Triết học xã hội

Sự thống trị của Anh ở Ấn Độ

SỰ THỐNG TRỊ CỦA ANH Ở ẤN ĐỘ[1]

 

KARL MARX (1818-1883)

 


Karl Marx. "Sự thống trị của Anh ở Ấn Độ", trong C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập. Tập 9. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993. | Phiên bản điện tử: http://dangcongsan.vn/cpv/


 

 

 

Luân Đôn, thứ sáu ngày 10 tháng Sáu 1853

Các bức điện từ Viên cho biết là ở đó, người ta tin tưởng vào giải pháp hoà bình cho các vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ, Xác-đi-ni và Thụy Sĩ.

 

Tối hôm qua, tại Hạ nghị viện những cuộc tranh cãi về Ấn Độ lại tiếp diễn một cách tầm thường như mọi khi. Ông Blếch-két buộc tội ông Sác-lơ Vút và ông Gi. Hốc-gơ là trong những bài phát biểu của các ông này mang dấu ấn của tinh thần lạc quan giả tạo. Một nhóm những người bảo vệ nội các và Hội đồng chấp chính cố sức bác bỏ những lời buộc tội ấy, và trong lời tóm tắt của mình ông Hi-um mà đâu đâu người ta cũng thấy có mặt đã yêu cầu các bộ trưởng rút các dự luật của họ về. Cuộc tranh cãi bị hoãn lại.

Hin-đu-xtan là nước I-ta-li-a theo quy mô châu á. Dãy Hi-ma-lay-a cũng tương ứng với dãy An-pơ, đồng bằng Ben-gan tương ứng với đồng bằng Lôm-bác-đi, dãy núi Đê-can tương ứng với dãy núi A-pen-nanh và đảo Xây-lan tương ứng với đảo Xi-xin. Thiên nhiên cũng phú cho đất đai những sản phẩm dồi dào và đa dạng như vậy, và cơ cấu chính trị cũng bị xé nhỏ như vậy. Hin-đu-xtan cũng giống I-ta-li-a đôi khi chỉ có lưỡi kiếm của kẻ xâm lược mới miễn cưỡng liên kết họ được với nhau thành các quốc gia - nếu như trong những thời kỳ Hin-đu-xtan không bị đè nén bởi ách thống   trị của người Hồi giáo hoặc người Mô-gôn, hay người Anh, ở  Hin-đu-xtan có bao nhiêu thành phố, thậm chí có bao nhiêu làng mạc thì chúng ta cũng thấy nó bị chia cắt ra thành bấy nhiêu những quốc gia độc lập, thù địch lẫn nhau. Nhưng xét về phương diện xã hội thì Hin-đu-xtan không phải là I-ta-li-a, mà là Ai-rơ-len của phương Đông. Và sự kết hợp lạ lùng này giữa I-ta-li-a và Ai-rơ-len, một thế giới hoan lạc và một thế giới đau khổ, đã xuất hiện trong những truyền thống cổ xưa của tôn giáo Hin-đu-xtan. Tôn giáo này vừa là một tôn giáo của những sự túng dục vô độ vừa là tôn giáo của sự tu hành khắc khổ, là đạo Lin-gam lại vừa là đạo Gia-ghéc-nô, là tôn giáo của nhà sư lại vừa là tôn giáo của vũ nữ[2].

 Tôi không tán thành ý kiến của những người tin rằng ở Hin-đu-xtan đã có một thời đại hoàng kim, mặc dù để chứng thực quan điểm của tôi tôi sẽ không dẫn ra thời kỳ thống trị của Ku-li-khan như ông Sác-lơ Vút đã làm. Nhưng hãy lấy thời đại Au-răng-rép làm ví dụ, hoặc thời kỳ Mô-gôn xuất hiện ở phương Bắc và người Bồ Đào Nha xuất hiện ở phương Nam; hoặc thời kỳ diễn ra cuộc xâm nhập của người hồi giáo và thời kỳ Hép-tác-xi ở miền Nam Ấn Độ[3]; hay nếu các bạn muốn quay trở lại thời kỳ cổ đại xa hơn, thì hãy lấy niên biểu thần thoại của bản thân những người theo đạo Bà-la-môn, niên biểu này cho rằng mọi nỗi đau khổ của Ấn Độ bắt đầu từ một thời kỳ còn xa xôi hơn cả thời kỳ mà đạo Cơ đốc cho là khai thiên lập địa.

Nhưng rõ ràng là nỗi đau khổ mà người Anh gây cho người   Hin-đu-xtan về thực chất là một đau khổ thuộc loại khác và vô cùng sâu sắc hơn so với tất cả mọi nỗi đau khổ mà Hin-đu-xtan phải chịu trước kia. ở đây tôi không nói đến chế độ chuyên chế châu Âu mà Công ty Đông ấn của Anh đã vun trồng trên cơ sở chế độ chuyên chế châu á, kết quả là đem lại một sự kết hợp còn kỳ quái hơn những quái thần ở đền Xan-xét-ta[4] mà hình thù làm chúng ta hoảng sợ. Sự kết hợp đó không phải là một đặc điểm riêng của chế độ cai trị của Anh đối với các thuộc địa, mà chỉ là sự bắt chước chế độ của Hà Lan, và bắt chước giống đến nỗi là để đánh giá hoạt động của Công ty Đông ấn của Anh thì chỉ cần dẫn nguyên văn những lời mà ông Xtam-pho Ra-phơ-xơ, thống đốc Anh ở Gia-va đã nói về Công ty Đông ấn trước kia của Hà Lan:

"Công ty Hà Lan, mà động cơ duy nhất là kiếm lời và ít thương xót những người làm của mình hơn là trước kia tên chủ đồn điền Tây ấn thương xót đám nô lệ làm việc trong đồn điền của hắn, - vì tên chủ đồn điền này đã trả tiền cho những người mà hắn mua làm của riêng, còn Công ty Hà Lan thì không trả gì hết, - Công ty ấy đã sử dụng toàn bộ bộ máy chuyên chế sẵn có để bóp nặn từng đồng xu cuối cùng của nhân dân và bắt buộc nhân dân làm việc cho đến khi hoàn toàn kiệt sức. Như vậy nó đã làm nặng nề thêm tai hoạ mà một chính phủ hay thay đổi và nửa dã man đã gây ra, bằng cách kết hợp trong hoạt động của mình tất cả sự xảo quyệt thực tiễn của một chính khách với toàn bộ tính ích kỷ của một thương nhân độc quyền".

Những cuộc nội chiến, xâm lăng, những cuộc chính biến, chinh phục, những năm đói kém, - tất cả những tai hoạ nối tiếp nhau ấy, dù tác động của chúng với Hin-đu-xtan có vô cùng phức tạp, mạnh mẽ và tàn phá như thế nào đi nữa, thì cũng chỉ động chạm đến bề mặt Hin-đu-xtan mà thôi, còn nước Anh thì phá hoại chính ngay cơ sở của xã hội Ấn Độ, và cho đến nay vẫn không hề có một ý đồ nào định cải tạo xã hội ấy. Mất cái thế giới cũ mà không dành được thế giới mới đã làm cho những tai hoạ hiện nay của người dân Ấn Độ mang một nét hết sức u uất, và cắt đứt mối liên hệ của Hin-đu-xtan bị Anh cai trị với tất cả những truyền thống cổ truyền của nó, với toàn bộ lịch sử quá khứ của nó.

Từ thuở xa xưa, ở châu Á thường thường chỉ có ba ngành quản lý: Bộ tài chính, hay là bộ cướp bóc nhân dân chính nước mình, Bộ chiến tranh, hay là bộ cướp bóc nhân dân các nước khác; và cuối cùng là bộ công trình công cộng. Những điều kiện khí  hậu và đặc điểm của đất đai, đặc biệt là các vùng sa mạc rộng lớn kéo dài từ Xa-ha-ra qua A-rập, Ba Tư, Ấn Độ và Ta-ta-rơ cho đến tận cao nguyên cao nhất của châu á, đã làm cho hệ thống tưới nước nhân tạo bằng các kênh đào và các công trình thuỷ lợi trở thành cơ sở của nông nghiệp phương Đông. ở Ai Cập và Ấn Độ cũng như ở Mê-xô-pô-ta-mi, Ba Tư và các nước khác, người ta lợi dụng nạn lụt để làm cho đất đai thêm mầu mỡ, mực nước cao được sử dụng vào việc trữ nước cho các kênh đào. Điều kiện tất yếu sơ đẳng đó về việc sử dụng nước một cách tiết kiệm và tập thể đã buộc các nhà kinh doanh riêng lẻ ở phương Tây liên kết với nhau thành các hội tự nguyện như ở Phlan-đrơ và ở I-ta-li-a - thì ở phương Đông, nơi mà nền văn minh còn ở trình độ quá thấp và quy mô đất đai quá rộng để có thể tổ chức những hội tự nguyện - lại đòi hỏi bức thiết phải có sự can thiệp của chính quyền nhà nước tập trung. Do đó, mới nảy ra cái chức năng kinh tế mà tất cả các chính phủ châu á đều bắt buộc phải thực hiện, cụ thể là chức năng tổ chức các công trình công cộng. Một hệ thống nâng cao một cách nhân tạo độ màu mỡ của đất đai như thế, một hệ thống phụ thuộc vào chính phủ trung ương và lập tức bị suy sụp nếu chính phủ này có thái độ lơ là đối với việc tưới và tiêu nước, - giải thích một sự kiện không thể giải thích bằng cách nào khác là: ngày nay chúng ta thấy cả những vùng đất đai rộng lớn bị cằn cỗi  và hoang vắng trước kia là những vùng đất đai được trồng trọt rất tốt, chẳng hạn như vùng Pan-mi-ra, Pê-tơ-ra, những vùng hoang tàn ở Y-ê-men và các tỉnh rộng lớn ở Ai Cập, Ba Tư và Hin-đu-xtan. Việc đó cũng giải thích các sự kiện là chỉ cần một cuộc chiến tranh tàn phá cũng đủ làm cho đất nước trở thành hoang vắng hàng thế kỷ và cướp đi mất toàn bộ nền văn minh của nó.

Ngày nay, ở Đông ấn, người Anh bắt chước những bậc tiền bối của họ, tổ chức ra Bộ tài chính và Bộ chiến tranh, nhưng họ lại hoàn toàn coi thường Bộ công trình công cộng. Do đó, nông nghiệp bị suy đồi, không thể phát triển theo nguyên tắc tự do cạnh tranh của người Anh, - nguyên tắc laissez faire, laissez aller[5]. Nhưng, như điều đó thường xảy ra ở các nước châu á, nông nghiệp bị suy sụp dưới chính phủ này và lại được phục hồi dưới chính phủ khác. ở đây, thu hoạch phụ thuộc vào một chính phủ tốt hay xấu, cũng như ở châu Âu, nó phụ thuộc vào thời tiết tốt hay xấu. Do đó, dù bản thân sự thiệt hại gây ra cho nông nghiệp, cũng như thái độ coi thường nông nghiệp, là một tai hoạ như thế nào chăng nữa, thì cũng vẫn không thể cho rằng chính do tai hoạ ấy mà kẻ đi chinh phục là Anh đã giáng một đòn cuối cùng vào xã hội Ấn Độ, nếu như tất cả những cái đó không đi đôi với những tình huống quan trọng hơn nhiều những tình huống này là một cái gì mới trong biên niên sử của toàn bộ châu á. Dù những thay đổi về chính trị trong quá khứ của Ấn Độ có lớn lao đến như thế nào chăng nữa thì những điều kiện xã hội của Ấn Độ vẫn không hề thay đổi từ thời cổ đại hết sức xa xôi cho đến mười năm đầu tiên của thế kỷ XIX. Chiếc khung cửi bằng tay và chiếc xa kéo sợi bằng tay đẻ ra một đạo quân đông đảo gồm những người kéo sợi và dệt vải, đã là những cái trục chính trong cơ cấu của xã hội Ấn Độ. Từ những thời kỳ xa xưa, châu Âu đã đổi kim loại quý của mình lấy những tấm vải tuyệt đẹp - sản phẩm lao động của Ấn Độ -, do đó đã cung cấp nguyên liệu cho người thợ kim hoàn ở địa phương, thành viên cần thiết của Ấn Độ, mà lòng yêu thích đồ trang sức của xã hội này lớn đến mức ngay cả những người thuộc giai cấp thấp nhất, những người hầu như không có lấy một mảnh vải che thân cũng thường đeo một đôi hoa tai vàng và một đồ trang sức nào đó bằng vàng ở cổ. Nhẫn đeo tay và vòng đeo chân cũng được lưu hành một cách phổ biến. Đàn bà cũng như trẻ em thường đeo những vòng tay và vòng chân đồ sộ bằng vàng hay bằng bạc; còn những chiếc tượng thần nhỏ bằng vàng hay bằng bạc thường thấy trong số những đồ vật trong nhà. Người Anh xâm lược đã tiêu diệt chiếc khung cửi bằng tay của Ấn Độ và phá huỷ chiếc xa kéo sợi bằng tay. Thoạt đầu Anh gạt bỏ những sản phẩm vải bông Ấn Độ ra khỏi các thị trường châu Âu, sau đó nhập khẩu sợi vào Hin-đu-xtan và cuối cùng làm cho tổ quốc của vải bông tràn ngập những hàng vải bông. Trong thời kỳ từ năm 1818 đến 1836, việc xuất khẩu sợi từ Anh sang Ấn Độ đã tăng theo tỉ lệ 1/5200. Năm 1824, vải sa của Anh nhập vào Ấn Độ  không quá 1000000 i-ác-đơ, thế mà đến năm 1837 đã vượt quá 64000000 i-ác-đơ. Nhưng cũng trong thời gian đó, số dân Đác-ca từ 150000 đã giảm xuống còn 20000 người. Tuy nhiên không thể coi sự suy sụp này của các thành phố Ấn Độ trước kia đã từng nổi tiếng về những sản phẩm dệt của mình, là hậu quả xấu nhất của sự thống trị của Anh. Hơi nước của Anh và nền khoa học của Anh đã thủ tiêu mối liên hệ giữa nền sản xuất nông nghiệp và sản xuất thủ công nghiệp trên khắp lãnh thổ Hin-đu-xtan.

Cả hai tình hình đó, - một mặt, cũng như nhân dân tất cả các nước phương Đông, nhân dân Ấn Độ trao cho chính phủ trung ương chăm lo những công trình công cộng lớn, những công trình đó là điều kiện cơ bản của nền nông nghiệp và thương nghiệp của họ, mặt khác, dân cư Ấn Độ, rải rác ở khắp lãnh thổ của đất nước, sống tập trung trong những trung tâm nhỏ nhờ vào mối liên hệ có tính chất gia trưởng giữa lao động nông nghiệp và lao động thủ công nghiệp, - cả hai tình hình, từ những thời kỳ xa xưa nhất, đã đẻ ra một chế độ xã hội đặc biệt gọi là chế độ công xã nông thôn, chế độ này đã đem lại cho mỗi một đơn vị bé nhỏ ấy cái tổ chức độc lập và cuộc sống biệt lập của nó. Đoạn miêu tả sau đây, trích trong một bản báo cáo chính thức cũ của Hạ nghị viện Anh về vấn đề Ấn Độ, sẽ cho chúng ta biết về những đặc điểm của chế độ ấy:

"Về mặt địa lý, làng là một khoảng đất rộng vài trăm hoặc vài nghìn a-cơ-rơ, gồm đất canh tác và đất hoang; về mặt chính trị, làng giống như một phường hội hoặc một công xã ở thành thị. Nó thường có những nhà chức trách và những viên chức sau đây: pa-ten, hay trưởng thôn, như thường lệ, nắm quyền trông coi việc trong làng, dàn xếp các vụ tranh chấp giữa nhân dân trong làng, làm chức năng của cảnh sát và chấp hành nghĩa vụ thu thuế trong làng, để thực hiện được nghĩa vụ đó, ông ta phải là người thích hợp nhất do ảnh hưởng cá nhân và sự hiểu biết tỉ mỉ tình hình và công việc của dân làng; các-nam theo dõi tình hình nông nghiệp và ghi chép tất cả những gì liên quan đến nông nghiệp. Sau đó là ta-li-a-ri và tô-ti: nghĩa vụ của người thứ nhất là điều tra các tội nặng, các tội nhẹ, hộ tống và bảo vệ những người đi từ làng này sang làng khác, còn phạm vi nghĩa vụ của người thứ hai thì hình như có hạn chế hơn trong phạm vi làng và ngoài những công việc khác, người đó có nghĩa vụ bảo vệ mùa màng, giúp việc thống kê, thu hoạch. Một người canh giữ ranh giới của làng, bảo vệ ranh giới của làng hay cung cấp chứng cớ về ranh giới đó trong trường hợp tranh chấp. Một người trông nom những hồ chứa nước và những kênh dẫn nước, phân phối nước cho nhu cầu nông nghiệp. Một người Bà-la-môn chuyên trông nom công việc cúng lễ trong làng. Sau nữa là thầy giáo dạy trẻ em trong làng đọc và viết trên cát; một người Bà-la-môn chuyên theo dõi lịch, hay là nhà chiêm tinh v.v.. Những nhà chức trách và những viên chức ấy hợp thành cơ quan hành chính của làng, nhưng ở một số vùng trong nước, thì số người ấy có thể giảm bớt đi, bởi vì có một số nghĩa vụ và chức năng nào đó trong những nghĩa vụ và chức năng kể trên lại do một người kiêm nhiệm và chấp hành, còn ở những địa phương khác thì trái lại số người ấy lại vượt quá số người đã kể trên. Dân cư đã sống dưới hình thức quản lý công xã thô sơ ấy từ những thời kỳ rất xa xưa. Ranh giới của các làng ít khi thay đổi và mặc dù bản thân các làng đôi khi bị thiệt hại nặng nề hay thậm chí bị hoàn toàn tàn phá vì chiến tranh, đói rét và bệnh tật, - nhưng cũng tên gọi ấy, cũng đường ranh giới ấy, và thậm chí cũng những gia tộc ấy vẫn tiếp tục tồn tại từ thế kỷ này qua thế kỷ khác. Dân làng ấy chẳng hề lo lắng đến sự diệt vong hoặc phân chia cả một loạt các vương quốc; chừng nào làng của họ vẫn nguyên vẹn và không bị thiệt hại thì dù làng của họ có bị rơi vào quyền lực của một cường quốc nào, hay phải phục tùng một ông vua nào đi nữa thì họ cũng ít quan tâm đến, bởi vì đời sống kinh tế trong nội bộ họ vẫn không thay đổi. Pa-ten vẫn là người cầm đầu công xã và vẫn hoạt động như một quan toà hoà giải và một người thu thuế hay một người thầu thuế trong làng"[6].

Những hình thức nhỏ bé và cố định này của cơ thể xã hội phần lớn đã bị huỷ bỏ và đang vĩnh viễn mất đi, do máy hơi nước của Anh và do việc tự do buôn bán của Anh hơn là do sự can thiệp thô bạo của viên quan thu thuế người Anh và các binh lính Anh. Những công xã tổ chức theo lối gia đình này dựa trên cơ sở công nghiệp gia đình, trên sự kết hợp đặc biệt giữa nghề dệt vải bằng tay, nghề kéo sợi bằng tay và phương thức canh tác ruộng bằng tay, - sự kết hợp đó làm cho những cái đó có tính chất tự cấp tự túc. Sự can thiệp của Anh, - do sự can thiệp này mà những người thợ kéo sợi ở Lan-kê-sia, và những người thợ dệt ở Ben-gan, hay nói chung là những người thợ kéo sợi Ấn Độ cũng như những người thợ dệt vải  Ấn Độ, đã bị quét sạch khỏi mặt đất - đã phá hoại những công xã nhỏ bé nửa man rợ, nửa văn minh ấy bằng cách thủ tiêu cơ sở kinh tế của chúng và do đó đã thực hiện một cuộc cách mạng xã hội duy nhất chưa từng thấy ở châu Á.

Nhưng dù cho cảnh tượng tàn phá và tan rã của vô số những tổ chức xã hội hoà bình, gia trưởng, yêu lao động ấy có đáng buồn như thế nào đi nữa theo quan điểm những tình cảm thuần tuý của  con  người,  dù cho  người  ta  có  cảm  thấy thê thảm như thế  nào đi nữa khi nhìn thấy những tổ chức ấy bị ném vào trong biển khổ, còn mỗi thành viên của những tổ chức ấy thì đồng thời mất hết hình thức văn minh cổ xưa của mình cũng như những nguồn sinh sống có từ lâu của mình, - dù thế chúng ta cũng không được quên rằng những công xã nông thôn thơ mộng ấy, dù cho chúng có vẻ vô hại như thế nào chăng nữa, bao giờ cũng vẫn là cơ sở bền vững của chế độ chuyên chế phương Đông, rằng những công xã ấy đã hạn chế lý trí của con người trong những khuôn khổ chật hẹp nhất làm cho nó trở thành một công cụ ngoan ngoãn của mê tín, trói buộc nó bằng những xiềng xích nô lệ của cái quy tắc cổ truyền, tước đoạt nó mọi sự vĩ đại, mọi tính chủ động lịch sử. Chúng ta không được quên lòng ích kỷ của những con người man rợ, họ đã tập trung mọi lợi ích của mình trên một mảnh đất nhỏ bé đáng thương, bình thản nhìn những đế quốc lớn sụp đổ, nhìn những hành động tàn bạo không thể tưởng tượng được xảy ra, nhìn dân cư của những thành phố lớn bị tàn sát, - họ đã bình thản nhìn tất cả những cái đó mà chẳng hề suy nghĩ gì hơn là nhìn những hiện tượng của tự nhiên, và bản thân họ đã thành miếng mồi yếu đuối của bất kỳ một kẻ đi xâm chiếm nào khi kẻ ấy đoái nhìn đến họ. Chúng ta không được quên rằng cuộc sống thiếu phẩm cách, đình đốn, giống như cuộc sống của cây cỏ đó, hình thức tồn tại thụ động ấy, mặt khác, đã gây ra những lực lượng tàn phá dã man, mù quáng và không gì kìm nổi, và thậm chí đã biến sự giết người thành một nghi thức tôn giáo ở Hin-đu-xtan. Chúng ta không được quên rằng những công xã nhỏ bé ấy mang dấu ấn của những sự phân biệt đẳng cấp và của chế độ nô lệ, rằng những công xã ấy làm cho con người phải phục tùng những hoàn cảnh bên ngoài, chứ không nâng con người lên địa vị làm chủ những hoàn cảnh ấy, rằng những công xã ấy đã biến trạng thái tự động phát triển của xã hội thành một số phận bất di bất dịch do thiên nhiên quyết định trước, và do đó, đã tạo ra sự sùng bái thiên nhiên một cách thô lỗ, mà sự thoái hoá thể hiện đặc biệt ở chỗ con người, kẻ làm chủ thiên nhiên, lại phải thành kính, quỳ gối trước con khỉ Ha-nu-man và trước con bò Sáp-ba-la.

Thật ra, động cơ duy nhất của nước Anh khi gây ra cuộc cách mạng xã hội ở Hin-đu-xtan là nhằm những mục đích đê tiện nhất, và nước Anh để lộ rõ sự ngu xuẩn trong cách thức thực hiện những mục đích ấy. Nhưng vấn đề không phải là ở chỗ ấy. Vấn đề là ở chỗ: liệu loài người có thể hoàn thành được sứ mệnh của mình mà không có một cuộc cách mạng căn bản trong các điều kiện xã hội châu á không. Nếu không thì nước Anh, mặc dù tất cả những tội ác của nó, cũng chỉ là một công cụ không tự giác của lịch sử khi gây ra cuộc cách mạng này. Nhưng trong trường hợp ấy cảnh tượng tàn phá của thế giới cổ đại có đáng buồn đối với tình cảnh của chúng ta như thế nào chăng nữa, thì xét theo quan điểm lịch sử, chúng ta vẫn có quyền kêu lên cùng với Gớt rằng:

                         "Sollte diese Qual uns quọlen

                         Da sie unsre Lust vermehrt

                         Hat nicht Myriadent Seelen

                         Timur’s Herrschaft aufgezehrt?1*

 

Do C.Mác viết ngày 10 tháng Sáu 1853

Đã đăng trên báo "New-York Daily Tribune" số 3804, ngày 25 tháng Sáu 1853

Ký tên: C á c  M á c

 

In theo bản đăng trên báo

Nguyên văn là tiếng Anh

 

 

 

 

 

 


 

[1] Khi viết bài báo này, Mác đã sử dụng một số ý kiến mà Ăng-ghen trình bày trong bức thư gửi cho ông ngày 6 tháng Sáu 1853. Trong lần xuất bản đầu tiên bộ "Toàn tập", C.Mác và Ph.Ăng-ghen, bài báo in thiếu hai đoạn đầu.

[2] Đạo Lin-gam - thờ thần Si-va: phổ biến rộng rãi trong số giáo phái lin-ga-rát (từ "lin-ga" - biểu tượng của Si-va) ở niềm Nam ấn Độ, là một giáo phái của Hin-đu-xtan không công nhận sự phân biệt đẳng cấp, không chấp nhận việc ăn chay, lễ hiến sách và các buổi hành hương.

Gia-ghéc-nô (Gia-ghéc-na) - hiện thân của Vi-snơ, một trong những vị thần có uy quyền nhất trong đạo Hin-đu. Lễ giáo của đạo Gia-ghéc-nô có đặc điểm: tổ chức nghi lễ cực kỳ long trọng và lòng sùng đạo hết sức cuồng tín, thể hiện ở sự tự hành hạ và tự sát của các tín đồ. Trong những ngày lễ lớn, một số tín đồ lăn xả vào xe chở hình ảnh của thần Vi-snơ - Gia-ghéc-nô.

[3] Những người Mô-gôn - những kẻ xâm lược gốc Tuyếc, xâm nhập ấn Độ hồi đầu thế kỷ XVI từ miền Đông Trung á và thành lập năm 1526 ở Bắc ấn Độ đế quốc Đại Mô-gôn (cái gọi triều đại chấp chính của đế quốc này). Theo quan niệm của những người đương thời thì những người sáng lập ra đế quốc Mô-gôn là dòng dõi trực tiếp của những người Mông Cổ xâm lược thời Thành Cát Tư Hãn, vì thế nên có tên "Mô-gôn". Cường quốc Mô-gôn đã trở nên rất hùng mạnh, chinh phục một phần lớn ấn Độ và một phần áp-ga-ni-xtan vào giữa thế kỷ XVII. Song do những cuộc khởi nghĩa nông dân và do sự phản kháng của nhân dân ấn Độ chống lại những kẻ xâm lược theo đạo Hồi ngày càng phát triển, và cũng do những sự thù hằn thường xuyên giữa các phe phái và những khuynh hướng phân liệt phong kiến tăng lên, đế quốc Đại Mô-gôn đã trở lên suy đồi và đến nửa đầu thế kỷ XVIII thì thực sự tan rã.

Hếp-tác-xi (bảy chính quyền) - thuật ngữ được dùng trong ngành sử liệu học Anh để đánh dấu chế độ chính trị Anh trong thời kỳ đầu trung cổ, khi đất nước bị phân chia ra bảy vương quốc Ăng-glô - Xắc-xông (thế kỷ VI - VIII); cũng như vậy, Mác sử dụng thuật ngữ này ở đây để làm nổi bật tình trạng cát cứ phong kiến ở Đê-can (Trung và Nam á) trước khi nó bị những người theo đạo Hồi xâm chiếm.

[4] Đảo Xan-xét-ta nằm ở phía bắc Bom-bay, nổi tiếng với 109 ngôi chùa trong động.

[5] Laissez faire, laissez aller" ("cho phép tự do hành động") - công thức của những nhà kinh tế tài sản thuộc phái mậu dịch tự do, họ chủ trương chính sách tự do buôn bán và nhà nước không can thiệp vào lĩnh vực quan hệ kinh tế.

[6] Mác trích dẫn bản báo cáo của một uỷ ban thuộc Hạ nghị viện công bố năm 1812; đoạn trích được dẫn ra trong quyển sách G.Campbell. "Modern India: a Sketch of the System of Civil Government", London, 1852, p.84 - 85 (Gi.     Kem-pơ-ben. "ấn Độ ngày nay: bút ký về chế độ quản lý dân sự". Luân Đôn 1852, tr. 84 - 85).

1*  "Nếu đau khổ là nguồn vui sướng,

Thì day dứt vì nó làm chi?

Phải chăng sự thống trị của Ta-méc-lan

đã không xéo nát vô vàn sinh mệnh?"

(Trích từ bài thơ "Gửi Su-lây-ca", trong "Đông - Tây thi tập".

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt