Triết học cho trẻ em

Người đẹp và Quái thú

Người Đẹp và Quái Thú

(Tác giả: Teddy Slater)

 

Tóm tắt

Một vị phù thủy nguyền rủa một hoàng tử bằng cách biến anh ta thành một con Quái Thú gớm ghiếc và những người hầu của anh thành đồ gia dụng sau khi anh từ chối cho cô trú ngụ trong lâu đài của mình để đổi lấy một bông hồng. Để phá vỡ lời nguyền, Quái Thú phải tìm được người yêu anh trước khi cánh hoa cuối cùng của bông hồng rụng xuống.

Trong một ngôi làng gần đó có một cô gái trẻ tên là Belle, có cha là một nhà phát minh. Cha của Belle, Maurice, bị lạc trên đường bán những phát minh của mình ở chợ và bị giam giữ trong lâu đài của Quái Thú. Sau khi ngựa của Maurice trở về làng, Belle đi về phía lâu đài của Quái Thú và đề nghị để cô thế chỗ của Maurice, Quái Thú đồng ý. Belle và Quái Thú trở nên thân thiết trong khi Maurice không thể thuyết phục dân làng cứu Belle khỏi lâu đài.

Belle nhìn thấy tình hình của Maurice từ tấm gương ma thuật của Quái Thú và cô được rời khỏi lâu đài để giúp ông. Một người dân làng tên là Gaston, một người yêu Belle hoàn toàn chỉ vì ngoại hình của cô, đồng ý đối đầu với Quái Thú. Tại lâu đài, Gaston và Quái Thú tham gia vào một cuộc chiến, kết thúc với việc Gaston đâm vào lưng Quái Thú và rơi khỏi bức tường cao của lâu đài. Belle đau buồn vì Quái Thú bị đánh bại và thổ lộ tình yêu với anh, sau đó Quái Thú trở lại hình dạng hoàng tử của mình và hai người sống hạnh phúc mãi mãi về sau.

Hướng dẫn thảo luận triết học

SAMUEL DIAZ DE LEON & ANGEL VILLA

Người Đẹp và Quái Thú ngay lập tức nêu ra câu hỏi về hình phạt. Mở đầu câu chuyện, một phù thủy nguyền rủa một hoàng tử đã không cho cô một nơi trú ẩn để đổi lấy một bông hồng. Sự trừng phạt mà cô ban ra là hoàng tử bị biến thành một con thú gớm ghiếc, và cho đến khi nào anh học được cách yêu ai đó và cũng được người đó yêu lại thì lời nguyền mới được phá vỡ. Hơn nữa, những người hầu trong lâu đài của hoàng tử đều bị biến thành những món đồ nội thất và đồ trang trí. Lời nguyền sẽ không thể đảo ngược sau khi cánh hoa cuối cùng của bông hồng rụng xuống. Hình phạt như thế này có vẻ kỳ lạ vì nhiều lý do. Thoạt đầu, người ta có thể đặt câu hỏi liệu vị phù thủy đó có thẩm quyền thích hợp hay không để đưa ra một hình phạt như vậy. Thứ hai, hình phạt có vẻ hơi quá đáng. Xét cho cùng, không rõ là liệu hoàng tử có nghĩa vụ phải cung cấp chỗ trú ẩn cho vị phù thủy này hay không, và ngay cả khi anh có nghĩa vụ đó, thì lời nguyền mà cô ếm vào anh và những người hầu của anh e là khắc nghiệt hơn rất nhiều so với cái đêm mà cô đã trải qua ngoài trời trong cơn bão.

Đối với điểm đầu tiên được nêu ra, nhiều người có quan niệm rằng hình phạt nên do một người có thẩm quyền thích hợp như cha mẹ hoặc nhà nước của người đó tiến hành, nhưng tại sao không thể là một người có vị trí tương đương chịu trách nhiệm thi hành hình phạt? Trong trường hợp của vị phù thủy, có vẻ hiển nhiên rằng cô có năng lực đặc biệt mà dường như không ai khác có; những năng lực này cũng dường như là bất khả chiến bại. Vì vậy, hầu hết trẻ em có thể sẽ đi đến kết luận rằng vị phù thủy có thẩm quyền thích hợp. Nhưng vậy còn việc cha mẹ trừng phạt con cái của họ, hoặc anh chị em hay bạn bè trừng phạt lẫn nhau, họ có thể thi hành hình phạt không? Điều gì khiến cho ai đó xứng đáng để đi xử phạt?

Điểm thứ hai nêu lên một câu hỏi về mức độ khắc nghiệt của hình phạt mà vị phù thủy đặt lên hoàng tử và những người tôi tớ của anh. Chủ yếu, một người nên thi hành hình phạt như thế nào và tại sao? Như đã đề cập trước đó, hình phạt này có vẻ khắc nghiệt. Điều này chắc chắn không phải là một hình phạt “ăn miếng trả miếng”, khi vị phù thủy khóa hoàng tử bên ngoài lâu đài của mình trong cơn mưa lạnh lẽo. Điều này tệ hơn thế! Nhưng, có lẽ vị phù thủy đã có lý do chính đáng cho một hình phạt nghiêm khắc như vậy. Hãy nhớ lại rằng, “[Hoàng tử] không có tình yêu trong trái tim mình.” Có lẽ sự thiếu thốn tình yêu một cách triệt để trong trái tim của một người là một tội lỗi tày trời để trở thành lý do xác đáng cho một hình phạt đáng nguyền rủa không chỉ cho chính mình mà còn cho đầy tớ. Có lẽ có hoặc không. Hơn nữa, vị phù thủy có thể nghĩ rằng hình phạt của cô sẽ thay đổi hoàng tử và mang lại những điều tốt đẹp hơn (điều mà nó đã làm được). Có lẽ vị phù thủy cũng muốn ngăn cản bất kì người hầu nào hành động như hoàng tử của họ. Nhưng, liệu có bất kì lý do nào trong số những lý do này khiến cho hình phạt của vị phù thủy trở nên hợp lý? Điều này có thể giảm nhẹ xuống thành: Khi nào thì được trừng phạt ai đó, và hình phạt nên khắc nghiệt đến đâu?

Một vấn đề thú vị khác được nêu ra từ các sự kiện trong câu chuyện là sự ép buộc. Một ví dụ về sự ép buộc trong câu chuyện là khi Gaston âm mưu đưa Maurice vào một nhà thương điên trừ khi Belle đồng ý kết hôn với anh ta. Đề xuất của Gaston đối với Belle có hai kết quả có thể xảy ra; một là Gaston có được cuộc hôn nhân mà anh ta mong muốn và cha của Belle không bị đưa vào nhà thương điên mà ông không mong muốn, hai là Gaston không có được cuộc hôn nhân và cha của Belle bị tống khứ đi. Có vẻ như kết quả đầu tiên là thuận lợi cho cả Gaston và Belle trong tình huống này; tuy nhiên, điều này chỉ có thể xảy ra vì Gaston đang dùng việc Maurice bị tống giam vào nhà thương điên như một mối đe dọa. Sự lựa chọn mà Gaston đưa cho Belle là: kết hôn với tôi hoặc cha của cô bị tống vào nhà thương điên.

Có lẽ hầu hết mọi người đều cho rằng lời đề nghị của Gaston không công bằng. Tuy nhiên, nếu hoàn cảnh khác đi và Maurice không bị đưa đến nhà thương điên, liệu có công bằng không nếu Gaston đề nghị đưa cho Belle một triệu đô la để cưới anh ta? Đây có phải là sự ép buộc không? Điều gì khiến cho hai lời đề nghị này khác nhau?

Câu hỏi thảo luận triết học

Sự trừng phạt

1. Điều gì khiến ai đó đáng phải chịu phạt?

2. Tại sao vị phù thủy trừng phạt hoàng tử? Anh có đáng bị trừng phạt không?

3. Liệu hình phạt mà hoàng tử nhận được có quá khắc nghiệt không? Tại sao?

4. Khi nào thì ai đó sẽ bị phạt?

5. Mục tiêu của sự trừng phạt là gì?

6. Một hình phạt nên khắc nghiệt đến thế nào?

Sự ép buộc

1. Gaston đã làm như thế nào để cố gắng khiến Belle cưới anh ta? Nó có hiệu quả không? Điều này có ổn không? Tại sao có, tại sao không?

2. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Gaston đưa cho Belle một triệu đô la để cưới cô thay vì tống cha của cô vào nhà thương điên? Điều này có ổn không? Tại sao? Điều gì ở đề nghị thứ hai khiến nó khác biệt với đề nghị còn lại?

3. Tại sao chúng ta cố gắng khiến mọi người làm việc [theo ý mình]?

4. Khi nào thì việc cố gắng khiến mọi người làm việc [theo ý mình] là sai? Liệu có khi nào nó đúng hay cần thiết không?

 

NGUYỄN THỊ TRÀ GIANG dịch


Nguồn:

https://www.teachingchildrenphilosophy.org/BookModule/BeautyAndTheBeast


 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt