Triết học xã hội

Lý tính công nghệ và logic của sự thống trị

 

LÝ TÍNH CÔNG NGHỆ VÀ LOGIC CỦA SỰ THỐNG TRỊ

 

HERBERT MARCUSE (1898-1979)

(Viện Nghiên cứu Xã hội Frankfurt)

ĐINH HỒNG PHÚC dịch

 


Herbert Marcuse. One-Dimensional Man: Studies in the Ideology of Advanced Industrial Society. Ch. 6: "From negative to positive thinking: the logic of domination". Beacon Press, Year: 1991. 


 

Trong thực tế xã hội, bất chấp mọi sự thay đổi, việc người thống trị người vẫn là dòng lịch sử liên tục nối kết Lý tính tiền-công nghệ với Lý tính công nghệ. Tuy nhiên, cái xã hội dự phóng và đảm nhiệm việc cải biến giới tự nhiên bằng công nghệ đang thay đổi cơ sở của sự thống trị bằng cách dần dần thay thế sự phụ thuộc cá nhân (của nô lệ đối với chủ nô, nông nô đối với lãnh chúa, lãnh chúa đối với vua, v.v.) bằng sự phụ thuộc vào “trật tự của các sự vật khách quan” (vào các quy luật kinh tế, thị trường, v.v.). Đương nhiên, “trật tự của các sự vật khách quan” tự nó là kết quả của sự thống trị, nhưng cũng đúng khi nói rằng sự thống trị giờ đây sản sinh ra một thứ lý tính cao cấp hơn – lý tính của một xã hội đang bảo vệ cấu trúc thứ bậc tôn ti của nó nhưng lại khai thác ngày càng hiệu quả hơn các nguồn lực tự nhiên và tinh thần, và phân phối những phúc lợi của sự khai thác ấy với quy mô ngày càng lớn. Sự kiện con người ngày càng trở nên bị nô dịch bởi bộ máy sản xuất phơi bày ra những giới hạn của lý tính và cái sức mạnh đầy tai hại của nó; bộ máy sản xuất ấy lưu truyền cuộc đấu tranh sinh tồn và mở rộng nó thành cuộc đấu tranh quốc tế toàn diện đang tàn phá cuộc sống của những ai xây dựng và sử dụng bộ máy này.

Ở giai đoạn này, rõ ràng là có cái gì đấy sai ngay trong tính hợp lý của bản thân hệ thống. Cái sai đó chính là cách thức con người đã tổ chức lao động xã hội của họ. Đấy là điều giờ đây chẳng còn gì phải nghi ngờ nữa khi bản thân các nhà doanh nghiệp lớn sẵn lòng hy sinh những lợi ích của doanh nghiệp tư nhân và sự cạnh tranh “tự do” cho những lợi ích của các đơn đặt hàng và khuôn phép của chính quyền. Tuy nhiên, vấn đề không thể dừng lại ở đấy. Cách tổ chức xã hội sai lầm ấy cần phải được giải thích cặn kẽ hơn nữa vì ta còn phải xét tới tình trạng của xã hội công nghiệp đã tiến triển¸trong đó quá trình sáp nhập các lực lượng xã hội phủ định và siêu việt trước đây vào hệ thống hiện tồn có vẻ như đang tạo ra một cấu trúc xã hội mới.

Sự kiện cái đối lập phủ định chuyển thành cái đối lập khẳng định cho thấy vấn đề: cách tổ chức xã hội “sai lầm” này, khi trở nên toàn trị trên cơ sở nội tại, không chấp nhận những giải pháp thay thế. Chắc chắn, ưu tiên bảo vệ những lợi ích nhãn tiền của hệ thống - nhất là nếu ta xét tới lực lượng đối lập hiện nay là chủ nghĩa cộng sản, có vẻ như là một giải pháp thay thế - là lẽ đương nhiên, không cần phải đi giải thích sâu xa chi cho phức tạp. Nhưng điều đó chỉ đương nhiên đối với phương thức tư duy và ứng xử nào không muốn, và có lẽ không thể, hiểu những gì đang xảy ra và tại sao nó lại xảy ra, một phương thức tư duy và ứng xử không chấp nhận tính hợp lý nào khác ngoài tính hợp lý đã được xác lập. Trong chừng mực tương ứng với thực tại cụ thể nào đó, tư tưởng và hành vi ứng xử biểu hiện một ý thức sai lầm, chúng đáp ứng và góp phần duy trì một trật tự sự kiện sai lầm. Và ý thức sai lầm này được biểu hiện trong bộ máy kỹ thuật ưu trội, và đến lượt nó, bộ máy này tái tạo ra cái ý thức sai lầm ấy.

Chúng ta đang sống và chúng ta đang chết dưới tác động của tính hợp lý và của sản xuất. Chúng ta biết rằng hủy diệt là cái giá của tiến bộ, cũng như chết là cái giá của sự sống, rằng hi sinh bản thân và lao động cực khổ là điều kiện tiên quyết để có được niềm vui và sự mãn nguyện, rằng việc làm ăn thì phải tấn phát và những lựa chọn khác đều là những giải pháp không tưởng. Đây là ý hệ của bộ máy xã hội hiện tồn; để có thể tiếp tục vận hành, bộ máy ấy cần phải có ý hệ ấy, và ý hệ ấy là một phần của tính hợp lý của nó.

Tuy nhiên, bộ máy lại làm hỏng mục đích của chính nó nếu nó nhắm đến việc tạo ra sự hiện hữu của con người trên cơ sở giới tự nhiên được nhân hóa. Còn nếu đây không phải là mục đích của nó, tính hợp lý của nó thậm chí còn đáng ngờ hơn nữa. Nhưng nó cũng logic hơn [vì] ngay từ đầu cái phủ định nằm trong cái khẳng định, cái phi nhân nằm trong sự nhân hóa, sự nô dịch nằm trong sự giải phóng. Đây là tính năng động của thực tại chứ không phải là tính năng động của tinh thần, nhưng là của thực tại trong đó tinh thần khoa học giữ một vai trò quyết định trong việc nối kết lý tính lý thuyết với lý tính thực hành. 

Xã hội tái sản xuất ra bản thân mình trong một tổng thể các sự vật và các quan hệ ngày càng mang tính công nghệ hơn, gồm cả việc người ta dùng công nghệ để quản lý con người; nói cách khác, cuộc đấu tranh sinh tồn và bóc lột con người và giới tự nhiên ngày càng trở nên khoa học hơn và hợp lý hơn. Ý nghĩa kép của “hợp lý hóa” phải được đặt vào trong ngữ cảnh này. Cách tổ chức khoa học và phân công lao động có khoa học đã làm tăng hiệu quả các hoạt động kinh tế, chính trị và văn hóa lên gấp bội lần. Kết quả là tiêu chuẩn sống cao hơn. Đồng thời và cũng trên cơ sở đó, công cuộc hợp lý ấy sản sinh ra một trạng thái tinh thần, một khuôn mẫu ứng xử biện minh và thậm chí là biện bạch cho những tính năng phá hoại và đàn áp nhất của công cuộc ấy. Tính hợp lý khoa học-kỹ thuật và sự thao túng [con người] gắn chặt với nhau thành những hình thức mới của sự kiểm soát xã hội. Liệu ta có yên tâm bằng lòng với giả định rằng hậu quả phi khoa học này là kết quả của việc áp dụng khoa học, đặc biệt là khoa học xã hội? Tôi nghĩ rằng chiều hướng chung theo đó người ta đi đến chỗ áp dụng khoa học đã nằm sẵn trong khoa học thuần túy rồi, đó là thứ khoa học thậm chí không nhắm đến một mục đích nào hết, và rằng ta có thể xác định được thời điểm Lý tính lý thuyết biến thành thực tiễn xã hội. Trong nỗ lực này, tôi sẽ trình bày lại một cách ngắn gọn những nguồn gốc phương pháp luận của tính hợp lý mới mẻ này, bằng cách đặt nó tương phản với các đặc điểm của mô hình tiền-công nghệ đã được bàn trong chương trước.

Khi giải thích giới tự nhiên bằng ngôn ngữ định lượng thì người ta sẽ đi đến chỗ giải thích nó bằng các cấu trúc toán học, tách thực tại ra khỏi mọi mục đích cố hữu, và do đó, tách cái chân ra khỏi cái thiện, tách khoa học ra khỏi đạo đức. Dù khoa học giờ đây có thể định nghĩa tính khách quan của giới tự nhiên và những mối tương liên giữa các bộ phận của nó như thế nào đi nữa, khoa học vẫn không thể giải thích giới tự nhiên bằng những “nguyên nhân mục đích”. Và dù vai trò của chủ thể, như quan sát, đo lường và tính toán, có là gì đi nữa thì chủ thể này cũng không thể giữ vai trò khoa học của nó như là tác nhân đạo đức, thẩm mỹ hay chính trị. Mối quan hệ căng bức giữa bên này là Lý tính và bên kia là những nhu cầu và ước muốn của quần chúng (vốn là khách thể chứ ít khi nào là chủ thể của Lý tính) đã tồn tại ngay từ buổi đầu của tư tưởng triết học và khoa học. “Bản tính của sự vật”, bao gồm cả bản tính của xã hội, được định nghĩa sao cho để người ta biện minh sự trấn áp, và cả sự áp bức nữa, một cách hợp lý nhất. Sự hiểu biết và lý tính chân thật đòi hỏi người ta phải chế ngự, nếu không nói là thoát ly khỏi, các giác quan. Sự hợp nhất giữa Logos và Eros ở Plato đã dẫn đến chỗ đề cao vị thế của Logos; ở Aristotle, mối quan hệ giữa Thượng đế và cái thế giới do ngài khởi động chỉ là “Eros” trong lối nói loại suy thôi. Thế là, mối liên hệ bản thể học mong manh giữa Logos và Eros bị đổ vỡ, và tính hợp lý khoa học xuất hiện ra như là cái trung lập tự bản chất. Tính hợp lý của giới tự nhiên (gồm cả con người), đó chính là các quy luật phổ biến của sự vận động – vật lý, hóa học hay sinh học.

Ngoài tính hợp lý này, ta còn sống trong thế giới của các giá trị và những giá trị nào được tách ra khỏi thực tại khách quan đều trở thành những giá trị chủ quan. Xem ra cuộc chiến duy nhất để cứu vãn giá trị hiệu lực trừu tượng và vô hại đối với chúng là gán cho chúng một quyền uy siêu hình học (pháp quyền thần linh và pháp quyền tự nhiên). Nhưng một quyền uy như thế thì không thể kiểm chứng được và vì thế không thực sự mang tính khách quan. Các giá trị có thể có một phẩm chất cao hơn (về mặt đạo đức và về mặt tâm linh), nhưng chúng không thực tồn và vì thế chẳng mấy đáng kể trong công việc hiện thực của cuộc sống – càng ít đáng kể thì chúng càng được đánh giá cao, vượt lên trên thực tại.

Chính sự thiếu thực tế ấy tác động đến tất cả các ý niệm nào, do chính bản tính của chúng, không thể được kiểm chứng bằng phương pháp khoa học. Dù chúng có được thừa nhận, được tôn trọng và được chuẩn y như thế nào đi nữa thì chúng vẫn bị coi là không khách quan. Nhưng chính sự thiếu tính khách quan ấy của chúng đã làm cho chúng trở thành những nhân tố cố kết xã hội. Các ý niệm nhân văn, tôn giáo và đạo đức chỉ là những “lý tưởng”, nhưng chúng chẳng làm xáo trộn được bao nhiêu lối sống đã được định hình, và chúng vẫn giữ được giá trị của chúng cho dù chúng tương phản với hành vi ứng xử mà nhu cầu tất yếu của công việc làm ăn và chính trị đòi hỏi phải có. 

Nếu cái Thiện và cái Mĩ, Hòa bình và Công lý không thể được suy ra từ điều kiện bản thể học hoặc điều kiện khoa học thuần lý, thì theo hệ quả logic, chúng không thể yêu sách giá trị hiệu lực phổ quát và sự hiện thực hóa. Về mặt lý tính khoa học, chúng vẫn là vấn đề của sự ưa thích, và việc phục hồi một thứ triết học nào đó của Aristotle hay của Thomas cũng không thể cứu vãn được tình hình, bởi lẽ thứ triết học ấy đã bị bác bỏ một cách tiên nghiệm bởi lý tính khoa học. Tính cách phi khoa học của các ý niệm này tỏ ra vô cùng yếu thế trước thực tại đã định hình; các ý niệm ấy trở thành những lý tưởng đơn thuần, và nội dung cụ thể và có tính phê phán của chúng bốc hơi vào bầu khí quyển đạo đức học hay siêu hình học.

Nhưng nghịch lý thay, thế giới khách quan này, nếu chỉ được thừa nhận những thuộc tính có thể định lượng được, lại đi đến chỗ càng ngày càng phụ thuộc, ở tính khách quan của nó, vào chủ thể. Quá trình lâu dài này bắt đầu với việc đại số hóa hình học vốn là thao tác thay thế các hình hình học “có thể thấy được” bằng các thao tác thuần túy của trí óc. Nó tìm thấy hình thức cực đoan của nó trong những quan niệm nào đó của triết học khoa học đương đại, theo đó mọi vấn đề của khoa học vật lý đều có xu hướng hòa tan vào các quan hệ toán học hay logic. Chính ý niệm về một bản thể khách quan, đối lập với chủ thể dường như đang tan rã. Từ những chiều hướng rất khác nhau, các nhà khoa học và triết gia khoa học đi đến những giả thuyết tương tự nhau đó là không chấp nhận sự hiện hữu của “các thực thể” (“entities”).

Vật lý học, chẳng hạn, “không đo lường các thuộc tính khách quan của thế giới vật chất bên ngoài – các thuộc tính này chẳng qua chỉ là những kết quả thu được từ việc thực hiện các thao tác như thế”[1]. Các vật thể chỉ còn tồn tại như là “những trung giới thuận tiện”, “những định đề văn hóa”[2] đã lỗi thời. Mật độ và tính mờ đục của các sự vật biến mất: thế giới khách quan mất đi tính cách “có thể khách quan” của nó, nó không còn đối lập với chủ thể nữa. Thiếu sự diễn giải theo lối siêu hình học Plato và Pythagore, giới tự nhiên là một giới tự nhiên được toán học hóa, thực tại khoa học xem ra là một thực tại lý tưởng hóa.

Đây là những phát biểu cực đoan, và chúng bị những cách diễn giải bảo thủ hơn bác bỏ, những diễn giải này cho rằng các mệnh đề trong vật lý học đương đại vẫn quy chiếu tới “các sự vật vật lý”[3]. Nhưng các sự vật vật lý hóa ra lại là “các sự kiện vật lý” và thế là các mệnh đề quy chiếu tới (và chỉ quy chiếu tới) các thuộc tính và các quan hệ đặc trưng cho các loại sự vật vật lý và các quá trình khác nhau,[4] Max Born viết:

“… lý thuyết về tính tương đối … chưa bao giờ thôi việc tìm cách gán các thuộc tính cho vật chất…” Nhưng “thường thì một lượng có thể đo lường được không phải là thuộc tính của một vật, mà là thuộc tính của quan hệ của nó với các vật khác… Phần lớn những sự đo lường trong vật lý học không liên quan trực tiếp đến các vật chúng ta quan tâm, mà liên quan đến một kiểu phóng chiếu hay dự phóng nào đó, từ “phóng chiếu” này được hiểu theo nghĩa rộng nhất có thể có của từ.”[5]

Và W. Heisenberg:

Was wir mathematisch festlegen, ist nur zum kleinen Teil ein ‘objectives Faktum,’ zum grösseren Teil eine Uebersicht über Möglichkeiten.”[6]

Thế nhưng các “sự kiện”, “quan hệ”, dự phóng”, “khả thể” chỉ có thể là khách quan về mặt ý nghĩa đối với chủ thể – không chỉ ở cấp độ quan sát và đo lường, mà còn ở cả chính cấu trúc của sự kiện hay mối quan hệ. Nói cách khác, chủ thể được nói ở đây là chủ thể cấu tạo, tức là một chủ thể khả hữu mà dữ liệu phải tồn tại cho nó hay có thể được hình dung là sự kiện hay quan hệ. Nếu sự việc đúng như thế thì phát biểu của Reichenbach ắt vẫn còn có giá trị: tức là các mệnh đề trong vật lý học có thể được định thức hóa mà không cần phải quy chiếu tới một quan sát viên hiện thực, và “sự nhiễu loạn trong quá trình quan sát” không phải do người quan sát mà là do công cụ xét như là “sự vật vật lý”.[7]

Đương nhiên, ta có thể chắc chắn rằng các phương trình được xác lập bởi vật lý học toán học biểu đạt (định thức hóa) cấu hình các nguyên tử hiện thực, tức là cấu trúc khách quan của vật chất. Không cần phải quy chiếu tới bất cứ chủ thể “bên ngoài” đang quan sát và đo lường nào, A có thể “bao gồm B, “có trước” B, “dẫn đến” B; B có thể ở “giữa” C, “lớn hơn C, v.v., – cũng đúng khi nói các quan hệ này hàm ý rằng người ta đã định vị, phân biệt và nhận diện A, B, C qua những điểm khác nhau của chúng. Vì thế, điều này hàm ý rằng A, B, C có năng lực đồng nhất trong sự khác biệt, có quan hệ với … theo cách cụ thể nào đó, kháng cự lại các quan hệ khác, v.v. Nếu đấy chỉ là một thuộc tính của bản thân vật chất, thì vật chất ấy sẽ tham gia một cách khách quan vào cấu trúc của tinh thần – một lối diễn giải chứa đựng yếu tố duy tâm rõ nét:

“… các vật vô tri, không biết do dự, không biết sai lầm, do mỗi sự kiện là chúng hiện hữu, đang sáp nhập các phương trình mà chúng không hề hay biết thành một thể thống nhất. Ở phương diện chủ quan, giới tự nhiên không thuộc về tinh thần – nó không tư duy theo ngôn ngữ toán học. Nhưng ở phương diện khách quan, giới tự nhiên thuộc về tinh thần – nó có thể được suy tưởng bằng ngôn ngữ toán học.[8]

Karl Popper đưa ra một cách diễn giải ít duy tâm hơn.[9] Ông cho rằng trong diễn trình phát triển lịch sử của nó, khoa học vật lý đã phát hiện và định nghĩa các vỉa tầng khác nhau của một và chỉ một thực tại khách quan. Trong tiến trình này, những khái niệm nào đã bị vượt qua về mặt lịch sử thì sẽ bị loại bỏ và nội dung của chúng được sáp nhập vào những khái niệm thế chân chúng; cách diễn giải này xem ra bao hàm sự tiến bộ hướng tới cái lõi thực sự của thực tại, tức là hướng đến chân lý tuyệt đối. Nếu không, thực tại sẽ chỉ còn là một củ hành không lõi, và bản thân khái niệm chân lý khoa học sẽ lâm nguy.

Tôi không có ý nói rằng triết học của vật lý học đương đại phủ nhận hay thậm chí tra vấn thực tại của thế giới bên ngoài mà muốn nói rằng, bằng cách này hay cách khác, nó tạm gác phán đoán bản thân thực tại có thể là gì, hay coi chính câu hỏi ấy là vô nghĩa và không thể trả lời được. Một khi trở thành nguyên tắc phương pháp luận, sự tạm gác này có hệ quả kép: (a) nó củng cố cho bước chuyển đổi sự nhấn mạnh lý thuyết từ “Là gì…?” của siêu hình học sang “Làm thế nào…” theo kiểu chức năng, và (b) nó xác lập một niềm tin chắc chắn trong thực hành (dù không hề mang tính tuyệt đối), đấy là niềm tin thành thật biết rằng nó thoát ly ra khỏi mọi sự dính líu đến một bản thể bất kỳ nào đó ở bên ngoài ngữ cảnh thao tác trong quá trình nó xử lý các đối tượng vật chất. Nói cách khác, về mặt lý thuyết, việc cải biến của con người và giới tự nhiên không có những giới hạn khách quan nào khác ngoài những giới hạn được đề ra bởi kiện tính thô ráp của vật chất, sức kháng cự vẫn chưa chế ngự được của nó đối với nhận thức và kiểm soát. Trong chừng mực quan niệm này có thể được áp dụng hiệu quả trong thực tại, thì người ta sẽ tiếp cận thực tại như là một hệ thống (giả thuyết) của những công cụ; “tồn-tại-xét-như-là-tồn-tại” của siêu hình học nhường chỗ cho “tồn-tại-xét-như-là-công-cụ”. Hơn nữa, một khi chứng tỏ được tính hiệu quả của mình, quan niệm này coi như là một tiên nghiệm – nó quyết định trước kinh nghiệm, nó dự phóng chiều hướng cải biến giới tự nhiên, nó tổ chức nên cái toàn bộ.

Chúng ta vừa thấy rằng triết học khoa học đương đại có vẻ như đang đấu tranh với một yếu tố duy tâm và, trong những định thức cực đoan của nó, đang tiến gần một cách nguy hiểm đến một quan niệm duy tâm về tự nhiên. Nhưng một phương cách tư duy mới một lần nữa đặt chủ nghĩa duy tâm “trên đôi chân của nó”, Hegel nói ngắn gọn về bản thể học duy tâm như sau: nếu Lý tính là mẫu số chung cho chủ thể và khách thể, đó là vì nó là hợp đề của các mặt đối lập. Với ý niệm này, bản thể học đã tóm bắt mối quan hệ căng bức giữa chủ thể và khách thể, nó được bão hòa bằng tính cụ thể Thực tại của Lý tính là từ mối quan hệ căng bức ấy ngoại hiện ra trong tự nhiên, lịch sử, triết học. Vì thế, ngay cả hệ thống nhất nguyên luận cực đoan nhất cũng phải thừa nhận ý niệm về một bản thể tự nhân đôi chính mình thành chủ thể và khách thể - ý niệm về một thực tại đối kháng. Tinh thần khoa học ngày càng làm suy yếu sự đối kháng này, triết học khoa học hiện đại rất có thể bắt đầu bằng ý niệm về hai bản thể, res cogitans và res extensa – nhưng vì vật chất có quảng tính trở nên có thể được nắm bắt trong các phương trình toán học, vốn là những thứ, nói theo ngôn ngữ công nghệ học, “tái tạo” vật chất này, nên res extensa mất đi đặc điểm là bản thể độc lập của nó.

“Sự phân chia thế giới theo lối cũ thành các diễn trình trong không gian và thời gian và tinh thần trong đó các diễn trình này được soi chiếu – nói cách khác, sự phân biệt của Descartes giữa res congitans và res extansa – không còn là điểm xuất phát phù hợp cho cách hiểu của chúng ta về khoa học hiện đại nữa.”[10]

Cách phân chia thế giới của Descartes có thể bị đặt thành vấn đề từ chính cơ sở riêng của nó. Husserl chỉ ra rằng xét tới cùng, cái Tôi (Ego) của Descartes không thực sự là bản thể độc lập, đúng hơn nó là phần “thặng dư” hay giới hạn của việc lượng hóa; có vẻ như ý niệm của Galieo về thế giới như là res extensa “phổ quát và hoàn toàn thuần túy” đã chi phối một cách tiên nghiệm quan niệm của Descartes.[11]Trong trường hợp ấy, thuyết nhị nguyên của Descartes ắt sẽ là dối trá và bản thể “cái Tôi tư duy” của ông ắt sẽ có quan hệ thân thuộc với res extensa, qua việc nó tiền thân của chủ thể khoa học đang quan sát và đo lường để có được tham số định lượng. Thuyết nhị nguyên của Descartes ắt đã bao hàm trong nó sự phủ định rồi; thay vì kìm hãm, nó dọn đường cho việc xác lập một vũ trụ khoa học một chiều trong đó giới tự nhiên “thuộc về tinh thần một cách khách quan”, nghĩa là thuộc về chủ thể. Và chủ thể này được gắn với thế giới của nó theo cách rất đặc biệt:

"... la nature est mise sous le signe de l’homme actif, de l’homme inscrivant la technique dans la nature[12].

Khoa học tự nhiên phát triển dưới sự dẫn dắt của cái tiên nghiệm công nghệ, đấy là cái công nghệ đã coi giới tự nhiên như là tính công cụ tiềm năng, chất liệu của sự kiểm soát và tổ chức. Và hiểu giới tự nhiên như là tính công cụ (giả thuyết) là một bước đi trước sự phát triển của mọi tổ chức kĩ thuật cụ thể:

“Con người hiện đại coi toàn bộ Tồn tại là nguyên liệu cho sản xuất và đặt toàn bộ thế giới khách thể vào phạm vi và trật tự của sản xuất (Herstellen).” “… việc sử dụng máy móc và chế tạo máy móc không phải là bản thân kĩ thuật mà chỉ là một công cụ phù hợp cho việc hiện thực hóa (Einrichtung) bản chất của kỹ thuật trong nguyên liệu khách quan của nó.”[13]

Cái tiên nghiệm công nghệ là cái tiên nghiệm chính trị trong chừng mực sự cải biến giới tự nhiên dẫn đến sự cải tạo con người, và trong chừng mực “các sáng tạo do con người làm ra” xuất phát từ toàn bộ xã hội và trở về với nó. Người ta vẫn có thể khẳng định rằng máy móc của thế giới công nghệ thì “với tư cách là máy móc” nó dửng dưng với các mục đích chính trị – nó có thể cách mạng hóa một xã hội hay kìm hãm một xã hội. Một máy vi tính điện tử có thể dùng phục vụ cho chính quyền tư bản nhưng cũng có thể phục vụ cho chính quyền xã hội chủ nghĩa; máy gia tốc có thể là dụng cụ rất hữu hiệu trong thời chiến, nhưng cũng có thể sử dụng trong thời bình. Tính trung lập này bị đặt thành vấn đề trong mệnh đề đầy tranh cãi của Marx rằng “chiếc cối xay quay bằng tay sẽ mang lại cho anh cái xã hội có lãnh chúa phong kiến; chiếc cối xay chạy bằng hơi nước sẽ mang lại cho anh cái xã hội có nhà tư bản công nghiệp.”[14] Và mệnh đề này lại được cải tiến thêm trong bản thân lý thuyết của Marx: chính phương thức sản xuất xã hội, chứ không phải là kỹ thuật, mới là nhân tố lịch sử cơ bản. Tuy nhiên, khi kỹ thuật trở thành hình thức phổ biến của sản xuất vật chất, nó khoanh toàn bộ văn hóa lại; nó dự phóng một toàn thể lịch sử - một “thế giới”!

Liệu ta có nói được rằng sự tiến triển của phương pháp khoa học chỉ “phản ánh” việc cải biến thực tại tự nhiên thành thực tại văn hóa trong tiến trình của nền văn minh công nghiệp? Phát biểu thành định thức mối quan hệ giữa khoa học và xã hội theo cách này là giả định có hai lĩnh vực tách rời nhau và hai biến cố gặp nhau, cụ thể là: (1) khoa học và tư tưởng khoa học, với những khái niệm nội tại và chân lý nội tại của chúng, và (2) sử dụng và áp dụng khoa học trong thực tại xã hội. Nói cách khác, dù hai cuộc phát triển ấy có mối liên hệ gần gũi nhau thế nào đi nữa, chúng vẫn không thể bao hàm và định nghĩa cho nhau được. Khoa học thuần túy không phải là khoa học ứng dụng; không phải trong quá trình sử dụng người ta mới nhận ra nó và giá trị hiệu lực của nó không phải ở trong quá trình sử dụng. Hơn nữa, ý niệm tính trung lậpbản chất này của khoa học cũng được mở rộng sang kỹ thuật. Máy móc thì dửng dưng với những cách dùng của xã hội dành cho nó, chỉ cần những cách sử dụng ấy vẫn còn phù hợp với năng lực kỹ thuật của máy móc là đủ rồi.

Do tính cách công cụ nội tại của phương pháp khoa học mà cách diễn giải này dường như là không thỏa đáng. Có vẻ như giữa tư tưởng khoa học và việc áp dụng nó, giữa vũ trụ của diễn ngôn khoa học và vũ trụ của diễn ngôn đời thường và hành vi có mối quan hệ gần gũi hơn nào đó. Đấy là mối quan hệ trong đó cả hai đều phải phục tùng cùng một thứ logic và một thứ lý tính: logic và lý tính của sự thống trị.

Nghịch lý thay, trong quá trình phát triển của mình, những nỗ lực của khoa học nhằm xác lập tính khách quan nghiêm ngặt của giới tự nhiên lại dẫn tới quá trình giải vật chất hóa giới tự nhiên ngày càng sâu rộng:

“Ý niệm về giới tự nhiên vô hạn đang tồn tại như là giới tự nhiên vô hạn, ý niệm mà ta buộc phải từ bỏ này, là huyền thoại của khoa học hiện đại. Khoa học đại bắt đầu bằng việc phá bỏ huyền thoại của thời Trung đại. Và giờ đây, do tính nhất quán của chính nó, khoa học buộc phải nhận ra rằng nó chỉ đưa ra một huyền thoại khác để thế chỗ.”[15]

Diễn trình khởi đầu bằng việc loại trừ các bản thể độc lập và các nguyên nhân mục đích này đã đi đến chỗ ý niệm hóa tính khách quan. Nhưng việc ý niệm hóa này rất đặc biệt, ở chỗ đối tượng tự cấu tạo nên chính mình trong mối quan hệ hoàn toàn thực tiễn với chủ thể:

“Và vật chất là gì? Trong vật lý học nguyên tử, vật chất được định nghĩa bằng những phản ứng khả hữu của nó với các thí nghiệm của con người và bằng những định luật toán học, tức là những quy luật của trí năng, mà nó phải tuân theo. Chúng ta đang định nghĩa vật chất là đối tượng khả hữu của thao tác xử lý của con người.”[16]

Và nếu sự thể như vậy thì khoa học đã trở thành khoa học kỹ thuật tự thân:

“Khoa học dụng hành có quan niệm về giới tự nhiên phù hợp với thời đại kỹ thuật.”[17]

Bao lâu chủ nghĩa thao tác ấy trở thành tâm điểm của công việc khoa học, lý tính sẽ khoác lấy hình thức kiến tạo phương pháp, tổ chức và xử lý vật chất như là chất liệu đơn thuần của sự kiểm soát, như là tính công cụ tự dẫn mình đến tất cả những mục đích và cứu cánh – tính công cụ per se, “tự thân”.

Thái độ “đúng đắn” đối với tính công cụ là tiếp cận kỹ thuật, logos đúng đắn là công nghệ-học(“techno-logy”), đó là cái logos dự phóng và đáp ứng thực tại công nghệ.[18] Trong thực tại này, vật chất cũng như khoa học là “trung lập”; tính khách quan không có telos [mục đích] tự thân cũng như không được cấu trúc cho cái telos ấy. Nhưng chính vì nó trung lập nên tính khách quan được gắn với một Chủ thể lịch sử đặc biệt – tức là, với ý thức đang chiếm ưu thế trong cái xã hội mà vì nó và cho nó tính trung lập này mới được xác lập. Nó thao tác qua chính những sự trừu tượng nào cấu tạo nên tính hợp lý mới – như là một nhân tố bên trong hơn là nhân tố bên ngoài. Chủ nghĩa thao tác thuần túy và chủ nghĩa thao tác ứng dụng, lý tính lý thuyết và lý tính thực hành, công cuộc khoa học và công cuộc kinh tế đều tiến hành quy các thuộc tính hạng hai thành các thuộc tính hạng một, định lượng hóa và trừu tượng hóa “các loại thực thể đặc thù”.

Đúng là, lý tính của khoa học thuần túy không mang giá trị đánh giá, không đặt ra bất cứ mục đích thực hành nào, nó “trung lập” với bất cứ các giá trị xa lạ nào có thể được áp đặt cho nó. Nhưng tính trung lập này lại là một tính cách khẳng định. Lý tính khoa học tạo điều kiện thuận lợi cho sự tổ chức một xã hội cụ thể được chính xác, bởi lẽ nó dự phóng hình thức đơn thuần (hay vật chất đơn thuần - ở đây, các thuật ngữ đối lập quy tụ lại với nhau), xét về mặt thực tế hình thức ấy có thể áp dụng cho mọi mục đích. Hình thức hóa và chức năng hóa, có trước mọi ứng dụng, đều là “hình thức thuần túy – của một thực tiễn xã hội cụ thể. Trong khi khoa học giải phóng giới tự nhiên ra khỏi những mục đích cố hữu và chỉ giữ lại cho vật chất những thuộc tính có thể định lượng mà thôi, xã hội giải phóng con người ra khỏi thứ bậc tôn ti “tự nhiên” để không ai còn phải lệ thuộc ai và liên kết họ lại với nhau theo các thuộc tính có thể định lượng – nghĩa là, như là những đơn vị sức lao động trừu tượng, có thể tính được bằng các đơn vị thời gian. “Nhờ quá trình hợp lý hóa các phương thức lao động, các thuộc tính bị loại trừ ra khỏi vũ trụ của kinh nghiệm đời thường theo cách giống như chúng đã bị loại khỏi vũ trụ của khoa học.”[19]

Giữa quá trình định lượng hóa khoa học và định lượng hóa xã hội có mối quan hệ song hành hay nhân quả gì không, hay sự liên kết của chúng chỉ là công việc nhận thức muộn màng về sau của xã hội học? Ở phần trên ta nói rằng lý tính khoa học mới là tự thân, trong chính tính chất trừu tượng và thuần túy của nó, nó thao tác bao lâu nó còn được khai triển trong chân trời công cụ luận. Quan sát và thực nghiệm, tổ chức và kết hợp một cách có phương pháp các dữ liệu, mệnh đề và kết luận không bao giờ diễn ra trong một không gian lý thuyết trung lập phi cấu trúc. Dự phóng của nhận thức bao hàm những thao tác xử lý hay trừu tượng hóa những đối tượng được tìm thấy trong vũ trụ ngôn từ và hành động có sẵn nào đó. Khoa học quan sát, tính toán và xây dựng thành lý thuyết từ một vị trí trong vũ trụ này. Những ngôi sao mà Galileo quan sát cũng chính là những ngôi sao ở giai đoạn cổ điển thời Cổ đại, nhưng vũ trụ diễn ngôn và hành động khác – nói ngắn gọn là thực tại xã hội khác – đã mở ra chiều hướng và phạm vi quan sát mới và những khả thể sắp đặt các dữ liệu quan sát được. Ở đây tôi không bàn đến mối quan hệ lịch sử giữa tính hợp lý khoa học và tính hợp lý xã hội trong buổi đầu của thời kỳ hiện đại. Mục đích của tôi là chứng minh tính cách công cụ nội tại của tính hợp lý khoa học này nhờ đó nó là công nghệ một cách tiên nghiệm, và cái tiên nghiệm của một thứ công nghệ đặc biệt – tức là, công nghệ như là hình thức của sự kiểm soát và thống trị xã hội.

Tư tưởng khoa học hiện đại, trong chừng mực nó là thuần túy, không dự phóng những mục đích thực hành hay những hình thức thống trị cụ thể. Song, chẳng có gì gọi là sự thống trị tự thân cả. Nếu tiến hành với tư cách là hình thức thuần túy, lý thuyết sẽ thoát ly khỏi khung cảnh sự kiện có tính mục đích luận – tức là khung cảnh vũ trụ diễn ngôn và hành động cụ thể được mang lại nào đó. Chính trong vũ trụ này mà dự phóng khoa học xảy ra hay không xảy ra, chính trong vũ trụ này mà lý thuyết hình dung hay không hình dung những lựa chọn thay thế khả hữu, những giả thuyết của nó lật đổ hay mở rộng thực tại đã được xác lập từ trước.

Những nguyên lý của khoa học hiện đại được cấu trúc một cách tiên nghiệm theo cách sao cho chúng có thể giữ vai trò như là những công cụ khái niệm cho một vũ trụ kiểm soát sản xuất và tự làm mới chính mình; chủ nghĩa thao tác lý thuyết đã đi đến chỗ tương ứng với chủ nghĩa thao tác thực hành. Phương pháp khoa học, tác nhân của sự thống trị tự nhiên ngày càng hiệu quả hơn, vì thế đi đến chỗ cung cấp các khái niệm thuần túy cũng như các công cụ cho sự thống trị con người ngày càng hiệu quả hơn thông qua việc thống trị giới tự nhiên. Lý tính lý thuyết, trong khi vẫn còn thuần túy và trung lập, đã đi vào phục vụ lý tính thực hành. Mối liên hợp ấy tỏ ra có lợi cho đôi bên. Ngày nay, sự thống trị vẫn tiếp tục tồn tại và mở rộng bản thân nó không chỉ thông qua công nghệ mà còn với tư cách là công nghệ, và công nghệ biện minh cho sự mở rộng quyền lực chính trị, cái quyền lực ấy thâu nuốt tất cả các lĩnh vực văn hóa.

Trong vũ trụ ấy, công nghệ cũng hợp lý hóa sự thiếu tự do của con người và chứng minh tính bất khả “kỹ thuật” của việc sống tự chủ, của việc quyết định cuộc sống của chính mình. Vì sự thiếu tự do này không xuất hiện ra như là một sự kiện phi lý tính hay một sự kiện chính trị, mà như là một sự phục tùng bộ máy kỹ thuật đang nhân rộng sự tiện nghi của cuộc sống và gia tăng năng suất lao động. Lý tính công nghệ vì thế bảo vệ chứ không xóa bỏ tính chính đáng của sự thống trị, và chân trời công cụ luận của lý tính mở ra một xã hội toàn trị hợp lý tính:

“On pourrait nommer philosophie autocratique des techniques celle qui prend l’ensemble technique comme un lieu ou l’on utilise les machines pour obtenir de la puissance. La machine est seulement un moyen; la fin est la conquête de la nature, la domestication des forces naturelles au moyen d’un premier asservissement: La machine est un esclave qui sert à faire d’autres esclaves. Une pareille inspiration dominatrice et esclavagiste peut se rencontrer avec une requête de liberté pour l’homme. Mais il est difficile de se libérer en transférant l’esclavage sur d’autres êtres, hommes, animaux ou machines; régner sur un peuple de machines asservissant le monde entier, c’est encore régner, et tout règne suppose l’acceptation des schèmes d’asservissement.”[20]

Sự năng động không ngừng của tiến bộ công nghệ đã ngấm đầy nội dung chính trị, và Logos của các nhà kỹ thuật đã biến thành Logos của sự nô dịch tiếp tục. Sức mạnh giải phóng của công nghệ - công cụ hóa các sự vật – biến thành cái gông cùm sự tự do; công cụ hóa con người.

Cách diễn giải này sẽ cho thấy rằng có một mối liên hệ giữa dự phóng khoa học (phương pháp và lý thuyết), có trước sự vận dụng và sử dụng, với dự phóng xã hội cụ thể, và sẽ cho thấy rõ mối liên hệ này trong hình thức nội tại của lý tính khoa học, tức là trong tính cách chức năng của các khái niệm của nó. Nói cách khác, vũ trụ khoa học (tức là, không phải các mệnh đề cụ thể về cấu trúc của vật chất, năng lượng, mối tương quan của chúng, v.v., mà là dự phóng giới tự nhiên như là vật chất có thể định lượng được, như là hướng dẫn lối tiếp cận mang tính giả thuyết đến – và ngữ thức logic về – tính khách quan) ắt sẽ là chân trời của một thực tiễn xã hội cụ thể được bảo lưu trong sự phát triển của dự phóng khoa học. 

Nhưng ngay cả khi gán cho lý tính khoa học sự công cụ hóa nội tại, giả định này vẫn chưa đủ sức xác lập giá trị hiệu lực xã hội học của dự phóng khoa học. Giả thử sự hình thành các khái niệm khoa học trừu tượng nhất vẫn lưu giữ lại mối tương quan giữa chủ thể và khách thể trong một vũ trụ diễn ngôn và hành động đã cho nào đó, thì mối liên hệ giữa lý tính lý thuyết và lý tính thực hành có thể được hiểu theo những cách hoàn toàn khác.

Một lối diễn giải khác như thế được Jean Piaget đưa ra trong “nhận thức luận sinh triển” của ông. Piaget diễn giải sự hình thành các khái niệm khoa học như là những cách trừu tượng hóa khác nhau, xuất phát từ mối tương quan phổ biến giữa chủ thể và khách thể. Sự trừu tượng hóa không đi từ khách thể đơn thuần, để chủ thể hoạt động chỉ như là điểm quan sát và đo lường trung lập, cũng như không đi từ chủ thể như là cỗ xe của Lý tính nhận thức thuần túy. Piaget phân biệt quá trình nhận thức trong toán học và trong vật lý học. Cái trước là sự trừu tượng “à l’intérieur de l’action comme telle” [“ở bên trong hành động xét như là hành động”]:

“Contrairement à ce que l’on dit souvent, les êtres mathématiques ne résultent donc pas d’une abstraction a partir des objets, mais bien d’une abstraction effectuée au sein des actions comme telles. Réunir, ordonner, déplacer, etc. sont des actions plus général que penser, pousser, etc. parce qu’elles tiennent à la coordination même de toutes les actions particulières et entrent en chacune d’elles à titre de facteur coordinateur...”[21]

Chính vì thế mà các mệnh đề toán học biểu thị “une accommodation générale à l’objet” [sự tương thích phổ biến với đối tượng] – đối lập với những sự thích ứng đặc thù vốn là đặc trưng của các mệnh đề chân thực trong vật lý học. Logic học và toán logic là “une action sur l’objet quelconque, c’est-à-dire une action accommodée de façon générale”[22] và “hành động” này có giá trị hiệu lực phổ biến trong chừng mực

"cette abstraction ou différenciation porte jusqu’au sein des coordinations héréditaires, puisque les mécanismes coordinateurs de faction tiennent toujours, en leur source, à  des coordinations réflexes et instinctives.”[23]

Trong vật lý học, sự trừu tượng hóa đi từ khách thể nhưng đó là do những hành động đặc biệt ở phía chủ thể, vì thế trừu tượng hóa tất yếu mang lấy hình thức logic-toán học bởi lẽ

"des actions particulières ne donnent lieu a une connaissance que coordonnées entre elles et que cette coordination est, par sa nature même, logico-mathématique.”[24]

Trừu tượng hóa trong vật lý học tất yếu dẫn trở lại với sự trừu tượng hóa của logic-toán học, và cái sau, xét như là sự phối hợp thuần túy, với tư cách là hình thức hành động phổ biến – “hành động xét như là hành động” (“l’action comme telle”). Và sự phối hợp này cấu tạo nên tính khách quan bởi lẽ nó giữ lại theo kiểu di truyền các cấu trúc “phản xạ và bản năng”.

Cách diễn giải của Piaget thừa nhận tính cách thực hành nội tại của lý tính lý thuyết, nhưng rút nó ra từ cấu trúc hành động phổ biến, mà xét cho cùng thì đấy là cấu trúc sinh học di truyền. Phương pháp khoa học về cơ bản vẫn sẽ dựa trên cơ sở sinh học, tức cái cơ sở thượng tầng lịch sử (supra-historical) hay đúng hơn là hạ tầng lịch sử (infra-historical). Hơn nữa, giả như mọi nhận thức khoa học đều tiền giả định sự phối hợp của các hành động cụ thể, thì tôi vẫn không hiểu lý do vì sao sự phối hợp ấy, “tự bản tính của nó”, lại có tính logic-toán học học – trừ phi “các hành động cụ thể” là những thao tác khoa học của vật lý học hiện đại, nếu đúng như thế thì cách diễn giải này ắt sẽ là vòng tròn luẩn quẩn.

Đối lập với lối phân tích tâm lý học và sinh học của Piaget, Husserl đã đưa ra một thứ nhận thức luận sinh triển đặt tiêu điểm vào cấu trúc lịch sử-xã hội của lý tính khoa học. Ở đây tôi sẽ nhắc tới công trình của Husserl[25] chỉ trong chừng mực nó nhấn mạnh rằng ở mức độ nào đó khoa học hiện đại là “phương pháp luận” của thực tại lịch sử được mang lại từ trước và trong cái vũ trụ ấy nó vận động ở mức độ nào.

Husserl bắt đầu bằng sự kiện rằng việc toán học hóa giới tự nhiên dẫn đến nhận thức thực hành có giá trị hiệu lực: trong việc cấu tạo nên một thực tại “ý thể” có thể “có mối tương quan” hữu hiệu với thực tại thường nghiệm (tr. 19; 42). Nhưng thành tựu khoa học này lại quy chiếu ngược đến lối thực hành tiền-khoa học vốn đã cấu thành nên cơ sở căn nguyên (Sinnesfundament) của khoa học kiểu Galieo. Cơ sở tiền khoa học này của khoa học trong thế giới thực hành (Lebenswelt / thế giới đời sống), cái quy định cấu trúc lý thuyết, đã không được Galieo tra hỏi; hơn nữa, sự phát triển về sau của khoa học đã che đậy (verdeckt) nó. Kết quả là người ta đi đến chỗ ảo tưởng khi cho rằng việc toán học hóa giới tự nhiên đã tạo ra một chân lý tự trị (eigenständige) tuyệt đối” (tr. 49 và tiếp), trong khi đó thực tế nó vẫn chỉ là một phương pháp và kỹ thuật đặc biện cho Lebenswelt. Tấm màn ý thể (Ideenkleid) của khoa học toán học vì thế là một tấm màn biểu trưng vừa trình hiện lại vừa che khuất (vertritt and verkleidet) thế giới thực hành (tr. 52).

Ý hướng và nội dung tiền khoa học căn nguyên nào được bảo lưu trong cấu trúc khái niệm của khoa học? Trên thực tế, việc đo lường đã phát hiện ra khả thể của việc sử dụng những hình thức, chiều kích, và quan hệ cơ bản nào đó, vốn “có sẵn” một cách phổ quát xét như là những cái đồng nhất, vì chúng xác định và tính toán một cách chính xác các đối tượng và quan hệ thường nghiệm” (tr. 25). Trong mọi sự trừu tượng hóa và khái quát hóa, phương pháp khoa học giữ lại (và che khuất) cấu trúc kỹ thuật tiền-khoa học của nó; sự phát triển của cái trước trình hiện (và che đậy) sự phát triển của cái sau. Vì thế, hình học cổ điển “ý thể hóa” sự thực hành khảo sát và đo đạc đất đai (Feldmesskunst). Hình học là lý thuyết về khách thể hóa thực hành.

Đương nhiên, đại số học và logic toán cấu tạo nên một thực tại ý thể tuyệt đối, thoát ly khỏi những cái bất định không tính toán được và những cái đặc thù của Lebenswelt và của các chủ thể đang sống trong nó. Tuy nhiên, sự cấu tạo có tính ý thể này là lý thuyết và kỹ thuật của việc “ý thể hóa” Lebenswelt mới: 

“Trong thực hành toán học, chúng ta đạt tới cái mà trong thực hành thường nghiệm ta không vươn tới được, đó là tính chính xác. Vì ta có thể xác định các hình thức ý thể bằng sự đồng nhất tuyệt đối… Với tư cách ấy, chúng trở nên có sẵn và có thể sử dụng một cách phổ quát…” (tr. 24)

Sự phối hợp (Zuordnung) giữa thế giới ý thể và thế giới thường nghiệm cho phép ta “dự phóng những tính hợp thức được dự đoán trước của Lebenswelt thực hành:

“Một khi ta có những công thức, thì ta có thể nhìn thấy trước cái được mong muốn trong thực hành”

 – nhìn thấy trước cái được mong đợi trong kinh nghiệm của đời sống cụ thể (tr. 43).

Husserl nhấn mạnh những hàm nghĩa kỹ thuật tiền-khoa học của sự chính xác và tính có thể thay thế cho nhau của toán học. Các ý niệm trung tâm của khoa học hiện đại không phải là những phó phẩm đơn thuần của khoa học thuần túy, mà chúng thuộc về cấu trúc khái niệm bên trong của nó. Sự trừu tượng khoa học đối với cái cụ thể, sự lượng hóa những thuộc tính nào mang lại độ chính xác cũng như giá trị hiệu lực phổ quát, tiền giả định một kinh nghiệm cụ thể cá biệt của Lebenswelt – một phương cách “trực quan” thế giới đặc biệt. Và sự “trực quan” (“seeing”) này, bất chấp tính cách “thuần túy” dửng dưng của nó, là trực quan bên trong ngữ cảnh thực hành có mục đích. Nó đang dự đoán (Voraussehen) và đang dự phóng (Vorhaben). Khoa học của Galileo là khoa học của sự dự đoán và dự phóng có hệ thống và phương pháp. Nhưng – và đây mới là mấu chốt – dự đoán và dự phóng ở đây là đặc biệt – nghĩa là, chúng là những cái trải nghiệm, lĩnh hội và định hình thế giới bằng những quan hệ có thể dự liệu và tính toán được giữa những đơn vị có thể nhận diện một cách chính xác. Trong dự phóng này, tính có thể định lượng phổ quát là điều kiện tiên quyết cho sự thống trị giới tự nhiên. Các thuộc tính cá thể, không thể định lượng được là một sự chướng ngại nếu người ta muốn tổ chức con người và sự vật sao cho phù hợp với năng lực định lượng mà người ta phải rút ra từ chúng. Nhưng đây là một dự phóng đặc biệt, mang tính xã hội-lịch sử, và ý thức đảm nhiệm dự phóng này là chủ thể giấu mặt của khoa học Galileo; khoa học ấy là kỹ thuật dự đoán, nghệ thuật dự đoán được mở rộng đến vô hạn (ins Unendliche erweiterte Voraussicht, tr. 51).

Chính vì khoa học của Galileo, trong quá trình hình thành các khái niệm của nó, là kỹ thuật của Lebenswelt đặc biệt, nó không và không thể vượt lên trên Lebenswelt này. Về cơ bản nó vẫn nằm trong khuôn khổ kinh nghiệm cơ bản và trong vũ trụ của những mục đích được thiết lập bởi thực tại này. Husserl nói rằng trong khoa học của Galileo, “vũ trụ nhân quả cụ thể trở thành toán học ứng dụng” (tr. 12) – nhưng thế giới tri giác và kinh nghiệm, 

“trong đó chúng ta sống toàn bộ đời sống thực hành của mình, cũng vẫn vậy, không thay đổi trong cấu trúc bản chất của nó, trong quan hệ nhân quả cụ thể của chính nó” (tr. 51, tôi in nghiêng).

Một lời phát biểu đầy khiêu khích, dễ bị đánh giá thấp, và tôi tự cho phép mình đẩy cách diễn giải ấy đi xa hơn nữa. Lời phát biểu ấy không chỉ đơn thuần quy chiếu tới sự kiện là, bất chấp hình học phi Euclide, chúng ta vẫn tri giác và hành động trong không gian ba chiều; hay bất chấp khái niệm “tĩnh tại” về tính nhân quả, chúng ta vẫn hành động, hiểu theo nghĩa thông dụng, phù hợp với những quy luật “cũ xưa” của tính nhân quả. Phát biểu này cũng không mâu thuẫn với những biến đổi thường xuyên do “toán học ứng dụng” gây nên trong thế giới thực hành hàng ngày. Nhưng nó còn đi xa hơn thế nhiều. Nó cho thấy rằng trong khoa học và phương pháp khoa học đã được xác lập có một giới hạn cố hữu khiến chúng phải mở rộng, hợp lý hóa và đảm bảo ưu thế cho Lebenswelt mà không cần phải thay thế cấu trúc hiện tồn của nó – nghĩa là, không cần phải dự tính phương cách “trực quan” định tính mới và các quan hệ định tính mới giữa con người với nhau và giữa con người với tự nhiên.

Đối với các hình thức đời sống đã được định chế hóa, khoa học (thuần túy cũng như ứng dụng) vì thế sẽ có chức năng củng cố và duy trì sự ổn định của chúng. Ngay cả những thành tựu cách mạng nhất cũng chỉ là kiến tạo và phá hủy tùy theo kinh nghiệm và cách tổ chức cụ thể thực tại. Bản thân sự tự điều chỉnh liên tục của khoa học – tính cách mạng của các giả thuyết của nó được xây dựng thành phương pháp của nó – thúc đẩy và mở rộng chính cái vũ trụ lịch sử ấy, chính cái kinh nghiệm cơ bản ấy. Nó giữ lại chính cái tiên nghiệm hình thức ấy, cái luôn hướng tới một nội dung hoàn toàn mang tính vật chất và thực hành. Không hề đánh giá thấp sự biến đổi cơ bản xảy ra cùng với việc xác lập khoa học Galileo, cách diễn giải của Husserl cho thấy có sự đoạn tuyệt triệt để với truyền thống tiền-Galileo; chân trời công cụ luận của tư tưởng này quả thực là một chân trời mới mẻ. Nó tạo dựng một thế giới mới cho Lý tính lý thuyết và Lý tính thực hành, nhưng nó vẫn giữ mối dây liên lạc với thế giới lịch sử cá biệt vốn có giới hạn của nó – trong lý thuyết cũng như trong thực hành, trong tính thuần túy cũng như trong các phương pháp ứng dụng của nó.

Có vẻ như phần thảo luận trên gợi ra không chỉ những giới hạn và tiên kiến (prejudices) nội tại của phương pháp khoa học mà còn tính chủ thể lịch sử của nó nữa. Ngoài ra, nó còn có vẻ như muốn nói rằng cần phải có một thứ “vật lý học định tính” tương tự, làm sống lại các học thuyết triết học mục đích luận. v.v. Tôi thừa nhận rằng người ta có lý do để nghi ngờ cách diễn giải của tôi, nhưng ở đây tôi chỉ có thể khẳng định rằng tôi tuyệt nhiên không có ý định phát triển những thứ ý niệm ngu dân kiểu đó.[26]

Dù người ta có định nghĩa chân lý và tính khách quan như thế nào đi nữa, chúng vẫn gắn với các tác nhân người làm lý thuyết và thực hành, và với năng lực hiểu biết và cải biến thế giới của họ. Năng lực này đến lượt nó phụ thuộc vào cách người ta nhìn nhận và hiểu vật chất (bất kể nó như thế nào) đúng như nó đang tồn tại trong mọi hình thức cụ thể. Theo chiều hướng này, khoa học đương đại có giá trị hơn các khoa học trước nó rất nhiều. Thậm chí ta có thể nói thêm rằng, hiện tại, phương pháp khoa học là phương duy nhất có thể yêu sách giá trị hiệu lực như thế; sự tác động qua lại lẫn nhau giữa giả thuyết và các sự kiện quan sát tạo giá trị hiệu lực cho giả thuyết và xác lập nên các sự kiện. Luận điểm mà tôi đang cố gắng nêu ra là khoa học, do phương pháp và các khái niệm riêng của nó, đã dự phóng và cổ xúy cho một vũ trụ trong đó sự thống trị giới tự nhiên vẫn được gắn với sự thống trị con người – một mối liên hệ có xu hướng trở nên hết sức tai hại cho vũ trụ này xét như là một toàn bộ. Giới tự nhiên, được hiểu và làm chủ một cách khoa học, xuất hiện trở lại trong bộ máy kỹ thuật của sản xuất và phá hủy, bộ máy ấy duy trì và cải thiện cuộc sống của các cá thể nhưng đồng thời nó cũng nô dịch họ, bắt họ phải phục tùng những chủ nhân ông của bộ máy. Vì thế, thứ bậc tôn ti của lý tính hòa lẫn với thứ bậc tôn ti xã hội. Nếu quả thực như vậy thì sự thay đổi trong chiều hướng tiến bộ, vốn là cái có thể phục vụ cho mối liên hệ hết sức tai hại này, ắt cũng sẽ tác động tới chính cấu trúc của khoa học – tức dự phóng khoa học. Các giả thuyết của nó, không cần mất đi tính chất duy lý của chúng, ắt sẽ phát triển trong một khung cảnh thực nghiệm khác một cách cơ bản (khung cảnh của một thế giới hòa bình); do đó, khoa học sẽ có được những khái niệm khác một cách cơ bản về giới tự nhiên và xác lập nên những sự kiện khác một cách cơ bản. Xã hội thuần lý đánh đổ ý niệm Lý tính.

Tôi đã chỉ ta rằng các yếu tố của công cuộc lật đổ này, các ý niệm về một lý tính khác, đã hiện diện trong lịch sử tư tưởng ngay từ đầu. Ý niệm cổ đại về một nhà nước ở đó Tồn tại đạt tới sự toàn vẹn, ở đó mối quan hệ căng bức giữa “là” và “phải là” được giải quyết trong vòng tròn của sự quy hồi vĩnh cửu, thông phần với siêu hình học về sự thống trị. Nhưng nó cũng là một phần của siêu hình học về sự giải phóng – của sự hòa giải giữa Logos và Eros. Ý niệm này dự đoán khả năng thôi hoạt động của sự năng sản mang tính đàn áp của Lý tính, tức khả năng cáo chung đầy mãn nguyện của sự thống trị 

Hai loại lý tính tương phản nhau không thể được nối kết tương quan với nhau theo cách đơn giản là gọi lý tính này là tư duy cổ điển và lý tính kia là tư duy hiện đại, như trong câu nói sau đây của John Dewey: “từ sự thưởng thức chiêm ngắm đến thao túng và kiểm soát tích cực”, và “từ biết như là một sự thưởng ngoạn thẩm mỹ các thuộc tính của tự nhiên… đến biết như là một phương tiện của sự kiểm soát thế tục”[27]. Tư tưởng cổ điển đã dính líu khác chặt với logic của sự kiểm soát thế tục, và trong tư duy hiện đại có những yếu tố lên án và bác bỏ, điều đó đủ cho thấy câu nói của John Dewey không có sức thuyết phục. Lý tính, với tư cách là tư tưởng và hành vi khái niệm, nhất thiết phải làm chủ và thống trị. Logos là luật lệ, là sự cai trị, là lệnh truyền bằng tri thức. Khi thâu gồm các trường hợp đặc thù vào dưới cái phổ quát, khi bắt chúng phải phục tùng tính phổ quát của chúng, tư tưởng trở thành ông chủ của các trường hợp đặc thù ấy. Nó trở nên có thể không những hiểu mà còn tác động đến chúng, kiểm soát chúng. Tuy nhiên, trong khi mọi tư tưởng đều phải ở dưới sự cai trị của logic, người ta khai mở cái logic này một cách khác nhau theo những cách tư duy khác nhau. Logic hình thức cổ điển và logic ký hiệu hiện đại, logic siêu nghiệm và logic biện chứng – mỗi thứ cai quản một vũ trụ diễn ngôn và kinh nghiệm khác nhau. Tất cả chúng được phát triển trong dòng lịch sử liên tục của sự thống trị mà chúng phải tỏ lòng tôn kính. Và cái dòng liên tục này đã áp tính cách ý hệ và phục tùng cho các phương cách tư duy khẳng định, và tính cách tư biện và không tưởng cho các phương cách tư duy phủ định.

Nói tóm lại, bây giờ chúng ta có thể thử nhận diện một cách rõ ràng hơn chủ thể giấu mặt của lý tính khoa học và mục đích ẩn giấu trong hình thức thuần túy của nó. Khái niệm khoa học về một giới tự nhiên có thể kiểm soát một cách phổ quát đã hình dung giới tự nhiên như là vật chất đang vận hành một cách vô tận, như là chất liệu đơn thuần của lý thuyết và thực hành. Trong hình thức này, thế giới đối tượng bắt tay vào việc cấu tạo nên một vũ trụ công nghệ - một vũ trụ của các công cụ vật lý và tinh thần, của các phương tiện tự thân. Vì thế, nó là một hệ thống “giả thuyết” thực sự, phụ thuộc vào một chủ thể đang biện minh cho nó và kiểm chứng nó. 

Các quá trình biện minh và kiểm chứng có thể là các quá trình lý thuyết thuần túy, nhưng chúng không bao giờ diễn ra trong cõi chân không và chúng không bao giờ kết thúc trong một tinh thần riêng tư cá biệt. Hệ thống giả thuyết của các hình thức và các chức năng trở nên phụ thuộc vào một hệ thống khác – một vũ trụ các mục đích tiền lập, trong vũ trụ ấy và vì vũ trụ ấy mà nó được phát triển. Cái xuất hiện ra như là cái bên ngoài, xa lạ với dự phóng lý thuyết kỳ thực là bộ phận của chính cấu trúc (phương pháp và các khái niệm) của nó; tính khách quan thuần túy tự bộc lộ bản thân nó như là đối tượng cho một tính chủ quan nào đó đang hình dung ra Telos, tức mục đích. Trong việc cấu tạo nên thực tại công nghệ, không có cái gì được gọi là trật tự khoa học thuần túy duy lý cả; quá trình của lý tính công nghệ là một quá trình chính trị.

Chỉ trong sự trung giới của công nghệ, con người và giới tự nhiên mới trở thành những đối tượng tổ chức có thể thay thế lẫn nhau. Tính hiệu quả và năng sản phổ quát của bộ máy mà chúng được thâu gồm vào dưới đó đã che đi những mối quan tâm hay lợi ích đặc thù vốn là cái tổ chức nên bộ máy ấy. Nói cách khác, công nghệ đã trở thành một phương tiện vật hóa vĩ đại – vật hóa trong hình thức chín muồi và hiệu quả nhất của nó. Địa vị xã hội của cá nhân và mối quan hệ của anh ta với người khác có vẻ như bị quy định bởi các thuộc tính và các quy luật khách quan, còn các thuộc tính và quy luật khách quan này có vẻ như mất đi tính cách huyền thoại và không thể kiểm soát được của chúng; chúng xuất hiện ra như là những biểu hiện có thể tính toán được của lý tính (khoa học). Thế giới có xu hướng trở thành chất liệu của sự quản trị toàn diện, sự quản trị này thậm chí còn nuốt luôn cả các nhà quản trị. Mạng lưới sự thống trị đã trở thành mạng lưới của bản thân Lý tính, và xã hội này dính mắc vào trong đó là điều không thể tránh khỏi. Và việc vượt ra khỏi những phương cách tư duy có vẻ như đang vượt ra khỏi bản thân Lý tính.

Dưới những điều kiện ấy, tư tưởng khoa học (khoa học theo nghĩa rộng của từ, đối lập với tư duy rối rắm, có tính chất siêu hình học, cảm xúc và phi logic) bên ngoài các khoa học vật lý mang lấy hình thức của mặt này là chủ nghĩa hình thức (chủ nghĩa ký hiệu) thuần túy và tự mình đầy đủ trong chính mình và mặt kia là chủ nghĩa kinh nghiệm toàn diện. (Sự tương phản ấy không phải là một sự xung đột. Ta chỉ cần xem xét chính cái cách áp dụng thường nghiệm của toán học và logic ký hiệu trong nền công nghiệp điện tử là đủ.) Trong quan hệ với vũ trụ diễn ngôn và hành vi được lập thành ấy, không-mâu thuẫn và không-siêu việt là mẫu số chung. Thuyết duy nghiệm toàn diện bộc lộ ra chức năng ý hệ của nó trong triết học đương đại. Về chức năng này, chúng tôi sẽ bàn đến chính những phương diện ấy của lối phân tích ngôn ngữ học trong chương kế tiếp. Phần bàn luận này là chuẩn bị cơ sở cho việc nỗ lực chỉ ra những rào cản ngăn không cho thuyết duy nghiệm này hiểu được thực tại, và xác lập (hay xác lập lại) các khái niệm có thể dỡ bỏ những rào cản ấy.

 



[1] Herbert Dingler, trong Nature, vol. 168 (1951), tr. 630.

[2] W. V. O. Quine, From a Logical Point of View / Từ điểm nhìn logic, Cambridge, Harvard Univ. Press (1953), p. 44. Quine bàn về “huyền thoại các khác thể vật lý” và nói rằng “từ lập trường nhận thức luận, các khách thể vật lý và các vị thần [của Homer] chỉ khác nhau về mức độ chứ không khác nhau về loại (sđd.) Nhưng huyền thoại về các khách thể vật lý này là ưu việt hơn về mặt nhận thức luận “vì nó đã chứng tỏ nó có hiệu quả hơn so với các huyền thoại khác với tư cách là một thủ thuật đưa cấu trúc có thể xử lý vào dòng chảy kinh nghiệm”. Việc đánh giá khái niệm khoa học bằng “hiệu quả” “thủ thuật” và “có thể xử lý” phơi bày ra các yếu tố công nghệ-thao túng của nó.

[3] H. Reichenbach. trong Philipp G. Frank ( chủ biên.), The Validation of Scientific Theories (Boston, Beacon Press, 1954), tr. 85 và tiếp (trích theo Adolf Grünbaum).

[4] Adolf Grünbaum, sđd., p. 87 và tiếp.

[5] Sđd., p. 87 và tiếp. (tôi in nghiêng).

[6] Cái ta xác lập theo toán học chỉ là một phần nhỏ cấu thành nên “sự kiện khách quan, còn phần lớn là sự khảo sát tổng quan về các khả thể. “Uber den Begriff ‘Abgeschlossene Theorie’”, trong Dialectics, vol. II, no. 1, 1948, tr. 133.

[7] Philipp G. Frank, loc. cit., tr. 85.

[8] C. F. von Weizsacker, The History of Nature (Chicago: University of Chicago Press, 1949), p. 20.

[9] In: British Philosophy in the Mid-Century (N.Y.: Macmillan, 1957), ed. C. A. Mace, p. 1 55ff. Similarly: Mario Bunge, Metascientific Queries (Springfield, Ill.: Charles C. Thomas. 1959), p. 1 08ff.

[10] W Heisenberg. The Physicist's Conception of Nature / Quan niệm của nhà vật lý học về tự nhiên (London, Hutchinson, 19 58), tr. 29. Trong Physics and Philosophy /Vật lý học và Triết học (London: Allen and Unwin, 1959), tr. 83, Heisenberg viết: “‘Vật-tự-thân’ đối với nhà vật lý nguyên tử, nếu lúc nào ông ta cũng sử dụng khái niệm này, rốt cuộc là một cấu trúc toán học, nhưng cấu trúc này – trái ngược với Kant – được suy diễn gián tiếp từ kinh nghiệm.”

[11] Die Krisis der Europiiischen Wissenschaften und die transzendentale Phiinomenologie, ed.W. Biemel (Haag, Nijhoff, 19 54), tr. 81.

[12] “Giới tự nhiên được đặt dưới sự tác động của con người hoạt động, của con người đang khắc ghi kỹ thuật vào giới tự nhiên” Gaston Bachelard, L'Activité rationaliste de la physique contemporaine (Paris, Presses Universitaires, 19 51) tr. 7, có tham chiếu Marx và Engels, Die Deutsche Ideologie, (trad. Molitor, p. 163 f).

[13] Martin Heidegger, Holzwege (Frankfurt, Klostermann, 1950), p. 266ff. (Bản dịch của tôi). Xem thêm Vortriige and Aufsiitze của ông (Pfiillingen, Giinther Neske, 1954). p. 22, 29.

[14] Sự khốn cùng của triết học, chapter II, "Quan sát thứ hai"; in: Handbook of Marxism / Sổ tay chủ nghĩa Marx, ed. E. Bums, New York, 1935, p. 355.

[15] C. F. von Weizsacker, The History of NatureJoe. cit., tr. 71.

[16] Sđd., tr. 142 (chữ in nghiêng là nhấn mạnh của tôi)

[17] Sđd., tr. 71

[18] Tôi hi vọng mình không bị hiểu nhầm là gợi ý rằng các khái niệm vật lý toán được thiết kế như là “những dụng cụ”, rằng chúng có nội dung kỹ thuật thực hành. Nói cho đúng, công nghệ-học là “trực quan” hay “sự lĩnh hội” tiên nghiệm cái vũ trụ trong đó khoa học tiến bước, trong đó nó tự cấu tạo nên chính nó như là khoa học thuần túy. Khoa học thuần túy vẫn còn gắn liền với hình thức tiên nghiệm mà nó đã tách mình ra. Để biết rõ hơn về chân trời công cụ của vật lý toán, xem: Suzanne Bachelard, La Conscience de rationalité / Ý thức của lý tính (Paris, Presses Universitaires, 1958). p. 31.

[19] M. Horkheimer và T. W. Adorno, Dialektik der Aufklärung / Biện chứng của Khai minh, Joe. cit., tr. 50 (do tôi dịch).

[20] Ta có thể gọi triết học của các nhà kỹ thuật, thứ triết học coi toàn bộ công nghệ là nơi ở đó máy móc được dùng để thâu tóm quyền lực, là triết học chuyên chế. Máy móc chỉ là phương tiện; mục đích là chinh phục giới tự nhiên, thuần dưỡng các lực lượng tự nhiên qua sự nô dịch lần đầu tiên: máy móc là kẻ nô lệ dùng để tạo ra những kẻ nô lệ khác. Động cơ thống trị và nô dịch như thế có thể đi cùng với công cuộc tìm kiếm tự do của con người. Nhưng ta khó lòng giải phóng được bản thân mình qua việc trút cái ách nô dịch sang các thực thể khác, con người, động vật hay máy móc; cai trị một quần thể máy móc đang nô dịch toàn bộ thế giới nghĩa là vẫn còn cai trị, và mọi sự cai trị bao hàm việc chấp nhập các niệm thức (schemata) nô dịch.” Gilbert Simondon. Du mode d’existence des objets techniques / Về phương thức tồn tại của các đối tượng kỹ thuật (Paris, Aubier, 1958), tr. 127.

[21] Ngược lại với những gì người ta thường nói, các thực thể toán học do đó không phải là kết quả của một sự trừu tượng đi từ các đối tượng, mà đúng hơn là một sự trừu tượng đã được tiến hành ở bên trong những hành động xét như là những hành động. Tập hợp, sắp xếp, di chuyển, v.v., là những hành động phổ biến hơn tư duy, thúc đẩy, v.v., vì chúng nhắm tới chính sự phối hợp của tất cả các hành động riêng lẻ và thâm nhập vào trong từng hành động với tư cách là nhân tố kết hợp…” Introduction à l’épistémologie génétique / Nhập môn nhận thức luận sinh triển, tome III (Presses Universitaires, Paris, 1950), tr. 287.

[22] [sự tác động đến đối tượng nào đó, nghĩa là một hành động tương thích một cách phổ biến]. Sđd., p. 288. 

[23] “Sự trừu tượng hóa hay phân hóa này mở rộng vào cả trong lòng những sự phối hợp có tính di bởi lẽ các cơ chế phối hợp của hành động, ngay tại nguồn gốc của nó, luôn được gắn với những sự phối hợp theo phản xạ và bản năng”. Sđd., tr. 289.

[24] Các hành động cụ thể sản sinh ra nhận thức chỉ khi nào có sự phối hợp giữa chúng với nhau và sự phối hợp này tự bản tính của chúng là sự phối hợp logic-toán.” Sđd., p. 291.

[25] Die Krisis der Europäischen Wissenschaften und die transcendentale Phänomenologie / Sự khủng hoảng của khoa học châu Âu và hiện tượng học siêu nghiệm, loc. cit.

[26] Xem chương 9 và 10 phần sau của sách.

[27] John Dewey, The Quest for Certainty (New York, Minton, Balch and Co., 1929), tr. 95, 100.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt