Triết học xã hội

Triết học chính trị của Hobbes

 

TRIẾT HỌC CHÍNH TRỊ CỦA HOBBES 

 

JONATHAN WOLFF

(Giáo sư, Đại học University College London)

BÙI XUÂN LINH dịch

 


Jonathan Wolff. An Introduction to Political Philosophy. Oxford Oxfordshire: Oxford University Press. 2015. | Bản dịch tiếng Việt do dịch giả Bùi Xuân Linh gửi cho triethoc.edu.vn


 

 

Trong [trạng thái tự nhiên] không có chỗ cho Công nghiệp, bởi vì trái cây trong đó không được chắc chắn: và do đó không có chuyện Trồng trọt trong Đất đai; không có ngành Hàng hải, vì cũng không có chuyện sử dụng hàng hóa vốn có thể được nhập khẩu qua Đường biển; cũng không có những tòa Cao ốc rộng rãi; cũng không có những Công cụ để di chuyển và di dời những thứ cần nhiều lực; cũng không có Kiến thức về bề mặt của Trái đất; không có giải thích về Thời gian; không có Nghệ thuật; không có Văn chương; không có Xã hội; và điều tệ hại nhất, mối lo sợ liên tục, và sự nguy hiểm của cái chết dữ dội; và cuộc sống của con người, đơn độc, nghèo khổ, tồi tệ, tàn bạo và ngắn ngủi.

            Thomas Hobbes, Leviathan, nxb. C. B. MacPherson, ([1651], Harmondsworth: Penguin, 1968), 186.

 

Tác phẩm vĩ đại nhất của Hobbes, Leviathan, theo đuổi một chủ đề đã ám ảnh ông hơn hai mươi năm: những tai họa của nội chiến và tình trạng vô chính phủ đi kèm. Không gì có thể tệ hại hơn cuộc sống mà không có sự bảo vệ của nhà nước, Hobbes biện luận, và do đó một chính phủ mạnh là điều cốt yếu để bảo đảm chúng ta không ngã vào cuộc chiến tất cả chống lại tất cả.

Nhưng tại sao Hobbes tin rằng trạng thái tự nhiên sẽ là quá tuyệt vọng, một trạng thái chiến tranh, một trạng thái lo sợ thường xuyên và mối nguy hiểm của một cái chết dữ dội? Cốt lõi của quan điểm của Hobbes là, trong tình trạng thiếu vắng chính phủ, bản chất con người sẽ đưa chúng ta đến sự xung đột mãnh liệt không tránh khỏi. Do đó, đối với Hobbes, triết học chính trị bắt đầu với việc nghiên cứu bản chất của con người.

Hobbes gợi ý có hai điều then chốt để hiểu biết bản chất con người. Một là tự biết mình. Nội quan một cách trung thực sẽ cho chúng ta biết rất nhiều điều về con người: bản chất của những tư tưởng, hy vọng, và sợ hãi của chúng ta. Điều thứ hai là hiểu biết những nguyên lý tổng quát của vật lý. Cũng giống như  để hiểu người công dân (cá nhân trong xã hội chính trị) bạn phải hiểu về bản chất con người, Hobbes tin, như một nhà duy vật triết học, rằng để hiểu bản chất con người, trước tiên bạn phải hiểu “cơ thể” hoặc vật chất, trong đó, theo ông, chúng ta hoàn toàn được cấu tạo.

Đối với những mục đích của chúng ta, khía cạnh quan trọng nhất trong lời giải thích của Hobbes về vật chất là việc ông chấp nhận nguyên lý của Galileo về bảo toàn chuyển động. Ví dụ, theo cơ chế nào, một viên đạn đại bác vẫn bay khi nó đã được bắn? Câu trả lời mang tính cách mạng của Galileo là nói rằng đây là câu hỏi sai. Chúng ta phải giả định rằng các vật thể sẽ tiếp tục di chuyển theo một chuyển động và phương bất biến cho đến khi bị tác động bởi một lực khác. Những điều cần được giải thích không phải là tại sao các vật thể tiếp tục di chuyển, mà là tại sao chúng thay đổi phương hướng và tại sao chúng ngưng lại. Trong đời của Hobbes quan điểm này hãy còn mới mẻ, và, ông đã chỉ ra, đã thách thức suy nghĩ thông thường rằng, cũng giống như khi chúng ta mệt mỏi và tìm cách nghỉ ngơi sau khi vận động, các vật thể cũng sẽ di chuyển chậm dần một cách tự nhiên. Nhưng ông quả quyết, sự thật là “khi một vật di chuyển, nó sẽ di chuyển mãi mãi, trừ khi có điều gì ngăn nó lại.” (Leviathan, 87). Điều này, ông nghĩ, cũng đúng với chúng ta. Trở nên mệt mỏi và muốn nghỉ ngơi đơn giản là vì có một chuyển động khác tác động lên chúng ta.

Do đó Hobbes sử dụng nguyên lý bảo toàn chuyển động trong việc phát triển một quan điểm duy vật, cơ giới về con người. Những nguyên tắc chung rộng lớn của lời giải thích này được đưa ra trong lời mở đầu của cuốn Leviathan: “Trái tim là gì, nếu không phải là Động cơ; và các Dây thần kinh là gì nếu không phải là rất nhiều Sợi dây; và các Khớp, nếu không phải là rất nhiều Bánh xe, tạo chuyển động cho toàn bộ Cơ thể ...?” (81). Do đó con người được làm cho sống nhờ chuyển động. Cảm giác, chẳng hạn, là một “sức ép” lên một cơ quan. Trí tưởng tượng là một “thánh tích đang thối rữa” của cảm giác. Một ham muốn là một “chuyển động bên trong hướng về một đối tượng.” Tất cả điều này được hiểu theo nghĩa đen.

Tầm quan trọng của lý thuyết bảo toàn chuyển động là nhờ nó Hobbes đã vẽ nên một bức tranh con người như là luôn luôn tìm kiếm điều gì đó, không bao giờ ngưng nghỉ. “Không có chuyện như là sự Yên tĩnh vĩnh viễn của tinh thần trong khi chúng ta sống ở đây; bởi vì tự bản thân Đời sống chỉ là sự Chuyển động, và không bao giờ có thể từ bỏ Ham muốn.” (Leviathan, 129-30). Con người, Hobbes lý luận, tìm kiếm điều ông gọi là “hạnh phúc”, sự thành công liên tiếp trong việc đạt được những đối tượng của sự ham muốn.  Đó là cuộc đi tìm để có được hạnh phúc mà sẽ đưa chúng ta đến chiến tranh trong trạng thái tự nhiên. Cuối cùng, Hobbes biện luận, nỗi lo sợ cái chết của chúng ta sẽ đưa con người đến chỗ tạo nên một nhà nước. Nhưng trong trạng thái tự nhiên, nếu không có một nhà nước, Hobbes cho rằng việc đi tìm hạnh phúc sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh mọi người chống lại mọi người. Tại sao ông nghĩ như vậy?

Có thể tìm thấy một manh mối trong định nghĩa của Hobbes về quyền lực: “là phương tiện hiện tại để đạt được một số điều Tốt đẹp rõ ràng trong tương lai” (Leviathan, 150). Để bảo đảm có được hạnh phúc người ta phải trở nên hùng mạnh. Nguồn gốc của quyền lực, Hobbes tuyên bố, bao gồm cảnh giàu sang, danh tiếng, và bạn bè, và những con người có “một ham muốn không ngừng đối với Quyền lực này đến quyền lực khác, chỉ dừng lại với Cái chết” (Leviathan, 161). Đây không chỉ vì con người không bao giờ đạt đến trạng thái thỏa mãn hoàn toàn, mà còn bởi vì một người “không thể bảo đảm quyền lực và phương tiện để sống thoải mái với những gì anh ta đang có, mà không thâu tóm thêm nữa” (Leviathan, 161). Những người khác cũng sẽ tìm cách gia tăng quyền lực của họ, và do đó việc tìm kiếm quyền lực tự bản chất của nó mang tính cạnh tranh.

Nỗ lực tự nhiên, liên tục của mọi người nhằm gia tăng quyền lực – có thêm của cải và những người dưới quyền – sẽ dẫn đến cạnh tranh. Nhưng cạnh tranh không phải là chiến tranh. Vậy thì tại sao cạnh tranh trong trạng thái tự nhiên sẽ dẫn đến chiến tranh? Một bước quan trọng nữa là Hobbes cho rằng con người về bản chất là “bình đẳng”. Một giả định về sự bình đẳng tự nhiên thường được sử dụng trong triết học chính trị và đạo đức như là cơ sở cho lập luận rằng chúng ta nên tôn trọng người khác, đối xử với nhau trong tinh thần thận trọng và quan tâm. Nhưng đối với Hobbes giả định này được đặt trong một cách dùng hoàn toàn khác, như chúng ta có thể nghi ngờ khi thấy ông tuyên bố quan điểm: chúng ta bình đẳng trong ý nghĩa mọi người đều hầu như có cùng mức độ sức mạnh và sự khéo léo, và do đó mọi người đều có khả năng giết chết bất cứ người nào khác. “Kẻ yếu đuối nhất có sức mạnh đủ để giết chết kẻ mạnh mẽ nhất, hoặc bằng âm mưu bí mật hay bằng cách liên kết với những kẻ khác”. Leviathan, 183). 

Hobbes bổ sung vào đấy giả định hợp lý rằng trong trạng thái tự nhiên hàng hóa rất khan hiếm, tới mức hai người khao khát cùng một loại đồ vật thường sẽ mong muốn sở hữu cùng một thứ. Cuối cùng, Hobbes chỉ rõ rằng không ai trong trạng thái tự nhiên có thể trở thành không thể bị tấn công. Bất cứ thứ gì tôi có, những người khác cũng có thể ham muốn, và do đó tôi phải cảnh giác thường xuyên. Tuy nhiên, ngay cả nếu tôi không sở hữu thứ gì, tôi cũng không thể không sợ hãi. Những người khác có thể xem tôi là một mối đe dọa và do đó tôi có thể dễ dàng kết thúc như một nạn nhân của một cú đòn ngăn chặn. Từ các giả định về sự bình đẳng, khan hiếm, và không chắc chắn này, Hobbes nghĩ rằng trạng thái tự nhiên sẽ là một trạng thái chiến tranh:

Từ sự bình đẳng về khả năng này, phát sinh sự bình đẳng về hy vọng trong việc đạt được những Mục đích của chúng ta. Và do đó, nếu hai người cũng muốn cùng một thứ, nhưng không thể cùng hưởng, thì họ sẽ trở thành kẻ thù; và trên con đường đi đến Mục đích của họ, (về cơ bản là sự bảo tồn của họ, và đôi khi chỉ là thú vui của họ) cố gắng tiêu diệt hoặc khuất phục lẫn nhau.Và từ đấy xảy ra việc, khi một Kẻ xâm lược không có gì phải lo sợ hơn là quyền lực duy nhất của một người khác; Nếu một người trồng, gieo, xây dựng hoặc sở hữu một Chỗ ngồi tiện lợi, những người khác có thể được mong đợi là sẽ đến, sẵn sàng với các lực lượng hợp nhất, để tước quyền sở hữu và lấy đi của anh ta, không chỉ thành quả lao động mà còn cả tính mạng hoặc quyền tự do của anh ta . Và Kẻ xâm lược lại gặp nguy hiểm tương tự như một kẻ khác. (Leviathan, 184). 

Tệ hơn nữa, Hobbes biện luận, người ta không chỉ đi tìm những phương tiện để thỏa mãn tức thì, mà còn đi tìm quyền lực để thỏa mãn bất cứ ham muốn nào trong tương lai mà họ sẽ có. Giờ đây, vì danh tiếng của quyền lực cũng là quyền lực, một số người sẽ tấn công những kẻ khác, thậm chí những người không đặt ra mối đe dọa nào, mà chỉ thuần túy là có được danh tiếng về sức mạnh như một phương tiện để bảo vệ trong tương lai. Như trong sân chơi trường học, những người có tiếng là chiến thắng trong các cuộc tranh tài ít có khả năng bị tấn công nhất nhờ những thành tích của họ, và thậm chí có thể có thêm các thành tích được giao nộp bởi những người khác vốn cảm thấy không thể tự vệ. (Dĩ nhiên, những người nổi tiếng vì sức mạnh cũng không thể thư giãn: họ hoàn toàn có khả năng là nạn nhân của những kẻ tìm cách nâng cao danh tiếng của chính chúng.)

Tóm lại, Hobbes nhìn thấy ba lý do chính để tấn công trong trạng thái tự nhiên: vì lợi, vì an toàn (để ngăn ngừa những kẻ xâm lược), và vì vinh quang hay danh tiếng. Trong thâm tâm, Hobbes dựa trên ý tưởng rằng con người, trong quá trình đi tìm hạnh phúc, không ngừng cố gắng gia tăng quyền lực của họ (những phương tiện hiện tại của họ để có được những điều đáng mong muốn trong tương lai). Khi chúng ta thêm rằng con người hầu như ngang nhau về sức mạnh và khả năng; rằng những điều đáng mong muốn thì khan hiếm, và rằng không ai có thể chắc chắn họ sẽ không bị những kẻ khác xâm lấn, thì dường như hợp lý khi kết luận rằng hành động hợp lý của con người sẽ làm cho trạng thái tự nhiên trở thành một chiến trường. Không ai đủ mạnh để ngăn chặn mọi kẻ tấn công có thể có, cũng như quá yếu khiến cho việc tấn công kẻ khác, cùng những kẻ đồng lõa nếu cần, không bao giờ có thể xảy ra. Động cơ tấn công rơi vào chỗ khi chúng ta cũng nhận ra rằng tấn công những kẻ khác trong trạng thái tự nhiên thường là cách chắc chắn nhất để có được (hoặc để giữ) những gì bạn muốn.

Liệu có nên phản đối rằng cách miêu tả cảnh ngộ khốn khổ có thể xảy ra của chúng ta trong trạng thái tự nhiên dựa trên giả định rằng con người tàn nhẫn một cách phi thực tế, hay ích kỷ một cách phi thực tế? Nhưng Hobbes sẽ đáp lại rằng cả hai sự phản đối đều không đúng. Con người, Hobbes biện luận, không độc ác: “Rằng bất cứ ai cũng lấy làm thích thú khi gây thiệt hại nặng cho đồng loại mà không có mục đích nào khác, tôi không cho là có thể xảy ra” (Leviathan, 126). Về tính ích kỷ, ông đồng ý rằng con người thường, nếu không phải là luôn luôn, tìm cách thỏa mãn những ham muốn cho bản thân mình. Nhưng nỗi sợ hãi có nguồn gốc tương đương hoặc lớn hơn trong việc gây nên chiến tranh: sợ người khác chung quanh bạn có thể tìm cách lấy đi những gì bạn có. Điều này có thể dẫn bạn đến chỗ tấn công, không phải vì lợi lộc, mà vì sự an toàn hay thậm chí là danh tiếng. Như thế chúng ta đến gần ý tưởng về một cuộc chiến tranh trong đó mỗi người chống lại mọi người khác để tự vệ.

 Tuy nhiên, có thể nói, thật không hợp lý khi cho rằng tất cả mọi người sẽ nghi ngờ lẫn nhau đến mức họ luôn bóp cổ lẫn nhau. Nhưng Hobbes công nhận sẽ có những thời kỳ không hề có xung đột thực sự. Ông định nghĩa tình trạng chiến tranh không phải là thường xuyên đánh nhau, mà là thường xuyên sẵn sàng đánh nhau, khiến cho không ai có thể thư giãn và bỏ rơi việc đề phòng. Có phải ông đã đúng khi nói rằng chúng ta nên nghi ngờ đến như vậy? Tại sao con người trong trạng thái tự nhiên không chấp nhận phương châm “Sống và để cho người khác sống”? Nhưng Hobbes nói, hãy xem chúng ta sống như thế nào, ngay cả dưới uy quyền của nhà nước. Bạn thể hiện ý kiến gì về những người láng giềng khi bạn khóa trái cửa đối với họ? Và về những thành viên khác cùng sống dưới một mái nhà với bạn khi bạn khóa kỹ các rương hòm và ngăn kéo của bạn? Nếu chúng ta quá nghi ngờ khi sống dưới sự bảo vệ của luật pháp, thì hãy nghĩ chúng ta sẽ còn sợ hãi như thế nào nếu ở trong trạng thái tự nhiên. 

Ở điểm này, có thể biện luận rằng, trong khi Hobbes kể cho chúng ta một câu chuyện thú vị, ông đã bỏ qua một điều: đạo đức. Mặc dù các sinh vật không có ý thức đạo đức có thể cư xử như Hobbes vẽ ra, nhưng chúng ta thì khác. Đại đa số chúng ta chấp nhận rằng mình không nên tấn công người khác hay lấy tài sản của họ. Dĩ nhiên, trong một trạng thái tự nhiên một thiểu số sẽ cướp bóc và giết người, như như giờ đây họ đang làm, nhưng sẽ có đủ người có ý thức đạo đức để ngăn chặn tình trạng khó chịu này lan tỏa và ngăn ngừa thiểu số vô đạo đức đưa chúng ta đến một cuộc chiến tranh toàn diện.

Sự phản đối này nêu lên hai câu hỏi chủ yếu. Thứ nhất, Hobbes có tin rằng chúng ta có thể hiểu được những ý tưởng về đạo đức trong một trạng thái tự nhiên không? Thứ hai, nếu chúng ta có thể, liệu ông có thừa nhận rằng việc nhận ra bổn phận đạo đức, trong tình trạng không có nhà nước, là động cơ đủ để gạt qua một bên nỗi cám dỗ xâm phạm những kẻ khác để chiếm lấy tài sản của họ? Chúng ta hãy xem xét lập trường của Hobbes đối với câu hỏi đầu tiên.

Hobbes dường như phủ nhận việc có thể có một nền đạo đức trong trạng thái tự nhiên: “Đối với cuộc chiến mọi người chống lại mọi người này ... không gì có thể là Bất công. Các khái niệm về Đúng và Sai, Công lý và Bất công, không có chỗ đứng” (Leviathan, 188). Lý lẽ Hobbes sử dụng ở đây là sự bất công bao gồm việc vi phạm một luật lệ nào đó, nhưng để cho một luật tồn tại phải có một nhà ban hành luật, một quyền lực phổ biến, có khả năng đem thi hành luật ấy. Trong trạng thái tự nhiên không có quyền lực phổ biến, do đó không có luật pháp, do đó không có việc vi phạm luật pháp, và do đó không có bất công. Mỗi người có “quyền Tự do … sử dụng sức mạnh của chính mình … để duy trì Bản chất riêng của mình; tức là Cuộc sống của chính mình; và do đó, làm bất cứ điều gì mà trong sự Đánh giá và Lý trí của mình hắn cho là phương tiện thích hợp nhất” (Leviathan, 189). Một trong những hệ quả của việc này, Hobbes tuyên bố, là “trong một tình trạng như thế mọi người đều có Quyền làm mọi thứ; ngay cả đối với thân thể của nhau” (Leviathan, 190). Hobbes gọi quyền tự do hành động như bạn nghĩ là phù hợp để duy trì “quyền tự nhiên” của bản thân: kết quả của nó dường như là, trong trạng thái tự nhiên, bạn được phép làm bất cứ điều gì, ngay cả lấy đi mạng sống của người khác, nếu bạn tin rằng hành động này sẽ giúp bạn tồn tại. 

Tại sao Hobbes có quan điểm cực đoan như vậy, khi công nhận cho mọi người quyền tự do làm bất cứ điều gì họ nghĩ là phù hợp trong trạng thái tự nhiên? Có lẽ lập trường của ông không quá cực đoan. Chúng ta sẽ thấy khó mà bất đồng về việc mọi người trong trạng thái tự nhiên có quyền tự bảo vệ. Nói vậy cũng có vẻ rõ ràng là các cá nhân phải quyết định cho chính mình điều gì được xem đúng là một mối đe dọa, và hơn nữa, cần có hành động nào phù hợp nhất khi đối diện với mối đe dọa như thế. Dường như không ai có thể bị phê bình một cách hợp lý vì bất cứ hành động nào họ đưa ra để bảo vệ chính mình. Vì ngăn ngừa là một hình thức phòng vệ, việc xâm phạm những kẻ khác thường được xem như hình thức phải lẽ nhất để tự vệ.

Trong trường hợp đó, đây là lời giải thích ban đầu đơn giản quan điểm của Hobbes. Trong trạng thái tự nhiên không có công bằng hay bất công, không có đúng hay sai. Những khái niệm đạo đức không được áp dụng. Đây là điều Hobbes gọi là “Quyền Tự nhiên của Tự do”. Nhưng như chúng ta sẽ thấy, quan điểm của Hobbes có những phức tạp hơn nữa.

Ngoài Quyền Tự nhiên của Tự do, Hobbes biện luận rằng những điều chúng ta gọi là “những Luật của Tự nhiên” cũng tồn tại trong trạng thái tự nhiên. “Luật cơ bản” đầu tiên là: “Mọi người phải nỗ lực vì Hòa bình, trong chừng mực anh ta có hy vọng đạt được nó; và khi không thể có được nó, anh ta có thể tìm kiếm và sử dụng, tất cả những sự giúp đỡ và lợi thế của Chiến tranh” (Leviathan, 190). Luật thứ hai chỉ thị cho chúng ta từ bỏ quyền của mình đối với mọi thứ, miễn là những người khác cũng sẵn lòng làm thế, và mỗi người nên bằng lòng với mức độ tự do anh ta có thể có trong việc chống lại những kẻ khác, như là anh ta sẽ cho phép những kẻ khác chống lại mình” (Leviathan, 190). Luật thứ ba, vốn đặc biệt quan trọng đối với lập luận khế ước xã hội sau này của Hobbes đối với nhà nước, là thực hiện bất cứ giao ước nào bạn lập nên. Trên thực tế, Hobbes viết ra tổng cộng mười chín Luật Tự nhiên, liên quan đến công lý, tài sản, sự biết ơn, sự ngạo mạn, và những vấn đề khác về hành vi đạo đức. Tất cả các luật lệ này, Hobbes giả định, có thể được suy ra từ qui luật cơ bản, mặc dù ông nhận thức rõ rằng ít có người nào sẽ thực hiện việc suy diễn, vì phần lớn người ta “quá bận rộn với việc kiếm thức ăn, còn những người còn lại thì quá cẩu thả để hiểu được” (Leviathan, 214). Nhưng các Luật của Tự nhiên có thể được “rút gọn lại thành một nội dung tổng quát dễ dàng … Đừng làm cho người khác, điều mà bạn sẽ không làm cho chính mình”, một phát biểu tiêu cực của “qui tắc vàng” trong Kinh Thánh (“Hãy làm cho người khác như bạn sẽ yêu cầu họ làm cho bạn”).[1]

Do đó, Luật của Tự nhiên có thể dễ dàng được gọi là một bộ luật đạo đức. Nhưng nếu Hobbes có ý cho rằng đây là một tập hợp các quy tắc đạo đức để chi phối trạng thái tự nhiên, thì điều này dường như mâu thuẫn với tuyên bố trước đó của ông rằng không có đúng hay sai trong một tình trạng như vậy. Ngoài ra, nếu người ta bị thúc đẩy phải tuân theo luật đạo đức, thì có lẽ việc này sẽ khiến cho trạng thái tự nhiên khá bình yên hơn là Hobbes mong đợi. Tuy nhiên, Hobbes không mô tả những Luật của Tự nhiên như là những luật đạo đức, mà đúng ra là như những định lý hay kết luận của lý trí. Có nghĩa là Hobbes tin tưởng rằng việc tuân theo những luật này sẽ mang lại cho mỗi người cơ hội tốt nhất để duy trì cuộc sống của hắn ta.

Tuy nhiên, điều này dường như dẫn đến một vấn đề khác. Luật cơ bản của Tự nhiên cho chúng ta biết rằng tìm kiếm hòa bình là hợp lý. Nhưng Hobbes đã biện luận rằng trạng thái tự nhiên sẽ là một tình trạng chiến tranh, vì trong trạng thái tự nhiên xâm phạm kẻ khác là điều hợp lý. Làm sao Hobbes có thể nói rằng tính hợp lý cần đến cả chiến tranh lẫn hòa bình? 

Tôi nghĩ, câu trả lời là chúng ta phải phân biệt sự hợp lý về mặt cá nhân và về mặt tập thể. Hợp lý về mặt tập thể là điều tốt nhất cho mỗi cá nhân dựa trên giả định rằng mọi người khác cũng sẽ hành động theo cùng một cách. Các Luật của Tự nhiên biểu lộ điều gì hợp lý về mặt tập thể. Chúng ta có thể minh họa cho sự khác biệt này bằng một ví dụ từ Jean-Paul Sartre. Ta hãy xem một nhóm nông dân, mỗi người canh tác thửa đất riêng của mình trên một triền đồi dốc. Từng người một, họ nhận ra rằng họ có thể gia tăng phần có thể sử dụng của mảnh đất của mình bằng cách đốn hạ cây cối và trồng thêm hoa màu. Do đó tất cả bọn họ đều đốn cây. Nhưng trong cơn bão lớn sau đấy mưa đã cuốn sạch lớp đất màu mỡ khỏi ngọn đồi, gây thiệt hại cho đất đai. Ở đây chúng ta có thể nói rằng điều hợp lý về mặt cá nhân đối với mỗi nông dân là chặt cây của mình để tăng diện tích đất canh tác. (Chặt các cây trong chỉ một lô đất sẽ không tạo nên sự khác biệt đáng kể nào đối với việc xói mòn đất.) Nhưng về mặt tập thể đây là một tai họa, vì nếu tất cả bọn họ đều đốn hạ cây của mình thì nông trại của mọi người sẽ phá sản. Do đó điều hợp lý về mặt tập thể cần phải làm là để lại phần lớn, nếu không phải tất cả, cây cối được đứng yên.

Đặc điểm thú vị của những trường hợp có tính chất này (trong văn học được gọi là “thế tiến thoái lưỡng nan của tù nhân”) là, khi tính hợp lý về mặt cá nhân và tập thể xa rời nhau, rất khó để đạt được sự hợp tác về kết quả hợp lý chung. Mọi cá nhân đều có một động cơ thúc đẩy để “đào ngũ” nhằm ủng hộ cho cách cư xử hợp lý về mặt cá nhân. Giả sử những người nông dân hiểu được cơ cấu của hoàn cảnh họ, và do đó đồng ý ngưng việc đốn hạ cây. Sau đó bất kỳ người nông dân riêng lẻ nào cũng có thể lý luận rằng anh ta sẽ gia tăng sản lượng bằng việc đốn hạ cây cối. (Nhớ rằng việc khai quang chỉ một lô đất sẽ không dẫn đến tình trạng xói mòn đất đáng kể). Nhưng điều gì đúng với một người cũng đúng với mọi người, và do đó mỗi người trong bọn họ bắt đầu khai quang thửa đất của mình, để có được một mối lợi cá nhân. Ngay cả khi họ thỏa thuận nhau, mọi người cũng đều có lý do vững chắc để phá vỡ thỏa thuận ấy. Do đó quan điểm hợp lý về mặt tập thể không đứng vững, và các cá nhân sẽ có khuynh hướng đào ngũ, thậm chí nếu họ biết rõ những hậu quả nếu ai cũng hành động theo kiểu ấy.

Theo kiểu này, một cách nghĩ về lập luận của Hobbes là, trong trạng thái tự nhiên, cách cư xử hợp lý của cá nhân là tấn công người khác (vì những lý do chúng ta đã thấy) và điều này sẽ dẫn đến tình trạng chiến tranh. Tuy nhiên, những Luật của Tự nhiên bảo với chúng ta rằng tình trạng chiến tranh không phải là tình huống không thể tránh khỏi đối với con người bởi vì một mức độ khác của cách cư xử -  sự hợp lý về mặt tập thể - có lẽ cũng có sẵn. Giá như bằng cách nào đó chúng ta có thể tiến lên mức độ hợp lý tập thể và tuân theo những Luật của Tự nhiên, chúng ta có thể sống trong hòa bình, không sợ hãi.

Giờ đây câu hỏi là liệu Hobbes có tin rằng mỗi người trong trạng thái tự nhiên có bổn phận tuân theo những Luật của Tự nhiên, và nếu như vậy liệu việc công nhận bổn phận của họ có đủ để thúc đẩy mọi người tuân theo các Luật. Câu trả lời của Hobbes ở đây rất khôn khéo. Ông nói rằng các Luật ràng buộc “in foro interno” (trong tòa án nội tâm), nhưng không phải luôn luôn “in foro externo” (trong tòa án bên ngoài). Điều ông muốn nói là tất cả chúng ta nên mong muốn rằng các Luật có hiệu lực, và tính đến chúng trong quá trình cân nhắc của chúng ta, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta phải luôn tuân theo chúng trong mọi trường hợp. Nếu những người khác chung quanh tôi không tuân thủ các Luật, hoặc, như thường xảy ra trong trạng thái tự nhiên, tôi có quyền nghi ngờ một cách hợp lý rằng họ sẽ vi phạm các Luật, lúc ấy thật là đơn giản và thất sách đối với tôi nếu tuân theo. Trong những trường hợp này bất cứ ai tuân thủ cũng sẽ “tự biến mình thành con mồi cho những người khác, và mang lại sự hủy diệt chắc chắn của mình” (Leviathan, 215). (Trong ngôn ngữ kỹ thuật của trò chơi hiện đại, bất cứ ai hành động như thế này là một “sucker” – một gã khờ!). 

Vậy thì, tóm lại, quan điểm của Hobbes là chúng ta có bổn phận tuân theo những Luật của Tự nhiên khi những người khác chung quanh chúng ta được biết là (hoặc có thể được mong đợi một cách hợp lý) cũng sẽ tuân theo, vì lúc ấy sự tuân thủ của chúng ta sẽ không bị lợi dụng. Nhưng nếu chúng ta ở trong một vị thế bất an, thì nỗ lực tìm kiếm hòa bình và hành động với đức hạnh đạo đức sẽ dẫn tới sự tiêu tan chắc chắn của một cá nhân và do đó chúng ta được phép “sử dụng tất cả những lợi thế của chiến tranh”. Trong trường hợp ấy, điểm cốt yếu thực sự dường như không chính xác là những khái niệm đạo đức không có được sự áp dụng trong trạng thái tự nhiên, mà là mức độ nghi ngờ và sợ hãi lẫn nhau trong trạng thái tự nhiên quá cao khiến cho chúng ta thường có thể được miễn thứ vì không tuân thủ luật lệ. Chúng ta chỉ nên hành động có đạo đức khi có thể được bảo đảm rằng những người chung quanh chúng ta cũng làm như vậy, nhưng điều này rất hiếm trong trạng thái tự nhiên khiến cho các Luật của Tự nhiên sẽ, trong thực tế, hầu như không bao giờ phát huy tác dụng. 

Hobbes nhìn thấy phương cách thoát khỏi tình trạng khó khăn này là tạo ra một nhà cai trị hoặc “chúa tể”, người sẽ trừng phạt nghiêm khắc những ai không tuân theo Luật pháp. Nếu vị chúa tể có hiệu quả trong việc giữ mọi người tuân theo Luật pháp, thì khi ấy, và chỉ khi ấy, không ai có thể nghi ngờ một cách hợp lý rằng những kẻ khác sẽ tấn công. Trong trường hợp ấy sẽ không còn cớ gì để phát động một cuộc xâm lược. Lợi thế lớn lao của nhà nước, Hobbes biện luận, là nó tạo nên những tình trạng trong đó dân chúng có thể tuân theo những Luật của Tự nhiên một cách an toàn. 

Chúng ta sẽ kết thúc phần này bằng cách nhớ lại lời giải thích của Hobbes về trạng thái tự nhiên. Nó là một trạng thái trong đó mỗi người nghi ngờ một cách đúng đắn mọi người khác, và sự nghi ngờ này, không chỉ là tính ích kỷ hay ác dâm (sadism), mà còn đưa tới chiến tranh, lúc ấy mọi người sẽ tấn công vì lợi ích, sự an toàn, và danh tiếng. Chiến tranh tự nó gây ra và tự nó duy trì, vì sự nghi ngờ hợp lý về cách cư xử hung bạo dẫn đến vòng xoáy bạo lực ngày một gia tăng. Trong một tình huống như vậy cuộc sống thật sự khốn khổ, không chỉ bị hủy hoại vì lo sợ, mà còn thiếu những tiện nghi vật chất và những nguồn phúc lợi. Vì không ai có thể chắc chắn giữ được bất cứ tài sản nào, ít người sẽ tham gia vào việc canh tác, hoặc tham gia vào bất cứ kế hoạch hay công cuộc kinh doanh dài hạn nào. Người ta sẽ dành tất cả thời gian của mình để kiếm sống hoặc đánh nhau. Trong những hoàn cảnh như vậy tuyệt đối không có cơ hội để nghệ thuật hay khoa học có thể phát triển rực rỡ. Cuộc sống ngắn ngủi của chúng ta sẽ được sống mà không có bất cứ điều gì khiến cho nó đáng giá.

 



[1] Qui tắc này cũng được đề cập đến trong sách Luận Ngữ. Khi Trọng Cung hỏi thế nào là nhân thì Khổng Tử nói: "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân - Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác." Đông Tây tuy xa cách, nhưng những tư tưởng lớn dễ gặp nhau.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt