THẾ NÀO LÀ CHÂN LÝ?
LÊ THÀNH TRỊ
Lê Thành Trị. Đường vào triết học. Phần 2: "Nhận thức luận là gi?". Tủ sách Triết học, 1971, tr. 109-124.
Toàn quyền Pilatus đã có lần hỏi Chúa Kito : Chân lý là gì, và đã được Ngài giả nhời. Người ta có thể đưa ra ba giả thuết : vị đại diện đế quốc Lamã chưa hề nghe nói tới chân lý ; ông muốn biết quan niệm chân lý của đấng Kito ; Thượng đế muốn dùng Pilatus để cho nhân loại biết Thượng đế là Chân lý và Chân lý ấy như thế nào. Không biết Pilatus đã đón nhận chân lý như thế nào, chỉ biết rằng sau đó ông đã giao đấng Kito cho dân Do thái hành hình, còn phần ông thì rửa tay vào chậu nước tuyên bố không chịu trách nhiệm về cuộc tử nạn của con Người ông đã nghe định nghĩa Chân lý. Lịch sử chứng tỏ rằng sau cái chết của đấng Kito đế quốc Lamã bắt đầu đi dần đến chỗ tan rã... Chúng ta ghi nhận rằng Pilatus đi rửa tay và tuyên bố vô tội, tức là đã thấy thế nào là chân lý, là công lý. Nhưng chúng ta cũng thấy rằng tri hành không hợp nhất nơi con người Đại diện cả một dân tộc được kể là văn minh nhất thời bấy giờ. Chúng ta đã nói đến nhận thức và thực tại. Nhận thức có thực tại tức là đồng thời thấy thực tại dưới một khía cạnh nào đó. Nhận đúng tức là nhận chân. Nhưng, về phương diện triết lý, chân lý không hẳn đơn giản như vậy, trái lại là một vấn đề vô cùng khó khăn và rắc rối. Rượu ngon không có bạn hiền... Thế nào là.. rượu ngon, thế nào là bạn hiền... Từ thượng cổ Socrate đã lao tâm khổ tứ để trả lời cho không biết bao nhiêu thế nào là do ông hay môn đệ đặt ra cho ông. Nhưng tất cả thế nào đều quy về một câu hỏi : thế nào là chân lý? Thói thường phân biệt hai sự thực, hai chân lý. Khi nói rằng con khi thuộc loài có xương sống, miếng đá này là kim cương, chai rượu kia là chai martel giả do Ba tàu chế tạo v.v., nếu những sự vật ấy tương ứng với ý nghĩ của ta, thì tức là ta đã đạt tới chân lý. Triết gia gọi đó là chân lý bản thể (vérité ontologique). Con rắn không phải là cái thừng vì bản thể khác nhau. Còn khi tư tưởng là tương ứng với sự vật, nghĩa là khi một lời nói phát biểu thành mệnh đề và mệnh đề lấy đúng với sự vật như sự vật có, thì đó là chân lý luận lý (vérite logique). Nghĩa là suy tư của ta phù hợp với thực tại bên ngoài. Sự phân biệt ấy có dư thừa hay nghịch lý không ? Làm thế nào để phân biệt tư tưởng ta ứng với sự vật nếu đã không trông thấy sự vật như sự vật có. Nhưng làm thế nào nói sự vật tương ứng với tư tưởng, nếu tư tưởng không tự cho là phù hợp với sự vật? Chúng ta như đang mắc kẹt trong vòng quẩn. Nhưng không phải, và ta sẽ thấy tại sao. Giờ đây ta nhận định rằng sự phân chia thành hai thứ chân lý không phải là vô căn cứ. Chân lý bản thể nói được là chân lý tự tại, như đã có trong thực tại mặc dầu trí tuệ con người bàn đến hay không cũng không thay đổi được sự vật. Chân lý ấy thực là vô cùng khó xác định. Vì vậy chúng ta chỉ đề cập đến thứ chân lý luận lý, là chân lý theo quan niệm của giống người và được phát biểu bằng mệnh đề. Chân lý luận lý trước hết tùy thuộc vào ngữ pháp như một Husser đã nói, tôi không nhắc lại ở đây. Điều cần đặc biệt chú ý là tính chất lý luận của chân lý được phát biểu bằng ngôn ngữ thích hợp. Một mệnh đề được kể là chân xét theo luận lý (logiquement vrai), khi mệnh đề ấy nói đúng một thực tại. Chẳng hạn "trăng rằm đêm nay tròn sáng”. Nếu quả thực không có trăng tròn sáng đêm nay thì mệnh đề ấy là sai xét theo luận lý. Đến đây, độc giả sẽ có cảm tưởng rằng như vậy thì vấn đề không có gì phức tạp cả, lời nói thấy đúng với thực tại thì cho là đúng, thấy sai thì báo là không đúng, thế thôi cần gì thảo luận. Vâng, vấn đề thật đơn giản. Nhưng chính vì sự đơn giản bề ngoài ấy mà thành ra và cũng phức tạp và tế nhị. Đơn giản trong công thức định nghĩa. Nhưng không đơn giản đối với điều kiện và ý nghĩa của mệnh đề. Thực vậy, căn cứ vào đâu, vào tiêu chuẩn nào để nói rằng ý nghĩ hoặc tư tưởng của mình, hay mệnh đề phát biểu là đúng hay sai ? Khi chúng ta nói một mệnh đề đúng, thì ta hiểu về nội dung hay ý nghĩa chứa đựng trong mệnh đề ấy. Mệnh đề ấy có thể diễn tả bằng bất cứ một thứ ngôn ngữ nào. Do đó, tất cả mọi người, bất cứ ở đâu và thời nào đều cho là đúng. Nói khác đi mệnh đề ấy không tùy thuộc người nói kẻ nghe. Hễ đã đúng thì nó phải đúng. Mệnh đề đúng tuyệt đối. Tuy nhiên lịch sử triết học còn đó để chứng tỏ rằng những gì cho là chắc thực hôm nay, ngày sau đã được quan niệm ngược lại. Lịch sử là một cải chính và mâu thuẫn liên tục. Đó là nói theo thời gian. Còn xét theo địa phương thì ai quên được lời nói của Pascal : sự thật bên này Pyrénée nhưng là giả bên kia. Nhận định này hơn bao giờ hết đã thành một thời trang cho thế hệ chúng ta: Người ta nói mệnh đề « mưa ở Saigon» chỉ đúng cho những người sống ở Saigon và đã chứng kiến cơn mưa ở Saigon và do đó không bao giờ đúng cho người ở Chợ lớn vì làm gì có mưa ở Chợ lớn lúc đó. Mệnh đề không có tính chất phổ biến ! Tư tưởng của người chỉ nói lên đúng như người nghĩ dĩ nhiên người đây là cá nhân. Cá nhân khác sẽ nghĩ khác. Cũng như người mù sờ tai voi bảo đó là cái quạt không lồ, người mù khác sở chân voi bảo đó là cái cột nhà... Nhận định nhân loại có khác gì nhận định của người mù. Mỗi người nói mỗi khác. Mỗi triết gia quan niệm ngoại giới một cách không ai giống ai mà còn mâu thuẫn nữa. Không gì là cố định, nhất thể đồng ý. Tất cả là sản phẩm của chủ quan của thời gian dị thể. Thuyết hiện sinh đã nhấn mạnh nhiều về quan điểm đó, và hậu quả của nó đã được đặc biệt áp dụng vào lãnh vực luân lý (Simone de Beauvoir). Thực ra người ta đã ngụy biện, Người dân Saigon quả quyết trận mưa đổ xuống ngày 10 tháng 12 năm 1970 và sự khẳng định ấy là một chân lý tuyệt đối vì đã diễn tả một chân lý tuyệt đối, không chối cãi. Trận mưa đổ xuống ngày giờ nói trên là một thực tại, đã được ghi vào lịch sử vũ trụ. Cũng như cựu Tổng thống Ngô đình Diệm bị lật đổ và giết chết ngày 2 tháng II năm 1963, là một biến cố đã thực sự xảy ra, một sự thực tuyệt đối, lịch sử Việt Nam sẽ muôn đời ghi nhận. Còn chuyện người mù sờ voi thì đó là do khuyết điểm của cách phát biểu. Đáng lẽ ra hắn ta phải nói : đây là con voi, tôi sờ vào chân nó tôi có cảm tưởng là sờ vào cột nhà. Vì trong khi người mù, khi đã biết mình đang sờ voi mà lại thực tình nghĩ đó là cột nhà hay là cái quạt điều đó không thể có. Cho nên một lần, nữa tất cả tùy thuộc cách phát biểu tư tưởng. Một khi ý tưởng đã được diễn tả bằng ngôn ngữ, bằng mệnh đề, thì mệnh đề ấy sẽ tuyệt đối đúng hay sai. Khi bàn về thế nào là định luật khoa học, chúng ta đã có dịp nói đến tương đối tính của kiến thức khoa học. Do đó những người chủ trương tương đối của kiến thức không dễ bị giải giáp đầu hàng như ta mong tưởng. Không nói đến các bộ môn như sinh vật học, vật lý, xã hội hay tâm lý là những môn nhiều ít liên hệ đến giải thích và thẩm luận của người, ngay như toán học, một môn học được kể là chính xác nhất, mà cũng chỉ có giá trị tương đối. Nhìn sang luận lý, mà có người cho là nền tảng của toán học ta cũng thấy một tình trạng chia rẽ không kém lo ngại. Luận lý Aristote, dưới mắt các luận lý gia ngày nay, chỉ là của giai đoạn ấu trĩ không có tính cách phổ biến như người ta đã từng chục thế kỷ ngộ nhận. Từ cố gắng phi thường của Leibniz tìm cho Luận lý một phổ biến tính (caractéristique universel) trong De Arte Combinatoria (1666) đến Carnap (1920), luận lý học không còn giữ được uy thế quy tắc lý tưởng của mình. Nào là hệ thống Boole (Laws of Thought 1854), hệ thống Venn (Symbolic Logic 1881), hệ thống Peirce hay hệ thống Whitehead và Russel (Principia Mathematica, 1910 1913). Lấy một ví dụ : Nguyên lý loại tam. Nguyên lý này được thừa nhận trong hệ thống Whitehead và Russel nhưng lại bị phủ nhận trong Luận lý của Giáo sư Heysing. Phải chăng chân lý trong những công thức luận lý cũng chỉ là tương đối ? Luận lý là quy luật thiết yếu của trí tuệ, nếu cũng là tương đối, thì lấy gì làm tiêu chuẩn để phân định phải trái? Hệ thống nào chính xác hơn hệ thống nào ? Để giải quyết cuộc tranh chấp giữa hai lập trường trái ngược, tuyệt đối và tương đối, một dư luận thứ ba được đưa ra : thuyết ích dụng. Người la không thể cứ đứng mãi trên bình diện thuần túy lý luận : nhận thức chỉ có thể có bằng con đường kinh nghiệm sống. Không có chân lý tiên thiên. Chỉ có chân lý hậu thiên. Ý kiến nào về sau thấy hợp với cuộc sống và giả nhời được đôi hỏi của nhân sinh, nghĩa là khả dĩ giải thích thực tại và cho phép kiến tạo một đời sống tốt đẹp hơn lên, thì ý kiến ấy là chân lý. Chân lý là ích dụng. Đó là quan niệm của W. James một triết gia Mỹ quốc. Cái ích dụng là cái chân và cái mỹ. Tương tự như ý kiến của Hésiode (La Théogonie), của Aristippe (mémorables)[1]. "Ta hãy chọn và biểu quyết", đó là khẩu hiệu của những người chấp nhận thuyết ích dụng. Áp dụng vào khoa học và luân lý, vấn đề không còn đặt ra là hệ thống nào sai, hệ thống nào đúng theo lý luận thuần túy trừu tượng. Tiêu chuẩn của phán đoán là sự hữu dụng nhất của một hệ thống. Nhưng thế nào là hữu dụng và hữu dụng nhất ? Bảo rằng hữu dụng không phải là chân lý. Nhưng nếu vậy thì đừng bảo chân lý là tương đối. Bởi vì theo định nghĩa, tương đối không phải là ảo tưởng hay ngộ nhận mà chỉ thị một phần nào đúng với thực tại, một phần nào chân lý, hoặc chỉ thị chân lý trong một hệ thống nào đó. Mặt khác ta thử lấy một thí nghiệm nào đó của nhà vật lý trong phòng thí nghiệm. Một điện giải chẳng hạn. Sau một thời gian và trong những điều kiện đã xác định một cách lý thuyết, ông ta thấy xuất hiện những hiện tượng đúng như giả thuyết đã đặt ra và trù liệu. Thế nghĩa là gì? Kết luận rút được từ cuộc thí nghiệm là hữu ích, chẳng hạn đốt cháy được một kim khí, thắp đỏ được một ngọn đèn, lấy được một chất hóa học có tính chất trị liệu. Nhưng hữu ích đây phải chăng là tương ứng với thực tại? Cũng như người lạc vào rừng xanh, may mắn bắt gặp được một trái cây nào đó vừa ngon và bổ, liệu rằng anh ta chỉ biết tự giới hạn ở mệnh đề trái cây ấy hữu ích, chứ không cần biết đến chất bổ và chất ngon cố hữu ấy của trái cây? Đã tương ứng với thực tại thì hữu ích có thể là chân lý theo nghĩa cổ điển từ Aristote và thực tại khoa học chính là thực tại của học thuyết Aristote. Khoa học và triết học đều đối diện với cùng một thực tại, một vũ trụ, tuy dưới cái nhìn và theo những viễn ảnh khác nhau. Theo một ý nghĩa, những điều ta đề cập đến đây không phải là chính yếu. Trọng tâm của vấn đề nhận thức là : thực tại mà ta khẳng định, ở trong hay ngoài chúng ta, trong hay ngoài ý thức hoặc tư tưởng của ta ? Đại khái có hai thuyết đối lập : thuyết duy thực và thuyết duy tâm. Mệnh đề nói lên một cái gì. Nhưng cái gì ấy là thế nào? Anh và tôi chúng ta cùng nhìn ngắm một bông hồng. Không ai bảo ai chúng ta cùng nói: bông hồng đỏ thắm. Lời nói chúng ta chắc chắn đúng, nếu quả thật có màu ấy nơi bông hồng và rộng ra những nhận định của ta về màu sắc sẽ không sai nếu có màu sắc tương ứng trong vũ trụ. Nhưng phải chăng theo khoa học, màu sắc chỉ là kết quả của chấn động ánh sáng ? Nghĩa là không làm màu đỏ, màu vàng, xanh tím v.v... nằm sẵn ngoài ánh sáng. Làm thế nào để phân biệt màu sắc là thực hay mộng ? Triết gia duy tâm nói rằng họ không phủ nhận thực tại. Trái lại, sự vật và chân lý là những cái gì có, tuyệt đối, và không phải là ảo. Nhưng sự vật và chân lý, cách này hay cách khác, ở trong chúng ta, trong tư tưởng ta. Hơn nữa là sản phẩm của tư tưởng và chỉ ở trong tư tưởng. Đừng hiểu lầm duy tâm. Họ công nhận sự vật có ở ngoài ta. Nhưng khi ngườinhận thức, thì chỉ có thể nhận thức trong tư tưởng bởi vì chính tư tưởng tạo ra đối tượng nhận thức. Nhận thức là gì ? Là nhận chân. Nhận chân tức là khẳng định cái gì khả tri. Khả tri không thể có ở trong dị biệt. Bởi vì nhận chân là khẳng định duy nhất tính trong dị biệt. Cảm giác chỉ mang lại cho ta những dự kiện rời rạc, những chất liệu tự chúng là bất khả tri, bất thành hình. Ngoại vật chỉ hiểu được nghĩa là chỉ hình thành nhờ những khuôn khổ hay phạm trù do trí tuệ mang đến và mặc vào cho dự kiện cảm giác mù lòa. Những phạm trù ấy có tính cách tiên thiên và là những quy tắc nhờ đó trí tuệ tạo ra sự duy nhất trong dị biệt của cảm giác, phi hình. Đó là quan điểm của Kant được nhiều triết gia chấp nhận, Schelling, Hamilton, Bradley v.v.. Dĩ nhiên có những dị biệt không hòa giải được giữa Kant và các đồ đệ, và giữa các đồ đệ với nhau, nhưng tất cả điều gặp nhau ở điểm này: ngoại giới do tôi tạo ra. Tôi đó hiểu theo nghĩa nào là một việc khác, tùy theo từng môn phái. Nhưng đại khái, có thể quy về hai nghĩa chính, tôi theo nghĩa là trí tuệ nhân loại,và tôi đồng nhất với Ngã sáng tạo của vũ trụ... Theo Kant thì con mèo chạy tung tăng trong phòng tôi, không phải là một ảo mộng. Có một con mèo, con mèo tam thể, của tôi, hiện đang chơi giỡn v.v. nghĩa là tất cả những gì có thể về con mèo, đều đã được suy tư bởi trí tuệ tôi theo những quy luật có sẵn của nó. Cũng như chính cái phòng trong đó con mèo xuất hiện, và cả thân thể tôi đây đang ngồi trong phòng này... sở dĩ có là vì được suy tư như vậy cả. Bông hồng sở dĩ có, và có màu đỏ là do tôi và cho tôi, cho nhân loại. Không có người làm gì có màu đỏ, màu xanh. Cũng vậy, tất cả ngoại giới. Kiến thức là kiến thức của người. Triệt để hơn nữa, kiến thức ấy do chính người sáng tạo, vì chính tư tưởng tạo ra đối tượng nhận thức. Sự kiến tạo ấy, theo Kant, cótrường hợp đúng, có trường hợp sai. Do đó mà có ngộ nhận. Kể ra phi bác thuyết duy tâm nhận thức không phải là việc dễ. Tuy nhiên đa số triết gia ngày nay đã quay lưng lại với thuyết nầy và chấp nhận lập trường duy thực. Tư tưởng chỉ hoạt động với ít ra là một số kinh nghiệm có sẵn. Không làm gì có những ý niệm bẩm sinh theo kiểu Descartes. Lý trí tự nó chỉ là một khả năng không hơn không kém, một khả năng chưa có môi trường tài liệu để hoạt động. Ông Ađam thủy tổ nhân loại trước khi xuống sông tắm, không thể ý thức được rằng giòng nước trong ấy không làm cho ông ngẹt thở. Đó là lý luận của David Hume. Để phủ nhận lý trí nguồn gốc của kiến thức, ông còn nói mạnh hơn nữa; ăn 1000 trứng gà rồi, con người cũng không thể bằng vào lý trí để tuyệt đối đoan chắc rằng quả trứng thứ 1001 cũng có chất nuôi như những trứng đã ăn. Trí khôn cùng lắm là có thể sáng tạo những gì thuộc tư tưởng thuần túy, những gì là mộng ảo, chiêm bao. Nhưng ngay trong trường hợp ấy, trí khôn cũng phải bắt đầu bằng những yếu tố nhiều ít, xa gần, bắt nguồn ở ngoại vật và liên hệ với nhau một cách nào đó. Cái mà Hume gọi là luật liên trưởng. Chẳng hạn hải nữ sĩ Sirène, đầu người mình cá, được tưởng tượng ra, là vì cổ nhân đã kinh nghiệm trước thế nào là cá, là đàn bà với giọng hát quyến dụ... Triết gia Hy lạp không đặt vấn đề chọn lựa giữa lý trí và kinh nghiệm một cách triệt để. Héeraclite cũng như Platon, vẫn tin vào khả năng hiểu biết của lý trí, tuy dưới những khía cạnh khác nhau. Và mặc dầu chủ nghĩa duy lý đã bắt đầu ở Parménide hay Platon, và chủ nghĩa duy nghiệm (hay duy thực) manh nha từ Héraclite, nhưng phải chờ đến thế kỷ 16, thì hai chủ nghĩa ấy mới thực sự đối lập nhau. Được phân tách triệt để thuyết duy tâm bắt buộc phải chấp nhận hiện hữu hai chủ thể, hai tư tưởng, hai cái tôi. Tôi thực nghiệm và tôi tiên nghiệm hay là tôi nói chung (je en général). Tôi thực nghiệm chỉ làm công việc tiếp nhận... và chính tôi siêu nghiệm mới là tôi sáng tạo đối tượng, nhưng cái gọi là tôi siêu nghiệm là cả một nghi vấn. Dựa vào đâu mà quả quyết được cái tôi ấy? Bằng con đường suy diễn ? Nếu vậy, thì tôi ấy có gì khác với một ý niệm hình học không? Hay là tôi siêu nghiệm đứng lơ lửng một chỗ nào trong ta và không phải là ta và chính ta không nghiệm thấy? Thực là phi lý. Giáo sư Jean Wahl khi so sánh tôi siêu nghiệm của Kant với tôi siêu nghiệm của Husserl, đã thú nhận không hiểu nổi hai đại triết gia ấy muốn nóigì. Hay là trong bế tắc giải thích nhận nghiệm hơn. Cái khó khăn của triết thuyết này là làm thế nào cho phù hợp với khoa học. Màu sắc chẳng hạn, do chấn động ánh sáng. Thuyết duy thực giải thích thế nào? Nhà triết học duy thực nói rằng không riêng gì màu sắc mà tất cả những gì thuộc ngoại giới đều là đối tượng chính thức của trí tuệ nhân loại. Nhưng tuệ nhân loại là trí tuệ hiện thân vào một thân xác sống động với những cơ cấu của một sinh vật. Giữa tư thân tôi và tôi không có biên giới nào cả. Tư thân tôi và tôi làm thành một duy nhất bất khả phân. Do đó, không có biên cương ngăn cách giữa ngoại giới với người nhận thức. Trí tuệ bắt được ngoại vật trong cơ thể và qua cơ thể của tư thân tôi. Nói khác đi, chính từ thân tôi đón tiếp ngoại vật. Bông hồng kia sở dĩ được cảm thấy màu đỏ là do tác động hay đúng hơn, do nhận định của tư thân tôi. Mang một chiếc kính đỏ vào, tôi thấy màu xanh thành màu đen, nhưng không ai nói rằng tư tưởng tôi tạo ra màu đen. Tư thân tôi đóng một vai trò như chiếc kính tôi mang đối với sự vật. Ngoại vật vốn đã có sẵn, thế nào thì thế ấy rồi: đó là chân lý bản thể của sự vật như đã nói. Nhưng chúng ta là người hóa thân, thì chân lý của ta cũng là chân lý nhân loại, không có cách nào khác chính vì thế mà có người đã đặt ra vấn đề: nếu có một thứ sinh vật nào đó sống trên các hành tinh, thì nhận thức của họ có giống với nhận thức của nhân loại chúng ta không? Cái mà ta gọi là khoa học, đối với họ có phải là khoa học không? Câu giả nhời không khó. Như đã nói, nếu cơ cấu thân thể nhân loại được tổ chức khác với tổ chức hiện có, thì nhận thức sẽ khác đi, và chân lý cũng sẽ được nhìn dưới những hình thức khác không nói gì tới những sinh vật tưởng tượng, ngay như ở trên mặt quả địa cầu này, chắc chắn không phải loài vật nào cũng có những nhận định giống nhau còn nói gì giống với loài người. Vậy quan niệm cái gì được nhận thức đều ở trong nhận thức và do tư tưởng tạo ra là một sai lầm nghiêm trọng. Nhận thức không phải là một cái hộp đóng mở tùy lúc. Duy tâm đã vật hóa (chosifier) nhận thức vốn là một động tác, nhưng là động tác có điều kiện. Hay đề dùng hình ảnh của Husserl, nhận thức là nguồn sáng chiếu vào đêm tối ngoại giới. Từ trong bóng tối, người và vật xuất hiện dưới và trong ánh đèn pha, chứ không phải giữa lòng chiếc đèn pha. Liên hệ giữa nhận thức và vật được nhận thức cũng tương tự như vậy. Còn có thể trình bày thêm nhiều luận cứ khác của đôi bên duy tâm và duy thực. Cuộc tranh chấp còn tiếp tục nghiêm chỉnh và gay go... Chúng ta nghĩ thế nào ? Có những triết gia cho rằngmột thái độ chọn lựa dứt khoát là cần thiết : hoặc chọn duy tâm hay chọn duy vật. Không thể làm công việc tuyển trạch (éclectisme), hay dung hoà. Theo ý chúng tôi, thì duy thực chiếm được "cảm tình" của chúng tôi hơn. Chúng tôi chọn duy thực, nhất là dưới sự hướng dẫn của hiện tượng luận. Nhận thức là một đón tiếp đầy thiện cảm đối với ngoại vật. Nói như thế không phải là để phủ nhận mọi giá trị của thuyết duy tâm. Thực vậy, chúng ta phải công bằng và sáng suốt nhìn nhận rằng duy tâm đã có công trong việc làm sáng chiếu ý niệm về hữu thề. Vì chỉ trong suy luận, nhờ suy luận hữu thể mới được trông thấy vừa ẩn vừa hiện - ẩn hiện là hai mặt của hữu thể nơi sự vật và đối với chúng ta như Heiegger đã muốn tin tưởng. Auguste Guzzo cũng đã không quên ghi nhận ý nghĩa của duy tâm khi ông viết “Xét theo đó, không phải trong một hay nhiều thuyết độc lập của duy tâm (thường cách này hay cách khác bị phê bình hay sát nhập) nhưng là trong thái độ mà nhà duy tâm, một cách quả quyết và minh bạch hơn đại diện nhiều lập trường khác của tư tuởng, tuyên bố rằng họ quan niệm một cách triết học, chính trong thái độ ấy người ta phải tìm được một trong những điều kiện của triết học . Nhà tâm lý Đức quốc Fechner đã có lần nói đến vũ trụ ban ngày và vũ trụ ban đêm. Trong vũ trụ ban đêm, không có màu sắc, không có âm thanh : tất cả im lặng, tất cả đen ngòm mọi cử động hay chuyển động đều tự động cơ giới... rùng rợn đanh thép... Một vũ trụ khốn nạn. Đó là hình ảnh của vũ trụ vắng bóng sinh vật, đặc biệt con người với tất cả thiện chí tìm hiểu và cảm thông... May thay với người mặt trời. Nhận thức đã sớm suởi nóng thực tại vốn lạnh lùng ấy và vạn vật đã dậy sống trong ánh sáng huy hoàng càng ngày càng nhộn nhịp của lòng người hiếu khách. Vô tri bất mộ. Từ ngày đó nhân loại thấy rằng triết lý trước hết là chiêm ngưỡng (Platon) rồi mới đến hành động (Karl Marx).
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC