Triết học cho trẻ em

Những chiếc bánh quy

“NHỮNG CHIẾC BÁNH QUY”

TRONG ẾCH VÀ CÓC CÙNG NHAU

(Tác giả ARNOLD LOBELHARPER TROPHY)

 

Tóm tắt

Ếch và Cóc quyết định ngừng ăn bánh quy để tránh những cơn đau bụng nghiêm trọng và cũng vì để dành bánh quy cho sau này. Liệu Ếch và Cóc có tập trung đủ sức mạnh ý chí mà chúng cần để ngừng việc ăn bánh quy trước khi chúng bị bệnh vì ăn quá nhiều không?

Hướng dẫn thảo luận triết học

JAYME JOHNSON

Bạn đã từng bao giờ nói với bạn của mình rằng miếng bánh tráng miệng này sẽ là miếng cuối cùng mà bạn ăn không? Hay thậm chí tốt hơn là, bạn đã từng nói với chính mình rằng tốt hơn hết là bạn nên vứt bỏ miếng bánh cuối cùng để bạn không thể nhìn thấy chúng nữa? Có lẽ, cả hai đều là những nỗ lực khắc phục và xóa bỏ sự thiếu ý chí của chính bạn. Bạn muốn làm cái nào, ăn hay không ăn miếng bánh? Vấn đề ở đây là, trong những tình huống như vậy thì chúng ta dường như muốn làm cả hai, vừa muốn ăn, lại vừa không muốn ăn! Trong câu chuyện “Những chiếc bánh quy” của Arnold Lobel, Ếch và Cóc phải đối mặt với một vấn đề nan giải tương tự như vậy. Chúng muốn ngừng ăn bánh quy trước khi chúng bị bệnh do ăn quá nhiều, nhưng hương vị của những chiếc bánh quy thật sự quá tuyệt khiến chúng không thể dễ dàng từ bỏ việc ăn được.

Ếch nhận ra rằng, vấn đề quan trọng là chúng cần phải có sức mạnh ý chí để từ bỏ việc ăn bánh quy. Ếch định nghĩa sức mạnh ý chí chính là “nỗ lực hết sức để không làm một việc gì đó mà bạn thực sự rất muốn làm”. Khi làm như vậy, Ếch đã đặt ra một vấn đề triết học thú vị. Liệu có sức mạnh ý chí có phải là nỗ lực cố gắng không làm một việc gì đó, hay thực ra có sức mạnh ý chí chính là thực sự không làm việc đó? Hơn nữa, cố gắng không làm việc mà bạn rất muốn làm luôn đòi hỏi phải có sức mạnh ý chí hay chỉ thỉnh thoảng mới cần? Những dạng câu hỏi này sẽ truyền cảm hứng cho một cuộc thảo luận mang tính triết học về bản chất của sức mạnh ý chí.

“Những chiếc bánh quy” khám phá chủ đề sức mạnh ý chí theo một cách thức vui vẻ và nhẹ nhàng. Nhưng ẩn sau điều đó là một câu đố đầy thú vị. Câu đố này xuất hiện khi chúng ta nhận ra rằng định nghĩa của Ếch về sức mạnh ý chí có thể dẫn đến một kết luận không hợp lý. Chúng ta hãy cùng xem xét vấn đề này. Trước hết, Ếch nói rằng nó muốn ngừng ăn bánh quy trước khi bị bệnh. Vì sao? Rất đơn giản, lý do tất nhiên là vì nó không muốn bị bệnh. Tuy nhiên, Ếch cũng nói rằng sức mạnh ý chí chính là cố gắng không làm việc mà mình thực sự rất muốn làm. Vì Ếch cần đến sức mạnh ý chí để ngừng ăn bánh quy và đưa ra định nghĩa của mình, cho nên có thể nói rằng nó thực sự rất muốn tiếp tục việc ăn bánh. Tuy vậy, Ếch biết nếu tiếp tục ăn bánh quy thì nó chắc chắn sẽ bị bệnh. Nếu tất cả những điều này là đúng, thì Ếch có những niềm tin mâu thuẫn nhau. Nó vừa thực sự không muốn bị bệnh, nhưng đồng thời, nó lại cũng muốn bị bệnh nữa. Điều này là không thể. Ở đây xuất hiện một vấn đề thực sự: nếu có sức mạnh ý chí có nghĩa là phải tin vào hai điều mâu thuẫn nhau cùng một lúc, vậy thì việc có sức mạnh ý chí dường như là một điều bất khả thi. Tuy nhiên, điều này lại có vẻ không đúng.

Vậy chúng ta phải làm sao? Những điều Ếch nói về sức mạnh ý chí không phải là vô nghĩa, nhưng có gì đó không ổn ở đây, vì nếu Ếch đúng thì việc sở hữu sức mạnh ý chí lại yêu cầu chúng ta thực hiện một điều bất khả thi. Điều này dường như không đúng. Nhiều người trong chúng ta nghĩ về các ví dụ trong cuộc sống của mình, trong đó có những người sở hữu sức mạnh ý chí thực sự. Vậy, làm sao chúng ta có thể giải quyết được câu đố này?

Có một điều chúng ta có thể làm, đó là giơ tay lên và nói rằng “Thế là xong, sức mạnh ý chí là điều không thể nào có được!”. Nhưng tôi nghĩ chúng ta không nên bỏ cuộc sớm như vậy, nhất là khi đã có nhiều ví dụ về những trường hợp có những người thực sự sở hữu sức mạnh ý chí là như thế nào.

Một việc khác nữa mà chúng ta có thể làm đó là cố gắng chỉ ra rằng Ếch thực sự không mong muốn những điều mâu thuẫn nhau. Có một cách để làm việc này, đó là chia nhỏ những mong muốn của Ếch ra để không phần nào trong chúng là tự mâu thuẫn. Một phần của Ếch không muốn bị bệnh. Phần khác trong nó lại muốn tiếp tục ăn bánh quy, ngay cả khi việc ăn bánh này sẽ làm cho nó bị bệnh. Tuy nhiên, để hiểu rõ vấn đề, chúng ta cần làm rõ việc nói rằng một phần của Ếch muốn một cái gì đó có nghĩa là gì. Liệu có khả năng rằng các khía cạnh khác nhau của cùng một người (hay của Ếch) lại mong muốn những điều khác nhau không? Plato nghĩ là có. Plato chia linh hồn con người thành ba phần, đó là (1) ham muốn, (2) cảm xúc và (3) lý trí. Plato có thể cho rằng, một phần của Ếch, phần ham muốn, luôn muốn được ăn bánh quy nhiều hơn nữa, hoặc muốn bất cứ thứ gì khác có thể tưởng tượng ra được. Phần khác của linh hồn sẽ làm công việc đảm bảo rằng ham muốn sẽ bị ngăn cản. Plato có thể sẽ cho rằng, lý trí của Ếch sẽ nhận thức được việc ăn quá nhiều bánh quy là đồng nghĩa với bị đau bụng, và phần cảm xúc trong Ếch sẽ giữ cho ham muốn không bị sa đà. Từ quan điểm này, sức mạnh ý chí của một người sẽ được xác định bằng cách thức mà người đó giữ cho ham muốn của mình nằm trong vòng kiểm soát. Vì vậy, Ếch thiếu sức mạnh ý chí bởi lẽ nó thiếu đi sức mạnh của lý trí và cảm xúc, và lại có ham muốn quá nhiều. Plato có thể nói với Ếch rằng nếu nó thực sự hiểu ra được việc ăn quá nhiều bánh quy sẽ làm nó bị bệnh, nó có thể dễ dàng tránh việc ăn những cái bánh quy đó.

Tất nhiên, cũng còn có nhiều cách khác nữa để giải quyết câu đố này, và bất kỳ giải pháp tiềm năng nào để giải quyết câu đố cũng đều có thể mang đến một cuộc thảo luận triết học sôi động và hấp dẫn.

Câu hỏi thảo luận triết học

Trong câu chuyện, Ếch và Cóc ăn nhiều bánh quy đến nỗi chúng sợ rằng chúng sẽ bị bệnh.

1. Có thứ gì đó khiến bạn thích đến độ bạn không thể tự mình ngừng ăn hoặc uống nó ngay cả khi bạn biết nếu tiếp tục thì bạn sẽ bị bệnh không?

2. Nếu bạn biết rằng ăn thứ gì đó quá nhiều sẽ khiến bạn bị bệnh, tại sao bạn lại vẫn tiếp tục ăn chúng?

3. Liệu có phải việc vẫn mong muốn tiếp tục ăn hay uống một thứ gì đó ngay cả khi bạn lo rằng mình sẽ bị bệnh vì ăn hay uống nó quá nhiều, đồng nghĩa với việc bạn muốn bị bệnh?

Ếch định nghĩa sức mạnh ý chí là “cố gắng không làm điều gì đó mà bạn thực sự rất muốn làm”.

1. Nếu bạn thực sự muốn làm gì đó, vậy tại sao bạn lại cố gắng không làm nó?

2. Liệu có thể phần nào đó trong bạn muốn làm điều gì đó, trong khi phần khác trong bạn lại không muốn làm?

3. Nếu phần nào đó trong bạn muốn làm gì đó, và phần khác thì lại không, vậy những phần này nằm ở đâu? Có phải chúng nằm trong tâm trí bạn không?

4. Những phần đó thuộc loại nào? Liệu chúng có giống như ngón tay ngón chân của ta không? Hay chúng giống những ý tưởng hơn?

5. Có bất kì phần nào trong số những phần này kiểm soát những phần còn lại không? Đó là phần nào?

6. Liệu có phải việc nghĩ về bản thân chúng ta như là những phần khác nhau giúp ta hiểu được vấn đề của Ếch và Cóc với những chiếc bánh quy?

Vào cuối câu chuyện, Ếch nói rằng chúng có rất nhiều rất nhiều sức mạnh ý chí bởi vì chúng muốn ăn bánh quy nhiều hơn nhưng không thể bởi chúng đã mang tất cả bánh quy đi cho rồi.

1. Bạn nghĩ Ếch và Cóc ai có nhiều sức mạnh ý chí hơn? Bạn có nghĩ Ếch sẽ đi thăm Cóc sau đó và sẽ ăn bánh ngọt không?

2. Nếu không còn chiếc bánh quy nào để ăn nữa, liệu Ếch và Cóc có thực sự có sức mạnh ý chí vì đã không ăn bánh quy không?

3. Liệu có cần phải có thứ gì đó cám dỗ bạn, nhằm mục đích để bạn có thể sở hữu sức mạnh ý chí không?

4. Liệu bạn vẫn có sức mạnh ý chí không ngay cả khi bạn không sử dụng chúng?

 

VŨ HOÀNG LAN PHƯƠNG dịch


Nguồn: https://www.teachingchildrenphilosophy.org/BookModule/CookiesFromFrogAndToadTogether


 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt