Triết học giáo dục

Xã hội tri thức: Giáo dục là hàng hóa?

CÂU CHUYN GIÁO DC (BÀI 59)

 

XÃ HI TRI THC: GIÁO DC LÀ HÀNG HÓA?

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40
41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60
                                       

BÙI VĂN NAM SƠN

 


Bùi Văn Nam Sơn, Xã hi tri thc: Giáo dc là hàng hóa?", đăng trên t Người Đô Th, B mi, s 53, 29.09.2016. Phiên bản điện tử do tác giả gửi http://triethoc.edu.vn


 

Các “chiến lược quản trị” hiện đại (thuật ngữ của Michel Foucault) ăn sâu bám rễ vào trong hệ thống giáo dục của xã hội tri thức ở các nước phát triển - đang và sẽ ảnh hưởng không tránh khỏi đối với nước ta. Xin thử tiếp tục tìm hiểu những quan niệm nhất định về chủ thể vốn ẩn chứa trong cuộc nghị luận về giáo dục dưới sự tác động ngày càng mạnh mẽ của tư tưởng “tân tự do”.

“TỰ DO” VÀ “TÂN TỰ DO”

Trước hết là sự khác biệt giữa tư tưởng hay học thuyết tự do cổ điển và tân tự do, ảnh hưởng đến sự chuyển đổi của các chiến lược giáo dục. Với hình thức nhà nước, chủ nghĩa tự do cổ điển tạo điều kiện cho những cá nhân được “tự do”, theo nghĩa “tạo ra” sự tự do. Tất nhiên, sự tự do theo nghĩa này không phải và không thể là vô giới hạn, do đó cần được điều tiết bằng bài toán an toàn. Và đây chính là chỗ khác biệt với chủ trương tân tự do: khác với “lý tính” tự do cổ điển, nhà nước tân tự do không kiểm soát và điều tiết sự tự do của thị trường, trái lại, bản thân thị trường sẽ trở thành nguyên tắc tổ chức và điều tiết nhà nước. Nói cách khác, nguyên tắc duy lý điều khiển hành động của nhà nước không còn là quyền tự do tự nhiêncần phải tôn trọng, mà ở trong sự tự do được sắp đặt một cách nhân tạo. Nói cụ thể, nhà nước cổ điển giới hạn sự tự do nhằm bảo vệ nhà nước phúc lợi, ngược lại, nhà nước tân-tự do trong xã hội tri thức sử dụng sự giới hạn này để phục vụ cho sự tự do của thị trường và thu hẹp dần nhà nước phúc lợi. Tự do thị trường, trong cách hiểu mới, sẽ bảo đảm tốt nhất cho sự sống còn của xã hội tri thức. Tiến trình chuyển đổi ấy cần đến những “chiến lược quản trị” kiểu mới, nhằm tạo ra những “công nghệ tự quản”, gắn liền với các mục tiêu của nhà nước. “Trong khuôn khổ sự quản trị tân-tự do, sự tự quyết, trách nhiệm và sự tự do lựa chọn không nói lên những ranh giới của hoạt động nhà nước nữa, mà bản thân chúng trở thành công cụ để thay đổi mối quan hệ của chủ thể với chính mình và với người khác” (L.Pongratz, Giáo dục người lớn. Phân tích, phê phán và gợi ý, 2010).

“NHỮNG CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC”

Tiến trình chuyển hóa ấy ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống giáo dục và quan niệm sư phạm. Những người tham gia “thị trường giáo dục” được tái định nghĩa thành những nhà tự-quản lý tri thức, sẽ hứa hẹn đạt được thành công nếu thỏa ứng những phẩm chất quản trị hiện đại. Những phẩm chất ấy là: “học cách học” (chiếm lĩnh phương tiện sản xuất của nền sản xuất tri thức), “quản lý động cơ” (tự buộc mình thường xuyên kiểm tra và tối ưu hóa chất lượng); “tự quản lý” (vừa như là khách hàng, vừa như là kẻ chào hàng) và “tự tối ưu hóa” (sẵn sàng để được kiểm định và “ngã giá”). Như đã thấy trước đây, là “trung tâm dịch vụ”, “trung tâm kỹ năng”, con người phải không ngừng sở đắc kỹ năng mới, tự học và học suốt đời mới có thể tìm được chỗ đứng trong khu từng rậm của nền thị trường toàn cầu hóa. Sự kết nối giữa những “công nghệ tự quản” và những “chiến lược quản trị kỷ luật hóa” sẽ hình thành sự “tự kiểm soát tự nguyện” của từng cá nhân trong xã hội tri thức. Không lạ gì khi giáo dục ắt sẽ được tổ chức theo hình mẫu của việc thực thi đề án kinh tế-thương mãi, còn tri thức thì hành xử và được đối xử như là hàng hóa. Là một món hàng, người tốt nghiệp có một “thương hiệu”, và luôn phải đối diện với “tòa án chất lượng”, được nhìn nhận như là điều tự nhiên và không thể tránh được. Ta thấy ở đây sự phối hợp tinh vichưa từng có giữa sự tự trị và ngoại trị, giữa quyền tự quyết và sự tuân phục không có khe hở và lối thoát!

“CHỦ THỂ HÓA” TRONG XÃ HỘI TRI THỨC “TÂN TỰ DO”

Foucault gọi việc hình thành định chế mới ấy cho chủ thể hiện đại là những “công nghệ của cái Tôi”, thông qua những nghi thức và thói quen thực hành ngày càng thuần thục. Vừa là “khách hàng”, vừa là kẻ “chào hàng”, cá nhân xuất hiện dưới hai danh nghĩa: “nhà kinh doanh sức lao động” và “nhà kinh doanh một thành viên”. Một tác giả khác định nghĩa không kém… ấn tượng: đó là “kinh tế hóa chủ thể” và “chủ thể hóa kinh tế”. Nói dễ hiểu, cá nhân, trong xã hội tri thức, với tư cách “nhà kinh doanh sức lao động”, không chỉ làm vai trò của kẻ thực thi hợp đồng, mà còn tự chịu trách nhiệm về quy trình lao động, đề nghị những cải tiến, trao đổi trong nhóm, phát huy năng lực đến cực độ, truyền thông đa dạng, xóa nhòa trật tự thứ bậc. Người lao động truyền thống (làm công ăn lương, có chỗ làm lâu dài, ổn định) được thay thế bằng người làm việc luôn phải năng động và sẵn sàng… cơ động.

Trong thực tế, ai cũng biết số“nhân công tri thức” thực sự thỏa ứng được những yêu cầu rất cao về chuyên môn và điều kiện sinh hoạt (di chuyển và thay đổi thường xuyên chỗ ở, với mối đe dọa thất nghiệp thường trực…) bao giờ cũng chiếm tỉ lệ nhỏ trong xã hội, nhất là ở các nước đang phát triển. Và ngay cả hệ thống nghề nghiệp kiểu cũ với đủ loại bằng cấp tốt nghiệp cũng không còn là chỗ dựa vững chắc nữa.

Rồi với tư cách là “nhà kinh doanh một thành viên”, lấy chính mình làm vốn liếng, người sản xuất lẫn nguồn thu nhập (Foucault), cá nhân trở thành pháp nhân như một “giả tưởng có thật”, luôn lo sợ trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trước khả năng bị loại trừ và loại bỏ trong cơ chế thị trường.

Nếu lao động chuyên sâu đến mức vụn vặt trong trường hợp trước khó đồng nghĩa với việc phát huy một cách tự do tính chủ thể cá nhân, thì, trong trường hợp sau, sự tự chủ, tự trị có khi chỉ là một vẻ ngoài ảo tưởng. Ảo tưởng còn ở chỗ: làm lợi cho đại công ty, đại tập đoàn và các cổ đông, trong khi vẫn tưởng rằng vì lợi ích và sở thích của chính mình!

NHIỀU CHỦ ĐỀ CÒN NGẦM ẨN

Năng lực tự tổ chức là yếu tố cơ bản cho sự tồn tại của xã hội tri thức. Nếu trước đây việc thành bại đặt trên vai doanh nghiệp, thì ngày nay trách nhiệm ấy chuyển dần sang cho việc đào tạo của cá nhân. Nhưng, sự tự định hướng ngày nay chỉ nhắm đến một phân mảnh của điều trước đây được hiểu là sự tự quyết: đó chỉ còn là cách hành xử hiệu quả đúng theo chức năng trong hệ thống. Trong bối cảnh ấy, liệu khái niệm giáo dục có đánh mất yêu cầu và lý tưởng khai minh của mình? Nếu mục tiêu của giáo dục trước đây là nỗ lực đưa con người thoát ra khỏi sự “không trưởng thành” (Kant), thì sự chuyển hóa tinh vi của những “công nghệ quản trị” hiện đại có nguy cơ đưa con người về lại tình trạng ấy?

Sau khi đã lược qua vấn đề “tính chủ thể” trong viễn tượng hiện đại, hậu hiện đại và xã hội tri thức, bài cuối - tạm khép lại chuyên mục “Câu chuyện giáo dục” lâu nay - sẽ đi vào câu hỏi: liệu con người trong xã hội tri thức (đang ló dạng ở nước ta) có thể trở thành chủ thể tự do được không? Câu hỏi cốt lõi và là cứu cánh (mục đích tối hậu) của triết học giáo dục!

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Nguyễn Văn Kiều - 08:05 13/05/2018
Đọc thì cũng hiểu được ý đồ trình bày của tác giả. Tuy nhiên, có vẻ tác giả chưa nhuyễn về vấn đề nên lối trình bày mang nặng tính hàn lâm, Tây học. Do vậy, không phải ai cũng hiểu nổi bài luận của tác giả.
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt