Triết học cho trẻ em

Hãy tử tế với những con nhện

HÃY TỬ TẾ VỚI NHỮNG CON NHỆN

(Tác giả MARGARET BLOY GRAHAM)

 

Tóm tắt

Khi Billy để lại con nhện Helen của mình ở bên ngoài vườn thú Bronx, cậu bé hoàn toàn không thể dự đoán được tác động mà con vật cưng nhỏ bé của mình có thể gây ra sau đó. Lúc mới tiến vào sở thú, nhện Helen cảm thấy đói bụng và ngay lập tức giăng lên một tấm lưới để bắt những con ruồi. Nó giăng mạng nhện từng cái một ở khắp mọi chuồng thú, ăn những con ruồi bắt được một cách rất nhiệt tình, đồng thời lại tình cờ giúp các con thú thoát khỏi nỗi phiền toái bị quấy rầy bởi những con ruồi vốn luôn dày đặc trong chuồng của chúng. Vào một ngày nọ, người dọn dẹp sở thú quyết định dọn sạch mạng nhện để giữ cho các chuồng thú gọn gàng và đẹp đẽ. Helen chạy trốn sang chuồng lạc đà. Và ngay lập tức, các con ruồi quay trở lại lấp đầy mọi chuồng thú chỉ trừ chuồng lạc đà, những con thú trở nên rất khó chịu. Những người trông chừng sở thú nhận ra vai trò vô cùng quan trọng của nhện Helen trong việc giữ các chuồng thú khỏi những con ruồi quấy rối và Helen nhanh chóng trở thành một ngôi sao sáng của sở thú, trong khi những người trông chừng sở thú đã học được một bài học về vai trò quan trọng của những con nhện.

Hướng dẫn thảo luận triết học

Câu hỏi quan trọng nhất được đặt ra trong Hãy tử tế với những con nhện là: Tại sao ta cần phải tử tế với những con nhện đáng sợ như vậy?

Câu trả lời có thể là: những người trông chừng sở thú không tiếp tục dọn dẹp những mạng nhện mà Helen giăng khắp nơi bởi lợi ích mà Helen mang đến cho những con vật trong sở thú, khiến chúng cảm thấy hạnh phúc và nó góp phần làm cho những người tham quan hài lòng, mang đến lợi nhuận lớn hơn cho sở thú. Hoặc, câu trả lời cho câu hỏi trên là bởi người ta cảm thấy việc phá vỡ môi trường tự nhiên của nhện cũng như môi trường tự nhiên của một sở thú nhân tạo là một việc làm không đúng.

Cả câu hỏi và các câu trả lời phía trên đã tiếp cận một sự phân biệt mang tính then chốt trong lĩnh vực triết học về đạo đức môi trường giữa giá trị mang tính công cụ và giá trị nội tại của thiên nhiên. Nói cách khác, liệu có nên xem thiên nhiên như là một phương tiện quan trọng để đạt được mục đích hay phải nhìn nhận rằng tự bản thân thiên nhiên đã là một điều quan trọng?

Ngân hàng câu hỏi thứ nhất được thiết lập để tiến hành thảo luận nhằm khám phá những vấn đề trên bằng cách liệt kê các khía cạnh quan trọng của câu chuyện và thảo luận về các giá trị, nếu có, mà các sinh viên gán cho thiên nhiên hoặc các trạng thái của thiên nhiên. Nếu các sinh viên tin rằng nhện Helen có giá trị, tương tự ý kiến của hầu hết những độc giả theo dõi câu chuyện, thì cuộc thảo luận sẽ tiếp tục tháo gỡ vấn đề là tại sao Helen lại có giá trị và giá trị đó có nguồn gốc từ đâu. 

Một thử nghiệm tư duy được bắt đầu một cách thuận lợi với cuộc thảo luận có tính bao quát như vậy. Như đã đề cập, người hướng dẫn nên xác định một số “thứ” khác nhau được tìm thấy trong thiên nhiên và yêu cầu những đứa trẻ lựa chọn khi chúng được tự do loại bỏ hoặc thay thế mỗi thứ trong đó, nếu có khả năng. Một hoạt động như vậy sẽ tạo điều kiện cho trẻ em suy ngẫm về lý do chủ yếu tại sao chúng đánh giá cao một thứ gì đó đủ để chúng do dự trong việc thay thế hay loại bỏ thứ đó, ví như là thứ đó “có thể có cảm giác như con người”, “trông giống như con người”, hoặc thứ đó “tốt” hoặc “mang đến cho chúng ta ích lợi nào đó”. Hoạt động này đặc biệt hiệu quả khi “thứ” đó, dù có sự sống hay không, được sắp xếp theo một trật tự nhằm làm sáng tỏ một chủ đề trong đạo đức môi trường. Trong trường hợp này, những thứ đó được sắp xếp theo trật tự tăng dần khả năng tri giác. Khả năng tri giác là một đặc điểm thường được con người sử dụng làm cơ sở đưa ra các đánh giá trong triết học về đạo đức môi trường.

Tại điểm này, người hướng dẫn thảo luận có thể nhắc nhở mọi người lưu ý đến thực tế rằng phần lớn cuộc thảo luận từ đầu đến giờ đều xoay quanh những điều mà con người coi là có giá trị quan trọng. Tại sao chúng ta được quyền lựa chọn? Câu hỏi này đã đụng chạm đến một khái niệm phức tạp đó là khái niệm nhân chủng học, hay nói đơn giản hơn, là thiết lập cái nhìn về thế giới mà trong đó lấy con người làm trung tâm. Ngân hàng câu hỏi số hai bao gồm khái niệm này và đặt ra những câu hỏi trực tiếp liên quan đến vị trí của con người trên trái đất và liệu con người có được khẳng định là có một nền tảng đạo đức cao trọng hay không. Với nhiều khuynh hướng khả thi, phần này của cuộc thảo luận sẽ dẫn ta tiếp cận những phần thú vị liên quan đến trách nhiệm đạo đức của con người để chăm sóc và bảo vệ môi trường hay để đặt lợi ích của bản thân con người lên trên tất cả.

Câu hỏi thảo luận triết học

Vì sao cần tử tế với những con nhện?

1. Tại sao những người trông coi sở thú lại muốn đuổi nhện Helen đi?

2. Ai sẽ có được lợi ích khi Helen bị đuổi đi?

3. Vì sao những người trông coi sở thú lại muốn Helen quay trở lại?

4. Ai sẽ có được lợi ích từ việc Helen được cho phép ở lại sở thú?

5. Ai là người có được lợi ích nhiều nhất trong việc Helen ở lại ở thú?

6. Bạn có thể nghĩ ra được một lý do tại sao việc Helen quay trở lại sở thú lại quan trọng không kể đến lợi ích mà Helen mang lại cho những người trông coi sở thú và cả sở thú nói chung?

7. Hãy thử một bài tập sau đây: chúng tôi sẽ cung cấp 6 thứ không liên quan đến bạn và không mang lại lợi ích hay làm tổn thương bạn. Chúng tôi yêu cầu bạn giơ tay nếu bạn sẵn sàng thay thế hoặc loại bỏ chúng, nếu có thể: một cục đá, một cái cây, một con nhện, một con bò, một con tinh tinh, một con chó, và một người.

8. Chủ đề chính của danh sách này là gì? Nói cách khác, sự khác biệt giữa các thứ trong danh sách là gì khi danh sách chuyển từ một cục đá sang một con người?

9. Mặc dù thực tế là bạn nên giết một con bò hơn là giết một con người, liệu tất cả mọi thứ có giá trị như nhau không? Điều gì khiến cho một thứ có giá trị hơn thứ khác?

10. Bạn có thể nghĩ đến một lúc nào đó mà việc bạn cứu một cái cây, hay một con bò, sẽ quan trọng hơn việc cứu một người?

11. Tại sao chúng ta lại có những vườn quốc gia? Có những thứ không có khả năng tri giác, nhưng dường như việc giữ được thứ gì đó ở trạng thái tự nhiên hoặc chưa bị con người tác động đến là một việc rất quan trọng. Tại sao những thứ “tự nhiên” hoặc “hữu cơ” lại có giá trị hơn những thứ khác?

12. Việc gọi thứ gì đó là “tự nhiên” có nghĩa là gì?

Nhân học

1. Có phải con người có tầm quan trọng vượt trên mọi thứ khác trong tự nhiên? Vì sao chúng ta được phép lựa chọn ai hay thứ gì được quyền sống, chết hay bị thay thế?

2. Sự tồn tại của nhân loại có giá trị ngang bằng với sự tồn tại của những thứ tự nhiên phi nhân loại không?

3. Tại sao những con thú trong câu chuyện lại ở trong chuồng thay vì được thả tự do trong thiên nhiên?

4. Sở thú phục vụ cho ai? Người nào thu được lợi ích từ sự tồn tại của sở thú?

5. Có cách nào có thể sử dụng để đề cao giá trị nội tại của một con vật không?

6. Liệu có phương thức nào mà ta có thể đề cao giá trị công cụ của thiên nhiên nhưng không làm tổn hại thiên nhiên không?

7. Bạn có yêu thiên nhiên không? Bạn có yêu thiên nhiên như yêu một người bạn không? Có khác biệt gì giữa việc bạn yêu thiên nhiên và yêu một người bạn của mình?

 

VŨ HOÀNG LAN PHƯƠNG dịch


Nguồn: https://www.teachingchildrenphilosophy.org/BookModule/BeNiceToSpiders


 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt