SIÊU LÝ TÌNH YÊU Bài ba
VLADIMIR SOLOVIEV (1853-1900)
I
Ý nghĩa và giá trị của tình yêu như một cảm xúc là ở chỗ nó bắt ta quả thực bằng toàn bộ sinh linh ta thừa nhận ở người khác cái ý nghĩa trung tâm tuyệt đối mà, do sức mạnh của chủ nghĩa vị kỉ, ta chỉ cảm thấy có ở bản thân ta. Tình yêu quan trọng không phải vì nó là một trong những cảm xúc của chúng ta, mà vì nó là sự chuyển vị toàn bộ mối quan tâm sống của chúng ta từ bản thân ta sang một cái khác, là sự định vị lại ngay cái tâm điểm của cuộc sống cá nhân ta. Đó là thuộc tính của mọi tình yêu, nhưng đặc biệt của tình yêu hữu tính; tình yêu này khác với các loại tình yêu khác cả ở cường độ lớn hơn, tính cuốn hút sâu hơn, cả ở khả năng được đền đáp đầy đủ hơn và toàn diện hơn; chỉ có tình yêu ấy mới có thể đưa đến sự hòa đồng thật sự và không thể chia cắt hai cuộc sống làm một, chỉ về nó mà cả trong lời Chúa đã nói : hai người sẽ thành một xương một thịt, tức là sẽ trở thành một sinh linh hiện thực. Tình cảm đòi hỏi một sự giao hòa nội tại, đầy đủ và đến cùng như thế, nhưng thường thường sự việc không đi xa hơn cái yêu cầu và ý vọng chủ quan ấy, mà ngay cả cái đó cũng hóa ra chỉ là nhất thời. Trong thực tế, thay cho chất thơ của sự hòa đồng tâm đầu ý hợp và vĩnh viễn, chỉ diễn ra một sự nhích lại gần nhau dài hơn hay ngắn hơn, nhưng dẫu sao vẫn nhất thời, chặt chẽ hơn hay lỏng lẻo hơn, nhưng dẫu sao vẫn bên ngoài, hời hợt của hai sinh linh hữu hạn trong khuôn khổ chật hẹp của chất tạp văn đời thường. Đối tượng của tình yêu trong thực tại không giữ được cái ý nghĩa tuyệt đối mà trí mơ tưởng tương tư dành cho nó. Đối với con mắt người ngoài cái này rõ ngay từ đầu; thế nhưng sắc thái chế nhạo vô ý song tất yếu đi theo thái độ của người ngoài đối với các cặp uyên ương hóa ra chỉ là sự báo trước nỗi thất vọng chán chường ở chính họ. Nhanh chóng hoặc từ từ, cảm hứng tình yêu say đắm qua đi, và vẫn còn là tốt nếu cái năng lượng của những tình cảm vị tha biểu hiện trong tình yêu ấy không biến mất một cách phí uổng mà chỉ mất đi tính tập trung và khí thế ngất trời xưa kia, chuyển vị dưới thể phân tán và pha loãng sang con cái được sinh ra và nuôi dạy để lặp lại cũng vẫn sự đánh lừa ấy. Tôi nói "đánh lừa" - xét từ quan điểm của cuộc sống cá thể và ý nghĩa tuyệt đối của ngã thể con người, song dĩ nhiên vẫn hoàn toàn thừa nhận tính thiết yếu và hợp đích của sự sinh con đẻ con cái và chuyển đổi thế hệ cho sự tiến bộ của loài người trong cuộc sống tập hợp của nó. Nhưng đích thị tình yêu ở đây không liên can gì. Sự trùng hợp giữa tình yêu say đắm mãnh liệt với sự sinh con đẻ cái may mắn chỉ là một ngẫu nhiên, mà lại hiếm hoi; kinh nghiệm lịch sử và hàng ngày cho thấy quá rõ, là con cái có thể được sinh hạ may mắn, được thương yêu nồng nàn và được giáo dục rất tốt bởi cha mẹ chúng, mặc dù họ không bao giờ yêu nhau say đắm. Tức là những lợi ích xã hội và toàn thế giới của nhân loại, liên quan với việc chuyển đổi thế hệ, tuyệt không đòi hỏi một cảm hứng cao vời vợi của tình yêu. Trong khi ấy thì trong cuộc sống cá nhân, cái cuộc nở hoa rực rỡ nhất ấy lại hóa ra chỉ là hoa không kết trái. Sức mạnh ban đầu của tình yêu đánh mất hết ý nghĩa của mình, khi mà đối tượng của nó từ tầm cao siêu việt của tâm điểm tuyệt đối, của một ngã thể được vĩnh cửu hóa rơi tõm xuống cấp bậc của một phương tiện ngẫu nhiên và dễ thay thế phục vụ cho sự ra đời một thế hệ người mới, có thể sẽ tốt hơn chút ít mà cũng có thể sẽ xấu hơn chút ít, nhưng trong mọi trường hợp đều là tương đối và nhất thời. Như vậy, nếu chỉ nhìn vào cái thường tình xảy ra, nhìn vào kết cục thực tế của tình yêu, thì phải thừa nhận nó chỉ là một mơ ước chiếm lĩnh trong chốc lát sinh linh ta và biến mất, không chuyển hóa thành công việc nào hết (bởi lẽ sinh đẻ con cái thực ra không phải là công việc của tình yêu). Nhưng thừa nhận - do sự thật hiển nhiên - rằng ý nghĩa lý tưởng của tình yêu không được thực hiện trong thực tại, ta có nên xem nó là không thể thực hiện được hay không? Căn cứ vào chính bản chất con người, mà nó, trong ý thức hữu trí, trong tự do tinh thần và năng lực tự hoàn thiện của nó, có những khả năng vô tận, ta không có quyền tiên quyết cho là không thể thực hiện bất kì một nhiệm vụ nào, nếu nó không mang trong mình một mâu thuẫn lôgic nội tại hay là một sự không phù hợp với ý nghĩa chung của vũ trụ và với tiến trình hợp đích của sự phát triển hoàn vũ và lịch sử. Sẽ là hoàn toàn bất công phủ định tính khả thi của tình yêu chỉ trên căn cứ là cho đến nay nó chưa bao giờ được thực hiện: chẳng phải trước đây nhiều cái khác, thí dụ tất cả các khoa học và nghệ thuật, xã hội công dân, sự điều khiển các sức mạnh tự nhiên, đều đã ở trong tình trạng như thế? Ngay cả cái ý thức hữu trí, trước khi trở thành hiện thực ở con người, đã từng là ý vọng mơ hồ và không thành trong thế giới các động vật. Biết bao nhiêu thời đại địa chất học và sinh học đã trôi qua trong những cố gắng không thành tạo nên bộ óc có khả năng trở thành một cơ quan thực hành tư duy lý tính. Tình yêu trong loài người hiện vẫn còn là cái y như trí tuệ trong thế giới động vật - nó mới chỉ tồn tại trong những phôi mầm và tiềm năng của nó, chứ chưa phải trong thực tại và nếu những thời kì khổng lồ của thế giới - những nhân chứng của trí tuệ không thành - đã không cản trở trí tuệ ấy cuối cùng vẫn cứ trở thành hiện thực, thì còn hơn thế, sự chưa được thực hiện của tình yêu trong tương đối không nhiều thiên niên kỉ mà nhân loại chính sử đã trải qua, lại càng không cho ta quyền kết luận một điều gì loại trừ sự thực hiện nó trong tương lai. Chỉ cần nhớ rõ rằng, nếu hiện thực của ý thức hữu trí đã xuất hiện ở con người, nhưng không từ con người, thì sự thực hiện tình yêu, như là bậc cao nhất trong sự sống của nhân loại, sẽ phải diễn ra không chỉ ở trong nó, mà còn từ nó. Nhiệm vụ của tình yêu là biện chính bằng thực tại cái ý nghĩa của mình, mà ban đầu chỉ được nhận thấy trong tình cảm; phải có một sự kết hợp thế nào hai sinh linh hữu hạn nhất định để từ họ tạo nên một ngã thể lý tưởng tuyệt đối - nhiệm vụ ấy không chỉ không mang trong mình một mâu thuẫn nội tại nào và một sự không phù hợp nào với ý nghĩa của hoàn vũ, nhưng nó còn trực tiếp được đặt ra bởi bản chất tinh thần của chúng ta, mà đặc điểm của nó là con người, vẫn còn lại là người trong hình thái của bản thân, có thể chứa nạp một nội dung tuyệt đối, trở thành một ngã thể tuyệt đối. Thế nhưng để chứa đầy nội dung tuyệt đối (trong ngôn ngữ tôn giáo, cái đó gọi là sự sống vĩnh hằng hay là vương quốc của Chúa Trời), bản thân hình thái con người phải được phục hồi trong thể nguyên vẹn của nó (phải được tích hợp). Trong thực tại nghiệm chứng, con người như là chính nó tuyệt không tồn tại - nó chỉ tồn tại trong thể một mặt và hữu hạn nhất định, như là cá thể nam và cá thể nữ (và rồi trên cơ sở ấy mới phát triển những khác biệt khác). Nhưng con người chân chính trong đầy đủ tính ngã thể lý tưởng của nó, rõ ràng không thể chỉ là đàn ông hay đàn bà, mà phải là một thể thống nhất cao nhất của cả hai. Thực hiện sự thống nhất ấy, tạo nên con người chân chính, như là một thể thống nhất tự do của bản nguyên nam và bản nguyên nữ vẫn giữ sự riêng biệt về hình thức, nhưng đã khắc phục được sự dị biệt về bản chất và sự phân li của chúng - đó chính là nhiệm vụ nội tại gần nhất của tình yêu. Xem xét những điều kiện cần có để thực sự giải quyết nhiệm vụ ấy, ta sẽ thấy rằng chỉ sự không tuân thủ những điều kiện ấy mới dẫn đến thất bại hàng ngày của tình yêu và buộc người đời coi nó chỉ là ảo giác.
II Bước đi đầu tiên đưa đến sự giải quyết đúng đắn bất cứ nhiệm vụ nào là đặt ra một cách có ý thức và đúng đắn nhiệm vụ ấy; thế nhưng nhiệm vụ của tình yêu chưa bao giờ được đặt ra một cách có ý thức, và vì thế mà chưa bao giờ được giải quyết một cách thoả đáng. Người ta đã và đương chỉ xem tình yêu như một thực tại nhất định, như một trạng thái (bình thường đối với một số người, bệnh hoạn đối với những người khác) mà con người trải nghiệm nhưng không bó buộc nó phải làm gì cả. Có hai nhiệm vụ thực ra được buộc nối vào đây: sở hữu sinh lý người yêu và liên kết cuộc sống với nó - trong đó, nhiệm vụ thứ hai có đặt ra một số nghĩa vụ - nhưng ở đây sự việc đã tuân phục một bên là những quy luật của sự sống sinh vật, bên kia là những quy luật của cuộc sống chung dân sự, còn tình yêu, từ đầu đến cuối bị phó mặc nó cho nó, biến mất như một ảo ảnh. Dĩ nhiên, tình yêu trước hết là một hiện thực tự nhiên (hay là một tặng phẩm của Thượng Đế), là quá trình tự nhiên phát sinh không phụ thuộc vào chúng ta; nhưng từ điều đó, không thể suy ra rằng ta không có thể và không được có thái độ hữu thức đối với nó, không thể và không được tự ý hướng quá trình ấy tới những mục đích cao nhất. Biết nói cũng là một thuộc tính tự nhiên của con người, tiếng nói cũng không được nghĩ ra, chẳng khác nào tình yêu. Tuy nhiên, sẽ đáng buồn vô cùng, nếu chúng ta ứng xử với ngôn ngữ chỉ như với một quá trình tự nhiên tự nó diễn ra trong ta, nếu chúng ta nói năng như là chim hót, giao mình cho những tổ hợp âm thanh và ngôn từ tự nhiên thể hiện những cảm giác và quan niệm vô tình đi qua tâm hồn ta, chứ không biến ngôn ngữ thành công cụ nhằm diễn đạt đến nơi một số tư tưởng nhất định, thành phương tiện để đạt tới những mục đích hữu lý và hữu thức.Với một thái độ hoàn toàn thụ động và vô ý thức đối với năng lực hành ngôn sẽ không thể hình thành cả khoa học, cả nghệ thuật, cả cuộc sống cộng đồng dân sự, và ngay ngôn ngữ, do ứng dụng không đầy đủ năng lực này, cũng sẽ không phát triển được và sẽ mãi mãi ở lại trong những biểu hiện phôi thai của nó. Ngôn từ có ý nghĩa thế nào cho sự hình thành xã hội và văn hóa loài người thì tình yêu cũng có ý nghĩa như thế và còn to lớn hơn cho sự kiến tạo ngã thể chân chính của con người. Và nếu ở lĩnh vực thứ nhất (xã hội và văn hóa) ta nhận ra một sự tiến bộ tuy chậm chạp, nhưng không thể hồ nghi, trong khi cái cá thể của con người từ thuở khởi đầu lịch sử cho đến nay vẫn ở lại bất di bất dịch trong những hạn chế thực tại của nó, thì nguyên nhân trước hết của sự lệch pha này là ở chỗ đối với hoạt động diễn ngôn và các tác phẩm ngôn từ, chúng ta có thái độ ngày càng hữu thức hơn và hữu ý hơn, còn tình yêu thì vẫn như xưa kia được để lại hoàn toàn trong khu vực tối tăm của những xúc cảm mơ hồ và những đam mê bất giác. Giống như sứ mệnh của ngôn từ không phải ở chính quá trình nói, mà ở cái được nói - ở sự khải huyền cái lẽ của vạn vật thông qua các từ ngữ và khái niệm, cũng như thế, sứ mệnh chân chính của tình yêu không phải ở sự trải nghiệm đơn thuần cảm xúc yêu đương, mà ở cái được thực hiện thông qua cảm xúc ấy - ở cơ đồ của tình yêu: với nó, chỉ cảm thấy cho mình ý nghĩa tuyệt đối của đối tượng mến yêu là chưa đủ, mà cần phải trao cho hoặc truyền cho đối tượng cái ý nghĩa ấy trong thực tại, cần liên kết với nó để thật sự tạo ra một ngã thể tuyệt đối. Và cũng giống như nhiệm vụ cao nhất của hoạt động ngôn từ đã được quy định trước trong ngay bản chất của từ ngữ - chúng tất yếu biểu thị những khái niệm chung và trường tồn, chứ không phải những ấn tượng riêng lẻ và nhất thời và vì thế mà, vốn là sự quy tụ về một cái có nhiều, tự chúng khêu gợi ta tìm kiếm lẽ tồn tại chung của toàn thế giới - cũng tương tự như thế, nhiệm vụ cao nhất của tình yêu đã được chỉ trước ngay trong tình cảm yêu mến ; tình cảm ấy, đi trước mọi sự hiện thực hóa, tất yếu dẫn đưa đối tượng của mình vào lĩnh vực ngã thể tuyệt đối, nó nhìn thấy đối tượng trong ánh sáng lý tưởng, tin vào giá trị tuyệt đối của đối tượng. Như vậy cả trong hai trường hợp (cả trong khu vực nhận thức bằng ngôn từ lẫn trong khu vực tình yêu) nhiệm vụ không phải là chế tác ra từ bản thân ta một cái gì đó hoàn toàn mới, mà chỉ là nhất quán thực hiện tiếp tục và đến cùng cái đã có ở dạng phôi thai ở ngay bản chất sự việc, ở ngay cơ sở của tiến trình. Nhưng nếu ngôn từ trong loài người đã và đương phát triển, thì trong lĩnh vực tình yêu, con người đã và đương ở lại với chỉ những phôi mầm tự nhiên, mà ngay những phôi mầm ấy trong ý nghĩa chân chính của chúng vẫn còn được hiểu rất tồi.
III Ai ai cũng biết là trong tình yêu thường tất yếu có sự lý tưởng hóa đặc biệt đối tượng mến yêu, nó hiện ra trước người yêu nó trong một ánh sáng hoàn toàn khác cái ánh sáng mà trong đó những người ngoài nhìn thấy nó. Tôi nói ở đây về ánh sáng không chỉ theo nghĩa ẩn dụ, vấn đề ở đây không chỉ ở sự quý trọng đặc biệt về đạo đức hay trí tuệ, mà còn ở cái tri giác cảm tính đặc biệt: người đương yêu quả thật nhìn thấy, cảm thấy bằng thị giác cái mà những người khác không thấy. Có điều ngay với nó, ánh sáng tình yêu ấy cũng nhanh chóng biến mất, nhưng từ đó có được suy kết rằng ánh sáng ấy là hư ảo, rằng đó chỉ là một ảo tưởng chủ quan? Cái bản chất chân chính của con người nói chung và của mỗi một con người không bị vắt kiệt bởi những hiện tượng nghiệm chứng của nó - để đối đầu với luận điểm này, thật khó có thể tìm ra những luận chứng hữu lý và vững chắc bất cứ từ quan điểm nào. Đối với nhà duy vật và nhà duy cảm, không ít hơn là đối với nhà duy linh và duy tâm, cái tưởng là có không đồng nhất với cái có thật và khi phải luận về hai kiểu "tưởng là", thì luôn luôn nảy sinh một câu hỏi chính đáng: kiểu nào trong hai kiểu ấy phù hợp nhiều hơn với cái có thật hay là thể hiện tốt hơn bản chất của các sự vật? Bởi vì cái "tưởng là" hay cái bề ngoài nói chung là hệ quả của quan hệ tương liên hay tương tác hiện thực giữa cái nhìn thấy và cái được nhìn thấy và như vậy là được quy định bởi những thuộc tính hai bên của chúng. Thế giới bên ngoài của con người và thế giới bên ngoài của con chuột chũi - cả hai đều được cấu thành chỉ bởi những hiện tượng tương đối hay là những vẻ ngoài; tuy vậy thật khó có ai hoài nghi một cách nghiêm túc rằng một trong hai thế giới "tưởng là" ấy ưu việt hơn cái kia, nằm gần cận hơn với cái là chân lý. Ta biết rằng con người, ngoài bản chất sinh vật của mình, còn có bản chất lý tưởng gắn kết nó với chân lý tuyệt đối hay là Thượng Đế. Ngoài nội dung vật chất hay là thực chứng của cuộc sống của mình, mỗi một con người mang trong mình hình ảnh Chúa Trời, tức là một hình thức đặc biệt của nội dung tuyệt đối. Cái hình ảnh Chúa Trời ấy được chúng ta nhận thức một cách lý thuyết và trừu tượng trong trí tuệ và thông qua trí tuệ, còn trong tình yêu thì nó được nhận thức cụ thể và bằng sự sống. Và nếu sự hiện diện của cái bản chất chân lý thường bị hiện tượng vật chất che khuất ấy không giới hạn trong tình yêu chỉ bằng cảm giác bên trong, mà đôi khi trở nên cảm nhận được cả bằng các giác quan bên ngoài, thì chúng ta lại càng phải thừa nhận ở tình yêu một bước khởi nguyên cho sự phôi phục thấy được hình ảnh của Chúa Trời trong thế giới vật chất, bước khởi đầu cho sự hiện thân cái tính người lý tưởng, chân chính. Sức mạnh của tình yêu, chuyển hóa thành ánh sáng, cải biến và đưa tinh thần vào hình thức của những hiện tượng bên ngoài, bằng cách ấy khai mở cho ta thấy những tiềm lực khách quan lớn lao nơi ta, nhưng công việc tiếp theo đã là của ta: tự ta phải hiểu điều khải huyền ấy và vận dụng nó, để nó không mãi mãi chỉ là ánh lóe huyền bí và thoáng qua của một bí mật nào đó. Quá trình tinh thần-vật chất của sự khôi phục hình ảnh Chúa Trời trong nhân loại vật chất không thể tự nó diễn ra bên ngoài chúng ta. Khởi nguyên của nó, cũng như của tất cả những gì tốt đẹp nhất trong thế giới này, hiện ra từ trong miền tối của những quá trình và quan hệ không được ý thức; nơi ấy là mần non và gốc rễ của cây đời, nhưng ta phải vun xới cho nó lớn lên bằng hàng động của chính ta. Để khai mào, một sự nhạy bén thụ động của tình cảm là đủ, nhưng tiếp theo, không thể thiếu vắng một niềm tin tích cực, một kì công tinh thần và sự khổ lao để giữ gìn trong mình, để củng cố và phát triển cái phú bẩm tình yêu trong sáng và sáng tạo, để mà thông qua nó làm hiển hiện ở mình và ở người khác hình ảnh của Chúa Trời và từ hai sinh linh hữu hạn và hữu tử tạo ra một ngã thể tuyệt đối và bất tử. Nếu sự lý tưởng hóa không thể tránh khỏi và là đặc tính vô thức của tình yêu cho ta thấy, sau cái bề ngoài nghiệm chứng, hình ảnh lý tưởng cao siêu của đối tượng, thì tất nhiên, không phải là để cho ta chỉ chiêm ngưỡng nó, mà để cho ta bằng sức mạnh của niềm tin chân chính, của trí tưởng tượng hoạt bát và của lao động sáng tạo thật sự cải hóa theo mẫu mực chân chính ấy cái thực tại không tương hợp với nó, nhập thân cái mẫu mực ấy vào hiện tượng thực tại. Thế nhưng đã có ai bao giờ nghĩ một điều gì tương tự như thế về tình yêu? Các nhà thơ trữ tình và hiệp sĩ trung cổ, với đức tin mãnh liệt và trí tuệ yếu đuối của họ, đã yên tâm với sự đồng nhất hóa đơn thuần lý tưởng tình yêu với một con người thực chứng, nhắm mắt trước sự không tương hợp lộ liễu giữa chúng. Niềm tin ấy cũng rắn chắc, song cũng không thể đơm hoa kết trái, giống như tảng đá, mà trên đó, ‘’vẫn trong tư thế ấy’’, nhà hiệp sĩ trứ danh von Grunvalius ngồi lì bất tận bên cạnh lâu đài của nàng Amalie. Ngoài cái niềm tin bắt buộc chỉ chiêm ngưỡng tôn kính và ca ngợi hoan hỷ cái lý tưởng mà người ta tưởng là đã nhập thân, tình yêu trung cổ tất nhiên còn gắn bó với khát vọng kì công. Song những kì công hiếu chiến và hiếu sát ấy không có quan hệ gì với cái lý tưởng đã cổ vũ chúng, cho nên đã không thể đưa đến sự thực hiện lý tưởng ấy. Ngay cả chàng hiệp sĩ với nước da trắng nhợt đã hoàn toàn giao hiến mình cho ấn tượng về cái đẹp thiên giới hiện ra trước chàng, không lẫn lộn nó với những hiện tượng trần gian, - chàng cũng chỉ được linh thị ấy cổ lệ lập nên những kì tích làm hại cho những người dị tộc nhiều hơn là làm lợi và làm vẻ vang cho "nữ tính vĩnh hằng": ánh sáng trời ! Bông hồng thánh thiện ! Chàng thốt lên, bạo liệt cuồng say, Và những lời dọa nạt của chàng Như sấm sét quật chết lũ Hồi giáo. Để quật chết những người theo đạo Hồi, tất nhiên không cần thiết phải có "một linh thị trí khôn không hiểu nổi". Thế nhưng toàn bộ thế giới hiệp sĩ trung cổ đã bị đè bẹp bởi sự lưỡng phân ấy giữa những linh thị về cõi trời của đạo Kitô và những sức mạnh "bạo liệt và cuồng say" của đời sống thực tại, cho đến khi nhà hiệp sĩ trứ danh nhất và cuối cùng - Don Quichotte ở Lamancha, sau khi đã đâm chết nhiều con cừu và làm gẫy cánh nhiều cối xay gió, nhưng vẫn không làm cho cô nông dân nuôi bò, dù chỉ chút ít, nhích lại gần lý tưởng Dulcinée, đã phải đi đến một nhận thức công bằng, nhưng chỉ phủ định về sự lầm lạc của mình; và nếu chàng hiệp sĩ điển hình kia vẫn trung thành đến cùng với cái linh thị của mình và "chàng đã chết như một kẻ điên", thì Don Quichotte từ điên rồ mất trí đã chỉ chuyển sang sự thất vọng và tuyệt vọng đáng buồn về lý tưởng của mình. Nỗi thất vọng ấy của Don Quichotte là chúc thư của giới hiệp sĩ để lại cho châu Âu thời mới. Nó vẫn tác động trong chúng ta cho đến tận bây giờ. Sự lý tưởng hóa trong tình yêu, không còn là nguồn gốc của những kì công điên rồ nữa, giờ đây không cổ lệ bất cứ kì công nào. Nó hóa ra chỉ là cái mồi thôi thúc ta mong muốn một sự hữu sở sinh lý và đời thường và biến mất ngay tức thì, khi cái mục đích hoàn toàn không lý tưởng ấy đã đạt được. ánh sáng của tình yêu không phục vụ cho ai làm tia sáng soi đường tới thiên đường đã mất; người ta xem nó như một thứ ánh sáng kì ảo của "màn mở đầu trên trời" diễm tình ngắn ngủi, mà thiên nhiên sau đó rất kịp thời dập tắt như một thứ tuyệt không cần thiết cho vở diễn tiếp theo trên mặt đất. Nhưng thực ra cái dập tắt ánh sáng ấy chỉ là sự yếu đuối và tính vô ý thức của tình yêu nơi ta, chính nó bóp méo bẻ cong cái trật tự chân chính của sự việc.
IV Sự kết hợp bên ngoài, trong đời sống và đặc biệt trong sinh lý, không có quan hệ nhất thiết với tình yêu. Nó có thể có mà không có tình yêu, và có thể có tình yêu mà không có nó. Nó là thiết yếu đối với tình yêu không phải như là một điều kiện nhất thiết và một mục tiêu riêng biệt, mà chỉ như là sự thực hiện đến cùng tình yêu.Nếu sự thực hiện ấy được đặt ra như một mục đích tự thân trước công việc lý tưởng của tình yêu, nó giết chết tình yêu. Mọi hành động hay sự việc bên ngoài tự chúng không là cái gì cả. Tình yêu là một cái gì đó chỉ nhờ ý nghĩa hay ý tưởng của nó, như là sự phục hồi thể thống nhất và toàn vẹn của bản ngã con người, sự kiến tạo một ngã thể tuyệt đối. ý nghĩa của những hành động và sự kiện bên ngoài liên quan đến tình yêu, mà tự chúng không là cái gì cả, được quy định bởi quan hệ của chúng với cái đích thị là tình yêu và sứ mệnh của nó. Khi con số không được đặt sau số nguyên, nó làm cho số nguyên lớn lên gấp mười lần, còn khi được đặt trước số nguyên, nó làm cho số ấy bé đi cũng bằng ấy lần hoặc phân tán số ấy, tước đi của nó tính nguyên vẹn, biến nó thành phân số thập phân; và càng nhiều số không như thế đi trước số nguyên thì phân số càng bé hơn, càng tiến gần hơn tới số không. Cảm xúc yêu đương tự nó chỉ là một thôi thúc, nhắc nhở chúng ta rằng ta có thể và có nghĩa vụ tái thiết thể toàn vẹn của sinh linh con người. Mỗi lần trong trái tim con ngưòi bừng lên tia sáng ấy, toàn bộ vật tạo đau khổ và rên xiết chờ lời khải huyền đầu tiên về sự hiển vinh của những đứa con của Chúa Trời. Nhưng không có tác động của tinh thần tự giác của con người, tia sáng của Chúa Trời tắt ngấm, và thiên nhiên bị đánh lừa lại tạo tác những thế hệ mới của những đứa con của loài người cho những hi vọng mới. Những hi vọng ấy chưa thành, chừng nào ta chưa muốn thừa nhận toàn bộ và thực hiện đến cùng tất cả những gì mà tình yêu chân chính đòi hỏi, những gì ẩn chứa trong ý tưởng tình yêu. Song ngay cả khi ta đã có thái độ tự giác đối với tình yêu và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ của nó, xuất hiện trước hết hai thực tại ngăn cản, chúng hình như kết án ta khoanh tay ngồi không và biện hộ cho những ai coi tình yêu chỉ là ảo giác. Trong tình yêu, theo ý nghĩa cơ bản của nó, chúng ta khẳng định giá trị tuyệt đối của một cá nhân khác và qua đó cả giá trị tuyệt đối của cá nhân ta. Thế nhưng một ngã thể tuyệt đối không thể phù sinh và cũng không thể là trống rỗng. Cái chết không thể tránh khỏi và cuộc sống trống rỗng của chúng ta hoàn toàn không thể tương dung với cảm hứng khẳng định tăng cao giá trị cá thể của ta và của người khác nằm sẵn trong tình yêu. Tình cảm ấy, nếu nó mãnh liệt và hoàn toàn tự giác, không thể dàn hòa với sự tin tưởng chắc chắn là người mà ta yêu và bản thân ta sẽ già đi và sẽ chết. Trong khi ấy thì một hiện thực không thể hồ nghi là xưa nay tất cả mọi người đều chết; hiện thực ấy được mọi người, hoặc hầu như mọi người xem là một quy luật tuyệt đối, bất di bất dịch (đến nỗi trong lôgic học hình thức, đã trở thành tập quán sử dụng niềm tin sắt đá ấy để lập ra một tam đoạn luận mẫu mực: tất cả mọi người đều chết; Kay là con người; do đó, Kay cũng sẽ chết). Có điều nhiều người tin vào sự bất tử của linh hồn; nhưng chính tình yêu cho ta thấy tốt hơn cả tính không thoả đáng tí nào của niềm tin trừu tượng ấy. Một sinh linh không có thân xác không phải là người, mà là thiên thần, nhưng chúng ta yêu con người, yêu cái cá thể toàn vẹn của nó, và nếu tình yêu là bước đầu của quá trình làm sáng và đưa tinh thần vào cái cá thể ấy, thì nó tất yếu đòi bảo toàn cá thể, đòi tuổi xuân vĩnh viễn và sự bất tử cho con người ấy, cho cái thần sống đã nhập vào cơ thể thân xác ấy. Thiên thần hay một tinh thần thuần tuý không cần được làm sáng và được hấp thụ tinh thần; chỉ có xác thịt mới bừng sáng và mới nhuần thấm tinh thần, mà xác thịt là đối tượng không thể thiếu của tình yêu. Có thể tạo ra quan niệm về bất cứ cái gì, nhưng chỉ có thể yêu cái sống động, cái cụ thể, mà đã yêu nó thật sự thì không thể dàn hòa với sự biết chắc chắn là nó sẽ tử vong. Nhưng nếu sự không thể tránh khỏi cái chết là không thể dung hòa với tình yêu chân chính, thì sự bất tử cũng tuyệt không thể dung hòa với cuộc sống trống rỗng của chúng ta. Đối với đa số nhân loại, cuộc đời chỉ là sự đổi phiên giữa lao động nặng nhọc mang tính máy móc và những lạc thú nhục thể thô bạo, làm choáng váng ý thức. Còn cái thiểu số có điều kiện chăm sóc thiết thực cho không chỉ những phương tiện, mà cả những mục đích sống thì lại, thay vì cái đó, lợi dụng sự không phải lao động cơ bắp chủ yếu để giết thời gian một cách vô nghĩa và vô đạo đức. Thiết nghĩ không cần nói dài dòng về sự trống rỗng và vô đạo đức một cách vô ý và vô thức của toàn bộ cuộc sống giả tạo ấy sau khi nó đã được tái tạo tuyệt vời trong Anna Karenina, Cái chết của Ivan Ilich và Bản xônat Kreutzer. Trở lại câu chuyện của chúng ta, chỉ xin dẫn một ý kiến rất có lý là đối với một cuộc sống như thế, cái chết không chỉ không thể tránh khỏi, mà còn đáng mong muốn: có thể nào hình dung sự tồn tại kéo dài vô tận của một quý bà thuộc xã hội thượng lưu, hay một vận động viên, hay một con bạc khát nước, mà chỉ sự hình dung thôi lại không gây cho ta một nổi sầu khủng khiếp? Sự bất tử không thể tương dung với kiểu tồn tại như thế, điều này là rõ ràng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng nếu để ý hơn, ta sẽ phải thừa nhận cũng sự không thể tương dung như thế cả đối với những kiểu tồn tại khác, rõ ràng giàu nội dung hơn. Nếu thay vì một quý bà thuộc xã hội thượng lưu hay một con bạc, ta lấy, ở cực đối lập, những vĩ nhân, những thiên tài đã cống hiến cho nhân loại những tác phẩm bất hủ hay là đã làm thay đổi số phận của các dân tộc, thì ta sẽ thấy rằng nội dung cuộc sống của họ và những thành quả lịch sử của nó có giá trị chỉ như cái đã có một lần và không trở lại và chúng sẽ mất đi mọi ý nghĩa, nếu sự tồn tại cá thể của những thiên tài ấy kéo dài bất tận. Sự bất tử của những tác phẩm, xem ra, tuyệt không đòi hỏi và thậm chí còn loại trừ sự bất tử vô tận của các cá nhân đã tạo tác ra chúng. Lẽ nào có thể hình dung một Shakespeare sáng tác bất tận những vở kịch của mình hay một Newton tiếp tục nghiên cứu không bao giờ dứt cơ học bầu trời, không nói đến cái lố bịch của sự tiếp tục mãi mãi cái hoạt động đã làm lừng danh một Alexandre Đại đế hoặc một Napoléon. Rõ ràng, nghệ thuật, khoa học, chính trị, cung cấp nội dung cho từng ý vọng riêng lẻ của tinh thần con người và đáp ứng những nhu cầu lịch sử nhất thời của nhân loại, tuyệt không truyền cho các cá thể con người một nội dung tuyệt đối, tự nó thỏa mãn nó, và vì thế mà không cần đến sự bất tử của những con người ấy. Chỉ có tình yêu cần đến sự bất tử ấy, và chỉ có nó mới đạt tới sự bất tử. Tình yêu chân chính không chỉ khẳng định trong cảm giác chủ quan cái ý nghĩa tuyệt đối của ngã thể con người ở người khác và ở bản thân ta, mà còn thực hiện ý nghĩa ấy trong thực tại, thực sự giải thoát ta khỏi cái chết không thể tránh và làm cho cuộc sống của ta đầy ắp nội dung tuyệt đối. PHẠM VĨNH CƯ dịch |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC