Triết học giáo dục

Quyền lực ... hậu hiện đại

CÂU CHUYN GIÁO DC (BÀI 54 )

 

QUYN LC HU HIN ĐI

 

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40
41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60
                                       

BÙI VĂN NAM SƠN

 


Bùi Văn Nam Sơn. “Quyền lực ... hậu hiện đại”. Đăng trên tờ Người Đô Thị, Bộ mới, số 48, 28.04.2016. | Bản điện tử do tác giả Bùi Văn Nam Sơn gửi cho triethoc.edu.vn


 

Quan niệm về con người như là chủ thể - trong giáo dục, khoa học, đời sống xã hội - thật ra chỉ mới hình thành từ thời cận đại mà thôi. Không có nghĩa rằng trước đó con người không biết suy nghĩ về chính mình, chỉ có điều, chủ đề “con người” bị phân tán thành nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau.

Ở phương Tây, đó là trong các môn học: triết học, thần học, y học, mỗi môn nghiên cứu một phương diện của con người: lý trí, linh hồn, thể xác. Mãi đến giữa thế kỷ 17 và 18, với Descartes và Kant, con người mới được hiểu như một chủ thể thống nhất và tự trị. Con người từ nay thoát khỏi trật tự thiêng liêng, trở thành kẻ tự mình thiết lập nên trật tự. Những đặc tính phổ quát của con người là độc lập với thời gian và văn hóa, và, vì thế, có thể được phát huy nhờ vào giáo dục. Vun bồi “hạt nhân” lý tính phổ quát ấy thành chủ thể tự trị là sứ mệnh của giáo dục, và chỉ qua giáo dục, như cách nói của Kant, con người mới trở thành người. Lý tưởng giáo dục tân nhân bản khẳng định sự tự quyết, tự chủ của con người một cách vô giới hạn và vô điều kiện.

Thế rồi, trong tư duy hậu-hiện đại, hình dung đẹp đẽ theo kiểu “hiện đại” ấy về chủ thể tự trị bị nghi ngờ và phê phán gắt gao, thậm chí ta còn nghe nói đến… “cái chết của chủ thể”!

“CÁI CHẾT CỦA CHỦ THỂ”?

Thật ra, không có cái “chết” nào của chủ thể theo nghĩa đen cả, mà chỉ có cái “chết” của quan niệm về chủ thể “tự trị” phi thời gian.

Michel Foucault, qua những nghiên cứu lịch sử khá thuyết phục của mình, cho thấy tính chủ thể không phải là cái gì độc lập, tự chủ, có sẵn đó một cách đơn giản, mà được cấu tạo nên dần dần từ những mối quan hệ xã hội và văn hóa vô cùng phức tạp. Con người luôn bị vướng vào những quan hệ “quyền lực” chằng chịt, chính chúng hun đúc nên con người hiện tại của chúng ta. Quyền lực là cái gì đa dạng, đa tầng, không dễ nhận diện, và con người không thể làm chủ được, trái lại, bị nó điều khiển, dẫn dắt ngày càng tinh vi. Quyền lực khác với thống trị, bởi thống trị bao giờ cũng gắn liền với sự áp bức, đè nén những chủ thể tự do. Trong khi đó, khá nghịch lý, quan hệ quyền lực muốn tồn tại, phải cần đến những chủ thể tự do! Điều này đúng đối với mọi định chế, kể cả trường học. Cơ chế “cấu tạo” nên chủ thể, theo Foucault, cũng là cơ chế của việc thiết lập kỷ luật. Kỷ luật được hiểu như “kỹ thuật” để cá nhân hóa, thu xếp con người vào một trật tự hành động nào đó. Chẳng hạn, trong nhà trường, hệ thống chấm điểm là cách khéo léo để khép cá nhân vào kỷ luật, khi thường xuyên bị buộc phải so sánh với người khác, và, qua sự khác biệt về điểm số, làm lộ rõ tính đặc thù của mỗi cá nhân. Bằng sự quan sát và thi cử, người ta phát triển những biện pháp kỷ luật ngày càng hiệu quả hơn. Sự hiểu biết (hay tri thức), một mặt, là điều kiện của kỷ luật, mặt khác, kỷ luật mang lại hiểu biết mới về con người. Càng có nhiều tri thức hay thông tin về con người, thì sự kiểm soát, kỷ luậthóa và điều tiết toàn bộ xã hội càng dễ dàng hơn. Trong xã hội ngày nay, trừ những trường hợp cá biệt, các hình thức đàn áp và cưỡng bức công khai giảm dần, và quan niệm về kỷ luật cũng được điều chỉnh: bỏ dần mặt tiêu cực của đe dọa, trừng phạt, nhường chỗ cho sự tinh vi hóa, đạt hiệu quả và phục vụ những lợi ích kinh tế, chính trị cao hơn nhiều. “Cai quản” theo kiểu “tự điều tiết” là khuyến khích việc tìm ra “những công nghệ tự thân”, “bằng phương tiện riêng, cho phép cá nhân thực hiện những thao tác nhất đinh với chính thân xác, tâm hồn và lối sống của mình, nghĩa là tự biến đổi, tự điều chỉnh bản thân để đạt tới một trạng thái hoàn hảo, hạnh phúc nào đó”. Nói khác đi, chủ thể được trang bị năng lực và được khuyến khích hành động theo một cách nhất đinh, nhưng lại không thấy mình bị thống trị. Những mục tiêu chính trị, kinh tế được thực hiện hầu như “tự động”, “tự giác” mà không cần đến sự cưỡng chế công khai. Việc cá nhân hóa không chỉ nhắm đến những chủ thể riêng lẽ, mà còn đến những chủ thể tập thể, đến các định chế và tổ chức như cơ quan công quyền, trường học, xí nghiệp… Chúng tự chịu trách nhiệm, mềm dẽo, năng động và xuất hiện ra như những chủ thể tự trị.

NHIỆM VỤ CỦA GIÁO DỤC

Dưới giác độ ấy, khái niệm về sự “tự trị”, “tự quyết” trở nên nghịch lý. Cá nhân sử dụng sự tự do được “ban” cho mình và cảm nhận như là sự tự quyết. Nhưng thật ra, nó là một “sách lược của quyền lực”, nhắm đến một thái độ hành xử được quyền lực mong muốn. Chủ thể bị điều khiển, trong khi hành động một cách tự quyết!

Trong bối cảnh ấy, nhiệm vụ của giáo dục là gì? Là không còn ảo tưởng về sự tự trị tưởng tượng của một “chủ thể nhận thức” trong suốt, thuần túynhư trước đây nữa, là không thể tự bịt mắt trước tính hàm hồ, đa nghĩa (vừa là “chủ”, vừa là “nô”) của chủ thể, và, từ đó, mở ra khả năng tự hỏi: phải chăng mối quan hệ nhập nhằng giữa “tự trị” và “dị trị” như thế là định mệnh đã an bài hay có thể thay đổi được?

XÃ HỘI TRI THỨC

Từ sự phê phán của các lý thuyết hậu-hiện đại đối với tư tưởng chủ đạo của “hiện đại”về chủ thể tự trị, tất yếu dẫn đến nhiệm vụ muôn thưở của giáo dục là tra hỏi về những quan hệ xã hội và đặt chính những quan hệ này thành vấn đề.

“Xã hội tri thức” - tên gọi dần thay thế cho các tên gọi trước đây là “xã hội thông tin” hay “xã hội dịch vụ” - chính là nơi xem việc tra hỏi này là yêu cầu trung tâm. Không thể tham gia vào đời sống xã hội ngày nay,nếu không có tri thức và thông tin.Chỉ có chúng mới giúp ta hiểu được những mối quan hệ phức tạp. Và cũng chỉ có sự xử lý thông tin và tri thức mới soi sáng và xem xét chúng một cách tỉnh táo. Con người trong xã hội tri thức nhất thiết sẽ trở thành chủ thể phê phán. Trong chiều hướng đó, bản thân khái niệm “xã hội tri thức” có ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc. Nếu sự tự trị và tự do không còn là mục tiêu hay sản phẩm của tiến trình giáo dục, dưới ánh mắt phê phán hậu-hiện đại, thì chủ thể, trong xã hội tri thức, trở thành tác nhân chủ yếu, và sự tự trị đích thực của họ lại là điều kiện tiên quyết.

Chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu tiến trình ra đời của “xã hội tri thức”, các đặc điểm và quan hệ của nó với giáo dục.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt