Triết học xã hội

Mong muốn cái bất khả thể

 

MONG MUỐN CÁI BẤT KHẢ THỂ

FEDERICO MAYOR

 

‘Trí tưởng tượng quan trọng hơn tri thức’, Albert Einstein nói, và ý kiến của ông bây giờ xem chừng thích hợp hơn bao giờ hết. Thế giới ngày nay biến đổi mau lẹ đến nỗi sự mãn nguyện và những lối suy nghĩ ổn định của chúng ta không ngừng bị thách thức. Thực tế càng phủ nhận những điều đoan chắc của nhà kỹ trị và niềm tự hào của nhà kế hoạch thì khả năng sáng tạo của cá nhân càng được đề cao. “Mọi thứ đều chảy trôi”, Héraclite đã nói cách đây hơn hai nghìn năn. Lẽ nào chúng ta đã quên cái quy luật ‘đổi thay’ phổ biến đó? Chúng ta đang ở vào một thời kỳ mà nhịp độ đổi thay dồn dập của lịch sử đòi hỏi tư duy phải nỗ lực đổi mới chưa từng có.

Thế mà chúng ta thấy gì? Đúng vào lúc chúng ta phải lấy tinh thần sáng tạo làm kim chỉ nam, làm động cơ thì người ta lại khẳng định chủ nghĩa không tưởng đã chết. Có lý do chính đáng gì để bác bỏ quan niệm coi cái không tưởng là ngọn đèn dẫn đường cho sáng tạo và chỉ đạo hành động? Nhiền nhà nghiên cứu ngày nay coi khuynh hướng nhìn vượt ra quá thực tế hiện hữu là đặc trưng của xung động không tưởng, là khát vọng thay đổi điên cuồng, nó lại nổi lên mỗi lần chủ nghĩa thực dụng sa lầy vào lề thói khô khan và cằn cỗi của nó. Họ hầu hết cho rằng mọi cuộc phiêu lưu lớn của con người trong bất kỳ lĩnh vực nào – khoa học, tôn giáo hay chính trị - đều sinh ra từ một hình thức tư tưởng không tưởng nào đó. Có lẽ không tưởng có thể vẽ ra gương mặt của tương lai.

Nhưng đó là loại không tưởng gì? Và với điều kiện gì? Bản chất là tiên nghiệm, không tưởng không thể từ bỏ cái thái quá vốn là nền tảng của nó, một cái thái quá dẫu vậy vẫn nằm trong ranh giới của lý trí. Đó là một sự cân bằng mỏng manh, tuy nhiên là sự cân bằng duy nhất có khả năng làm cho nó tồn tại. Vậy là tác động lên thực tại, nhưng bằng cách nâng cao thực tại, không một lúc nào quên niềm tôn trọng đối với con người. Phải chăng cái tham vọng ấy, cái không tưởng ấy đã khởi nguồn cho hành động của một Martin Luther King, một Mahatma Gandhi hay một Nelson Mandela? Những không tưởng ‘mở’ ấy khác hẳn những không tưởng đã giam hãm cộng đồng trong một lôgích phủ nhận biểu hiện của cá nhân và nhằm đè bẹp cá nhân.

Cách nhìn nhận ấy trong chủ nghĩa không tưởng cần được coi là một lực lượng giải phóng, năng động vì những hoạt động tức khắc, toàn cầu, là một sự cổ vũ cho những suy nghĩ táo bạo. Nói như Bernard Lown, giải thưởng Nobel về hòa bình năm 1985 : ‘Chỉ những ai có thể nhìn thấy cái vô hình mới có thể thực hiện được cái bất khả thể’. Nâng lên bằng cách đó sức mạnh của trí tưởng tượng và tăng cường khát vọng đi xa hơn của con người, tức là vũ trang tốt hơn cho con người đương đầu với thực tại và ứng phó với cái bất ngờ.

Không tưởng liệu có thể là một đảm bảo cho tự do được không? Chưa có lời đáp cuối cùng cho câu hỏi này. Nhưng đó là một câu hỏi đáng được đặt ra.

 


Nguồn: Tạp chí Người đưa tin Unesco, số tháng 2.1991, trang 11. Phiên bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.


 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt