Triết học lịch sử

"Bút ký sử học" của Mác (I)

 

“BÚT KÝ SỬ HỌC” CỦA MÁC:

 NỘI DUNG CƠ BẢN VÀ VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA NÓ

TRONG HỆ THỐNG LÝ LUẬN MÁC XÍT

 

PHÙNG CẢNH NGUYÊN

 TỪ CHU

 


Trang Phúc Linh (chủ biên). Lịch sử chủ nghĩa Mác, tập 1. Chương XV: “Bút ký sử học” của Mác: Nội dung cơ bản và vai trò quan trọng của nó trong hệ thống lý luận Mácxít”. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 1065-1132). | Phiên bản điện tử do bạn Nguyễn Việt Anh gửi.


 

Mục lục

1. Niên đại viết, phương pháp nghiên cứu và thời kỳ lịch sử

2. "Bút ký sử học" - tập thứ nhất

3. "Bút ký sử học" - tập thứ hai

4. "Bút ký sử học" - tập thứ ba

5. "Bút ký sử học" - tập thứ tư

 

Bút ký sử học là một bản thảo do Mác để lại cho đời sau, tuy đã viết vào những lúc cuối đời nhưng đã được nhiều người biết đến. Sở dĩ có nhiều người biết là vì, ngoài lý do bản thảo này được dịch và xuất bản muộn, quy mô đồ sộ (gồm 4 tập, 1,8 triệu chữ) ra, chủ yếu là do nghiên cứu tác phẩm này rất khó, biểu hiện chủ yếu ra ở ba mặt. Một là, khó khăn trong việc xác định quan hệ giữa Bút ký sử học và Bút ký nhân loại học. Vì sao vào lúc cuối đời Mác lại chuyên tâm nghiên cứu “nhân loại học” và lịch sử thế giới? Hai lĩnh vực nghiên cứu này có quan hệ nội tại gì với nhau? Hai là, việc nghiên cứu bản thân Bút ký sử học rất khó. Về hình thức, tác phẩm này nêu bật các sự kiện với những đặc điểm niên đại của chúng. Toàn bộ tác phẩm có bốn tập, nhưng không thấy ghi chép gì về quan hệ giữa chúng và cũng đều được bắt đầu từ những sự kiện với những đặc trưng niên đại của từng sự kiện. Do vậy, điểm khó nhất khi nghiên cứu Bút ký sử học là việc xác định khởi điểm nghiên cứu lịch sử của mỗi tập và ý nghĩa của chúng. Nếu không xác định được khởi điểm lịch sử này trên bình diện tổng thể và ý nghĩa của nó thì toàn bộ Bút ký sử học sẽ chỉ là một đống tư liệu tản mạn. Còn nếu xác định được khởi điểm nghiên cứu lịch sử và ý nghĩa của nó thì Bút ký sử học sẽ là một chính thể hữu cơ. Ba là, tập bút ký này giữ vai trò như thế nào trong toàn bộ lý luận của Mác?

Chương này chủ yếu nghiên cứu vai trò quan trọng của Bút ký Sử học trong hệ thống lý luận mácxít. Bởi vậy, cần phải phân tích quá trình sử học trong việc Mác nghiên cứu sử học và vai trò của quá trình ấy đối với việc xác định hệ thống lý luận mácxít, phải nghiên cứu quan hệ nội tại giữa Bút ký sử họcBút ký nhân loại học trên cơ sở nghiên cứu của Mác về sử học; phải dựa trên cơ sở nghiên cứu nội dung cơ bản của Bút ký sử học để phân tích ý nghĩa của nó đối với việc Mác nghiên cứu lịch sử của các quốc gia và dân tộc phương Đông và ý nghĩa giao lưu kinh tế, văn hoá Đông – Tây; cuối cùng, phải xuất phát từ góc độ “chỉnh thể nghệ thuật” của chủ nghĩa Mác để phân tích vai trò bổ sung lẫn nhau giữa phương pháp logíc “tư duy ngược chiều” [Nguyên bản: tùng hậu tư tố] khi nghiên cứu các lĩnh vực khác và phương pháp thực chứng khi nghiên cứu lịch sử mà Mác đã sử dụng trong việc xác lập hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác.

Xét ở góc độ nhất định, những vấn đề dưới đây nói lên tính chất cấp bách và quan trọng của việc Mác viết Bút ký sử học vào lúc tuổi già sức yếu, bệnh tật giày vò. Sau khi chủ nghĩa duy vật lịch sử ra đời, về mặt lý luận, có người lý giải đó là “triết học về lịch sử”, có người xuyên tạc nó là “thuyết kinh tế quyết định”, có người bóp méo là “thuyết phương Tây là trung tâm”. Thực tế bấy giờ cho thấy, vấn đề thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa ở các nước phương Đông lạc hậu như thế nào là một vấn đề cấp bách đòi hỏi phải nghiên cứu sâu sắc hơn và làm phong phú hơn nữa chủ nghĩa duy vật lịch sử. trong lý luận của mình, Mác từng nêu ra một cách rõ ràng rằng: “Tôi không muốn để lại “những chỗ cho người ta phỏng đoán”…”[1]. Tức là, ông không muốn để lại những chỗ cho người ta phỏng đoán quan niệm khoa học về lịch sử. Chính vì thế mà vào lúc cuối đời Mác mới cặm cụi nghiên cứu một cách khoa học “chỉnh thể nghệ thuật” quan niệm của mình về lịch sử.

Bút ký sử học không những thể hiện tinh thần khoa học của Mác, mà còn chứng tỏ rằng, quan điểm duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác là lý luận cách mạng.

 

I. “BÚT KÝ SỬ HỌC” CỦA MÁC: NIÊN ĐẠI VIẾT, PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ THỜI KỲ LỊCH SỬ

1. Niên đại viết “Bút ký sử học”

Bút ký sử học là tập bản thảo Mác viết vào những năm cuối đời. Cũng vào những năm đó, Mác còn có một bản thảo quan trọng là Bút ký nhân loại học. Trên ý nghĩa nhất định, Bút ký nhân loại học cũng là tác phẩm nghiên cứu lịch sử. Như vậy, vào những năm cuối đời, Mác có hai bản thảo về sử học. Làm rõ niên đại của hai bản thảo sử học này có ý nghĩa quan trọng nhằm lý giải việc nghiên cứu sử học và toàn bộ việc nghiên cứu lý luận của cả cuộc đời Mác. Tập Bút ký nhân loại học của Mác còn được gọi là Bút ký dân tộc học [Trong “Lời chú dẫn” khi xuất bản C.Mác và Ph.Ănghen: Toàn tập, tập 45, khi nói về Bút ký nhân loại học có viết: “Phần thứ tư của tập này là tác phẩm Bút ký dân tộc học, là bộ phận chủ yếu của tập này”][2] (Chú thích nguyên bản tiếng Trung Quốc). Bút ký dân tộc học của Mác nghiên cứu lịch sử cổ đại. Vấn đề là ở chỗ, tại sao việc nghiên cứu lịch sử này lại được gọi là Bút ký dân tộc học? Bởi vậy, cần phải tìm hiểu thêm lịch sử phát triển và nội dung nghiên cứu của môn nhân loại học này. Trong lịch sử phát triển của mình, nhân loại học được chia thành nhân loại học thể chất và nhân loại học văn hoá. Nhân loại học thể chất chủ yếu nghiên cứu giải phẫu học cơ thể con người và sinh lý học.Nhân loại học văn hoá chủ yếu nghiên cứu các vấn đề: các hành vi thói quen của con người, nguồn gốc, sự phát triển và những biến thiên về văn hoá giữa các dân tộc và quy luật diễn biến của sự khác nhau ấy. Mác quan tâm nghiên cứu nhân loại văn hoá chứ không phải nhân loại học thể chất. Về nội dung nghiên cứu, nhân loại học văn hoá lại được phân thành nhân loại học văn hoá theo nghĩa rộng và nhân loại học văn hoá theo nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng gồm có: khảo cổ học, ngôn ngữ học và dân tộc học; theo nghĩa hẹp chỉ là dân tộc học. Dân tộc học dựa trên cơ sở các tiêu chí dân tộc để nghiên cứu so sánh văn hoá giữa các dân tộc, việc nghiên cứu này được gọi là nhân loại học xã hội. Bắt đầu từ nửa sau thế kỷ XIX, khi nghiên cứu nhân loại học văn hoá, có học giả đã giải thích sự phát triển, biến đổi của các hiện tượng trong xã hội loài người theo quan điểm thuyết tiến hoá, người tiêu biểu cho khuynh hướng này là E.B.Tay-lơ, người Anh và L.H. Moócgan, người Mỹ. Taylo nổi tiếng với tác phẩm Văn hoá nguyên thuỷ, còn Moócgan thì nổi tiếng với tác phẩm Xã hội cổ đại. Tác phẩm Xã hội cổ đại của Moócgan có vai trò cực kì quan trọng trong Bút ký sử học của Mác. Phân tích trên cho thấy, khi nghiên cứu nhân loại học, Mác thiên về nhân loại học văn hoá, và trong nhân loại học văn hoá lại quan tâm tới dân tộc học. Bút ký dân tộc học của Mác có đặc trưng là nghiên cứu sử học ở góc độ nhân loại học, nói cụ thể hơn là nghiên cứu sử học ở góc độ dân tộc học.

Các học giả trong và ngoài nước có ý kiến khác nhau về niên đại của Bút ký sử học. Học giả nổi tiếng Liên Xô trước đây Phêđôxêép cho rằng, tập bản thảo này được viết từ cuối năm 1881 đến cuối năm 1882[3]. Có học giả cho rằng, Bút ký sử học được viết xong vào khoảng cuối năm 1881 đầu năm 1882[4]. Một nhà nghiên cứu khác của Trung Quốc cho rằng, tập bút ký này được viết vào đầu những năm 80 thế kỷ XIX[5]. Lời tựa của Bút ký sử học cho rằng, tập bản thảo này “viết vào khoảng cuối những năm 70, đầu những năm 80”[6].

Chúng tôi cho rằng, niên đại của Bút ký sử học của Mác có liên quan nội dung lịch sử loài người mà Mác nghiên cứu, tức là dù Bút ký nhân loại họcBút ký sử học đều phản ánh giai đoạn khác nhau của quá trình lịch sử đó. Chính vì thế mà Mác coi trọng nghiên cứu sử học và nội dung nghiên cứu thì vừa khác nhau về giai đoạn vừa gắn với nhau thành một chỉnh thể thống nhất. Bút ký nhân loại học của Mác có bốn phần, viết vào năm 70 và 80 (thế kỷ XIX). Phần viết sớm nhất là tóm tắt quyển sách Chế độ chiếm hữu ruộng đất công xã, nguyên nhân, diễn biến và hậu quả của sự tan rã của nó của học giả người Nga M.Côvalépxki. Phần này được viết vào khoảng tháng 10 năm 1879 đến tháng 10 năm 1880. Phần viết muộn nhất tóm tắt tác phẩm Nguồn gốc của nền văn minh và trạng thái nguyên thuỷ của con người của nhà cổ sử người Anh Gi.Lớpbốc. Phần này viết vào khoảng tháng 3 đến tháng 6 năm 1881. Tác phẩm Xã hội cổ đại của Moócgan được làm bút ký từ cuối năm 1880 đến tháng 3 năm 1881. Bút ký dân tộc học chủ yếu nghiên cứu vấn đề nhân loại học văn hoá và vấn đề phát triển xã hội của xã hội cổ đại, như chế độ chiếm hữu ruộng đất công xã, nguồn gốc văn minh, lịch sử pháp chế cổ đại, kết cấu xã hội của xã hội nguyên thuỷ không có giai cấp tới khi xuất hiện chế độ tư hữu và gia đình, sự ra đời của xã hội văn minh. Các nhà sử học trên thế giới, nhất là giữa các nhà sử học phương Tây và phương Đông có sự bất đồng ý kiến về phân kỳ xã hội cổ đại theo nghĩa rộng. Ở phương Tây, xã hội cổ đại được phân chia thành xã hội nguyên thuỷ và chế độ nô lệ [Khác với phương Tây, sử học Trung Quốc phân kỳ xã hội cổ đại gồm cả thời đại phong kiến]. Trong Bút ký dân tộc học, Mác dựa theo cách phân kỳ của giới sử học phương Tây, chú trọng nghiên cứu sự phát triển kinh tế, văn hoá, pháp chế, gia đình từ chế độ chiếm hữu ruộng đất công xã tới chế độ tư hữu, sự phát triển mối quan hệ giữa cơ sở kinh tế với kiến trúc thượng tầng đối với sự ra đời của nhà nước. Khác với Bút ký dân tộc học, trong Bút ký sử học, Mác chú trọng nghiên cứu sự phát triển lịch sử từ xã hội nô lệ, xã hội phong kiến tới khi xuất hiện mầm mống chủ nghĩa tư bản. Phạm vi thời gian được nghiên cứu là từ thế kỷ I trước công nguyên tới giữa thế kỷ XVII sau công nguyên. Việc nghiên cứu sử học này của Mác vượt ra khỏi phạm vi “dân tộc học”. Hơn nữa, việc nghiên cứu này có liên quan tới vấn đề đặt ra trong bộ Tư bản. Nếu trong bộ Tư bản, chủ nghĩa tư bản được nghiên cứu bắt đầu từ tích lũy ban đầu của chủ nghĩa tư bản Anh; thì Bút ký sử học kết thúc ở thời kỳ xuất hiện mầm mống của nó.

Những phân tích trên cho thấy, việc nghiên cứu lịch sử của Mác chủ yếu được chia làm ba thời kỳ: thời kỳ thứ nhất, nghiên cứu lịch sử phương Tây hiện đại, đặc biệt là lịch sử nước Anh, có liên quan tới việc biên soạn bộ Tư bản; thời kỳ thứ hai, nghiên cứu “xã hội cổ đại” mà đặc trưng là tập Bút ký dân tộc học [Tức là Bút ký nhân loại học mà mọi người đã biết]; thời kỳ thứ ba, nghiên cứu xã hội nô lệ, xã hội phong kiến và lịch sử phát triển thời kỳ tiền tư bản chủ nghĩa, với tiêu chí là tập Bút ký sử học. Sau Bút ký dân tộc học, Bút ký sử học, là quá trình từ nghiên cứu xã hội cổ đại, tiến lên nghiên cứu xã hội nô lệ, xã hội phong kiến và lịch sử manh nha của chủ nghĩa tư bản. Do đó, Bút ký sử học được viết sau Bút ký dân tộc học. Phần cuối cùng của Bút ký dân tộc học là phần tóm tắt tác phẩm Nguồn gốc của nền văn minh và trạng thái nguyên thuỷ của con người của nhà nghiên cứu cổ sử người Anh Lớpbốc. Phần này được viết từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1881. Theo sự phân tích này, thì Bút ký sử học phải được bắt đầu viết từ sau tháng 6 năm 1881. Nhà viết truyện ký về Mác là Phêđôxêép đã có lý khi ông cho rằng Bút ký sử học được viết từ cuối năm 1881 đến cuối năm 1882.

2. Về phương pháp nghiên cứu trong “Bút ký sử học”

Trên ý nghĩa nhất định, việc xác định niên đại Bút ký sử học cũng có liên quan tới phương pháp nghiên cứu sử học của Mác. Chính vì phương pháp nghiên cứu này, mà việc viết Bút ký sử học là một thời kỳ nghiên cứu sử học tương đối độc lập. Phương pháp nghiên cứu ở đây chủ yếu là phương pháp sưu tầm, lựa chọn và nghiên cứu tư liệu. Nếu Bút ký dân tộc học chọn tác phẩm của bốn tác giả, trong đó có của Côvalépxki và Moócgan, thì trong Bút ký sử học, ngoài việc chọn tác phẩm: Lịch sử thế giới gồm 18 tập của nhà sử học người Đức Ph.Slốtxơ, Lịch sử nhân dân Italia của nhà sử học người Italia Bôta, Lịch sử nước Anh của Đ. Hium, Lịch sử nước Nga của N. M. Karamdin, Lịch sử nhân dân Anh của Gi.Grim, Mác còn sử dụng các tác phẩm của tám nhà sử học nổi tiếng khác nữa như Lịch sử cải cách tôn giáo ở Anh và Airơlen của U. Cốpbét, Lịch sử Phlorenxia của N. Makiaveli, Lịch sử nước Nga và Piốt Đại đế của Ph. Xêguy, v.v… Phương pháp của Mác nói chung đều là bắt đầu nghiên cứu từ các tư liệu đã có trong tay, phân tích các hình thức phát triển của tình hình được phản ánh trong tư liệu, sau đó miêu tả một cách có lôgích những mối liên hệ của những hình thức phát triển ấy. Mác từng nói về phương pháp này của ông: “Nghiên cứu thì phải nắm lấy vật liệu với tất cả những chi tiết của nó, phải phân tích các hình thái phát triển khác nhau của nó, và phải tìm ra được mối liên hệ bên trong của những hình thái đó. Chỉ sau khi hoàn thành việc đó rồi mới có thể mô tả sự vận động thực tế một cách thích đáng được”[7].

Cũng như khi viết Bút ký dân tộc học, khi làm Bút ký sử học, trước hết Mác cũng chọn những tư liệu có liên quan tới đối tượng nghiên cứu, sau khi có đủ tư liệu trong tay thì bắt đầu nghiên cứu. Về mặt thời gian, tám bản tư liệu về Bút ký sử học, đề cập tới tình hình khoảng hơn 1.700 năm từ thế kỷ I trước công nguyên (TCN) đến giữa thế kỷ XVII. Mác phân chia quá trình lịch sử lâu dài đó làm bốn thời kỳ và sắp xếp những tư liệu tương ứng với bốn thời kỳ này. Khi viết một tập nào đó, hoặc nghiên cứu một thời kỳ lịch sử, trước hết Mác chọn của tác phẩm của một nhà sử học nào đó làm nền, rồi ghi chép và viết lời bình ngắn ngọn theo trình tự thời gian và theo lôgích phát triển của sự kiện lịch sử. Đối với những sự kiện đáng quan tâm và quá trình phát triển lịch sử quan trọng, ông đều đánh dấu chú ý. Có hai loại dấu: một loại dành cho những sự kiện lịch sử cần quan tâm hoặc nguyên văn chi tiết có liên quan đến quá trình lịch sử, một loại ghi chú những tư liệu của các nhà sử học khác cần phải tham khảo, nhấn mạnh ý nghĩa chủ yếu của sự kiện hoặc quá trình lịch sử của đoạn ấy, hoặc dùng tư liệu khác để chỉnh lý lại tư liệu đang nghiên cứu. Những dấu chú ý này đều được tập hợp lại ở cuối tập dưới hình thức phụ lục. Thí dụ, ở tập thứ nhất, Mác chủ yếu dựa vào bộ sách ba tập Lịch sử nhân dân Italia của nhà sử học Italia Bôta. Đồng thời còn tham khảo tác phẩm Lịch sử thế giới của Slốtxơ, nhà sử học Đức nổi tiếng thế giới ở thế kỷ XVIII. Trong khi đối chiếu những tư liệu này, Mác thường chỉ ra những chỗ sai lầm của bản dựa vào làm cơ sở. Thí dụ, tại trang 219 của tập thứ nhất, Mác chú thích: “về vị trí địa lý và tình hình di chuyển của bộ tộc Giécmanh, có nhiều chỗ Bôta nói không đúng”.

3. Đặc điểm phân kỳ lịch sử trong “Bút ký sử học”

Mác có quan điểm phân kỳ lịch sử khác hẳn với những người đi trước, vì vậy việc phân kỳ lịch sử trong Bút ký sử học của ông có đặc điểm nổi bật.

Trên một ý nghĩa nhất định, Bút ký sử học nghiên cứu lịch sử thế giới. Tư liệu dùng để nghiên cứu là tác phẩm lịch sử của tám nhà sử học đã nói ở trên. Căn cứ vào niên đại lịch sử được đề cập tới trong các tác phẩm này, Mác chia làm bốn thời kỳ lịch sử. Bốn thời kỳ này tương ứng với bốn tập Bút ký sử học của ông.

Tập thứ nhất: từ đầu thế kỷ I TCN đến đầu thế kỷ XIV

Tập thứ hai: từ thế kỷ XIV đến nửa đầu thế kỷ XV

Tập thứ ba: từ nửa đầu thế kỷ XV đến những năm 70 thế kỷ XVI

Tập thứ tư: từ cuối thế kỷ XVI đến nửa đầu thế kỷ XVII

Mác phân kỳ lịch sử khác với những người trước ông, trước hết là khác với Hêghen. Xét ở góc độ nhất định, tác phẩm Triết học lịch sử của Hêghen nghiên cứu về lịch sử thế giới dựa trên cơ sở địa lý. Dưới tiêu đề “Cơ sở địa lý của lịch sử”, Hêghen viết: I. châu Phi; II. châu Á; III. châu Âu. Sau đó trình bày riêng trên cơ sở địa lý: tập thứ nhất: Thế giới phương Đông; tập thứ hai: Thế giới Hy Lạp; tập thứ ba: Thế giới La Mã; tập thứ tư: Thế giới Giécmanh. Hêghen không chú trọng phân tích niên đại lịch sử thế giới và các sự kiện quan trọng, ông thiên về phân tích cơ sở địa lý, có thể nói là lịch sử địa lý thế giới.

Phân kỳ lịch sử trong Bút ký sử học cũng khác với sự phân kỳ trong tác phẩm Lịch sử Phlorenxia. Tác phẩm Lịch sử Phlorenxia của Makiaveli là một trong những tư liệu quan trọng trong Bút ký sử học. Lịch sử Phlorenxia có tám tập. Hai tập đầu (tức phần dẫn luận) là lịch sử từ năm cuối của đế quốc Tây La Mã (khoảng năm 476 CN) tới thế kỷ XV, ghi chép sự xâm nhập của các tộc người dã man, những cuộc hỗn chiến giữa chúa phong kiến và những hành vi đê tiện của quân đánh thuê. Từ tập thứ ba trở đi là phần chính của sách, viết một mạch cho tới năm 1492, ghi lại các sự kiện trong 40 năm. Nhưng lời nói đầu lại nói về lịch sử gần một ngàn năm. Về mặt giản lược thời gian lịch sử thì giống với phương pháp nghiên cứu của Mác, khi bắt đầu tập thứ nhất của Bút ký sử học, ở đoạn lịch sử tự nhiên, đầu tiên Mác lược bỏ lịch sử 665 năm (xem tiết 2, mục “Nội dung cơ bản tập Bút ký thứ nhất”). Tại sao lại làm như vậy? Tại vì Makiaveli (1429 – 1527) là nhà sử học thời kỳ nghệ thuật phục hưng, trong tác phẩm đồ sộ của mình, ông không viết sử theo lối thuyết thần giáo thánh, mê tín của giáo hội thời trung cổ. Đúng như lời tựa viết cho lần xuất bản bằng tiếng Trung Quốc tác phẩm Lịch sử Phlorenxia đã viết: “Ông (chỉ Makiaveli) giải thích sự thay đổi lịch sử là do hành động của con người chứ không phải do ý chí của thượng đế”[8]. Những cuộc hỗn chiến giữa các chúa phong kiến. Sự gian tham của giáo hoàng, sự tàn ác của lũ cùng đinh được nói tới trong lời nói đầu đã được ông bình luận tỉ mỉ với thái độ của chủ nghĩa nhân văn trong suốt sáu tập sau. Có thể gọi sử học ở Makiaveli là sử học nhân văn.

Tác phẩm Lịch sử La Mã [tên đầy đủ: Lịch sử các cuộc nội chiến La Mã] của nhà sử học cổ La Mã Áppian (95-165 CN) là bộ chuyên sử. Nội dung trong tập thứ nhất của bộ sử này có liên quan tới những sự thật lịch sử chủ yếu trong tập thứ nhất Bút ký sử học của Mác. Ở đây, không nói về sự thật lịch sử, chủ yếu chỉ phân tích so sánh về phương pháp nghiên cứu lịch sử. Lịch sử La Mã (tập thứ hai) của Áppian chủ yếu nghiên cứu lịch sử nội chiến La Mã, có 5 phần. Có thể nói rằng, khởi điểm lịch sử có thể mô tả trong bộ Lịch sử La Mã của ông giống với khởi điểm lịch sử trong Bút ký sử học của Mác, đều bắt đầu từ đế quốc La Mã. Nhưng tác phẩm của Áppian chủ yếu nói về chiến tranh giành quyền lực giữa viện nguyên lão với các quan chấp chính và quan bảo hộ dân trong đế quốc La Mã, chủ yếu phân tích các cuộc đấu tranh tranh giành quyền lực giữa “tiền liên minh ba người” [tức liên minh giữa Xêda, Pompê và Craxút. Liên minh này chấm dứt sau khi Xêda, “hoàng đế” đế quốc La Mã thuộc chế độ nô lệ, bị giết trong một vụ mưu sát] và “hậu liên minh ba người” [là liên minh do cháu họ, đồng thời là con nuôi và người thừa kế Xêda là Ốctavian liên minh với Antôny, Lêpiđút để trả thù cho Xêda] và trong nội bộ các liên minh. Đúng như ông đã nói: “Người đứng đầu dùng biện pháp tàn ác để ngăn chặn tà ác, trở thành chúa tể duy nhất, lâu dài của đất nước”[9]. Nhằm làm sáng tỏ những cuộc đấu tranh giành địa vị chúa tể, ông chỉ ra rằng: “Sự thù địch về chính trị đã cao hơn nghĩa tình gia tộc rất nhiều. Cho nên, trong quá trình phát triển của tình hình, đế quốc La Mã cứ như tài sản riêng của họ vậy, bị ba người này chia nhau độc chiếm”[10]. Theo Áppian, ông viết Lịch sử La Mã là “để làm rõ những sự việc này xảy ra như thế nào, tôi viết bộ sử này là nhằm giúp cho những ai muốn biết cái dã tâm không cùng của họ, sự thèm khát đoạt quyền lực vô độ của họ, tinh thần bất khuất và tội ác của họ. Bộ sử này đáng để chúng ta học tập”[11].

Như vậy, ở Áppian có một quan điểm lịch sử cho rằng lịch sử chẳng qua là lịch sử tội ác chạy theo quyền lực của các nhân vật anh hùng.

Trong một số tác phẩm hiện đại viết về lịch sử thế giới, các tác giả thường chia thế giới thành lịch sử cổ đại, lịch sử cận đại và lịch sử hiện đại. Trong Bút ký sử học, phần nghiên cứu lịch sử châu Âu, Mác thường gọi là lich sử cổ đại, lịch sử trung cổ và lịch sử phục hưng nghệ thuật. Sự phân kỳ lịch sử trong Bút ký sử học của Mác vừa không theo truyền thống của các vị tiền bối, vừa không bắt chước người cùng thời. Mác tự nghiền ngẫm, trên cơ sở quan điểm duy vật lịch sử đã hình thành để vạch ra kế hoạch nghiên cứu lịch sử thế giới của mình. Đặc điểm này được thể hiện rõ hơn trong nội dung cơ bản của cả bốn tập bút ký.

 

 


 


[1] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t.19, tr.172.

[2] Xem: C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, t.45, tr.III.

[3] P.Phêđôxêép: C. Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Tam Liên, 1980, tr. 712.

[4] Hồ Vĩnh Khâm: “Tập bản thảo của C.Mác được nhiều người biết”, tạp chí Tình hình nghiên cứu lịch sử thế giới, số 4 năm 1992, tr .32.

[5] Cảnh Cần: “Bút ký sử học của C.Mác sắp ra mắt đầu tiên bằng tiếng Trung Quốc”, tạp chí Nghiên cứu C.Mác và Ph.Ăngghen, số 8 năm 1992, tr. 289.

[6] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, tr.1.

[7] C.Mác và Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, t. 23, tr. 34.

[8] N. Makiaveli (Italia): Lịch sử Phlorenxia, tiếng Trung Quốc, Nxb Thương vụ, 1982, tr.7.

[9] Áppian: Lịch sử La Mã, tiếng Trung Quốc, Nxb Thương vụ, 1976, t.2, tr. 2–3.

[10] Áppian: Lịch sử La Mã, tiếng Trung Quốc, Nxb Thương vụ, 1976, t.2, tr. 4.

[11] Áppian: Lịch sử La Mã, tiếng Trung Quốc, Nxb Thương vụ, 1976, t.2, tr. 5.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt