Nhập môn triết học

Giá trị của nhận thức

VŨ TRỤ QUAN

PHẦN THỨ TƯ

 

GIÁ TRỊ CỦA NHẬN THỨC

 

TRẦN VĂN GIÀU (1911-2010)

 


Trần Văn Giàu. Vũ trụ quan. Đại học Sư phạm xuất bản, 1956.


 

Chúng ta đã giải quyết xong vấn đề tồn tại của thế giới khách quan, và vấn đề quan hệ giữa tồn tại và tư tưởng. Điều phân biệt quan trọng thứ ba giữa duy vật luận và duy tâm luận cũng là vấn đề thứ ba của triết học là giá trị của nhận thức.

Đây là ý nghĩa thứ hai của vấn đề quan hệ giữa tồn tại và tư tưởng, giữa vật và tâm; ý nghĩa thứ nhất, nhắc lại, là hỏi cái tồn tại với tư tưởng (tức vật với tâm) cái nào là chính yếu, cái nào là chủ yếu. Quan hệ này lại còn có một ý nghĩa khác, và cũng được gọi là vấn đề “đồng nhất của tư tưởng và tồn tại”.

Vấn đề quan hệ giữa tư tưởng và tồn tại còn có một mặt thứ hai: hỏi vậy, giữa ý kiến của chúng ta về thế giới chu vi với thế giới ấy, có những liên can gì ? Tư tưởng của ta có thể biết được thế giới thực thật tại không ? Trong biểu hiện và quan niệm của ta về thế giới thực tại, chúng ta có thể hay không có thể tái tạo một hình ảnh trung thành của sự thật tại ? Vấn đề này, trong văn chương triết học, gọi là vấn đề “đồng nhất của tư tưởng và tồn tại”.

Nói khác hơn: có thể hay không có thể biết được vũ trụ? Nhận thức của con người có giá trị đến bực nào? Khoa học có cương giới nào chăng? Con người có thể đạt được chân lý chăng? Mà chân lý là gì?

Vấn đề này nói theo tiếng nói của nhà triết học cũng gọi là vấn đề “đồng nhất giữa tư tưởng và tồn tại”. Quan niệm ý thức của ta có cho ta một hình ảnh đúng với thực tại không?

Từ xưa đến nay, vô tình hay cố ý, các nhà tư tưởng đã thảo luận rất nhiều. Nhưng rốt cùng, chỉ có hai trận tuyến rõ rệt là duy tâm và duy vật. Duy tâm luận thì hoặc cho rằng con người không biết nổi vũ trụ và quy luật của nó, hoặc chỉ có thể biết một phần nào thôi. Duy vật luận trái lại, nhận định rằng con người có thể hiểu được tự nhiên, xã hội và quy luật của nó, hiểu biết càng ngày càng thấu đáo.

I. ĐIỂM QUA CÁC CHỦ THUYẾT DUY TÂM

1. Chủ nghĩa Hi nghi

Descartes đã hoài nghi; ông hoài nghi tất cả những tư tưởng, học thuật trước đó; ông hoài nghi luôn tới tồn tại của ông; nhưng ông hoài nghi để mà đi đến tin chắc, tin chắc cái gì rõ ràng, hợp lý, có bằng chứng, sau kiểm thảo. Nhờ mở đầu bằng phương pháp hoài nghi ấy mà ông tạo ra toán học, lý học của ông, mở đường cho khoa học tự nhiên thế kỷ 18, 19.

Ông C. Bernard cũng dùng phương pháp hoài nghi ấy để dựng nên khoa học sinh lý, giải phẫu rất vững vàng.

Vậy hoài nghi của C. Bernard, cũng như hoài nghi của Descartes chỉ là một phương pháp phê bình và khảo cứu; không phải là chủ nghĩa hoài nghi. Chủ nghĩa hoài nghi dùng thái độ hoài nghi, ngờ vực không tin, thành một hệ thống tư tưởng. Người hoài nghi là người không bao giờ tin chắc một việc gì, không chịu quả quyết một ý gì, trừ ra cái quyết hoài nghi mãi, hoài nghi tất cả; là người chẳng những tạm thời có thái độ ngờ vực để đi tới thái độ tin chắc, mà vĩnh viễn giữ thái độ hoài nghi ấy, cho đến đổi, như Pyrrhon (360-270 trước T.C) không còn nên phán đoán làm gì nữa, cứ vô tư vô lự là xong chuyện, là hay nhất !

Chẳng những ở Tây-phương mà ở Đông-phương từ xưa cũng đã có chủ nghĩa hoài nghi ấy, để đi đến thái độ yếm thế, cười đời, như học phái của Trang tử là một. Họ bảo: ta là hột cát trong trấn hải vô biên, thì biết vô biên sao được, biết để làm gì ? Thì cứ mặc kệ nó, cứ khoanh tay mà cười đời, xem đời, cho đến chết, đến khi trở lại với tự nhiên… Trang tử và bè bạn không thấy rằng con người nhỏ mà khả năng của nó mỗi lúc một to, nó là một phần nhỏ của tự nhiên mà có thể làm chủ được tự nhiên; cuộc đời đẩy con nhà yếm thế ra khỏi thái độ yếm thế, tốc chăn của bất cứ người trùm chăn nào; và đến một mức khoa học và chiến đấu nào yếm thế hoài nghi là lạc hậu là cản trở đường tiến bộ.

Chủ nghĩa hoài nghi dựa vào những lý do sau đây:

 Trước con người đã nói, hiểu, tin một cách sai lầm; sau mới thấy cái sai lầm ấy; những người trước đã biết đâu; và biết đâu bây giờ ta nói rằng ta đúng mà sau này, con cháu, hậu lai lại thấy rằng sai ?

Nếu thật có chân lý thì sao các nhà tư tưởng, các nhà triết học lại không đồng ý nhau mà cãi cọ, mà chống bác nhau mãi; xưa cãi, nay cãi, mai còn cãi; ai cũng cho rằng mình phải, ai cũng nghĩ rằng đối phương là sai. Thế nghĩa là không có ai sai ai đúng cả “bên này núi là chân lý, bên kia núi là phi lý”

Tìm giải thích sự vật là tìm nguyên nhân của nó, rồi lại phải tìm nguyên nhân của nguyên nhân ấy, cứ như thế mà đi ngược lên mãi, chưa bao giờ hết, chưa lúc nào cùng; thì chắc gì đã hiểu, đã biết rõ sự thật? 

o0o

Những lý do của chủ nghĩa hoài  nghi có giá trị tương đối với những lối nhận thức không khoa học, đối với những ngụy biện của những người gọi là nhà tư tưởng. Xưa đã có, nay hãy còn những “triết gia” không chịu căn cứ vào khoa học để nhận thức, họ không chịu tìm chân lý bằng khối óc, mà họ đi tìm chân lý trong khối óc của họ. Họ ngụy biện họ gàn, họ tự ý tưởng tượng của những người rất đáng cho kẻ khác hoài nghi và phải hoài nghi những tư tưởng mây mù ấy mới được.

Nhưng từ ngày có sự nhận thức khoa học trong lịch sử văn minh của loài người thì lý do của chủ nghĩa hoài nghi không thể nào còn đứng vững được nữa, và trước sự phát triển không ngừng của khoa học, đừng nói chi là chủ nghĩa hoài nghi mà luôn cả thái độ hoài nghi cũng sai lầm lạc hậu phản tiến bộ.

Trả lời cho lý do thứ nhất của chủ nghĩa hoài nghi: vẫn biết lịch sử tư tưởng con người là một giây lầm lạc, sửa chữa những lầm lạc. Song lầm lạc sau so sánh với lầm lạc trước lại ít lầm lạc hơn. “lầm lạc mỗi ngày một bớt vô lý” theo lời của F.Engels. Nói khác hơn, làm sao phút chốc, trong giây lát con người có thể tìm ngay ra chân lý hoàn toàn ? Nhận thức là cả một quá trình, quá trình đi tới chân lý. Ngày xưa ông bà ta nói trái đất dẹt là sai, bây giờ ta nói trái đất tròn là gần đúng, gần đúng vì người ta đi vòng quanh nó được như con kiến bò quanh trái cam; rồi người ta lên bắc cực và xuống nam cực để dò lại biết thêm rằng trái đất dèn dẹp ở hai đầu một ít, đó là sự thật hay gần đến sự thật hoàn toàn, làm sao mà đời sau nói trái đất vuông được ?

Trả lời cho lý do thứ hai của chủ nghĩa hoài nghi: vẫn biết có những lẽ mà các nhà thức giả không đồng ý nhau, song đã có vô số sự thật mà không ai chối cãi được cả: đi máy bay mau hơn đi xe bò; đèn điện sáng hơn đèn dầu; 2 cộng 2 là 4, con người phải ăn mới sống, có sống mới có bàn cãi nhau. Và hơn nữa, khoa học mỗi ngày một được thêm tín nhiệm, nhà hoài nghi triệt để mấy cũng hằng ngày dùng đến khoa học, và khi ông nhờ uống thuốc quinine hết sốt rét thì không có hoài nghi thuốc ấy cho đến đổi chịu sốt rét mà không thèm uống thuốc quinine.

Trả lời cho lý do thứ ba: lý do thứ ba chỉ có những ông mê tín mượn cớ nhỡ nhời để ra bộ không tin khoa học mà cố sức tin vào “lòng thành”, vào Thượng đế. Mỗi một tiến bộ của khoa học làm cho họ sợ sệt, sợ khoa học lấn mãi tôn giáo; trái lại, mỗi khó khăn (không tránh khỏi, mà càng gặp khó khăn mới càng thấy công dụng thực tiễn của khoa học) mỗi khó khăn của khoa học làm cho họ phấn khởi, phấn khởi để làm gì ? - Để nói vu vơ là “giá sử đúng, lịch sử sai”, “mơ mộng là phải, thực tế là lầm như ông Lachelier chẳng hạn, đó là chưa nói đến Pascal, hay nhiều nhà tôn giáo lạc hậu khác.”

Ngày nay, thế lực của khoa học bành trướng mạnh; chủ nghĩa hoài nghi không vì thế mà hệt như ông Cuvillier tưởng lầm: trái lại, chướng mắt không được, nó khôn khéo trá hình trong nhiều mầu sắc khác nhau của duy tâm luận, mà chúng ta lần lượt bàn đến.

Trong tình thế kháng chiến của Việt Nam, hãy còn có một nhóm người mà thái độ dựa vào một chủ nghĩa hoài nghi đáng tiếc: đó là nhóm gọi là “trí thức trùm chăn”, không theo giặc là khá, không tham gia kháng chiến một cách tích cực, là tỏ một ý thiếu tin tưởng vào tiền đồ của đất nước ít nhất là trong thời buổi tiền phản công, thái độ lưỡng lự ấy rút nguồn cỗi xã hội trong tính chất của một lớp người nhất định mà đồng thời, nó tiêu biểu một sự thiếu tin chắc vào quy luật khách quan của xã hội vào năng lực sáng tạo vô biên của quần chúng giác ngộ.

2. Bất khả tri luận

Ở đây, chúng ta không như nhiều nhà triết học khác, trách ông E. Kant sao lại hoài nghi siêu hình học; nếu ta có trách, ta chỉ trách sao ông E. Kant đã hoài nghi siêu hình học mà hoài nghi không triệt để, lại lung tung rồi trở lại một thứ siêu hình. Kant nhận xét rằng rất đúng rằng siêu hình học không thành một khoa học, không ra một thứ nhận thức chắn chắn, không thể bắt đầu hỏi “làm sao lập nó được ?” mà phải đặt câu hỏi “có lập nó được không ?”

Nhưng, Kant sa vào một thứ chủ nghĩa hoài nghi mới, không vì ông nghi ngờ siêu hình học mà bởi vì ông đặt cương giới cho khoa học; ngược ngạo thay, chính ông là một kiện tướng của khoa học trong một thời, đã có công vĩ đại trong việc tạo ra một ý thức quan niệm mới về vũ trụ.

Hume, nhà triết học Anh cũng đồng m ột môn phái bất khả tri luận như Kant. Cứ theo D. Hume thì quan hệ nhân quả chỉ là “một tin tưởng không cưỡng nổi”, là “một thói quen chủ quan của ta mắc phải vì ta thấy hiện tượng lập đi lập lại”.

Ý của D. Hume rất sai lạc, gọi quan hệ nhân quả là một “tin tưởng chủ quan”, một “thói quen” lâu ngày thì vô lý vô cùng. Nếu quả nó chỉ là một thói quen thì nguyên tắc nhân quả (như luật biến đổi của năng lực, lượng, như luật thu hút, xô đẩy toàn cầu) chẳng qua như tính đi hút của anh nghiện á phiện sao? Nếu quả nó chỉ là một tin tưởng chủ quan thì khoa học hơn gì một mê tín, rồi ông Claude Bernard, ông Curie sẽ bị ngang hàng với những thầy tu, còn nhà kỹ sư, anh thợ máy là những tín đồ mê muội sao ? – Không. Luật nhân quả là những luật khách quan sẵn có trong tự nhiên, xã hội, tư tưởng; ta tìm được nó bằng trí não của ta chứ không phải ta tìm nó tự  trong trí não, tâm hồn ta thì làm sao gọi nó là chủ quan được ?

Tất cả nhận thức khoa học đều căn cứ vào luật nhân quả, Hume bảo luật nhân quả chỉ là một tin tưởng, một thói quen chủ quan, thì giá trị của nhận thức theo lối nhận thức ấy mà tiêu tan rồi, lầu khoa học theo đó mà như bị dựng trên một bãi bùn lầy, trên một đống cát lún.

Nói khác hơn, cứ theo tư tưởng của Hume thì con người không nhận thức nổi vũ trụ và quy luật của vũ trụ chỉ nhận thức được những tin tưởng, những thói quen của mình, tin tưởng, song tin tưởng và thói quen chưa hẳn là chân lý được.

Kant chống lại với Hume, kỳ thật là giống với Hume như một khuôn tư tưởng. 

Cứ theo Kant, thì nhận thức là gì ? – “Nhận thức là trí tuệ đặt quy luật của nó vào một sự vật”.

Nhiều người triết học tưởng đâu câu nói này cho sự nhận thức có hai ý nghĩa: thứ nhất là ý nghĩa tương đối của nhận thức, thứ nhì là ý nghĩa khách quan của nhận thức (Cuvillier, “triết học” trang 521). Trái lại chúng tôi nghĩ rằng ý tưởng của Kant, giật lùi Kant về phía chủ quan, duy tâm không cứu chữa nổi.

Tương đối? Phải chi Kant nói rằng sự nhận thức của ta là tương đối với trình độ của khoa học, tương đối với sự tiến bởi chân lý hoàn toàn thì sẽ đúng; đàng này tương đối luận của ông là tương đối luận duy tâm: “Nhận thức tùy sự cấu tạo chủ quan của trí tuệ”; nếu trí tuệ ta cấu tạo một cách khác thì nhận thức và khoa học sẽ khác đi.

Sao như thế được? Nếu trí tuệ của anh, của tôi bị cấu tạo một cách khác hơn hiện nay thì trái đất sẽ vuông, mặt trời sẽ nhỏ hơn trái đất và cây mọc rễ ở trên trời, lá dưới đất chăng ? Nhận thức là tìm sự thật khách quan, tìm quy luật khách quan của vũ trụ, mà sự thật ấy, quy luật ấy, vũ trụ ấy nào có tùy sự cấu tạo của trí tuệ của ta; trái lại trí tuệ của ta phải tùy sự thật nơi chúng nó. Sự vật không bắt buộc phải quây quần chung quanh trí tuệ mà trí tuệ bắt buộc phải thích ứng với sự vật.

Nếu quả nhận thức tùy cấu tạo chủ quan của trí tuệ thì nhận thức không còn có giá trị gì cả. Ở đây Kant vô tình đã sát cánh với Hume.

Thật ra trí tuệ không đạt được quy luật của nó vào sự vật, mà sự vật đặt quy luật của nó vào trí tuệ mới đúng hơn.

Cứ theo Kant, tuy cách hiểu chủ quan ở trên, ta chỉ biết được những hiện tượng của vật đụng chạm vào cảm giác của ta, ta không thể biết được “vật tự tại”, nghĩa là không thể biết được bản chất của vật.

Đây là một sai lầm nữa.

Sao lại chia vật ra làm hai phần, phần hiện tượng và phần tự tại, phần có thể biết được và phần không thể biết được ?

Quả có những phần của vật mà ta chưa biết được; chưa biết khác hẳn với không thể biết. Nếu nói quả quyết rằng: “Ta không thể biết được vật tự tại”, nghĩa là bảo với khoa học: đừng mó đến bản chất của vật mà làm gì ! Không thể biết được đâu! chỉ nghiên cứu những hiện tượng bề ngoài thôi. Vô tình hay cố ý, Kant đã hạn chế khoa học, vạch một mức cuối cùng trước nhận thức của con người, như ngăn đường tiến bộ của khoa học, của nhận thức mà không một lý do chính xác nào cả.

Mỗi bước tới trước cửa khoa học là mỗi phần vật tự tại bất khả tri của Kant bị khám phá, khám phá mãi đến hết, và khi trong phòng thí nghiệm, trong thực hành công nghệ, nhà bác sĩ, nhà kỹ sư đã xem xét mổ sự vật lại tái tạo sự vật, dùng nó mãi vào lợi ích của người thì còn chi là “vật tự tại” bất khả tri luận của Kant ? Lúc con người tìm hiểu đến nguyên tử thì bức màn quanh bản chất của vật bị tuần tự vén lên.

Kant đi càng sâu vào đường duy tâm luận, vào chủ quan tính của nhận thức: theo ông “kinh nghiệm không bao giờ có tính cách của một sự nhận thức thật được mà chỉ là một mớ cảm xúc thôi” và “khả năng của kinh nghiệm là cái gì cho những nhận thức “trời cho” của ta một sự thật khách quan”. Nói khác hơn, với ông, kinh nghiệm khoa học chỉ đóng vai trò chứng thực những nhận thức “trời cho” ! Mới sinh ra, trước khi có kinh nghiệm, ông Kant đã có sẵn những nhận thức, những quan niệm rồi! (sinh ra đã biết). Theo Kant, những quan niệm trời cho đó, quan niệm phi kinh nghiệm đó mới là nhận thức thật, mới là lẽ phải, còn khoa học, kinh nghiệm chỉ chứng minh những quan niệm sẵn có kia thôi.

Trái lại, trái hẳn lại mới đúng: con người sở dĩ có quan niệm, có nhận thức là nhờ thực tế, nhờ kinh nghiệm; kinh nghiệm và thực tế sửa chữa mãi quan niệm và nhận thức của con người, sửa chữa mãi cho nó tiếp cận với chân lý hoàn toàn của sự vật khách quan.

Theo ông E.Kant, chân lý là gì?

Không phải là sự hoà hợp của nhận thức với sự vật, mà chính là sự hòa hợp của nhận thức với nhận thức, tức là sự hòa hợp của nhận thức với quy luật của lý trí (Kant; “Luận lý học”).

  Nếu thế thì còn đâu là chân lý khách quan nữa ? Nếu thế thì chỉ có chân lý chủ quan mà thôi, nghĩa là không còn có chân lý gì cả. Ngược lại mới đúng: chân lý là sự hòa hợp của nhận thức chủ quan với sự vật và quy luật khách quan; thì nhà khoa học, nhà tư tưởng chính trực phải đừng ngần ngại gì mà sửa lại tự ý của mình, nếu tự ý ấy hoặc trái hoặc sai quy luật khách quan của sự vật. Sai lầm mà nhận thấy sai lầm để sửa chữa thì có xấu hổ gì có giảm giá trị của ta đâu. Ông X.Y.Z trong quyển “Sửa đổi lối làm việc”, xem nguyên tắc phê bình và sửa chữa như nguyên lý căn bản của tiến bộ. Ý tưởng ấy hoàn toàn đúng, chỉ có những ai không làm gì cả, không tư tưởng gì cả mới khỏi bị sai lầm; nhưng những kẻ ấy chưa phải là con người thật.

Nghĩ sâu hơn nữa ta có thể tự hỏi vậy lý trí có phải là một vật ngoài tự nhiên như ý của Kant không ? Nếu nó đứng ngoài tự nhiên mà bắt tự nhiên theo quy luật của nó thì nhận thức của ta cũng như quy luật của nó không còn biết căn cứ vào đâu mà phân biệt trái phải cả. Sự thật, người là bộ phận của tự nhiên thì khối óc, lý trí của người làm sao vượt ra ngoài vòng tự nhiên được ? Nhị nguyên luận của Kant đạt đến một bế tắc, bế tắc của bất khả tri luận và chủ nghĩa hoài nghi thủ tiêu hay là hạn chế khoa học, làm mất hết giá trị của nhận thức.

Vì lý trí là trong tự nhiên, bộ phận của tự nhiên nên quy luật của nó hòa hợp với quy luật của tự nhiên, cũng vì đó mà ta nhận thức được sự vật, nhận thức bằng hành động, thực tiễn, không phải nhận thức một cách bàng quan thụ động. Tánh đồng nhất của tồn tại và tư tưởng ở chỗ đó khỏi cần phải có Thượng đế nào, “hòa hợp thiên nhiên” nào cả.

Chữ “bất khả tri luận” ở Âu-châu do ông Huxley bầy ra; tuy Huxley bênh vực Darwin nhưng ông công nhiên tuyên bố rằng không nên bàn về vấn đề siêu hình học, rằng ta không thể thấu đáo được một việc vượt ra khỏi trí tuệ như vấn đề linh hồn Thượng đế. Nhà triết học “bất khả tri” nói: biết không được những việc ấy, thì đừng chạm đến nó là hay hơn. Làm sao biết duy thần là đúng hay vô thần là sai? Đối tượng của siêu hình học là “bất khả tri”, là không thể biết được. Họ không dám cả quyết rằng chỉ có Thượng đế trong trí tưởng tượng của người mê tín duy tâm, chỉ có Thượng đế do trí tưởng tượng ấy sinh ra, không có Thượng đế thật. Họ cố tránh bàn cãi; họ là những nhà triết học mà Lénine gọi là “duy vật xấu hổ, nhát gan; họ cố ý không muốn đụng chạm đến phong kiến tuy quá thời mà còn có thế lực. Họ đại biểu cho thái độ lừng chừng, thỏa hợp của một giai cấp tư bản (Anh, Đức) đã mất tính chất cách mạng và thỏa hợp với phong kiến để thống trị nhân dân; đám nhân dân ấy được cả hai tư bản, phong kiến đều thù hằn, đều sợ sệt.

Hồi đó Descartes, nhị nguyên luận của Descartes về Thượng đế và vật chất, tư tưởng và tồn tại linh hồn và xác thịt là tiến bộ tuy thiếu triệt để, tuy những “nghịch lý” của Descartes xem như kỳ khôi khó giải; đến Kant nhị nguyên luận giữa “vật tự tại” và vật hiện tượng là một bước thụt lùi, nhượng bộ cho thần bí vào khoa học, giảm giá trị của nhận thức, đó là tâm trạng rụt rè, e sợ trên mặt triết học - của một giai cấp tư bản vừa muốn chống phong kiến vừa sợ vô sản giai cấp giác ngộ.

3. Chủ nghĩa thực tiễn

“Giáo chủ” của chủ nghĩa thực tiễn là W James, Dewey, người Mỹ; khỏi cần ngó cho kỹ cũng trông thấy ngay con dấu nổi của tư bản Mỹ trên chủ nghĩa thực tiễn này. Trước tiên, những người sáng tạo ra lý thuyết, có ý tìm định nghĩa coi chân lý tôn giáo là gì, và từ chỗ thảo luận về chân lý riêng biệt này họ đi đến chỗ định nghĩa chân lý nói chung.

William James nói: lấy gì chứng thật cho chân lý ? Cái gì làm tiêu chuẩn cho chân lý ? – “những kết quả thực tế của ý kiến”. Ý kiến đúng lý là ý kiến nào “có lợi” “chân lý” với “có lợi” là hai quan niệm giống nhau; “nó có lợi cho nên nó là chân lý”; hay là “nó là chân lý nên nó có lợi” cũng thế thôi. Nói một cách rộng hơn, cái gì tiện, cái gì thành công thì cái đó là chân lý và chân lý ở đó, chỉ ở đó thôi.

Theo Dewey và Schiller viết: “chân lý có tính cách khí cụ” nghĩa là một chân lý là chân lý vì người ta dùng được nó để làm một việc gì, chỉ có thế thôi.

Chủ nghĩa thực tiễn có một điểm hay hay là nó liên lạc sự nhận thức với thực tiễn, với sự cần ích của con người chứ không để sự nhận thức bay bổng trên không trung mà chỉ quây quần chung quanh lý trí thuần túy, nhận thức để nhận thức.

Song, thực tiễn chủ nghĩa sai lầm nhiều chỗ:

a. Cái gì có ích là chân lý chăng?

Hẳn là không đủ! Cái gì chân lý đều là có ích; hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp; nhưng mỗi cái có ích không nhất thiết phải là chân lý: Quân chủ độc tài có ích, ích ở chỗ nó thống nhất được nhiều quốc gia, ích ở chỗ nó là cần thiết lịch sử trong thời nào, như thế mà nó có phảI là chân lý đâu? Mê tín có ích cho phong kiến và tư bản thống trị nhân dân, nhưng nào phảI là chân lý đâu? Nhờ bom nguyên tử, bọn tư bản Hoa Kỳ điệu võ, dương oai, như thế thì chắc chân lý ở phía nào có bom nguyên tử mạnh nhất, chân lý ở Hoa Kỳ vì ở Hoa Kỳ có bom nguyên tử ! chân lý ở Đức vì Đức có V1, V2 !

b. Cái gì tiện lợi, thành công là chân lý chăng ?

Cũng không nữa. Độc tài tiện lợi cho tư bản tài chính, có phải vì thế mà nó gần lẽ phải hơn dân chủ chăng? Đồng đô la đã thành công ít ra là tạm thời trong việc khuất phục nhiều nước dưới ách của nó, thì nó đã đạt chân lý và chân lý nằm trong đồng đô-la chăng? Nhiều khi các ông thầy phủ thủy nhờ cúng quẩy, bùa chú mà chữa cho kẻ tin dị đoan khỏi bệnh một phần nào, được “an ủy” phần nào, cúng quẩy kia, bùa chú kia, có công hiệu như thế đã là chân lý chăng ? Hẳn là không vậy. 

Trái lại, lắm lẽ rất chí lý mà vì điều kiện gì mà thất bại, thất bại tạm thời ví dụ như vì kẻ thù còn mạnh hơn, khiến “vận khứ anh hùng ẩm hận”; thì không vì thấy nó tạm thời  thất bại, tạm thời chưa thắng lợi mà vội cho rằng nó sai lầm.

Phải tìm tiêu chuẩn của chân lý ở chỗ khác.

Phải định nghĩa chân lý một cách khác.

Chủ nghĩa thực tiễn tiêu biểu được tâm hồn con buôn và xâm chiếm của đồng đô-la trong lúc nó còn có thế lực.

4. Chủ nghĩa “Quy ước” của Poincaré

Poincaré tự hỏi trong quyển “Giá trị của khoa học” cần chi phải tự hỏi vậy cho hình học của Euclide “đúng lý hơn” thứ hình học khác ? Ta chỉ biết rằng nó “tiện hơn”.

Ông lại nói thêm:

Quả quyết rằng: Trái đất quay chung quanh mặt trời, là không có nghĩa lý giá cả, vì không có thí nghiệm nào để cho ta làm bằng cớ chắc chắn…hai câu: “Trái đất quay” với “nghĩ rằng trái đất quay là một lẽ tiện lợi” hai câu đều có một nghĩa như nhau”.1

Vậy theo ông Poincare cái mình gọi là chân lý chẳng qua là những quy ước để làm việc, không phải từ lý trí ra, cũng không phải từ kinh nghiệm đến, mà chính tại nhà khoa học hay con người khác bầy ra cho tiện việc hơn, chỉ có thế thôi. Những nguyên lý của toán học, của cơ giới học đều là những quy ước cả.

Xét kỹ lại, chúng ta thấy ông Poincaré phủ nhận tính chất khách quan của chân lý: ông tách những nguyên lý toán học, cơ giới hoặc ra khỏi nguồn gốc khách quan, thực tế, kinh nghiệm của nó, mà chỉ để cho nó cái tính chất “quy ước” chủ quan. Và, nếu như vậy, thì không còn chân lý nữa; nếu vậy thì cả khoa học cả nhận thức con người sẽ mất hết giá trị thực của nó đi, chỉ còn có giá trị “quy ước” “hẹn hò”, bày đặt cho dễ giải mà thôi.

Tôi nghĩ rằng trái đất tròn, nếu quả thật trái đất tròn, khỏi cần có quy ước của tôi nó cứ tròn thì quy ước kia mới có giá trị, mới gần chân lý, gần sự thật khách quan. Ngày xưa, để “tiện” việc cắt nghĩa cái bầu trời, người ta tự tiện quy ước rằng đất bằng, rộng, ngắn, trên là thiên đàng, dưới là địa ngục, giữa là thế gian. Quy ước ấy, một thời kia cũng là “tiện” lắm đấy, nhưng có phải là chân lý đâu ?

Nhiều nhà tư tưởng tiếp nối chủ nghĩa quy ước của Poincaré và đi xa một cách phi lý hơn nữa, cho đến đỗi họ xem khoa học như một thứ học (ví dụ như ông Duhem) hoàn toàn tượng trưng, hoàn toàn nhân tạo, không ăn nhịp gì với thực tại cả.

Ông Leroy so sánh toán học như một trò chơi. Trật tự, nguyên nhân, kết quả đều là những ý kiến do các nhà bác học tự ý tưởng tượng ra mà thôi !

Đây là một xu hướng muốn phá hoại nền móng và uy tín của nhận thức khoa học. Nếu của nhận thức khoa học chỉ là một “trò chơi chữ”, một sự tưởng tượng khéo của lý trí thì còn đâu là khoa học nữa ?

Họ tưởng làm vinh dự cho tư tưởng bằng cách tách rời tư tưởng ra khỏi thực tại, cho tư tưởng một năng lực sáng tạo độc lập, xây dựng những quy ước và nguyên tắc một cách tự ý, tự tiện; thực ra họ giết tư tưởng một cách rất ngọt ngào, êm thấm: như vậy không rễ cây khô, lá rụng, tư tưởng tàn tạ, điêu linh một khi mất nền tảng thực tại và vật chất và do đó quan niệm về chân lý cũng tiêu tán chẳng những về mặt lý thuyết mà cả về mặt thực hành nữa.

5. Mọi người đều đồng ý có là tiêu chuẩn của chân lý chăng?

Nhà luận lý học Goblot nghĩ rằng chân lý là kết quả của hoạt động tinh thần thuần túy, và phải được toàn thế giới đều đồng ý; nói khác hơn, cái gì được mọi người đều đồng thanh tán thành, cái ấy là chân lý.

Không biết tinh thần thuần túy làm sao đem lại chân lý, nếu tinh thần đúng xa thực tại, thì hoạt động của nó chỉ đem lại những tưởng tượng thuần túy thôi.

Vả lại, biểu đồng tình của tất cả chưa chắc đã là tiêu chuẩn cho chân lý. Ngày xưa, trên thế giới này, có ai dám nghĩ rằng trái đất xoay chung quanh mặt trời ? Hồi nọ, ai nấy đều biểu đồng tình là mặt trời xoay chung quanh trái đất; ai cũng đều trông thấy mặt trời mọc ở phương đông, lặn phương tây và nhỏ hơn quả đất. Ấy thế mà sự biểu đồng tình ấy là sai lầm. Ngày xưa hầu hết con người tin có thần có thánh, nhưng thần thánh có đâu ?

Trái lại, một mình Galilée tin trái đất tròn xoay chung quanh mặt trời, mà đó là sự thực.

Lẽ tất nhiên đã có rất nhiều nhận thức khoa học được toàn dân đồng ý, đồng tình; các ông duy tâm duy thần cũng phải ngậm miệng trước nhiều nhận thức rõ ràng, chắc chắn của khoa học. Nhưng nếu chỉ lấy sự đồng ý, của tất cả mọi người làm tiêu chuẩn duy nhất hay là tiêu chuẩn căn bản cho chân lý là chưa đủ, đôi khi sai lầm là khác.

6. Giải đáp của Bergson

Bergson toan vượt qua những lúng túng của các nhà triết học mà chúng ta đã kể trên. Cứ theo những nhà triết học kể trên thì nhận thức của con người rất là tương đối, rất là mong manh. Còn theo Bergson thì: tại chúng ta nhận thức bằng trí tuệ cho nên nhận thức ấy mới mong manh, tương đối, có giới hạn, nông cạn như thế; cần phải và có thể tìm một quan năng nào của con người khác hơn là trí tuệ để cho chúng ta trực tiếp hiểu ngay được những điều tuyệt đối.

Ông viết:

Có hai cách rất phân biệt nhau để biết một vật; cách thứ nhất là đi vòng quanh vật ấy, cách thứ nhì đi thẳng vào vật ấy. Cách thứ nhất tùy quan điểm của ta và tùy những tượng trưng mà ta bày giải; cách thứ nhì không tùy quan điểm nào cả và cũng không dựa vào tượng trưng nào cả. Cách nhận thức thứ nhì; ở nơi nào mà ta có thể dùng nó được thì nó cho ta đạt tới tuyệt đối1

Và ông nói thêm: hai cách hiểu ấy là do hai quan năng khác nhau: trí tuệ và linh tính. Trí tuệ đi vòng quanh vật; linh tính đi ngay vào trong vật.

Cứ theo ông, trí tuệ không phải để “suy luận thuần túy”; trí tuệ dính dáng với những “tất yếu của hành động”; mục đích của trí tuệ là chế tạo; con người chế tạo những công cụ - việc này phân biệt con người với thú vật là những động vật không biết chế tạo khí cụ - Trí tuệ gồm những ý kiến sẵn có từ trước ta và sẵn có chung quanh ta mà không biến hóa, không sát nhập vào bản chất của ta được; nó tùy sự nhu cầu của sinh hoạt, tùy tính cách của ngôn ngữ, cho nên trí tuệ như là chiếc áo bên ngoài; cho nên với trí tuệ ta hiểu sinh hoạt một cách không tự nhiên, không sâu sắc; cần có trí tuệ để cho ta “giao tế” với thế giới vật chất, gián đoạn và bất động. Trí tuệ trước hết là một sức phân tích. Nó chỉ biết được bề ngoài của vật mà không thấu đáo nổi bản chất, tinh túy sâu sắc của vật, chỉ biết những cái thông thường đại loại, mà không biết nổi những đặc điểm, cá tánh.

Theo ông, khoa học tự nhiên , xã hội là “công trình chỉ của trí tuệ”, “tiến hóa sáng tạo”, chỉ là công cụ của sự hành động, nó không cho chúng ta một sự nhận thức thật sự như là: sinh hoạt, vận động và sự biến đổi vô cùng.

Bergson nhận xét và phê bình trí tuệ một cách khá gắt gao, khá nặng nề. Ông cố dìm trí tuệ xuống, ông đóng khuôn nhốt trí tuệ ở trong một cương giới nhất định. Đồng thời ông rất tán dương linh tánh, đưa vai trò linh tánh lên cao hơn vai trò của trí tuệ.

Theo ông, linh tánh được nung đúc theo hình thức của sinh hoạt; nó là một quá trình “nội tại” của sinh hoạt; nếu linh tánh ấy tự giác thì nó có sức giúp ta “đi vào ngay trong sự sinh hoạt”. Nhà triết học phải bơi ngược lại các dòng tư tưởng thường ngày, phải cố gắng làm sao cho dòng tư tưởng ấy chảy ngược lại, không phải tuôn ra ngoài mà trở lại vào trong; “Nhà triết học phải xoay lưng trước khoa học”, phải xa lánh trí tuệ, trở về với linh tính; như thế mới có thể đi thẳng vào trong vật “nhập với những gì thống nhất và không tả được của vật” nhân đó ta sẽ có một nhận thức tuyệt đối, hoàn toàn.

Giai cấp tư bản Pháp xem ông Bergson nhà triết học uyên thâm nhất của chúng nó trong đầu thế kỷ 20 này; chúng nó tưng bốc Bergson lên chưa chắc bởi tài ba gì, uyên thâm gì của học thuyết Bergson, mà chắc chắn nhất là tài trên mặt triết học Bergson tiêu biểu được tính cách suy vong của tư tưởng tư bản trước tiến bộ vô biên của loài người.

Trí tuệ có đáng bị khinh rẻ, có đáng bị mạt sát như thế không ?

Linh tính có đáng được tưng bốc lên mây xanh xem như toàn lượng toàn năng như thế không ?

Linh tính và trí tuệ có phải là hai quan năng tuyệt đối mâu thuẫn nhau như thế không ?

Có lý do gì mà tin cậy vào linh tánh hơn là vào trí tuệ chăng?

Vì lý do xã hội nào mà Bergson muốn “bơi lội ngược dòng trí tuệ, ngược dòng khoa học như thế ?”

Có phải là trí tuệ đi vòng quanh sự vật, còn linh tính đi vào trong sự vật chăng ?

Với linh tính của ông, ông Bergson đã vào trong sự vật nào hay là chỉ dắt học trò và độc giả của ông đi vào quyển sách rồi đi quanh cái chữ “linh tính” ? Nếu quả linh tính đi vào trong sự vật, hiểu được bản chất của sự vật, thấu được tuyệt đối, thì người dã man, loài cầm thú sẽ hiểu sâu biết rộng, gần gũi tuyệt đối hơn con người thông minh, vì chúng nó sống về linh tính nhiều hơn là về trí tuệ, ít suy luận hay suy luận không nổi, linh tính của chúng lại không bị trí tuệ cải biến hay làm lu mờ đi.

Còn các nhà bác học thí nghiệm hàng ngàn vạn lần, bắt trí tuệ của họ làm việc rất mệt, suy luận rất nhiều, họ tìm ra nguyên tử lực chẳng hạn, thì, công trình ấy là công trình gì? Công trình của linh tính sao, và tìm ra tế bào, năng lực nguyên tử chính là đi sâu vào vật rồi đấy chứ, nào phải chỉ “vòng quanh sự vật” mà thôi đâu ?

Không tìm mà gặp, không kiếm mà ra, không suy xét mà biết, biết lại được sâu xa, trước hết đó là cái nghịch lý rất vô lý của nhà “triết học linh tính” Bergson. Lẽ cố nhiên nghịch lý này khác hẳn với nghịch lý của Descartes; nghịch lý của Descartes là của thời tư bản này nọ, như bệnh “thiếu thời”; nghịch lý của Bergson là bệnh của thời tư bản suy vong, như bệnh của ông lão 80 tuổi. Nghịch lý của Descartes là hữu lý; nghịch lý của Bergson là vô lý.

Biết mà không cần suy xét, không cần khảo sát, không cần quan điểm; bày giải mà không cần lời nói, không cần chủ nghĩa, không cần ảnh tượng. “Tài” của Bergson ở chỗ đó. Tài quả quyết suông.

Hiểu biết như thế là chẳng hiểu biết gì cả. Thật ra, linh tính và trí tuệ là hai hiện tượng tâm hồn cao thấp khác nhau, mà nối tiếp nhau, quan hệ lẫn nhau, không trái nghịch nhau một cách tuyệt đối. Sinh hoạt cấp thấp đã có linh tính (như cầm thú) mà trí tuệ thì còn ít ỏi; sinh hoạt cấp cao vừa có trí tuệ vừa có linh tính. Hai bên, linh tính và trí tuệ không nghịch gì hẳn:

Trực giác của ông Lebon không trái với trí tuệ của Becquerel: phần nào nhờ trực giác của Lebon mà Becquerel tìm biết những ánh sáng vô hình. Nhưng tìm biết được ánh sáng vô hình là nhờ tìm kiếm, nhờ suy xét, nhờ thí nghiệm của Becquerel chớ nào phải Becquerel thất bại bằng trí tuệ còn Lebon thành công bằng trực giác. Đến thời khoa học phát triển, khi trí tuệ con người đã phát triển trong hành động, trong kinh nghiệm, trong suy luận sâu xa, mà đổi trở lại linh tính để hiểu biết tuyệt đối, đó là một tư tưởng hoàn toàn phản động, trái hẳn với lịch sử tiến hóa.

Bảo trí tuệ chỉ biết được bề ngoài của vật, và bảo khoa học chỉ là công trình của trí tuệ tức là phủ nhận giá trị của nhận thức khoa học. Ông Bergson ra đời sau Kant một thế kỷ, trở lại ý kiến đã lạc hậu (ngay từ hồi đó) của Kant là khoa học chỉ nhận thức được hiện tượng bề ngoài của vật. Bergson khác với Kant ở chỗ Kant nói bản chất của vật là “bất khả tri” còn Bergson nói bản chất của vật không biết được bằng trí tuệ chỉ có thể biết được bằng linh tính, nghĩa là cũng không biết được gì cả, vì biết rằng linh tính với không thể biết chẳng khác gì nhau mấy.

Trở về với linh tính, chống với trí tuệ, hay nói cho đúng hơn, để linh tính trên trí tuệ, Bergson tạo ra một thứ siêu hình học trụy lạc nhất trong các thứ siêu hình học nhận thức chỉ dựa vào căn bản vô tri. Thoái bộ ấy là tâm hồn của tư bản đã đến lúc như thầy phù thủy sợ tà ma của hắn triệu về, trông thấy ánh sáng của khoa học mà lo sợ, sợ khoa học tự nhiên và xã hội đương về tay giai cấp vô sản cách mạng. Tư bản đế quốc trụy lạc trở về với linh tính, ruồng bỏ trí tuệ, trở về mê tín, cầu viện thần linh, tìm mối yên ủy trong linh tính, trong thần bí, đó là lẽ rất dễ hiểu. Công kích những bọn duy tâm hồi thế kỷ 18, ông Diderot có viết một câu mà ngày nay ta còn có thể dùng để chống lại Bergson: “Đi lạc, rừng sâu, trời tối, tôi chỉ có một ánh sáng nhỏ (Diderot muốn nói đến trí tuệ) để dắt tôi. Một người lạ mặt chợt tới, bảo: anh ơi, thổi đèn đi mới dễ tìm lối. Người lạ mặt ấy là một tên duy thần”. Linh tính của tư bản đế quốc cho chúng nó biết rằng tư bản chủ nghĩa đương chờ ngày xuống lỗ, nên chúng nó sụt lùi, sợ hãi trước ánh sáng của trí tuệ, ánh sáng của khoa học như một người tội ác sụt lùi, xanh mắt trước lưỡi gươm đương chờ đợi phút hành hình.

Nhưng có tránh được nào ?

Nhiệm vụ của giai cấp vô sản và dân tộc bị áp bức là vừa thừa hưởng xứng đáng những ánh sáng của trí tuệ, suy luận của nhận thức khoa học, vừa phát triển nó lên thành ra đủ sức giải thoát cả một loài người làm “chúa tể và chủ nhân ông của tự nhiên” như ý nguyện của Descartes hồi 300 năm về trước.

II. GIẢI ĐÁP CỦA DUY VẬT LUẬN

Khi chúng ta tiêu cực phê bình những tư tưởng duy tâm ở trên, chúng ta đã đồng thời tích cực trình bày quan điểm duy vật về vấn đề giá trị của nhận thức. Ở đây chúng ta chỉ ghi những ý chính của duy vật luận mà thôi.

1. Con người có thể nhận thức được vũ trụ:

Bằng kiểu này hay bằng cách khác, duy tâm luận nói rằng con người không thể nhận thức được vũ trụ; có nhận thức được chăng là được một phần nào đó thôi, hoặc không chắc chắn gì, và hoặc đường nhận thức phải đổi thành đường tín ngưỡng Thượng đế.

Trái lại, duy vật luận quả quyết rằng con người có thể nhận thức được tự nhiên, xã hội và những quy luật của nó; chẳng những nhận thức được hiện tượng của vật mà đến bản chất của vật nữa; không có gì ngăn cản được, giam hãm, hạn chế được sức nhận thức của con người.

2. Khoa học có giá trị như là những chân lý khách quan:

Bằng cách này hay cách khác, các nhà triết học duy tâm hạn chế hay thủ tiêu giá trị của khoa học. Trái lại, duy vật luận đặt tín nhiệm của con người vào khả năng và kết quả của khoa học tự nhiên và xã hội, xem nó có giá trị như những chân lý khách quan. Khoa học càng ngày càng phát triển, chữa sửa mãi những sai lầm và khuyết điểm, dắt ta đi gần mãi đến chân lý khách quan. Không cần thiết phải có “tín ngưỡng” nào, Thượng đế nào để nhận thức vũ trụ; “tín ngưỡng”, Thượng đế chỉ làm mờ ám, sai lạc nhận thức của con người.

3. Tư tưởng và tự nhiên không trái nghịch nhau:

Không cần thiết có tay Thượng đế xen vào để hòa hợp trí tuệ với tự nhiên như Leibnitz, Mallebranche đã nghĩ; vì trí tuệ là sản phẩm của khoái oùc, cuûa ngöôøi, con ngöôøi laø saûn phaåm cuûa tự nhiên; vậy sản phẩm của khối óc (tức nhận thức, tư tưởng) rốt cùng cũng là sản phẩm của khối óc, của ngườI, con ngườI là sản phẩm của tự nhiên, nên cả hai hòa hợp, thống nhất chứ không có gì tuyệt đối mâu thuẫn nhau mà cần có ông Thượng đế nào để giải quyết mâu thuẫn ấy.

Khoa học thực nghiệm là sự tiêu biểu cho mỗi hòa hợp và thống nhất ấy giữa tư tưởng và tồn tại, giữa ý thức và tự nhiên: quy luật của tư tưởng không trái ngược mà ăn khớp ngay với quy luật của tự nhiên.

4. Nhận thức cá nhân nhứt thời và nhận thức xã hội lịch sử:

Khi ta nói nhận thức đây là nói nhận thức của con người, tức là nhận thức của xã hội, của loài người, không phải là nói nhận thức của cá nhân; nói nhận thức trong quá trình phát triển của nó, không phải nói nhận thức trong một giờ khác, một địa điểm nào; nói nhận thức tổng hợp của người đã qua, người đang sống, người sẽ tới, khắp các nơi. Tư tưởng của người xã hội ấy có thể có quyền bá chủ trên vũ trụ chăng, nghĩa là nó có năng lực biết được vũ trụ, làm chủ những quy luật của vũ trụ gồm luôn quy luật của xã hội và tư tưởng chăng ?

Tư tưởng của từng người, nhận thức cá nhân nhứt thời không thể có giá trị bá chủ được. Song, tư tưởng nhân loại, nhận thức xã hội, lịch sử, lịch sử có giá trị bá chủ.

Engels nói:

Quyền bá chủ của tư tưởng được thực hiện trong một loạt con người mà tư tưởng riêng không có năng lực bá chủ; nhận thức có quyền tuyệt đối đạt đến chân lý, thực hiện trong một loạt sai lầm tương đối, cái này và cái kia có được thực hiện hoàn toàn đầy đủ là nhờ thời gian vô tận của sanh hoạt của loài người1

Nói cách khác: tư tưởng của mỗi người là có hạn, tư tưởng của nhân loại là vô hạn; tư tưởng của từng người, từng thời, từng trường hợp là tương đốI, tư tưởng của nhân loại suốt lịch sử vô cùng là tuyệt đối.

a. Căn nguyên của nhận thức là tranh đấu cho sự sinh tồn: nhận thức là cả một quá trình lịch sử, không phải bắt đầu từ những nguyên lý, những chân lý tiên thiên, chân lý trời cho, mà bắt đầu từ tối ra sáng, từ sai đến đúng, từ ngu dốt đến hiểu biết, nhờ cuộc tranh đấu với tự nhiên và xã hội để sống còn, nhờ sức lao động, nhờ sự sản xuất; nhờ lao động, sản xuất thích hợp một cách tích cực với hoàn cảnh, mà khối óc, cảm giác của con người phát triển lên mãi, kho kinh nghiệm mỗi lúc một nhiều, nhận thức mỗi lúc thêm chính xác.

Như thế, nhận thức có tính cách hành động chớ không phải bị động, tích cực chớ không phải là tiêu cực, biến hóa và tiến bộ chớ không phải là bất di bất dịch, không phải một lần có sẵn, đầy đủ, mà nó tích tụ, cải thiện với lịch sử của cả một loài người.

Như thế không có nguyên lý nào có sẵn trong trí ta, trước khi ta có kinh nghiệm cả; nguyên lý là tổng kết của rất nhiều kinh nghiệm để soi sáng thực hành về sau.

Trí não chẳng những nhận ảnh hưởng của sự vật, mà ảnh hưởng của người lại phản chiếu đến sự vật qua sức cải tạo của người tranh đấu.

b. Chân lý là gì: Là những sự thật khách quan của tự nhiên và xã hội, ở trong tự nhiên và xã hội mà nhận thức của ta phải hòa hợp vào nó; nhận thức tức là tìm biết, biết càng ngày càng rõ, càng đúng những sự thực khách quan ấy. Sự thật khách quan ấy là tuyệt đối, còn nhận thức của ta về sự thật ấy thì tương đối, tương đối với tuyệt đối kia, tương đối với thời, tương đối với trình độ phát triển của xã hội. Quá trình nhận thức tức là đi mãi về chân lý khách quan tuyệt đối kia, cho tiếp cận nó, nhưng không bao giờ hoàn toàn đến mức ấy.

Như thế thì, không có nhận thức nào của ta đã lượm được mà được gọi là những chân lý vĩnh hằng tuyệt đối rồi. Cả một vũ trụ biến chuyển, tiến bộ mãi thì nhận thức của ta về vũ trụ không thể nào không biến chuyển và không tiến bộ được.

Đường phát triển của nhân loại còn dài; có thể nói rằng khoa học của con người mới đi những đoạn đầu tiên của con đường dài vô tận ấy.

c. Tiêu chuẩn của nhận thức là thực hành – Làm sao biết rằng hiểu biết của ta là đúng ? Tiêu chuẩn của nhận thức là gì ? – Là thực hành. Thực hành bằng lao động, bằng thí nghiệm, bằng công nghệ, hay bằng cách mạng.

Một nhận thức mà ta biết là đúng không phải tại nhiều người tán thành nó là đủ; cũng không phải tại nó hợp với nguyên lý sẵn có nào, hợp với luật riêng của trí tuệ, hay tại nó tiện lợi.

Người Anh nói: “bằng cớ của khúc dồi là ta ăn no”. Ta ăn khúc dồi thì làm sao chối cãi rằng có no được.

Một khi làm lại được một vật hay một hiện tượng, ấy là bằng cớ rằng ta biết nó, ta nhận thức được nó; ta làm ra nước, ta làm ra điện, ta làm ra nhiều chất màu mà xưa nay ta lấy trong các thứ cây, ta chế tạo ra được những chất hóa học có thể v.v… đó là những bằng cớ chứng thực rằng nhận thức của ta là đúng. Khi ta dự đoán được những khủng hoảng, những biến cố chánh của xã hội tư bản là ta biết được những quy luật phát triển của nó.

Nói rộng hơn, luôn luôn sự nhận thức phải do thực hành, do kinh nghiệm mà ra thì nhận thức mới vững vàng và phải luôn luôn kiểm điểm nhận thức trước ánh sáng của thực hành, của kinh nghiệm. Nhất thiết không uốn nắn thực tế theo tư tưởng riêng mà phải sửa chữa tư tưởng theo thực tế.

Nhận thức và thực hành, hai điều phải đi đôi nhau mãi, mà thực hành mới là gốc của nhận thức cũng như vật chất là gốc của tâm hồn. Giá trị của nhận thức ở nơi đó và chỉ ở nơi đó thôi.

 

KẾT LUẬN

Tóm lại:

Có 3 vấn đề căn bản của triết học:

1. Tồn tại của ngoại giới; nghĩa là hỏi vậy có hay không có thế giới khách quan.

2. Quan hệ giữa tồn tại và tư tưởng nghĩa là hỏi vậy tồn tại là chính yếu hay tư tưởng là chính yếu.

3. Giá trị của nhận thức cũng gọi là đồng nhất của tồn tại và tư tưởng; nghĩa là hỏi vậy con người có thể đạt đến chân lý không ? Con người có thể biết được ngoại giới không?

Duy vật luận trả lời rằng: thế giới là thực tại vật chất và có thể biết được.

Đó là vũ trụ quan của duy vật luận.

Nếu quả thế giới là thực tại thì chúng ta nói riêng và đoàn thể của chúng ta nói chung, không thể nào không đứng về mặt khách quan mà xem xét sự vật; chủ quan, theo lời ông X.Y.Z là một bệnh cần phải chữa nếu muốn tư tưởng, nhận xét cho đúng để hành động cho có kết quả tốt.

Nếu quả thế giới là vật chất, vật chất là cỗi rễ của tư tưởng, thì, phàm muốn hiểu một thứ ý thức nào phải tìm căn cỗi của nó, căn cỗi sâu xa trong sinh hoạt vật chất của xã hội, mà muốn cải tạo một ý thức nào cho triệt để phải cải tạo nguyên gốc vật chất sinh ra nó; vũ trụ biến chuyển theo quy luật khách quan thì chúng ta và đoàn thể chúng ta phải căn cứ sự hành động của mình vào sự nhận thức những quy luật ấy, không thể tùy ý muốn mình trong của ai được; nhân đó chính trị và xã hội học trở thành những môn khoa học chính xác của một chính đảng tiến bộ, một chiến sĩ cách mạng không thể nào không cần biết.

Nếu quả con người có thể nhận thức được tự nhiên và xã hội thì hành động của con người sẽ có sức cải tạo được xã hội và tự nhiên theo lợi ích của mình. Song, muốn nhận thức tự nhiên và xã hội cho đúng đắn, cá nhân và đoàn thể đều cần áp dụng một phương pháp đúng đắn. Phương pháp ấy là phương pháp biện chứng. Duy vật luận thiếu biện chứng như có mắt mà không ngươi, như có nhân thể mà thiếu năng lực hoạt bát.

 



1 Poincaré, Khoa học và giả thuyết

1 Bergson, Nhập đề về Siêu hình học.

1 F. Enghen, Chống Duhring, tr.113.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt