Triết học nhân học

Phục hưng: trỗi dậy như phượng hoàng

 

PHỤC HƯNG: TRỖI DẬY NHƯ PHƯỢNG HOÀNG

1

2

3

4

5

6

7

8

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÙI VĂN NAM SƠN

 

Châu Mỹ được khám phá. Máy in được phát minh. Cuộc cách mạng tràn ngập tinh thần sáng tạo trong văn hóa, nghệ thuật, trong văn chương và khoa học. Kiến trúc, hội họa, âm nhạc… xác lập những chuẩn mực mới mẻ cho nhiều thế kỷ về sau. Thời Phục Hưng vào các thế kỷ 15 và 16 ở Châu Âu quả là một thời kỳ bất hủ trong lịch sử nhân loại. Từ một kẻ sùng tín, con người chuyển mình để trở thành chủ thể của nhận thức, công dân của xã hội và nhân cách trong luân lý. Tuy nhiên, cần lật lại một vài trang lịch sử trước khi có thể nhận rõ sự chuyển biến lớn lao ấy.

KHÔNG PHẢI TỪ HƯ VÔ

Thời Phục Hưng rực rỡ như thường được ca tụng một cách dễ dãi trong các sách giáo khoa lịch sử dễ làm cho người ta ngộ nhận rằng đó chỉ là một sự bùng phát ngẫu nhiên. Thật ra, hình ảnh khá thuần khiết mà ta có ngày nay về thời Phục Hưng với những giáo đường đồ sộ, những họa phẩm và danh tác tạo hình lộng lẫy gắn liền với tên tuổi của nhà lịch sử văn hóa Jacob Burckhardt người Áo. Công trình lừng danh của ông “Nền văn hóa Phục Hưng ở nước Ý” (1860) mô tả thời Phục Hưng như một chuỗi những sự kiện gắn kết, tạo nên cơn địa chấn đột ngột, đưa Châu Âu bước vào thời Cận đại. Bức tranh quen thuộc ấy của Burckhardt đã được các nhà sử học điều chỉnh lại, từ những góc tối đầy đau thương và phức tạp của nó.

TỪ MỘT THIỂU SỐ ƯU TÚ

Không thể phủ nhận một sự thật lịch sử: thời Phục Hưng gắn liền với sự thức tỉnh của con người, với một cao trào văn hóa sẽ được tái sinh hai thế kỷ sau: thời khai minh (thế kỷ 17, 18). Quả thật đã có những lễ hội tưng bừng, những sinh hoạt học thuật sôi nổi của những đầu óc sáng láng nhất của thời đại: tái phát hiện, đọc lại những tác phẩm của nền văn hóa Hy La cổ đại và suy tư triết học từ các nguồn cội ấy. Số lượng này không nhiều, nhưng quả thật là có. Và Florencia, đô thị huyền thoại của nước Ý, là nơi tập trung tiêu biểu nhất của nền văn hóa mới; chính nơi đây đã hình thành lần đầu tiên cung cách quản lý chưa từng có trước đó: hoạt động ngân hàng, hệ thống kế toán, sáng kiến bảo trợ và sưu tập nghệ thuật… Nhưng, dù sao, họ chỉ là một thiểu số ưu tú, đã sống, kinh doanh, nghiên cứu và sáng tạo. Trong khi đó, đại bộ phận dân chúng vẫn chưa có điều kiện góp phần mình vào cao trào ấy; đó là sự khác biệt cơ bản với thời khai minh sau đó.

SỬ GIA NHÌN VÀO HẬU TRƯỜNG

Đại bộ phận dân chúng thời bấy giờ vẫn còn rất nghèo khổ và cơ cực. Họ là nạn nhân thường trực của đói kém, bệnh tật, bạo lực và thiên tai. Lịch sử ghi nhận những cơn biến đổi khí hậu lạ lùng – gọi là tiểu băng hà – phá hủy mùa màng, dẫn đến những cuộc khủng hoảng nặng nề về lương thực, thực phẩm. Cao điểm của thảm họa là nạn dịch hạch vào các năm 1347/48. Nạn dịch hạch bùng phát như một trận sóng thần, cuốn sạch mọi thành tựu trước đó. Gia đình ly tán, ruộng vườn bỏ hoang, “cái chết đen” không chừa một ai. Từ 20 đến 25 triệu người chết ở Châu Âu, tương ứng với một phần ba dân số! Nhưng, cũng chính những hoàn cảnh ngặt nghèo này tạo nên tiền đề và tiềm lực cho sự khởi phát của cao trào Phục Hưng.

CUỘC KHỦNG HOẢNG TINH THẦN

Đối mặt với nguy cơ sinh tồn, con người buộc phải suy ngẫm về thân phận của mình. Thi sĩ Ý Giovanni Boccaccio – bên cạnh Dante và Petrarca là những tác giả quan trọng nhất của thế kỷ 14 – đã diễn tả trạng thái tinh thần của thời đại ông trong tác phẩm “Decamerone”. Bảy cô gái và ba chàng trai chạy trốn nạn dịch hạch đang bùng phát ở Florencia mùa hè năm 1348. Họ kể cho nhau nghe những câu chuyện khủng khiếp về nạn dịch, về những cái chết đau đớn, oan uổng của bao người. Chưa bao giờ người ta thấm thía đến thế về sự phù du và phi lý của kiếp người. Vậy chỉ còn lại hai lối thoát: hoặc cần phải tận hưởng cuộc sống ngắn ngủi nơi trần thế hoặc hiến mình cho những giá trị siêu thế gian. Như thế, bên cạnh nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo hướng đến cái vĩnh hằng, con người cũng đột nhiên phát hiện một cảm thức mới mẻ về cuộc đời, và tỏ ra nhạy cảm trước nhu cầu nội tâm hướng đến cái đẹp. Cái đẹp - thanh cao lẫn nhục cảm - rồi sẽ được khắc ghi trong hoạt động nghệ thuật và sáng tạo.

TÍCH LŨY TƯ BẢN KHỔNG LỒ

Nạn dịch hạch đã tác động vào thời bấy giờ không khác gì hậu quả của bom… nơ-trôn ngày nay! Con người chết như rạ, nhưng của cải, vốn liếng, tài sản vẫn còn nguyên. Sự tích lũy tư bản bất ngờ trong tay một thiểu số tất yếu dẫn đến nhu cầu đầu tư sinh lợi. Tiền của đột nhiên có rất nhiều, vậy phải làm gì? Nó được đầu tư và sử dụng theo cả hai hướng: bảo trợ cho những công trình xây dựng và sáng tạo, đồng thời hỗ trợ cho những người nghèo khó, bệnh tật như là hành vi chuộc lỗi và trấn an lương tâm trước sự phán xét của Thượng đế! Kinh tế, thương mãi phát triển song hành với sự khuyến khích văn hóa và nghệ thuật. Bởi nghệ thuật cũng phục vụ cả nhu cầu tâm linh: những nhà nguyện, những bàn thờ lộng lẫy…

TIỀN ĐỀ CỦA PHỤC HƯNG

Nhà sử học Roeck cho rằng: sự khủng hoảng tinh thần gắn liền với sự tích lũy tư bản đột ngột là hai yếu tố cơ bản và quyết định cho sự phát khởi phong trào Phục Hưng. Cả một thị trường khổng lồ đã mở ra cho hoạt động nghệ thuật. Những kẻ “siêu giàu” thời bấy giờ - các nhà cai trị và các giáo sĩ cao cấp - đặt hàng cho nghệ thuật. Ngoài ý nghĩa thẩm mỹ và tín ngưỡng, nghệ thuật Phục Hưng còn mang ý nghĩa chính trị nữa: tác phẩm nghệ thuật phải được trưng bày, được chiêm ngưỡng như là biểu tượng cho đẳng cấp và quyền lực của những nhà bảo trợ vốn rất khôn ngoan trong việc quảng  bá “thương hiệu” của mình!

 

 

“Sự khủng hoảng tinh thần và sự tích lũy tư bản đột ngột là hai yếu tố quyết định cho sự phát khởi cao trào Phục Hưng”

Nhà sử học Bernd Roeck (1953-)

 


Nguồn: bài viết do tác giả Bùi Văn Nam Sơn gửi cho triethoc.edu.vn

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt