Nhập môn triết học

Suy tư là gì?

 

SUY TƯ LÀ GÌ?

 

LÊ THÀNH TRỊ

 


Lê Thành Trị. Đường vào triết học. Phần 2: "Nhận thức luận là gi?". Tủ sách Triết học, 1971, tr. 125-140.


 

Khi Aristote định nghĩa người là sinh vật có lý trí, ông muốn cho ta hiểu rằng đó là một sinh vật biết suy tư và tư tưởng là hình thức hoạt động độc đáo của giống người, không thấy nơi các sinh vật khác. Cũng như nhiều sinh vật khác, loài người có tính, có tình, có cảm giác và biết quan sát. Nhưng những nhận thức ấy chưa phải là nhận thức khoa học. Nhận thức do suy tư mới là nhận thức khoa học. Ta không sợ quá vội khi nói rằng tư tưởng là viễn ảnh và cứu cánh của nhân sinh. Nếu có người đồng ý tinh thần dễ biết hơn vật chất, thì không ai không nhìn nhận rằng tư tưởng không thể tức thời mà xuất hiện Như một mặt trời ẩn hiện sau làn mây đặc, tư tưởng chỉ đến với người thiện chí và can đảm chờ đợi. Tìm được tư tưởng cũng khó như người mò trai đáy biển.

Tư tưởng là gì ? Chúng ta không suy tư mỗi ngày hay sao ? Tại sao lại phải chạy đến tư tưởng để biết được cái gì. Suy tư có thể cho ta biết được cái gì không. Bằng con đường nào, suy tư đem ta đến nhận thức khoa học (hiểu theo nghĩa chính xác, chắc chắn). Liệu ta có nên tin tưởng vào sự dẫn đạo của suy tư không?

Một cậu bé ngồi khóc bên đường « Tại sao lại khóc» tôi hỏi cậu. «Tôi khóc vì tôi nghĩ đến ba má tôi, đến quê nhà tôi, đến con đường làng thân yêu, đến cây đa bóng mát.. tất cả những gì mà đến đây đất khách quê người, tôi không còn trông thấy và yêu mến nữa !, đại khái đó là lời cậu bé. Tư tưởng con người ẩn hiện giữa những tâm tình phức tạp. Nhưng phân tách ra, suy tư là một di chuyển của trí tuệ để hình dung một cái gì hay đạt tới một cái gì. Trí tuệ cậu bé đang tự di chuyển về quê hương, về quá khứ. Trong sự di chuyển ấy cậu thấy cha mẹ, làng mạc, thấy đến cả những kỷ niệm vui buồn của những gì đã sống. Suy tư là di chuyển là thấu đạt. Đó là định nghĩa đầu tiên và cỗi rễ.

Thái độ của cậu bé có vẻ như một mơ tưởng. Do đó không phải rằng bất cứ một tư tưởng nào cũng là tư tưởng khoa học. Có một suy tư đứng đắn, nghiêm chỉnh. Tư tưởng đứng đắn trước hết là suy tư có kỷ luật, bắt buộc người suy tư, phải theo một đường lối nào đó hầu đạt tới mục đích, chứkhông thể thả lỏng, gặp chăng hay chớ, vô định. Mục đích ấy là gì nếu không phải là kiến thức? Cho nên đặc hữu thứ hai của suy tư là hướng về kiến thức. Điều này ta đã biết khi nói về cứu cánh nhận thức của ý thức. Một kiến thức khoa học là kiến thức được xác định bởi hai đặc tính ấy : kỷ luật và kiến thức. Ta sẽ bàn về hai điểm ấy.

Trước hết, làm thế nào một suy tư có thể đưa ta đến kiến thức ? Nếu suy tư là di chuyển đến đối tượng, thì có hai trường hợp. Nếu vật mà ta muốn thấu đạt, đã có sẵn đó rồi, đã tự hiến cho ta rồi, nghĩa là đã thành một dữ kiện rồi, thì còn cần gì phải suy tư, phải tìm kiếm, chỉ cần mở rộng cặp mắt nhìn kỹ vào tức là thấu đạt được. Còn trong trường hợp đối vật vắng bóng, không hiện diện, thì thiết tưởng có gia công tìm kiếm mấy đi nữa thì trí tuệ cũng không thể đạt tới được. Thế nghĩa là gì ?

Một lần nữa cần phải trở về với kinh nghiệm, theo đúng phương pháp luận, để xem trong cả hai trường hợp ấy suy tư có thể nói lên một vai trò hữu ích nào không.

Trước hết giả thử rằng đối vật đã được cung hiến. Đối vật ấy không hẳn đơn giản theo cảm tưởng lúc đầu. Càng nhìn ngắm, ta càng thấy xuất hiện nhiều bình diện mới lạ bất ngờ. Trí tuệ ta không thể một chốc lát thâu đạt tất cả. Trí tuệ chỉ có thể đi từ điểm này đến điểm kia căn cứ vào những điều đã biết để đi đến những gì chưa biết. Sự di chuyển hướng theo cái mới, quá trình khám phá ấy chính là cái làm nên suy tư vậy.

Một ví dụ. Một vết đỏ xuất hiện trước mắt tôi. Thoạt kỳ thủy ai cũng tưởng rằng chỉ cần mở mắt ra là đủ để biết được vết đỏ ấy là cái gì. Nhưng sự thực thì vết đỏ ấy không quả đơn giản như vậy. Trước hết vết đỏ không thể nào xuất hiện nếu không có một cái gì làm nền chống đỡ nó, và dĩ nhiên, mầu sắc của nền khác với màu đỏ của vết. Thứ đến dấu vết không phải chỉ là mầu sắc mà còn là một phương diện ba chiều trường khoát. Trương diện không phải là mầu sắc mà là một cái gì khác mặc dầu thiết yếu liên kết với mầu sắc. Thứ ba trương diện không đúng một mình, đơn độc. Nói trương diện là nói hình thái cơ cấu của dấu vết, chẳng hạn tròn dài vuông vân vân. Chú ý hơn nữa ta sẽ thấy rằng vết đỏ đầu tiên không phải là một sự kiện với từng ấy yếu tố, một màu đỏ không phải là bất cứ một mầu đỏ nào khác, nhưng là một mầu đỏ sắc thái hoàn toàn xác định. Phân tách sâu xa hơn sẽ cho thấy nhiều yếu tố khác nữa, chẳng hạn cường độ đậm nhạt của mầu sắc. Sau hết dấu vết không những nằm trên một căn bản màu sắc khác, mà còn nhất là đặt trên một sự vật, trụ cốt cho mọi mầu sắc. Sơ qua như vậy chúng ta đã có bảy yếu tố : nền, sắc, diện, hình, thanh, độ và trụ.

Trên đây chỉ là một trong những ví dụ thông thường. Nếu lấy những trường hợp sinh vật nhất là trong đời sống tinh thần thì sự phức tạp lại càng gia tăng và càng đòi hỏi cố gắng phi thường của suy tư. Phương pháp phân tách suy tư như vậy đã được áp dụng trong lịch sử. Aristote đã từng xử dụng. Nhưng nhất là Edmund Husserl với hiện tượng luận của ông. Học thuyết này chứng tỏ bản chất của đối vật (vật chất và tinh thần) thực là phức tạp luôn luôn ở viễn ảnh nhưng trí tuệ có thể dần dần đến gần.

Tuy nhiên trong khoa học thiên nhiên phương pháp phân tách ấy chỉ có một vai trò thứ yếu. Ở đây một phương pháp khả thường được xử dụng hữu hiệu hơn vì ở đây suy tư không dựa vào dự kiện đã cho, mà đi tìm những đối vật vô hình, không xuất hiện trước ý thức. Phương pháp suy tư ấy gọi là kết luận.

Đến đây tưởng cần phải lưu ý độc giả đến hai trường hợp có thể có: một là đối vật hiện diện hai là không hiện diện. Nếu đối vật hiện diện thì người phải trông thấy và diễn tả được đối vật ấy. Đối vật khiếm diện thì người ta phải dựa vào một cái gì đó đã biết làm như kinh nghiệm để diễn suy về vật khiếm diện nghĩa là để kết luận. Nói vắn lại kết luận là suy tư từ cái đã biết đến cái chưa biết nhờ có một liên hệ nào đó. Ngoài hai con đường suy luận ấy không còn con đường thứ ba nào khác. Đành rằng người ta có thể tin tưởng. Nhưng tin tưởng không phải là kiến thức. Kiến thức chỉ có thể do quan sát đối vật hiện diện hoặc bằng kết luận.

Chúng tôi nghĩ rằng cần phải nhận định minh bạch điều ấy vì hơn bao giờ hết ngày nay xuất hiện nhiều ngộ nhận nguy hại về quan điểm nhận thức. Chẳng hạn có người cho rằng thiện ý hay ácý cho phép ta nhận thức, nói khác đi nhận thức do ý chí mà có. Cùng một lập trường, có người đề cao tự do như là khí cụ nhận thức: Dĩ nhiên họ không trình bày ý kiến ấy một cách quá đơn sơ như ta vừa ghi lại, nhưng dưới những hình thức lý luận có vẻ hấp dẫn, ngụy biện. Khi bênh vực cho ý niệm của Descartes về hoàn hảo và vô hạn, Gueroult cũng đã quá tin tưởng vào sức mạnh của ý chí. Những quan niệm ấy không còn đứng vững và đã tỏ ra sai lầm. Tự do hay ý chỉ có thể giúp chuẩn bịcông việc nhận thức. Nhưng chuẩn bị không phải là nhận thức. Con bò nằm nhai cỏ bên kia bức tường. Muốn nhìn thấy nó, tôi phải có thiện chí nhảy qua bức tường đến chỗ bò nằm. Nhưng nhảy qua rồi, đâu phải là đã nhận thức, đâu phải là đã trông thấy bò. Muốn trông thấy bò, tôi phải mở rộng cặp mắt, nhìn thẳng vào con bò, mới phần nào thấy được thế nào là con bò nói trên. Tôi vừa nói một phần nào, vì nhận thức mặc dầu mở rộng mắt ra cũng chưa hoàn bị. Heidegger đã nhận định đúng : Nhìn một cái gì, ông viết, và bắt thấy được cái mình nhìn là hai động tác khác nhau. Bắt thấy (erblicken, saisir du regard) ở đây có nghĩa là : nhìn thẳng vào vật mình xem đến tận cái gì vốn nhìn lại ta (anblickt), nghĩa là cái gì vốn là đặc hữu của chính vật ấy. Chúng ta nhìn nhiều nhưng chúng ta bắt thấy ít... Khi tư tưởng không bắt được đặc hữu của vật mình nhìn, thì tư tưởng thất bại, không thấy được cái mình đang đối diện... (Le Principe de raison, 121). Nhận thức là việc của giác quan và trí tuệ, đặc biệt là của trí tuệ. Khi chúng ta hiểu được một vật gì, Platon gọi đó là một ý niệm về vật ấy, vì ý niệm (Idea) nguyên nghĩa là trạng thái của sự vật.

Hiểu biết, theo Platon là nhìn thấy sự vật. Con mắt vật lý hay tinh thần là cơ quan nhận thức vậy. Trước Platon, Héraclite lại cho hiểu biết là việc của thính giác: trí tuệ tự nói với mình, tự mình nghe mình. Hiểu biết là lời nói Logos vậy. Cho nên ta đừng lấy làm lạ, khi văn học dùng biểu từ tai mắt để chỉ những người học rộng hiểu nhiều hoặc những ý nghĩa tương tự. Suy tư là thấy và nghe, nhưng không còn bằng giác quan mà bằng lý luận.

Suy luận đặt ra nhiều vấn đề nan giải. Trước hết làm thế nào và bằng cách nào suy luận lại có thể đưa đến nhận thức một đối vật khiếm diện? Cần phải nói ngay rằng đó là một vấn đề nan giải thứ nhất, ít ra không thể giải quyết đầy đủ được. Tuy nhiên, có điều chắc chắn này là nhờ suy luận, ta có thể bắt thấy được một cái gì. Chẳng hạn có người hỏi tôi một nghìn chín trăm sáu mươi bốn nhân với một nghìn chín trăm sáu mươi bốn là bao nhiều. Tôi không trả lời ngay được. Tôi làm một phép tính nhân. Tôi biết được đáp số : 1964 x 1964: ba triệu tám trăm tám mươi bốn nghìn tám trăm bốn mươi mốt (3.884.841). Tôi nói đáp số ấy đúng. Phép nhân là một suy luận và là một kết luận. Không suy luận không có kết luận và đáp số. Đến đây, ta thấy rằng suy luận có thể đem đến một cái gì mà trước đó ta không có một ý niệm nào trong đầu óc cả. Cái gì đó, trí tuệ thấy rất rõ ràng minh xác không chút hoài nghi. Descartes đã nhấn mạnh đến sự thật ấy khi ông đề cập đến khả tri tính (intelligibilité) của một đa giác nghìn cạnh. Theo nguyên tắc, trí tuệ đã có thể biết được một cái gì chắc thực, thì cũng có thể biết được nhiều cái chắc thực khác. Do đó, ta không nên quên rằng suy luận đáng lưu tâm nghiên cứu, vì là một khí cụ nhận thức có giá trị.

Những điều kiện nào để suy luận ? Chúng ta có hai giả định. Và chỉ hai thôi. Một là khi tiền đề đã được nhìn nhận là thật hoặc đúng một cách nào đó. Hai là quy tắc cho phép ta suy luận, hoặc dựa theo đó để suy luận. Ví dụ, để kết luận rằng đường trơn ướt, tôi có thể có tiền đề: Nếu trời mưa, thì đường ướt--- và có trời mưa. Quy tắc mà ta dựa vào để suy luận, các nhà luận lý từ Aristote đến nay gọi là : Đã đặt định là phải đặt định (Modus ponendo ponens) và được diễn tả bằng những ký hiệu như p: p.q.q hoặc CpCCpqq. Quy tắc được giải thích như sau : nếu ta có một mệnh đề-nếu (Mệnh đề mở đầu bằng nếu), và khi đã đặt mệnh đề ấy ra thì người ta phải thừa nhận một mệnh đề tiếp theo. Triết phái Stoicien đã công thức hóa quy luật ấy như sau: nếu thứ nhất thì thứ hai; bây giờ thứ nhất, vậy thứ hai. Luận lý học hay đúng hơn luận lý hình thức (cổ điển hay toán học) là khoa học nghiên cứu những quy tắc như vậy.

Chúng ta vừa định nghĩa quy tắc. Nhưng về giá trị bảo đảm sai đúng thì người ta chia ra làm hai thứ khác nhau. Có nhiều quy tắc gọi là quy tắc bất hoặc, nghĩa là nếu áp dụng đúng cách thì nhận thức không thể nào sai được và luôn luôn đúng. Một ví dụ về loại quy tắc này là modus ponendo ponens, như ta vừa thấy. Một ví dụ khác là tam đoạn luận này nếu mọi triết gia đều chết, J.P Sartre là một triết gia, vậy J.P. Sartre củng sẽ chết. Trong khoa học và cuộc sống thường nhật tam đoạn luận kiểu đó rất được thường xử dụng, ký hiệu : CKAmaAbmAba, tên gọi là Barbara. Ngoài Barbara, còn ba kiểu khác là Celarent, Darii, Ferio, tất cả làm thành một hình thức tam đoạn luận kể là căn cản và chắc chắn nhất. Tất cả các tam đoạn luận của các hình khác đều phải quy giản về một trong bốn kiểu của hình nhất để dễ thấy sai hay đúng. Thứ đến có nhiều quy tắc không phải không sai lầm Nhưng trong khoa học, loại thứ hai này lại được năng xử dụng hơn loại thứ nhất. Lý do là sự vật không dễ thấy dưới lý luận theo tam đoạn luận loại trên. Nhưng đó cũng là một nguyên nhân tiến triển của khoa học.

Thực ra những quy tắc thuộc loại hai này là những đảo lộn của quy tắc modus ponendo ponens. Chúng ta đã thấy rằng trong quy tắc này suy luận đi từ tiền đề đến hậu đề... Từ mệnh đề thứ nhất đến mệnh đề thứ hai, và đó là quy tắc bất hoặc. Nhưng trong loại quy tắc thứ hai, lý luận diễn triển chẳng hạn như: Nếu thứ nhất thì thứ hai; bây giờ có thứ hai thì thứ nhất. Lý luận như vậy, không dễ thuyếtphục ai. Ví dụ : nếu tôi là Quang Trung, thì tôi là một người; mà hiện tôi là một người, vậy tôi là Quang Trung. Cả hai tiền đề đúng, nhưng câu kết luận sai, vì không may tôi không phải là Quang Trung. Quy tắc vì vậy không phải là không sai lầm, nói cách khác, quy tắc sai thì cũng thế.

Vậy mà trong cuộc sống, và nhất là trong khoa học, chúng ta vẫn hầu như luôn luôn suy luận như vậy. Ví dụ : Quy nạp. Từ một ít trường hợp nào đó, người ta đi đến kết luận cho tất cả.

Rồi người ta lý luận : nếu tất cả như vậy thì một số cũng như vậy. Mà một số như vậy, tức là tất cả như vậy. Thấy một số miếng lưu huỳnh cháy đỏ ở 42 độ, người ta cho rằng tất cả lưu huỳnh đều cháy lên ở 42 độ. Chúng ta biết rằng suy luận như vậy không đem lại một tin tưởng chắc chắn nào cả. Bởi vì còn vô số những điều kiện xác định cho sự quyết đoán và do đó người ta không thấy được sự thiết yếu luận lý khả dĩ thuyết phục một cách cần thiết.

Đành rằng để bổ túc cho lý luận ấy, người ta đã nghĩ đến nhiều biện pháp tinh vi khác. Nhưng điều đó chứng tỏ rằng khoa học thiên nhiên không vững chắc gì, vì dựa trên những quy tắc tự nó không phải không sai lầm. Nếu được phép nói, ta có thể nói rằng kiến thức trong khoa học thiên nhiên không phải là chân lý, và theo nghĩa đó, những gì khoa học đạt tới và thực sự đạt tới chẳng qua chỉ là những cái gì giống như chân lý, những tư chân (vraisemblable).

Đến đây ta hiểu rằng tại sao dư luận chia rẽ về ý nghĩa khoa học, nhất là trong vấn đề định luật khoa học ta đã đề cập trước. Tự chân là gì ? Thường thì người ta không biết làm cách nào hơn là thỏa mãn với tự chân và cho nó là chân Không một khoa học nào không bắt đầu bằng giả thuyết hoặc không kết luận bằng giả thuyết. Vậy thì tự chân giả thuyết là gì? Dĩ nhiên tự chân giả thuyết khoa học hoàn toàn khác với tự chân của một tai nạn xe hơi chẳng hạn, vì tai nạn xe hơi ước lượng hay đánh giá được. Cho nên đa số định luật của vật lý học ngày nay cho là những định luật tự chân, và định luật về tự chân tính, do đó, cũng chỉ là tự chân. Nhưng thể nào là tự chân. Nói tự chân là đưa ra một so sánh với cái chân mà ta đã biết. Vấn đề thực là phứt tạp, bởi vì bản chất tự chân khó mà biết được. Nhưng nếu có biết, thì lại còn phải hỏi bằng cách nào ta đạt đến tự chân, Cho đến nay vấn đề ấy chưa được giải quyết ổn thỏa, mặc dầu trong thực tế, người ta đã cố gắng rất nhiều.

Vấn đề có thể nêu lên, sau những điều trình bày trên, là khoa học có nền tảng không ? Nếu không dứt khoát giải quyết đặt nến tảng cho tự chân thì ngay danh từ tự chân cũng sẽ không có nghĩa gì. Ta sẽ không nói khoa học có nền tảng hay không có nền tảng? Chúng ta lẩn tránh vấn đề, và chấp nhận thuyết bất khả tri, hay ít ra chấp nhận thái độ của Gorgias ! Không ! Dĩ nhiên một biến cố hay một hiện tượng phải có lý do của nó. Nhưng ta chưa thấy lý do ấy. Kìa mặt trời mỗi buổi mai mọc lên sau dặng tre về phía đông. Nhưng căn cứ vào nền tảng nào ta quả quyết được rằng ngày mai mặt trời lại mọc lên ở phía đông. Câu hỏi này sẽ làm ngạc nhiên nhều người : thì ai lại không trông thấy mặt trời mọc ở phía đông, mỗi buồi mai? Nhưng người ta đã không trả lời gì cả. Con mèo tam thể từ một năm nay sáng nào cũng vậy, vào khoảng năm giờ đều nằm sưởi trên cửa sổ cạnh phòng tôi. Nhưng rồi, một sáng kia con mèo không còn tới chỗ hẹn hò thân yêu của nó nữa. Không ai biết nó đi đâu. Người ta chỉ biết nó không đến nữa. Mặt trời biết đâu một ngày nào đó sẽ có một thái độ như con mèo của nhà tôi. Có người sẽ nói : nhưng định luật thiên nhiên bao giờ cũng nhất thể trước sao sau vậy. Nói như vậy tức là tuyệt đối hóa kinh nghiệm, không chấp nhận được.

Hume đã nhiều lần chứng minh trong cuốn «Tra cứu về tri thức nhân loại).

Nhận định như vậy rồi, người ta có thể đưa ra một số tiêu chuẩn cho cái người ta gọi là khoa học. Sau đây là những tiêu chuẩn chính :

Trước hết trên bình diện thực hành, khoa học được gọi là chân chính khi đạt tới một trình độ khả quan nhất và hữu ích nhất.

Thứ hai, về phương diện lý thuyết, khoa học được gọi là khoa học khi đạt tới một giải thích hoàn bị nhất về thiên nhiên. Nghĩa là khi ta đã đạt tới một biểu tượng tự chân nhất, ngoài biểu tượng tự chân ấy nhân loại chưa thể đi xa hơn.

Thứ ba. Vì lẽ đó khi có sự tranh chấp giữa khoa học và bất cứ một quyền bính nào của người, thì phải giải thích theo khoa học, chống lại với quyền bính. [...]. 

Thứ bốn. Vì lẽ rằng khoa học chỉ là tự chân nghĩa là không hoàn toàn hiển nhiên và bất hoặc, cho nên người ta vẫn có quyền và bổn phận nhân danh hiển nhiên cận tiếp để phủ nhận kết luận tự chân của khoa học, khi kết luận ấy trái ngược với hiển nhiên phi trung gian. Chính vì lý do ấy mà Husserl đã không ngừng kêu gọi khoa học và triết học trở về với hiển nhiên nguyên ủy.

Thứ năm. Sau cùng cần nhận định rằng khoa học có đủ thẩm quyền nhưng chỉ có thẩm quyền trong địa hạt của mình. Về điểm này không may, nhiều nhà khoa học đã nhân danh khoa học phát biểu những điều không ăn nhằm chút nào với khoa học. Người ta đã vượt qua biên giới thẩm quyền của mình một cách ngây thơ và lố bịch. Ví dụ thái độ của mấy ông y sĩ tuyên bố rằng không làm gì có ý thức viện cớ là trong lúc mổ sẻ thân xác không bao giờ họ thấy sự hiện hữu của ý thức. Họ đã không thấy rằng y khoa theo nghĩa chuyên môn của nó thiết yếu giới hạn ở nghiên cứu thân thể vật chất mà ý thức bản tính vẫn không phải là thân thể. Vả lại khi họ moi móc, phân tách một tử thi thì tử thi ấy không còn phải là con người sống động là con người có ý thức. Cho nên một thầy thuốc đứng đắn không bao giờ nghĩ rằng họ có quyền nói như vậy, không bao giờ họ cho một lời nói tương tự là lời nói có nền tảng khoa học. Lời nói đó không phải là của nhiên học hay hóa học mà là một lời triết lý bâng quơ thiếu suy nghĩ. Thực ra ngày nay thế giới đã nhận thức được tầm quan trọng của ý thức. Một Leontiev trong triết giới Liên xô cũng đã không còn quá ngây thơ trước học thuyết Pavlov quá khích, và đã phải thừa nhận ý thức là một vấn đề kinh khủng (Leontiev) và trọng tâm của mọi khoa học (Antonov).

Vấn đề suy tư đưa đến những chân trời siêu hình. Đặc biệt dầu được quan niệm là có tính cách vận dụng (fonctionaliste) hay có tính cách duy thực (réaliste), suy luận không thể không đề ra vấn đề nhận thức và nhận thức của người, nói rộng hơn nữa, vấn đề người. Bao lâu chúng ta còn trên đường tìm kiếm, bao lâu người còn là một vấn đề cho chính mình, thì ta chưa nắm được gì tuyệt đối. Thế mà có những người chưa gì đã vội tuyên bố ồn ào những suy tư riêng tây, trong nhiều trường hợp nói được là vụng dại ngây thơ mà lại tưởng đó là những thành quả khoa học chân chính.

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt