NHỮNG ĐIỀU BOBOLINO BIẾT
(Tác giả ANNE ROCKWELL)
Tóm tắt
Bobolino là con trai của một nhà quý tộc giàu có. Cha Bobolino nghĩ rằng con trai mình có hơi trì độn nên đã quyết định cho anh học nhiều ngôn ngữ khác nhau để ít nhất thì anh cũng “trông có vẻ khôn ngoan”. Khi Bobolino học xong trở về, thay vì nói được tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp, hay tiếng A-rập thì anh lại học được cách nói chuyện với động vật. Cha anh thật sự tức giận và đã nhốt anh vào ngục tối. Bobolino sau đó đã trốn thoát khỏi nhà giam, khi chạy trốn anh gặp những con ếch và chúng đã nói anh biết có vài tên cướp đang lên kế hoạch ăn cắp những con cừu của một người chăn cừu gần đó. Bobolino đã cảnh báo cho người chăn cừu và họ cùng nhau đuổi những tên cướp đi. Bobolino tiếp tục hành trình, anh bơi qua một con sông và gặp một đàn cá, chúng cảnh báo anh về một cơn bão lớn ngoài khơi đang tiến đến gần. Bobolino ghi nhớ cảnh báo này và tìm cách ngăn những người ngư dân định ra khơi. Khi cơn bão yếu dần, anh đi vào một thị trấn gần đó. Cùng lúc ấy, đức vua vừa mới qua đời và thị trấn đang tổ chức tang lễ cho nhà vua. Vào lúc cơn bão chấm dứt, mọi cư dân ở thị trấn đều được nghe về những hành động tốt bụng của Bobolino và đều đồng lòng chọn anh lên làm vị vua mới của họ.
Hướng dẫn thảo luận triết học ALYK KENLAN & MAYA BEN-SHAHAR Sự khôn ngoan Cuốn sách này đặt ra câu hỏi về vấn đề: trở nên khôn ngoan nghĩa là gì. Có phải một người được gọi là khôn ngoan vì anh ta có lòng trắc ẩn? Hay bởi vì anh ta hiểu biết rộng? Để đi sâu vào vấn đề này, cần khơi gợi cho trẻ em suy nghĩ về những người mà chúng cho rằng đó là người khôn ngoan. Không chỉ gợi ý về các ví dụ cụ thể, đây còn là cơ hội để gợi ý cho trẻ em trả lời câu hỏi nguyên nhân nào khiến chúng nghĩ đó là những người khôn ngoan. Ở đây khuyến khích việc ghi lại những khuynh hướng và tính cách mà trẻ em mô tả để có thể tạo nên một ngân hàng những từ ngữ dùng để định nghĩa “sự khôn ngoan”. Kế tiếp, chúng ta chuyển sang đặt câu hỏi điều gì khiến Bobolino trở nên khôn ngoan (nếu anh ta thực sự đúng là như thế)? Nội dung cuộc thảo luận sau đó có thể chuyển từ việc chia sẻ những câu chuyện mang tính cá nhân sang việc đánh giá về sự khôn ngoan trong cuốn sách. Câu hỏi số hai phía cuối bài cũng hỗ trợ cho cuộc thảo luận bằng cách trình bày một số khía cạnh khác nhau của sự khôn ngoan. Câu hỏi tiếp theo, “liệu Bobolino có vẫn là người khôn ngoan không nếu như những cư dân thị trấn không cho rằng anh ta khôn ngoan?” sẽ gợi cho trẻ em suy nghĩ liệu sự khôn ngoan là một vấn đề mang tính nội tại hay đó là điều được định nghĩa bởi những người xung quanh. Câu hỏi số năm phía cuối bài tiếp tục mạch nội dung thảo luận khi nó thúc đẩy làm sáng tỏ việc liệu người ta đạt được sự khôn ngoan thông qua quá trình học hỏi theo thời gian hay khôn ngoan là thứ thuộc về tính bẩm sinh của mỗi người. Khi tiến đến câu hỏi số sáu, chúng ta bắt đầu so sánh sự khôn ngoan và trí thông minh. Một lần nữa, cách thức hữu hiệu nhất là bắt đầu bằng các ví dụ mang tính cá nhân để khơi gợi cho trẻ em suy nghĩ về việc mỗi cá nhân trong chúng định nghĩa “khôn ngoan” như thế nào. Việc kể lại chi tiết những trải nghiệm cá nhân về những phạm trù này thường dễ đẩy nội dung cuộc thảo luận đi xa khỏi chủ đề chính, vì vậy điều quan trọng là cần giới hạn phạm vi thảo luận không tách khỏi chủ đề bằng cách quay trở lại các câu hỏi như “chính xác là điều gì trong kinh nghiệm đó khiến bạn nghĩ về sự khôn ngoan thay vì nghĩ đến trí thông minh?”. Câu hỏi số tám thúc đẩy đến mục tiêu lớn hơn, đó là giá trị của sự khôn ngoan. Nếu những nội dung thảo luận khác vẫn chưa đề cập nhiều đến nội dung cuốn sách thì ở câu hỏi này, có rất nhiều ví dụ lấy từ trong sách có thể được sử dụng và cũng rất dễ dàng chỉ ra những trang cụ thể trong sách mà trẻ em có thể dùng chúng để thảo luận (điển hình như việc Bobolino cảnh báo ngư dân hoặc người chăn cừu). Cuối cùng, bạn có thể giúp những đứa trẻ suy ngẫm về sự kết nối (nếu có) giữa sự khôn ngoan và đạo đức: người khôn ngoan có phải luôn tốt bụng không? Hay một người có thể thực sự khôn ngoan nhưng họ đồng thời cũng là người xấu? Và nếu không phải thì điều đó có chứng tỏ rằng sự khôn ngoan và trí thông minh là không giống nhau (bởi vì vẫn có người thực sự thông minh nhưng lại là người xấu)? Định giá trị của sự giao tiếp Bằng cách nói chuyện với động vật, Bobolino được tiếp cận với một nhóm đối tượng chưa từng có ai nghe được chúng nói chuyện, và học được từ chúng những điều mà anh ấy không thể học được từ bất cứ người nào khác. Trong câu chuyện, các loài động vật chia sẻ thông tin có ích cho Bobolino, đây có vẻ như là lợi ích chính của việc nói chuyện với chúng. Tuy nhiên, việc học ngôn ngữ lại được nhấn mạnh đặc biệt trong cuốn sách (là mục đích duy nhất của cuộc hành trình mở đầu câu chuyện), và điều này gợi mở nhiều câu hỏi về tầm quan trọng của việc học ngôn ngữ. Tại sao chúng ta coi trọng khả năng lắng nghe từ người khác? Trong thực tế, lý do có thể là gì? Để khơi gợi trẻ em suy nghĩ về những vấn đề này, chúng ta bắt đầu bằng việc đặt câu hỏi rằng “việc Bobolino nói chuyện với các loại động vật đã đem lại điều gì tốt?” và “Tại sao Bobolino lại nói chuyện với động vật?” Câu hỏi đầu tiên khá đơn giản và trẻ em sẽ có được những câu trả lời dựa trên cốt truyện, như là cứu những ngư dân, giúp người nông dân… Câu hỏi thứ hai có vẻ cũng tương tự câu hỏi đầu tiên: Bobolino nói chuyện với động vật để tìm cách giúp những ngư dân, người nông dân,… Nhưng vấn đề quan trọng ở đây là cần tiếp tục đào sâu hơn để có thêm nhiều câu trả lời khác nữa bằng cách quay trở lại với những chi tiết cụ thể trong câu chuyện (như khi Bobolino ở dưới nước và gặp đàn cá) và hỏi rằng Bobolino có thể đang nghĩ những gì. Liệu có phải anh ta đang trông chờ đàn cá sẽ nói anh ta nghe điều gì đó hữu ích không? Nếu không, vậy tại sao anh ấy lại nói chuyện với đàn cá? Vấn đề quan trọng mà chúng ta cần cố gắng tiếp cận đó là giá trị của sự giao tiếp. Việc giao tiếp là tốt bởi vì nó giúp ta biết thêm được nhiều thông tin về thế giới xung quanh hay bởi vì giao tiếp giúp ta có thêm được nhiều bạn bè, hay vì nó cho phép ta bộc lộ bản thân, hay còn gì khác nữa? Có phải giá trị của việc lắng nghe khác biệt với giá trị của việc nói? Cần lưu ý tránh để nội dung thảo luận đi xa khỏi chủ đề khi hỏi trẻ em về lý do tại sao chúng nói chuyện với động vật. Cần chuẩn bị sẵn sàng để sử dụng những câu hỏi trực tiếp như “Chính xác là điều gì làm cho việc nói chuyện với các con vật là chính đáng? Nếu phát hiện ra là động vật không thích con người và bạn không thể trở thành bạn bè với chúng được thì liệu bạn có vẫn còn muốn nói chuyện với chúng không?”. Câu hỏi thảo luận triết học Sự khôn ngoan Những cư dân thị trấn muốn Bobolino trở thành vua của họ vì anh ấy là một người khôn ngoan. 1. Nhiều cư dân thị trấn xem Bobolino như một người khôn ngoan. Bạn đã từng gặp ai mà bạn cho là người khôn ngoan chưa và điều gì khiến họ như vậy? 2. Điều gì đã làm Bobolino trở nên khôn ngoan? Có phải bởi vì anh ta biết nói chuyện với động vật không? Hay bởi vì anh ấy sử dụng hiểu biết của mình để giúp đỡ những người khác? Hay còn gì khác nữa? 3. Liệu Bobolino có vẫn là người không ngoan ngay cả khi những cư dân thị trấn không cho rằng anh ấy khôn ngoan? Tại sao? 4. Chúng ta có vẫn bận tâm không nếu Bobolino là người khôn ngoan nhưng không bao giờ trở thành vua được? Tại sao? 5. Có phải ngay từ đầu Bobolino đã là người khôn ngoan hay do anh ấy học hỏi mà trở nên được như vậy? (Liệu sự khôn ngoan là điều bạn đã có từ khi mới sinh ra hay phải trải qua học hỏi mới có được?) 6. Lúc nào bạn từng cảm thấy mình là người khôn ngoan, lúc nào không? 7. Có khác biệt gì giữa lúc bạn cảm thấy mình là người khôn ngoan và lúc bạn cảm thấy mình thông minh nhanh trí? 8. Tại sao chúng ta lại quan tâm đến việc trở nên khôn ngoan? Sự khôn ngoan có quan trọng hơn trí thông minh không? 9. Chuyện sẽ như thế nào nếu như Bobolino không giúp những cư dân thị trấn? Hay thậm chí là anh ta giúp bọn cướp ăn cắp cừu của người nông dân? Liệu như vậy anh ấy có còn là người khôn ngoan không? Hay là một người trước hết phải là người tốt thì mới có thể trở nên khôn ngoan? Giá trị của sự giao tiếp Bobolino giao tiếp với những loài động vật để giúp đỡ mọi người. 1. Chuyện tốt gì đã diễn ra bởi vì Bobolino có khả năng nói chuyện với động vật? 2. Tại sao Bobolino nói chuyện với động vật? 3. Liệu việc Bobolino nói chuyện với đàn cá vẫn là việc làm có giá trị ngay cả khi đàn cá không cung cấp thông tin có ích nào cho anh không? 4. Giả sử Bobolino không học bất kì một ngôn ngữ nào mà học những kỹ năng hữu ích khác, như dự đoán bão chẳng hạn, và sử dụng những kỹ năng đó để cứu cư dân thị trấn mà không cần sự giúp đỡ của động vật. Vậy anh ta sẽ đánh mất điều gì và đạt được điều gì khi tự mình làm điều đó? 5. Nếu bạn có thể học được cách nói chuyện với động vật, bạn có học không? Tại sao? 6. Bạn có nghĩ người nào đó mà bạn ít nói chuyện với họ có thể có những thông tin có ích không? 7. Tại sao người ta lại quan tâm đến việc giao tiếp? Họ có nên như vậy không? VŨ HOÀNG LAN PHƯƠNG dịch
Nguồn: https://www.teachingchildrenphilosophy.org/BookModule/WhatBobolinoKnew
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC