CÂU CHUYỆN GIÁO DỤC (BÀI 56)
GIÁO DỤC TRONG XÃ HỘI TRI THỨC
BÙI VĂN NAM SƠN
Bùi Văn Nam Sơn. “Giáo dục trong xã hội tri thức”. Người Đô Thị, Bộ mới, số 50, 23.06.2016 | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn do tác giả gửi.
Xã hội tri thức gắn liền với sự phát triển và thay đổi của xã hội.Ta phân biệt giữa quan niệm về xã hội tri thức và nghị luận về xã hội tri thức. Quan niệm về nó là một mạng lưới những khái niệm, phạm trù và những giả định cơ bản để mô tả những thay đổi về cấu trúc trong các lĩnh vực xã hội, chính trị, kinh tế, kỹ thuật truyền thông, hiểu như là một nỗ lực nghiên cứu khoa học. Còn nghị luận về xã hội tri thức là tiếp thu và thảo luận có chọn lọc về xã hội tri thức dưới nhiều giác độ khác nhau để hình thành các chính sách tương ứng, chẳng hạn, về kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục v.v. Trong tinh thần ấy, giáo dục là bộ phận của cuộc nghị luận về xã hội tri thức, đồng thời, những chủ đề trung tâm của giáo dục như dạy và học - hay nói chung, xây dựng năng lực của chủ thể - góp phần kiến tạo nên cuộc nghị luận ấy. Trong bài này, ta sẽ lược qua quá trình hình thành nghị luận về xã hội tri thức, trước khi mô tả những quan niệm mới mẻ về giáo dục đi liền với những thay đổi về cấu trúc xã hội, như “sở đắc năng lực”, “học suốt đời” và “tự tổ chức việc học”. “XÃ HỘI TRI THỨC”: HAI CHẶNG ĐƯỜNG Khái niệm xã hội tri thức hình thành như thế nào và được hiểu ra sao? Thiết nghĩ cần một cái nhìn “phả hệ học” ngắn gọn về nó, ở cả hai mặt: lịch sử và hệ thống.Tất nhiên, xã hội tri thức không phải là một quan niệm nhất quán, mà là một sự thống nhất trong đa dạng những nghị luận, ở đây, chủ yếu xoay quanh phương diện “tri thức”. Năm 1966, khái niệm tiếng Anh “knowledgeable society” của nhà xã hội học Robert E.Lane ghi đậm dấu ấn lên cuộc nghị luận về “xã hội hậu hiện đại” (hiểu như sự đoạn tuyệt với những ý niệm lớn của Hiện đại “cổ điển”, nhấn mạnh đến tính đa nguyên, tính đa viễn tượng và giải trung tâm). Khái niệm của Lane nói lên sự đảo lộn mang tính thời đại về khoa học và kỹ thuật, đi từ nền kinh tế dựa vào sản xuất sang nền kinh tế dịch vụ dựa vào tri thức. Tri thức chiếm ưu thế so với các khu vực truyền thống như nông nghiệp và công nghiệp. Tri thức, như là lực lượng sản xuất, dẫn đến những thay đổi cơ bản về cấu trúc xã hội, các quan hệ quyền lực và các hình thức chủ thể hóa. Về mặt lịch sử, người ta thường chia khái niệm “xã hội tri thức” thành hai giai đoạn.Giai đoạn thứ nhất vào những năm 1960 thế kỷ trước. Nhà xã hội học Alain Touraine (“Xã hội hậu công nghiệp”, 1969) vừa nhấn mạnh tầm quan trọng của tri thức như là lực lượng sản xuất trung tâm của xã hội hậu công nghiệp, vừa cảnh báo nguy cơ của một “xã hội bị chương trình hóa” do lý tính công nghệ thống trị. Khi tri thức trở thành thế lực chủ đạo, nó sẽ gắn liền với quyền lực và thống trị.Tri thức sẽ phải phục tùng sự đánh giá về mặt hiệu quả xã hội. Những hình thức tri thức mớikhông khỏi tạo ra những hình thức bất công mới: cho tham gia hoặc bị loại trừ. Bên cạnh sự phân tích có tính phê phán của Touraine là phác thảo đậm tính duy lý-công nghệ của Daniel Bell. Theo đó, xã hội không còn dựa vào tài nguyên hay năng lượng như trước đây nữa, mà dựa vào việc khai tháctài nguyên trí tuệ.Ngược lại với xã hội công nghiệp sản xuất hàng hóa, từ nay, tri thức lý thuyết mới là cơ sở để tổ chức xã hội. Chuyên gia, học giả, nhà tư vấn sẽ là khuôn mặt hàng đầu của xã hội mới. Trong xã hội công nghiệp trước đây,chất lượng cuộc sống được đo lường bằng số lượng hàng hóa được sản xuất ra. Do vai trò tăng lên của “người lao động trí óc”, theo Nico Stehr, chất lượng cuộc sống từ nay được đánh giádựa theo chất lượng dịch vụ và tiện nghi trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nghệ thuật, nghỉ ngơi giải trí… Cuộc nghị luận bước vào giai đoạn thứ hai hiện nay từ những năm 1990 với ảnh hưởng ngày càng mạnh của sự cải cách theo xu hướng “tân-tự do”: nhà nước mạnh, nhưng chỉ để phục vụ cho nền kinh tế thị trường tự do “tuyệt đối”, tăng cường tư nhân hóa với sự tiết giảm không tránh khỏi của “nhà nước phúc lợi”. “Xã hội tri thức”, trong bối cảnh ấy, mang bốn đặc điểm: 1. Sự bùng nổ vượt bật của các công nghệ thông tin và truyền thông; 2. Bên cạnh các nhân tố cổ điển là vốn và lao động, tri thức trở thành nguyên nhân quan trọng nhất của sự tăng trưởng kinh tế; 3. Xã hội tri thức ngày càng được đồng hóa với nền kinh tế dịch vụ dựa vào tri thức; và 4. Xã hội phải dựa vào “những tổ chức có năng lực (tự) học hỏi” với hoạt động trí óc và truyền thông gia tốc và những con người có khả năng chuyên môn cao. Nói ngắn, xã hội tri thức đặt vận mệnh của mình vào tay những thay đổi về cấu trúc kinh tế, các chính sách táo bạo và kịp thời về chính sách tổ chức và chính sách nhân sự. GIÁO DỤC TRONG XÃ HỘI TRI THỨC Dù muốn hay không, để đáp ứng với thời cuộc, phải khẩn cấp thay đổi hệ thống và chính sách giáo dục. Hệ thống giáo dục rõ ràng không kịp chuẩn bị trước những thách thức mới, ngay cả ở các nước tiên tiến, thể hiện qua rất nhiều đề án cải cách giáo dục ở châu Âu và Bắc Mỹ. Mục tiêu chung của những nổ lực cải cách ấy là xây dựng tính tự chủ của cá nhân, nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực, khuyến khích sự tham gia của mọi thành phần xã hội và tạo sự bình đẳng về cơ hội. “CÔNG NGHIỆP HÓA TRI THỨC?” Không thể phủ nhận những tiến bộ vượt bật của xã hội tri thức, nhưng vẫn có tiếng nói phê phán và phản tĩnh: xã hội tri thức có thực sự thay thế cho xã hội công nghiệp không hay tri thức ngày càng bị công nghiệp hóa? Có thể chỉ hiểu tri thức là chuyển trao những kết quả nghiên cứu cho những công nghệ mới? Giáo dục có còn là “mục đích tự thân” hay chỉ là việc đào tạo những “bộ máy thông tin” được cá nhân hóa nhằm nhân lên những tri thức được công nghiệp hóa,hướng theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế đơn thuần? Việc đồng dạng hóa chương trình học tập, thi cử, cấp bằng giữa châu Âu và Bắc Mỹ (“cải cách Bologna”), việc “mô đun hóa” nội dung giảng dạy và rút ngắn thời gian đào tạo nhằm tăng áp lực lên việc kết thúc việc học nhanh chóng và hiệu quảkhông gì khác hơn là những biểu hiện của nguyên lý “công nghiệp hóa”! Khác với “thủ công” nhắm đến việc sản xuất có tính cá nhân những sản phẩm không đồng nhất trong những điều kiện không đồng nhất, công nghiệp hóa là đồng dạng hóa và đồng nhất hóa về mọi phương diện.“Ý niệm giáo dục” theo truyền thống nhân văncổ điển (“con người cá nhân tự hiện thực hóa chính mình trong sự tự do và tự quyết”) sẽ ra sao trong điều kiện mới? Ta sẽ tiếp tục xét ba nhân tố mới của chủ thể giáo dục trong xã hội tri thức: sở đắc năng lực, học tập suốt đời và tự (tổ chức việc) học. BVNS
|
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 |
27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44 | 45 | 46 | 47 | 48 | 49 | 50 | 51 | 52 |
53 | 54 | 55 | 56 | 57 | 58 | 59 | 60 |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC