Triết học nhân học

Con người với tính cách là khách thể tác động của công nghệ

 

 

CON NGƯỜI VỚI TÍNH CÁCH LÀ

KHÁCH THỂ TÁC ĐỘNG CỦA CÔNG NGHỆ

 

B.G. JUDIN

 

Các vùng biên trong sự tồn tại của con người

Đối tượng thảo luận trong bài viết này là vấn đề cơ bản, không có gì phải nghi ngờ: con người là gì? Đương nhiên tôi không có ý định đưa ra một định nghĩa mới nào đó về con người – sẽ là quá tự tin nếu định làm điều đó. Nhiệm vụ của tôi khiêm tốn hơn nhiều: chỉ là khẳng định một thực tế rằng sự phát triển các công nghệ y sinh đã làm cho cái vấn đề triết học (thường được coi là trừu tượng) này trở thành một vấn đề hoàn toàn thực dụng trong đời sống thường ngày của chúng ta. Phải đụng đầu với nó không chỉ là các nhà nghiên cứu về các công nghệ sinh học mới mà cả những người dân bình thường tiếp xúc với các công nghệ này.

Cách tiếp cận của tôi sẽ dựa trên khái niệm tình huống tới hạn hay áp biên. Khái niệm này mang tính chất liên bộ môn, được ứng dụng rộng rãi trong cả các khoa học tự nhiên lẫn các khoa học xã hội. Có tồn tại các tình huống tới hạn khi chúng ta ở vào ranh giới giữa hai hoàn cảnh. Thí dụng rõ rệt nhất – sự chuyển hóa của nước từ trạng thái liên kết này sang một trạng thái liên kết khác, chẳng hạn, từ rắn sang lỏng (sự tan băng). Trong nhiệt động học sự chuyển biến như vậy được gọi là sự chuyển hóa trạng thái.

Nếu xem xét sự chuyển hóa tương tự không cần đến sự chi tiết hóa không cần thiết, từ tầm cao chim bay, thì chúng ta chỉ phân biệt được sự đột biến nào đó – là tảng băng mà qua một thời gian nào đó thì chuyển thành một khối lựng chất lỏng nhất định. Nhưng một cái nhìn chăm chú hơn sẽ cho phép nhận ra không ít điều thú vị – những thứ được nghiên cứu với sự chú ý kỹ càng nhất trong nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên (nếu nói về các hiện tượng). Thông thường chuyển biến trạng thái là quá trình qua nhanh, được đặc trưng bằng trạng thái không ổn định của hệ thống. Hậu quả quan trọng của tính không ổn định đó nằm ở chỗ, sự phụ thuộc giữa cường độ tác động vào hệ thống và phản ứng của nó trước những tác động đó thường là phi tuyến tính, cho nên những tác động tương đối yếu cũng có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng, dẫn đến những biến đổi căn bản trạng thái của hệ thống.

Ngay cả các khoa học nghiên cứu xã hội loài người và lịch sử của nó cũng liên quan tới những hiện tượng tương tự. Và ở đây chúng ta ghi nhận những “chuyển biến trạng thái” khi sự tồn tại tương đối ổn định của tổ chức xã hội được thay bằng thời kỳ biến đổi cách mạng nhanh chóng và dữ dội. Trong các điều kiện không ổn định, điều hoàn toàn có thể là những quá trình nào đó diễn ra ở cấp độ vi mô kéo theo những hậu quả sâu sắc thể hiện trên quy mô rất đáng kể, thậm chí là toàn cầu.

Cần đặc biệt nhấn mạnh điều sau đây: trong cả các hệ thống tự nhiên lẫn xã hội, những nhiễu loạn yếu diễn ra trong giai đoạn chuyển biến trạng thái cũng có thể gây ra những thay đổi đáng kể. Việc chú ý tới đặc điểm của các quá trình chuyển biến là quan trọng không chỉ trong nghiên cứu các hệ thống này mà cả trong tìm kiếm các công nghệ hữu hiệu để tác động tới chúng. Đây phần nhiều chính là cơ sở của sự chú ý đang tăng nhanh lên nhanh chóng trong khoa học hiện đại đối với các trạng thái và tình huống loại này. Đến lượt mình, chính sự quan tâm ngày càng tăng đối với các khả năng công nghệ đang được mở ra ở đây đã quyết định các phương hướng ưu tiên của nhận thức khoa học và chính các hệ thống và trạng thái này.

Quay trở lại vấn đề được đặt ra ở đầu bài viết, cần nhận xét rằng, điều nói trên về các tính huống chuyển biến có thể áp dụng được cả cho con người. Ngày nay nó ngày càng trở thành đối tượng của những tác động khác nhau được thực hiện với sự trợ giúp của các công nghệ tương ứng. Có cơ sở để khẳng định rằng, việc tạo ra các công nghệ mới, hữu hiệu hơn để tác động vào con người trong thời đại ngày nay đã trở thành một trong những khuynh hướng có ý nghĩa nhất của tiến bộ khoa học – kỹ thuật. Mà điều này có ý nghĩa là, thu hút sự chú ý đặc biệt là các vùng biên mà trong phạm vi của nó sự can thiệp công nghệ có thể đặc biệt có hiệu quả.

Áp dụng vào nhận thức về con người, các vùng biên đó có ý nghĩa còn là vì quay về với chúng cho phép chúng ta hiểu rõ hơn con người là gì. Vì chính trong các tình huống áp biên thì những nét quyết định nào đó của khách thể mà chúng ta quan tâm thường thể hiện rõ nhất. Cũng chính trong trường hợpp đó, các tình huống áp biên vốn là ranh giới giữa bản chất riêng của con người và những gì không phải như vậy sẽ làm chúng ta quan tâm. Biến các tình huống áp biên kiểu đó thành điểm tính, chúng ta có thể cố nhận ra con người là gì, một mặt tựa hồ ở bên trong cái tính người này, còn mặt khác, nhìn nó từ bên ngoài. Áp dụng với con người, ngày nay các công nghệ y sinh hóa ra là người tiếp liệu cho các tình huống tới hạn tương tự. Chúng được phát triển và ứng dụng đặc biệt tích cực để thực hiện các thao tác trong các vùng biên đầy rẫy những khả năng khác nhau nhất. Thiết tưởng, chính việc áp dụng các công nghệ y sinh này vào các vùng này phần nhiều đã làm cho vấn đề con người là gì ngày nay cực kỳ thời sự, có thể quyết định các hình thức đặcbiệt trong cách đặt và suy nghĩ về vấn đề này.

Đây là một số thí dụ như vậy. “Hiệp ước về bảo vệ quyền con người và sự tôn nghiêm của sinh thể người liên quan đến việc ứng dụng các thành tựu sinh học và y học: Hiệp ước về quyền con người và y sinh học” được Hội đồng châu Âu thông qua năm 1997 đã trở thành văn kiện bắt buộc về mặt luật pháp đầu tiên kêu gọi điều chỉnh việc tạo ra và ứng dụng các công nghệ y sinh. Theo điều 1 của văn kiện này – là điều mở ra đối tượng và mục tiêu của nó – “Khi ứng dụng các thành tựu y học và sinh học, các bên của hiệp ước cam kết bảo vệ sự tôn nghiêm và cá tính của mỗi sinh thể người và bảo đảm với mỗi sinh thể người, không có sự phân biệt, là sẽ tôn trọng tính toàn vẹn và bất khả xâm phạm của cá tính của nó và tuân thủ các quyền và các tự do cơ bản khác”.

Như có thể thấy rõ qua nội dung bài viết này, ý nghĩa của nó phụ thuộc bằng phương thức căn bản nhất vào điều là, “sinh thể người” và “mỗi” (người) sẽ được hiểu như thế nào. Mà trong khi đó Hiệp ước không đưa ra định nghĩ về cáckhái niệm “con người” (chelovek) và “sinh thể người” (chelovecheskoe sushestvo). Về mặt này, Báo cáo thuyết minh, một văn kiện giải thích các luận điểm của Hiệp ước đã chỉ ra: “Hiệp ước không đưa ra định nghĩa về thuật ngữ “mỗi” (trong tiếng Pháp là “toute personne”). Hai thuật ngữ tương đương nhau và được dùng trong các phương án tiếng Anh và tiếng Pháp của Hiệp ước châu Âu về các quyền con người, nhưng trong đó cũng không có định nghĩa về chúng. Trong tình hình thiếu sự nhất trí giữa các nước thành viên Hội đồng châu Âu về định nghĩa các thuật ngữ này, một quyết định đã được đưa ra: để áp dụng hiệp ước này, việc định nghĩa về chúng là tùy thuộc kiến giải của luật pháp quốc gia của các nước”. Như vậy, Hội đồng châu Âu không nhận về mình dũng khí đưa ra định nghĩa bắt buộc về mặt luật pháp cho các khái niệm “con người” và “sinh thể người”.

Một thí dụ nữa. Mấy năm trước, Ginda Glenn, chuyên gia Mỹ về đạo đức sinh học đã nhận xét: “Mấy năm gần đây đã sản sinh một số thành tựu khoa học mà trước đây chúng ta liệt vào lĩnh vực viễn tưởng khoa học. Từ di chuyển hạt nhân tế bào tới mang thai ngoài cơ thể, từ những con chíp được cấy vào não người đến các cơ thể di chuyển gen, từ cơ thể điều khiển học (kiborg) đến thể khảm (khimera) – các bước tiếp theo trong tiến hóa của chúng ta là như vậy. Những phát minh trong tương lai rõ ràng làm thay đổi quan niệm của chúng ta về vấn đề “con người là gì”. Ngày nay không thể cấp bằng sáng chế ra các sinh thể người, nhưng chính khái niệm “sinh thể người” vẫn cần được tòa án hay người làm luật định nghĩa”. Tôi nhất trí với những lời nói này, nhưng có sửa lại chút ít: theo tôi, để định nghĩa khái niệm này, không chỉ các luật sư và người làm luật, mà cả giới chuyên gia rộng rãi, kể cả các nhà triết học, đều cần tham gia.

Tiếp theo xin nói về 4 vùng biên, mặc dù điều đó hoàn toàn không có nghĩa là chúng không thể nhiều hơn. Đúng là có thể tìm ra những vùng biên khác mà liên quan tới chúng có thể đặt ra chính vấn đề này. Theo mức độ chúng ta tiếp cận một vùng nào đó trong số các vùng biên này từ bên trong, chúng ta sẽ có ít căn cứ hơn để khẳng định dứt khoát rằng chúng ta vẫn liên quan tới con người. Còn khi đi qua biên giới ngoài của vùng này, chúng ta có quyền vững tin khẳng định rằng “đây” không còn là con người nữa. Ở lại bên trong vùng biên, chúng ta mất đi các định hướng rõ ràng cho phép quyết định một cách đơn nghĩa, chúng ta có liên quan tới con người hay là không. Từ quan điểm này có thể nói về các vùng biên như là các vùng không xác định.

Con người giữa sự sống và cái chết

Vậy thì các vùng này là như thế nào? Thứ nhất là vùng phân bố giữa sự sống và cái chết của sinh thể người cá thể. Vùng thứ hai dự báo sự ra đời của sinh thể người cá thể. Vùng thứ ba phân chia (hay có thể là liên kết?) con người và động vật. Và thứ tư là vùng có thể là phân chia mà cũng có thể là liên kết con người và máy móc.

Trong mỗi vùng này, nếu cố chăm chú nhìn vào chúng, chúng ta sẽ phát hiện được những quá trình rất lý thú, thường là dữ dội mà dần dà con người bắt đầu kiểm soát được với sự trợ giúp của các công nghệ y sinh. Hóa ra những gì mà nhìn bề ngoài giống như là chốc lát thì giờ đây hiện ra như là một chuỗi hoàn chỉnh các hiện tượng và quá trình gắn kết với nhau, còn ở vị trí của những gì mà chúng ta tưởng như là sự kiện dạng điểm (tochechnoe sobytie) thì lại là một lĩnh vực rộng lớn mà trong ranh giới của nó các công nghệ y sinh cho phép thực hiện các kiểu thao tác khác nhau.

Một trong những thí dụ về những thao tác tương tự liên quan đến một trong những vùng biên được nêu trên kia là việc chẩn đoán “cái chết não”. Nó được ghi nhận khi não ngừng hoạt động, hơn nữa tình huống này mang tính chất bất khả nghịch đảo. Nhưng vấn đề ở chỗ, các công nghệ y sinh ngày nay cho phép bảo đảm trong thời gian khá dài được tính bằng giờ và ngày cho các quá trình và chức năng sinh học nào đó trong cơ thể. Nếu bệnh nhân được nối với máy “tim-phổi nhân tạo” thì anh ta có thể giữ được tuần hòa và hô hấp khi tim và phổi không thực hiện các chứng năng của mình nữa. Đây là một trạng thái nhân tạo mà tự bản thân tự nhiên không bảo đảm được. Mà nếu học được và duy trì được trạng thái nhân tạo này thì xem ra chúng ta có thể tiến hành các thao tác khác nhau với cơ thể ở trong trạng thái đó.

Trước hết, khả năng duy trì sự sống của con người trong điều kiện tuần hoàn và hô hấp tự nhiên ngừng hoạt động có nghĩa là các trạng thái mà trước đây gắn với cái chết thì giờ đây lại tỏ ra là ngược lại trong các phạm vi căn bản. Mà chính vì thế, ngay cả cái chết của con người cũng bị đẩy lùi, cho nên khi cố gắng trả lời câu hỏi “con người là gì?”, chúng ta không thể dễ dàng và đơn giản coi hô hấp và (hay) tuần hoàn tự động như là một trong những dấu hiệu không thể tách rời của nó được.

Hơn thế, đã tạo ra được những công nghệ để một mặt ngắt sự tuần hoàn và hô hấp này khi dừng sự hoạt động có nghĩa là các trạng thái mà trước đây gắn với cái chết thì lại tỏ ra là ngược lại trong các phạm vi căn bản. Mà chính vì thế, ngay cả cái chết của con người cũng bị đẩy lùi, cho nên khi cố trả lời câu hỏi “con người là gì?”, chúng ta không thể dễ dàng và đơn giản coi hô hấp và (hay) tuần hoàn tự động như là một trong những dấu hiệu không thể tách rời của nó được.

Hơn thế, đã tạo ra được những công nghệ để một mặt ngắt sự toàn hoàn và hô hấp này khi dừng sự hoạt động bình thường của tim và phổi, và mặt khác, ngược lại, khởi động một cách nhân tạo sự vận hành bình thường của chúng. Chính bằng cách ấy đã mở ra khả năng tiến hành những thủ thuật ngoại khoa chẳng hạn như phân lưu động mạch chủ cho phép phục hồi việc cung cấp máu cho cơ tim. Bệnh nhân được cắt một đoạn mạch máu, chẳng hạn một mẩu ven ở chân, sau đó đó được nối vào động mạch vành của chính bệnh nhânh như là kênh (phân lưu) vòng quanh. Ngoài ra trong thời gian tiến hành tất cả các thủ thuật ngoại khoa, mất khoảng một số giờ, dòng máu tự nhiên ở bệnh nhân ngừng lại, như thế, theo các tiêu chí truyền thống về cái chết, phải coi bệnh nhân này là đã chết. Trong thời gian gần đây, việc phân lưu động mạnh chủ đã cho phép đẩy lùi ranh giới giữa sự sống và cái chết cho hàng triệu người trong cả hàng thập kỷ.

Khả năng thực hiện tất cả các thủ thuật này chứng minh rằng, vùng biên giữa sự sống và cái chết của sinh thể người đã mở rộng, hơn nữa, không hẳn ở ý nghĩa vật thể, mà đúng hơn là ở ý nghĩa công nghệ. Còn một lĩnh vực mở rộng của nó gắn với việc sử dụng các cơ quan và các mô hình của người bệnh được chẩn đoán “chết não” để cấy ghép cho người bệnh khác. Chỉ với việc tiếp nhận tiêu chí này thì việc thu hồi các cơ quan như tim, phổi, gan từ cơ thể của người được chẩn đoán như vậy mới trở thành có thể. Vì việc lấy các cơ quan này từ cơ thể người bệnh còn sống, tức là người không được chẩn đoán là chết não (và chưa được xác nhận về mặt pháp lý) sẽ được xếp vào loại giết người.

Còn nếu như sự chẩn đoán đó được đưa ra thì việc thu hồi không chỉ những cơ quan và mô này mà cả nhiều cơ quan và mô khác sẽ trở thành một thủ thuật hoàn toàn có thể chấp nhận: những cơ quan và mô thu hồi được có thể được sử dụng cho các mục tiêu trị liệu để giúp những người bệnh khác.

Sự xuất hiện và sau đó sự mở rộng vùng thủ thuật trong không gian giữa sự sống và cái chết cũng đẻ ra nhiều vấn đề về mặt đạo đức mà các nhà đạo đức sinh học nghiên cứu. Ngoài ra, như lịch sử phát triển của nó cho thấy, các vấn đề được bốc lên khá mạnh đã có được cách giải quyết cuối cùng vừa ý tất cả mọi người. Thông thường những vấn đề này – liệu chúng có liên quan tới việc cho và cấy ghép các cơ quan, tới khả năng táchngười bệnh khỏi các cơ chế duy trì sự sống, cho phép thực hiện các thí nghiệm di truyền học khác nhau hay là can thiệp vào gen của con người… hay không – liên tục trở thành vũ đài của sự đụng độ giữa các lập trường đối lập nhau, của sự tìm kiếm không ngơi nghỉ các giải pháp có thể chấp nhận được. Và một trong những căn cứ chủ yếu mà các giải pháp được đề xuất dựa vào lại chính là quan niệm của chúng ta về vấn đề “con người là gì?”. Liệu có thể cho rằng cái sinh thể được chẩn đoán là chết não đó đã không còn là người nữa hay không nếu chúng ta nhận thấy tận mắt rất nhiều dấu hiệu hoạt động sinh học của cơ thể anh ta?

Rõ ràng dẫn dắt những tìm kiếm này của chúng ta về câu trả lời cho vấn đề này nói chung không phải là sự tò mò vô tích sự, mà là sự suy tính hoàn toàn thực tiễn. Chỉ vì chúng ta thừa nhận rằng sinh thể này không còn là con người, con người sống nữa chúng ta mới có thể thực hiện những thủ thuật như là lấy và sau đó sử dụng các cơ quan và mô của sinh thể này và ngắt thiết bị duy trì sự sống.

Vì khi chúng ta nói rằng sinh thể đó là người, chúng ta không đơn giản ghi nhận những tiêu chí khách quan nào đó cho phép chẩn đoán cái chế não. Chúng ta cũng bày tỏ lập trường giá trị của chúng ta mà trên cơ sở đó chúng ta xác định những thủ thuật nào thì sẽ có thể chấp nhận về mặt đạo đức, còn những thủ thuật nào thì không. Và vì con người có những giá trị khác nhau, đôi lúc hoàn toàn xung khắc nhau, trong những tình huống như vậy, muốn tìm ra một giải pháp thỏa mãn tất cả mọi người là điều rất không đơn giản.

Thí dụ của chúng tôi về vùng biên giữa sự sống và cái chết thể hiện rất rõ điều này. Quả là vào những năm 60 của thế kỷ XX khi lần đầu tiên tiêu chí mới về cái chết được đề nghị bổ sung vào các tiêu chí truyền thống mà theo đó cái chết được ghi nhận, hoàn toàn không phải tất cả mọi người đều sẵn sàng chấp nhận nó. Mọi người đều biết ở Liên Xô, V.P. Demikhov đã tiến tiến hành những nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực cấy ghép, thí nghiệm trên chó. Chẳng hạn ngay vào năm 1946 ông đã tiến hành cấy ghép tim và sau đó cả tổ hợp tim – phổi. Và chẳng bao lâu sau khi bác sĩ Nam Mỹ K. Barnard tiến hành ca cấy ghép tim thành công đầu tiên trên thế giới từ người sang người vào năm 1967 thì ở Liên Xô cũng thực hiện thủ thuật tương tự nhưng đúng là đã không thành công. Việc cấy ghép tim ở Liên Xô đã bị gián đoạn gần 20 năm. Và nguyên nhân là bộ trưởng y tế Liên Xô lúc bấy giờ, viện sỹ B.V. Petrovskij – nhân tiện nói thêm, chính ông là nhà phẫu thuật tim xuất sắc, vì những căn cứ đạo đức đãkhông thể chấp nhận tiêu chí cái chết não. Ông lập luận đại thể như thế nào: “Làm sao đối với cái con người vẫn duy trì được hô hấp và tuần hoàn, dù là bằng những phương tiện nhân tạo, mà chúng ta lại coi là anh ta đã chết?”. Kết quả là ở Liên Xô, thủ thuật thành công về cấy ghép tim chỉ được thực hiện vào năm 1987 bởi Viện sỹ V.I. Shumakov. Cũng chính tiêu chí về cái chết não đã được hợp pháp hóa với mức độ đầy đủ ở Nga hiện nay [Luật Liên bang Nga “Về cấy ghép các cơ quan và (hoặc) mô người” năm 1992].

Về mặt này, nước Nga hoàn toàn không phải là duy nhất. Chẳng hạn ở Nhật Bản, việc tán thành về mặt luật pháp, mà đúng hơn, về mặt đạo đức tiêu chí này cũng đã có không ít phức tạp. Có những người cho đến nay vẫn không muốn chấp nhận nó. Nhưng bây giờ cho phép chúng tôi thử đặt vấn đề: thế cái gì và ai có thể ép buộc người không tín ngưỡng đó chấp nhận tiêu chí về cái chết não?

Vâng, các học giả, các nhà sinh học và các nhà y học đã khẳng định rằng sinh thể người ở trong trạng thái đó là đã chết. Nhưng một trong những người không đồng ý như vậy – chúng ta gọi anh ta là người không tín ngưỡng Foma – một người bình thường, nhìn thấy rằng, người thân của anh ta nằm trên giường bệnh, vẫn thở (dù là nhờ thiết bị nhân tạo) và mạch vẫn đập… Và khi các bác sĩ nói rằng người thân của anh ta đã chết, Foma không đồng ý với họ, anh ta không muốn tin vào lời người khác, mà muốn tin vào mắt mình.

Ta đi tiếp, các luật gia tham gia vào công việc và tiếp theo họ là các nhà làm luật. Một bộ luật tương ứng được thông qua, hợp pháp hóa tiêu chí đó. Giờ đây đằng sau nó là quyền uy không chỉ của các nhà bác học mà cả của nhà nước. Liệu điều đó có nghĩa là giờ đây Foma của chúng ta nhất trí với nó có thể nói là từ bên trong, theo niềm tin của mình? Tôi không tin là như vậy.

Và quả thật có những người không muốn chấp nhận tiêu chí này. Đương nhiên có thể coi họ là lạc hậu, u tối, nhưng vấn đề vẫn còn đó; liệu có thể buộc họ nhất trí với tiêu chí cái chết não, buộc họ coi sinh thể người vẫn duy trì tuần hoàn và hô hấp là đã chết?

Ở đây có thể so sánh Foma của chúng ta với người vô học không chịu thừa nhận rằng trái đất quay quanh mặt trời chứ không phải là ngược lại. Đương nhiên chúng ta có thể chê cười con người như vậy, nhưng liệu có ý nghĩa gì không việc thông qua một bộ luật ép buộc thừa nhận một hệ thống nhật tâm? Một bộ luật như vậy chẳng còn đáng buồn cười hay sao? Trong thực tế, cho tới bây giờ, các quan niệm và niềm tin của Foma chưa gây tổn thất cho ai đó khác, chúng vẫn là việc riêng của anh ta.

Trở lại tiêu chí của chúng ta, có thể nhận xét rằng ở một số nước, bộ luật chưa đòi hỏi tính phổ biến của nó. Trong trường hợp này, nếu ai đó từ chối thừa nhận tiêu chí cái chết não, lập trường của anh ta được thừa nhận, còn cái chết của người thân của anh ta sẽ được xác định phù hợp với các tiêu chí truyền thống.

Như chúng ta thấy, mọi thứ bắt đầu từ chỗ là, người ta đã tạo ra được các công nghệ y sinh cho phép đấu tranh kéo dài sự sống của con người nhằm đẩy lùi những trạng thái nào đó mà trước kia là cuối cùng, để đời sống con người có thể tiếp nối thêm. Chắc gì ai đó sẽ tranh cãi rằng, mục tiêu được theo đuổi ở đây là tốt đẹp nhất. Còn sau đó, khi những công nghệ này bắt đầu được áp dụng, chúng ta sẽ quan sát thấy cả những khả năng mới nào đó mà ban đầu chưa hiện rõ. Và kết quả là chúng ta sẽ phát hiện ra những con đường phát triển, những quỹ đạo đẻ ra không chỉ là những khả năng mới mà cả những vấn đề luân lý – đạo đức mới.

Vùng sinh sản

Bây giờ chúng ta chuyển sang một vùng biên khác xuất hiện trước sự ra đời của sinh thể người cá thể mới. Nói một cách thô lược, có thể giới hạn khoảng cách này một mặt bằng yếu tố dung hợp tinh trùng và tế bào trứng và mặt khác, bằng yếu tố ra đời của đứa trẻ từ trong bụng người mẹ. Ở đây các công nghệ y sinh cũng tác động trong những thập kỷ gần đây. Toàn bộ thời kỳ này, như mọi người đều biết, kéo dài 28 tuần, số tuần này tuy vậy không đồng nghĩa về tính hiệu quả của những vi tác động lên cơ thể đang phát triển: càng gần giai đoạn bắt đầu, những tác động này càng có kết quả. Cùng với đó, về mặt giá trị – đạo đức, sự việc diễn ra như sau: càng gần lúc sự phát triển trong bụng mẹ kết thúc, những tác động công nghệ bên ngoài lên cơ thể được coi là càng ít dung nạp được về mặt thời gian.

Cần lưu ý một điểm không kém phần quan trọng. Giống như trong vùng kết thúc đời sống con người, ở đó một số tác động quan trọng về mặt công nghệ trùng với thời gian cái chết được ghi nhận, trong vùng khởi đầu sự sống, nhiều tác động có ý nghĩa lên tế bào sinh dục của đàn ông và đàn bà cũng diễn ra cho tới thời điểm liên kết chúng.

Nhà sinh lý học người Anh Robert Edwards, một trong những người cha sáng lập các công nghệ phụ trợ sinh sản, chẳng hạn phương hướng được gọi là thụ thai ngoài cơ thể, đã nhận giải Nobel Y học năm 2010. Và vùng này cũng là đối tượng quan tâm chăm chú nhất cả về mặt khoa học lẫn về mặt xã hội, từ đó đẻ ra khối lượng nghiên cứu khoa học đồ sộ.

Các nghiên cứu trong lĩnh vực sinh sản nhân tạo dẫn tới xuất hiện hàng loạt công nghệ mới. Và tự nhiên là cùng với sự phát triển của các công nghệ này thì cũng xuất hiện những vấn đề mới: vậy thứ mà các nhà bác học thao tác trong ống nghiệm đã là sinh thể người hay chưa?

Ngày nay người ta nói đặc biệt nhiều về vấn đề tế bào thân phôi thai. Để nhận được chúng, cần, chẳng hạn, sử dụng sự sống con người đang nẩy sinh. Hay một vấn đề nữa: liệu có thể (từ quan điểm đạo đức chứ không phải kỹ thuật – khả năng kỹ thuật về việc này thì đã rõ) tạo ra các phôi thai người cho các mục đích nghiên cứu? Điều 18, phần 2 Hiệp ước về các quyền con người và về y sinh học (thường chỉ gọi đơn giản là Hiệp ước về đạo đức sinh học) đã đề cập có nói: “Cấm tạo ra các phôi thai người nhằm mục đích nghiên cứu”. Nhưng, chẳng hạn, Anh không tán thành hiệp ước này, vì ở đó người ta cho rằng các thủ thuật với phôi thai trong chừng mực nào đấy là chấp nhận được. Đương nhiên việc tiến hành các thủ thuật này được điều chỉnh chứ không phải là “tất cả đều được phép”. Nhưng không có những cấm đoán khắt khe. Ở Anh có một cơ cấu đặc biệt tác động: Cơ quan Điều chỉnh vấn đề Thụ tinh và Phôi thai học (Human Fertilisation and Embryology Authority – HFEA). Nó chịu trách nhiệm cấp phép và kiểm tra các bệnh viện thụ tinh nhân tạo và tất cả các nghiên cứu tiến hành trên đất nước về phôi thai người và bảo đảm thông tin cho xã hội vấn đề này.

Cả trong luật pháp Nga cũng không có cấm đoán việc tạo ra các bào thai nhằm mục đích nghiên cứu và đây là một trong các căn cứ để theo đó Vụ Pháp chế Bộ Y tế và Phát triển xã hội Liên bang Nga phản đối việc Nga tham gia Hiệp ước về đạo đức sinh học. Đúng là ở nước Nga không có cả một cơ quan giống như HFEA, thành thử từ quan điểm pháp lý, nếu không phải là tất cả thì là rất nhiều thủ thuật với vật liệu phôi thai đã được cho phép bất kể chúng được đánh giá về mặt đạo đức như thế nào.

Sự xuất hiện của các công nghệ cho phép thực hiện các thủ thuật tương tự trước hết được quyết định bởi mục tiêu trợ giúp về mặt y học cho các cặp vợ chồng vô sinh. Nói cách khác, câu chuyện liên quan đến việc ứng dụng về mặt trị liệu các công nghệ này. Ngoài ra, sự phát triển của chúng mở ra những khả năng mới, trong đó kể cả các khả năng phi trị liệu.

Ta hãy xem xét thí dụ về khoa chẩn đoán tiền cấy ghép (preimplantacionnaja). Chính khả năng của nó xuất hiện khi công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm được nghiên cứu. Nếu thụ tinh diễn ra trong ống nghiệm thì ngay lập tức một số tiền phôi bắt đầu phát triển, những tiền phôi này sau đó có thể được cấy vào cho người phụ nữ để thai nhi phát triển ở người đó. Chẩn đoán tiền cấy ghép được nghiên cứu để lựa chọn những tiền phôi đó.

Và tiếp theo, công nghệ bắt đầu phát triển theo logic của nó: thì ra, có thể không đơn giản là lựa chọn những tiền phôi không có khuyết tật, mà lựa chọn tiền phôi nào mà trong quá trình phát triển của mình được chuyển thành đứa trẻ có những đặc điểm xác định nào đó hấp dẫn đối với cha mẹ của nó. Hóa ra là có thể tìm đến công nghệ trợ giúp sinh sản (thụ tinh trong ống nghiệm) này không phải vì cơ quan sinh sản của người phụ nữ hay đàn ông có những khuyết tật nào đó, mà vì khả năng chọn lọc đã xuất hiện. Nói cách khách, việc thựchiện hóa – dù mới ở cấp độ gia đình riêng lẻ – các dự án ưu sinh học để cải thiện thế hệ sau trong thực tế đã trở nên có thể. Và lúc đó hóa ra người ta có thể đi tới thụ tinh trong ống nghiệm không phải vì các mục đích trị liệu, mà là để có được khả năng chọn lọc như vậy.

Đề tài sau đây bắt đầu được thảo luận: giả sử công nghệ này được phổ biến rộng rãi và có thể tiến hành sự chọn lọc tiền cấy ghép những tiền phôi theo những gen bảo đảm trình độ trí tuệ cao. Trong bối cảnh đó có thể nghĩ đến một kịch bản trong tương lai tương đối không xa: từ lúc các công nghệ chọn lọc đó được mọi người chấp nhận, trải qua 20 năm, và một đứa trẻ được đẻ ra theo cách thông thường, không thụ tinh trong ống nghiệm, giờ đã là một thanh niên, hỏi cha mẹ: “Tại sao trước đây cha mẹ không quan tâm đến con chu đáo? Mọi người xung quanh con tài năng về trí tuệ như thế, phát triển như thế, còn riêng con xoàng xĩnh và hạn chế, vì cha mẹ hoặc là tiếc tiền cho việc thụ tinh trong ống nghiệm và chẩn đoán, hoặc là nói chung chẳng nghĩ gì đến việc này”. Như vậy xuất hiện một tình huống khi công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm trở nên chiếm ưu thế, nhưng không theo các căn cứ y học, mà hoàn toàn theo các căn cứ khác.

Con người nhân tạo?

Cuối cùng, còn một vùng nữa chưa xác định – giữa con người và máy móc. Việc phân định vùng này không đơn giản như thế, vì theo cách hiểu rộng, có thể hình dung thứ đồ tạo tác nào đó, thứ dụng cụ nào đó, thiết bị nào đó được con người tạo ra và (hoặc) sử dụng như là sự tiếp nối nhân tạo nó.

Có thể nghĩ, có một sự hạn chế không có gì là quá đáng: sự hạn chế mà theo đó chỉ có những cơ cấu là những vật giống nhau về mặt kết cấu hay chức năng, các vật thay thế các cơ quan này khác của con người mới được xem xét. Các tác động công nghệ trong vùng này cũng có thể mang tính chất trị liệu. Thí dụ đơn giản nhất là cặp kính mà chúng ta sử dụng khi có vấn đề về thị lực. Ở đây cặp kính đóng vai trò là kết cấu nhân tạo có chức năng tăng cường cho mắt, cơ quan thị giác tự nhiên đã bị suy yếu về chức năng. Một thí dụ khác – chân giả thay thế chân người đã bị mất do tai nạn xe cộ cũng có thể cải thiện đáng kể chất lượng sống của người đó. Ở đây chúng ta bàn tới sự giống nhau không chỉ về chức năng mà cả về kết cấu giữa cơ quan tự nhiên và kết cấu nhân tạo thay thế cơ quan đó.

Theo quan điểm của nhà triết học Hà Lan gốc Mỹ J. Anderson, có thể vạch ra sự khác nhau giữa hai thí dụ này trên cơ sở “tiêu chí về tính xâm tập”: liệu thứ kết cấu này hay khác có xâm nhập vào cơ thể con người hay không. Khác với thí dụ đầu, trong thí dụ thứ hai ta nói đến thứ kết cấu “phá vỡ ranh giới giữa cái nằm bên trong con người và cái nằm ngoài nó”. J. Anderson sử dụng tiêu chí này khi thảo luận vấn đề: làm thế nào để có thể phân biệt những tác động công nghệ lên con người có khuynh hướng trị liệu và những tác động theo ý nghĩa ưu sinh học nhằm cải thiện nó. Không khó nhận thấy, vấn đề nằm ở tính gần gũi trực tiếp với điều được đặt ra ở đầu bài viết. Quả thực khi đưa ra câu trả lời này khác cho câu hỏi: tác động công nghệ nào đó lên con người mang tính chất trị liệu hay nó được hướng tới việc cải thiện con người (đương nhiên cải thiện được hiểu theo ý nghĩa ưu sinh học hay, có thể, theo ý nghĩa siêu-nhân-học [transgumanisticheskij]), chúng ta dựa trên quan niệm xác định về vấn đề “con người là gì”. Trong trường hợp đó, vấn đề này có thể chuyển thành: các giới hạn mà vượt qua chúng chúng ta sẽ liên quan không phải với con người mà với cái gì đó khác là như thế nào.

Theo tôi, Anderson hoàn toàn đúng khi chống lại ý đồ mở ra trong chính các hiện tượng những tuyến phân giới cho phép phân biệt trị liệu với cải thiện hoặc phân biệt quản lý tính đồng nhất của con người nhờ sự trợ giúp của các phương tiện được quản lý với việc phục hồi cái “tôi” chân chính. Quả thực chúng ta không hẳn rút ra những tuyến phân giới đó ra từ chính các hiện tượng, mà đúng hơn là chúng ta vạch ra chúng khi chúng ta tuân theo những quy định của nền văn hóa của mình, các hệ thống giá trị và đạo đức của mình. Mà ở đâu những quy định và hệ thống này không cho phép đi tới những quyết định đơn nghĩa, chúng ta buộc phải tiến hành đối thoại, tìm ra những thỏa hiệp.

Đồng thời Anderson có thái độ phê phán cả đối với tiêu chí tính xâm tập, cho rằng nó không thỏa mãn cả theo quan điểm siêu hình lẫn quan điểm đạo đức. Về mặt này, theo tôi lập trường của ông không có sức thuyết phục. Quả thực, ngay cả khi thừa nhận tính khả nghi có tính siêu hình và đạo đức của tiêu chí tính xâm tập, chúng ta cũng tuyệt nhiên không buộc phải hoàn toàn khước từ nó. Bởi nó có tính thuyết phục nhất định, ít nhất là ở cấp độ ý thức thường nhật, và dù có tính không chặt chẽ, nó có thể có ích về mặt gợi mở. Quả là trong trường hợp này, nó không hẳn là tiêu chí mà đúng hơn là chỉ báo gợi ý các phương hướng tìm kiếm có triển vọng các câu trả lời cho câu hỏi mà chúng ta đang quan tâm.

Bài viết của Anderson xem xét các vấn đề đạo đức gắn với việc sử dụng các bộ phận giả thần kinh (nejroprotez), các kết cấu cho phép cá nhân thực hiện một số chức năng vốn có ở con người. Thí dụ đơn giản nhất ở đây là chiếc gậy đóng vai trò bộ phận giả thần kinh đối với cá nhân mù, vì nó đem lại khả năng phục hồi phần nào khả năng đã bị mất về định hướng không gian. Tuy nhiên về mặt này Anderson phân tích cả một số kết cấu tinh tế hơn như các máy tính cho phép ghi nhận, phân biệt và lĩnh hội các sắc thái tinh tế nhất khi dàn nhạc trình tấu các tác phẩm âm nhạc.

Việc trở về với các bộ phận giả thần kinh và nói chung là với các kết cấu được gắn theo cách này hay cách khác với việc xử lý thông tin cho phép chúng ta chuyển theo cách hoàn toàn tự nhiên từ các công nghệ thuần túy y sinh sang các công nghệ được gọi là hội tụ, vì ở đây chúng ta nhận thấy việc ứng dụng chung cả các công nghệ thông tin lẫn các công nghệ nhận thức bên cạnh các công nghệ y sinh Về mặt này cần lưu ý, sự tương tác, thậm chí sự xâm thấu lẫn nhau giữa con người và máy móc có lẽ là một trong những khuynh hướng nổi bật nhất của tiến bộ khoa học – kỹ thuật ngày nay. Ngoài ra, thu hút sự chú ý đặc biệt là các công nghệ hướng vào việc tăng cường khả năng trí tuệ của con người. Về mặt này, có ý nghĩa là việc quay trở về với thứ cá tính kỳ dị như giáo sư Đại học Reding (Anh Quốc) Kevin Warwick, người có lần nói: “Tôi muốn làm cái gì đó với sự sống của mình. Tôi muốn trở thành cơ thể điều khiển học”. Năm 1998, ông là người đầu tiên trải nghiệm sự tồn tại với tính cách là cơ thể điều khiển học, nửa người nửa máy.

Nhằm mục đích đó, con vi chíp điện tử được gắn vào tay ông theo cách phẫu thuật, nó cho phép điều khiển cánh cửa và dòng điện từ xa cũng như tương tác với máy tính đặt trong tòa nhà. Trong giai đoạn thứ hai của cuộc thí nghiệm, năm 2002 hệ thần kinh của Warwick, lúc đó đang ở Đại học Columbia của Mỹ, thông qua Internet được gắn với người máy – cần điều khiển ở Đại học Reding. Khi ấy Warwick ở trong trạng thái sẵn sàng điều khiển cần điều khiển.

Một vấn đề được thảo luận trong những năm gần đây: liệu có thể gắn vào người một con chíp, trong đó chứa bộ Đại Bách khoa toàn thư Anh, một ấn phẩm bách khoa uy tín nhất trên thế giới, hay không? Nếu điều đó xảy ra, con người sẽ không cần đi tới thư viện hay ngồi trước máy tính nữa, mọi thứ sẽ có trong bộ nhớ của nó. Việc rút thông tin này từ bộ nhớ sẽ có thể cho thấy vấn đề. Nói chung các dự án tương tự muốn nói đến việc bảo đảm cho con người các bộ phận giả mà thoạt tiên được nghĩ ra để bù vào chức năng tự nhiên nào đó đã bị tước mất. Nhưng sau đó, như trong các thí dụ được xem xét trên đây, xuất hiện cả những ý tưởng đi xa hơn, hướng vào việc thực hiện những chức năng vượt ra ngoài khuôn khổ các khả năng tự nhiên của con người.

Như vậy, chúng ta thấy, trong tất cả các thí dụ được xem xét, trong các giai đoạn đầu đã diễn ra việc tìm kiếm các khả năng trị liệu, nhưng sau đó, theo mức độ hoàn thiện các công nghệ, người ta bắt đầu nghĩ tới các nhiệm vụ không phải là điều trị con người mà là hoàn thiện nó. Đây là những nhiệm vụ mang tính chất tân ưu sinh luận: hoàn thiện cả các khả năng thể chất lẫn các khả năng trí tuệ của con người. Và ở đây chúng ta có thể bổ sung vào bốn vùng biên đã được ghi nhận một vùng nữa mà theo ý nghĩa nào đó là sự tiếp nối của vùng chuyển tiếp giữa con người và máy móc. Đó là ranh giới giữa con người và siêu người (nếu dùng thuật ngữ của F. Fukuyama thì là hậu người). Tuy vậy, tương quan giữa hai sinh thể này là một đề tài đặc biệt vượt ra ngoài khuôn khổ của bài viết này.

Để kết thúc, cần lưu ý điểm sau: Không ai có thể đem lại cho ta một định nghĩa về con người mà tất cả chúng ta đều nhất trí. Chúng ta cần trở lại vấn đề này nhiều lần, theo mức độ phát triển và ngày càng đi sâu vào đời sống chúng của các công nghệ y sinh. Và cho dù chúng ta tìm ra được một định nghĩa vừa ý tất cả mọi người thì nó cũng sẽ thay đổi theo thời gian. Điều này chúng ta chắc chắn gặp phải trong thế kỷ phát triển mạnh mẽ của các công nghệ y sinh.

Người dịch: Viễn Phố

 


Nguồn: TN 2012 – 88 & 89. | Phiên bản điện tử: caphesach.wordpress.com


 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt