Nhập môn triết học

Vấn đề nhận thức

 

VẤN ĐỀ NHẬN THỨC

 

LÊ THÀNH TRỊ

 


Lê Thành Trị. Đường vào triết học. Phần 2: "Nhận thức luận là gi?". Tủ sách Triết học, 1971, tr. 71-85.


 

 

Người ta có thể đề cập đến nhận thức luận dưới nhiều khía cạnh và từ những quan điểm dị biệt. Chẳng hạn, có thể bắt đầu bằng hành động, bằng tình cảm, hoặc bằng một quan điểm nào đó của một triết gia liên quan đến nhận thức v.v.. Ở đây, chúng tôi sẽ chia vấn đề thành hai mục :

I) Mô tả nhận thức, trong đó đặc biệt là thành phần cấu tạo chính yếu.

2) Phê phán giá trị nhận thức, có liên hệ đến nguồn gốc nhận thức, vai trò của lý trí và kinh nghiệm v.v...

Chúng tôi đang làm công việc của người dẫn đường hơn là kẻ dò đường, nói khác đi, đây không phải là một cuộc tìm kiếm cái gì mới lạ, mà là một Thuyết trình những gì công luận đã ghi và chúng tôi đã chấp nhận như là những nét đại cương cần thiết của khoa Nhận thức luận. Do đó, trong phần mô tả, độc giả sẽ thấy nói đến những nét đại cương cần thiết của khoa Nhận thức luận. Do đó, trong phần mô tả, độc giả sẽ thấy nói đến những yếu tố vốn có tính chất quyết định ở phần sau. Thái độ đó, dĩ nhiên, không ngăn cấm người khác suy nghĩ và hình thành cái nhìn độc đáo về cùng một vấn đề.

Sự mô tả nhận thức trước hết thuộc thứ hạng tâm lý thực nghiệm, dựa vào ý thức hồn nhiên tiền khoa học của cá nhân và của liên cá nhân. Như vậy, mô tả sẽ khách quan. Sự chấp nhận một thái độ phê phán về sau đối với nhận thức sẽ không thể phủ nhận những sự kiện tâm lý nền tảng được mô tả trong phần đầu. Dĩ nhiên, phần mô tả sẽ được hướng theo lập trường phê phán của người mô tả. Điều này không tránh được nhất là, như đã nói, khi mô tả là vẽ lại một con đường nhận thức đã trông thấy và đã chấp nhận.

Ở mức độ tiền phê phán, nhận thức là ý thức tự phát. Vậy ta sẽ lấy ý thức ấy làm đối tượng mô tả và phân tích, xem trong ý niệm ý thức, có những thành phần nào.

Nhìn một vật trước mặt, tôi bắt gặp cuốn sách. Đó là nhận thức. Nói nhận thức là nói tới hoạt động của ý thức. Vậy ý thức thiết yếu là nhận thức. Chúng ta phải chấp nhận sự đồng nhất giữa ý thức với nhận thức vì, nếu không, thì cuốn sách sẽ không xuất hiện trước mắt tôi, tôi sẽ không nói gì được về quyền sách ấy. Ý thức không được trông thấy trong liên hệ cấu tạo hay tương quan súc tích của nó. Ý thức ở đây có tính cách tổng hợp, tàng trữ những gì có thể hiện ra dưới ánh sáng phân tích.

Ý thức tổng hợp và đầu tiên ấy là một kinh nghiệm trực giao, không chút hoài nghi, tự hiển, không qua một trung gian nào cả. Đồng thời là một phán đoán khẳng định vì trí tuệ tự mình nói với mình rằng đó là ý thức về sự kiện được nhận thức. Sau hết ý thức là một hiển nhiên, tự nó thấy nó một cách rõ ràng, sự hiển nhiên ấy không chút mờ ám, mà trái lại như mặt trời chói sáng đập vào mắt tinh thần. Sự hiển nhiên của ý thức, do đó, cũng là sự hiển nhiên của kinh nghiệm và khẳng định về ý thức.

Một cái gì được ý thức, cái đó có, ý thức thấy mình đang ý thức, cho nên ý thức có, ý thức là một hữu, một thực tại. Khi Descartes thấy mình đang suy tư, thì đồng thời cũng thấy thực tại suy tư ấy, đúng hơn, thấy thực tại ấy đang suy tư. Vậy trực nghiệm của ý thức về mình, trước hết là kinh nghiệm về sự có, hữu của ý thức. Có hay hữu như thế nào là thuộc về hữu thể luận. Trong khi nhận thức, thấy ý thức  vì có (hữu) là điều tối thiểu, tối đơn khả dĩ nói về ý thức. Ở mức độ kinh nghiệm đầu tiên, chính ý thức tự bảo với mình như vậy : chính ý thức không thể phủ nhận thực tại của mình mà không đồng thời tự mình mâu thuẫn với mình. Mặt khác, vì là trực nghiệm đầu tiên, ý thức nguyên ủy là một trực giác chớ không phải là một lý luận.

Trong bao hàm ý thức, ngoài hai ý niệm ý thức là nhận thức và ý thức là thực tại, còn một ýniệm thứ ba là điều được ý thức trông thấy, khác với ý thức.

Dầu quan niệm thực tại ý thức là một động tác nhận thức hay là kiến thức do động tác ấy đem lại, trong mọi trường hợp, ý thức được nhìn nhận không phải là một bất động, cứng nhắc, trái lại là một biến chuyền không ngừng, muôn màu sắc, muôn thái độ, muôn khuôn mặt. Trong biến hóa miên tục ấy ý thức vẫn giữ được đặc tính trường tồn đồng nhất và duy nhất của nó. Nói kiểu khác, ý thức thiết yếu biến thiên theo thời và không gian, ý thức lệ thuộc vào chuyển vận của lịch sử, có một lịch sử, nhưng không phải vì thế mà các hiện tượng xuất hiện trong ý thức và cấu tạo nên ý thức, có thể đứng rời rạc, ly khai với nhau. Trái lại tất cả làm thành một toàn thể duy nhất. Trong ý thức, hơn cái gì hết, ta có thể chứng kiến một hiện tượng đặc biệt : duy nhất trong dị biệt.

Nhiều triết gia ngày nay nhấn mạnh đến sự kiện thẩm thấu tương giao của các hiện tượng nội tâm trong ý thức. Quá khứ, hiện tại, tương lai giao thoa làm thành một ý thức trôi chảy không ngừng: không có gì hoàn toàn lui về dĩ vãng, không gì hoàn toàn hướng về tương lai, không gì hoàn toàn hiện tại. Ý thức vì thế bày ra một cái gì vô cùng phức tạp. Các học thuyết về Tâm lý ngày nay như Tâm lý cơ cấu, Tâm lý hiện tượng luận, Tâm phân học đều nói đến sự phức tạp lạ lùng ấy. Ở đây, không phải là lúc phân giải ý thức tự nó có phải là một hỗn loạn không? Nhưng người ta cũng có thể nhận định rằng ít ra có một tổ chức nào đó trong ý thức thì ý thức mới tiếp tục được. Bởi vì, như đã nói, nếu ý thức là nhận thức, thì ý thức phải mang theo một trật tự tối thiểu nào đó, bằng không, không thể có nhận thức vì nhận thức là tìm một trật tự như Aristote đã nghĩ tới.

Một tổ chức nguyên thủy và tất nhiên trong ý thức do sự hiện hữu của lưỡng cực chủ thể và khách thể. Chủ thể không phải là khách thể: ý thức và vật được ý thức, tôi và điều tôi ý thức không đồng nhất, mặc dầu cả hai là yếu tố thiết yếu của nhận thức, Lưỡng tính chủ khách được định nghĩa là đồng sáng tạo ra ý thức. Trong động tác ý thức, bản ngã tri thức là một khuynh năng, tự nhiên tìm đến những gì có thể hiểu biết hoặc cảm thấy. Husserl gọi nhu cầu ấy là ý hướng tính của bản ngã vươn ra đối tượng khả tri, hoặc khả giác. Nói vươn tới, là vươn tới một cái gì khác, là đụng độ với một sự vật khác với chủ thể vươn tới. Trong sự đụng độ ấy ý thức nhận thấy rằng vật hay đối tượng đụng phải không phải tự trong ra, nghĩa là tự mình tạo ra, mà tự ngoài vào làm như một giới hạn thân tình ý thức tìm đến và không hủy diệt được.

Một sự vật, một hiện tượng mà ý thức tìm gặp trong khi thực hiện ý muốn hiếu tri của mình, không phải đồng tính với chủ thể nhận thức, nghĩa là chúng không phải là những vật có khả năng nhận thức, trừ trường hợp ý thức thấy ý thức của mình hay của người khác. Một lần nữa ta thấy trong nhận thức có một nhị nguyên từ trong ra và từ ngoài vào. Giữa hai cực đó không nhất thiết phải có một hệ thức hữu thể luận. Thực vậy trong nhận thức tôi có thể khẳng định một vật nào đó và bảo rằng vật ấy có thực, và sở dĩ tôi gọi vật ấy có thực, vì ý thức tôi nói như vậy, vì nó đã lọt vào ý thức tôi.

Ta lại thấy rằng, một vật xuất hiện dưới nhiều cách thể. Chẳng hạn, như đã nói, ý thức vừa là thực tại vừa là động tác nhận thức, vừa là chủ thể nhận thức. Hiểu biết là một cách thể có (un mode d'être) của sự có ý thức, của ý thức xét theo phương diện có của nó, và khác với các cách thể khác của nó như là hoạt động, yêu thương, mong muốn... Và cũng do đó, có những hữu thể có nhiều cách thể có, trái lại có những hữu cách thể có rất hạn giới. Chẳng hạn hòn đá không thể là vật cảm giác được.

Theo nghĩa ấy, ý thức hay nhận thức ngụ ý hữu nhưng hữu không tất nhiên là nhận thức. Hữu vì vậy có trước nhận thức hoặc không cần nhận thức. Trái lại nhận thức không thể có nếu không có hữu. Hữu thiết yếu là kinh nghiệm đầu tiên căn bản, trong mọi ý thức và cho mọi ý thức. Theo nghĩa này thì ý thức cũng là một cách thể của hữu thể ý thức.

Chúng ta đã nói rằng trong ý thức có lượng cực chủ và khách là hai momen thiết yếu của ý thức. Nhưng nhị nguyên khách chủ ấy có thực không, và thực sự khác nhau không, khác nhau đến mức độ nào hay chỉ là một cách nói về ý thức, những điều đó thuộc phần phê phản nhận thức. Bấy giờ ta chỉ cần ghi nhận rằng một vật gọi là được biết khi nó, một cách nào đó, lọt vào ý thức của chủ thể và cái gọi là khách tính của vật ấy là khách tính do ý thức nhận thấy, là nội dung của ý thức vậy. Đối lại, ý thức dầu khả năng nhận thức của nó chớp nhoáng kỳ diệu đến thế nào đi nữa cũng không thể nào hoạt động được nếu không có sự hiện diện của một dự kiện khách quan. Nói vắn lại, đối với ý thức của chúng ta, thì chủ thể nhận thức và ý thức như là nội dung nhận thức theo nhau như hình với bóng, vì là hai yếu tố tối thiểu trong định nghĩa ý thức.

o0o

Sự vật xuất hiện thế nào, dưới những bộ mặt nào và liên hệ thế nào, dưới những bộ mặt nào và liên hệ thế nào với chủ thể. Mặt khác, động tác nhận thức có những hình thức nào triển diễn ra sao, qua những giai đoạn nào.

Sự vật hiện diện như là một dự kiện. Ý thức trông thấy sự vật và thấy sự vật khác với mình. Do đó, sự vật được trông thấy không phải là một hư vô. Sự vật ấy là một sự vật được nhận thức. Sự vật dự kiện ấy có hình thể, nghĩa là chiếm một vị trí bên cạnh các sự vật khác. Nhìn cái nhà đứng giữa cánh đồng, tôi thấy ngay vị trí của nó, vị trí được xác định bởi những dị đồng của nó đối với các vật chung quanh. Vật thể của cái nhà và sự chiếm chỗ của nó cũng là những dự kiện đầu tiên như chính cái nhà. Tôi thấy vị trí ấy một cách tức thời, cận tiếp, và vị trí xuất hiện như một cái gì không chối cãi. Ý thức về một vật, tức là đồng thời ý thức về không gian của vật ấy, mặc dầu ý thức này chưa được suy luận phản tỉnh. Trong nhận thức ngoại vật không gian đóng một vai trò quyết định và không kém phần cấu tạo.

Vì cấu tạo trong không gian, nên một vật đối với ý thức nhân loại, không nhất thiết xuất hiện trong toàn thể của nó. Mỗi lần nhìn cái nhà, chúng ta chỉ thấy được một mặt khác một phía nào đấy của cái nhà. Muốn nhìn mặt khác chúng ta phải đổi chỗ. Cho nên một sự vật bao giờ cũng có những bình diện ẩn nấp đối với trí thức. Sự vật luôn luôn quay mặt lại với ta, nhưng đồng thời che dấu một phần (chẳng khác gì, mặt giăng bao giờ cũng dấu kín ). Nhưng chính sự che dấu ấy vừa định nghĩa vừa khích lệ chúng ta tìm kiếm luôn mãi bản chất của sự vật. Merleau Ponty đã có rất nhiều ý kiến kỳ thú về vật thể tính (corporéité) của sự vật.

Và chúng tôi đã nói sự kiện ẩn nấp ấy làm cho sự vật không bao giờ hoàn toàn trong suốt, dưới mắt ý thức, nói khác đi, luôn luôn là một chướng ngại cho trí tuệ.

Nhờ sự mờ đục của sự vật, nên có sự diễn triễn trong nhận thức sự vật. Mặt khác, mỗi giây phút qua đi, ý thức chứng kiến mộtcái gì không còn nữa và một cái gì mới xuất hiện, hay đang tiến tới. Dữ kiện thực và có

hình thể là một dữ kiện biến hóa trong thời gian. Nhưng ta đừng tưởng thời gian như sương gió gặm mòn sự vật như giòng nước biển đổi một vật gì chìm lặn trong đó. Mà thời gian là yếu tố căn bản cấu tạo vật thể. Thời gian tính của dữ kiện cũng xuất hiện tức thời và trực tiếp trước ý thức nhưng ý thức về thời gian chưa phải là ý thức phản tỉnh. Ý thức thời gian gắn liền với ý thức sự vật vậy.

Cùng với không gian, thời gian thiết yếu xuất hiện như những khuôn khổ và thành phần cấu tạo hay uốn nắn sự vật. Nhưng dầu không gian và thời gian được quan niệm thế nào đi nữa. thì cũng có thể nói rằng, vì sự hiện diện của chúng trong ý thức, nên ý thức được định nghĩa là một liên hệ với sự vật hữu hình vật chất, mà đặc tính là trương độ và lịch sử tính. Sự vật trong thời và không gian, phức tạp trong cơ cấu hiện tại, phong phú trong tiềm năng biến chứng của nó, là một sự vật không bao giờ múc cạn được. Luôn luôn chạy trốn luôn luôn đổi mới, kinh nghiệm cá nhân và lịch sử đã chứng minh như vậy. Sức Sáng tạo của thời gian đã gặp được những tiếng nói bênh vực hùng hồn trong học thuyết Bergson, Heidegger. Cũng như ý nghĩa tạo hình của toàn thể, của không gian đã được nhấn mạnh trong Tâm lý học cơ cấu ngày nay.

Sau hết, cơ cấu của sự vật dự kiện liên hệ đến thân thể tính nhân loại. Chính từ thân tôi trực giao với ngoại vật, và ý nghĩa ngoại vật là ý nghĩa đối với tư thân của người nhận thức. Chúng tôi dành cho phần phê phán khai triển tư thân tính trong việc nhận thức.

Giờ đây chỉ cần ghi nhận rằng, do sự hiện diện của tư thân, mà có những hiện tượng như ảnh tượng, tưởng tượng tri giác, phán đoán v.v. nghĩa là những động tác nhận thức thành quả do những động tác ấy đem lại nơi chủ thể nhận thức.

Vậy trước hết về phía người nhận thức ngoài sự kiện tư thân vốn có tính cách trung gian tổng quát (tạm thời, ta chấp nhận từ ngữ trung gian như một cách nói), giữa ngoại vật và ý thức, ta thấy có ấn tượng. Nói chung ấn tượng giác quan là bước đầu cho cảm giác và tâm tình, và tất cả hoạt động tâm lý đều bắt đầu bằng cảm giác.

Thứ đến là ảnh tượng. Trực nghiệm của ý thức cho thấy rằng ảnh tượng là một yếu tố nội tâm của ý thức. Tuy nhiên ảnh tượng bao giờ cũng có tính chất vật thể tính (les images sont corporelles). Sau hết ảnh tượng là phương thế gợi lại đối tượng sự vật trong ý thức tôi. Dường như, Tạo hóa đã gán cho ảnh tượng vai trò đại diện hay con tin của ngoại vật nơi tôi, sau khi ý thức và chính ngoại vật đã một lần thông cảm và trao đổi tâm tình !

Do sự hiện diện ảnh tượng mà có tưởng tượng. Tưởng tượng là động tác nhận thức được xác định bởi sự hiện diện của ảnh tượng trong ý thức tưởng tượng cũng là khả năng nhận thức nhờ có ảnh tượng. Sau hết tưởng tượng có tính cách sáng tạo bằng con đường liên kết của ảnh tượng. Tưởng tượng không phải là động tác coi như là của thân thể, vì thân thể (giác quan) nhiều ít chủ động trong tri giác (perception) khi đối diện với ngoại vật, trong khi đó tưởng tượng chỉ hoạt động trên hay bằng những ảnh tượng của sự vật không còn hiện diện nữa. Ngày nay có những triết gia như Hussel hoặc Sartre phủ nhận quan điểm cổ điển ấy về ảnh tượng và tưởng turong.

Khi trí tuệ có ý niệm về sự có (hữu) của một vật, chẳng hạn cái nhà có, quả cam vàng này có trên bàn, đó là những quan niệm hữu thể (concept d‘être), hay là dự kiện trừu tượng. Dự kiện trừu tượng còn gồm cả quan niệm duy nghiệm (concept emmirique), nghĩa là những cách thể có của sự vật, chẳng hạn con chim họa mi hát ví von, con khỉ hay bắt chước, con người biết lý luận. Quan niệm kiến tạo (concept construit) cũng là quan niệm trừu tượng của trí tuệ trông thấy các liên hệ khác nhau của sự vật. Cả ba thứ quan niệm ấy, đặc biệt quan niệm hữu thể không thể giản lược vào dự kiện vật thể (corporel) được. Tất cả đều có phổ biến tính, và do đó có tính chất thống nhất(unificateur) một số vô hạn định của những dự kiện đặc thù.

Tất cả những điều trên đây là những dự kiện kinh nghiệm sống nói lên và chứng tỏ có một chủ thể nhận thức. Chúng ta đã nói về ý thức một cách tổng quát. Bây giờ cần nhấn mạnh đến trí thông minh như là một khả năng đặc biệt của nhận thức nhân loại. Chúng tôi không có ý nhắc lại sự phân biệt cổ điển giữa trí thông minh hoạt động và trí thông minh thụ động. Chúng tôi chỉ muốn lưu ý đến một hoạt động thiết yếu của trí tuệ là phán đoán. Phán đoán là đồng nhất thuộc từ và chủ từ chẳng hạn nước biển màu xanh thẩm. Phán đoán trả lại cho sự vật điều mà trừu tượng hóa đã ly khai, chẳng hạn vạn vật đều biến hóa, người có lý tính, ý niệm biến hóa là ý niệm đã được trí thông minh rút ra từ những trường hợp đặc thù, từ một vật đặc thù để rồi trả lại cho vạn vật, cho vật ấy. Cũng vậy, lý tính được trí thông minh rút ra từ con người để phán đoán về con người. Vì những lẽ đó, tất cả phán đoán khẳng định đều phải có tính cách phân tách, nói vắn lại, phán đoán khẳng định là phán đoán phân tách (jugement analytique). Có tính chất phân tích, vì mỗi phán đoán nói lên một thuộc từ của chủ từ và gản thuộc từ ấy cho chủ từ. Nhận thức chúng ta là do phán đoán mà có, ta sẽ trở lại ở những trang sau. Chúng ta cũng sẽ không quên rằng, nhận thức còn liên hệ đến các hoạt động tâm lý khác như chú ý, ký ức, suy luận, cũng như do sự điều động hoặc ảnh hưởng của các hoạt động sinh vật và tình cảm v.v..

Một sự kiện cuối cùng phải nhắc đến là cứu cánh của nhận thức. Đã nói hiếu tri là khuynh hướng tự nhiên, thì khuynh hướng ấy dĩ nhiên phải được thể hiện và phân hóa bởi những động tác nhận thức cụ thể, đặc thù. Nhưng động tác đặc thù ấy bao giờ cũng do một đối tượng nhận thức đặc thù, cá biệt. Nhận thức, vì vậy, nhằm biết sự vật. Trước hết biết để mà biết, nhận thức vì nhận thức đó là cứu cánh đầu tiên của trí tuệ. Trí tuệ muốn tự phong phủ hóa, và như đã nói, không bao giờ thỏa mãn trong khuynh hưởng ấy. Rồi nhận thức để mà hành động. Sau hết nhận thức là chiếm hữu sự vật nhận thức, và bởi vì chiếm hữu là đồng hóa với vật được chiếm hữu, cho nên nhận thức là tự chiếm hữu, tự mình làm chủ mình. Theo định nghĩa người trí thức là người đã đạt đến trình độ tự chủ trong sự khắc phục và cảm thông với ngoại vật, với tha nhân.

Lấy ý thức làm khởi điểm mô tả thể nào là nhận thức, chúng ta đã mổ xẻ hiện tượng nhận thức trong những yếu tố chính yếu của nó. Sự mô tả ấy, dĩ nhiên còn rất nhiều thiếu sót, nhưng dầu sao,cũng đã gợi lên được những ý nghĩa mô tả của ý thức, nhờ đó và trên căn bản đó sự phê phán giá trị nhận thức mới đề cập tới được.

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt