Triết học cho trẻ em

Vịt con xấu xí

 

Vịt Con Xấu Xí

Tác giả: Hans Christian Andersen

(Viết lại: Jerrry Pinkney)

 

 

 

Tóm tắt

Vịt Con Xấu Xí trông rất khác với những anh chị em của mình - những người lấy chú ra làm trò cười và đối xử với chú một cách tàn tệ vì chú không giống họ. Chú tìm một nơi mà mình được chấp nhận như chính bản thân mình. Nơi đó không phải với vịt, gà mái hay ngỗng, cũng không phải với bà cụ cùng con mèo và con gà mái của bà. Chú ước mình xinh đẹp như những con thiên nga mà chú nhìn thấy trên bầu trời và có những người bạn không chọc ghẹo chú. Vào mùa xuân, chú đã trưởng thành và cố gắng nhập vào một đàn thiên nga. Những con thiên nga trẻ không trêu chọc chú như tất cả những sinh vật khác, mà họ đối xử với chú như chú là một trong số họ. Chú ngạc nhiên rằng những sinh vật xinh đẹp như vậy lại muốn ở bên mình. Nhưng rồi chú nhìn thấy cái bóng phản chiếu trên mặt nước của mình và thấy chú cũng là một con thiên nga xinh đẹp. Cuối cùng chú đã tìm thấy ngôi nhà của mình với những con thiên nga và đã được yên bình khỏi mọi điều chế giễu và nhạo báng mà chú đã phải chịu đựng trong quá khứ.

 

Hướng dẫn thảo luận triết học

MELANIE STUART

Vịt Con Xấu Xí bị các thành viên trong gia đình phân biệt đối xử bởi chú không giống họ. Chú  liên tục bị những con vịt và các thành viên của bất kì nhóm động vật nào mà chú cố gắng tìm một mái nhà với chúng, chẳng hạn như  gà mái và mèo, trêu chọc, bắt nạt, và thậm chí làm chú bị tổn thương về thể chất,. Thậm chí cả con người cũng xấu xa với chú. Tình trạng của chú giống như một đứa trẻ bị một người bạn cùng lớp bắt nạt ở sân chơi. Đứa trẻ bị bắt nạt bằng lời nói và / hoặc về mặt thể xác vì những thứ mà trong mắt những kẻ bắt nạt là những khác biệt không thể chấp nhận được như mặc các loại quần áo khác nhau, có cách nghĩ khác, hoặc đơn giản là nhìn khác nhau. Đây là một hình thức phân biệt đối xử vô lý. Trong khi một số hình thức phân biệt đối xử có thể là vô ý, thì hình thức của phân biệt đối xử trong câu chuyện này, như trường hợp với kẻ bắt nạt trong sân trường, là có ý thức và cố ý. Phân biệt đối xử là một dạng thành kiến, bao gồm cảm giác thù địch, phản đối hoặc thờ ơ, cũng như niềm tin vào sự kém cỏi hơn về mặt đạo đức, trí tuệ hoặc kỹ năng của người hoặc nhóm người bị nhắm làm mục tiêu. Câu chuyện đặt ra một trường hợp thành kiến ​​cố chấp, hung hăng theo cách khiến sự tổn hại của sự phân biệt đối xử đó trở nên rất rõ ràng.

Câu hỏi thảo luận triết học

1. Tại sao các loài động vật khác lại gọi Vịt Con Xấu Xí là xấu xí? Họ đã nói gì khi họ gọi chú là xấu xí? Liệu việc trông khác biệt có khiến cho ai đó xấu xí?

2. Tại sao một người nào đó trêu chọc / bắt nạt / đem những người trông khác với họ ra làm trò cười?

3. Có tình huống nào mà việc đánh giá ai đó qua ngoại hình của họ là chấp nhận được không? (Ví dụ như các cuộc thi sắc đẹp, thời trang, phỏng vấn xin việc...) Điều khiến cho những tình huống này khác với trường hợp của vịt con xấu xí là gì?

4. Liệu bạn có phải trông giống như những người xung quanh mình để phù hợp với họ?

5. Tại sao Vịt Con Xấu Xí phải tìm thấy những con chim trông giống như chú để biết và cảm thấy thoải mái với việc mình là ai?

6. Liệu việc một người trông như thế nào từ bên ngoài có quyết định rằng họ là ai?

NGUYỄN THỊ TRÀ GIANG dịch

 


Nguồn: https://www.teachingchildrenphilosophy.org/BookModule/TheUglyDuckling


 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt