Triết học xã hội

Thách thức đối với quyền tự do tích cực: Phỏng vấn Francis Fukuyama

 

THÁCH THỨC ĐỐI VỚI QUYỀN TỰ DO TÍCH CỰC:

PHỎNG VẤN FRANCIS FUKUYAMA

 

Nathan Gardels. The Challenge of Positive Freedom – interview with Francis Fukuyama. New Perspective Quarterly, Spring, 2007, 5 p.

MINH DUY dịch

 

BÀI CÙNG TÁC GIẢ

  1. Sự cáo chung của lịch sử - 20 năm nhìn lại
  2. Sự cáo chung của lịch sử
  3. Tiếp sau chủ nghĩa bảo thủ mới

New Perspective Quarterly (NPQ): Isaiah Berlin - nhà triết học chính trị đã qua đời, từng nổi tiếng khi đưa ra sự phân biệt giữa tự do "tiêu cực" và "tích cực" – trước hết là "tự do trước" chế độ bạo chúa và sự can thiệp, và hai là "tự do được" làm những cái mà không bị can thiệp trong ý chí hay phạm vi của mình; nghĩa là, tự do cá nhân được làm mọi thứ.

Như ông đã đề cập tới trong lập luận của mình về Sự cáo chung của lịch sử, tự do tiêu cực đã được chấp nhận phổ quát về nguyên tắc, chứ chưa phải trong thực tiễn, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Thậm chí ở Trung Quốc, khu vực không gian cá nhân đã mở rộng rất nhiều. Thế nhưng trong một thế giới đa dạng, theo gần như đúng định nghĩa thì tự do tích cực, nghĩa là "tự do được", lại không phổ quát. Một vài người muốn cuốn khăn đầu, những người khác lại muốn cưới người cùng giới.

Có  phải  sau  Sự  cáo  chung  của  lịch sử  thì  hầu  như sẽ  không  còn  những xung đột nào về các quyền tự do tích cực đúng không?

Francis Fukuyama: Đúng là như vậy. Hầu hết các nền dân chủ tự do đã có thể tránh câu hỏi kiểu này về việc họ muốn khuyến khích những quyền tự do tích cực gì, bởi lẽ họ chưa bị thách thức bao giờ. Giờ đây, họ lại bị thách thức bởi các nhóm thiểu số - những người Hồi giáo nhập cư ở châu Âu là một ví dụ - hay ở một nghĩa nào đó là những nền văn hóa đang nổi lên ở châu á, nơi có một tinh thần rất mạnh về cộng đồng theo nguyên tắc đạo đức riêng của họ, những  giá trị  riêng phi  tự do  của  họ.

Điều này đã trở thành một vấn đề rất thời sự. Đặc biệt ở châu Âu, vấn đề nhập cư và bản sắc lại gắn với vấn đề lớn hơn là sự vô giá trị hậu thời kỳ hiện đại. Sự phát triển của thuyết tương đối đã khiến  việc  khẳng  định  những  giá trị tích cực trở nên khó khăn hơn và, vì vậy, những tín ngưỡng chung của người châu Âu được đưa ra làm điều kiện cho những người nhập cư muốn trở thành công dân châu Âu. Các giới thượng lvưu hậu hiện đại đã vượt ra khỏi những bản sắc được xác định bằng tôn giáo hay dân tộc để đến với cái mà họ coi là một vị thế siêu đẳng hơn. Nhưng ngoài sự vui mừng của họ về sự đa dạng vô tận và lòng khoan dung, thì họ còn thấy khó nhất trí  về  bản chất  của cuộc sống  tốt đẹp mà họ cùng ấp ủ mong muốn.

Đồng thời phải nói rõ ở đây rằng lập luận của tôi trong cuốn Sự cáo chung của Lịch sử là Hegel đã có nhận thức tích cực hơn về ý nghĩa của tự do khi công nhận nhân phẩm cơ bản của con người, năng lực đưa ra những lựa chọn mang tính đạo đức. Vì vậy, theo một nghĩa nào đó, "kết cục của lịch sử" có nghĩa là sự khởi đầu của quá trình tái thiết một tư tưởng tích cực và thực chất hơn về ý nghĩa của việc sống trong một nền dân chủ tự do.

NPQ:  Chỉ  vì  người  nhập  cư  khẳng định bản sắc của họ mà tạo ra những xung đột mới với các xã hội tự do, vậy thì đề  xuất đưa "cái vô giá trị hậu hiện đại" – thuyết tương đối, chủ nghĩa thế tục, sự khoáng đạt và chủ nghĩa hiện vật – vào các nền văn hóa khác thông qua truyền thông đại chúng và giải trí không tạo ra những xung đột trên phạm vi toàn cầu chứ? Người di cư đến đây; truyền thông chúng ta đến kia. Rốt cục, Osama Bin Laden chẳng bao giờ đến Mỹ. Ông ta chỉ biết đến nước Mỹ qua "hình ảnh của Hollywood".

Truyền thông toàn cầu hóa đồng thời  gắn  kết  chặt  với nhau,  tạo ra sự khác biệt và xác định rõ ràng; đó là không gian nơi tạo ra sự thừa nhận, nơi thực hiện nhân phẩm. Nếu đó là một không gian mới thì cũng không phải là một trận địa mới phải không?

Fukuyama: Chắc chắn là như vậy. Đã có một cuộc chiến văn hóa diễn ra trong lòng nước Mỹ từ lâu rồi về vấn đề này. Những người bảo thủ văn hóa và cực hữu tôn giáo từ lâu đã chỉ trích Hollywood là hạ thấp những giá trị  gia đình và lòng chung thủy. Theo một nghĩa nào đó, lập trường của họ hoàn toàn không khác với lời lẽ của Osama Bin Laden. Cái vô giá trị được phác thảo bởi nền văn hóa quần chúng của Mỹ là một vấn đề.

Rõ ràng, những kẻ cực đoan Hồi giáo không chấp nhận khuôn khổ cơ bản của tự do bao dung trong lòng các cuộc chiến văn hóa được phát động ở Mỹ. Nhưng ở đây có mối quan hệ với nhau. Cái chúng ta chứng kiến hôm nay trên sâu khấu toàn cầu, ở một nghĩa nào đó, là sự kéo dài của những cuộc chiến văn hóa của riêng nước Mỹ.

NPQ: Sau ngày 11/9, chính quyền Bush đã phát động một chiến dịch "ngoại giao nhân dân", cho rằng "nếu thế giới Hồi giáo chỉ cần hiểu nước Mỹ thôi" thì họ sẽ không thù ghét chúng ta. Thế nhưng sự tuyên truyền nền văn hóa đại chúng hậu hiện đại này từ lâu đã hiện hữu rồi. Người Hồi giáo hiểu nước Mỹ. Đó chính là vấn đề! Có lẽ, người Mỹ cần phải khiêm nhường hơn một chút và tự phê bản thân. Không phải tất cả thành quả của tự do đều làm hài lòng.

Fukuyama: Tôi nghĩ rằng mặt bóng bẩy hơn của nước Mỹ thì ai trên thế giới cũng đều biết. Hình ảnh của nước Mỹ cực đoan hay gì khác trong lòng những người Hồi giáo hay phê phán là không phải không chính xác.

Một trong những hiểu nhầm về chính sách của Mỹ sau ngày 11/9 là giả thiết rằng nếu chủ nghĩa bài Mỹ đã có từ trước rồi, thì đó không phải vì chính sách của chúng ta hay hình ảnh của Hollywood, mà vì chúng ta bị hiểu nhầm. Đó là một lực hấp dẫn vì nó có nghĩa rằng chúng ta sẽ không phải hướng nội và thay đổi chính bản thân mình hay các chính sách của chúng ta nữa.

Mặt khác, tôi cho rằng hình ảnh của nước Mỹ trên thế giới còn phụ thuộc vào anh đang nói về nơi nào trên thế giới nữa. ở những nơi đang hiện đại hóa thành công, việc xúc tiến văn hóa đại chúng của chúng ta là một lợi ích lâu dài, bởi vì họ thấy các quyền tự do được thể hiện trong các phim hay âm nhạc của chúng ta như điều họ có thể mong mỏi. Điều đó không tạo ra sự phản kháng.

Nơi người ta gặp phải rắc rối lớn là nơi các nước thất bại trước hiện đại hóa. Họ có thể thấy miền đất hứa, nhưng không có cách nào để đến đây. Điều đó tạo sự phản kháng và chủ nghĩa bài Mỹ.

NPQ: Ông có thể bàn thêm về vấn đề này nữa. Những nước mà thành công nhờ toàn cầu hóa, đặc  biệt là ở châu á, đang  ngày  càng  dựa  vào những đặc điểm trong cách thức của người Mỹ - tự do hơn, linh hoạt hơn, thịnh vượng hơn. Khi họ làm như vậy, họ muốn xem những câu chuyện của riêng họ trên màn hình, chứ  không phải những câu chuyện của nước Mỹ. Hiểu một cách tương đối, điều đó không làm giảm sức mạnh mềm của nước Mỹ chứ?

Fukuyama: Đúng, nhưng đó có phải là điều tồi tệ hơn trong thế giới này không? Do chúng ta đã hùng mạnh rồi thì chúng ta không còn nhìn thấy những hình thức khác của sức mạnh mềm nữa. Các ca sỹ nhạc Pop và những minh tinh màn bạc của Hàn Quốc nổi tiếng một cách khó tin ở Nhật Bản và những nơi khác ở Đông á. Trung Quốc có một ngành công nghiệp phim khổng lồ. Nhiều Hoa kiều đang học lại tiếng Quan thoại.

Chúng ta đừng nghĩ về hình thái sức mạnh mềm này như cách mà chúng ta nghĩ về sức mạnh quân sự. Sự cân bằng sức mạnh văn hóa không phải là trò chơi được ăn cả ngã về không. Nó không nhất thiết là một mối đe dọa đến lợi ích quốc gia của Mỹ nếu Trung Quốc xem nhiều phim của họ hơn là phim Mỹ.

NPQ: Nếu như vậy, khi Mỹ xét đến vai trò của mình trên thế giới, thì chẳng quan trọng khi xét thực tế rằng nội dung văn  hóa  đại  chúng  của  chúng ta ảnh  hưởng  như  thế  nào  đến  các  mối quan hệ quốc tế có đúng không?

Fukuyama: Đó không phải là câu hỏi có quan trọng hay không. Nhưng tôi không biết nó có dễ dàng như vậy đối với nền văn hóa tự do để được làm bất kỳ điều gì hay không. Thậm chí nếu anh đã quyết định rằng Hollywood đang làm tổn thương lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ đi nữa thì anh cũng không thể ngăn cản những thứ đó vẫn cứ tiếp tục sinh ra. Ngoài việc không cho Janet Jackson  tái  diễn  phô  trương  bộ ngực trần của mình ở giải Siêu Túc cầu (Super Bowl) bằng các quy định của FCC, cũng chẳng còn gì để anh có thể làm nữa cả. Đó là một vấn đề, nhưng vấn đề đó có thể không nhất thiết được giải quyết bằng chính sách công.

Tất nhiên, hy vọng là trong mớ ý kiến đưa ra, ý kiến tốt sẽ đẩy lui ý kiến tồi. Nhưng cho đến nay chưa có nhiều bằng chứng về điều như vậy xảy ra.

NPQ: Một lý do sở dĩ điều này trở thành một vấn đề hóc búa như vậy là các xã hội tự do thế tục gặp khó khăn thực sự, như ông gợi ý, trong việc đưa ra những giá trị tích cực làm giới hạn hành vi văn hóa, ví dụ như những bài hát thô tục của kẻ luôn ghét phụ nữ, hành động làm tượng mẫu của Madonna hay việc nhân bản.

Sự đụng độ với Hồi giáo nhấn mạnh đến sự tê liệt này về đạo đức bởi vì chúng ta sống, như Czeslaw Milosz – người  được nhận giải thưởng Nobel  và đã qua đời – thường nói, trong "thời đại lịch sử không song hành".

Do vậy, chúng ta chứng kiến cái nghịch lý này: Ayaan Hirsi Ali, dẫn chứng ra Spinoza, đã thoát khỏi sự chung thủy với nhận thức nhân danh vì tự do, từ bỏ bào thai của Hồi giáo và trở thành một "tín đồ Khai sáng chính thống" và là người vô thần. Thế nhưng, nhà triết học tự do thế tục nổi tiếng nhất của châu Âu, Jurgen Habermas, giờ đây lập luận rằng vì xã hội hậu hiện đại không có khả năng tạo ra những giá trị riêng của nó, nên nó chỉ có thể tự "sinh nở" từ các nguồn tôn giáo. Theo ông, các giá trị phương Tây – tự do, lương tâm, quyền con người – có  nguồn gốc trong di sản Do thái-Thiên  chúa giáo của chúng ta.

Theo Habermas, "tính chủ động không bị hạn chế" – thuyết tương đối hiện đang thống trị - đụng độ với "cái thực sự tuyệt  đối  –  quyền của mỗi sinh linh của tạo hóa được tôn trọng như một 'hình ảnh của Chúa'".

Ông làm gì với trào lưu kép này trong lịch sử?

Fukuyama: Vấn đề các xã hội hậu tôn giáo của chúng ta tạo ra những giá trị như thế nào là một vấn đề rất quan trọng cho hai nhà tư tưởng có uy tín ở Đại học Chicago – Allan Bloom, tác giả của cuốn Khép lại Tư tưởng nước Mỹ, và Leo Strauss.

Strauss gọi đây là "cuộc khủng hoảng của thế giới hiện đại". Câu hỏi là liệu có cách nào thiết lập những giá trị thông qua sự vận dụng triết lý và tư duy mà không cần phải hướng sang tôn giáo. Lập luận trọng tâm của ông là triết lý chính trị học cổ điển – người Hy Lạp nhấn mạnh đến "quyền tự nhiên", hoặc thế giới tự nhiên được khám phá bằng tư duy con người như một nguồn có nhiều giá trị - ngay từ đầu đã bị triết học hiện đại bác bỏ.

Cách suy nghĩ về điều này là chúng ta vừa có một vấn đề triết lý sâu sắc, vừa có vấn đề chính trị thực tiễn. Cả hai có thể, nhưng không nhất thiết, có liên quan đến nhau.

Vấn đề triết lý sâu sắc ở đây là liệu rằng anh có thể đưa triết học phương Tây trở lại với Heidegger và Nietzche, và nói rằng tư duy cho phép xác lập những giá trị tích cực – nói cách khác là anh có thể thể hiện chân lý của một vài tư tưởng.

Vấn đề thực tiễn ở đây là liệu anh có thể tạo ra một tập hợp những giá trị mà về mặt xã hội sẽ phục vụ những mục đích tự do lồng ghép anh muốn. Điều này phức tạp bởi vì anh muốn những giá trị đó phải là cái thứ tích cực và có ý nghĩa, nhưng anh cũng không thể sử dụng chúng làm cơ sở để loại trừ một vài nhóm trong xã hội.

Có thể chúng ta thành công khi làm việc này mà không cần cái khác. Ví dụ, những nền tảng cho sự thành công của sự thử nghiệm chính trị Mỹ là nó tạo ra một tập hợp những giá trị "tích cực", làm cơ sở cho bản sắc dân tộc, nhưng cũng dễ dàng tiếp cận đối với những người không phải là da trắng và Thiên chúa giáo, hay theo một cách nào đó là "máu và đất" liên quan đến những người theo đạo Tin lành Anglo-Saxon sáng lập ra đất nước này.

Những giá trị này chính là nội dung của Kinh tín Mỹ (American Creed) – niềm tin vào chủ nghĩa cá nhân, niềm tin vào lao động như một giá trị, niềm tin vào tự do đi lại và chủ quyền nhân dân.

Samuel Huntington gọi đây là "những giá trị Tin lành-Anglo", nhưng hiện nay chúng đã bị loại bỏ khỏi những cội nguồn này. Anh có thể tin vào những thứ đó bất kể anh là ai hay xuất thân từ đâu. Là một loại giải pháp thực tiễn cho vấn đề giá trị tích cực, điều đó hoàn toàn có tác dụng.

Điều tôi thấy thú vị là, ngoài uống bia và chơi bóng đá, người châu Âu thấy khó xác định những phẩm chất làm bản sắc. Cuối cùng, đây thực sự là về những phẩm chất tích cực – loại người nào anh thấy có thể ngưỡng mộ trong câu chuyện chung xây dựng lên cộng đồng của anh. Những loại hành vi nào anh cho đó là nhân phẩm trong văn hóa của anh?

Loại định nghĩa về cuộc sống tốt đẹp này, tôi nghĩ, anh có thể xác định mà không cần tìm đến vấn đề triết lý sâu sắc hơn.

Trở lại điều Strauss lo lắng trong tư tưởng của ông là sự ổn định của một giải pháp thực tiễn như vậy trong bối cảnh thiếu vắng một cách thức giải quyết triết lý về phương pháp đi đến những chân lý.

NPQ: Nếu có thể, những định nghĩa về tự do – những lựa chọn về cuộc sống tốt đẹp – gây phiền toái trong một thế giới đa nguyên, thì tại sao lại không chuyển sang một hệ thống kiểu như thời kỳ Trung cổ khi những giá trị khác nhau được áp dụng ở những địa hạt khác nhau, mỗi địa hạt có "chân giá trị (volksgeist)" riêng của nó?

Fukuyama: Đó không phải là một giải pháp. Chúng ta sống trong những cộng đồng dân tộc lớn hòa đồng với thế giới. Trong những cộng đồng đó, anh phải ứng xử văn minh, có sự tận tụy và làm việc dân chủ. Anh không thể liên hiệp thành một cộng đồng tự kỷ khổng lồ không xác định. Đặc biệt, nó không phải là một giải pháp trong một thế giới như của chúng ta với những dòng người luôn biến động và luồng thông tin truy nhập không ngừng. Đây là điều mà người Hà Lan đã thử nghiệm trong thực tế với những "trụ cột" cho từng nhóm trong xã hội. Nhưng nó cho thấy là không vận hành được.

NPQ: Những người Hồi  giáo  nhập cư vào châu Âu có tinh thần bản sắc mạnh mẽ. Người Mỹ có Kinh tín của họ. Vậy tại sao tinh thần bản sắc và niềm tin văn hóa của châu Âu lại yếu đến như vậy?

Fukuyama: Châu Âu đã có những truyền thống dân tộc sâu sắc. Trong thế kỷ  XX,  những  truyền  thống  dân tộc  đó bị mất uy tín vì những cuộc chiến tranh đẫm máu mang tính dân tộc chủ nghĩa. Giờ đây, họ đang cố gắng tập hợp một "bản sắc châu Âu", nhưng không có nhiều nội dung.

Một trong những tranh luận kỳ thú nhất nổi lên khi một vài người cố gắng tái lồng ghép tư tưởng của di sản Thiên chúa giáo vào đề cương Hiến pháp châu Âu. Điều đó đã gây ra rất nhiều tranh cãi. Sự tham chiếu Thiên chúa giáo chưa bao giờ được đề cập trong đó và tất nhiên sau đó người dân Pháp và Hà Lan đều  bác  bỏ  dự thảo  này  vì  họ  nghĩ  điều đó xâm phạm quá nhiều vào đời  sống  dân tộc vốn đã đang ngày càng xuống cấp rồi.

NPQ: Liệu tư tưởng về một chân giá trị - lối sống độc đáo của một dân tộc có chung nguồn gốc – giờ đây phổ quát trên thế giới hậu hiện đại có hòa đồng với tất cả các nền văn hóa lai tạo không? Kinh tín Mỹ thực sự là một "giá trị" không có một "cộng đồng".

Fukuyama: "Chân giá trị" đã luôn từng là một loại hình sáng tạo. Johann Gottfried Herder, người đã sử dụng tư tưởng này, lập luận rằng một "chân giá trị" là một thứ cảm nhận cổ điển và vô thức về cộng đồng. Bản sắc của người Đức không thực sự tồn tại cho đến tận thế kỷ thứ XIX. Điều ông không ghi nhận là tất cả những phẩm chất này đã được tạo dựng từ trong xã hội ở góc độ nào đó và được pha trộn thành một thứ men bia Đức.

Chân giá trị là một tập hợp bất thành văn những quy tắc và giá trị xã hội mà một xã hội mong muốn có. Như anh nói, Kinh tín Mỹ không bao hàm một "cộng đồng" theo nghĩa rằng lối sống của nó được chia sẻ bởi nhiều chủng tộc và nền văn hóa.

 


Nguồn: Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, số 5, 2008, tr. 47-52

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt