Nhập môn triết học

Thực tại và nhận thức

 

THỰC TẠI VÀ NHẬN THỨC

 

LÊ THÀNH TRỊ

 


Lê Thành Trị. Đường vào triết học. Phần 2: "Nhận thức luận là gi?". Tủ sách Triết học, 1971, tr. 86-105.


 

Vấn đề giá trị nhận thức có thể xét đến dưới bất cứ khía cạnh nào của nhận thức: thường nghiệm, khoa học, triết học. Những điều đã, đến đây đề cập tới, hay về sau sẽ trình bày trong tập này, đều liên hệ đến giá trị nhận thức. Tuy nhiên nhận thức thường được quan niệm là liên hệ giữa hiểu biết của người và ngoại giới, cho nên có thể nghiên cứu dưới ba đề mục sau đây :

1– Đối tượng nhận thức là thực tại ;

2- Thế nào là Chân Lý ;

3– Suy tư là gì ?

Tôi muốn nhắc lại rằng một ý kiến có thể được xử dụng theo nhiều ý hướng khác nhau. Nhất là trong hiện tượng luận. Do đó độc giả sẽ thấy nhiều ý tưởng đã gặp được lấy lại sau đây theo nhu cầu lý luận hoặc trong những viễn ảnh trình bày dị biệt.

Tương truyền rằng từ trước công nguyên, một triết nhân Hy tên là Gorgias thành Leontino đã quả quyết ba điều : 1. Không có gì cả; 2. Nếu có cái gì, thì chúng ta cũng không biết được ; 3. Giả thử ta có biết được cái gì, thì cũng không làm sao truyền sang cho kẻ khác.

Tất cả mọi học thuyết bất khả tri, hay hoài nghi đều bắt nguồn ở ba mệnh đề ấy. Thái độ của Gorgias liên hệ đến các vấn đề căn bản triết học đặc biệt hữu thể luận và nhận thức luận. Kể ra không cứ là triết gia mới đặt được những mệnh đề như vậy. Làm người với tâm trí bình thường, ai lại không có thể có những lúc suy nghĩ như Gorgias, hay có những cảm tưởng ít ra tương tự như ý kiến của Gorgias

Khi nói về ý thức, chúng ta đã nói rằng định nghĩa ý thức căn cứ trên trực nghiệm và do đó đồng thời cũng là khẳng định thực tại. Nhưng chúng ta chỉ mới làm công việc lắng nghe tiếng nói của kinh nghiệm, chúng ta chưa kiểm soát giá trị của tiếng nói ấy bằng những suy luận nghiệm túc. Giờ đây chúng ta phải làm công việc suy luận phản tỉnh ấy, nếu không chúng ta sẽ không nói gì được về Thực Hư, Thiện Ác v.v. Hay tất cả những gì ta gọi là kiến thức, là văn hóa v.v... chỉ là trò múa rối phi nghĩa.

Thực ra, thái độ của Gorgias đã sớm bị cải chính bởi những tên tuổi lịch sử triết học còn ghi lại. Nhưng người ta phải công bằng nhìn nhận rằng thái độ ấy đã giúp nhiều cho việc làm sáng tỏ ý nghĩa triết lý và vai trò triết nhân. Ròng rã hai nghìn năm, nhân loại như có cảm tưởng đã giải quyết được sự « thắc mắc » của Gorgias. Người ta hăng say kiến tạo những công trình triết học, đồ sộ nguy nga, người ta cố gắng tích lũy những kiến thức triết học, nhưng kết quả không ngờ là chủ nghĩa hình thức xuất hiện vào thời Trung cổ báo thù cho tư tưởng Gorgias. Nhận thấy nguy cơ của chủ nghĩa hoài nghi tái sinh từ chủ nghĩa hình thức ấy Descartes một triết gia Pháp quốc đầu thế kỷ XVII, đã, dĩ độc giải độc, nghĩ đến sách lược một giả thuyết hoài nghi toàn diện và hệ thống hơn.

Chúng ta có biết được gì không ? Thói thường cho rằng giác quan cho biết những gì chung quanh ta. Nhưng cũng chính giác quan hơn một lần làm cho ta thất vọng. Từ đàng xa tháp chuông chùa bất giác hiện ra như một cây trụ tròn. Mặt trời buổi bình minh to nhưng không nóng như mặt trời đúng ngọ tuy nhỏ hơn. Những lúc giở trời khó chịu, miếng đường ngày thường ngọt lịm trở nên mướp đắng trong miệng ta.

Nhiều khi, ta nghe như có tiếng động đầu đây, mắt như nhìn thấy bóng người lướt qua, mà thực ra chẳng có gì hết. Đàng khác nhớ lại kinh nghiệm chiêm bao chúng ta thấy gì ? Phải chăng trong khi chiêm bao, những điều tai nghe mắt thấy, đều được người đang chiêm bao cho là có thực, là thực tại trăm phần ? Vậy thì liệu có gì khác biệt giữa những cảm giác ban ngày lúc thức tỉnh, và những mơ màng lúc triền miễn giấc mộng ? Hay là cuộc đời cũng chỉ là những giấc mộng, một giấc mộng ?

Có người sẽ trả lời : Tại sao lại hoài nghi tôi đang sống với tất cả ý thức về tư thân của tôi, đây tay tôi, đây chân tôi, tôi đang cầm bút viết những giòng triết học này, đang viết thơ cho người thân yêu của tôi, đang cầm bức thơ ấy đi về phía nhà bưu điện... Nhưng khoa tâm lý thực nghiệm cho hay rằng thiếu gì người cụt tay mất chân mà vẫn đinh ninh cảm thấy mình như còn mang những phần thân thể đã mất. Cái mà Merleau Ponty gọi là thể chi ma (membres fantômes) ? Chúng ta cũng biết rằng sau những cái tát đánh mạnh vào mặt, ta thấy cả một bầy đôm đốm tỏa ra, mặc dầu không có lấy một chiếc đom đóm nào cả ?

Những sự vật thấy chung quanh ta, kể cả tư thân ta, liệu có phải là những bóng ma, những cái gì ta tưởng là có mà thực ra không có ?

Nói về giác quan là như vậy. Bây giờ ta thử cầu cứu đến lý trí. Người là sinh vật có lý trí. Ta nói rằng ít nhất lý trí ta cũng biết được một vài điều chắc thực chứ. Chẳng hạn những sự thực toán học mà ta đã trông thấy và xử dụng. Nhưng, Descartes nói, chúng ta vẫn ngộ nhận, vẫn lầm trong toán học. Những nhà toán học thời danh vẫn có khi làm kia mà. Lầm mà tưởng mình đúng. Nói khác đi, lầm vì tưởng lầm là đúng. Vậy thì căn cứ vào đâu để phân biệt thực với hư, sai với đúng, khi nào sai, khi nào đúng. Trí khôn có thể không đánh lừa chúng ta bằng giác quan không ?

Để ra khỏi bế tắc ấy, hay đúng hơn, để vượt khỏi những hoài nghi do bế tắc ấy gây ra, Descartes đã tuyệt đối hóa hoài nghi vì chỉ có tuyệt đối mới chống lại được cái gì chưa hay sẽ thành tuyệt đối đối lập. Giả thử rằng, tôi lầm, có thể làm trong mọi nhận định giác quan hay lý trí. Giả thử rằng tôi hoài nghi tất cả. Nhưng lầm là gì ? Hoài nghi là gì, nếu không phải là những suy tư ? Mà đã là suy tư thì phải có người hay chủ thể để suy tư. Do đó Descartes đã nói một câu thời danh này mà tất cả chúng ta đều biết: Cogito, ergo sum, tôi suy tư, vậy tôi có. Như nhà thám hiểm đã đạt tới bí quyết, Descartes thấy mình chiến thắng hoài nghi tuyệt đối, vì ít ra có một cái không thể hoài nghi là chủ thể hoài nghi. Và từ chỗ « tôi có » làm như chiếc đũa thần qua một trò ảo thuật, ông chứng minh các sự vật khác cũng có.

Ở đây, tôi không có ý trình bày giả thuyết một vị thần quỷ quyệt, mà Descartes đã khéo nghĩ ra để loại bỏ mọi ý tưởng hoài nghi, cũng không có ý nói đến cái gọi là vòng quấn của Descartes trong đó có dư luận cho rằng tôi và Thượng để bảo đảm lẫn nhau. Tôi vừa nói như qua một trò ảo thuật. Thực vậy, theo dõi Descartes nhiều người như không hiểu nỗi ông. Một bộ óc thông minh như ông dường như đã lẫn lộn hai sự việc dị biệt : chủ thể suy tư và nội dung suy tư. Nội dung suy tư hay đối tượng suy tư cũng thế. Dĩ nhiên đề suy tư cần phải có người suy tư. Không có kẻ suy tư, thì suy tư không có. Nhưng vấn đề là chân lý tính (wahrheit, như người Đức nói) của nội dung hay đối tượng suy tư. Căn cứ vào đâu để bảo đảm những điều mình suy tư là đúng là chân lý, là, trong viễn ảnh suy tư của Descartes, thực tại, chứ không phải là ý niệm suông ? Ngay như chân lý toán học cũng vậy, còn phải xét xem thực hư thể nào. Về điểm này, lịch sử triết học cho thấy rằng mặc dầu ông có hoài nghi cả toán học, nhưng vì sự hoài nghi ấy chỉ có tính cách phương pháp, và do đó ông vẫn tin vào sự sáng sủa thuyết phục của những ý niệm toán học, nên ông đã bị tinh thần toán học ảnh hưởng nặng nề trong việc khẳng định phân minh như là tiêu chuẩn cho nhận thức. Chính vì lý do ấy mà về sau Husserl đã không ngần ngại tiếc cho thái độ quá vội vàng của Descartes đã không chịu dừng lại tìm nền tảng cho kiến thức toán học trước khi xử dụng kiến thức ấy như một lý tưởng. Cogito của Descartes, vả lại, chỉ chứng minh có một điều là: có một suy tư. Nhưng có ấy không chỉ thị cái gì khác hơn là nội dung này hay nội dung khác đang hiển hiện trước trí tuệ. Từ có nội dung suy tư kết luận đến hiện hữu của thực tại khách quan ở ngoài suy tư, nói khác đi từ biểu tượng (réprésentation) suy tư kết luận đến thực tại ngoài suy tư cũng như từ nội dung suy tư kết luận đến hiện hữu của chủ thể suy tư, đó là hai lối lý luận không thể chấp nhận được vì không hợp thức theo luận lý. Đương thời Descartes đã bị chỉ trích nhiều về hai điểm đó: nói rộng ra không thể đi từ chân lý luận lý trực tiếp suy luận ra chân lý bản thể. Về sau nhất là nhiều nhà triết học hiện sinh đã đề nghị không nên nói : tôi suy tư tức là tôi có, mà phải nói : Tôi suy tư tức là tôi không có. Descartes có thể trả lời cho hai chỉ trích trên đây : Trước hết không phải ông không cần tìm nền tảng cho Toán học. Ông đã thấy nền tảng ấy trong sự Chân Thành của Thượng đế. Sự chứng minh của ông có ý nghĩa như là một xác nhận (confirmation) rằng nếu có Thượng đế thì Thượng đế đã không đánh lừa ta khi ta xử dụng những sáng sủa của toán học như là lý tưởng. Nghĩa là, nói cho nghiêm xác hơn, đối với Descartes, bản thể (essence) và hữu (être) là một nơi Thượng đế, chân lý tuyệt đối cũng là hữu tuyệt đối. Mặt khác, Descartes có thể trả lời cho phái hiện sinh rằng ý nghĩa có ông xử dụng không đồng nhất với ý nghĩa có (hiện sinh) nơi thuyết hiện sinh. Mặt khác, cogito không những chỉ là cogitatum, những gì được suy tư, mà còn bao gồm cả ý nghĩa người suy tư, cogito là một thực tại có tính cách tổng hợp : ego sum cogitans tôi là người đang suy tư vậy tôi đang có. Theo nghĩa này thì không khác gì mấy với quan niệm hiện sinh.

Nhưng vì nhiều nơi khác, ông khẳng định tinh thần dễ nhận thức hơn vật chất, lý trí chắc thực hơn cảm giác, cho nên người ta có quyền nghi ngờ lập luận Cogito của ông là lập luận thần túy trừu tượng và nghĩ rằng lập luận ấy không chứng minh được hiện hữu của cái gì kể cả Tôi suy tư của ông. Thành ra theo nhiều người Descartes đã thất bại trong thiện chí tuyệt đối loại bỏ mọi tư tưởng hoài nghi do Gorgias để lại. Nhân sinh lại xuất hiện như những bóng ma, hư thực không biết căn cứ vào đâu, hay để nói theo Shakespeare, như chuyện người ngu kể cho nhau.

Nhân loại chỉ là ngu? Dĩ nhiên, lương tri sẽ không do dự lên tiếng phản đối những lời nói phạm chủng (lèse humanité) như vậy. Nhưng tiếng nói của tình cảm không đủ trong vấn đề này. Ta phải cố gắng thế nào để không rơi vào cạm bẫy của Gorgia.

Người đường phố, nhà vật lý, nhà sử học và cả chúng ta ai cũng cho rằng  sự vật, và ta có thể nhận chân được sự vật. Nhưng một lần nữa đó là những tiếng nói của kinh nghiệm, của tập quán. Trên quan điểm triết lý, ta không thể lý luận theo bất cứ một khoa học nào, cũng không thể chỉ biết có thường nghiệm. Ta phải chứng minh đối tượng và vai trò của triết học. Dĩ nhiên không thể khởi công từ một giả định nào vì như vậy những kiến tạo theo sau chỉ là những lâu đài xây trên bãi cát. Cũng không thể đi từ một cái gì chắc thực, vì đã làm gì có chắc thực, vì chúng ta đang đi tìm một thực tại đầu tiên. Tình trạng xem như nghịch lý: Chúng ta có cảm tưởng như lưng lưng giữa không trung hay giữa đại dương không có lấy một tấm ván cứu rỗi. Chúng ta đang lâm vào ngõ bí ? Phải làm gì bây giờ ?

Chúng ta vừa nói phản ứng tâm tình không đủ trong vấn đề. Nhưng khi phản ứng ấy tạo ra được những thắc mắc, hay kèm theo thắc mắc của lý trí khi lý trí, thấy mình bị đặt vào một tình trạng như tình trạng của người sắp chết đuối, hoảng hốt, hấp hối trong cố gắng tìm một lối thoát cho vấn đề, thì nguyên một thái độ ấy đã chứng tỏ ngược lại với lời nói của Gorgias. Khi người ta không muốn ngu tức là người ta đã không ngu, như người ta tưởng. Nhận định đầu tiên này hình như cũng chưa thỏa mãn được ai, và hình như lý luận đanh thép của Gorgias còn đè nặng lên tư tưởng của ta. Gorgias đã căn cứ vào lý luận thì ít ra cũng phải lấy lý luận đề đối chõi với ông trước đã. Có thể như thế được không ? Lịch sử đã đưa ra ba luận cứ đầu tiên. Trước hết, hoài nghi là gì, nếu không phải là tự mình mâu thuẫn với mình? Hoài nghi ám chỉ một căn cứ hoài nghi, và một ý nghĩa hoài nghi. Vậy thì ít ra ngay trong hoài nghi ta cũng đã phải vớ được một cái gì trong tay, trong óc để mà hoài nghi. Thứ đến ta có thể xét xem ý kiến của người hoài nghi có thí nghiệm được như nhà vật lý thí nghiệm giả thuyết của mình không ? Sau hết, phải chăng không có gì hết » là một điều hiển nhiên được mọi người chấp nhận, ngoài ra không có nhận thức nào khác?

Về điểm thứ nhất, từ ngàn xưa, người ta đã đề cập tới. Thực vậy, cứ tra cứu ngay người hoài nghi, thì ít ra ta cũng thấy được hẳn là một chân lý của sự hoài nghi của hắn. Thánh Augsutin đã sớm thấy điều đó: tôi hoài nghi tức là tôi có. Với điều kiện ta đừng hiểu hoài nghi của Augustin như là một suy tư Descartes. Vậy thì có một cái gì chắc chắn và một cái gì có thể nhận thức được. Cho nên mệnh đề "không có gì" và mệnh đề "không có gì có thể biết được" là những mệnh đề sai. Người ta kể chuyện một triết gia Hy lạp thuộc phải hoài nghi, tên là Kiates, không bao giờ mở miệng nói lời gì, mà chỉ làm dấu hiệu bằng ngón tay, ngụ ý rằng không thể nói được gì chắc thực, nên không nói. Nhưng Aristote cho rằng thái độ ấy không có quyền chứng minh thuyết hoài nghi, trái lại phủ nhận thuyết ấy, vì rằng ra dấu hiệu bằng ngón tay tức là một hình thức phát biểu ý kiến rồi. Nói bằng ngôn ngụ hay bằng cử chỉ cũng là trình bày tư tưởng. Duy chỉ có khác điều này người hoài nghi giả câm giả điếc, tự giáng xuống ngang hàng với cây cơ, không còn thảo .. luận với ai và không ai thảo luận với.

Nhìn vào các mệnh đề toán học hay luận lý ngày nay, người ta thấy rằng khả năng nhận thức của trí tuệ thực là chắc chắn. Chẳng hạn thuyết Tập hợp (Théorie des Ensembles), thuyết kiểu hạng (Théorie des Types) với các công lý về vô hạn (axiome de l'infini), định lý Godel v.v. trong luận lý toán.

Về điểm thứ hai. Chung quanh ta có sự vật, có thực tại. Và chúng ta ít ra một cách nào đó biết được thực tại ấy. Nhưng trở lại vấn đề thực tại phải chăng là một ảo mộng ? Thiết tưởng thực tại khác hẳn ảo mộng. Phân tâm học dạy rằng mộng là hình ảnh thêu dệt bằng những dư thừa rơi rớt của kinh nghiệm sống ban ngày. Mộng là một tình trạng nội tâm xuất hiện ngoài sự kiểm soát lý trí khi ly trí vắng mặt. Do đó đặc hữu của mộng là vô tổ chức mặc dầu sự vô tổ chức ấy có nguyên do và ý nghĩa của nó. Nhưng dầu sao ý nghĩa ấy cũng bắt nguồn thực tại sống dưới sự điều hành của lý trí. Trái lại thực tại có tổ chức, thứ tự lớp lang, có luật lệ của nó. Nhìn vào vũ trụ ta chứng kiến được dễ dàng trật tự ấy, Bergson nói ý niệm trật tự và vô trật tự xác định lẫn nhau. Chúng ta không phủ nhận điều đó, nếu hiểu xác định là định nghĩa của trí tuệ. Nhưng dầu sao cái vô trật tự không thể hai lần đồng nhất trước ý thức. Chúng ta không đoán được cái vô trật tự. Nhưng ta tiên đoán được, mặc dầu không tuyệt đối, cái gì có  trật tự. Phóng vệ tinh quay quanh địa cầu vì ta biết rằng ít ra địa cầu đang tiến diễn theo một trật tự nào đó ta đã biết trước. Phi hành gia từ nhà ra đi ngồi lên hỏa tiễn bay theo quỹ đạo của vệ tinh, trở về mặt đất sum họp với gia đình, được như vậy là vì nhà kỹ thuật đã biết chế tạo và điều khiển vệ tinh theo luật của trời đất. Nhìn vào đời sống bình nhật, ta cũng thấy được thực tại là trật tự. Tôi lên giường đi ngủ. Trước khi ngủ, tôi thấy bên cạnh giường là cái bàn ngủ, trên bàn có cây đèn đêm và chiếc đồng hồ đánh thức.

Sáng hôm sau, thức giấc dậy, tôi vẫn thấy mọi sự đâu ở đấy như tối hôm qua, vẫn cái đồng hồ ấy, vẫn cải bàn ấy và vẫn ở những nơi ấy. Trăm ngàn lần như vậy. Có chăng chỉ có con mèo tam thể, trước khi ngủ, tôi thấy chơi giỡn cuối phòng, nhưng khi thức dậy, nó đã ngủ đầu giường tôi từ bao giờ. Nhưng con mèo đổi chỗ, vì nó là một sinh vật sống động, sự đổi chỗ ấy nói lên thực tại con mèo không phải như các vật bất động khác, Chính Descartes cũng đã chứng minh thực tại bằng trật tự và đẳng cấp của vạn vật. Toán học cũng đã xác nhận quan điểm trật tự trong vũ trụ. Nhà triết học hoài nghi sẽ nói rằng: nhưng tất cả là ảo, ngay cả sự tổ chức cũng là ảo, ảo có tổ chức. Chúng ta quay cuồng trong một ảo mộng có tổ chức: Quan điểm triệt để siêu hình tương tự như quan điểm của Hư vô nhà Phật. Nhưng ít ra hoài nghi thuyết đã tin vào thực tại siêu hình của Hư vô, của Áo ảnh. Mặt khác, ta không thể thảo luận gì với người hoài nghi, vì cuộc thảo luận sẽ không dựa vào một cứ điểm nào cả. Hoài nghi đến thế là một tín ngưỡng nếu không phải là một cuồng tín.

Người khác có đồng ý với chúng ta là có một cái gì và cái gì ấy có thể cùng nhận thức được không? Câu hỏi thứ ba này sẽ không khó giải quyết nếu ta chấp nhận hai lý chứng trên. Đành rằng, rất nhiều khi tôi ngộ nhận, anh ngộ nhận, chúng ta cùng ngộ nhận, lấy hư làm thực, nhưng không phải bao giờ cũng vậy. Có những điều, toàn thể nhân loại cổ kim vẫn lý luận và quả quyết như nhau.

Chúng ta đang chứng minh có thực tại, và có những thực tại tuyệt đối thuyết phục lý trí chúng ta. Những thực tại ấy khác với trí tuệ suy từ của ta, sự vật trong vũ trụ như thế nào, liệu có đúng như tri giác hay lý luận nói với ta không. Thực tại ở trong hay ngoài ý thức? Đó là những vấn đề hoàn toàn khác với điều chúng ta đang bàn ở đây. Sau hết, chúng ta còn phải nói rằng, chắc chắn thực tại phong phú hơn ta biết, và ta biết nhiều hơn những gì ta truyền sang cho kẻ khác. Âu đó là lẽ dĩ nhiên, ai cũng thấy.

Thực tại nào kể là đến với ta trước nhất? Nói nôm na hơn nữa, khi ta bắt đầu nhận thức, thì cái gì gọi là đối tượng nhận thức đầu tiên? Có bốn ý kiến được đưa ra. Trước hết những người theo vết chân Descartes cho rằng tôi là đối tượng đầu tiên của nhận thức. Biết tôi rồi mới biết đến các vật khác. Ví tôi dễ biết hơn ngoại vật, tôi gắn liền với tôi hơn ngoại vật. Tinh thần chưa tự ý thức thì còn mong gì nói đến tha nhân. Ý kiến thứ hai, ngược lai tố cáo Descartes là không thành thực hay ít ra đã quên rằng không có giác quan, không có thân thể và ngoại giới cho ông hoài nghi thì không bao giờ ông tìm đến được với Cogito của ông. Thành ra ngoại giới được trông thấy trước rồi mới đến ý thức về hiện hữu của tôi. Nói rằng tôi có tức là đã khẳng định trước thế nào là có và thế nào là có của vũ trụ trong đó có tôi. Nói rộng ra, quan điểm toàn thể đến trước quan niệm của thành phần. Nhưng phải Descartes có thể nói lại rằng điều ấy chỉ đúng cho sự vật đối tượng vô tri, chứ sự vật chủ thể thông minh như con người thì không còn đúng nữa, trí tuệ lại không tự biết được mình trước khi biết tha vật ?

Một quan điểm trung gian là quan điểm của Merleau Ponty, Gabriel Marcel. Những triết gia này cho rằng vấn đề ưu tiên cho tôi hay ngoại giới được đặt ra do ý niệm nhị nguyên, đặc biệt của thuyết Descartes. Đó là một giả đề (pseudo-problème). Thực vậy, nhận thức là một động tác của toàn thể con người. Không có thân thể tôi không nhận thức được hay ít ra nhận thức không phải là của tôi xét theo là người. Do tính chất lượng ứng của tư thân người ta không thể và không nên đặt vấn đề ưu tiên giữa tôi và ngoại giới trong việc nhận thức. Tôi nhận thức tức là đem tôi và ngoại giới vào một động tác, tức là nhận thức tôi và ngoại giới một lần với nhau. Đó là nhận thức về Chúng ta được Gurvitch đơn kê thành một loại trong xã hội học. Ý kiến thứ tư và là ý kiến sau cùng bắt nguồn từ Don Scott, theo đó thì hiện hữu của vũ trụ được xác nhận không phải là do lý luận mà do cuộc sống xúc động. Con người ta có tính có tình có yêu có ghét có vui có buồn.. Trong những tình cảm ấy, con người mới thấy mình hiện hữu và sự hiện hữu của những gì là đối tượng của ai, ải, hỉ, nộ,... Chính những khi hấp hối trước tử thần đang xông đến... một con thú dữ đang vồ, một phát súng bắn tới, một máy chém đang chờ đợi, người mới ý thức đến cao độ thực tại của mình và của những vật, những người chung quanh. Ý thức hiện hữu của chú tiều trong Lafontaine! Những khi xảy ra những nạn động đất kinh khủng, những trận bom tàn phá tơi bời, những giòng thủy lão kéo về cuốn phăng nhà cửa, người vật gây nên tang tóc đỗ vỡ... chính những lúc ấy người ta mới thấy được tại sao trong tiếng la hét thất thanh khiếp sợ, suy luận hoài nghi không còn nghĩa lý gì, không một chủ nghĩa hoài nghi nào ngăn cấm nổi người ta tìm cách tự cứu và cứu người khác. William James cũng như Dilthey đã từng nhấn mạnh đến sự hiện hữu của vũ trụ sống ấy, xem như là một bằng chứng hùng hồn nhất đề chứng minh thực tại bên ngoài. Quan điểm của họ là của nhiều triết gia hiện sinh.

Đối với kẻ hoài nghi ta đứng lý luận, mất thời giờ. Hãy cứ thử đánh mạnh vào đầu họ quất cho họ máy roi ta sẽ thấy họ phản ứng như thế nào. Hoài nghi là một lý luận. Liệu họ có thể hoài nghi cái thước giáng trên đầu họ hay chiếc roi kia đang quất vào lưng họ, là có thực hay chỉ là ảo ảnh. Bất cứ một phản ứng nào từ họ đi ra là một chứng minh rằng con người có nhận thức và nhận thức một cái gì kích động đến con người có thực của họ.

Ba lời khẳng quyết của GORGIAS, nếu được chấp nhận thì thực là đại họa. Loài người sẽ sa lầy mãi trong chủ nghĩa hoài nghi, tất cả sẽ sụp đổ vì lẽ không có gì cần thiết, tất cả chỉ là tạm bợ hữu danh vô thực. Trong giả thuyết đó ai muốn làm gì thì làm, mọi người đều có lý và không ai là không phi lý. Một xã hội người điên sống dưới ách độc tài của lý kẻ mạnh.

Tuy nhiên chúng ta phải thành thực mà nói rằng: nếu người vốn thừa hưởng một khả năng nhận thức, thì điều đó không có nghĩa người đã thấu hiểu mọi sự một cách minh bạch và chính xác không? Trên con đường học hỏi nhân loại như kẻ mới xuất hành hay ít ra như khách lữ hành, Homo viator, để nói như Gabriel Marcel. Chúng ta chưa biết được gì mấy. Những điều đã biết lại chỉ được biết một cách phiến diện sơ sài: mỗi sự vật còn như bao chùm trong huyền bí. Nhân loại đang sờ xoạng trong đêm tối, thỉnh thoảng mới thấy lóe lên một tia sáng yếu ớt của những con đom đóm. Bao giờ mặt trời chân lý sẽ chiếu sáng trên vòm trời tri thức ? Như chúng ta đã có lần nói tới, trong lãnh vực khoa học thuần túy nhân tri, theo nguyên tắc, không phải không thể gỡ mối tơ vò của vũ trụ, nhưng trong thực tế không biết có điều kiện thực hiện được sự cởi tháo ấy không và bao giờ ? Đó là chưa nói đến những khó khăn hầu như không vượt nổi trong phạm vi triết lý. Những người tự hào một cách đơn giản rằng rồi đây nhân loại sẽ khuất phục được mọi sự, điều khiển được vũ trụ, những người ấy kẻ ra không kém ngây thơ hoặc quả khích và sai lầm như những người hoài nghi ta nói trên đây.

Thực tại là gì ? Một câu hỏi cực kỳ khó khăn vì thực tại vô cùng phức tạp. Không một lời giải quyết đơn giản và đơn phương nào khả dĩ gọi là đúng mức đầy đủ và chính sác. Tôi tin rằng hiện tượng luận sẽ dạy chúng ta những bài học quý giả về khả năng hiểu biết của nhân loại và những điều kiện tổng quát để thực hiện khả năng ấy.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt