Triết học nhân học

Về mục đích tối hậu của con người

 

VỀ MỤC ĐÍCH TỐI HẬU CỦA CON NGƯỜI

 

THOMAS AQUINAS (1225-1274)

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học: Về hạnh phúc của con người. Phần I-II, vấn đề 1-5. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng tác viên phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 2003.


 

LỜI NÓI ĐẦU

Như thánh Damascenus đã viết trong cuốn II De Fide Orthod. c.12): con người được tác thành giống hình ảnh Thiên Chúa; theo nghĩa hình ảnh biểu thị một hữu thể hiểu biết, tự do và tự quyết. Vậy sau khi đã nghiên cứu về kiểu mẫu, tức là về Thiên Chúa và về các hữu thể xuất phát do quyền năng của Thiên Chúa theo như ý muốn của Người; bây giờ chúng ta phải nghiên cứu về hình ảnh của Người, tức là về con người, xét như là nguyên ủy những hành vi của mình, như chủ thể có tự do tự quyết, và có chủ quyền trên những hành vi của mình.

 

VẤN ĐỀ 1

VỀ MỤC ĐÍCH TỐI HẬU CỦA CON NGƯỜI

 

Trong vấn đề này, trước tiên phải nghiên cứu về mục đích tối hậu của cuộc sống con người; tiếp đến, về những điều mà nhờ đó con người có thể đạt tới mục đích này hoặc sẽ lạc mất (vđ.6): vì phải nhờ mục đích mà nhận ra lý tính của những phương tiện hướng tới mục đích. Và vì mục đích tối hậu của cuộc sống con người được coi là hạnh phúc, nên trước hết phải nghiên cứu mục đích tối hậu nói chung; rồi đến hạnh phúc (vđ.2).

Trong điều thứ nhất cần tìm hiểu tám mục:

1. Hành động vì mục đích có phù hợp với con người chăng?

2. Hành động vì mục đích có phải là điều riêng biệt của bản tính có lý trí chăng?

3. Những hành vi nhân tính có được định loại bởi mục đích chăng? 

4. Cuộc đời con người có mục đích tối hậu nào chăng? 

5. Một người có thể có nhiều mục đích tối hậu chăng? 

6. Con người có qui hướng mọi sự về mục đích tối hậu chăng?

7. Phải chăng chỉ có một mục đích tối hậu chung cho mọi người?

8. Phải chăng chỉ có một mục đích tối hậu chung cho mọi thụ tạo?

 

MỤC 1

Hành động vì mục đích có phù hợp với con người chăng?

NGHI VẤN. Hình như hành động vì mục đích không phù hợp với con người.

1. Thực vậy, cứ tự nhiên căn nguyên là điều trước tiên. Nhưng mục đích có lý tính của điều sau cùng, như chính danh xưng của nó giãi bày. Cho nên, mục đích không có lý tính của căn nguyên. Nhưng con người hành động vì một điều gì, thì điều đó là căn nguyên của hành động: bởi giới từ vì này biểu thị tương quan nhân quả. Cho nên, hành động vì đích không phù hợp với con người. 

2. Vả lại, điều là mục đích tối hậu thì không vì mục đích nào nữa. Nhưng trong một vài trường hợp, mục đích tối hậu là một hành động, như nhà Hiền triết đã trình bày (I Ethic.). Cho nên con người không làm mọi việc vì mục đích.

3. Vả lại, hình như khi ai hành động một cách có suy tính, thì lúc đó người ấy hành động vì mục đích. Nhưng có nhiều việc con người làm mà không có suy tính, thậm chí đôi khi người ấy cũng chả nghĩ gì về những việc ấy: như khi ai cử động tay hay chân hoặc vuốt râu trong khi chăm chú vào những chuyện khác. Cho nên, con người không làm mọi sự vì mục đích.

NHƯNG. Tất cả những chi hàm chứa trong một giống (phạm trù) đều được dẫn xuất từ nguyên ủy của giống ấy. Mà mục đích là nguyên ủy trong mọi việc khả hành của con người, như nhà Hiền triết đã chứng minh trong II Phys.. Cho nên làm mọi việc vì vì mục đích là điều phù hợp với conngười.

LUẬN GIẢI. Phải nói rằng, trong những hành vi mà con người thực hiện, chỉ những hành vi riêng của con người như con người, mới được gọi đúng là nhân tính. Mà con người khác những vật thụ tạo khác không có lý trí ở chỗ, con người làm chủ hành vi của mình. Cho nên, chỉ những hành vi phát xuất từ ý chí suy tính mới được gọi đúng là những hành vi nhân tính. Nhưng con người làm chủ hành vi của mình bằng trí khôn và ý chí; và do đó, sự tự do tự quyết cũng được gọi là tài năng của ý chí và của lý trí. Nhưng nếu có hành vi nào khác nơi con người, thì có thể được gọi là hành vi của con người, nhưng không đúng là hành vi nhân tính, vì chúng không thuộc về con người như con người. — Nhưng hiển nhiên là mọi hành vi phát xuất từ quan năng nào, thì được phát xuất từ quan năng ấy theo đối tượng mô thể của nó. Nhưng đối tượng của ý chí là mục đích và điều thiện. Cho nên mọi hành vi nhân tính đều phải vì mục đích.

GIẢI ĐÁP. 1. Phải nói rằng, dù mục đích là điều sau cùng trong việc thực thi, nhưng là điều trước tiên trong ý hướng của tác nhân. Và theo cách này, nó có lý tính của căn nguyên.

2. Để bất cứ hành vi nhân tính nào là mục đích tối hậu, thì nó phải là hành vi hữu ý, chẳng vậy nó không phải là hành vi nhân tính, như đã được chúng minh (LG.). Mà một hành vi được kể là hữu ý hai cách: một là, vì nó được ý muốn truyền khiến, như việc đi lại hay nói năng; hai là, vì nó được trực phát bởi ý chí, như chính việc ưa muốn. Nhưng hành vi trực phát bởi ý chí không thể là mục đích tối hậu. Vì đối tượng của ý chí là mục đích, cũng như đối tượng của thị giác là màu sắc; do đó, cũng như điều khả thị trước tiên không thể là chính việc trông nhìn, vì nhìn là nhìn vào thì điều khả vọng trước tiên, tức là mục đích, cũng không thể là chính việc ưa muốn. Thành thử, nếu có hành vi nhân linh nào là mục đích tối hậu, thì hành vi ấy phải được ý chí truyền khiến. Và như thế ở đây có một hành vi nào đó của con người, ít là chính việc ưa muốn, được thể hiện vì mục đích. Cho nên, nói đúng được rằng, phàm chi con người làm đều làm vì mục đích, cả khi thực hiện một hành vi là mục đích tối hậu.

3. Những hành vi như vậy thì không đúng là hành vi nhân tính: vì chúng không phát xuất từ sự suy tính của lý trí, là nguyên ủy riêng của các hành vi nhân tính. Và vì thế, quả là chúng có một mục đích tưởng tượng, nhưng không phải là mục đích do lý trí trình bày.

 

MỤC 2

Hành động vì mục đích có phải là điều riêng biệt

của bản tính có lý trí chăng?

NGHI VẤN. Hình như hành động vì mục đích là điều riêng biệt của bản tính có lý trí.

1. Thực vậy, điều riêng biệt của con người là hành động vì mục đích, nên không bao giờ hành động vì một mục đích xa lạ. Nhưng có nhiều loài không biết mục đích, hoặc vì chúng hoàn toàn thiếu nhận thúc, như những thụ tạo vô tri giác; hoặc vì chúng không nhận ra lý tính của mục đích, như những súc vật. Cho nên, hình như hành động vì mục đích là điều riêng biệt của bản tính có lý trí.

2. Vả lại, hành động vì mục đích là qui hướng hành vi của mình về mục đích. Nhưng đây là công việc của lý trí. Cho nên, không phù hợp với những vật thiếu lý trí.

3. Vả lại, điều thiện và mục đích là đối tượng của ý chí. Nhưng ý chí thì trụ trong lý trí, như đã được chứng minh trong III De Anima. Cho nên, hành động vì mục đích chỉ thuộc về bản tính có lý trí.

NHƯNG. Nhà Hiền triết đã chứng minh trong cuốn II Phys. rằng: Không những trí khôn, lại cả tính tự nhiên cũng hành động vì mục đích.

LUẬN GIẢI. Phải nói rằng, mọi tác nhân nhất thiết phải hành động vì mục đích. Thực vậy, trong các căn nguyên phối trí với nhau, nếu căn nguyên thứ nhất bị khai trừ, ắt hẳn các căn nguyên khác cũng bị khai trừ. Mà căn nguyên thứ nhất trong các căn nguyên là căn nguyên cứu cánh. Sở dĩ như thế là vì chất thể chỉ tiếp nhận mô thể khi nó được tác nhân huy động: vì không chỉ tự mình chuyển biến từ tiềm thể sang hiện thể. Nhưng tác nhân chỉ tác động vì nhằm vào mục đích. Vì nếu tác nhân không được qui định vào một công hiệu nào đó, thì nó sẽ không hoạt động thế này hơn thế kia; cho nên để phát sinh ra một công hiệu nhất định, nó cần được qui hướng vào một điểu nào nhấtđịnh, mang lý tính của mục đích. Mà việc qui định này, như được hình thành nơi bản tính có lý trí bằng dục vọng hữu lý, được gọi là ý chí, thì được hình thành nơi những vật khác bằng khuynh hướng tự nhiên, được gọi là dục vọng tự nhiên.

Nhưng phải suy rằng, nhờ hành vi của mình hay nhờ sự chuyển động một vật hướng tới mục đích hai cách: một là, tự mình di chuyển tới mục đích, như con người; hai là, được tha thể đưa tới mục đích, như mũi tên hướng tới đích nhất định vì được xạ thủ máy động, xạ thủ là người hướng hoạt động của mình về mục đích. Cho nên những vật có lý trí tự mình di chuyển tới mục đích: vì nắm chủ quyền về những hành vi của mình bằng sự tự do tự quyết, là tài năng của ý chí và của lý trí(xc. m. 1). Nhưng những vật thiếu lý trí thì hướng về mục đích bằng khuynh hướng tự nhiên, như thể được tha thể máy động, chứ không tự chuyển động: chúng không biết lý tính của mục đích, vì thế không thể qui hướng bất cứ điều gì về mục đích, mà chỉ có thể được tha thể qui hướng về mục đích. Thực vậy toàn thể bản tính không có lý trí đều tương quan với Thiên Chúa như dụng cụ đối với tác nhân chính, như đã được chứng minh trên đây (I, vđ.22, m.2, gđ.4; vđ.103, m.1, gđ.3). Do đó, điều riêng biệt của bản tính có lý trí là hướng về mục đích như tự mình hoạt động và tự dẫn đưa mình tới mục đích; còn bản tính không có lý trí thì như được tha thể huy động hay dẫn đưa tới mục đích, chẳng kỳ là tới mục đích được nhận biết như các súc vật, hoặc tới mục đích không được nhận biết, như những vật hoàn toàn thiếu nhận biết.

GIẢI ĐÁP. 1. Phải nói rằng, khi con người tự mình hành động vì mục đích, là đã nhận biết mục đích; nhưng khi được người khác huy động hay là dẫn đưa, như khi hành động theo mệnh lệnh của một người khác, hoặc khi anh hành động vì bị người khác thúc đẩy, thì người ấy không cần phải nhận biết mục đích. Và trường hợp của những thụ tạo không có lý trí là như thế. 

2. Việc qui hướng về mục đích thì thuộc về chủ thể tự dẫn đưa tới mục đích; trái lại, được tha thể huy động tới mục đích thì thuộc về chủ thể được dẫn đưa tới mục đích. Đây có thể là điều riêng của bản tính không có lý trí, nhưng do chủ thể có lý trí nào đó huy động.

3. Đối tượng của ý muốn là mục đích và điều thiện cách phổ quát. Do đó, nơi những vật thiếu lý trí và trí hiểu thì không thể có ý muốn, vì chúng không thể lãnh hội được điều phổ quát; nhưng nơi chúng có dục vọng tự nhiên và giác dục, được hạn định vào một điều thiện đặc thù nào đó. Vậy hiển nhiên là những căn nguyên đặc thù thì được huy động bởi căn nguyên phổ quát: như viện thị trưởng, là người nhằm vào công thiện, nhờ mệnh lệnh của mình mà huy động các viên chức riêng biệt khác của thành thị. Cho nên, tất cả các vật thiếu lý trí thì cần phải được một ý chí hữu lý huy động tới những mục đích đặc thù; đây là ý chí bao quát cả điều thiện phổ quát, tức là ý muốn của Thiên Chúa.

 

MỤC 3

Phải chăng những hành vi nhân tính được định loại bởi mục đích ?

NGHI VẤN. Hình như những hành vi nhân tính không được định loại bởi mục đích

1. Thực vậy, mục đích là một ngoại căn. Mà mọi vật được định loại bởi nội căn. Cho nên, hành vi nhân tính không được định loại bởi mục đích.

2. Vả lại, điều định loại phải hiện hữu trước tiên. Mà mục đích là điều hiện hữu sau cùng. Cho nên hành vi nhân tính không được định loại bởi mục đích.

3. Vả lại, cũng một vật chỉ có thể thuộc về một loại. Nhưng có trường hợp, cũng một hành vi, duy nhất về số, được qui hướng về nhiều mục đích khác nhau. Cho nên, mục đích không định loại cho các hành vi nhân tính.

NHƯNG. Thánh Augustinus đã nói trong sách De Moribus Ecclesiae et Manichaeorum rằng: Tùy theo mục đích có đáng trách hoặc đáng khen, các công việc của chúng ta cũng đáng trách hoặc đáng khen.

LUẬN GIẢI. Mỗi vật được xếp loại theo hiện thể chứ không theo tiềm thể; bởi đó những vật phức hợp bởi chất thể và mô thể thì được thiết lập trong loại của chúng bởi mô thể riêng. Và đó cũng là điều phải suy xét trong những biến chuyển riêng. Vì một cách nào đó, sự biến chuyển được phân thành hoạt động và thụ động, và cả hai đuợc định loại bởi hiện thể: hành động thì được định loại bởi hiện thể là nguyên khởi để hoạt động; thụ động thì bởi hiện thể là tận điểm của sự biến chuyển. Cho nên, hâm nóng xét như hành động thì không là gì khác ngoài sự biến chuyển nào đó phát xuất từ nhiệt lực, còn sự hâm nóng xét như thụ động cũng không là chi khác, mà chỉ là một sự biến chuyển đến nhiệt lực: Câu định nghĩa giãi bày lý tính của loại.

Và theo cả hai cách, hành vi nhân tính, chẳng kỳ xét theo cách thức của những hành động hay theo cách thức của những thụ động, đều được định loại bởi mục đích. Ta có thể suy cứu hành vi nhân tính theo cả hai cách, vì con người chuyển biến chính mình hay là được chuyển biến bởi chính mình. Nhưng như đã trình bày ở trên (m.1), rằng, các hành vi được gọi là nhân tính vì chúng xuất phát từ ý chí có suy tính. Mà đối tượng của ý muốn là điều thiện và mục đích. Và vì thế, hiển nhiên nguyên ủy của những hành vi nhân tính, xét như nhân tính, là mục đích. Và cũng là tận điểm của các hành vi nhân tính: vì điều kết thúc hành vi nhân tính là điều mà ý chí hướng tới như mục đích; cũng như nơi những tác nhân tự nhiên, mô thể của vật thụ sinh thì tương hợp với mô thể của vật tác sinh. Và như thánh Ambrosius viết trong Super Lucam rằng: phong tục được gọi đúng là nhân tính, và đúng ra những hành vi luân lý được định loại bởi mục đích: vì hành vi luân lý và hành vi nhân tính cũng như nhau.

GIẢI ĐÁP. 1. Phải nói rằng, mục đích không hoàn toàn là điều ở ngoài hành vi: vì so sánh với hành vi nó là như khởi nguyên và tận điểm; và lý tính của hành vi hệ tại điều này là: xét như hành động thì xuất phát từ một điều gì đó, còn xét như thụ động thì hướng tới điều gì đó.

2. Mục đích, xét như có trước trong ý hướng, như đã trình bày trên đây (m.1, gđ.1) thì thuộc về ý chí. Và theo cách đó, nó định loại cho hành vi nhân tính hay hành vi luân lý.

3. Cùng một hành vi duy nhất về số, xét như một lần phát xuất từ một tác nhân, thì chỉ qui hướng về một mục đích gần gũi duy nhất, nhờ đó mà nó được định loại; nhưng có thể được qui hướng về một nhiều mục đích xa khác, trong đó mục đích nọ là mục đích của mục đích kia. - Nhưng có thể một hành vi về loại của bản tính, được qui hướng về những mục đích khác nhau của ý muốn; như chính việc giết người, là một về loại của bản tính, có thể được qui hướng về mục đích là bảo vệ sự công bằng, hay là để hả giận. Do đó phát sinh ra nhũng hành vi khác nhau về theo loại luân lý khác nhau: vì một đàng sẽ là hành vi của nhân đức, đàng khác sẽ là hành vi của nết xấu. Nhưng sự biến chuyển không được định loại bởi điều ngẫu nhiên là cùng đích, mà chỉ bởi điều tự thể là cùng đích. Mà những mục đích luân lý là điều ngẫu trừ đối với thực tại tự nhiên; và ngược lại lý tính của mục đích tự nhiên là điều ngẫu trừ đối với hành vi luân lý. Cho nên, không chi cản trở để hành vi đồng nhất về loại bản tính, lại khác nhau về loại luân lý, và ngược lại.

 

MỤC 4

Cuộc đời con người có mục đích tối hậu nào chăng?

NGHI VẤN. Hình như cuộc đời con người không có đích tối hậu nào cả, nhưng nó sẽ diễn tiến đến vô tận từ mục đích này qua mục đích kia.

1. Thực vậy, theo lý tính của nó, điều thiện là thông mình ra, như Dionysius đã giãi bày trong sách De Divinis Nominibus. Vì thế, nếu một điều xuất phát từ điều thiện, thì nó cũng là điều thiện, thì điều thiện đó cũng phải phát xuất ra điều thiện khác: như thế thì quá trình của điều thiện sẽ diễn tiến đến vô tận. Mà điều thiện thì có lý tính của mục đích. Cho nên, có diễn tiến đến vô tận từ mục đích nọ qua mục đích kia.

2. Vả lại, những chi thuộc về lý trí có thể gia hội đến vô tận; thành thử những lượng số học thì tăng gia đến vô tận. Cũng vì thế mà những loại của các số thì vô tận, vì đối với bất cứ con số nào, lý trí vẫn có thể nghĩ ra một con số lớn hơn. Nhưng sự ước muốn mục đích thì theo sau nhận thức của lý trí. Cho nên, hình như có diễn tiến đến vô tận từ mục đích nọ qua mục đích kia.

3. Vả lại, điều thiện và mục đích là đối tượng của ý chí. Nhưng ý chí có thể phản tỉnh về chính mình nhiều lần vô tận: vì tôi có thể ưa muốn điều gì đó, và tôi có thể ưa muốn việc tôi ưa muốn điều đó, và cứ thế, cứ thế đến vô tận. Cho nên, về các mục đích của ý chí nhân loại ta có thể có diễn tiến đến vô tận, và ý chí ấy không có mục đích tối hậu nào cả. 

NHƯNG. Nhà Hiền triết viết trong II Metaphys. rằng: Phàm ai công nhận vô tận tức là người ấy chối bỏ lý tính của điều thiện. Mà điều thiện thì có lý tính của mục đích. Cho nên, diễn tiến đến vô tận là tương phản với lý tính của mục đích. Cho nên, cần phải công nhận một mục đích tối hậu.

LUẬN GIẢI. Nói một cách tuyệt đối, trong các mục không thể diễn tiến đến vô tận về bất cứ phía nào. Thực vậy, trong mọi điều tự thể phối trí với nhau, hễ điều thứ nhất đã bị loại bỏ, ắt mọi điều qui hướng về điều thứ nhất đó cũng sẽ bị loại bỏ. Cho nên, trong cuốn VIII Physic., nhà Hiền triết đã chứng minh rằng: Trong các biến căn không thể diễn tiến đến vô tận, vì như thế sẽ không có biến căn đệ nhất: một khi biến căn này đã bị triệt tiêu, thì các biến căn khác không còn là biến căn nữa, vì chúng chỉ là biến căn vì đã được biến căn đệ nhất huy động. Nhưng trong các mục đích ta thấy có hai phạm vi: ấy là phạm vi ý hướng và phạm vi thực hành; và trong cả hai phạm vi đều phải có điều tiên khởi nào đó. Thực vậy, điều tiên khởi trong phạm vi ý hướng, là như nguyên ủy huy động dục vọng; vì thế, hễ nguyên ủy này bị loại bỏ, thì không chỉ huy động dục vọng cả. Còn điều là nguyên ủy trong phạm vi thực hành là điều làm cho công việc được khởi sự: vì thế, hễ nguyên ủy này bị loại bỏ, thì không ai khởi sự hoạt động chi cả. Mà nguyên ủy của ý hướng là mục đích tối hậu; và nguyên ủy của thực hành là phương tiện đầu tiên để đạt mục đích. Cho nên, không thể diễn tiến đến vô tận về bất cứ phía nào: vì nếu không có mục đích tối hậu, thì không chi được ước muốn, không hành động nào được thành tựu, và ý hướng của tác nhân cũng không được yên tĩnh; vả lại, nếu không có phương tiện đầu tiên trong các phương tiện để đạt mục đích, thì không ai khởi sự hoạt động chi hết, việc bàn hỏi cũng chẳng được kết thúc, nhưng sẽ diễn tiến đến vô tận.

Còn về những điều không tự thể mà chỉ ngẫu trừ phối hợp với nhau, thì không chỉ cản trở để công nhận sự vô tận: vì những căn nguyên do ngẫu trừ thì vô hạn định. Và theo cách này, do ngẫu trừ có thể có sự vô tận trong các mục đích và trong các phương tiện để đạt mục đích.

GIẢI ĐÁP. 1. Phải nói rằng, cứ lý tính của điều thiện thì từ chính nó phát xuất ra điều gì đó, chứ không phải chính nó phát xuất từ điều gì đó. Và vì điều thiện có lý tính của mục đích, và điều thiện đệ nhất là mục đích tối hậu, cho nên lý lẽ viện dẫn không chứng minh rằng không có mục đích tối hậu; nhưng minh chứng rằng, từ một mục đích đệ nhất đã được giả định, có thể diễn tiến đến vô tận xuống những phương tiện để đạt mục đích. Và điều này quả có thế, nếu ta suy đến tiềm năng của điều thiện đệ nhất, là tiềm năng vô tận. Nhưng vì điều thiện đệ nhất này thì thông đạt ra theo trí tuệ, mà đặc tính của trí tuệ này là thông đạt mô thể nhất định vào công hiệu; cho nên việc thông đạt những điều thiện từ điều thiện đệ nhất cũng phải có một mức độ nhất định nào đó: vì tất cả các điều thiện khác đều được thông dự sức thông đạt từ điều thiện đệ nhất đó. Và vì thế, việc thông đạt các điều thiện không diễn tiến đến vô tận, nhưng, như đã chép trong sách Khôn Ngoan: Thiên Chúa đã sắp đặt mọi thứ theo số, theo trọng lượng và mực thước (Kn 11,20).

2. Trong những cái tự thể lệ thuộc nhau, trí khôn khởi đi từ những nguyên lý tự hiển minh và diễn tiến tới một chung hạn nào đó. Thành thử, trong cuốn I Poster, nhà Hiền triết đã chứng minh rằng: Trong những chứng minh không có diễn tiến đến vô tận, vì trong các chứng minh đó, ta lưu ý đến tương quan tự thể chứ không phải ngẫu trừ của các điều liên hệ với nhau. Nhưng trong những điều liên hệ với nhau cách ngẫu trừ, không chi cản trở để trí khôn diễn tiến đến vô tận. Cho nên điều những nhưng Việc một lượng hoặc một đơn vị được thêm vào một lượng hay một đơn vị đã hiện hữu, xét nguyên nó, là việc ngẫu trừ. Cho nên, trong các vật như thế, không chi quản ngại để trí khôn diễn tiến đến vô tận. 

3. Sự gia bội những hành vi phản tỉnh của ý muốn chỉ liên hệ cách ngẫu trừ với trật tự của các mục đích. Đó là điều hiển nhiên, vì ý chí có thể phản tỉnh một cách vô thưởng vô phạt, một hoặc nhiều lần, về cũng một mục đích duy nhất.

 

MỤC 5

Một người có thể có nhiều mục đích tối hậu chăng?

NGHI VẤN. Hình như cùng một lúc, ý chí của một người có thể qui hướng về nhiều đối tượng, như những mục đích tối hậu. 

1. Thực vậy, trong De Civ. Dei, thánh Augustinus viết: một số người đặt mục đích tối hậu của con người vào bốn thứ: ấy là khoái lạc, sự an nhàn, những tài nguyên tự nhiên và nhân đức. Nhưng hiển nhiên là những điều đó thì nhiều. Cho nên, ý chí của một người có thể đặt mục đích tối hậu của vào nhiều điều. 

2. Vả lại, những vật không đối lập nhau thì không loại không trừ nhau. Nhưng trong các vật ta thấy có nhiều thứ không đối lập nhau. Vì thế, giả dụ ý muốn lấy một vật làm mục đích tối hậu, thì không vì thế mà các vật khác bị loại trừ.

3. Vả lại, do việc ý muốn lấy một vật nào làm mục đích tối hậu, nó vẫn không mất tự do. Nhưng trước khi nó lấy vật nào làm mục đích tối hậu của mình, chẳng hạn như lạc thú, nó đã có thể lấy vật khác làm mục đích tối hậu, chẳng hạn những của cải. Do đó, sau khi ai đó lấy lạc thú làm mục đích tối hậu của mình, thì đồng thời người ấy vẫn có thể lấy của cải làm mục đích tối hậu. Cho nên, cùng một lúc, ý muốn của một người có thể qui hướng về nhiều vật khác nhau như về nhiều mục đích tối hậu.

NHƯNG. Ai toạ hưởng nơi điều gì như nơi mục đích tối hậu, thì điều đó chế ngự tham dục của người ấy: vì từ đó người ấy lấy ra mọi quy tắc cho cả cuộc đời của mình. Vì thế thư gửi tín hữu Philipphê có viết: thiên chúa của họ là cái bụng (Pl 3,19); nghĩa là, vì họ lấy những lạc thú của cái bụng làm mục đích tối hậu của mình và. Nhưng như thánh Matthaeus (6,24) chép: Không ai có thể làm tôi hai chủ, nếu là những chủ không lệ thuộc vào nhau. Cho nên, một người không thể có nhiều mục đích tối hậu không phối trí với nhau.

LUẬN GIẢI. Cùng một lúc, ý muốn của một người không thể được hướng về nhiều điều khác nhau như về nhiều mục đích tối hậu. Và ta có thể viện dẫn ba lý lẽ. Lẽ thứ nhất là: hữu thể nào cũng ao ước sự hoàn bị của mình, nên khi ai ao ước điều gì như điều thiện hoàn bị và kiện toàn chính mình thì ao ước điều đó như mục đích tối hậu. Vì thế trong cuốn XIX De Civ. Dei, thánh Augustinus viết: Chúng ta nói đích của điều thiện, thì không phải là điều phải tiêu hao để không còn nữa, mà là điều được kiện toàn để được sung mãn. Cho nên, mục đích tối hậu phải thoả mãn toàn thể ước vọng của con người, đến nỗi ngoài nó không còn điều gì đáng ao ước. Điều đó không thể có, nếu còn có điều nào khác cần thiết cho sự hoàn bị con người. Cho nên chuyện không thể có, ấy là dục vọng hướng về hai điều, như thể cả hai đều là điều thiện hoàn bị của chính nó.

Lẽ thứ hai là: cũng như trong quá tiến lý luận, nguyên lý là điều ta biết cách tự nhiên; cũng vậy, trong quá trình của dục vọng hữu lý, là ý muốn, nguyên lý phải là điều ta ước muốn cách tự nhiên. Nhưng điều này phải là một, vì tính tự nhiên chỉ hướng về một. Mà nguyên lý trong quá trình của dục vọng hữu lý là mục đích tối hậu. Cho nên, điều mà ý muốn hướng tới, như mục đích tối hậu, phải là một.

Lẽ thứ ba là: những hành vi hữu ý thì được định loại bởi mục đích, như chúng tôi đã chứng minh trên đây (m.3), nên cũng nhờ mục đích tối hậu, là mục đích chung, mà những hành vi ấy được liệt vào một giống: cũng như các vật tự nhiên được liệt vào một giống theo lý tính mô thể chung. Vậy vì, tất cả những chi đáng ham muốn của ý chí, xét như đáng ham muốn, đều thuộc về cũng một giống, cho nên mục đích tối hậu phải là một. Nhất là vì trong mỗi giống nguyên ủy đệ nhất phải là một; và mục đích tối hậu có lý tính của nguyên ủy đệ nhất, như đã nói trên đây.

Nhưng như mục đích tối hậu của con người tương quan với toàn thể nhân loại thế nào, thì mục đích tối hậu của người này cũng tương quan với người này như thế. Thành thử, như cứ tự nhiên chỉ có một mục đích tối hậu của cả mọi người, thì ý muốn của một người này cũng phải đặt vào mộtmục đích tối hậu.

GIẢI ĐÁP. 1. Phải nói rằng tất cả những điều thiện khác nhau đó được gồm thâu trong lý tính của một điều thiện hoàn bị, được cấu thành bởi những điều mà họ lấy làm mục đích tối hậu.

2. Mặc dầu nhiều vật có thể được coi như không đối lập với nhau, nhưng nếu ngoài điều thiện hoàn bị còn có điều thiện khác làm cho một vật được hoàn bị, thì điều thiện này quả đối lập với điều thiện hoàn bị kia.

3. Quyền lực của ý muốn mãnh liệt để làm cho những điều tương phản với nhau đồng hiện hữu. Song điều này sẽ xảy ra, nếu ý muốn hướng về nhiều điều bác tạp như những mục đích tối hậu, như những điều trên đây chứng minh (LG và gđ.2). 

 

MỤC 6

Con người có vì mục đích tối hậu mà ưa muốn

tất cả những chi nó ưa muốn chăng? 

NGHI VẤN. Hình như con người không ưa muốn, vì mục đích tối hậu, tất cả những chi nó ưa muốn.

1. Thực vậy, tất cả những chi được qui hướng về mục đích tối hậu thì được gọi là những điều nghiêm trọng, như thể là hữu ích. Nhưng ta phân biệt những điều bỡn cợt với điều nghiêm trọng. Cho nên, những gì con người làm một cách bỡn cợt thì con người không qui hướng về mục đích tối hâu.

2. Vả lại, ở mào đầu của Metaphys, nhà Hiền triết đã viết rằng: những khoa học trừu tượng thì được tìm hiểu vì chính chúng. Nhưng không thể nói rằng: khoa nào trong các khoa trừu tượng cũng là mục đích tối hậu. Cho nên, không phải mọi điều con người ưa muốn, đều ưa muốn vì mục đích tối hậu.

3. Vả lại, phàm ai qui hướng điều gì đó hướng về mục đích nào đó, thì người ấy phải nghĩ về mục đích đó. Nhưng trong mọi điều con người ham muốn hoặc hoạt động, con người không luôn luôn nghĩ đến mục đích tối hậu. Cho nên, con người không ham muốn và hành động tất cả vì đích tối hậu.

NHƯNG. Trong cuốn XIX De Civ. Dei. thánh Augustinus viết: Điều vì nó mà chúng ta yêu mến các điều khác là cùng đích điều thiện của chúng ta.

LUẬN GIẢI. Tất cả những chi con người ham muốn đều cần phải nhục đích tối hậu. Đó là điều hiển nhiên vì hai lý lẽ. Thứ nhất, vì con người ham muốn bất cứ điều gì, cũng điều ham muốn là vì lẽ là điều thiện. Và điều đó nếu không được ham muốn như điều thiện hoàn bị, tức mục đích tối hậu, thì hẳn phải được ham muốn như điều hướng về điều thiện hoàn bị, vì việc khởi sự của bất cứ điều gì cũng luôn luôn hướng về sự hoàn thành của nó: như ta thấy rõ ràng trong những điều được thể hiện bởi thiên nhiên cũng như bởi nghệ thuật. Cho nên, mọi khởi đầu của sự hoàn bị đều qui hướng về sự thành tựu hoàn bị, nhờ mục đích tối hậu. 

Thứ hai, vì như biến căn đệ nhất đóng vai trò nào trong các chuyển biến, thì mục đích tối hậu cũng đóng vai trò đó trong việc huy động dục vọng. Nhưng hiển nhiên là các căn nguyên động nếu không được huy động bởi biến căn đệ nhất. cho nên. Những điều đáng ham muốn đệ nhị chỉ huy động dục vọng, vì có liên hệ với điều đáng ham muốn đệ nhất, tức là mục đích tối hậu.

GIẢI ĐÁP. 1. Những hành vi bỡn cợt không được qui hướng về mục đích bên ngoài nào cả, nhưng được qui hướng và điều thiện của chính người đùa giỡn, như thể là điều mang lại sự vui thoả và thư thái. Nhưng điều thiện hoàn chỉnh của con người là mục đích tối hậu của nó.

2. Cũng phải trả lời như thế cho nghi vấn thứ hai về khoa học trừu tượng, được ham muốn như là điều thiện của người trầm ngâm, là điều thiện được hàm chứa trong điều thiện sung mãn và hoàn bị, tức là mục đích tối hậu.

3. Không nhất thiết là ai đó phải luôn luôn nghĩ đến mục đích tối hậu, mỗi khi ham muốn hay làm một điều gì: nhưng tiềm năng của ý hướng đầu tiên nhằm vào mục đích tối hậu, thì tồn tại trong mỗi lần ham muốn bất cứ vật gì, cả khi trong hiện thực không nghĩ đến mục đích tối hậu. Cũng như trên lộ trình, người bộ hành không cần nghĩ đến đích điểm trong mỗi bước đi. 

 

MỤC 7

Phải chăng chỉ có một mục đích tối hậu chung cho mọi người?

NGHI VẤN. Hình như không có một mục đích tối hậu chung cho mọi người.

1. Thực vậy, hình như mục đích tối hậu của con người phải là điều thiện bất khả biến hơn hết. Nhưng một số người, vì phạm tội, đã từ bỏ điều thiện bất khả biến. Cho nên không có một mục đích tối hậu chung cho mọi người.

2. Vả lại, toàn thể cuộc sống của con người được điều khiển theo mục đích tối hậu. Vậy nếu chỉ có một mục đích tối hậu chung cho mọi người, ắt nơi người đời sẽ không có những đường lối sinh sống khác nhau. Điều này hiển nhiên là sai.

3. Vả lại, mục đích là chung hạn của hành động. Nhưng những hành động thì thuộc về từng người riêng lẻ. Nhưng con người, dù tương hợp nhau về bản tính của loại, nhưng khác nhau theo những điều thuộc về cá thể. Cho nên, không có một mục đích tối hậu chung cho mọi người.

NHƯNG. Trong cuốn XIII De Trin, thánh Augustinus viết rằng: Tất cả mọi người đều giống nhau trong việc ham muốn mục đích tối hậu, tức là hạnh phúc

LUẬN GIẢI. Chúng ta có thể nói về hạnh phúc tối hậu theo hai cách: một là, theo lý tính của mục đích tối hậu; thứ hai, theo đối tượng nơi thể hiện lý tính của mục đích tối hậu. Vậy theo lý tính của mục đích tối hậu, thì mọi người đều nhất trí với nhau trong ước vọng mục đích tối hậu; vì mọi người đều mong muốn sự hoàn bị của mình được viên thành, và đó là lý tính của mục đích tối hậu, như chúng tôi đã nói trên đây (m.5). Nhưng xét theo đối tượng, nơi thể hiện lý tính của mục đích tối hậu, thì không phải mọi người đều nhất trí với nhau về mục đích tối hậu: vì một số người ham muốn những của cải như là điều thiện hoàn chỉnh, nhưng một số người ham muốn lạc thú, một số người khác lại ham muốn điều thiện nào khác. Cũng như vị ngọt thì làm mọi vị giác được thích thú: nhưng một số người thì thích thú về vị ngọt của rượu; một số người khác lại thích thú về vị ngọt của mật ong, hoặc về một thứ gì khác như thế. Nhưng thứ vị ngọt làm cho người có vị giác rất tinh tế được thích thú, phải là vị ngọt hảo hạng tuyệt đối. Cũng vậy, điều thiện làm cho người có cảm quan thật tinh tế ước muốn như cùng đích tối hậu, phải là điều thiện cực kỳ sung mãn.

GIẢI ĐÁP. 1. Phải nói rằng, những ai phạm tội thì lìa bỏ đối tượng nơi đó cụ thể hoá cách chân thực lý tính của mục đích tối hậu, chứ không từ bỏ chính ý hướng của mục đích tối hậu, mà họ tìm kiếm một cách sai lầm nơi những vật khác.

2. Sở dĩ nơi con người có những đường lối sinh sống khác nhau, là vì lý tính của điều thiện tuyệt đỉnh được con người tìm kiếm nơi nhiều vật khác nhau.

3. Mặc dù hành động là việc làm của từng người riêng lẻ, nhưng nơi những người ấy nguyên ủy đệ nhất để hành động là bản tính, mà bản tính hướng về một, như chúng tôi đã nói trên đây (m.5). 

 

MỤC 8

Phải chăng chỉ có một mục đích tối hậu chung cho mọi thụ tạo?

NGHI VẤN. Hình như mọi loài thụ tạo khác có chung một mục đích tối hậu với con người. 

1. Thực vậy, chung cục thì tương ứng với nguyên khởi. Nhưng điều là nguyên khởi của con người, tức là Thiên Chúa, cũng là nguyên khởi của mọi hữu thể khác. Cho nên, mọi vật khác đều có chung một mục đích tối hậu với con người.

2. Vả lại, trong sách De Div. Nom., Dionysius viết: Thiên Chúa qui hướng mọi vật về Người, như về mục đích tối hậu. Nhưng chính Người cũng là mục đích tối hậu của con người: vì ta phải vui hưởng nơi một mình Người, như thánh Augustinus nói. Cho nên, mọi vật khác cũng có chung một mục đích tối hậu với con người.

3. Vả lại, mục đích tối hậu của con người là đối tượng của ý muốn. Nhưng đối tượng của ý muốn là là điều thiện phổ quát, mà điều thiện phổ quát là mục đích của mọi vật. Cho nên, mọi vật phải có chung một mục đích tối hậu với con người. 

NHƯNG. Mục đích tối hậu của con người là hạnh phúc, mà mọi người ham muốn, như thánh Augustinus đã viết trong cuốn XIII De Trin.. Nhưng súc vật thiếu lý trí thì không thể được hạnh phúc, như thánh Augustinus đã viết trong sách Octoginta Trium Quaest.. Cho nên, mọi vật khác không có chung một mục đích tối hậu với con người.

LUẬN GIẢI. Như nhà Hiền triết đã viết trong II Phys. và V Metaphys., mục đích được hiểu hai cách: mục đích "khách thể" và "chủ vị": nghĩa là chính thực tại nơi ta tìm thấy lý tính của điều thiện, và việc sử dụng hay sự chiếm hữu thực tại ấy. Như nếu chúng ta nói, đối với vật thể nặng thì cùng đích của sự di chuyển là một chỗ thấp xét như một thực tại, hay là việc hiện hữu tại chỗ thấp, xét như việc sử dụng: và mục đích của người hà tiện là tiền bạc xét như sự vật, hoặc sự chiếm hữu xét sự sử dụng tiền nong.

Vậy, nếu chúng ta nói về mục đích tối hậu của con người theo chính thực tại là mục đích, thì mọi vật đều có chung một mục đích tối hậu với con người: vì Thiên Chúa là mục đích tối hậu của con người cũng như của tất cả mọi vật khác. Nhưng nếu chúng ta nói về mục đích tối hậu của con người theo việc chiếm hữu mục đích, thì những thụ tạo thiếu lý trí không có chung một mục đích tối hậu với con người. Vì con người và các thụ tạo có lý trí khác đạt được mục đích tối hậu của mình bằng cách hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa: đó là điều không phù hợp với các thụ tạo khác, là những loài đạt tới mục đích tối hậu theo như chúng thông dự phần nào hình ảnh của Thiên Chúa, như chúng hiện hữu, sinh sống, còn nhận biết nữa.

GIẢI ĐÁP. Như thế đủ rõ để giải đáp các nghi vấn: vì hạnh phúc có nghĩa là đạt được mục đích tối hậu.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt