NHẬP MÔN TRIẾT HỌC CHÍNH TRỊ - MỤC LỤC
PLATO CHỐNG LẠI CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ
JONATHAN WOLFF (Giáo sư, Đại học University College London) BÙI XUÂN LINH dịch
Jonathan Wolff. An Introduction to Political Philosophy. Oxford Oxfordshire: Oxford University Press. 2015. | Bản dịch tiếng Việt do dịch giả Bùi Xuân Linh gửi cho triethoc.edu.vn
Giả sử sau đây là tình trạng xảy ra trên một hoặc nhiều con tàu. Thuyền trưởng là người to lớn, mạnh mẽ hơn bất cứ ai trong thủy thủ đoàn, nhưng thính lực hơi kém và bị cận thị, và do đó bị giới hạn trong nghề đi biển. Toàn bộ thủy thủ đoàn đang tranh cãi nhau về cách điều khiển con tàu, mỗi người đều nghĩ chính mình mới là kẻ ngồi sau bánh lái; họ chưa bao giờ học nghề hàng hải và không thể nói rằng đã có ai từng dạy cho họ, hoặc là họ đã bỏ thì giờ ra học nó; trên thực tế họ nói nghề này không thể dạy và sẵn sàng giết chết bất cứ ai nói ngược lại. Họ dành tất cả thời gian của mình để đi quanh người thuyền trưởng và làm tất cả những gì có thể để ông ta giao bánh lái cho họ. Nếu một phe thành công hơn phe khác, các đối thủ của họ có thể giết họ và ném xuống biển, hãm hại vị thuyền trưởng trung thực bằng ma túy hoặc rượu hoặc bằng một cách nào đó, kiểm soát con tàu, lấy bất cứ thứ gì trên tàu tùy thích và biến cuộc hải hành thành một chuyến đi chơi vui vẻ say sưa mà bạn mong đợi. Cuối cùng, họ dành sự ngưỡng mộ của mình cho người biết cách tiếp tay trong việc lừa đảo vị thuyền trưởng bằng vũ lực hoặc gian trá; họ khen ngợi thuật đi biển và hàng hải và kiến thức về biển cả của anh ta và cáo buộc mọi người khác là vô dụng. Họ không có ý tưởng gì về việc nhà hàng hải thực sự phải nghiên cứu các mùa trong năm, bầu trời, các vì sao, các ngọn gió, và tất cả những chủ đề khác phù hợp với nghề nghiệp của ông ta nếu ông ta thực sự phù hợp với việc điều khiển một con thuyền; và họ nghĩ hầu như không thể có được kỹ năng nghề nghiệp cần thiết cho việc điều khiển như vậy (cho dù họ có muốn nó được thực hiện hay không) và rằng không có thứ gì gọi là nghề hàng hải. Với tất cả những điều này đang diễn ra trên thuyền, chẳng phải các thủy thủ trên bất kỳ con thuyền nào như vậy đều chấp nhận coi người lái thuyền thực sự như một kẻ phô trương dài dòng và mơ màng, chẳng ích lợi gì cho họ cả sao? Plato, Cộng hòa, nxb. H.P. D. Lee (1380-360 TCN), Harmondsworth: Penguin, 1955), 282, 488a-d.
Sự chống đối của Plato đối với chế độ dân chủ khai thác một tình trạng căng thẳng hiển nhiên bên trong lý thuyết dân chủ. Cũng giống như “chế độ quân chủ” (monarchy) có nghĩa là “nền cai trị bởi vị quân vương” (monarch), “chế độ dân chủ” (democracy) có nghĩa là “nền cai trị bởi dân chúng”. Nhưng dân chúng (demos) là gì? Trong tiếng Hy Lạp cổ, từ này có thể được hiểu như là “nhân dân”, và như là “quần chúng bình dân”. Theo nghĩa sau, chế độ dân chủ là sự cai trị của đám đông hỗn tạp: sự cai trị của lớp người thấp hèn, những thường dân, những kẻ dơ bẩn, những kẻ không phù hợp. Nhưng lời sỉ nhục này đối với chế độ dân chủ chỉ là khúc dạo đầu cho những lập luận chính chống dân chủ của Plato. Vũ khí cơ bản của ông là điều được gọi là “phép loại suy kỹ năng”. Vấn đề rất đơn giản. Nếu bạn đau, và muốn có lời khuyên cho sức khỏe của mình, bạn sẽ đi gặp một chuyên gia – người bác sĩ. Nói cách khác, bạn sẽ muốn xin lời khuyên của một người nào từng được đào tạo đặc biệt để làm công việc ấy. Điều cuối cùng bạn sẽ làm là tập hợp một đám đông, và yêu cầu họ biểu quyết bài thuốc đúng. Sức khỏe của nhà nước là một vấn đề không kém phần quan trọng so với sức khỏe của bất kỳ cá nhân cụ thể nào. Đưa ra những quyết định chính trị – những quyết định nằm trong lợi ích của nhà nước – đòi hỏi óc phán đoán và sự thành thạo. Plato thúc giục, việc này nên để cho các chuyên gia. Nếu dân chúng được phép quyết định, họ sẽ bị gây ảnh hưởng bởi những kẻ ăn nói to nhất và với sự xác tín nhiều nhất – những nhà Ngụy biện – và do đó, giống như vị thuyền trưởng điếc và cận thị trên con thuyền, sẽ bị thống trị bởi lý luận giả dối của các chính trị gia nhiều tham vọng.Trong khi ấy, những người thực sự có khả năng trong nghề hàng hải sẽ bị phớt lờ. Cũng giống như một con thuyền được lèo lái như vậy sẽ lạc mất đường đi và bị đắm, Plato lý luận, con thuyền nhà nước cũng vậy. Nhưng các nhà cai trị-chuyên gia được tìm thấy ở đâu? Ở đây câu trả lời của Plato đơn giản, và, đối với các độc giả tiềm năng của ông, mới nhìn khá tâng bốc. Không thể có xã hội công bằng trừ khi các ông vua trở thành triết gia, hoặc các triết gia trở thành vua chúa. Đào tạo triết học, Plato biện luận, là một điều kiện đối với nhà cai trị. Plato không có nghĩa là chỉ cần bỏ ra ít năm để đọc và suy nghĩ về triết học. Ông có một kế hoạch cho việc giáo dục cả đời đối với những “người giám hộ”, bao gồm trong thời trẻ không chỉ các kỹ năng về văn học, mà còn có giáo dục âm nhạc, toán, quân sự, và thể chất. Không cần học gì về triết học cho đến năm ba mươi. Khi ấy năm năm triết học sẽ được tiếp nối bằng 15 năm phục vụ trong quân ngũ, và những ai đã trải qua quá trình này một cách vẻ vang mới được phép quay lại thường xuyên với triết học: một sự nghỉ ngơi chỉ bị gián đoạn bởi việc đến lượt phải đảm nhận “công việc chính trị mệt mỏi”. Chúng ta sẽ đi lạc đường quá xa khi xem xét những khía cạnh này và những điều khác nữa trong cuốn Cộng hòacủa Plato một cách chi tiết. Đặc biệt, chúng ta không thể đi sâu vào bản chất và nội dung của kiến thức mà Plato dự định những người giám hộ của mình sẽ phải có được. Nhưng chúng ta hãy nhớ lại phép loại suy kỹ năng. Cai trị, cũng giống như y khoa, hàng hải, hay thậm chí nông nghiệp, là một kỹ năng. Cần có một sự đào tạo đặc biệt, và không phải mọi người đều tự nhiên có khả năng thậm chí đạt được kỹ năng. Cũng giống như y khoa cần để cho các nhà chuyên môn, và một chương trình đào tạo y khoa chỉ được dành cho những người phù hợp nhất, công việc cai trị cũng vậy, và một chương trình đào tạo để cai trị. Bất cứ sự sắp xếp nào khác cũng sẽ dẫn đến những kết quả tệ hại hơn, và tham khảo ý kiến quần chúng bình dân sẽ dẫn đến tai họa. Trên bề mặt, lập luận của Plato chống chế độ dân chủ có vẻ thật tai hại. Nếu cai trị là một kỹ năng, và một kỹ năng chỉ một ít người có thể đạt được, thì dân chủ dường như hoàn toàn vô lý hoặc phi lý. Người bảo vệ chế độ dân chủ phải tìm ra lời đáp trả lại phép loại suy kỹ năng. Nhưng liệu nó có yếu điểm nào không?
Những vấn đề với việc bảo vệ Điều đầu tiên cần nói là hệ thống của Plato là một hình thức của chủ nghĩa độc tài, và cũng như có những lập luận chung có thể được dùng để chống lại bất kỳ hệ thống dân chủ nào, cũng có những lập luận chung được sử dụng để chống lại chế độ độc tài. Thậm chí nếu chúng ta công nhận với Plato rằng trong khi giáo dục các nhà bảo vệ ông đang tạo nên một giai cấp những nhà cai trị chuyên môn, thì chắc chắn vẫn không dẫn đến kết quả là chúng ta nên công nhận cho họ quyền điều khiển cuộc sống của chúng ta. Vấn đề không phải là chúng ta đừng bao giờ nên làm theo các chuyên gia, mà là việc trao quyền hạn không được kiểm soát cho các chuyên gia là dẫn đến thảm họa. Bạn có thể chọn nghe lời khuyên của một bác sĩ hoặc tham khảo ý kiến của một kiến trúc sư, nhưng ai sẽ vui nếu “toa thuốc của bác sĩ” có hiệu lực pháp luật, hoặc nếu kiến trúc sư phân bổ nhà ở cho mọi người? Dù những người này có thông thạo công việc của họ tới đâu, tại sao chúng ta phải tin cậy họ để đưa ra những quyết định nhân danh chính mình? Đây là một lời phản đối đã có từ lâu. Làm gì để ngăn người giám hộ – ông vua-triết gia – xoay chuyển tình thế có lợi cho mình? Thật khó là một niềm an ủi khi được bảo rằng người cai trị là một chuyên gia, nếu mong đợi những người cai trị của mình tham nhũng, có lẽ chúng ta thích được cai trị bởi những kẻ bất tài hơn. Ít nhất bằng cách đó nạn tham nhũng sẽ ít tai hại hơn. Trong hệ thống của Plato, theo lời phản đối, ai sẽ bảo vệ những người giám hộ? Plato đã không bỏ qua khó khăn này. Ông đáp lại bằng cách biện luận rằng những người giám hộ phải được đặt trong một vị trí nơi chỉ có những cơ hội tham nhũng tối thiểu. Do đó, chẳng hạn, các ông vua-triết gia không được phép có của cải riêng. Vì vậy, dường như sẽ không có cơ hội cho loại tham nhũng mà chúng ta vẫn thường thấy trong thế giới hiện đại: một gia đình hay một đám những kẻ cai trị làm giàu cho bản thân bằng sự trả giá của dân tộc họ. Rõ ràng điều này sẽ bị loại khỏi hệ thống của Plato – miễn là qui định chống lại quyền tư hữu có thể được thực thi. Nhưng nếu chúng ta giả định là nó được thực thi, thì dường như chúng ta đã quay về với khó khăn ngược lại. Nếu cuộc sống của người giám hộ không có đầy phú quí, tại sao mọi người lại đồng ý cai trị? Như Plato mô tả người giám hộ, họ là những triết gia rất ham thích dùng thì giờ vào việc đọc sách, đàm đạo, và suy nghĩ về triết học. Tại sao họ phải từ bỏ thời gian của mình? Theo một cách nào đó, câu trả lời của Plato mang tính tiêu cực. Những người giám hộ đồng ý cai trị, không phải vì phần thưởng nội tâm hoặc bên ngoài của vai trò, mà để tránh bị người khác cai trị. Thay vì cho phép những người khác – Tệ hơn nữa, tất cả những người khác – cai trị, họ miễn cưỡng chấp nhận nhiệm vụ cần thiết này. Tuy nhiên, nếu những người giám hộ quyết định vi phạm pháp luật liên quan đến tài sản riêng, hoặc thậm chí thay đổi luật lệ bằng những thủ tục phù hợp, thì ai sẽ có thẩm quyền và sức mạnh để ngăn họ? Chúng ta không thể hoàn toàn vững tâm vì những luật lệ của Plato được thiết kế để ngăn ngừa tham nhũng. Nếu Plato muốn thuyết phục chúng ta rằng một nền giáo dục triết học phù hợp giúp một người có khả năng chống lại sự cám dỗ, chúng ta có thể trả lời rằng sự giám sát công khai, thích hợp và đầy đủ, đối mặt với một cử tri đoàn được trao quyền, là một phương pháp đáng tin cậy hơn nhiều. Một điều lo ngại nữa là những người giám hộ được bổ nhiệm như hế nào. Plato tin rằng những người giám hộ tiềm năng có thể được chọn ra từ lúc còn nhỏ, và rồi trải qua nhiều cảnh gian khổ khác nhau; điều này sẽ cho phép lựa chọn được người tốt nhất. Điều này có vẻ hoàn toàn có thể: hãy nghĩ đến việc các tướng lãnh đã vươn lên từ những cấp bậc trong quân đội như thế nào. Nhưng, trong trường hợp của những người giám hộ, chúng ta vẫn có thể tự hỏi liệu những lời tuyên bố cai trị của họ có bao giờ được toàn dân chấp nhận hay không. Sau cùng, đa số dân chúng sẽ không có được lợi ích của một nền giáo dục triết học, và có lẽ không thể đánh giá ai sẽ là những người cai trị tốt nhất. Nếu chúng ta cộng dồn những phản đối này, chúng sẽ đi đến đâu? Thực sự không hơn nhiều so với suy nghĩ rằng chúng ta rất không thoải mái với ý tưởng về hệ thống của Plato. Xã hội của Plato không có gì bảo đảm rằng những người giám hộ sẽ luôn có thể chống lại sự cám dỗ. Và cũng có thể là người dân không chấp nhận sự cai trị của họ. Nhưng những vấn đề này với các đề xuất của Plato hầu như không tạo ra một sự bảo vệ mạnh mẽ cho nền dân chủ. Có lẽ một hệ thống phi dân chủ khác sẽ là câu trả lời. Một lần nữa, nếu cai trị là một kỹ năng mà chỉ một số ít người có thể có, khi ấy chắc chắn sẽ là vô lý khi để việc đưa ra quyết định chính trị cho lớp người thấp hèn.
Kiến thức và quyền lợi Một loại lập luận khác có thể giúp chúng ta đạt được tiến bộ. Plato khẳng định rằng các nhà cai trị cần kiến thức chuyên môn. Nhưng kiến thức như vậy có thể thực sự đạt được không? Nếu thực sự không có cái gọi là một nhà cai trị chuyên nghiệp, thì sự phản đối của Plato đối với chế độ dân chủ dường như sẽ tan thành mây khói. Một số nhà phê bình đã lập luận rằng chúng ta nên rất hoài nghi về tuyên bố rằng có thể có những nhà cai trị chuyên môn sờ hữu một mức độ kiến thức đặc biệt. Rốt cuộc, như người ta thường nói, không ai có thể tuyệt đối chắc chắn về bất cứ điều gì. Hầu như tất cả các tuyên bố về kiến thức – dù là về chính trị, khoa học hay triết học – đều có thể sai lầm. Và vì vậy nếu chúng ta để những quyết định về bất kỳ chủ đề nào cho những người được gọi là chuyên gia, chúng ta đang tự lừa dối mình về khả năng của họ. Mặc dù thường khá hài lòng khi coi thường những tuyên bố về sự khôn ngoan của bất kỳ ai nắm giữ một vị trí quyền lực nào đó, câu trả lời này không đưa chúng ta đi xa lắm. Vì thực tế – nếu đó là một thực tế – là không ai có thể biết chắc chắn điều gì, không nói ngược lại quan điểm tầm thường hơn rằng một số người là thẩm phán tốt hơn những người khác. Chẳng hạn, như nhiều người khác, tôi thường rất hoài nghi về những tuyên bố về kiến thức của các bác sĩ. Nhưng nếu tôi cho là cẳng chân của tôi sắp bị gãy tôi sẽ quay sang một bác sĩ nhờ giúp đỡ, mặc dù tôi tin chắc rằng các bác sĩ thương phạm phải sai lầm, kể cả một số người rất nghiêm chỉnh. Nhưng những người không được đào tạo về y học (ví dụ, những người đó đôi khi bị báo chí đại chúng tiết lộ là giả dạng bác sĩ) về mặt lý trí có thể được mong đợi là thậm chí còn tồi tệ hơn. Vì vậy, ngay cả khi không có kiến thức sai lầm nào tồn tại thì điều đó cũng không có nghĩa là tất cả mọi người đều có kỹ năng như nhau, hay đúng hơn là không có kỹ năng, trong tất cả các ngành nghiên cứu. Cách đánh bại phép loại suy kỹ năng này nhằm khẳng định rằng, trên thực tế, không có kỹ năng nào. Điều này là quá viển vông để tin. Nhưng có lẽ không đúng khi không có kiến thức chuyên môn áp dụng cho việc cai trị, mặc dù kiến thức chuyên môn tồn tại trong các chủ đề khác? Điều này cũng khó tin. Các nhà cai trị ngày nay cần những kiến thức khá tinh tế về kinh tế học, tâm lý học và động cơ con người. Họ cần (ngay cả khi không phải lúc nào cũng có) trí thông minh cao, năng lực làm việc lớn, trí nhớ nhạy bén, khả năng xử lý chi tiết xuất sắc và kỹ năng đối phó với người khác. Thật vô lý khi cho rằng không có ai có tiềm năng trở thành một nhà cai trị tốt hơn bất cứ ai khác. Một trường hợp rất hay có thể được đưa ra là việc cai trị, ít nhất là phần lớn của nó, là một nghề. Tuy nhiên, có điều gì đó về sự phản đối này có thể đẩy chúng ta đến một hướng hiệu quả hơn. Có lẽ người ta có thể nhấn mạnh hơn lên sự kiện rằng có điều gì đó đặc biệt trong việc ra quyết định chính trị, không giống như việc yêu cầu giơ tay để quyết định xem chúng ta có nên cắt bỏ một chi bị bệnh hay không. Để đưa ra dòng suy nghĩ này, chúng ta nên xem xét kỹ hơn bản chất của việc bỏ phiếu trong một hệ thống dân chủ. Plato ngụ ý rằng quan điểm của việc biểu quyết là ghi vào sổ ý kiến về những gì tốt nhất cho toàn thể thị quốc. Rõ ràng đây thường là một chức năng của bỏ phiếu. Nhưng Plato dường như cho rằng đây là tất cả sự bỏ phiếu, và lập luận của ông đi đến tuyên bố rằng tốt hơn là để các quyết định như vậy cho các chuyên gia. Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể tranh luận rằng có nhiều thứ để biểu quyết hơn là bày tỏ ý kiến về lợi ích công, thì có lẽ một biện pháp bảo vệ dân chủ mạnh mẽ hơn sẽ trở nên khả thi. Hãy nhớ một trong những điểm được đưa ra ở phần đầu của chương này: các chính phủ dân chủ cai trị cho người dân, tức là vì lợi ích của những người bị cai trị. Mặc dù Plato chống lại chế độ dân chủ, ông chia sẻ giả định rằng các nhà cai trị nên đặt quyền lợi của dân chúng trong tim mình. Điều ông phủ nhận là phương cách để đạt được nó là qua một hệ thống cai trị bởi nhân dân. Một nỗ lực bảo vệ dân chủ là cố biện luận rằng lập trường của Plato không thể được duy trì. Việc cai trị vì dân phải là việc cai trị do dân. Tại sao điều này phải như vậy? Plato chủ trương một hệ thống độc tài nhân từ. Nhưng thậm chí nếu nhà độc tài muốn xúc tiến quyền lợi của nhân dân, làm thế nào biết được các quyền lợi này? Trong một chế độ dân chủ dường như dân chúng cho thấy những quyền lợi của mình bằng cách bỏ phiếu: họ bầu cho những gì họ muốn. Do đó bỏ phiếu còn hơn cả một thủ tục đưa ra quyết định. Nó là một cách tiết lộ hay biểu đạt ngay chính thông tin mà quyết định cần tính đến: những gì dân chúng muốn. Nếu không có một số loại thủ tục bỏ phiếu nào đó, làm sao điều này có thể được khám phá? Plato có thể trả lời rằng những người giám hộ không chỉ nhân từ, mà họ cũng còn là những chuyên gia. Họ có sự khôn ngoan và kiến thức. Các ông vua của Plato không phải là những kẻ khoa trương, những bạo chúa ngu dốt đôi khi được nhìn thấy trong thế giới hiện đại. Họ là những triết gia. Nhưng, để đáp lại Plato, liệu chuyên môn triết học có thực sự mang lại cho họ một cách hiểu biết về lợi ích của dân chúng? Luận lý học và siêu hình học không nói cho bạn biết dân chúng muốn gì. Đạo đức học cũng vậy, hoặc ngay cả triết học chính trị. Kiến thức triết học và thông tin căn cứ trên thực tế dường như là hai thứ hoàn toàn khác biệt nhau. Như có đúng là việc đưa ra quyết định chính trị nên đáp ứng những gì mà dân chúng mong muốn? Có lẽ nó nên đáp ứng thuận lợi những lợi ích của dân chúng – những gì tốt nhất cho họ. Và liệu có thể nói rằng việc biết những lợi ích của dân chúng quả thực là loại kiến thức được cung cấp bởi một nền giáo dục triết học? Có lẽ mọi người đều có cùng những lợi ích. Trong trường hợp ấy, những khả năng phân tích tinh tế của triết gia đặt họ vào vị trí tốt nhất có thể để biết được những lợi ích của dân chúng. Tuy nhiên, bất kể thứ gì Plato từng nghĩ về việc này, và bất kể thứ gì đúng theo ý nghĩa siêu hình sâu xa nhất, trong điều kiện thực tế nó chắc chắn phải là sai khiến cho tất cả chúng ta có cùng lợi ích. Hãy tưởng tượng rằng việc xây dựng một con đường lớn đang được xem xét. Một số người sẽ được hưởng lợi trong việc xây con đường ấy. Những người khác sẽ có lợi ích ngược lại: chẳng hạn, chủ của một doanh nghiệp nằm trên con đường chính đang hiện hữu. Một số người sẽ có lợi trong việc con đường nằm theo một tuyến nào đó; những người khác sẽ có lợi hơn từ một tuyến khác. Việc xây dựng con đường sẽ ảnh hưởng đến dân chúng theo rất nhiều cách khác nhau. Do đó có vô số lợi ích đối chọi nhau cần được xem xét. Việc đọc những tác phẩm triết học sẽ không cung cấp lời giải cho vấn đề này. Mặt khác, một ví dụ như thế này sẽ khiến chúng ta rất hoài nghi về giá trị của dân chủ. Quyết định nên được đưa ra như thế nào giữa các sở thích hay lợi ích cạnh tranh nhau? Có lẽ là như vậy, bởi vì có hơn hai phương án (con đường có thể được xây dựng dọc theo nhiều tuyến đường khác nhau), không có phương án nào sẽ đạt được sự ủng hộ của đa số. Nhưng ngay cả nếu một phương án đạt được, có phải hiển nhiên là chúng ta nên chấp nhận sở thích của đa số? Có lẽ việc này sẽ tỏ ra rất bất công đối với thiểu số (nên nhớ yếu tố Madison về việc bảo vệ thiểu số trong chế độ dân chủ). Chắc chắn điều chúng ta cần là một phán quyết của một người thấu hiểu tất cả các lợi ích liên quan, nhưng với sự khôn ngoan của Solomon, đưa ra một quyết định công bằng và sáng suốt nhất. Điều này càng cần thiết hơn nếu chúng ta chấp nhận quan điểm của Humes đã đề cập trong Chương 2 rằng mọi người thường là những người am hiểu rất kém về lợi ích của họ khi lợi ích dài hạn và ngắn hạn của họ chia rẽ. Vì vậy, nhiều nhất là, chúng ta có một lập luận để thăm dò chi tiết ý kiến của người dân, nhưng chưa nhất thiết phải là một lập luận cho dân chủ. Trên thực tế, lập trường đối với nền dân chủ còn tồi tệ hơn so với những gì tưởng tượng cho đến nay, Plato tuyên bố rằng chúng ta cần những nhà cai trị chuyên nghiệp. Người bảo vệ dân chủ đáp lại rằng các chuyên gia cần biết những lợi ích của dân chúng, và chỉ có một cuộc bỏ phiếu mới cho thấy những lợi ích đó là gì. Câu trả lời cho lập luận này là không chỉ sai khi chỉ một cuộc bỏ phiếu lại tiết lộ lợi ích của mọi người, mà việc thăm dò ý kiến cũng có thể thực hiện một công việc hiệu quả hơn. Một vấn đề xa hơn, và rắc rối hơn là chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn rằng một cuộc bỏ phiếu dân chủ cho chúng ta biết bất cứ điều gì về các sở thích hoặc lợi ích của người dân. Để thấy điều này, chúng ta hãy xem xét một ví dụ khá dung tục. Giả sử có một nhóm người đang tranh cãi nhau về việc liệu hút thuốc có nên được cho phép tại một nơi công cộng mà họ chia nhau quyền kiểm soát – có lẽ là một nhà sinh hoạt sinh viên. Cũng giả sử rằng họ đồng ý sẽ tuân theo quyết định của đa số. Có phải điều này có nghĩa là nhóm người này sẽ bỏ phiếu cho phép hút thuốc nếu, và chỉ nếu, một đa số thích nơi ấy trở thành chỗ hút thuốc công cộng hơn? Thoạt nhìn việc này có vẻ hiển nhiên là vậy, nhưng một lúc suy nghĩ lại cho thấy rằng không cần phải vậy. Đúng là một số người sẽ bỏ phiếu như thể họ đang mong đợi trả lời cho câu hỏi “Bạn có thích nơi ấy trở thành chỗ hút thuốc không?” Thực vậy, những người này sẽ bỏ phiếu theo sở thích của họ. Nhưng những người khác sẽ bỏ phiếu như thể câu hỏi họ sắp trả lời là “Bạn có nghĩ việc hút thuốc phải được cho phép?” Do đó, một số người hút thuốc sẽ bỏ phiếu phủ nhận chính lạc thú của họ, biện luận rằng những người hút thuốc thật là sai khi khiến người khác phải chịu những tác động bất lợi của hành vi của họ. Một số người không hút thuốc nữa cũng vậy, sẽ bỏ phiếu chống lại chính sở thích của mình, biện luận rằng hút thuốc là một vấn đề lựa chọn cá nhân. Nói cách khác, những người này đang bỏ phiếu một cách vô tư, và do đó không tiết lộ những lợi ích của họ qua việc bỏ phiếu. Theo quan điểm này, sẽ không an toàn khi cho rằng dân chủ là một cách làm cho các lợi ích hoặc sở thích cá nhân được biết đến. Một số người sẽ bỏ phiếu cho những gì họ muốn nhất. Những người khác đặt sở thích hoặc lợi ích riêng của mình sang một bên, và bỏ phiếu theo cách họ làm trên cơ sở đạo đức. Chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn điều gì đang thúc đẩy các thành viên của bất kỳ khu bầu cử nhất định nào; thực ra, chính họ cũng có vẻ không chắc. Hậu quả của việc này là gì? Nếu dân chúng không luôn bỏ phiếu theo sở thích của họ, chúng ta không thể mô tả tiến trình bầu cử như một tiến trình tự động tiết lộ những sở thích của đa số. Như vậy việc bỏ phiếu tiết lộ điều gì? Nếu dân chúng bầu phiếu do những động lực thúc đẩy lẫn lộn – một số vì sở thích, một số vì quan tâm đến lợi ích chung – khi ấy nó không nói với chúng ta điều gì hơn là một đa số dân chúng đã bỏ phiếu cho một phương án thay vì một phương án khác. Chúng ta không thể nói một cách tin chắc rằng đa số dân chúng tin tưởng phương án chiến thắng sẽ nằm trong lợi ích của họ; cũng như không thể nói rằng một đa số dân chúng tin rằng quyết định là vì lợi ích chung. Tóm lại, việc bầu cử vì động cơ thúc đẩy lẫn lộn, là một tình trạng hỗn độn. Và điều còn tệ hơn nữa, trong những điều kiện ngày nay nó dường như là trường hợp bình thường.
Bầu cử và lợi ích chung Vấn đề bỏ phiếu có động cơ thúc đẩy lẫn lộn dường như buộc chúng ta phải quyết định loại động lực mà cử tri nên có. Liệu chúng ta có thể bảo đảm rằng trên thực tế, các cử tri sẽ có loại động lực đó hay không là một câu hỏi xa hơn, và có lẽ khó hơn. Nhưng trước hết chúng ta hãy xem xét câu hỏi lý thuyết. Nếu chúng ta không muốn chấp nhận bỏ phiếu vì động lực hỗn hợp thì có vẻ như chúng ta phải lựa chọn giữa hai mô hình: một mô hình trong đó các cử tri bỏ phiếu theo những sở thích của họ, và mô hình kia trong đó các cử tri bỏ phiếu theo những sự đánh giá hoặc ý kiến của họ về lợi ích chung. Chúng ta thấy, vấn đề của mô hình trước là việc thăm dò dư luận có thể là một cách nhạy cảm hơn rất nhiều để thu thập thông tin cần thiết. Nhưng có lẽ ý tưởng thứ hai – toàn thể dân chúng sẽ bỏ phiếu theo những ý tưởng về lợi ích chung của họ – có thể được sử dụng để bảo vệ chế độ dân chủ. Tuy nhiên, nếu chúng ta giả định rằng dân chúng sẽ bỏ phiếu theo ý tưởng của họ về lợi ích chung, lúc ấy chúng ta cần một lập luận mới cho chế độ dân chủ. Lập luận cuối cùng là, nếu không có bỏ phiếu, các nhà cai trị sẽ không thể nói dân chúng muốn gì. Nhưng nếu dân chúng bỏ phiếu theo những ý tưởng của họ về ích lợi chung, thì việc bỏ phiếu cũng sẽ không nói cho chúng ta biết họ muốn gì. Nó sẽ chỉ nói cho chúng ta biết rằng những gì đa số nghĩ đều là lợi ích chung, chứ không nói sở thích của đa số thực sự nằm ở đâu. Nhưng điều này cho thấy một cách bảo vệ dân chủ khác. Nếu chúng ta cho phép dân chúng bỏ phiếu theo ý tưởng của họ về lợi ích chung, và tuân theo quyết định của đa số, chúng ta chắc chắn sẽ có một cơ hội rất tốt để tỏ ra là mình đúng. Lập luận vì dân chủ là rằng giờ đây nó có vẻ là một cách tuyệt hảo để khám phá ra lợi ích chung. Thật không may, lập luận này dường như lại rơi vào tay Plato. Tại sao chúng ta nên mong đợi một cuộc bỏ phiếu giữa đám tiện dân sẽ làm tốt hơn là để vấn đề cho các chuyên gia được đào tạo đặc biệt? Chúng ta cũng có thể yêu cầu dân chúng điều khiển những con tàu, đưa ra các quyết định về y học, chăm sóc cừu, vân vân ... Có lý do gì để tin rằng người dân sẽ làm tốt hơn các chuyên gia? Điều đáng ngạc nhiên là có một lý do. Triết gia người Pháp đồng thời là lý thuyết gia chính trị, Marie Jean Antoine Nicolas Caritat, Hầu tước de Condorcet (1743-94), đã cung cấp một lập luận toán học rất lý thú có vẻ như cho thấy những lợi ích của việc cho phép dân chúng bỏ phiếu vì lợi ích chung. Condorcet chỉ ra rằng nếu chúng ta cho rằng dân chúng, tính trung bình, có một cơ hội thậm chí tốt hơn để có được câu trả lời đúng, thì việc cho phép quyết định của đa số hóa ra lại là một cách tuyệt vời để đạt được kết quả đúng. Nếu một số lượng lớn dân chúng bỏ phiếu, thì những cơ hội có được câu trả lời đúng sẽ tiến gần đến chỗ chắc chắn. Trong một đơn vị bầu cử 10.000 người, mỗi người có cơ hội đúng nhiều hơn là sai, thì quyết định của đa số hầu như chắc chắn có được kết quả đúng. Lập luận của Condorcet có thể coi là quá đủ đối với Plato. Nhưng điều quan trọng là phải hiểu rằng nó chỉ có hiệu lực với hai điều kiện. Thứ nhất, một cá nhân trung bình phải có cơ hội thậm chí tốt hơn là đúng (và bản thân Condorcet đã rất bi quan về điều này khi cuộc bỏ phiếu diễn ra trên quy mô lớn). Thứ hai, mỗi cá nhân phải được thúc đẩy bỏ phiếu theo những ý tưởng của anh ta về lợi ích chung, hơn là xuất phát từ những lợi ích cá biệt. Nếu giả định thứ hai này thất bại, lúc ấy chúng ta quay về với cảnh hỗn loạn của điều tôi gọi là bỏ phiếu có động cơ thúc đẩy lẫn lộn. Nếu giả định thứ nhất thất bại, mọi chuyện thậm chí còn tệ hại hơn. Nếu tính trung bình, dân chúng có khả năng sai hơn là đúng, thì hầu như chắc chắn là việc bỏ phiếu dựa trên đa số sẽ dẫn đến kết quả sai lầm. Do đó chúng ta chỉ có một câu trả lời cho Plato nếu hai điều kiện trên được đáp ứng. Điều này có thể xảy ra không? Một triết gia nắm bắt được bằng trực giác chắc chắn những điểm này là Rousseau (mặc dù ông đã xuất bản các tác phẩm quan trọng của mình về dân chủ 20 năm trước khi Condorcet đưa ra lập luận toán học của mình). Thật vậy, sẽ là hợp lý khi xem Khế ước Xã hội của Rousseau là một nỗ lực – trong số những thứ khác – để chỉ ra các điều kiện mà theo đó dân chủ sẽ vượt trội hơn so với quyền bảo vệ. Nhưng trước khi xem đến lập trường của Rousseau trong chi tiết, có một câu trả lời khác, mang tính bổ sung, cho Plato mà chúng ta nên xem xét.
Những giá trị của dân chủ Cho đến nay chúng ta đã xem xét vấn đề liệu chế độ dân chủ có tốt hơn hệ thống của Plato về những người giám hộ trong việc đạt được lợi ích chung. Nhưng có điều gì đó kỳ cục về việc xem xét này. Nhiều người sẽ biện luận rằng chúng ta nên ủng hộ chế độ dân chủ ngay cả nếu hóa ra những hệ thống dân chủ không tốt bằng những chế độ khác trong việc đạt được lợi ích chung. Nói cách khác, cho đến nay chúng ta mới chỉ xem xét câu hỏi liệu có một công cụ biện minh nào cho nền dân chủ: đó có phải là một cách để đạt được điều gì khác mà chúng ta đánh giá cao không?Nhưng có lẽ chúng ta nên xem xét một câu hỏi khác. Tự trong bản chất, chế độ dân chủ có điều gì tốt không? Đó là, có thể là nền dân chủ là tốt (ít nhất là cho đến một điểm nào đó), ngay cả khi nó không phải lúc nào cũng có khả năng đạt được những hậu quả mong muốn? Việc theo đuổi ý nghĩ này làm chúng a suy nghĩ lại về phép loại suy kỹ năng. Phép loại suy kỹ năng được hình thành dựa trên ý tưởng rằng cai trị là một kỹ năng; một kỹ năng nhằm đạt được một số mục đích bên ngoài. Theo Plato, dân chủ phải được đánh giá hoàn toàn dựa trên cơ sở mức độ nó có thể đạt được những hậu quả mong muốn. Nhưng như chúng ta biết, chúng ta đánh giá các kỹ năng không chỉ vì kết quả của chúng mà, đôi khi ít nhất, vì chính chúng. Có vẻ hơi đơn giản khi đưa ra một sự so sánh như vậy trong bối cảnh này, nhưng hãy nghĩ về việc luyện tập một kỹ năng như một sở thích riêng. Ngay cả khi sở thích của một người là một thứ gì đó rất thực tế, như đóng đồ gỗ, thì sở thích đó hiếm khi được đánh giá cao trên cơ sở đó là cách hiệu quả nhất để đạt được một kết quả cụ thể. Nó có thể là một chiếc bàn rất xinh đẹp, nhưng khi bạn phải tiêu tốn thì giờ để làm ra nó, chắc chắn là cũng có những chiếc bàn tốt hơn và rẻ hơn trong cửa hàng bách hóa. Thú tiêu khiển giúp người ta làm phong phú và kiểm tra sức mạnh tinh thần và thể xác, và phát triển ý thức về giá trị bản thân của mình. Và loại giá trị này độc lập với giá trị của những thứ hàng hóa có thể được tạo ra. Điều này gợi lên ý tưởng rằng dân chủ không nên được đánh giá một cách đơn giản dưới dạng mức độ nó đạt được lợi ích chung, mặc dù điều đó cũng quan trọng. Chúng ta nên nhìn sang một ví dụ khác về loại suy kỹ năng. Plato so sánh việc cai trị với nghề hàng hải: cầm lái con thuyền quốc gia. Nếu để việc cầm lái cho đám đông dân chúng, chúng ta có thể hình dung việc hỗn loạn sẽ xảy ra sau đó như thế nào: “một cuộc du hành say bí tỉ”, Plato nói. Chúng ta sẽ không bao giờ đi đến nơi mong muốn. Nhưng việc hàng hải có luôn cần một mục đích rõ ràng là đến một nơi đã chọn trước một cách hiệu quả? Chẳng hạn, hãy xem xét một cuộc du hành với mục đích đào tạo. Trong trường hợp ấy, chúng ta có thể dành cho mỗi người cầm lái một lượt. Thật vậy, một cuộc du hành trên con thuyền quốc gia không nên là một cuộc du hành say bí tỉ? Có gì sai lầm trong việc này, ít nhất nếu mọi người có một thời gian vui vẻ và tất cả chúng ta về nhà an toàn? Điểm nghiêm trọng và quan trọng cần thực hiện ở đây là có thể có những giá trị được bao gồm trong việc đưa ra quyết định chính trị vốn khác với giá trị của việc đạt được những mục tiêu cho sẵn. Những người bảo vệ cho chế độ dân chủ sẽ nói rằng dân chủ có giá trị không chỉ, hoặc không nhất thiết, vì các chế độ dân chủ đưa ra những quyết định tốt hơn những loại sắp xếp chính trị khác, mà còn vì có điều gì đó đáng giá về những quá trình dân chủ trong bản thân chúng. Dân chủ thường được cho là thể hiện hai giá trị mà chúng ta lấy làm thân thiết: tự do và bình đẳng. Tự do, như được hiểu ở đây, là vấn đề ban cho dân chúng một tiếng nói trong việc đưa ra quyết định chính trị, đặc biệt là những quyết định có ảnh hưởng đến họ. Bình đẳng nằm trong tự do được ban cho mọi người này. Đối với Rousseau, vấn đề mệnh lệnh chính trị là “tìm ra một hình thức kết hợp sẽ bênh vực và bảo vệ con người và tài sản của mọi thành viên với tất cả sức mạnh chung, và nhờ phương tiện ấy mỗi người, trong khi kết hợp với tất cả, mặc dù chỉ tuân theo chính mình, và vẫn được tự do như trước đấy” (Khế ước Xã hội, t. 1, ch. 6, 49-50). Đáng chú ý là Rousseau nghĩ rằng ông có thể giải quyết vấn đề này. Làm thế nào mà bất kỳ hệ thống chính trị nào cũng có thể cho phép “mỗi thành viên trong đó chỉ tuân theo chính mình”? Bây giờ là lúc quay sang Rousseau và xem cách ông đặt ra để bảo vệ chế độ dân chủ, cả trên cơ sở công cụ (như một cách để đạt được lợi ích chung) và trong chính nó (như một biểu hiện của tự do và bình đẳng).
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC