thức đích thực triết lý.

Spinoza có nói đến các loại kiến thức, nhưng đó chỉ là những hình thái kiến thức». Trong khuôn khổ xã-hội-học, Max Scheler phân biệt kiến thức tri giác về ngoại giới, kiến thức tha hữu, kiến thức kỹ thuật, kiến thức khoa học, kiến thức triết lý và kiến thức thần học. Theo ông đó là một thứ tự bất di trên bực thang kiến thức. Tùy theo quan điểm, các triết gia kiêm xã hội học như Comte, Durkheim,Sorokin Granet, Marx, Mannheim, Levy-Bruhl, Bernal, mỗi người lại chú trọng đến những kiến thức mà họ xem là ý nghĩa hơn cả cho việc giải thích các sự kiện xã hội. Riêng Georges Gurvitch đề nghị một sắp hạng như sau :

1. Kiến thức tri giác về ngoại giới;

2. Kiến thức Tha nhân, Chúng ta, Nhóm, Xã hội ;

3. Kiến thức của lương tri và của công tri; 

4. Kiến thức kỹ thuật ;

5. Kiến thức chính trị ;

6. Kiến thức khoa học ; 

7. Kiến thức triết lý.

Theo ông, vai trò xã hội của mỗi loại kiến thức thay đổi theo cơ cấu xã hội tương ứng. Nhưng căn cứ vào hai sự phân loại của Scheler và Gurvitch, người ta thấy rằng triết học đến sau hay gần sau hết, đúng với quan điểm thường có của đa số triết gia. Tôi nghĩ rằng các sách giáo khoa đã có lý khi giản lược tất cả mọi thứ kiến thức thành ba hạng:

1. Kiến thức thường nghiệm ;

2. Kiến thức khoa học ;

3. Kiến thức triết lý ;

(Kiến thức do tín ngưỡng là một đặc loại sẽ có dịp nói tới).

 

Trước hết chúng ta nói đến kiến thức thường nghiệm. Từ trong lòng mẹ con người đã bắt đầu tìm hiểu. Freud và tâm lý nhi đồng đã xác nhận điều đó. Nhận thức là một động tác của trí tuệ và là một kiện toàn bản năng thú vật. Thực vậy, bản năng vô thức vốn tiềm tăng hoạt động trong mọi nhận thức của một người. Do đó có một thứ kiến thức gọi là kiến thức ám tàng chống đỡ cho hoạt động của lý trí. Khi còn phôi thai non dại, lý trí chưa đến thời kỳ phát triển, thì kiến thức ám tàng kể được là duy nhất nơi người. Kiến thức ám tàng không phải là một động tác hay một sự kiện che giấu, mà là một hiện tượng tri thức do giác quan điều khiển hơn là do suy lý. Nơi kiểu khác, giác quan đóng vai trò quyết định ở mức độ kiến thức này. Kiến thức ám tàng dần dần biến thành cái gọi là kiến thức thường nghiệm trong đó ý thức hướng về ngoại giới và hành động. Người ta căn cứ vào những điều tai nghe mắt thấy làm như bài học cho hành động. Công việc đồng áng, săn bắn, đi lại, thủy bộ, đều phỏng định theo bốn mùa mưa nắng. Đó là thái độ của người thợ (homo faber). Kiến thức cũng do kinh nghiệm người khác. Ngôn ngữ là xe thuyền đua chở ý tưởng đồng loại. Trong gia đình, ông bà kể chuyện cổ tích cho con cháu. Ngoài xã hội thì dân làng lấy truyền khẩu và phong tục làm trọng. Kinh nghiệm người khác còn là những lời chỉ giáo hay đưa tin của lân hương, hàng xóm, bạn bè. Như đã nói, người, nhất là trong cuộc sống tinh thần, không dễ gì thoát khỏi ảnh hưởng sâu rộng của nơi, thời và giới trong đó người sống. Đồng thời với kinh nghiệm ngoại giới, người quay nhìn vào tâm tư để biết mình thích gì, nghĩ gì, và muốn gì. Trở về mình là một thực trạng không kém hiển nhiên như phóng mình ra ngoại giới. Đời người như chỗ qua lại trao đổi giữa nội ngoại mà trọng tâm xê dịch theo thời gian, khi thì mài miệt với ngoại vật, khi thì thu mình vào tháp nội quan trầm tưởng.

Biết người, biết mình, biết sự vật là những nhiên cầu đòi được thỏa mãn, nhu cầu bẩm sinh, tự phát. Cho nên người tìm tiện thỏa mãn những nhu cầu ấy. Tìm hiểu trước hết là đ được thông báo, biết để mà biết, và đó là động cơ đầu tiên của phỏng vấn, du lịch, truyện trò, đối thoại, đọc sách báo hay bất cứ hình thức xử dụng ngôn ngữ nào khác. Nhu cầu ấy về sau nhờ tưởng tượng trở thành một hiếu kỳ, gây nên những sở thích mới lạ. Con người thích bỡ ngỡ, lấy làm lạ trước sự vật. Ngạc nhiên là bước đầu ý thức. Sự ngạc nhiên không thỏa mãn với sự được thông báo suông mà còn đưa xa hơn : lý trí đòi hỏi, giải thích những điều được thông báo. Biết có sự vật chưa đủ mà còn muốn biết nguyên nhân, cơ cấu, của sự vật. Ở giai tầng này, tất cả những gì phô diễn trước mắt hay lọt vào ý thức đều làm thành vấn đề đòi giải quyết. Đây cũng là bước đầu của sự khôn ngoan triết học. Nhu cầu được thông báo đồng nhất với mến chuộng chân lý : chân lý là đối tượng của tinh thần. Người bản chất làm lạc, Errare humanum est, nên người không ngừng tìm tới chân lý, vì người đã thấy được chân lý. Tìm về chân lý không phải là việc dễ, người ngoài công lộ vẫn biết thế. Cho nên họ cũng thận trọng, cũng dè dặt. Họ cũng biết tiếp đón những bài học kinh nghiệm, bài học thất bại. Do đó tinh thần phê phán không vắng bóng trong đầu óc của người xử dụng kinh nghiệm thông thường. Họ vẫn cố gắng quay lật sự vật, nhìn ngắm các khía cạnh sự vật, họ so sánh trước sau, trong ngoài, để tìm bắt lấy một ý niệm. Thêm vào đó, cầu cứu đến khôn ngoan truyền thống, nhân xưng truyền thống đề nhận định nhân sinh. Sau cùng tất cả nhận định thực nghiệm được pha tôi vào ý thức đồng bọn, hay quần chúng và việc làm tập thể. Trong toàn bộ, có những nhận định do sự cúng bái thờ tự của tôn giáo.

Kiến thức thường nghiệm chưa đạt tới chân lý thuần lý. Thường nghiệm hướng về hành động hơn là hướng về chân lý. Nói thế không có nghĩa là chân lý tự nó không đủ lôi kéo ý hướng trong nhận thức thông thường. Không có mãnh lực căn bản thúc đẩy thì không có nhận thức được. Vì thế vẫn có thể gặp được những nhận thức thành thực vô tư. Nhưng sự tìm kiếm ở đây chưa gọi được là có tổ chức và hệ thống. Giải thích sự vật và hiện tượng được làm theo tình cờ, giải thích cũng được không cũng thôi, hoặc theo quyền lực của phong tục tập quán và truyền thống. Quan sát rời rạc, không liên hệ trước sau một cách tích cực. Sự phê phán nhuốm màu sắc chủ quan không dựa trên những lý luận và thí nghiệm xác đáng.

Đành rằng rất có thể kinh nghiệm thông thường là những kinh nghiệm đúng với thực tại, và nhiều khi còn bao la phong phú hơn nhận thức khoa học. Sự phong-phú và nghiệm đúng ấy là kết quả của ngàn năm lịch sử. Nhờ đó mà nhân loại tiến. Nhưng không phải vì thế mà trí tuệ không đòi được thỏa mãn bởi những nhận thức cho hơn, kiện toàn hơn : khoa học và triết lý đã đua nhau, mỗi bên theo mỗi cách, tiến lên đài vinh dự ấy.

Một lúc nào đó, kinh nghiệm vụn vặt, thông thường làm cho tri khôn nghi ngờ giá trị thuyết phục của nó. Mặt khác, nhân loại càng tiến, văn hóa càng cao thì kiến thức càng rộng và sâu. Do đó mà có cái mệnh danh là kiến thức khoa học hay triết học. Vấn đề được đặt ra là làm thế nào vạch được một đường biên cương giữa thường nghiệm và khoa học, liệu có một dị biệt yếu tinh giữa các kiến thức không. Chưa có giả nhời dứt khoát về vấn đề.

Theo nhận định cổ điển, thì, một cách đại cương, khoa học là toàn bộ nhận thức thủ đắc bằng những cách thể có phương pháp, và tạo thành hệ thống liên kết. Nhận thức là những động tác nhân loại hướng đến nội dung đối tượng nhận thức. Theo nghĩa ấy thì khoa học nhằm phát triển phẩm chất kiến thức hơn là tăng gia số lượng kiến thức. Cái làm cho kiến thức có tính cách khoa học thiết yếu là phẩm chất đặc biệt của kiến thức. Vì rằng có những kiến thức thường nghiệm phong túc hơn mà vẫn không gọi được là khoa học. Vậy khoa học là tăng phẩm chất nghĩa là tăng hệ số chân lý của nhận thức. Vì đồng thời tăng chắc thực của nhận thức. Chắc thực tăng theo hàm số vô vị lợi, một đặc tính khác của khoa học. Thực vậy nhà bác học đi tìm cái chân, trước khi thấy được cải dụng của chân lý. Chân là đối tượng ưu tiên của công trình khoa học chính danh vậy.

Nghiên cứu khoa học không buông theo tình cờ, gặp chăng hay chớ. Nhất cử nhất động được điều hành theo kế hoạch và chương trình đã dự tính, nói vắn lại, ở đây là một công trình tìm kiếm có phương pháp. Phương pháp theo nguyên tự Hán Việt là phép tắc làm như cách thể thực hiện một dự định. Nội dung phương pháp phải hiểu theo nguyên nghĩa của Hy ngữ Methodos đúng đường (meta: với, odos : đường). Phương pháp là con đường phải theo để tới đích. Phương pháp cũng là đạo phải giữ để vươn lên chân lý. Phương pháp là kết quả của suy tư tính toán, cho nên bao giờ cũng hướng theo lý tính và phải hợp lý. Nói phương pháp là nói lý tính và định hướng vậy.

Vốn là đạo phải theo, phương pháp đi đôi với óc phê phán. Óc phê phán thẩm định giá trị của phương pháp. Vì vậy, thí nghiệm là một điều kiện. Một giai đoạn không kém quyết định. Óc phê bình không do sự sửa sai, điều chỉnh những khuyết điểm hay lỗi lầm của phương pháp và kết quả của thí nghiệm. Phê bình ở đây chỉ biết có hai quyền lực : lý trí và thực tại, đúng hơn, sự tương ứng giữa trí tuệ và ngoại giới, tất cả quyền bính khác không quan hệ để khỏi nói là chướng ngại. Tuy vậy, nhà khoa học không cố chấp, chủ quan, mà luôn luôn cởi mở, sẵn sàng đón nhận ý kiến người khác, bất cứ người ấy là ai. Khoa học tạo ra một môi trường trí thức, trong đó các nhà khoa học cảm thông với nhau và gặp được một khích lệ vô tư cho sự tiến triển chân lý. Khoa học không biết biên giới quốc gia, chủng tộc, màu sắc địa phương. Khoa học là của mọi người, tất cả là những người bạn đường là cộng sự viên cần thiết và không bao giờ là một thù địch.

Chân lý như ánh mặt giời dưới làn nước rung động, chập chờn, khi tỏ khi mờ, khi gần khi xa.Nhà bác học, vừa tưởng như mình nắm được bí quyết của tạo hóa lại bất thần thấy mình rơi vào tối tăm. Mặc dầu vậy, nhà bác học không ngừng nuôi tham vọng thống nhất mọi cái nhìn riêng phần, cá biệt, rời rạc làm thành một quan niệm duy nhất, có hệ thống nghiêm túc, trong đó mọi hiện tượng liên hệ với nhau bằng những định luật chắc chắc, thế nào đúc kết được hình ảnh cân bằng của sự vật, của ngoại giới. Phân tách hiện tượng không nhằm gì khác hơn là tiến tới một tổng hợp khả lý, cho phép vượt khỏi thay đổi, thất thường của cảm quan. Công việc ấy, một người không làm nổi, mà cần có sự góp sức của nhiều người.

Vụ khách tín, vô tư không để cho thành kiến và dục vọng lôi cuốn, đồng thời với óc phê bình, cẩn thận xử dụng phương pháp thích hợp và cố gắng hệ thống hóa nhận thức đó phải là những đặc tính thiết yếu của khoa học.

Đến đây, có thể thấy được khoa học là một cố gắng nối tiếp, vì khoa học bắt nguồn thường nghiệm. Nhưng lại vượt thường nghiệm vì khoa học là lý tưởng hóa thường nghiệm lý tưởng hóa những đặc tính không thấy có hay chỉ có ẩn tàng nơi thường nghiệm. Khoa học luôn luôn bằng vào kinh nghiệm luôn luôn trở về với thực tại hữu hình, nên khoa học chẳng những là phóng ảnh thực tại, không phản thực tại, mà còn cải thiện và mở rộng kinh nghiệm. Khoa học thực ra có phản ảnh trung thành ngoại giới không, đó là một vấn đề siêu hình, ở đây tôi chỉ mới đứng ở quan điểm khoa học thông thường, cổ điển... Chân lý khoa học khám phá ra, chắc thực hơn, chính xác hơn, phổ biến hơn và hợp lý hơn. Do đó khoa học hiệu nghiệm và phong phú hơn cho thực hành. Nhờ tính chất phổ biến của nó mà một định luật khoa học mang nhiều khả năng áp dụng và giải thích cho nhiều trường hợp hơn. Ngày nay, do Husserl khởi xướng, vấn đề còn đặt ra là giữa thường nghiệm và khoa học bên nào giá trị hơn, và giá trị như thế nào, bên nào sát với thực tại hơn v.v... Nhưng người ta có thể nói rằng cái làm cho khoa học có giá trị, chính là phương pháp đem ra xử dụng. Phương pháp, như đã nói, có tính chất phi ngã, nên nhờ đó, nói lên địa vị ưu tiên của tinh thần nhận thức vô tư, nói lên giá trị kỹ thuật và thực tiễn của tinh thần ấy.

Tuy rằng khoa học tập suy trong thường nghiệm, nhưng về một phương diện, giá trị hơn thường nghiệm. Giá trị ấy tuy có sau nhưng lên trước, tuy do thường nghiệm nhưng đề rồi điều khiển thường nghiệm. Cũng theo ý nghĩa ấy, lý trí khoa học tuy dựa vào thực hiện và kỹ thuật, nhưng thực hiện và kỹ thuật đồng thời là dấu chỉ của lý trí. Không có lý trí làm sao có kỹ thuật, làm sao một ý niệm được đem ra thí nghiệm... Sự nhận thức khoa học ví như người đã trưởng thành, đã sống nhiều, đã rút được những bài học quá khứ và với những bài học kinh nghiệm làm chất liệu, xây dựng những kiến trúc tân kỳ hợp lý và huy hoàng. Nhưng từ lúc đặt viên đá đầu tiên, khoa học bao giờ cũng muốn duy trì thái độ sáng suốt, tự chủ, để nhờ những tư cách lãnh tụ ấy, điều khiển và xử dụng vũ trụ hữu hình. Trong khi đó nhận thức thông thường không khác gì trẻ con chập chững từng bướcmột, nặng nề chập chạp, nguy hiểm. Tiếng nói ngọng nghịu, mơ hồ... Trẻ con cần người lớn, dắt dìu, nuôi dưỡng. Cũng vậy kiến thức thông thường cần được khoa học đảm nhiệm những vai trò tương tự. Trẻ con cần người lớn cũng như người lớn phải bắt đầu bằng trẻ con, đó là hình ảnh mối tương quan giữa kiến thức đường phố và kiến thức phòng thí nghiệm. Đó cũng là những câu nói đầu tiên trả lời cho vấn đề mà Husserl đã đặt ra.

 

Từ đêm tối thời gian đến lịch sử Hy lạp, nhân loại đã chứng kiến bao nhiều hung vong các nền văn hóa : văn hóa Ba Tư, văn hóa Ai Cập, văn hóa Ấn Độ, văn hóa Trung Hoa v.v... Mỗi nền văn hóa đều có những thời kỳ vàng son về phương diện này hay phương diện khác. Mỗi dân tộc đều cố gắng phi thường trong việc chinh phục thiên nhiên, hay tổ chức đời sống xã hội. Từ văn chương, mỹ thuật đến những công trình đào sông đắp ngòi lần lượt trước sau, những nền văn hóa ấy đã chứng tỏ được khả năng cố hữu của giống người và đã để lại cho hậu thế nhiều thành tích đáng giá. Nhưng những cố gắng ấy bị chi phối bởi tinh thần hành động và lý lẽ của tình cảm. Không một dân tộc nào vươn lên bình diện thuần túy lý thuyết. Không một dân tộc nào nhận định được tất yếu tính của suy tư trừu tượng, không một dân tộc nào thấy được và xử dụng địa vị ưu tiên của lý trí trong việc tìm hiểu vũ trụ và nhân sinh. Trong khi đó người Hy lạp đã sớm nhận thấy luận lý của lý luận và nghiên cứu luận lý ấy một cách hệ thống, đã xử dụng luận lý ấy như điều kiện tất yếu để đạt tới chân lý tri thức, đã hiểu rằng khoa học là lý thuyết trước khi đem ra áp dụng, và vì vậy đã phân biệt được khoa học và ứng dụng khoa học. Họ là dân tộc đầu tiên cảm thấy nỗi hân hoan của trí thức vì trí thức, nỗi hân hoan của quan sát, giải thích và hiểu biết. Đó là đặc điểm của con người thông minh, khác với con người hành động của những nơi vì lẽ này hay lẽ khác chưa phân biệt tâm với trí, lý thuyết và hành động. Con người thông minh Hy lạp đã làm được cái lịch sử gọi là phép lạ Hy lạp. Phép lạ Hy lạp đã chứng minh sự thượng thặng của tinh thần, và do đó, là nguyên ủy của nền văn minh Tây phương, (Thực ra văn minh Tây phương còn có một nguyên ủy thần bí, và nguyên ủy này đã ngấm ngầm hoặc công khai thi đua với lý trí qua giòng lịch sử cho đến tận ngày nay. Vì lẽ đó mà có người đã nói đến tính chất nhị ứng của văn minh Tây phương, Mặt khác không phải rằng, trước Hy lạp, các dân tộc khác, không có những nỗ lực theo chiều hướng suy luận trừu tượng, nhưng những nỗ lực ấy không gây thành phong trào hay hệ thống).

Khoa học Hy lạp được Aristote quan niệm, là sự giải thích vạn vật một cách lý luận và bằng nhân quả. Người thông minh Hy nhận thấy vũ trụ là một toàn thể có trật tự, trật tự ấy có lý tính, trí tuệ người có thể hiểu được và do đó giải thích bằng nhân quả. Được quan niệm như thế, vũ trụ không còn là huyền nhiệm. Ánh sáng lý trí có thể chiếu rõi tận những gì từ trước cho là bí ẩn nhất. Luật nhân quả đã thừa nhận, lý trí chỉ còn bắt tay vào việc. Tuy nhiên không phải nhất đán, người trông thấy được đường đi của nhân quả. Lý trí chỉ thấy lần lượt, từng bước một, từng nhân quả một và theo một tiến trình từ cảm giác vật chất hữu hình đến phi cảm giác vô hình.

Vậy đối tượng nhận thức đầu tiên của nhân trí là vũ trụ cảm giác hữu hình, mà hai đặc tính chính yếu là chuyển động và thời gian. Đó là vũ trụ của khoa Vật lý. Vũ trụ ấy nếu không nhìn dưới bình diện chuyển động và thời gian mà chỉ thấy bằng số lượng nghĩa là dưới độ số vắn dài, lớn bé cao thấp và liên hệ của những số lượng ấy, thì sẽ là đối tượng của Toán học. Sau hết nếu trí tuệ không chú ý đến cảm giác hay số lượng mà chỉ nhìn đến hữu thể của ngoại vật nghĩa là nhìn sự vật xét theo nó có hay không có, sự vật là thực tại, một khả thể hay một hư vô, lúc đó là khoa học siêu hình. Siêu hình không những nghiên cứu thực tại hữu hình vật chất mà còn vì nhất là những thực tại vô hình, phi vật chất, vì rằng đối tượng của siêu hình là hữu, là sự có, mà cái gì có không tất nhiên là chỉ có dưới hình thức vật chất và hữu hình. Hữu hình hay vô hình ấy, vật chất hay phi vật chất ấy, sau hết, sở dĩ là đối tượng của trí tuệ là vì có thể hiu được, là vì đó là những sự hữu khả tri. Siêu hình học còn gọi là thần học tự nhiên vì đối tượng chính và sau cùng của khoa này là Thượng đế, được hiểu như là Nguyên nhân chính và cao cả của mọi hữu thế, mọi thực tại. Tĩnh tự cao cả không ngụ ý tín ngưỡng nào, mà chỉ có nghĩa là trên tất cả, tối hậu, như ý nghĩa cao cả trong nguyên lý lý của Leibniz sau này.

Ta thấy rằng Aristote quan niệm tất cả mọi ngành khoa học đều cùng nhằm một mục đích : tìm hiểu vũ trụ, và vì thế, làm thành một toàn bộ duy nhất là triết lý vậy. Ngay từ những trang đầu cuốn Physis, Aristote đã lấy Hữu th của Hiện thể làm đối tượng nghiên cứu cho khoa học. Heidegger gọi chương đầu cuốn Physis ấy là “Nhập môn cho triết học) đến nay chưa ai vượt được. Quan điểm cho Thượng đế là nguyên nhân sáng tạo và giải thích khoa học của vũ trụ, cũng được Descartes xác nhận trong cuốn Những Nguyên lý: Ở đây chưa có sự phân biệt giữa các "khoa học" trong việc nhận thức. Ở đây tất cả là triết lý và siêu hình được gọi là triết lý đầu tiên (Philosophia prima).

Toán học lấy số lượng làm đối tượng và số lượng số học làm căn cơ. Như vậy có thể nói rằng ngay từ đầu, toán học không chú ý đến bất cứ một đặc tính thực sự hữu hình nào nơi sự vật, Ngay từ đầu, số lượng được quan niệm có tính chất trừu tượng và lý tưởng. Điều này rất hệ trọng, vì rằng nếu toán học là học về số lượng và có tính chất lý tưởng, thì những công thức, những định luật do Toán học tạo ra liệu ta có thể có trong thực tại không, có phải là phản ảnh thực tại không? Theo Aristote, toán học không phải là một khoa nhiên học, nhằm giải thích ngoại giới. Ông phủ nhận tính cách sáng tạo của toán học, không cho toán học là căn bản của vũ trụ như Pythagore chủ trương. Vì rằng một khi đã chấp nhận một số nguyên lý hay định lý nào đó làm khởi điểm suy luận, nhà toán học bất chấp cả thực tế ngoại giới, mà chỉ còn biết đến và tuân theo đòi hỏi nghiêm xác của suy luận diễn dịch, là phương pháp điển hình của toán học. Lý luận toán học có những quy tắc đặc biệt dựa vào luận lý hình thức. Toán học tượng trưng cho nhận thức không thuộc hay rất ít thuộc thứ hạng thông thường. Vì thế toán học sớm tách riêng khỏi các ngành nhiên học, có một cuộc sống độc lập và tự lập khả quan. Và cũng vì lý do ấy, mà toán học chỉ được dành một vai trò không đáng kể trong học thuyết Aristote,

Thực ra tinh thần toán học Hy lạp đã xuất hiện với Pythagore và sự phân loại của Aristole chỉ là để khẳng định một đặc điểm trong tinh thần trừu tượng của dân Hy lạp đã nảy nở từ trước và lấy khả tri làm đối tượng thiết yếu cho động tác tinh thần. Khả tri theo Pythagore là toán số, và vì thế, là một thực tại hiển nhiên nhất để giải thích vũ trụ. Hơn nữa toán học, với tính chất trực giác và thần thông, là triết lý chính danh nhất. Trái lại, như vừa nói trên, Aristote không nghĩ như vậy, vì tính chất suy diễn hình thức của toán học. Khác biệt quan điểm này giữa hai triết gia Hy là đầu mối cho những cuộc tranh luận không lối thoát và kéo dài mãi cho đến ngày nay. Ta sẽ có dịp trở lại vấn đề này.

Khuynh hướng chuyên biệt cũng đã xuất hiện trước Aristote, mặc dầu tất cả mọi cố gắng tri thức đều quy về sự tìm hiểu mà về sau Aristote gọi là tìm hiểu triết lý. Thiên văn học, cơ học, và các môn nhiên học ở thời thượng cổ đã đạt tới trình độ nói được là chuyên biệt. Nhưng do ảnh hưởng Aristote, mọi khuynh hướng ấy bị lu mờ và ngừng lại trong suốt thời Trung cổ, để rồi lại tái hiện một cách mãnh liệt đầu thế kỷ 17 và trên một nhịp càng ngày càng nhanh. Cũng như đời thượng cổ, trước hết là khoa Thiên văn, Cơ học, Vật lý rồi đến Hóa học, Sinh vật học, Xã hội học, Tâm lý thực nghiệm. Sự tuần tự xuất hiện và khai triển của các khoa trên đây có liên hệ mật thiết với điều kiện nhân sinh mà chúng ta có thể thấy được trong lịch sử tư tưởng nhân loại và đặc biệt trong trình sử của mỗi khoa chuyên biệt. Sự phân công và phân hướng ấy đặt ra vấn đề này là liệu triết học theo nghĩa Aristote còn cần thiết và có lý do tồn tại nữa không. Nói khác đi, việc giải thích và tìm hiểu nội ngoại giới phải chăng đã có mỗi môn học chuyên biệt đảm nhận và Chân lý toàn diện tuyệt đối, lý tưởng, phải chăng sẽ là kết quả của sự cộng tác và phối hợp cố gắng của tất cả mọi khoa chuyên biệt không, mặc dầu kết quả trông chờ ấy nằm ở vỏ hạn thời gian ? Nhất là ý nghĩa toán học : với sự tiến triển khoa học, càng ngày càng tỏ ra hiệu lực và hợp lý trong việc giải thích vũ trụ, toán học liệu có thể hy vọng thay cho Triết học được không. Nhận thức triết học có phải chỉ là một hình thức suy tư kém xác thực, và kém minh bạch hơn kiến thức khoa học, và kiến thức khoa học là lý tưởng cao cả của tư tưởng nhân loại, nghĩa là triết học đã làm xong lịch sử của mình?

Trước khi làm sáng tỏ vấn đề, thiết tưởng cần nói thêm về ý nghĩa mà triết gia hoặc nhà khoa học đã gán cho danh từ khoa học và sau đó tìm hiểu thế nào là định luật khoa học.

Danh từ Khoa học, Platon đã dùng đến và có nhiều nghĩa khác nhau. Nhưng trên bậc thang nhận thức, "khoa học" được Platon có lần xem như là một nhận thức tuyệt mức. Khoa học theo nghĩa này chẳng những không trái với triết học, mà còn chính là triết học. Nói kiểu khác, theo nghĩa là nhận thức tuyệt mức, thì triết học chẳng những là một khoa học, mà còn là một khoa học có tính chất biểu nhất lãm, vì toán học và các môn học khác là thành phần của bách khoa triết học. Có thể thấy được quan điểm Platon nhất là trong cuốn Cộng Hòa.

Với Aristote thì danh từ khoa học được phân tách và xử dụng một cách nói được là gần với quan niệm ngày nay. Chẳng hạn như là thấy trong sự phân loại khoa học thành các ngành vật lý, toán học và siêu hình. Tuy nhiên mặc dầu cùng chung một danh hiệu khoa học với các môn khác, Siêu hình không hoàn toàn là khoa học như vật lý hay toán học chẳng hạn. Aristote nói rằng chỉ có khoa học khi có tổng quát. Siêu hình là khoa học thượng thặng, vì đối tượng Siêu hình – hữu thể xét theo hữu – có tính cách tổng quát hơn cả.

Ngoài ra, nói chung thì khoa học xuất hiện khi lý trí thấy được tất yếu tính nơi sự vật hay hiện tượng. Tất yếu tính có nghĩa là vĩnh viễn tính. Aristote viết trong Ethique gửi Nicomede VI,3, rằng có khoa học khi ta thấy sự vật không thể khác hơn được, và khoa học bàn đến tất yếu và vĩnh viễn. Nhiều nơi khác, Aristote nói đến phổ biến tính và phân biệt hai thứ phổ biến : phổ biến ngoài và phổ biến trong. Phổ biến ngoài chẳng qua là dấu chỉ, là thể hiện của phổ biến trong, và phổ biến trongmới thực là đích danh phổ biến. Tuy nhiên Aristote vẫn không minh bạch về sự phân biệt ấy. Người ta không hiểu nguyên nhân tính tìm thấy trong vũ trụ hữu hình, trong các hiện tượng vật lý, có tính cách phổ biến nào ngoài hay trong, Cũng vậy, ý niệm Aristote về nguyên nhân đầu tiên khi thì có nghĩa là nguyên nhân của thiên nhiên, nguyên nhàn tổng quát của biến dịch trong thiên nhiên, động cơ đầu tiên của vũ trụ hữu hình, rất xa với sự kiện vật lý, khi thì lại có nghĩa rất cận tiếp của những hiện tượng phải giải thích một cách khoa học, phải được giải thích khoa học tìm cho ra một cách trực tiếp vậy. Tóm lại, nguyên nhân nơi Aristote vừa có tính chất triết học. vừa có tính chất khoa học. Sự kiện đó, âu cũng là do quan điểm nhìn xem sự vật trong toàn thể và nhìn các ngành học như là cùng chung một mục đích là tìm hiểu vũ trụ một cách triết học. Khoa học là một phương tiện, một giai tầng nhận thức triết học vậy. Platon tùy trường hợp. phân biệt khoa học và triết học, trái lại Aristote cho triết học là bất cứ nhận thức nào có lý tính. Nhưng dầu sao, hai ông từ triết học này cũng không khác nhau mấy trong quan niệm tương quan giữa triết học và khoa học, vì cả hai đều muốn thu gọn mọi nhận thức nhân loại dưới một cái nhìn biểu nhất lãm.

Lập trường Aristote hồi âm nơi St. Thomas và các nhà triết học kinh viện. Thánh Thomas định nghĩa "khoa học là sự đồng hóa tinh thần với vật được hiểu biết") (Scientia est assmilatio mentis ad rem seitam). Ông lại phân biệt khoa học thuần lý như toán học và triết học với khoa học thực hành như chính trị chẳng hạn, khoa học triết lý khác với thần học. Nói vắn lại, danh từ khoa học có nghĩa là môn học dựa vào lý trí, có lý tính, và khác nhau ở trình độ lý tính cao thấp, nhiều ít trừu tượng. Đó là danh từ khoa học theo nghĩa mạnh.

Bacon hay Descartes cũng dùng danh từ theo nghĩa mạnh như vậy. Trong cuốn Novum Organum Bacon viết : "Khoa học là hình ảnh bản thể" (Scientia quae est essentiae imago). Dĩ nhiên ở đây không phải là lúc xác định về ý nghĩa bản thể của Bacon, ta chỉ tạm thừa nhận rằng scientia, khoa học, dùng để áp dụng cho bất cứ một ngành học nào dẫn đến bản thể sự vật, bản thể hiểu theo nghĩa Bacon. Thực vậy, tác giả Novum Organum nhấn mạnh đến khía cạnh thực nghiệm và quy nạp của sự học hỏi về thiên nhiên, thì đồng thời ông cũng dùng danh từ khoa học để chỉ các môn triết lý hay luận lý. Vì ông cho rằng triết lý là kiến thức lý tính, tức là khoa học chân thực. Triết lý thiên nhiên là suy tư nghiệm xác về thiên nhiên. Trong quan niệm Descartes, cũng có một cái nhìn tương tự. Tất cả các khoa học đều làm thành một toàn thể bất phân, từ vật lý, y học v.v. đến siêu hình. Tất cả có thể áp dụng phương pháp lấy minh và biệt làm tiêu chuẩn xác thực. Triết học là khoa học thượng thặng. Descartes đã nhiều lần nhắc lại các ý niệm trên đây. Một ví dụ: "Một người vô thần có thể nhận thức rõ ràng rằng ba góc của một hình tam giác bằng hay góc thẳng, đều đó tôi không chối cãi: nhưng tôi chủ trương rằng nhận thức của người đó không phải là một khoa học chân thực vì tất cả nhận thức có thể hoài nghi thì không được gọi bằng danh hiệu khoa học."

Đến Kant thì danh từ khoa học được minh định và hạn giới hơn. Do học thuyết về kinh nghiệm của ông, Khoa học là đối tượng của sự quyết đoán, của xác tính phân minh (certitude apodictique). Nói kiểu khác, xác tính phân minh làm nên kiến thức khoa học và vì xác tính ấy chỉ có trong kinh nghiệm nên khoa học là khoa học của những khả nghiệm. Do kinh nghiệm, người ta có thể tìm ra một hệ thống căn cứ trên những nguyên tắc đã thừa nhận, vì thế Kant phân biệt các ngành khoa với khoa học nói chung. Các ngành khoa học dựa vào kinh nghiệm của ngành mình, còn khoa học nói chung là bất cứ một học thuyết nào tạo ra được một hệ thống kiến thức được xếp đặt theo những nguyên lý tổng quát. Theo nghĩa đó thì một học thuyết có tính cách kiến trúc (archittechtonique) đều gọi được là khoa học.

Sau Kant và do ảnh hưởng quyết định của Kant, Auguste Comte và những người theo chủ nghĩa thực tiễn như Taine, Mill, dứt khoát dành danh từ khoa học cho kiến thức thực nghiệm. Hiện tượng hay dự kiện có thể thí nghiệm (hiểu theo nghĩa rộng) là đối tượng khoa học và triết học là cái nhìn thu vào một mối duy nhất tất cả kiến thức thực tiễn lý tính.

Triết học ở đây đóng vai trò tổng hợp và liên kết thực nghiệm. Trong viễn tượng thuyết thực tiễn, công việc tổng hợp còn quan trọng hơn cả những kiến thức khoa học riêng rẻ. Tuy nhiên triết học ở đây không có tính cách siêu hình theo nghĩa cổ điển, mà là những nguyên lý lý tính rút ở thực tại kinh nghiệm, ngoài kinh nghiệm không có gì khác. Chủ nghĩa thực tiễn là nguồn gốc chính yếu cho phong trào ý thức hệ thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19: không một ý thức hệ nào không tự hào là kết quả của những suy tư khoa học và đặt trên những nền tảng lý tính có tính chất khoa học thực nghiệm.

Chúng ta vừa nói Kant có một ảnh hưởng quyết định cho tiến trình của khoa học. Thực vậy, ngày nay ý nghĩa khoa học phát triển theo nghĩa thiết yếu thực nghiệm của nó, nghĩa là, nói chung, căn cứ vào sự kiện có thực, hay những dự kiện vũ trụ.

Trước hết là khoa học thực tiễn. Vì là thực nghiệm, nghĩa là theo nguyên tắc có thể thị nghiệm được, nên khoa học này chỉ biết hiện tượng vật lý hữu hình. Thực tại có thể quan sát đo lường. thực tại mang những đặc hữu tương đồng và cùng có một nhịp độ quy tắc thứ tự nào đó đã tiền định. Nếu cùng có những điều kiện hiện tượng giống nhau, thì sự vật sẽ cùng lệ thuộc những nhân quả như nhau, Cái đi trước, tiền kiện, (antécédent) gọi là nguyên nhân (cause) và cái đến sau là hậu quả (effet) Tra hỏi và minh định hệ thức nhân quả của sự vật hay hiện tượng vật chất, đó là mối quan tâm chính yếu của khoa học thực nghiệm. Tương quan nhân quả vô cùng phức tạp, vô cùng phong phú, một số quan sát hay nhận định tự nó không có nghĩa gì đối với toàn bộ, nên các nhà khoa học cầu cứu đến giả thuyết. Giả thuyết thành hình từ một số quan sát hay kinh nghiệm nào đó do quy nạp cung hiến, để đi dần tới một nguyên lý, từ nguyên lý đó suy diễn ra bằng phương pháp diễn dịch. Cứ như thế sẽ đi đến một lý thuyết nào đó được cho là bao trùm mọi hiện tượng có thể có.

Vì đi từ một số quan sát riêng biệt và vì được nghiệm đúng trên một số trường hợp hãn hữu, vấn đề đặt ra là giả thuyết đến bao giờ mới mất tính cách phỏng định của nó? Chúng ta sẽ có thêm yếu tố ở những trang sau để phác họa một câu giả nhời Nhưng, dầu sao cần nói ngay rằng thế hệ chúng ta càng ngày càng tin tưởng vào khả năng của khoa học, nếu khoa học biết ở trong phạm vi đối tượng của mình. Toán học không cần phải chứng minh các yếu tố của cấp vô hạn. Cũng vậy, vũ trụ mặc dầu vô hạn trong thời gian, nhưng khoa học có thể diễn tả các định luật vũ trụ dưới những hình thức trọn vẹn.[1]

Nhưng, mặt khác, cần định rằng khoa học phải đứng trong lãnh vực của mình, tức là có ý nói rằng nhân quả tính khoa học tìm kiếm không phải là nhân quả tính thuộc thứ hạng nguyên nhân sáng tạo (causalité productrice) mà thuộc thứ hạng tương quan chức vụ (rapports fonctione's). Nhà khoa học không chú ý đến cái gì sinh thành sáng tạo ra cái gì khác, không tìm hiểu bởi đâu mà cái này có và cái kia không có, nói rộng ra, không đặt thành vấn đề nguồn gốc sáng tạo ra vũ trụ: đúng như Hume đã nói: vấn đề nguyên ủy bao giờ cũng vô cùng phức tạp, khó khăn ngay cả nguyên ủy một vật ti tiện, đơn giản nhất. Tinh thần thực nghiệm khoa học chỉ muốn biết có hiện tượng, nghĩa là hiện tượng này liên hệ với hiện tượng kia như thế nào, trước hiện tượng hiện hữu có những hiện tượng nào. Vi lý do ấy mà ở khoa học thực nghiệm, ý nghĩa cơ giới và tất định vẫn là những nét nổi hơn cả. Sau hết cần phải lưu ý rằng nhân quả tính khoa học khác với những suy diễn luận lý và suy diễn căn cứ vào tiền đề để suy ra hậu đề (conséquent) theo những định luật thuần túy lý tính, như định luật hàm thức chẳng hạn (loi d‘implication).

Thứ đến là khoa học lịch sử, đối tượng là tất cả các biến cố xảy ra trong lòng nhân sinh qua các thời đại đã lui về quá khứ. Lịch sử học liên hệ đến các môn học khác, các điều kiện vật lý khác. Phương pháp cũng là sưu tầm, tra hỏi, bình phẩm, xếp loại, nói vắn lại là cố gắng tái thiết những gì không còn nữa. Nhưng mục đích tối hậu vẫn là, nhờ những định luật khám phá, có một ý niệm về nhân tính, về giá trị tự do, và ý chí của người trong vũ trụ và của người trong xã hội. Nói tóm lại, lịch sử giúp tìm hiểu khả năng sáng tạo của con người vậy.

Sau hết là các khoa học nhân văn, gồm các ngành về tâm lý, xã hội, chính trị, kinh tế, nhân chủng và nhân loại học. Có người phân biệt khoa học nhân văn là khoa học về người đối với thiên nhiên, và khoa học đạo đức là khoa học về người trong các tương quan xã hội. Sự phân biệt chỉ là thuộc từ ngữ học và thiết tưởng không quan trọng lắm.

Một vài triết thuyết như học thuyết Hegel, học thuyết Mácxit muốn giải thích lịch sử và nhân sinh theo định luật thiên nhiên, và cho rằng biện chứng duy vật là nguồn gốc của biện chứng lịch sử. Nhưng ngày nay trong lòng triết học Sô viết và giữa những người Mácxít ngoài Liên xô, có những chủ trương ngược lại.

Đại khái ý nghĩa danh từ khoa học đã diễn ra như vậy. Ta có thể lược tóm thành hai nhận định này :

1) Đối tượng của khoa học gồm cả vũ trụ lẫn nhân sinh.

2) Qua thời gian, khoa học đã nhiều lần đồng nhất với triết, và hiện nay, theo một số người, có thể thay thế cho triết học.

Đặt vấn đề thay thế ấy, tức là tìm hiểu đối tượng đích thực của khoa học và triết lý, hay cũng vậy, tức là đặt vấn đề giá trị giải thích (valeur explicative) của khoa học, trước khi nhường lời cho triết học. Đặt vấn đề giá trị giải thích khoa học, tức là tìm hiểu bản chất khoa học, nghĩa là tìm hiểu định luật khoa học vậy.

Giá trị thuần lý khoa học liên hệ với ý nghĩa định luật khoa học. Nhận thức khoa học vượt kiến thức thường nghiệm, cảm giác để vươn lên những ý niệm tổng quát và xác tính hơn về hiện tượng nghiên cứu. Những ý niệm thủ đắc thường được mô tả bằng định luật, và định luật có thể mang hình thức toán học, nghĩa là biểu diễn bằng công thức. Bàn đến định luật tức là tìm hiểu giá trị khoa học vây.

Người thường không cần biết đến định luật. Định luật không dễ thấy ngay được, mà là kết quả của công trình tìm kiếm có khi hàng chục thế kỷ. Định luật không hiển hiện bề ngoài mà nằm sâu trong cơ cấu sự vật. Tìm đến định luật, không phải chỉ vì định luật có giá trị công cụ cho phép ta hành động, mà trước hết và nhất là vì định luật là yếu tố minh bạch và lý tính đối với nhận thức tinh thần. Ở đây chỉ nói đến định luật trong khoa học thiên nhiên như vật lý, hóa học v.v.. hay trong toán học, chứ không bàn đến định luật hiểu theo nghĩa luật học hay là đạo luật.

Định luật không minh thị ghi lên một nơi nào trong vũ trụ. Chúng ta chỉ thấy, trong vũ trụ, những sự vật riêng rẽ. Vậy trước hết hãy phân tách những sự vật hay hiện tượng trông thấy. Vũ trụ bày ra thiên hình vạn trạng, thiên si vạn biệt. Đủ mọi loài, mọi vật, cao thấp, hơn kém, đơn tạp không đồng đều, mỗi vật, mỗi sự mang những tính chất dị biệt. Tuy nhiên, có thể quy vào ba loài : sự vật vô tri giác, sinh vật và người. Ba loại khác nhau về nhiều điểm căn bản, nhưng chẳng cần suy nghĩ nhiều, cũng có thể nhận thấy rằng tất cả đều cùng chung những đặc tính tổng quát sau đây:

Đầu tiên là chiếm chỗ. Mỗi vật có một chỗ đứng trong vũ trụ, chỗ ấy một khi một vật đã chiếm thì đồng thời không còn là chỗ cho vật khác nữa. Đây, tôi ngồi đây trên ghế này trước bạn tôi, và đây là cái bàn, đây là bảng đen v.v. Nói đến một vật tức là ngụ ý rằng vật ấy chiếm chỗ, và một chỗ không thể đồng thời do hai vật chiếm được. Do sự chiếm chỗ ấy một vật được xác định và hạn giớitrong không gian và có thể bén mãng đá động tới, nghĩa là có thể nhìn thấy, sờ mò hay bắt lấy ; nếu là người, có thể nghe tôi nói, hay tôi có thể nói chuyện với v.v.

Thứ đến, mỗi sự vật đều  ở một thời gian. Hiện tôi đang ngồi đây, 10 giờ, ngày 10 tháng 01 năm 1971. Đành rằng đó là những quy ước xã hội, nhưng quy ước đó diễn tả một lúc của thời gian. Vậy nói sự vật là đồng thời nói đến khoảnh khắc thời gian ấy có thể quan niệm dị tính hay đồng tính tùy theo vật ấy có ý thức thời gian hay không, nhưng tất cả mỗi vật đều có trong giới hạn của thời gian phi ngã, toán học (t1.t2) chẳng hạn.

Thứ ba, mỗi vật đều thay đổi. Người xưa nói không thể hai lần ngửi vào một hương thơm của một bông hồng, không thể hai lần cùng tắm trong một giòng nước duy nhất của một con sông, là có ý nói rằng vạn vật luôn luôn thay hình biến dạng, không hề ngừng. Những hình ảnh “vân cẩu», «tang thương”, «bóng bạch câu» v.v. đều diễn tả sự bất cố định của ngoại giới và nhân sự. Không một vật nào tuyệt đối chống lại với sự cấu xé gậm nhấm của mưa nắng, cát bụi thời gian.

Đặc tính thứ tư là mỗi cá vật, mỗi cá nhân tự nó và nơi nó, làm thành một toàn thề khác với toàn thể nơi cá vật khác. Cái bàn A là cái bàn A, không phải là bàn B. Cây dương liễu này không phải là cây thông kia. Sự trạng đó lại càng hiển nhiên nơi sinh vật và đặc biệt nói người. Con chó nhà Anh không phải là con chó nhà bên cạnh. Và tôi không phải là Anh và ngược lại. Mỗi người là một vũ trụ bản thân riêng biệt. Không thể tôi là anh, mặc dầu tôi và anh chúng ta cùng chung nhiều điểm hòa đồng khác.

Thứ năm, một sự vật hay sinh vật có thể khác không phải như trong trạng thái hiện hữu, hoặc có thể không có như hiện có, có thể đã có hay sẽ có, hoặc không hao giờ có. Trước đây 20, hoặc 30 năm, hay hơn nữa tôi chưa có, và rồi đây sẽ không cần thiết phải có. Tất cả mọi sự vật không phải là cần thiết, có cũng được, không cũng chẳng sao.

Đặc điểm thứ sáu : mỗi vật có tính chất độc đáo. Nhưng tính chất này được phần nào xác định bởi liên hệ với hoàn cảnh chung quanh và do hoàn cảnh tạo ra. Những dị đồng chủng loại cũng như dị đồng về phụ tính phân biệt cả vật này với cá vật khác. Do đỏ bất cứ một vật nào đều có trong vũ trụ và giữa những vật khác, tất cả làm thành “phông cảnh trên đó cá vật xuất hiện".

Đó là sáu đặc tính của sự vật hay hiện tượng. Nói kiểu khác, mỗi vật có, đều được định nghĩa, nếu không phải chỉ bằng từng ấy thì ít ra với từng ấy đặc tính căn bản. Một Merleau Ponty, hay một Whitehead đã giúp làm sáng tỏ thêm mối liên hệ bản thể hoặc luận thức học (épistémologique) giữa các sự vật. Không có sáu đặc tính ấy, sự vật không hình thành được. Định luật mà ta muốn tìm kiếm lại phải tìm kiếm trong vũ trụ của sự vật với những đặc tính cụ thể ấy. Nhưng trong bao hàm định luật, liệu ta có thể gặp lại được yếu tố căn bản vừa thấy trong sự vật không?

Theo định nghĩa, định luật không hạn giới ở một nơi nào, mà phải được áp dụng hiệu nghiệm cho bất cứ một nơi nào. Định luật bao quát không gian. Vì không giới hạn, vì ở mọi nơi, nên định luật không có hình thái, không cao thấp, lớn bé, không số lượng v.v. Ta không thể hình dung, biểu tượng được định luật, ta không thể có một hình ảnh về định luật. Đôi khi ta dùng con số, đồ vật hoặc tự tạo ra hình ảnh, đồ thị để biểu hiện định luật, đó chẳng qua là dấu hiệu, là tượng trưng của định luật.

Định luật vượt lên trên thời gian, bất chấp ngày đêm năm tháng, bất chấp hiện tại, quả khứ hay tương lai. Cái gì đã đúng, đã gọi là định luật, là định luật của mọi thời gian. Định luật không của một thế hệ, một thời đại hay một thế kỷ nào cả. Nói tóm lại, định luật không có thời gian mặc dầu có trong thời gian và được diễn tả bằng thời gian.

Vì vậy mà định luật bản chất bất biến không là nạn nhân của sự gặm mòn mưa gió thời gian. Định luật không phải như giòng, nước từng giây phút biến hình, từng giây phút thành quá khứ hay chờ tương lai. Định luật mang một bộ mặt đanh thép, cứng nhắc, lạnh lùng, trước sau cũng vậy, thủy chung như chất. Định luật có tính cách vĩnh viễn.

Sau hết, vì không giới hạn ở một nơi nào, nên định luật không có tính cách cá biệt địa phương. Trong bao hàm định luật, thiết yếu vắng bóng bản thân và luôn luôn ngự trị phi ngã. Định luật hiện hữu và hoạt động trong và trên tất cả. Đó là ý nghĩa lý đại đồng, lý nhất quán trong văn học Trung quốc vậy. Định luật là của công cộng và cũng chỉ có nghĩa ở tính chất cộng đồng ấy. Tính chất này không những hiểu cho mặt đất này mà còn lan ra vũ trụ và biên, áp dụng cho bất cứ thiên thể nào, không một cá thể nào trong vũ trụ nào thoát khỏi sự ngự trị của định luật.

Ta thấy định luật không có một đặc tính nào trong sáu đặc tính trên đây của sự vật. Vì thế mà định luật có tính cách thiết yếu. Nói định luật là nói cần thiết, cố định, bất di địch, là tất định vậy.

Đến đây một vấn nạn. Như đã nói, người chỉ đối diện với sự vật cụ thể, cá biệt, và theo định nghĩa, luật không trong thấy xuất đầu lộ diện ở một nơi nào cả, vậy bằng cách nào luật lại xuất hiện ? Làm thế nào từ sự vật cá biệt hữu hình lại có thể sinh ra được định luật phổ biến và vô hình ? Phải chăng cái gọi là định luật chỉ là ảo ảnh ?

Vậy vấn đề đặt ra là cái gọi là định luật có thực trong vũ trụ hay không, hay chỉ là do óc não người tưởng tượng ra. Vấn đề liên hệ đến giá trị nhận thức ta sẽ bàn tới. Giờ đây chỉ cần đưa ra một vài nhận định. Nhà khoa học thường thường trả lời rằng định luật có thực trong vũ trụ. Xây một chiếc cầu bê tông cốt sắt hay phóng một phi thuyền lên cung quảng điều đó có nghĩa là nhà vật lý hay toán học phải đã thấy trước các định luật khách quan thực sự chi phối cơ cấu chiếc cầu, cũng như quỹ đạo của những lực thúc đẩy hỏa tiễn hay phi thuyền. Một mảy may nhầm lẫn trong con tính hay về kỹ thuật, thì cầu sẽ sụp đổ, và phi thuyền sẽ rơi, nỗ hay bay ra ngoài quỹ đạo tiên liệu. Nói tóm lại sự tiến bộ về kỹ thuật và những thực hiện khoa học chứng tỏ rằng có định luật trong vũ trụ, khoa học và kỹ thuật sở dĩ có đuợc là nhờ vào những định luật đã khám phá.

Nhưng ta vẫn chưa trả lời cho câu hỏi : định luật là gi ? Phải chăng là những hệ thức toán học áp dũng cho hiện tượng vật lý. Dư luận rất chia rẽ. Theo Hilbert và Bourbaki, thì toán học càng ngày càng chứng tỏ một ly khai giữa giải thích bằng tập hợp yếu tố toán học (ensemble des éléments) và giải thích bằng luật (explication par la loi). Nghĩa là toán học không phải là môn học vàng theo vũ trụ mà có tham vọng thuyết phục trí tuệ. Toán học là như vậy. Còn vật lý toán học thì lại có một đặc hữu riêng biệt. O. Costa de Beauregard đưa ý kiến rằng: “Vốn chẳng phải là Vật lý, cũng chẳng phải là Toán học thuần túy, Vật lý Toán như làm xiếc trên sợi giây cứng nhắc làm sao tránh được hai chóng mặt : luôn luôn giao động giữa sự cám dỗ của lý thuyết kiểu mẫu cụ thể hoặc lý thuyết kiểu “đồ chơi của nhà kỹ sư", và sự cám dỗ của lý thuyết không hình ảnh duy thức trừu tượng, hoặc lý thuyết theo kiểu “giải trí của nhà toán học» (Ni Physique tout court, ni Mathématique tout court, la Physique Mathématique avance inconfort ablement sur une corde raide, en se gardant de deux vertiges; elle balance perpétuellement entre la tentation de la theorie mode concret, ou théorie du type «jouet d'ingénieur», et celle de la théorie non figurative à formalisme abstrait, ou théorie du type camusement de mathématicien. Ông nhận định rằng Vật lý nhất là trong lý thuyết quan-ta, đang đi về phía Tinh xác suất nhưng vẫn chưa minh định được tính chất chủ hay khách quan của định luật vật lý. Để chứng minh cho nhận định ấy, Costa de Beauregard trích lời của M.Frechet «On n'est pas,.. d'accord (parmi les auteurs affirmant que l'égalité entre probabilité et fréquence n'a lieu que presque certainement) sur la nature et la probabilité; en particulier est-elle objective ou subjective? Les uns considérent la probabilité d'un évènement comme exprimant l'intensité avec laquelle nous nous attendons à la réalisation de cet évènement. D'autres basent l'introduction de cette notion de cette notion sur la loi du hasard d'après laquelle les fréquences d'un même évènement fortuit... se groupent, généralement près d'une valeur centrale IIs s'appellent alors probahilité d'un tel évènement cette valeur centrale qui peut donc être considérée comme une constante physique dont les ftréquences deviennent des mesures expérimentales."

Mặc khác, dầu chỉ là toán học của xác suất đi nữa, vấn đề còn phải xét xem Toán học có phải là đích thực có tính chất thiết yếu không, và hơn nữa có phải hoàn toàn do lý trí tạo ra không. Về điểm này thì Husserl cho rằng Toán học là một lý tưởng hóa từ kinh nghiệm nguyên ủy của cuộc sống cảm tri. Như vậy, phải chăng toán học là việc riêng của nhân loại và do đó tùy thuộc vào kinh nghiệm chủ quan nghĩa là không có quyền áp dụng cho toàn thể vũ trụ và khách quan tính của toán học không tuyệt đối phổ biến ? Hơn nữa chỉ có trí tuệ mới thấy sự cần thiết ấy cho nên điều tiên quyết, như Kant đã chứng minh, là phải tìm hiểu khả năng hiểu biết của nhân trí, nghĩa là phải đặt vấn đề nhận thức trước khi nói đến bản thể sự vật mà định luật là một phương diện. Trước Kant, Hume cũng quả quyết rằng yếu tính khoa học chẳng qua là do liên tưởng và tập quán. Rồi cũng tương tự như vậy, từ những lý luận khác, một số người cho rằng định luật, là việc của người, do người tạo ra. Những người chủ trương khách tính tuyệt đối của định luật, như triết gia cộng sản chẳng hạn, thì lại tin vào vĩnh viễn tính của định luật và định luật khoa học là một hình thức của luật biện chứng. Dưới những nhận định khác, các nhà khoa học nhur H.Poincaré, Heisenberg, Louis de Broglie, Einstein thì lại tin rằng khoa học được xây trên giả định và vì thế định luật khoa học có tính chất tương đối, do đó các hệ thống vật lý, Galilee, Copérnic v.v, cũng như toán học ba chiều của Euclide hay bốn chiều của ngày nay tất cả đều đúng trong hệ thống quy chiếu của mình. Nhưng cũng cần thêm rằng, sau đó, Minkowski phủ nhận thuyết tương đối với những lý luận rất giá trị : danh hiệu của thuyết Tương đối đã trở nên bất khả thức vì dưới những ngoại tượng có một cái gì bất biến tuyệt đối. Thuyết của Minkowski có thể gọi là “thuyết của tuyệt đổi ấn nấp bên dưới để chống đỡ các hiện tượng bên ngoài"

Liệu có một định luật nào khả dĩ diễn tả được cái tuyệt đối bên dưới sự vật, bên dưới vũ trụ không ? Qua một vài nhận xét trên, người ta thấy định luật liên hệ đến vấn đề nhận thức nói chung, và các vấn đề do nhận thức của người đặt ra, vấn đề nhân tri, vấn đề tâm lý, vấn đề thời gian, vấn đề tất yếu và bất tất, vấn đề tinh thần và vật chất v.v. Nghĩa là thế nào ? Chúng ta đã nói rằng, ngày nay khoa học không lùi bước trước những khó khăn, những trở lực gặp thấy trong việc giải thích vũ trụ. Trái lại khoa học có tham vọng tiến đến chỗ tận cùng của chân lý. Người ta không còn giới hạn công cuộc nghiên cứu tra hỏi khoa học trong phạm vi của nó. Nhưng đàng khác, nhiều khoa học gia không thỏa mãn với lời giải thích khoa học mà chính họ là tác giả và được thế giới tán thưởng chấp thuận. Họ muốn khoa học trở về với ý nghĩa đầu tiên của nó, ý nghĩa triết học như ta thấy nơi Platon. Aristote hay cả Descartes. Chúng tôi nghĩ rằng khoa học là khoa học và triết học là triết học. Khoa học có toàn quyền chứng minh các định luật sẽ khám phá và cho là có giá trị tuyệt đối trong viễn tượng của mình. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng chính các nhà khoa học và triết gia không được quyền suy tư một cách triết lý trên những sự kiện hay định luật khoa học, tuyệt đối hay không tuyệt đối, Lập trường này chủ trương không lẫn lộn triết học với khoa học, mặc dầu, thừa nhận liên hệ của hai bên. Nếu có một nhận thức khoa học thì cũng có một nhận thức mà bản chất thiết yếu khác với bản chất nhận thức khoa học. Một lần nữa, kiến thức khoa học theo định nghĩa chẳng những không ngăn cấm mà còn khuyến khích nhân loại trên đường nghiên cứu và xây dựng Triết học.



[1] Si la science était l'énumération d'une série de faits, on pourrait sans doute penser que l'humanité ne pourrait, en droit, jamais être en mesure d'embrasser cette série. Mais il ne s'agit pas de cela. Pour connaitre les lois et établir une science de l'infini mathématique point n'est nécessaire d'avoir démontré les éléments de la série infinie; de même les lois du monde, même à supposer que celui-ci fut infini dans le temps comme dans l'espace pourrait certainement être exprimées sous des formes parfaites."

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt