HÃY NÓI VỀ CHỦNG TỘC (Tác giả JULIUS LESTER và HARPER COLLINS)
Tóm tắt
Tác giả Julius Lester dẫn dắt độc giả bước vào cuốn sách của mình với lời mời gọi “Tôi là một câu chuyện, và bạn cũng vậy”. Ông thảo luận về nhiều yếu tố khác nhau cấu thành nên câu chuyện của mỗi cá nhân riêng biệt: từ gia đình, tên họ, sở thích, thứ họ ghét, và thậm chí cả về chủng tộc. Ông cho rằng chủng tộc chỉ là một phần trong toàn bộ câu chuyện của mỗi người, vậy tại sao người ta lại phải xem trọng chủng tộc như thế? Julius Lester giải thích rằng, đôi khi chúng ta bị cuốn vào vấn đề chủng tộc quá nhiều đến nỗi dễ dàng đưa ra những giả định hay kết luận chỉ dựa trên màu da. Tác giả đã chia sẻ câu chuyện của mình khi ông khám phá ra điều khiến cho mỗi chúng ta trở nên đặc biệt. Hướng dẫn thảo luận triết học NINA MILLER Cuốn sách Let’s talk about Race / Hãy nói về chủng tộc của Julius Lester tạo cơ hội tổ chức một cuộc thảo luận mang tính triết học về vấn đề chủng tộc và về việc bản sắc chủng tộc đã ảnh hưởng đến cách thức chúng ta nhìn nhận nhau như thế nào. Khi nghĩ về câu chuyện cuộc đời của chính mình và lắng nghe những người bạn kể về câu chuyện của họ, những người tham dự cuộc thảo luận nhận ra rằng những câu hỏi tưởng chừng có vẻ dễ dàng lại không chắc sẽ có được những câu trả lời cũng dễ dàng như thế. Điều này sẽ khuyến khích họ phá vỡ các giả định mang tính cá nhân về chủng tộc và suy nghĩ một cách nghiêm túc về vấn đề đó.
Vấn đề “câu chuyện” và “chủng tộc” đã đặt ra những câu hỏi cơ bản về bản sắc cá nhân. Họ giải quyết những câu hỏi liên quan đến bản chất của cái tôi, đến bản sắc cá nhân, và vai trò của chủng tộc trong việc xác định bản chất này. Những câu hỏi này sẽ tạo cơ hội cho trẻ em thử tìm hiểu và suy nghĩ về việc chúng cảm nhận như thế nào khi khám phá ra bản sắc riêng của chúng. Câu hỏi cuối cùng về “bình đẳng” cho phép trẻ đặt nghi vấn liệu một người có thể được xem là “tốt hơn” những người khác không và “tốt hơn” ở đây có nghĩa là gì. Trẻ em được gợi ý để suy nghĩ một cách nghiêm túc về các ảnh hưởng và hậu quả của việc cho rằng một người có thể “tốt hơn” những người khác. Để dạy cho trẻ em về nội dung cuốn sách này, ta có thể bắt đầu bằng về việc để cho trẻ em viết lại câu chuyện của chính chúng. Cuốn sách đặt ra một số câu hỏi mà trẻ em có thể tự trả lời, chẳng hạn như: tên của chúng, thời gian và địa điểm nơi chúng sinh ra, nơi sống, thứ chúng thích và không thích. Những câu hỏi này sẽ là những gợi ý để chúng bắt đầu kể câu chuyện của chính mình. Ngoài ra, ta nên có những phần dành cho sự sáng tạo. Có thể tạo điều kiện để trẻ em cung cấp thêm các thông tin mà chúng cho là quan trọng trong cuộc sống của chúng, ví dụ như về anh chị em, về cuốn sách yêu thích… Sau khi trẻ em viết xong câu chuyện của mình, chúng nên được khuyến khích chia sẻ câu chuyện đó và quan sát xem những người khác có cảm xúc tương tự chúng không hay họ không thích những điều đó. Bạn có thể hỏi những đứa trẻ vì sao có những thứ rất quan trọng với chúng, vì sao những thứ khác thì lại không. Tốt hơn là nên tiến hành kế hoạch để cho trẻ em viết ra câu chuyện của chúng vào ngày đầu tiên, và tiếp tục đặt các câu hỏi vào ngày kế tiếp để trẻ em có thời gian về nhà suy nghĩ và quan sát nhiều hơn về những gì mà chúng cho là quan trọng trong cuộc sống của mình. Câu hỏi thảo luận triết học NINA MILLER Những câu chuyện “Tôi là một câu chuyện, bạn và tất cả mọi người cũng vậy.”
1. Có phải câu chuyện của bạn bắt đầu từ khi bạn sinh ra không? 2. Điều gì tạo nên câu chuyện của bạn? Thức ăn yêu thích? Sở thích? Tôn giáo? Quốc tịch? Màu sắc ưa thích? Hay CHỦNG TỘC? 3. Liệu màu da có phải là một phần trong câu chuyện của bạn không? 4. Màu da ảnh hưởng đến bạn như thế nào? 5. Điều gì là quan trọng trong câu chuyện của bạn? 6. Tác giả nói rằng “chủng tộc là một câu chuyện”, nói như vậy có ý nghĩa gì? Chủng tộc “Cũng giống như tôi là một câu chuyện, bạn là một câu chuyện, và các xứ sở kể về câu chuyện của mình, thì chủng tộc cũng là một câu chuyện.” 1. Chủng tộc có phải là một phần quan trọng trong cuộc sống mỗi người không? Tại sao chủng tộc lại quan trọng và nó có phải là yếu tố định nghĩa con người bạn không? 2. Có phải định nghĩa một người chính là nhờ vào màu da, màu mắt và màu tóc của họ không? 3. Nếu mọi người thay đổi màu da, màu mắt và màu tóc của mình thì liệu họ có khả năng trở nên giống nhau không? 4. Liệu chủng tộc có phải là một phần quan trọng trong câu chuyện của bạn không? Tại sao có và tại sao không? 5. Tại sao câu chuyện về chủng tộc lại không đúng? Tại sao câu chuyện của bạn lại đúng? Bình đẳng “Có nhiều cách khác để tất cả chúng ta – cả tôi và cả bạn – nghĩ rằng chúng ta tốt hơn những người khác.” 1. Có phải một người chơi thể thao giỏi hơn những người khác thì có nghĩa là họ tốt hơn những người khác không? 2. Khẳng định rằng mọi người đều bình đẳng có nghĩa là gì? 3. Có điều gì tốt hơn những điều khác không? 4. Đó có phải là một phần trong câu chuyện của bạn không?
VŨ HOÀNG LAN PHƯƠNG dịch Nguồn: https://www.teachingchildrenphilosophy.org/BookModule/LetsTalkAboutRace |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC